Buổi sáng, trong phòng ăn, mẹ lặng lẽ húp một thìa súp và thốt ra tiếng kêu khe khẽ:
- Ah!
- Là tóc sao? - Tôi nghĩ trong bát canh súp có thứ gì ghê ghê lẫn vào chăng.
- Không phải.
Mẹ lại đưa một thìa súp lên miệng nuốt vào, làm như chẳng có chuyện gì xảy ra, rồi mẹ nghiêng mặt về phía cửa sổ nhà bếp, nhìn ra những cành hoa anh đào núi đang độ mãn khai. Cứ nghiêng mặt như thế, mẹ lại đưa một thìa súp lên miệng, cho vào khoảng hẹp giữa hai môi nhẹ nhàng trút xuống. Cái tính từ "nhẹ nhàng" dùng trong trường hợp của mẹ hoàn toàn không mang tính khoa trương một chút nào. Cách ăn uống đó quả thật hoàn toàn khác biệt với cách ăn uống thường thấy trên những tạp chí phụ nữ. Naoji, em trai tôi, có lần vừa uống rượu vừa nói với tôi như thế này:
- Không phải cứ có tước vị là trở thành quý tộc cả đâu. Có những người dù không có tước vị gì cũng là một quý tộc cao sang như thể trời ban cho một thiên tước vậy. Như chị em mình đây, cho dù có tước vị thì cũng chẳng ra vẻ quý tộc gì cả, mà gần với thứ tiện dân hơn. Như Iwashima ấy (tên một bá tước[1] học chung lớp với Naoji), chị có cảm thấy hắn đối xử với chị còn tệ bạc hơn kẻ ma cô dắt gái ở chốn lầu xanh không? Hay Yanai (tên một tử tước chung trường với Naoji) trong đám cưới anh trai lại mặc bộ vét tông đen. Thì cứ cho là cần phải mặc bộ vét đen đi nhưng em thật muốn nôn mửa khi nghe cái giọng khoa trương kệch cỡm như đọc diễn văn của gã ngu đó. Cái sự kiểu cách chẳng liên quan một chút gì đến sự cao sang quý phái cả. Mặc dù cái bảng hiệu "nhà nghỉ cao cấp" thường thấy ở quận Hongo này nhưng hầu hết những đám quý tộc trong đó đều là một lũ "ăn mày cao cấp" cả. Quý tộc thực sự ấy nhé, hoàn toàn không phải là những thứ kiểu cách theo kiểu thằng Iwashima đâu. Ngay cả trong gia đình mình đây, chỉ có mẹ mới là quý tộc thật sự. Có gì đó cao sang nơi bà mà chúng tôi không thể nào sánh nổi.
[1] Giai cấp quý tộc được quy định bởi Hiến Pháp Minh Trị xếp theo thứ tự lần lượt là Hoàng tộc 皇族, Hoa tộc 華族 (gồm công tước 公爵, hầu tước 侯爵, bá tước 伯爵, tử tước 子爵, nam tước 男爵), Sĩ tộc 士族 và bình dân 平民 - ND.
Như trong cách ăn súp chẳng hạn. Chúng tôi hay nghiêng nhẹ đĩa rồi dùng muỗng múc súp đưa ngang lên miệng. Nhưng mẹ tôi thì dùng các ngón của bàn tay trái tì nhẹ lên mép bàn, thẳng người, ngẩng mặt lên, đưa muỗng múc súp mà hầu như không nhìn vào đĩa. Rồi bà nhẹ nhàng và khinh khoái đưa đầu muỗng súp vào giữa hai môi theo một góc vuông khiến ta có thể hình dung tư thế ấy như một con chim én vậy. Rồi vừa như vô tình nhìn xung quanh, bà vừa nhẹ nhàng đưa muỗng súp lên xuống như vẫy đôi cánh nhỏ, không bao giờ để rơi một giọt súp cũng không bao giờ phát ra tiếng động nào cả khi chạm vào đĩa lẫn khi đưa lên miệng. Có lẽ đó không phải là kiểu cách ăn uống được quy định chính thức lễ nghi, nhưng trong mắt tôi nó lại vô cùng khả ái, và tôi cho đó mới chính là cái cốt cách của quý tộc chân chính. Hơn thế nữa, sự thực là cách uống súp theo kiểu thẳng người lên, đưa đầu muỗng súp vào miệng thì ngon hơn rất nhiều so với cách cúi đầu xuống và húp súp từ muỗng theo chiều ngang. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ là thứ hành khất quý tộc đúng như Naoji nói nên chẳng thể nào sử dụng muỗng một cách khinh khoái và thuần khiết như mẹ tôi được.
Thành ra chẳng còn cách nào hơn, tôi đành cúi đầu xuống và húp súp một cách buồn bã theo kiểu "lễ thức chính quy".
