Diêu Tam nói: “Hầu như thợ nắm bắt được hết phương pháp rồi, nhưng sản lượng ngọc lưu ly trong suốt vẫn chưa ổn định. Thứ nhất là vì sản phẩm này rất khó chế tạo, khó hơn xà phòng nhiều. Thứ hai là vì thời hạn ngắn quá, lại đúng dịp Tết, công nhân về nhà ăn Tết hết, chưa sản xuất được bao nhiêu lần.”
Đường Thận suy nghĩ một lát, nói: “Dẫn tôi đi xem thế nào.”
Các quan được nghỉ đến mười bảy tháng Giêng, tức là sau tết Nguyên Tiêu mới phải đi làm. Đường Thận về Thịnh Kinh sớm hơn hạn ấy mấy hôm, cậu khoác áo ấm dày dặn, đi cùng Diêu Tam đến xưởng ngọc lưu ly ở phía Đông thành.
Đúng thế, trước khi rời khỏi Thịnh Kinh, Đường Thận đã dày công nghiên cứu suốt nửa tháng để tạo ra được thủy tinh.
Khi Đường Thận đưa thành phẩm cho bọn Diêu Tam và kế toán Lâm, mọi người đều trầm trồ thốt lên: “Ngọc lưu ly!”
Quản lí Lục hay giao lưu với người bên phủ Cảnh Vương, đã thấy vô số thứ đồ quý giá. Ông ta nói: “Ngọc lưu ly có giá vô cùng đắt, phần lớn là cống phẩm cho hoàng cung, bên ngoài cũng có nhưng hầu hết chế tác rất thô sơ, độ tinh khiết lại kém. Ngọc lưu ly chất lượng xuất sắc thế này, hẳn phải được chế tạo từ đá Lưu Ly cao cấp nhất. Tiểu đông gia, cậu có được từ đâu thế?”
Mọi người đều coi thủy tinh là ngọc lưu ly nên Đường Thận không có ý định phân biệt quá rạch ròi. Cậu nói: “Ngọc lưu ly phần nhiều là loại màu sắc sặc sỡ, ông đã gặp loại trong suốt thế này bao giờ chưa?”
Quản lí Lục săm soi một hồi: “Thế thì chưa, đúng là chưa thấy loại trong suốt bao giờ cả.”
Đường Thận nói: “Đây là một loại ngọc lưu ly đặc biệt, không dùng đá Lưu Ly tạo thành. Tôi gọi nó là thủy tinh, nhưng mọi người cứ gọi là ngọc lưu ly cũng được. Cái chính là nó không được làm từ đá Lưu Ly.” Đường Thận nhấn mạnh thêm một lần nữa.
Kế toán Lâm và quản lí Lục sửng sốt nhìn nhau.
Kế toán Lâm nói: “Tiểu đông gia, ý của cậu là… nguyên liệu làm nên vật này, rẻ hơn so với đá Lưu Ly?”
Quản lí Lục: “Rẻ hơn bao nhiêu thế ạ?”
Đường Thận giơ tay làm dấu một con số.
Mọi người chao đảo, hít vào một hơi.
Vì thế, hôm nay mới có một màn như sau.
Đường Thận và Diêu Tam đến xưởng ngọc lưu ly, thấy các thợ thủ công đang tỉ mỉ mài đá Lăng Tử thành bột. Ở một gian khác trong xưởng, những người thợ đang điều chế xút. Vì trước đó mọi người đã có kinh nghiệm sản xuất xà phòng, quá trình điều chế xút diễn ra vô cùng suôn sẻ. Tuy nhiên, nếu cứ trộn hết bột đá Lăng Tử, bột đá Bồ Tát và bột cát kết vào với nhau rồi cho phản ứng với xút thì vẫn thất thoát kha khá.
Đường Thận theo dõi rất lâu, rồi tự bắt tay vào thử nghiệm, cậu thảo luận với mấy người thợ có kinh nghiệm trong việc chế tạo xà phòng suốt mấy ngày, cuối cùng chỉ tăng hiệu suất được đến 40%.
