Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 79:




Tháng Giêng năm Khai Bình thứ ba mươi.
Vừa sang năm mới nhưng các quan Thịnh Kinh không có lấy một ngày nghỉ hẳn hoi. Năm nay khác năm ngoái, ty Độ Chi vừa mở lại, thuế ruộng đất đang được cải cách, thành ra các quan kinh thành bận rối rít tít mù. Tết năm ngoái bộ Lại cho nghỉ đến hơn hai mươi ngày, năm nay rút ngắn lại chỉ còn chưa đến mười ngày thôi.
Đường Thận cũng không về được Cô Tô.
Mùng hai tháng Giêng, Đường Thận mang mấy hòm quà Tết đến Phó phủ. Phó Vị đang dở tay tưới hoa.
Cả thành Thịnh Kinh, quan lại từ ngũ phẩm trở lên đều đang bận đến ốm cả xác, làm thâu đêm suốt sáng không xong việc. Chỉ mình Phó Hi Như mới đủ rảnh rỗi để mà tưới hoa giờ này!
Đường Thận bước đến chỗ Phó Vị: “Con chào tiên sinh.”
Phó Vị chẳng buồn quay đầu lại, vừa rẩy nước lên hoa vừa bảo cậu: “Năm nay đến sớm ghê ha! Cảnh Tắc à, buổi trưa đừng về, ở lại mà ăn cơm. Sư huynh con cũng đến đấy.”
Đường Thận gật đầu.
Vương Trăn còn bận hơn cả Đường Thận.
Tết này Đường Thận chí ít còn được nghỉ mười ngày. Vương Trăn quyền cao chức trọng, là Thượng thư bộ Hộ; cả ty Độ Chi lẫn việc cải cách thuế ruộng đều có quan hệ mật thiết với chàng. Chính vì vậy, chàng chẳng ngơi ra được phút nào. Đến trưa, Vương Trăn mới đến, tuy muộn nhưng rất ung dung. Chàng chúc Phó Vị năm mới an khang.
Ba thầy trò ăn cơm trong phòng. Phó Vị chỉ Vương Trăn, bảo Đường Thận: “Con trông sư huynh con này, mới có hai mươi tám cái xuân xanh thôi mà cư xử như một lão già. Nó vẫn ôm mộng phấn đấu lên làm Thừa tướng trước tuổi ba mươi đấy, nghĩ mình sống thọ lắm đây mà, xài hao bớt vài năm cũng không đáng kể.”
Vương Trăn thong thả gắp một con tôm, làm như chẳng nghe thấy Phó Vị nói gì cả.
Đường Thận nhẹ nhàng liếc chàng, bảo: “Sư huynh bận việc triều đình, sao tiên sinh lại nói huynh ấy thế.”
Phó Vị mắt tròn mắt dẹt, hết nhìn Đường Thận rồi lại nhìn Vương Trăn: “Ô hay, sao giờ ta mới phát hiện, hôm nay sư huynh đệ hai đứa bây hùa nhau bắt nạt thầy luôn? Này Vương Tử Phong, con dụ dỗ tiểu sư đệ con từ hồi nào, để bây giờ nó bênh con chằm chặp thế hả?!”
Đường Thận nghĩ thầm: Từ hồi con đến Thịnh Kinh, bài vở toàn Vương Tử Phong dạy, làm quan thì Vương Tử Phong dìu dắt. Thậm chí đi thi, Vương Tử Phong còn đến tận cổng trường thi đón con về. Con đứng về phe sư huynh thì đã làm sao?
Vương Trăn để đũa xuống, thản nhiên nói: “Trong lòng tiểu sư đệ có con, tiên sinh ghen tị làm cái gì.”
Đường Thận: “…?” Câu này cứ là lạ thế nào ý nhỉ.
Phó Vị sửng sốt, ông ngó Vương Trăn lom lom, hừ một tiếng: “Học trò đủ lông đủ cánh, chẳng thiết chi đến thầy.”