Không chỉ có món súp, cách ăn uống của mẹ tôi hầu hết đều đi lệch ra ngoài khuôn khổ. Chẳng hạn như khi ăn bít tết, bà nhanh chóng dùng dao và nĩa cắt thịt ra từng miếng nhỏ rồi bỏ dao đi, chuyển cái nĩa sang tay phải rồi cứ thế xiên từng miếng một khoan khoái đưa lên thưởng thức. Hơn thế, mỗi khi ăn một miếng thịt gà có xương, trong khi chúng tôi khổ sở tách xương ra cố không gây tiếng động nào nơi đĩa thì mẹ tôi lại nhẹ nhàng dùng đầu ngón tay cầm chỗ xương ấy đưa lên miệng rồi tách phần thịt và xương. Cái hành động thô lậu ấy khi mẹ tôi trình diễn lại vô cùng dễ thương, thậm chí còn có đôi chút gợi tình nữa. Đúng là quý tộc tinh hoa có khác. Không chỉ xương gà mà trong bữa trưa, khi ăn những món như đùi lợn muối hay xúc xích mẹ tôi cũng hay dùng tay cầm lên để ăn.
"Các con có biết tại sao món cơm nắm ngon như vậy không? Vì nó được nắm chặt bằng bàn tay người đấy."
Có lần mẹ nói như thế.
Thực ra cũng có lúc tôi nghĩ ăn bằng tay như thế chắc ngon lắm nhưng lũ khất thực cao cấp như chúng tôi nếu bắt chước một cách tệ hại thì chẳng phải đã trở thành một kẻ ăn mày thực sự hay sao nên tôi đành gắng chịu đựng vậy.
Ngay cả thằng em tôi Naoji cũng đã nói mẹ chúng ta là số một, còn tôi sau nhiều lần chật vật bắt chước bà thì cảm thấy vô cùng tuyệt vọng.
Có một lần, vào đêm trăng sáng đầu thu, trong vườn sau nhà, tôi và mẹ ngồi dưới bóng cây bên bờ ao ngắm trăng, vừa nói chuyện trời sao mây gió vừa cười đùa. Chợt mẹ tôi đứng dậy đi sâu vào bụi hoa hagi kế bên rồi từ giữa đám hoa màu trắng ấy, mẹ ló gương mặt trắng ngần đẹp hơn cả hoa cười ra hỏi tôi rằng:
- Kazuko à, con xem mẹ đang làm gì này?
- Hái hoa chứ gì?
- Không, mẹ đi tiểu đấy.
Mẹ tôi cất giọng cười tươi trả lời.
Quả thật nơi mẹ tôi có một vẻ gì cao quý vô cùng mà tôi không tài nào bắt chước được.
Bắt đầu từ câu chuyện món súp sáng nay mà lan man đến như vậy thì có lẽ đi hơi quá xa nhưng vì gần đây tôi có đọc một quyển sách nói rằng những quý phu nhân vương triều Louis thường bình thản tiểu tiện ở những góc hành lang hay trong các khu vườn ở cung điện. Sự ngây thơ đáng yêu ấy mới thật dễ thương làm sao và tôi nghĩ rằng không chừng người như mẹ tôi là một phu nhân quý tộc chân chính cuối cùng còn lại?
Trở lại chuyện sáng nay, khi húp một thìa súp, mẹ tôi kêu lên khe khẽ. Và khi tôi hỏi rằng có phải tóc không thì mẹ đáp rằng không.
- Có lẽ vì quá mặn chăng?
Món súp sáng nay được tôi chế biến từ đậu bina đóng hộp do Mỹ cấp và ngay từ đầu tôi đã không tự tin chút nào nên dù mẹ nói không tôi cũng lo lắng hỏi như vậy.
- Con nấu ăn ngon lắm.
Mẹ tôi nói nghiêm túc như vậy và sau khi dùng hết chén súp mẹ còn ăn thêm một vắt cơm nắm cuộn rong biển.
Từ nhỏ, phải sau 10 giờ sáng tôi mới ăn điểm tâm thấy ngon miệng vì không cảm thấy đói. Lúc đó tôi chỉ húp qua loa chén súp cho xong chuyện, rồi đặt vắt cơm nắm lên đĩa dùng đũa dẽ vụn ra, sau đó lấy đũa gắp từng miếng y như khi mẹ tôi dùng muỗng húp súp vậy. Tôi đưa đũa vuông góc với miệng như thể đang đút mồi cho một con chim sẻ nhỏ và ăn một cách lề mề chậm chạp. Trong khi đó mẹ tôi đã dùng xong bữa sáng, lặng lẽ đứng dậy, dựa lưng vào bức tường đang hứng ánh sáng buổi mai, nhìn cách tôi ăn và nói:
- Kazuko à, vẫn chưa được đâu con. Phải tập làm sao để có thể ăn sáng một cách ngon lành nhất mới được.
