Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 2:




“Tri thư, đạt lý”
Ông cụ và người thanh niên kia vào trong quán trà thảo dược ngồi nghỉ, gọi hai ly trà.
Đường Thận dọn sạp xong, đang chuẩn bị về nhà thì bỗng thấy một tên lưu manh đi vào quán trà. Tên này là loại ăn cắp có nghề, gã giấu tay phải sau lưng, bước chân thoăn thoắt áp sát hai người lạ mặt.
“Quý khách có uống nước trái cây không ạ?”
Tên trộm bị bất ngờ, phải lùi lại ngay.
Đường Thận cầm hai cốc nước trái cây đặt trước mặt ông cụ già và người thanh niên. Ánh mắt cậu từ tốn liếc về phía tên ăn cắp.
Kẻ cắp phen này gặp bà già, đành nghiến răng bỏ đi.
Cụ già cười: “Cảm tạ tiểu huynh đệ, nước trái cây này bao nhiêu tiền? Chúng ta muốn uống thử.” 
Nét mặt ông cụ rất bình thản, đôi mắt thâm thúy như nhìn thấu sự đời.
Một dòng suy nghĩ vụt qua, Đường Thận hỏi: “Ngài đã phát hiện ra từ đầu rồi ư?”
Thanh niên áo xanh bèn nói: “Xì, hạng đầu trộm đuôi cướp ấy có giỏi cứ thử trộm của chúng ta xem.”
Đường Thận nhìn gan bàn tay chàng trai này toàn vết chai, hiển nhiên là người học võ.
“Kẻ hèn này múa rìu qua mắt thợ rồi.” Đường Thận ngượng ngùng nói.
Ông cụ đánh giá Đường Thận một lát, rồi nói với người thanh niên đi cùng: “Nước quả này màu hơi lạ nhưng vị bình thường, uống giải khát được.”
Người thanh niên lập tức hiểu ý, móc ra một túi tiền nặng trịch, đếm vài đồng đưa cho Đường Thận.
Đường Thận thoạt tiên không chịu nhận tiền, nhưng người thanh niên cứ dúi cho cậu. Không lâu sau, ông cụ già và người thanh niên đều lên xe ngựa, xe lại lăn bánh rời khỏi quán trà. A Hoàng thấy người đã đi, vội vàng chạy tới lấy hết tiền trong tay Đường Thận, cẩn thận nhét vào cái bao đựng tiền vá víu của mình.
“Tiền dâng đến tận miệng anh còn không thèm lấy. Đường Thận, anh đúng là đồ đại ngốc!”
“Hắn chỉ đưa có bốn đồng thôi.”
A Hoàng la lên: “Trời nóng quá đầu anh bốc cháy luôn rồi hả? Nước trái cây nhà chúng ta hai đồng một cốc, hai cốc chẳng bốn đồng thì bao nhiêu?”
Đường Thận thu lại ánh mắt dõi theo cỗ xe, ngao ngán dòm cô em gái.
“Chỉ mong ngóng đền ơn thì không thể trở thành người vĩ đại.”
Đường Hoàng: “Hả?”
Đường Thận: “Không thể tin nổi tên em lại là Đường Hoàng!”
“Tên em là Đường Hoàng thì sao? Anh là đồ ngốc với em là Đường Hoàng thì có liên quan gì tới nhau hả?”
Đường Thận không đáp nữa, cậu chỉ lẩm bẩm một câu “Ngốc quá đi mất”, rồi quay đầu đi thẳng. Cô nhóc tròn mắt, vội vàng đuổi theo, lớn tiếng nhì nhèo Đường Thận giải thích cho rõ ràng.
Hai anh em mỗi người đeo một cái sọt trúc, đi bên nhau trên bờ ruộng. Mặt trời xuống núi như quả quýt hồng rực, chẳng mấy chốc trời đã tối đen.
“Sự tung hô chưa bao giờ là mục tiêu của những người vĩ đại.” – trích khổ 8, chương 9, tiểu thuyết thơ Don Juan1.
[1] Đường Hoàng là phiên âm của Don Juan trong tiếng Hán.
Không cần hỏi cũng biết phải trả bốn đồng, hiển nhiên ông cụ và thanh niên tiến vào quán trà đã chú ý tới hai anh em nhà họ, biết nước trái cây giá bao nhiêu. Dẫu thấy hai anh em áo quần mộc mạc, gia cảnh túng thiếu, họ không hề tỏ ra thương hại mà chỉ đưa đúng bốn đồng. Hành động nhỏ thể hiện sự tôn trọng ấy quả là tác phong của người quân tử lòng không gợn đục. 