Đường Thận phải dỗ mãi Phó Vị mới xuôi.
Cơm nước xong, Vương Trăn về nha môn bộ Hộ làm việc tiếp. Đường Thận ở lại chơi, ăn bữa chiều nữa rồi mới về nhà.
Trước khi đi, Phó Vị do dự chốc lát rồi mới dặn dò cậu trò nhỏ: “Cảnh Tắc này, đừng có cái gì cũng tin sư huynh con đấy nhé.”
Đây không phải lần đầu tiên Đường Thận nghe câu này. Bốn năm trước, Lương Tụng đã dặn y như thế trong thư. Hôm nay Phó Vị nhắc lại, Đường Thận thầm cảnh giác, vâng dạ ngay: “Học trò nhớ rồi ạ.” Đến khi ra khỏi Phó phủ, Đường Thận mới thở dài: “Các thầy đều dặn mình không được tin tưởng tuyệt đối vào Vương Tử Phong, nhưng lúc nào nên tin huynh ấy, lúc nào không nên tin huynh ấy, sao các thầy không nói cho con biết chứ!”
Mùng bảy tháng Giêng, chưa đến tết Nguyên Tiêu, Đường Thận đã trở lại điện Cần Chính làm việc.
Hôm sau, Từ Bí gọi cậu sang phòng. Từ Bí ngồi trên ghế Thái sư, nhàn nhã uống trà. Thấy Đường Thận đến, ông cười hiền từ: “Ta nhớ, Đường đại nhân là Thám hoa năm Khai Bình thứ hai mươi bảy nhỉ.”
Đường Thận đáp: “Bẩm đại nhân, đúng là hạ quan đỗ Thám hoa cách đây ba năm ạ.”
“Chớp mắt đã ba năm rồi, lại đến kỳ thi mùa xuân.” Từ Bí cảm khái, “Hôm nay gọi ngươi đến là để giao việc đây. Tháng sau thi Hội, Chu Đại học sĩ của viện Hàn Lâm đã chọn ngươi làm Phó khảo.”
Đường Thận hốt hoảng: “Đại nhân?”
Từ Bí cười: “Ngươi đừng ngạc nhiên quá. Thi Hội khác với thi Hương. Cứ ba năm một lần đến kì thi Hội, cử nhân toàn cõi Thần châu Cửu địa đều đổ về Thịnh Kinh thi, có đến hơn vạn người. Chủ khảo thi Hội chỉ có một – là đương kim thiên tử. Các ngươi đều là Phó khảo thôi, tính ra phải đến hơn mười người. Viện Hàn Lâm không sức đâu mà gồng gánh hết, khoa thi trước cũng phải điều thêm quan viên từ các nha môn khác sang.”
Đường Thận sinh lòng hoài nghi, nhưng cậu không biểu hiện ra ngoài, chỉ tỏ ra xúc động rưng rưng: “Hạ quan nhất định sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ!”
Từ Bí cười: “Vậy cứ thế nhé.”
Không lâu sau khi Đường Thận ra về, một người đàn ông trung niên tầm ba mươi tuổi, để râu, bước vào gian nhà. Người ấy tướng mạo sáng sủa, rắn rỏi, kiên nghị. Đến trước mặt Từ Bí, anh ta cung kính vái chào: “Bái kiến tiên sinh.”
Từ Bí ra hiệu cho anh ta: “Ngồi đi.”
Dư Triều Sinh khom người kính cẩn, lùi về ngồi ở chiếc ghế bên cạnh. Xong xuôi, anh ta mới ngẩng lên nhìn thầy mình.
Từ Bí nói: “Hiến Chi, năm nay con vừa hồi kinh. Theo cảm nhận của con, tình hình ở kinh hiện tại thế nào?”