- Còn mẹ thì sao? Có thấy ngon không ạ?
- Đương nhiên rồi, mẹ đâu còn là bệnh nhân nữa.
- Vậy thì Kazuko cũng chẳng phải bệnh nhân đâu.
- Không được, không được - Mẹ vừa lắc đầu vừa cười với vẻ cô đơn vô hạn.
Năm năm trước, tôi từng bị bệnh phổi và phải nằm miệt mài trên giường nhưng tôi biết đó chỉ là thứ bệnh ích kỷ của tôi mà thôi. Tuy nhiên điều làm tôi lo lắng lại chính là chứng bệnh u sầu của mẹ dạo gần đây. Vậy mà mẹ lại chỉ toàn lo lắng cho tôi.
- Ah! - Tôi nói.
- Gì vậy con? - Lần này đến mẹ lên tiếng.
Hai mẹ con nhìn nhau và tôi có cảm giác dường như chúng tôi thấu hiểu tâm tư nhau nên tôi cười khúc khích còn mẹ thì khẽ mỉm cười.
Những lúc cảm thấy ngượng ngùng với điều gì đó, tự nhiên tôi thường khe khẽ thốt ra tiếng "ah" kỳ diệu ấy. Bây giờ đột nhiên nhớ đến chuyện ly hôn sáu năm về trước, buồn bã nên tôi bất chợt thốt ra tiếng kêu "ah" như thế nhưng còn mẹ thì sao? Không lẽ mẹ cũng giống như tôi đang nhớ về kỷ niệm đau lòng nào? Không phải. Vậy thì có chuyện gì đây?
- Mẹ à, lúc nãy hình như mẹ vừa nhớ ra chuyện gì phải không? Chuyện gì vậy mẹ?
- Mẹ quên rồi.
- Chuyện của con hả?
- Không phải.
- Vậy thì chuyện của Naoji?
- Ừ - Mẹ nghiêng nghiêng đầu nói - Hình như là vậy.
Thằng em tôi khi đang học đại học thì bị triệu tập nhập ngũ đến vùng đảo phía Nam, từ đó bặt vô âm tín. Chiến tranh kết thúc nhưng vẫn không rõ tung tích, mẹ nói đã chuẩn bị tinh thần là không thể gặp lại nó rồi nhưng tôi biết mẹ chưa một lần chấp nhận suy nghĩ đó mà lúc nào cũng nuôi hy vọng sẽ gặp lại Naoji.
- Mẹ định từ bỏ hy vọng về Naoji rồi nhưng ăn canh súp con nấu ngon quá làm mẹ nhớ em không chịu nổi. Phải chi mẹ làm được nhiều điều cho em nó hơn.
Thằng Naoji từ khi vào trường trung học, đã chọn ngành văn chương và bắt đầu cuộc sống ăn chơi quậy phá như một thiếu niên hư hỏng, không hiểu rằng mình đã gây cho mẹ bao nỗi buồn phiền khổ sở. Vậy mà mẹ tôi ngay cả khi ăn súp vẫn nghĩ đến Naoji. Tôi nuốt cơm và cảm thấy nóng máu.
- Không sao đâu mẹ. Naoji không sao đâu. Thằng hư hỏng như Naoji dễ gì mà chết.
Người chết thường là những người hiền lành, dịu dàng và đẹp đẽ thôi. Chứ còn thằng Naoji ấy có lấy cây đập nó cũng không chịu chết cho đâu.
Mẹ mỉm cười trêu tôi:
- Vậy thì người chết sớm sẽ là Kazuko rồi.
- Sao vậy được chứ? Con là chị của thằng du côn đó mà, nên đến tám mươi tuổi vẫn còn khỏe đấy.
- Vậy sao? Vậy thì chắc đến chín mươi tuổi mẹ vẫn còn minh mẫn nhỉ?
- Đúng đấy - Tôi nói và bất chợt cảm thấy ngại ngùng. Kẻ ác thì thường sống lâu, người đẹp lại thường yểu mệnh. Mẹ tôi rất đẹp, nhưng tôi lại muốn bà được sống lâu. Tôi cảm thấy mình thật khó hiểu.
- Mình thật tệ - Tôi nói, đôi môi run lên và nước mắt khẽ ứa tràn.
Có lẽ giờ nên chuyển sang chuyện những con rắn. Một buổi chiều của chừng bốn năm ngày trước, bọn trẻ trong làng tìm thấy khoảng mười cái trứng rắn ở góc hàng rào tre trong vườn.
- Đây là trứng rắn độc mamushi đó. - Bọn trẻ khăng khăng.