Đường Thận tiếc rẻ: “Mặc dù đây là phương pháp chế tạo thủy tinh của người phương Tây từ thời cổ đại, nhưng nếu có thể sử dụng máy móc thời hiện đại, hiệu suất phải lên đến 70%.”
Sau khi chế tạo ra thủy tinh dạng lỏng đỏ rực và nóng rẫy như nham thạch là đến công đoạn thổi thủy tinh thành hình dáng.
Phương pháp thổi thủy tinh cũng là phương pháp chế tác thủy tinh được sử dụng suốt mấy ngàn năm ở thế giới phương Tây, đến thời hiện đại nó vẫn được kế thừa bởi nhiều thợ thủ công. Các thợ thủ công dùng một tuýp sắt dài mảnh, nhúng một đầu vào thủy tinh lỏng. Thủy tinh lỏng có độ dính rất cao, sẽ cuốn vào một đầu ống giống như keo thổi bong bóng vậy, thợ thủ công sẽ thổi mạnh từ đầu kia của ống tuýp, khiến thủy tinh lỏng phồng lên.
Sau đó, người thợ có thể tùy ý thổi thủy tinh thành hình dạng mong muốn.
Hiện giờ thợ của Đường Thận vẫn chưa thể thổi ra các sản phẩm đòi hỏi độ khéo léo cao, mà mới chỉ thổi được những hình đơn giản.
Đường Thận quan sát thợ thổi thủy tinh rồi chọn vài người dẫn ra một góc. Đường Thận nói: “Từ giờ các anh được miễn tham gia công đoạn chế tạo nham dịch.” Nham dịch ở đây chính là thủy tinh lỏng, “Nhiệm vụ của các anh là tập trung vào công đoạn thổi thủy tinh, làm sao tạo ra được càng nhiều hình dáng phức tạp và hoa văn cầu kì hơn nữa.”
Những người thợ ấy gật đầu vâng lệnh.
Nói xong, Đường Thận bảo Diêu Tam: “Diêu đại ca, việc kinh doanh xưởng ngọc lưu ly lần này chúng ta sẽ không hợp tác với ai cả, đây là sản nghiệp riêng của nhà mình. Việc đảm bảo bí mật kinh doanh, anh đã làm xong chưa?”
Hồi làm xà phòng và tinh dầu, mọi chuyện đã có họ Đường quản lí, Đường Thận chỉ cần cung cấp công thức là được. Nhưng trong lần sản xuất thủy tinh này, cậu không hợp tác với bất kì ai cả mà chỉ làm một mình, thế nên việc gì cũng đến tay đến chân hết.
Diêu Tam vội nói: “Đương nhiên là đâu vào đấy rồi ạ. Tôi đã phân công từng người thợ điều chế các nguyên liệu khác nhau và trông coi cẩn thận. Hơn nữa, so với thương nhân bình thường, tiểu đông gia đường đường là đại quan tứ phẩm, thợ thuyền không dám khinh nhờn đâu. Nếu cả gan phạm tội, họ cũng biết hậu quả ra sao.”
Đường Thận gật đầu.
Thời cổ đại ở thế giới của cậu, quan lại không được phép làm kinh doanh vì hai lí do, một là địa vị xã hội của thương nhân rất thấp, hai là để phòng ngừa các quan lợi dụng chức vị kiếm chác cho bản thân. Tuy ở thế giới này không có luật ấy, địa vị của thương nhân trong xã hội cũng cao hơn nhiều, nhưng việc buôn bán của đại quan tứ phẩm với dân đen cũng khác nhau một trời một vực.
Sau khi đôn đốc công việc ở xưởng ngọc lưu ly xong, hai mươi ngày nghỉ Tết cho quan lại cũng kết thúc.
Năm Khai Bình thứ hai mươi chín, ngày mười bảy tháng Giêng, giờ Sửu ba khắc.