Dư Triều Sinh trình bày rất tỉ mỉ: “Học trò về kinh đã hơn một tháng, hôm nay mới làm việc ở bộ Lại xong, quả thực con thấy rất khác so với hồi sáu năm trước. Xa xôi chưa bàn đến, ngay gần đây có chuyện ty Độ Chi thực hiện cải cách thuế ruộng, các quan trong triều cộng tác, phối hợp với nhau rất sôi nổi, khiến học trò kính phục xiết bao.” Đoạn anh ta chuyển chủ đề, “Kỷ đảng tuy mỏng nhân lực, nhưng mạnh vì có Kỷ tướng ra sức chèo chống, một mình ngài ấy đã nắm bao nhiêu quyền bính rồi. Vương đảng nhân tài nhiều như măng mọc, hệt như Vương Tử Phong, không thể khinh thường. Mỗi tội, học trò trộm nghĩ, trong việc ty Độ Chi, Kỷ tướng đã hơi nóng vội. Có Vương Tử Phong, Đường Cảnh Tắc, hai năm gần đây Vương đảng lên như diều gặp gió, Kỷ tướng chưa suy nghĩ kỹ càng đã mở lại ty Độ Chi, nếu có tai họa ập đến, e là không xong ạ.”
Từ Bí nhấp một ngụm trà: “Lúc con mới vào có thấy Đường Cảnh Tắc không?”
“Con có thấy Đường đại nhân từ xa, nhưng cậu ta không thấy con.”
“Chu Cẩn đã điều cậu ta đi làm Phó khảo kì thi Hội tháng hai năm nay đấy.”
Dư Triều Sinh giật mình: “Tiên sinh?!”
“Hiển nhiên ấy chẳng phải chủ định của Chu Cẩn, mà do Phó Vị giật dây sau lưng. Phó Vị để học trò mình có mặt ở kì thi Hội, tức là ông ta đang âm mưu thực hiện điều gì đó, hay nói đúng hơn là, sẽ có vấn đề phát sinh trong thời điểm thi Hội diễn ra.” Từ Bí thở dài: “Con cũng tham gia làm Phó khảo thi Hội lần này đi. Nếu Chu Cẩn đã mượn danh nghĩa của ta để điều nhiệm Đường Cảnh Tắc, thì điều một người hay hai người cũng thế. Con hãy đi cùng cậu ta đến trường thi Hội.”
“Vâng.”
Kì thi Hội năm Khai Bình thứ ba mươi lấy Thượng thư bộ Lại Thẩm Vận làm chủ khảo, Chu Đại học sĩ viện Hàn Lâm phụ trợ. Đêm trước kì thi Hội, hơn mười viên quan tiến vào trường thi Thịnh Kinh, trèo lên lầu Minh Viễn. Đứng trên lầu Minh Viễn cao chót vót, tầm nhìn bao quát hết xung quanh, Đường Thận thấy hơn một vạn cử nhân chen chúc ngoài trường thi Thịnh Kinh chờ đến giờ nhập trường.
Canh giờ đã điểm, sai nha mở rộng cửa cho thí sinh vào trường. Lớp lớp thí sinh tràn vào qua cửa, chính thức bước vào trường thi.
Trong các giám khảo thi Hội năm nay, Đường Thận là người trẻ tuổi nhất. Nhìn các học trò bên dưới khiến cảm xúc trào dâng trong lòng cậu. Nhưng cậu chưa bồi hồi được bao lâu đã thấy một bóng người lướt qua khóe mắt. Đường Thận bước tới chào hỏi: “Hóa ra là Dư đại nhân.”
Dư Triều Sinh trong bộ quan phục quay lại, chắp tay thi lễ với Đường Thận trước mặt mình: “Đường đại nhân.”
Đường Thận cười: “Nghe nói Dư đại nhân vừa được thuyên chuyển từ Qua Châu1 về Thịnh Kinh tháng trước, không biết đại nhân thích nghi với thời tiết khô hanh, rét mướt ở miền Bắc thế nào? Hạ quan là Trung Thư xá nhân dưới quyền Từ tướng công, đã từng nghe Từ tướng công nhắc đến Dư đại nhân. Trăm nghe không bằng một thấy. Vừa gặp gỡ, hạ quan đã biết Dư đại nhân là người phi phàm.”