Tôi nghĩ nếu trứng nở ra chừng mười con rắn thì mình làm sao còn có thể đi dạo quanh quẩn trong vườn được nữa nên mới bảo bọn trẻ:
- Mình hãy đốt nó đi!
Bọn nhỏ vui mừng nhảy cẫng lên và chạy theo tôi.
Chúng tôi thu gom lá cây, cành khô ở gần hàng rào lại, châm lửa và ném từng cái trứng vào trong đám cháy. Những cái trứng mãi vẫn không chịu cháy. Bọn trẻ chất thêm củi, lá khô làm cho lửa bùng mạnh hơn nhưng mấy cái trứng vẫn không hề hấn gì.
Cô bé nhà làm nông ở cuối làng đứng bên ngoài hàng rào vừa cười vừa hỏi:
- Chị đang làm gì đấy ạ?
- Bọn chị đang đốt trứng rắn độc mamushi. Nếu để nó nở thành con thì ghê lắm.
- Trứng đó to cỡ nào chị?
- To cỡ như trứng cút và màu trắng.
- Vậy thì đó chỉ là trứng rắn bình thường chứ không phải là trứng rắn độc mamushi đâu. Trứng sống thì làm sao đốt cháy được!
Cô bé cười tinh quái rồi bỏ đi.
Đốt mãi chừng ba phút nhưng mấy cái trứng vẫn không cháy, bọn trẻ mới khều ra và đem chôn dưới gốc cây mơ. Tôi gom mấy viên sỏi và đắp thành mộ bia cho chúng.
- Nào các em, mình cùng khấn vái nhé!
Khi tôi ngồi xổm xuống và chắp hai tay vái thì bọn trẻ phía sau tôi dường như cũng ngoan ngoãn chắp tay theo.
Sau đó tôi và bọn trẻ chia tay nhau. Tôi chậm rãi bước lên thềm đá và thấy mẹ đang đứng đó, dưới bóng của tàn cây cát đằng.
- Con vừa làm một việc thật tội lỗi đó. - Mẹ tôi nói.
- Vì con tưởng đó là rắn độc nhưng hóa ra chỉ là rắn bình thường. Nhưng con đã chôn cất chúng tử tế, nên chắc không sao đâu.
Mặc dù nói vậy nhưng tôi nghĩ chuyện như thế mà để mẹ nhìn thấy thì thật không hay chút nào.
Đương nhiên mẹ không phải là người mê tín nhưng mười năm trước, sau khi cha tôi qua đời tại tư gia ở thành phố Nishikata mẹ trở nên rất sợ rắn. Ngay trước khi cha mất, mẹ nhìn thấy có sợi dây đen đen dài dài bên gối nằm của cha, mẹ định nhặt lên thì mới hay ra đó là con rắn. Nó trườn đi, ra tới hành lang rồi mất hút. Chứng kiến cảnh tượng ấy chỉ có mẹ và chú Wada, hai người nhìn nhau nhưng vì không muốn làm kinh động đến phút ra đi của cha nên đều im lặng. Lúc đó, tôi cũng có mặt tại phòng khách nhưng không hề hay biết gì.
Nhưng chính tôi đã chứng kiến cảnh rắn bò lóp ngóp trên bờ ao, trên ngọn cây ở ngoài vườn vào buổi tối ngay ngày cha tôi qua đời. Bây giờ tôi là bà cô hai mươi chín tuổi nhưng khi cha mất vào mười năm trước, tôi cũng đã mười chín tuổi rồi. Không còn là trẻ con nữa nên cho dù mười năm đã trôi qua ký ức đó vẫn còn rõ ràng, không hề sai trật. Khi đi cắt hoa cúng, tôi bước dọc về phía bờ ao, đến bên cây đỗ quyên, ngước mắt nhìn thì thấy trên đầu cành cây có một con rắn nhỏ đang quấn mình. Khi định ngắt cành hoa cúc yamabuki tiếp theo cũng thấy trên cành hoa có rắn, tôi hơi ngạc nhiên. Trên cành cây ô liu, rồi cây phong, cây hoa đậu, dây cát đằng, cây hoa anh đào kế bên cũng có..., nói chung nơi nào có cây là nơi đó thấy rắn. Tuy nhiên tôi lại không thấy sợ hãi lắm. Tôi chỉ cảm thấy rắn cũng giống như tôi, buồn thương về sự ra đi của cha, nên chúng mới rời hang bò ra ngoài vái lạy vong linh của cha tôi. Khi tôi lặng lẽ báo cho mẹ biết về chuyện có rắn trong vườn, mẹ nghiêng đầu như đang suy nghĩ điều gì đấy nhưng không nói ra.
Nhưng sự thật là sau lần thứ hai thấy rắn đó, mẹ tôi đâm ra vô cùng ghét rắn. Có lẽ hơn cả ghét nữa mà là kính rắn, sợ rắn, như một cảm giác kinh sợ nên kính nhi viễn chi vậy.