Đường Thận nhanh chóng xuống giường, Phụng Bút đồng tử bê chậu nước nóng đến cho cậu rửa mặt rửa tay. Tiếp theo, Phụng Bút lại hầu Đường Thận mặc từng lớp quan bào cầu kì lên người. Đường Thận lâu lắm mới dậy sớm thế này, cậu ngó ra ngoài, thấy chị Hằng vẫn lơ lửng trên cao, nền trời hẵng còn tối đen.
Chưa đến ba giờ sáng.
Thở dài, Đường Thận đội mũ quan, cầm hốt ngọc, rời nhà đi vào cung.
Đại quan nhất phẩm thì được vào cung bằng xe ngựa song mã; đại quan nhị phẩm thì được ngồi xe ngựa đơn mã. Quan tam phẩm dùng xe lừa, còn quan tứ phẩm thì đi bộ. Một số quan tứ phẩm đi lại bất tiện có thể trình đơn lên bộ Lễ, nếu bộ Lễ phê chuẩn thì hàng ngày họ cũng được ngồi xe lừa lên triều.
Nhưng đến cổng Tuyên Võ của hoàng cung, tất cả đều phải xuống xe, đi bộ vào cung.
Chưa đến giờ chầu, các quan nhất phẩm, nhị phẩm đang nghỉ ngơi trong chính điện của điện Sùng Chính, các quan tam phẩm ở tả điện, còn quan tứ phẩm, nhóm đông người nhất, thì chịu khó chen nhau trong hữu điện.
Lâu lắm mới lên triều, các quan đều hồ hởi chúc Tết nhau.
Chỉ có các quan kinh thành từ tứ phẩm trở lên mới được vinh hạnh dự buổi triều hàng ngày. Còn các quan địa phương từ tứ phẩm trở lên vào kinh thì phải báo trước một ngày cho bộ Lễ, đến hôm sau mới được vào chầu.
Đường Thận nhìn quanh quất trong hữu điện một hồi, quả nhiên phát hiện vô số gương mặt lạ hoắc.
Năm mới đến, các quan địa phương đều lên kinh chúc Tết hoàng đế, nên đông người hơn hẳn mọi khi.
Canh giờ đã điểm, thái giám chuyên trách đến trước điện Sùng Chính, tuyên các quan vào điện yết kiến vua. Các quan lớn nhất phẩm, nhị phẩm trong chính điện bước ra đầu tiên, tiếp theo là các quan tam phẩm từ tả điện. Sau rốt là đến các quan tứ phẩm.
Lễ pháp Đại Tống sâm nghiêm, dù có là hoàng đế cũng không được vượt mặt quy củ.
Đường Thận là Trung Thư xá nhân, tức quan viên của điện Cần Chính, cậu đứng trong hàng ngũ các quan bên trái, lắng nghe Thượng thư bộ Lễ Mạnh Lãng đọc bài cầu phúc lành năm mới. Trong hàng ngũ quan viên tứ phẩm, Đường Thận đứng hàng thứ hai, hệt như câu vè truyền miệng ở kinh thành: Thịnh Kinh bằng mấy miền ngoài, điện Cần Chính lại bằng mười Thịnh Kinh.
Làm quan ở điện Cần Chính oai hơn bao nhiêu so với quan tứ phẩm ở các địa phương khác.
Bởi hôm nay là buổi chầu đầu tiên của năm mới, trên triều đình, các quan đều bẩm báo với Triệu Phụ những việc xảy ra trong năm vừa qua. Năm ngoái, ngoại trừ miền Bắc có mưa lớn, gây ngập lụt nhiều thành lũy, làm sập một cây cầu đang xây dở, thì không còn thiên tai nào khác. Tuy thế, chẳng ai dại mà đi chạm vào cái nọc ấy của hoàng đế ngay lúc này cả. Tân phủ doãn Thứ Châu tóm lược qua loa về cầu sông Kinh Hà, rồi trắng trợn tung hô rằng quan đạo Thứ Châu đã xây được một nửa, đến giữa năm nay nhất định sẽ thông đường.
Phủ doãn Thứ Châu: “Bệ hạ hồng phúc tề thiên, con dân Thứ Châu ngày nhớ đêm mong, quan đạo cũng sắp sửa thi công xong rồi ạ!”