[1] Thuộc vùng Cam Túc, thời tiết khắc nghiệt
Đường Thận tán tụng lên tận mây xanh, Dư Triều Sinh đương nhiên cũng có qua có lại: “Ta cũng từng nghe tiên sinh kể về Đường đại nhân…”
Hai người tâng bốc nhau xong rồi lại tách ra.
Đường Thận thu nét cười, nhíu mày.
Dư Triều Sinh là học trò cưng của Từ Bí, cũng là Bảng Nhãn năm Khai Bình thứ mười tám. Nếu chỉ giới thiệu như vậy e là chưa đủ để làm nổi bật thân phận của người này. Phải bổ sung rằng, Trạng nguyên năm Khai Bình thứ mười tám họ Vương, tên Trăn, tự Tử Phong. Chỉ cần nói thế, các quan Thịnh Kinh sẽ nhớ ngay anh ta là ai.
Năm Khai Bình thứ mười tám, Vương Trăn kiệt xuất hơn người, được Triệu Phụ đích thân ban tặng bốn chữ “Trạng Nguyên vô song.” Một mình chàng dư sức đè bẹp ba trăm tiến sĩ vinh hiển của khoa thi năm ấy. Tài năng của Dư Triều Sinh hoàn toàn có thể giúp anh ta đoạt ngôi Trạng Nguyên ở một kì thi khác, nhưng éo le thay, anh ta lại thi cùng khoa với Vương Tử Phong, nên đành phải chịu kiếp hẩm hiu kém nổi bật.
Sau khi đỗ Bảng Nhãn được vài năm, Dư Triều Sinh được điều đi nơi khác nhậm chức, đến cuối năm ngoái Triệu Phụ mới gọi anh ta về kinh.
Hiện giờ Dư Triều Sinh làm quan ở bộ Lại, giữ chức Hữu thị lang, bậc tam phẩm.
Chủ khảo năm nay là Thượng thư bộ Lại Thẩm Vận, nên việc Dư Triều Sinh được phân làm Phó khảo nhiều khả năng do Thẩm Vận chỉ định. Song Đường Thận nghĩ: Có khi nào đây là ý đồ của Từ Bí không?
Dư Triều Sinh vừa mới đến bộ Lại, rõ mười mươi là người phe Từ Bí. Trong khi đó, Thẩm Vận thiên về Trần đảng hơn vì ông ta là đồng môn thân thiết của Tả thừa Trần Lăng Hải. Việc ông ta đề bạt một người thuộc phe Từ Bí, trao cơ hội cho Dư Triều Sinh là hoàn toàn không cần thiết.
Như vậy, tại sao Từ Bí lại đưa học trò của mình đến kì thi Hội?
Đường Thận nắm chặt tay, ra sức động não.
Cậu vốn không quen biết gì với Chu Đại học sĩ – Chu Cẩn. Chu Đại học sĩ không tự dưng chỉ định cậu làm Phó khảo, chuyện này ắt có bàn tay của Thừa chỉ viện Hàn Lâm Phó Vị, tức thầy mình. Nhưng Phó Vị lâu nay tránh xa triều chính, an phận với vai trò cán bộ lão thành về hưu. Mặc dù ông hoàn toàn có thể đề bạt học trò của mình làm Phó khảo thi Hội bất chấp Đường Thận mới làm quan được ba năm, nhưng Đường Thận biết, Phó Vị không phải người như thế.
Thế nên…
Chỉ có thể là ý đồ của Vương Tử Phong!
Chính Vương Tử Phong mới là người cố tình sắp xếp cho cậu tham gia vào kì thi Hội, để cậu không thể nhận bất cứ nhiệm vụ nào trên triều đình trong tháng hai năm Khai Bình thứ ba mươi!
Sư huynh ơi sư huynh, rốt cuộc Vương đảng đang âm mưu gì đây?