Tôi nghĩ việc đốt trứng rắn mẹ nhìn thấy khi nãy chắc chắn đã khiến mẹ có cảm giác đó là việc vô cùng bất thường, còn tôi cũng thấy rất sợ vì mình đã đốt trứng rắn và cứ lo lắng không biết đó có phải là lời nguyền ác nghiệt nào lên mẹ hay không? Đến ngày hôm sau, hôm sau nữa tôi vẫn không thể quên nhưng sáng nay nơi nhà ăn, tôi đã lỡ miệng nói xằng bậy thiếu suy nghĩ rằng người đẹp sẽ chết, không thể nào rút lại lời nói được nữa, tôi chỉ đành khóc; vừa dọn dẹp bữa sáng tôi vừa cảm thấy sâu thẳm trong ngực mình, có cái gì đó như một con rắn đang trườn vào âm mưu rút ngắn sinh mệnh của mẹ, một cảm giác bức bối không tài nào chịu nổi.
Rồi ngày hôm đó, tôi lại nhìn thấy rắn trong vườn. Đó là một ngày đẹp trời và vô cùng yên tĩnh nên sau khi làm xong việc ở nhà bếp, tôi mang một chiếc ghế mây ra bãi cỏ sau vườn để ngồi đan len. Nhưng khi vừa đặt chiếc ghế xuống bãi cỏ, tôi nhìn thấy ở bụi cây chỗ tảng đá nơi góc vườn có một con rắn. "Á, thật là đáng ghét!" Lúc đó tôi chỉ nghĩ vậy thôi chớ không suy nghĩ gì sâu xa hơn rồi mang ghế đặt ngay chỗ lối đi, ngồi xuống và đan len. Cho đến chiều, tôi muốn xem tập tranh của Marie Laurencin[2] ở trong thư viện nhà tôi, vốn là một cái chòi nơi góc vườn nên đã cất bước và lại thấy trên bãi cỏ một con rắn đang chậm chạp trườn đi. Nó giống y như con rắn ban sáng. Một con rắn dài thanh mảnh quý phái. Tôi nghĩ nó là rắn cái. Nàng ta từ từ băng qua bãi cỏ, đến dưới bụi hoa hồng thì ngừng lại ngẩng đầu lên, thè lưỡi đung đưa như ngọn lửa. Làm ra vẻ nhìn ngắm xung quanh một hồi lâu, nàng gục đầu, rũ xuống đất một cách uể oải. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đây là một con rắn thật đẹp rồi đi đến thư viện góc vườn lấy tập tranh. Khi quay trở lại, tôi thử tìm con rắn lúc nãy nhưng nàng không còn ở đó nữa.
[2] Marie Laurencin (1885-1956): nữ họa sĩ Pháp, chuyên vẽ tranh chân dung - ND.
Đến gần chiều, tôi cùng mẹ uống trà trong căn phòng bài trí kiểu Trung Hoa, nhìn ra vườn tôi lại thấy nàng rắn ban sáng đang nằm trên bậc thang đá thứ ba. Mẹ cũng nhận ra.
- Con rắn kia là...?
Mẹ đi đến chỗ tôi, nắm tay tôi và cứ đứng yên như thế. Nghe mẹ hỏi, tôi chợt nghĩ ra và nói:
- Con rắn mẹ của những cái trứng đó đúng không?
- Đúng, đúng đấy con à - Mẹ thì thầm.
Chúng tôi nắm chặt tay nhau, nghẹt thở, im lặng quan sát con rắn. Nó ngóc đầu uể oải rồi bắt đầu trườn đi như thể đang run rẩy, băng ngang qua bậc thang đá về phía bụi hoa diên vỹ.
- Nó cứ đi vòng quanh vườn từ sáng nay đấy mẹ ạ - Tôi khe khẽ nói. Mẹ thở dài rồi ngồi xuống ghế:
- Vậy sao? Nó đi tìm trứng đấy mà. Thật tội nghiệp - Mẹ trầm giọng. Tôi chỉ đành cười trừ trong căng thẳng.
Ánh chiều soi sáng gương mặt mẹ, mắt mẹ sáng lấp lánh gần như một màu xanh, gương mặt dường như mang một chút gì giận dữ đẹp vô cùng, khiến người khác phải động lòng. Tôi chợt nghĩ gương mặt mẹ và con rắn đẹp đẽ khi nãy có một cái gì đó giống nhau. Tôi cũng không hiểu tại sao lại có cảm giác con rắn xấu xí như con rắn độc mamushi đang uốn éo trong ngực tôi như muốn ăn tươi nuốt sống con rắn mẹ đẹp đẽ vô chừng và buồn rầu sang trọng đó.