Triệu Phụ mỉm cười phất tay, hiền từ nói: “Thế thì nỗ lực hoàn thành nhé.”
“Vâng!”
Một canh giờ sau, buổi chầu kết thúc, các quan rời khỏi cung.
Đường Thận ngẩng đầu, liếc về phía các đại quan nhất, nhị phẩm theo bản năng. Cậu thấy Vương Trăn đang nói chuyện với Tả thị lang bộ Hộ Từ Lệnh Hậu. Không biết hai người nói gì mà Từ Lệnh Hậu tỏ ra rất đỗi ngạc nhiên, gật đầu lia lịa. Một lúc sau, Đại thái giám Quý Phúc đi từ trong điện ra, nói mấy câu với Vương Trăn.
Vương Trăn dừng bước, trở vào theo Quý Phúc.
Cuối tháng Giêng, quản lý Lục và kế toán Lâm cùng nhau lên phương Bắc, chuyến đi ấy kéo dài nửa tháng.
Là Trung Thư xá nhân, Đường Thận hằng ngày đều phải đọc tấu sớ quan viên khắp các nơi gửi về, thỉnh thoảng cũng tham gia vào việc soạn thảo chiếu thư.
Thánh chỉ và chiếu thư của hoàng đế, đương nhiên không thể do ông ta tự viết được. Ngoài chiếu tự phê bình và văn khấn trời hàng năm, còn lại, hoàng đế chỉ cần ra ý chỉ, sai thái giám đến điện Cần Chính tuyên đọc khẩu dụ, rồi Trung Thư xá nhân sẽ án theo đó mà viết chiếu thư, gửi về điện Thùy Củng cho hoàng đế duyệt rồi đóng ấn ngọc.
Đầu năm Khai Bình thứ hai mươi chín, thiên hạ thái bình, cả nước mưa thuận gió hòa.
Đến trung tuần tháng hai, kế toán Lâm trở lại Thịnh Kinh.
Kế toán Lâm nói: “Có thư của tiểu đông gia và sự giúp sức của Vương Tiêu đại nhân, công việc ở Ninh Châu đúng là làm một hưởng mười. Ninh Châu vốn là là nơi tập trung hoạt động giao thương của nước Liêu với Đại Tống ta, người Liêu rất ưa chuộng những sản phẩm mới lạ như tơ lụa, lá trà, và cả ngọc lưu ly trong suốt mà chúng ta giới thiệu lần này nữa. Chuyện buôn bán với nước Liêu xin tiểu đông gia cứ yên tâm, không có gì phải lo cả.”
Đường Thận gật đầu, đang định đáp lời thì một cô nhóc mặc quần áo nam đã chen vào: “Trên lí thuyết thì đi đường quan đạo từ Ninh Châu chỉ mất một ngày là đến Thịnh Kinh, nhưng nếu phải vận chuyển nhiều hàng hóa thì không đi nhanh được đâu, phải hơn hai ngày mới đến nơi ấy.”
Đường Thận nghe thế thì cười: “Anh còn chưa thèm hỏi ai cho em đi Ninh Châu, lại còn ăn mặc thế này đâu nhé!”
Đường Hoàng trợn mắt: “Em, em mặc thế đã làm sao nào? Anh này, anh không thấy trong sách người ta bảo con gái triều trước rất chuộng ăn mặc giống nam giới à? Thời ấy, con gái hay mặc đồ nam hằng ngày, đi cưỡi ngựa ở ngoại ô! Tuy rằng thời nay kém phổ biến hơn hẳn, nhưng ở lầu Tế Hà nhà mình, mỗi ngày cũng thấy một hai chị. Huống hồ…” Giọng con bé lí nhí lại, “Huống hồ em giả trai đi Ninh Châu, cả đường có bị ai phát hiện ra đâu.”
Đường Thận cười phá lên.
Té ra em giả trai mà không bị ai phát hiện là chuyện đáng mừng à?