Đường Thận ngửa mặt lên trời thở dài. Tôn với chả trọng, thà các ngài lấy tiền đè chết chúng tôi luôn đi cho rồi!
Đường Thận buồn bực đến tận lúc về nhà, may mà có tin tốt lành đang chờ cậu.
Trưởng thôn dắt theo một người đàn ông đợi ở cửa nhà đã lâu. Đường Hoàng ôm chặt cái sọt nhỏ của mình theo bản năng, bên trong sọt còn đựng mấy cốc nước trái cây. Trái lại, Đường Thận tươi tỉnh tiến lên tay bắt mặt mừng: “Bác trưởng thôn!”
Trưởng thôn cười bảo: “Tiểu Đường lang, giờ này mới về hả?”
Thôn dân hay gọi Đường tú tài là Đường lang nên Đường Thận thỉnh thoảng cũng được gọi là Tiểu Đường lang.
Lúc mới nghe người ta gọi mình thế, Đường Thận còn thấy gai người, về sau quen rồi mới thôi. Cậu hỏi: “Bác trưởng thôn tìm cháu có việc gì thế ạ?”
Trưởng thôn đáp: “Tháng sau, hội chùa huyện Ngô sẽ được tổ chức ở thôn Triệu gia chúng ta. Nước trái cây của cháu rất ngon, giải nhiệt giải khát tốt. Bác đã thương lượng với người các thôn khác, bọn bác muốn đặt mua của cháu hai mươi cân nước hoa quả, đến ngày hội chùa sẽ mời dân cư những thôn lân cận nếm thử. Cháu có thể làm đủ để bán cho chúng ta được không? Đương nhiên, chuyện tiền nong sẽ không để cháu thiệt, bọn bác sẽ trả cháu hai xâu tiền.”
Đường Hoàng trợn tròn mắt, không tin vào tai mình nữa.
Đường Thận chẳng có vẻ gì là bất ngờ, cậu nhận lời với trưởng thôn, hứa hẹn trước dịp hội chùa sẽ chuẩn bị đủ nước hoa quả.
Chờ trưởng thôn đi rồi, A Hoàng sung sướng mãi không thôi: “Đường Thận, hai xâu tiền là ba trăm hai mươi đồng đó, nửa năm tới chúng ta không cần phải bán nước trái cây rồi!”
“Em đã hiểu tại sao anh tặng nước ép quả cây cho trưởng thôn suốt tám ngày chưa?”
Đường Hoàng ngơ ngác: “Hở?”
Đường Thận: “Khiến cho thật nhiều người biết đến tiếng tăm của mình, chính là quảng cáo. Rượu ủ trong hầm sâu thì lấy đâu ra người thưởng thức? Đi, hấp cho anh cái bánh gio, anh nói cho mà biết.”
Đường Hoàng đứng phỗng ra.
Đường Thận bước được mấy bước lại quay đầu nhìn cô em nhà mình, chỉ thấy cô nhóc đăm chiêu hồi lâu, chợt reo lên: “Em hiểu rồi!”
Đường Thận: “?”
Hiểu cái gì mà hiểu chứ!
Tuy rằng có đơn hàng tháng sau, hằng ngày không còn phải gùi sọt nước ép tới quán trà bán nữa, hai anh em lại không ngơi chân ngơi tay lúc nào. Cả hai tay năm tay mười chế biến nước trái cây. Sau vài hôm, Đường Thận lấy vải bố bọc kín mấy cái chum sành đựng nước quả. Kiểm tra kĩ không còn chỗ nào không khí lọt vào được, cậu bèn lấy mấy ống tre đựng nước quả, đi ra khỏi nhà.
Cậu đi miết sang học đường bên cổng thôn phía Tây. Chưa vào tới nhà đã nghe vang tiếng lũ trẻ đọc sách.
Đám nhi đồng lắc lư đầu theo nhịp, dõng dạc đọc thuộc lòng sách Luận Ngữ. Chẳng cần biết có hiểu chữ nào hay không, cứ đọc cho thuộc rồi tính.
Đường Thận ngó vào cửa sổ, không thấy Tằng phu tử liền đoán là tiên sinh đang nghỉ ngơi ở nhà trong. Cậu quen lối đi vòng vào gian nhà phía sau, gõ cửa cộc cộc. Tiếng nói chuyện bên trong ngưng lại, Tằng phu tử hỏi vọng ra: “Ai thế?”
“Là con đây thưa tiên sinh.”
Sau một thoáng im lặng, trong gian nhà truyền ra tiếng nói nhỏ: “Cậu này là học trò của lão phu.”