Tôi đặt tay lên bờ vai mềm mại và mảnh mai của mẹ, cảm nhận được một nỗi muộn phiền không rõ lý do.
Chúng tôi đã rời bỏ căn nhà nơi khu phố Nishikata, Tokyo để chuyển về một sơn trang xây theo kiểu Trung Hoa ở Izu này từ tháng mười hai năm Nhật Bản phải đầu hàng vô điều kiện. Sau khi cha tôi mất, việc kinh tế của gia đình đều do một tay chú Wada, em trai và là người thân duy nhất của mẹ lo liệu. Nhưng thế cuộc đổi thay từ khi chiến tranh kết thúc, chú Wada cũng chẳng còn cách nào khác là phải bán nhà, giải tán hết người làm rồi bàn với mẹ tôi rằng cách tốt nhất bây giờ là mua một căn nhà nhỏ đâu đó ở miền quê để sống qua những tháng ngày yên ổn. Mà mẹ tôi thì chuyện tiền nong còn kém hiểu biết hơn cả một đứa trẻ con, khi nghe chú Wada nói thế chỉ gật đầu mà rằng "vậy chú làm sao được thì làm" rồi thôi.
Vào cuối tháng mười một, chú tôi gửi điện báo nói rằng "ngôi biệt thự của tử tước Kawada trên tuyến đường sắt Sunzu[3]đang rao bán, ngôi nhà nằm trên nền cao bằng phẳng, tầm nhìn khoáng đạt và có vườn rộng chừng một trăm tsubo[4]; vùng này cũng nổi tiếng là một chốn để ngắm hoa mơ, mùa đông ấm áp, mùa hè mát mẻ, em nghĩ chị sống nơi đó sẽ rất thích hợp nhưng vì cần phải gặp và nói chuyện trực tiếp với chủ biệt thự nên nếu được ngày mai chị có thể ghé văn phòng em ở khu Ginza một chút".
[3] Sunzu 駿豆: viết tắt của hai vùng Suruga 駿河 và Izu 伊豆 - ND.
[4] Tsubo(坪): đơn vị đo diện tích ở Nhật. Một tsubo chừng 3,306 mét vuông - ND.
- Vậy mẹ có đi không? - Tôi hỏi.
- Đi chứ, vì chú ấy đã yêu cầu như vậy còn gì - Mẹ nói với một nụ cười cô đơn vô hạn.
Ngày hôm sau, mẹ nhờ chú Matsuyama, người tài xế cũ, đưa đi từ quá trưa đến khoảng 8 giờ tối mới cùng chú Matsuyama trở về nhà.
Mẹ vào phòng của tôi, chống tay lên bàn, ngồi xuống với vẻ rã rời và buông một câu.
- Mẹ quyết định rồi.
- Quyết định cái gì vậy mẹ?
- Tất cả.
- Nhưng mà...
Tôi kinh ngạc:
- Nhà cửa như thế nào mẹ còn chưa xem qua mà. Mẹ tựa khuỷu tay lên bàn, sờ trán và khẽ thở dài:
- Bởi vì chú Wada nói đó là một nơi rất tốt. Mẹ cảm thấy chúng ta cứ nhắm mắt mà dọn đến ngôi nhà đó thì cũng được chứ sao.
Mẹ ngẩng mặt lên cười yếu ớt. Gương mặt ấy hơi tiều tụy nhưng đẹp vô cùng.
- Đúng vậy.
Tôi gật đầu biết mình đã thua niềm tin đẹp đẽ của mẹ đối với chú Wada và cũng tán đồng.
- Vậy thì con cũng nhắm mắt mà dọn đi.
Hai mẹ con cùng cất tiếng cười nhưng sau đó là một nỗi rầu buồn vô hạn.
Sau đó, mỗi ngày đều có phu khuân vác đến thu xếp hành lý và chuyển đi. Chú Wada cũng đã đến giúp cắt đặt mọi việc. Tôi cùng cô hầu Okimi bận rộn với bao nhiêu việc, nào là sắp xếp quần áo, rồi mang những thứ linh tinh ra vườn đốt, vậy mà mẹ không phụ giúp gì dù chỉ là đụng đến một ngón tay, cứ suốt ngày chôn mình trong phòng thờ thẫn.
- Sao vậy ạ? Mẹ lại không muốn chuyển đến Izu nữa à? - Tôi lấy can đảm hỏi mẹ.
- Không phải vậy đâu - Mẹ mơ màng đáp.