Đường Thận tỉ mỉ ngắm em gái mình, cũng hiểu đại khái vì sao con bé cải trang thành con trai mà qua mặt được tất cả mọi người. Đường Hoàng từ bé đã sống lam lũ dưới quê, phơi nắng phơi gió, da dẻ không được nhẵn nhụi như các tiểu thư khuê các. Con bé cũng ăn uống thả phanh, Đường Thận và Diêu đại nương chưa bao giờ kìm kẹp nó, thế nên Đường Hoàng khỏe mạnh phổng phao, cao hơn con gái bình thường phải đến nửa đầu.
Một cô gái như vậy mặc quần áo nam, đúng là khó bị người ta phát hiện ra thật.
Đường Thận: “Nào mời cô nương giải trình trước, ai cho phép em Ninh Châu?”
Đường Hoàng câm như hến, xong mới lí nhí bảo: “Tự em đòi đi được chưa? Chẳng lẽ đi thăm thú Ninh Châu mà em cũng không được đi hay sao…”
Đường Thận không ừ hử chi sất.
Đường Hoàng lo ngay ngáy, con bé chỉ sợ Đường Thận sẽ mắng mỏ rồi từ rày cấm nó ra khỏi cửa, ấy thế mà Đường Thận chỉ cười: “Anh có cấm em ra ngoài bao giờ đâu? Nhưng em phải biết là em không được đi một mình, đi gần đi xa đều phải hết sức cẩn thận. Ninh Châu là nơi tụ tập đông người Liêu, nếu có chuyện gì bất trắc xảy ra ở đàng ấy, ai bảo vệ được em đây?”
“Em biết rồi, anh trai em tốt nhất trần đời!”
Đường Thận trao đổi với kế toán Lâm thêm một chút rồi kế toán Lâm mới ra về. Cả nhà ăn cơm tối xong, Đường Thận lại gọi Đường Hoàng vào thư phòng mình. Giờ Đường Hoàng đã mặc lại quần áo con gái rồi. Con bé này, mặc đồ nam thì khôi ngô anh tuấn, mặc đồ nữ thì bừng bừng khí khái. Đường Thận nghiêm túc nhìn em gái mình, chẳng hiểu sao vừa thấy lúng túng vừa thấy sởn da gà.
Đường Thận: “Mới đây đại bá mẫu có bảo anh rằng em sắp đến tuổi cập kê, nên tìm đối tượng để bàn chuyện cưới gả.”
Đường Hoàng: “…”
“Em thấy thế nào?”
“Giờ em chưa muốn lập gia đình đâu!”
Đường Thận: “Ờ, vậy cứ thế nhé.”
Đường Hoàng đang định lí luận một tràng, nghe Đường Thận nói thế thì ngớ người: “Anh, anh… cho phép em không lấy chồng à?”
Đường Thận nhướng mày: “Em bảo tạm thời chưa muốn lấy chồng còn gì, hay là sau này cũng không có ý định lấy chồng luôn?”
Đường Hoàng cười hí hửng: “Đâu có, chỉ bây giờ thôi.”
“Tùy em. Nhà họ Đường này thừa sức nuôi em đến già.”
Đường Hoàng ngẩn ngơ nhìn anh trai, tự dưng nảy ra một suy nghĩ rằng nếu bây giờ em bảo Đường Thận rằng cả đời này em không muốn cưới ai, rất có thể Đường Thận cũng sẽ đồng ý. Rõ ràng điều ấy không hợp lễ giáo, nhưng Đường Thận nhất định sẽ không ép em làm việc mà em không thích.
Cô bé ôm suy nghĩ ấy, chẳng vì bất cứ một lí do nào cả.
Hồi lâu sau, cô thiếu nữ mười bốn tuổi mới nhỏ nhẹ bảo rằng: “Anh ơi, lúc vào phòng em thấy Diêu đại nương bảo bà nấu canh móng giò cho anh đấy, em múc cho anh một bát nhé?”
Đường Thận trố mắt nhìn em gái mình.
Cô em nhà mình tâm lí thế từ bao giờ ý nhỉ?
Đường Thận: “Ừ.”
Đường Hoàng vui sướng chạy ùa ra khỏi thư phòng.