Lát sau, tiếng Tằng phu tử lại vang lên: “Con vào đi.”
Đường Thận đẩy cửa bước vào, chỉ thấy trong nhà khá tù mù. Ở cao đường, Tằng phu tử ngồi phía bên phải, bên trái là một người không rõ mặt. Đường Thận đi vào nhà xong liền ngước lên nhìn.
Không ngờ người đó chính là ông cụ trong quán trà hôm qua!
Ông cụ kia cũng nhận ra Đường Thận, hai người đều ngạc nhiên không thốt nên lời.
Đường Thận đặt ống tre lên bàn: “Con mang nước trái cây đến cho tiên sinh đây ạ, hôm nay trời nóng, tiên sinh uống nước quả cho thanh nhiệt.” Dứt lời, cậu liền đi về phía lối ra ngay.
Song Tằng phu tử lên tiếng cản cậu ngay: “Thằng nhóc kia, bao giờ con mới định đi học lại hả?”
Chuyện này thật chẳng ai ngờ.
Đường Thận vốn nghĩ Tằng phu tử đang tiếp khách quý, mình đi vào đã là quấy rầy ông rồi nên mới không nhiều lời, đưa đồ rồi đi ngay.  Nào ngờ phu tử lại chọn đúng lúc này để khuyên can cậu tiếp tục học hành. Nhất thời, cậu rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, không biết nên đi hay nên ở.
Vị khách quý ung dung quan sát, dường như đã ngầm hiểu điều gì.
Tằng phu tử nói: “Để tiên sinh phải chê cười rồi. Thằng bé này tên là Đường Thận, năm nay mười ba tuổi, cho tới năm ngoái vẫn theo học ở chỗ ta. Phụ thân nó mới mất cách đây một năm vì bệnh tật, người đó cũng là một tú tài. Sau khi cha qua đời, nhà họ Đường chỉ còn thằng nhóc này và em gái sống nương tựa lẫn nhau nên cậu ta đã bỏ học. Lão phu lấy làm tiếc lắm, vì nó vốn là đứa trẻ thông minh, Luận ngữ, Trung dung đều thông hiểu, không được đi học thì thật uổng phí biết bao!”
Đường Thận nghe Tằng phu tử nói mà hốt hoảng.
Luận ngữ, Trung dung, đều thông hiểu?
Tôi không hiểu, tôi không biết gì hết nhé, ngài chớ có ăn ốc nói mò!
Ba hoa quá lố cũng đừng lôi người ta vào chứ!
Ban đầu ông cụ khách quý kia cũng không chú ý tới Đường Thận lắm, nhưng nghe Tằng phu tử nói vậy, ông ta không giấu nổi sự khinh thường trong ánh mắt: “Mười ba tuổi đã tinh thông Luận ngữ, Trung dung kia à?”
Đường Thận trong lòng chỉ muốn bảo “Ngài làm ơn đừng nghe Tằng phu tử nói quàng xiên”, nhưng Tằng phu tử đã nháy mắt lia lịa với cậu ra hiệu: Nhóc con à đây là cơ hội ngàn năm có một cho mi đó, đừng có trách ta không giúp mi nha.
Đường Thận đành khiêm tốn đáp: “Khi xưa, Triệu Tắc Bình đọc nửa bộ Luận ngữ mà trị được thiên hạ2. Chỉ riêng bộ sách này thôi đã đủ để thế nhân nghiền ngẫm cả đời. Tiểu tử bất tài, không dám nhận là tinh thông, chỉ dám nhận là thuộc nằm lòng thôi ạ.”
Người khách cười: “Thuộc nằm lòng cơ đấy?”
Đường Thận vươn thẳng lưng, nghiêm chỉnh đáp: “Vâng.”
“Vậy tạm thời ngươi hãy đọc ngược thiên ‘Thuật nhi3‘ trong Luận Ngữ đi.”
Đường Thận đọc ngay: “An nhi cung, mãnh bất nhi uy, lệ nhi ôn tử, bát thập tam4”
[4] Tử ôn nhi lệ, uy nhi bất mãnh, cung nhi an: Khổng tử ôn hòa mà nghiêm túc, uy nghi nhưng không thô bạo, cung kính mà an nhàn. “Bát thập tam” là đọc ngược của “tam thập bát (bài thứ 38 trong chương)” 
Trong học đường, lũ nhi đồng đã đọc xong bài khóa từ lâu. Bọn trẻ mới bảy, tám tuổi, đứa nào cũng tò mò, bèn bu lại bên cạnh gian nhà trong nhìn lén. Không đứa nào dám gõ cửa cả, chỉ dán mắt vào cửa sổ coi động tĩnh bên trong.