Mười ngày sau, chuyện thu dọn hành lý cũng hoàn tất. Buổi tối khi tôi c3ùng Okimi đốt giấy vụn và rơm khô ngoài vườn, mẹ cũng từ trong phòng bước ra, đứng ở lối đi và lặng lẽ nhìn những tàn lửa cháy. Cơn gió tây lạnh lẽo như màu tro xám thổi qua, làn khói bay là đà sát mặt đất, tôi vô tình ngước lên nhìn gương mặt của mẹ, thấy thần sắc vô cùng nhợt nhạt, nét mặt này tôi chưa nhìn thấy bao giờ.
- Mẹ à, sắc mặt mẹ xanh xao quá!
Khi tôi hoảng hốt la lên như vậy thì mẹ cười nhẹ đáp lời:
- Không có gì đâu con.
Rồi lặng lẽ quay về phòng.
Tối hôm đó, vì chăn chiếu đã đóng hành lý nên Okimi ngủ ở trường kỷ trên tầng hai, còn tôi và mẹ nghỉ trong phòng của mẹ, hai người nằm chung trên một tấm futon mượn của nhà kế bên.
Khi tôi vừa định chúc mẹ ngon giấc thì bất ngờ mẹ nói với giọng run run yếu ớt:
- Vì có Kazuko nên mẹ mới đến Izu. Chính vì có Kazuko đi cùng mẹ đấy. Tôi giật mình hỏi lại:
- Nếu không có Kazuko thì sao? Đột nhiên mẹ bật khóc.
- Mẹ thà chết đi còn hơn. Mẹ muốn chết trong ngôi nhà mà cha con đã qua đời. Mẹ nghẹn ngào và khóc thổn thức.
Từ trước đến giờ chưa lần nào mẹ tỏ ra yếu đuối trước mặt tôi, cũng chưa khi nào để tôi nhìn thấy mẹ khóc đau khổ như vậy. Cho dù là lúc cha tôi mất, lúc tôi đi lấy chồng, lúc tôi bụng mang dạ chửa quay về nhà, rồi đứa bé bị chết non trong bệnh viện, hay lúc tôi bệnh nằm liệt giường, rồi ngay cả khi Naoji quậy phá nữa, mẹ cũng tuyệt đối không cho ai thấy thái độ yếu ớt như thế.
Mười năm kể từ ngày cha tôi mất, mẹ không thay đổi một chút nào, vẫn lạc quan và hiền dịu. Chúng tôi cứ thế tha hồ làm nũng với mẹ. Tuy nhiên, giờ thì mẹ đã hết sạch tiền. Vì tôi và Naoji, mẹ trang trải tiêu pha hết chẳng tiếc nuối một chút gì. Và giờ đây mẹ phải rời ngôi nhà thân thương này để dọn đến một sơn trang nhỏ ở Izu, cùng tôi bắt đầu cuộc sống mới, lủi thủi chỉ có hai người.
Phải chi mẹ là người hẹp lòng, la mắng chúng tôi, lặng lẽ tiết kiệm một chút cho riêng mình thì dù cuộc thế đổi thay thế nào cũng không đến mức cùng quẫn chỉ muốn chết như thế này. Mà cái chuyện không có tiền đúng là một địa ngục đáng sợ và thê thảm vô vọng nhất mà tôi lần đầu tiên từ lúc sinh ra đến giờ mới nhận thấy. Ngực tôi nghẹn thắt lại, muốn khóc nhưng không thể nào khóc được. Không biết cái cảm giác lúc này có phải thứ mà nhân gian thường hay nói là "sự nghiêm túc của cuộc đời" hay không? Tôi cứ ngửa mặt nhìn lên trần nhà, cảm thấy người mình như một tảng đá, không tài nào nhúc nhích nổi.
Ngày hôm sau, quả thật sắc mặt mẹ rất xanh xám, có vẻ dùng dằng muốn ở lại căn nhà này lâu hơn chút nữa, không muốn rời đi. Chú Wada nhìn thấy được điều này nên nói rằng hành lý đã gửi đi hết rồi, hôm nay phải khởi hành đi Izu. Lúc này, mẹ mới miễn cưỡng mặc áo khoác, khẽ cúi chào cô hầu Okimi cùng những người làm khác cũng đang nói lời tạm biệt, rồi cùng chú và tôi ba người rời khỏi căn nhà ở Nishikata.
Chuyến xe lửa khá vắng vẻ nên cả ba chúng tôi đều tìm được chỗ ngồi. Trong xe, chú tôi cao hứng ngâm nga vài đoạn kịch No còn mẹ thì sắc diện rất xấu, ủ rũ gục đầu và như co ro vì lạnh. Đến Mishima, chúng tôi đổi qua chuyến tàu đi Sunzu, đến Izu Nagaoka thì xuống tàu đi xe buýt chừng 15 phút là tới nơi. Chúng tôi từ từ leo lên con dốc hướng về phía núi và thấy một ngôi làng nhỏ, ở rìa làng có một sơn trang xây theo kiểu Trung Hoa khá kỳ công.