Kỳ thực lần này dù Đường Hoàng có không từ chối đi chăng nữa, Đường Thận cũng không có ý định cho em gái lấy chồng trước tuổi mười tám.
Mười lăm tuổi đã cưới xin, đúng là tội ác với loài người!
Cậu không dám tưởng tượng ra cái hình ảnh Đường Hoàng bụng mang dạ chửa ở tuổi mười lăm. Ở cái tuổi ấy, cơ thể con gái chưa phát triển hoàn thiện, mang thai vừa khó sinh nở vừa rất có hại cho sức khỏe. Tuổi thọ trung bình của nữ giới thời cổ đại ngắn như thế, nguyên nhân lớn nhất chắc chắn là có liên quan đến việc kết hôn và sinh sản quá sớm!
Ờ Đại Tống, con gái mười tám tuổi mới lập gia đình tuy không nhiều những cũng chẳng đến nỗi hiếm hoi. Chỉ có điều những cô gái như vậy thường hay bị điều tiếng. Phải người nào yếu thế thì cũng đến khốn khổ vì những lời đồn thổi, bịa đặt ác ý. Về phần nhà mình, Đường Thận tin rằng cậu có khả năng che chở cho em gái. Cậu không bao giờ để cô em nhỏ từng khóc sưng húp mắt đòi nhường hết của hồi môn cho anh trai cắp sách đến trường phải lấy bừa một người xa lạ.
Hạ tuần tháng hai, Đường Vân đi thuyền lên miền Bắc, cập cảng Đại Vận Hà ở Thịnh Kinh.
Diêu Tam dẫn anh ta đến phủ Thám hoa.
Lần đầu tiên Đường Thận gặp Đường Vân là ở phủ Cô Tô, hồi cậu còn ở căn nhà nhỏ đơn sơ mộc mạc. Đường Vân hôm ấy nổi giận đập phá tanh bành cả sân nhà Đường Thận, rồi hai đứa thách nhau xem Đường Thận có đỗ đồng sinh vào kì thi năm sau không.
Bây giờ đã bốn năm trôi qua, biết bao nhiêu điều đã thay đổi.
Đường Vân đã lấy vợ và cũng nuôi râu rồi. Năm ngoái anh ta vất vả lắm mới thi đỗ Tú tài, nhưng đến kì thi viện thì không qua nổi. Vì thế, hiện giờ anh ta vẫn chưa đủ điều kiện để thi Hương. Gặp Đường Thận, Đường Vân lại nơm nớp lo sợ.
Đường Thận trông dáng vẻ rúm ró của anh ta mà buồn cười. Đến tầm này thì cậu hơi sức đâu mà ra oai, đe nẹt anh ta nữa. Việc nhỏ như con kiến thế mà cũng so đo, thì mỗi ngày làm việc trong triều đình cậu phải chết vì tức mấy chục lần ấy chứ!
Đường Thận chủ động mở lời: “Đại đường huynh, tình hình ở Cô Tô và Kim Lăng thế nào rồi?”
Đường Vân thấy Đường Thận gọi mình là “Đại đường huynh” thì lén thở phào nhẹ nhõm. Anh ta nói: “Như lời cậu dặn, tháng trước, vừa hết Tết, tôi và phụ thân đã đi Kim Lăng, bàn bạc chuyện vận chuyển hàng hóa với nhà họ Trịnh. Nhà ta với họ Trịnh vẫn buôn bán cùng nhau, họ nhận lời ngay. Chỉ có điều, chuyển hàng trên Đại Vận Hà đến Thịnh Kinh nhanh nhất cũng phải mất bảy ngày. Khối lượng hàng hóa càng nhiều thì giá thành càng rẻ. Nhưng Đường… Đường Thận này, cậu có chắc là cần nhiều hàng đến vậy không? Bán hết được chứ?”
Đường Thận: “Chuyện ấy thì anh cứ yên tâm.”
Đường Vân ở lại Thịnh Kinh hai ngày rồi cũng cáo từ để về Cô Tô.