Trong phòng, Đường Thận càng đọc càng thuận miệng, càng đọc càng hăng say.
Thuật Nhi trong Luận ngữ có tổng cộng ba mươi tám câu. Cậu đọc trôi chảy say sưa, e rằng thư sinh đèn sách hai mươi năm cũng không thể đọc thuộc làu mà lại diễn cảm thế. Rõ ràng là đọc ngược, nhưng cậu không hề thực hiện qua loa, từng câu từng chữ đọc lên sang sảng, như thể bản đọc ngược này mới chính là Luận ngữ vậy.
“… Tác bất nhi thuật, viết Tử, Nhất5.”
[5] Tử viết: Thuật nhi bất tác, tín nhi hiếu cổ, thiết tỉ ư ngã lão Bành -> Khổng tử nói: Ta chỉ thuật lại chứ không sáng tác, ta yêu và tin văn hoá cổ, trộm ví mình như lão Bành. 
Cậu đọc liền một hơi đã hết, trong ngoài học đường đều im phăng phắc.
Một chú bé đứng bên ngoài gãi đầu gãi tai: “Tiên sinh đâu có dạy mình thế nhỉ?”
Thanh niên đi theo ông cụ kia cũng nhủ thầm: “Tiểu tử này ngạo mạn ra phết.”
Đọc xong bài, Đường Thận tỏ ra hết sức khiêm nhường mà khom người cúi chào. Khí phách dâng trào, phong thái trác tuyệt vừa hiển lộ lúc đọc bài đã thu vào hết, tựa như hai người khác nhau.
Qua một lúc, ông cụ kia hỏi: “Tại sao ngươi lại nghỉ học?”
Ông ta hoàn toàn không màng đến chuyện Đường Thận có đóng nổi thúc tu hay không. Tằng phu tử đã thể hiện rõ ý muốn Đường Thận đi học lại, còn dám đem chuyện này ra nói trước mặt ông để thúc ép Đường Thận, nhân tiện tiến cử thằng bé, hẳn là không có chuyện từ chối dạy vì thiếu học phí.
Ruột gan Tằng phu tử xoắn cả lên, ông ta ra sức nháy mắt với đệ tử ruột của mình.
Đường Thận thầm thở dài.
Cậu có thể đọc ngược Luận ngữ cũng là nhờ năng lực phát sinh sau khi xuyên thời gian. Nhờ năng lực đó, bất cứ sách vở gì cậu chỉ cần đọc một lần, xem một lần là có thể nhớ hết. 
Nhưng việc đi học thì…
Đường Thận từ tốn nói: “Mạn phép hỏi tiên sinh, thư sinh trong thiên hạ học để làm gì ạ?”
Câu hỏi này dễ như ăn kẹo, lũ nhi đồng ngoài cửa chưa gì đã nhao nhao lên:
“Để đi thi đỗ đạt chứ còn gì!”
“Để làm quan mới đúng!”
“Để kiếm thật nhiều tiên nuôi cha mẹ!”
Tằng phu tử đổ quạu, phất tay áo quát lên: “Đúng là gỗ mục không thể chạm khắc6!” Ông vội vàng lao ra đuổi lũ trẻ nghịch ngợm đi.
Học để làm gì?
Đặt trong bối cảnh hiện đại, chín mươi phần trăm mọi người sẽ trả lời rằng đi học để có một công việc tốt, có cuộc sống tốt. Đây là lí lẽ chính đáng không ai phản bác được. 
Đáp án này không chỉ lũ trẻ kia nói được, mà ngay cả Tằng phu tử cũng có thể đem ra khuyên nhủ học trò. Nhưng Đường Thận biết ông cụ bí ẩn kia sẽ không trả lời như vậy. 
Ông cụ ngẫm nghĩ hồi lâu không đáp, hỏi ngược lại cậu: “Thế theo ý ngươi, đi học để làm gì?”
Đường Thận mỉm cười: Tôi là tôi muốn ông hỏi tôi câu này đây!
“Người đi học trong thiên hạ cần tri thư trước, đạt lý sau. Đem đến học thức và giúp con người hiểu lễ nghĩa mới là ý nghĩa sâu xa của sách vở.”
Ông cụ lặng yên nhìn Đường Thận, ánh mắt sâu thẳm như đã trải mấy hồi bể dâu. Ông không phản bác lại ý của Đường Thận: “Ồ, ra là để tri thư đạt lý.”