Đường Thận ngước mắt nhìn vòm trời đen óng, chợt nghĩ, e rằng trận mưa rào mà Tô Ôn Duẫn từng nhắc đến sắp ập tới rồi.
Nhưng bây giờ cậu đã vào trường thi, dù trận mưa này có to đến mấy thì tán ô “Thi Hội” che trên đầu sẽ giữ cho cậu an toàn khỏi gió táp mưa sa.
Đang suy nghĩ mông lung, đột nhiên, Đường Thận để ý có mấy cử nhân buộc khăn vải đen trên đầu bước vào trường thi, đi loanh quanh tìm phòng thi của mình rồi chui vào. Đường Thận lấy làm lạ, chăm chú quan sát những người ấy. Sai nha theo hầu cậu rất nhạy bén, thấy vậy thì giải thích ngay: “Đại nhân, những người đó là quy chính nhân đấy ạ.”
Đường Thận: “Quy chính nhân ư?”
“Chính thế ạ. Năm Khai Bình thứ mười, Đại Tống thu hồi được đất đai U Châu bao gồm mười mấy quận huyện từng bị người Liêu chiếm đóng ròng rã bốn mươi năm. Người Tống sống ở những châu phủ đấy đã có mấy chục năm làm người Liêu, nên bị gọi là ‘quy chính nhân’. Thánh thượng có lệnh, quy chính nhân lên kinh thành ứng thi, phải buộc khăn đen trên đầu để phân biệt.”
Sai nha chỉ giải thích đến đó, Đường Thận cũng lần ra được ba chữ “quy chính nhân” trong trí nhớ của mình.
Hồi làm việc ở viện Hàn Lâm, Đường Thận đã đọc rất nhiều sách vở, cũng biết về những người gọi là “quy chính nhân” này. Sai nha chỉ nhắc tới việc hoàng đế ra lệnh cho họ buộc khăn đen để phân biệt thân phận, nhưng không nhắc đến việc quy chính nhân vĩnh viễn không được đỗ tiến sĩ trong hai giáp đầu, tức Đồng tiến sĩ xuất thân là thứ hạng cao nhất mà họ có thể đạt được. Điều này đồng nghĩa với việc quy chính nhân vĩnh viễn không có cơ hội trở thành đại quan tam phẩm trở lên trong triều đình!
Tuy thế, không có gì là tuyệt đối cả. Đường Thận biết một đại quan nhị phẩm trong triều là quy chính nhân. Chỉ có điều, người ấy giành được chức quan nhị phẩm nhờ nếm mật nằm gai trên sa trường, vào sinh ra tử giữa núi thây biển máu, chứ không thăng tiến thông qua con đường khoa cử.
Quy chính nhân…
Chưa đến tảng sáng, các cử nhân đã vào hết phòng thi trong trường thi Thịnh Kinh, bắt đầu nghỉ ngơi, chuẩn bị cho cuộc thi.
Cùng lúc đó, con đường quan đạo lầy lội từ Giang Nam đến phủ Quảng Lăng in hằn dấu móng ngựa. Chú ngựa khỏe mải miết vượt núi băng rừng, phi như bay về Thịnh Kinh.
Hôm sau, khi buổi triều còn chưa bắt đầu, Triệu Phụ hẵng còn hơi lim dim trong lúc cung nữ, thái giám hầu hạ ông ta mặc triều phục.
Quý Phúc hớt hải vào cung Phúc Ninh, tâu: “Bẩm quan gia, Giang Nam gửi tấu khẩn.”
Triệu Phụ mở mắt: “Đưa đây trẫm xem.”
Quý Phúc dâng sổ lên bằng hai tay.
Hồi lâu sau, Triệu Phụ tức tối hừ một tiếng, quăng phắt quyển tấu đi. Không may, quyển sổ cứng nện thẳng vào một thái giám trẻ làm trán anh ta túa máu. Người thái giám đau quá, chỉ kịp kêu “ối” rồi gục xuống ngay, không gượng dậy nổi. Quý Phúc vội vàng nháy mắt, ra lệnh cho lũ còn lại lôi ngay cái kẻ vô tích sự ấy đi cho khuất mắt.