Việc kinh doanh khu vực miền Bắc đã có quản lí Lục và kế toán Lâm quản lí, tình hình phương Nam thì khoán hết cho nhà họ Đường. Đường Thận đi vào thư phòng, trải trang giấy Tuyên Thành trắng bóc ra, hít sâu một hơi, hạ bút viết ba con chữ lớn.
『Bách Bảo Các』
Viết xong, cậu lại thấy chưa hài lòng, vo tờ giấy lại, viết thêm lần nữa.
Viết đi viết lại bảy tám lần, Đường Thận đành gác bút, để khi khác viết tiếp sau.
Hôm sau, vừa tan buổi triều, Đại thái giám Quý Phúc đột nhiên gọi cậu lại.
Đường Thận hoảng hốt lắm. Đối diện với Quý Phúc, cậu giả đò như vừa mừng lại vừa lo, khiêm tốn hành lễ: “Quý công công.”
Trong khi Đường Thận là đại quan tứ phẩm, Quý Phúc chỉ là một hoạn quan. Việc cậu hành lễ với lão ta kỳ thực không phù hợp phép tắc, nhưng Quý Phúc đã quá quen với việc ấy rồi. Trước đây khi Đường Thận làm Khởi Cư lang, cậu luôn đối xử trọng thị với lão ta, các dịp lễ tết kiểu gì cũng có chút lễ mọn. Giờ Đường Thận làm quan tứ phẩm, là Trung Thư xá nhân của điện Cần Chính mà lễ tiết với Quý Phúc không hề thay đổi, khiến lão ta cười nhăn nheo cả mặt mày.
Quý Phúc nhỏ nhẹ nói: “Đường đại nhân, quan gia đang chờ ngài ở điện Thùy Củng, xin ngài mau đi theo tôi.”
Đường Thận lập tức đi theo Quý Phúc đến điện Thùy Củng.
Trong điện Thùy Củng, Triệu Phụ đang xem tấu chương. Thấy Đường Thận tới, ông ta liền bỏ quyển tấu xuống, cười bảo: “Cảnh Tắc đến rồi đấy à.”
Đường Thận hành lễ: “Bệ hạ.”
Cậu lặng lẽ nhìn xung quanh, Khởi Cư lang và Khởi Cư xá nhân hai bên đều lạ hoắc, hẳn là những người mới được bổ nhiệm sau khi Đường Thận rời vị trí.
Triệu Phụ mỉm cười với Đường Thận: “Lâu lắm trẫm mới gặp Cảnh Tắc, sao Cảnh Tắc giữ kẽ thế?”
Đường Thận diễn tròn vai, ngẩng lên nhìn vua bằng vẻ mặt hàm ơn, rưng rưng xúc động.
Triệu Phụ nhìn rõ mười mươi hành động ấy, ông ta biết thừa Đường Thận đang ra sức lấy lòng mình. Bản thân ông ta cũng ưa nịnh, nhất là những viên quan chỉ cần liếc mắt là thấy tuốt ruột gan, Triệu Phụ lại càng thích.
Triệu Phụ nói: “Trẫm có tuổi rồi, gần đây trẫm phê tấu chương ở điện Thùy Củng giữa ban ngày mà cứ thấy tôi tối, không được như xưa.”
Đường Thận vội vàng thưa: “Bệ hạ thọ ngang trời đất.”
“Cảnh Tắc, trẫm nghĩ đi nghĩ lại thì thấy cửa sổ dán giấy thế kia, ánh sáng chẳng lọt được vào bao nhiêu. Trẫm nghe nói, ngươi mới làm được một thứ khá thú vị.” Nói rồi, Triệu Phụ nhìn Quý Phúc. Quý Phúc ngầm hiểu, ra lệnh cho một thái giám trẻ bưng khay gỗ sưa lên, trên khay bày một vật gì đó trong veo, lấp lánh.
Vật này đặc biệt đến nỗi tất cả các thái giám, Khởi Cư lang và Khởi Cư xá nhân trong điện phải sửng sốt.
Triệu Phụ: “Ngẩng lên xem này.”