“Vâng. Có học thức, hiểu lễ nghĩa. Tử Cống từng nói: “Thầy Khổng có đức tính ôn hòa, hiền dịu, cung kính, tiết kiệm nên được kính nể7.” Người đọc sách phải biết noi gương đức thánh Khổng, tức là phải đọc điển tích để hiểu lễ nghĩa, rồi dùng lễ nghĩa đối nhân xử thế. Tiểu tử bất tài, dám hỏi một câu… Nếu đã hiểu lễ nghĩa rồi, vậy còn cần đọc sách để làm gì?”
Thanh niên áo xanh nghe thế sẵng giọng: “Oai môn tà lý, ăn nói xằng xiên!”
Đường Thận không chút bối rối, chắp tay cúi người: “Tiên sinh hỏi tiểu tử về mục đích của việc học, nên tiểu tử mới đành nêu thiển ý của bản thân, cũng tự biết chỉ là những lời thô tục không xứng với chốn thanh cao.”
Ngụ ý chính là tiên sinh nhà anh hỏi nên ta mới dám đáp ấy chứ.
Thanh niên áo xanh toan nói thêm nhưng bị ông cụ cắt lời:
“Ngu Chi!”
Người thanh niên cúi gằm mặt, ỉu xìu không dám nói nữa.
Ông cụ nhìn Đường Thận bằng ánh mắt sáng như đuốc, thần thái thay đổi hẳn. Ánh nhìn chứa sự uy nghiêm của người bề trên khiến Đường Thận nổi da gà, cậu lờ mờ đoán rằng người này hẳn là một vị quan, thậm chí là quan lớn. Trán đổ mồ hôi, nhưng cậu cố gắng giữ bình tĩnh, không hề tỏ ra lúng túng.
Hồi lâu, cụ già mới hỏi: “Ngươi có họ hàng gì với Đường cử nhân ở thành Tây phủ Cô Tô không?”
Đường Thận sững người, chậm rãi đáp: “Hình như cũng là họ hàng xa ạ.”
“Mỗi ngày ngươi đều đều bán nước hoa quả ở quán trà thảo dược kia, không vì kiếm đủ tiền thúc tu để đi học lại thì là vì lẽ gì?”
Tằng phu tử trước giờ cũng không để ý lắm chuyện này, nghe ông cụ kia nói vậy ông ta mới sực nhận ra: “Đúng! Thằng nhóc này, mỗi ngày người bán được bao nhiêu nước quả, lời lãi không ít, ngươi không dùng tiền đó để đi học… Vậy tóm lại ngươi có ý định gì?”
Đường Thận cười gượng gạo.
Gừng càng già càng cay. Tằng phu tử chưa đủ cay thì có người cay hơn lão.
Đường Thận không đáp, ông cụ già cũng không ép. Ông ta đứng lên bảo: “Xin cáo từ trước.”
Trước khi đi, ông sai thanh niên áo xanh lấy một tờ danh thiếp đưa cho Đường Thận. Chàng thanh niên kia có vẻ ngần ngừ không phục, nhưng vẫn nghiêm chỉnh đưa cho Đường Thận. 
Danh thiếp làm bằng giấy lụa trắng mạ vàng, đề ba chữ “Lương Bác Văn” thật to, nét bút uốn lượn như rồng bay phượng múa. Mặt sau danh thiếp viết địa chỉ theo lối trâm hoa tiểu Khải8: Lương phủ, hẻm Đường Đức, phủ Cô Tô.
[8] Chữ Khải là mẫu chữ chuẩn mực và thông dụng, “trâm hoa tiểu Khải” là lối viết chữ Khải nhỏ, đường nét mềm mại thanh thoát, rất được nữ giới thời xưa yêu thích.
Đường Thận ngắm tờ danh thiếp rồi thản nhiên cất vào trong áo, vừa cất xong liền ăn ngay một cái bợp tai.
Đường Thận ngơ ngác ngẩng đầu nhìn Tằng phu tử: “… Tiên sinh?”
Tằng phu tử tức ói máu: “Đồ ngốc này, ngươi có biết người ta là ai không?”
Đường Thận đáp tỉnh bơ: “Biết, là khách quý chứ gì.” Khéo là khách cực quý ấy chứ.
Tằng phu tử suýt thì bợp cho cậu ta thêm một cái nữa, lần này không bợp vào đầu, phải bớp vào cái mặt xinh xẻo của thằng nhóc họ Đường này mới được!
“Lương Tụng – Lương Bác Văn, Phủ doãn phủ Cô Tô. Ngài ấy chính là một trong Tứ Nho thiên hạ đấy.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.