Đầu tiên Triệu Phụ giận điên người, rồi ông ta dần dần tỉnh táo lại.
Gương mặt già nua của đấng thiên tử trở nên bình thản đến khó hiểu, không thể đoán được tâm trạng ông ta.
Mãi sau, ông ta mới chìa tay, Quý Phúc nhanh nhẹn chạy đến đỡ.
Triệu Phụ: “Lên triều.”
Quý Phúc: “Vâng.”
Bên trường thi Hội, đã sang ngày thi thứ hai. Các khảo quan trên lầu Minh Viễn chia thành nhóm, lần lượt xuống khỏi lầu đi nghỉ ngơi. Trong hoàng thành, trên điện Tử Thần, hoàng cung Đại Tống, Triệu Phụ cười lạnh buốt: “Cuối năm ngoái, phú khế và tổng số thuế phủ Quảng Lăng nộp lên không khớp với nhau, thế mà các bề tôi giỏi giang của trẫm tuyệt nhiên không hé một lời cho trẫm biết. Quần thần của trẫm mẫn cán thật! Các quan Đại Tống thanh liêm quá! Kỷ Ông Tập, Vương Thuyên, các ngươi giải thích thế nào đây?”
“Bốp!”
Một quyển tấu chương bị ném thẳng xuống đất, lăn xuống thềm. Khéo thay, nó dừng ngay bên chân Thượng thư bộ Hộ Vương Trăn, y hệt tình huống cách đây hai năm.
Nhưng hôm nay, hoàng đế không khiển trách chàng mà mắng thẳng mặt hai vị Thừa tướng đứng đầu triều đình.
Kỷ Ông Tập và Vương Thuyên cùng nhau bước lên khỏi hàng, chắp tay cúi mình.
Triệu Phụ quát ầm lên: “Nhìn đi! Nhìn cho trẫm xem quyển tấu ấy viết gì!”
Vương Trăn cúi xuống nhặt quyển tấu lên, đưa cho Tả tướng Kỷ Ông Tập. Kỷ Ông Tập xem bản tấu, biến sắc, lại chuyển sang cho Hữu tướng Vương Thuyên.
Triệu Phụ: “Vương Tử Phong, đọc to lên cho trẫm!”
Trong điện Tử Thần, một số quan viên trộm ngó bóng lưng thẳng tắp đẹp ngời ngời của chàng, rỏ một giọt nước mắt đồng cảm với số phận không dưng phải vạ của Vương đại nhân. Vương đại nhân điềm nhiên nhận quyển tấu được chuyển lại cho mình, thong thả đọc nội dung bản tấu lên: “Năm Khai Bình thứ ba mươi, huyện thừa Tần Hào của huyện Giang Đô, phủ Quảng Lăng, chịu trách nhiệm giám sát việc thu thuế ruộng sửa đổi ở huyện nhà. Mùng bốn tháng Giêng, phát hiện thi thể của Tần Hào ở khu vực ngoại ô, dư cốt bị sài lang gặm rỉa, chết không toàn thây…”
Các quan trong triều ồ lên khiếp vía.
Kỷ tướng và Vương tướng đều hiểu ý đồ của bản tấu, cả hai kinh hãi ngước nhìn hoàng đế.
Hoàng đế lạnh lùng: “Đọc tiếp đi!”
Vương Trăn tạm ngừng một lát rồi mới đọc nốt.
Sau khi chàng đọc hết bản tấu, Vương Trăn cúi rạp mình, dâng sổ lên cao quá đầu. Quý Phúc bước xuống dưới thềm, thu quyển tấu lại.
Triệu Phụ nhìn chúng bề tôi, giọng ông ta bình thản như phút lặng thầm trước giờ bão nổi: “Hai vị ái khanh, có ai giải thích hộ trẫm, tại sao sự việc xảy ra từ một tháng trước mà bây giờ mới đến tai trẫm không?”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.