Đường Thận ngẩng lên, khi cậu thấy lọ tinh dầu bằng thủy tinh nho nhỏ kia thì sững người.
Triệu Phụ thấy cậu kinh ngạc đến thế thì nói: “Ngươi thấy thứ này có quen không? Của Tử Phong đấy. Có một hôm cậu ta để lộ ra từ tay áo, trẫm tình cờ nhìn thấy liền lấy về để thưởng thức. Ngọc lưu ly trong suốt, đúng là hiếm có khó tìm. Tử Phong bảo trẫm, vật này là do ngươi làm ra, có thật thế không?”
Đầu óc Đường Thận rối bung, cậu nói: “Thần đến từ nhà họ Đường ở phủ Cô Tô, nhà thần có làm thương nghiệp. Ngọc lưu ly trong suốt này có tên là thủy tinh, là sản phẩm mà một người thợ trong xưởng nhà họ Đường phát minh ra ạ.”
“Thứ này tuyệt lắm, nên thưởng cho kẻ đó. Mà trẫm thấy, vật này không phải làm từ đá Lưu Ly đúng không?”
Đường Thận giới thiệu một lượt các vật liệu sử dụng để chế tạo thủy tinh.
Tình huống bất ngờ này khiến Đường Thận hồn vía lên mây, sợ run như dẽ. Nhưng Triệu Phụ chỉ nhìn cậu bằng ánh mắt thâm thúy, rồi lại mân mê chiếc bình thủy tinh nho nhỏ.
“Thay hết giấy dán cửa sổ trong điện Thùy Củng cho trẫm.”
“Vâng!”
Đường Thận vã mồ hôi lạnh, cậu rời khỏi điện Thùy Củng mà run lẩy bẩy đến từng ngón tay. Đặt chân lên con đường xây bằng đá bạch ngọc trong hoàng cung, Đường Thận ngoái đầu lại, nhìn về phía cung điện tráng lệ hùng vĩ. Môi cậu lập bập, giờ mới phát hiện mình không thốt nên lời nữa.
Triệu Phụ chỉ nói một câu mà khiến Đường gia trở thành hoàng thương1, khiến thủy tinh thành mặt hàng độc quyền của Đường gia!
Đường Thận không thể biết Vương Trăn đã làm thế nào. Trong hai tháng này, rốt cuộc chàng đã làm gì mới có thể khiến Triệu Phụ yên tâm về Đường Thận thế, yên tâm đến mức cho phép Đường gia trở thành hoàng thương, khiến thủy tinh gắn liền với tên tuổi Đường gia?
Mấy hôm nay, Đường Thận cứ trằn trọc ngày đêm nghĩ kế bán thủy tinh, thậm chí cậu còn định giảm sản lượng xuống mức tối thiểu, tạo sự khan hiếm để nâng cao giá bán.
Nhưng Vương Trăn đã quét sạch mọi chướng ngại vật cho cậu.
“Vương Tử Phong…”
“Sư huynh.”
Đường Thận thì thầm gọi tên chàng, trái tim rộn ràng thổn thức.
Màn đêm buông xuống, cậu mang một hộp điểm tâm sang phủ Thượng thư.
Vương Trăn đang chơi đàn dưới trăng. Nói là chơi đàn thôi, chứ thực ra chàng đang lên dây, chỉnh âm. Hôm nay Vương Trăn mặc trường sam màu xanh lơ, mái tóc dài được buộc cao lên bằng ngọc quan. Nghe tiếng bước chân, Vương Trăn ngẩng đầu cười khẽ, dường như chàng đã sớm đoán được là Đường Thận sẽ đến: Tiểu sư đệ.”
Đường Thận bước vào ngôi đình ven hồ. Cậu đứng trước mặt Vương Trăn mãi rồi mới nói: “Hôm nay, đệ nhận được quà Tết sư huynh dành tặng đệ rồi.”
Trong ngôi đình sóng sánh ánh trăng, chàng thiếu niên áo trắng nhoẻn cười, vành môi Vương Trăn cũng chầm chậm nhếch lên theo.