- Mẹ ơi, nơi này tuyệt hơn nhiều so với hình dung của mình nhỉ? - Tôi nói hổn hển.
- Đúng vậy đấy.
Mẹ đứng trước cổng sơn trang với một thoáng vui hiện lên trong mắt.
- Thứ nhất là không khí trong lành. Thật tinh khiết biết bao! Chú nói đầy vẻ tự hào:
- Đúng như thế.
Mẹ mỉm cười đáp lại:
- Thật tuyệt! Không khí ở đây thật tuyệt! Và cả ba chúng tôi mỉm cười.
Chúng tôi thử bước vào bên trong thì thấy hành lý từ Tokyo đã được chuyển đến chất đầy từ hành lang cho đến tận trong phòng.
- Thứ hai là phong cảnh từ phòng khách nhìn ra rất đẹp.
Chú cao hứng kéo hai mẹ con tôi vào phòng khách và bắt chúng tôi ngồi xuống.
Lúc này khoảng ba giờ chiều, khí trời mùa đông dịu nhẹ lan tỏa trên bãi cỏ trong vườn. Dưới chân bậc thềm đá nơi bãi cỏ là một cái ao nhỏ với rất nhiều cây hoa mơ, ở phía cuối vườn là một mảng vườn cam trải dài, ở đó có con đường làng, theo đó là ruộng lúa nước, xa xa là rừng thông và tít bên kia rừng thông là biển. Nếu ngồi ở phòng khách như thế này thì mực nước biển cao ngang ngực tôi.
- Cảnh vật thật yên bình - Mẹ nói đầy vẻ ưu tư.
- Chắc tại bầu không khí. Ánh nắng dường như khác hẳn với Tokyo, đúng không mẹ? Những tia nắng trông giống như tơ lụa.
Tôi phấn khởi lên tiếng.
Căn nhà có một phòng mười chiếu, một phòng sáu chiếu, một phòng khách kiểu Trung Hoa, hành lang rộng khoảng ba chiếu, phòng tắm cũng khoảng chừng ba chiếu, rồi phòng ăn và phòng sinh hoạt chung, rồi một phòng trên tầng hai thiết kế theo kiểu Tây bên trong kê một cái giường lớn dành cho khách. Chỉ có bấy nhiêu phòng thôi nhưng với hai mẹ con tôi, à không, cho dù Naoji trở về nữa thì đối với ba người, căn nhà cũng không chật chội chút nào.
Chú đến cửa hàng duy nhất trong sơn thôn này để đặt mua thức ăn. Khi cơm hộp được mang tới, chúng tôi bày ra trong phòng khách, chú lấy rượu whisky đem theo ra thưởng thức. Chú vui vẻ kể chuyện về chuyến đi du lịch Trung Quốc với tử tước Kawada, người chủ trước của sơn trang này. Mẹ chỉ cầm đũa chấm mút chút ít và khi trời vừa chạng vạng tối, mẹ cất giọng khe khẽ.
- Để cho mẹ ngủ một chút.
Tôi soạn hành lý lấy chăn đệm trải cho mẹ nằm nghỉ. Nhưng có điều gì đó nơi mẹ khiến tôi lo lắng. Tôi tìm cái nhiệt kế và thử đo thân nhiệt cho mẹ thì thấy lên đến ba mươi chín độ.
Chú tôi cũng hoảng hốt và vội vàng đi đến cuối làng tìm bác sĩ.
- Mẹ ơi!
Tôi gọi nhưng mẹ chỉ nằm thiêm thiếp. Tôi nắm chặt bàn tay nhỏ nhắn của mẹ và nức nở khóc. Mẹ thật tội nghiệp biết bao, mà không, cả hai mẹ con mình thật là đáng thương. Tôi vừa khóc vừa nghĩ đến việc chết đi cùng mẹ. Thôi, chúng tôi không cần bất cứ thứ gì nữa. Cuộc sống của mẹ con tôi đã kết thúc kể từ khi bước chân ra khỏi ngôi nhà ở Nishikata.
Khoảng hai tiếng sau chú đưa một vị bác sĩ trong làng về, ông có vẻ khá già, mặc áo hakama thượng phẩm và chân mang tất trắng.
- Không chừng bị viêm phổi đấy. Tuy nhiên, dù bị viêm phổi đi nữa cũng không cần lo lắng gì đâu.
Sau khi chẩn bệnh, bác sĩ nói một cách mập mờ như vậy rồi chích thuốc cho mẹ xong thì ra về.
Ngày hôm sau mẹ vẫn không hạ sốt.
Chú Wada đưa cho tôi hai ngàn yên và căn dặn nếu phải nhập viện thì hãy gửi điện báo về Tokyo cho chú, rồi quay về trong ngày hôm đó.
Tôi lấy trong hành lý ra một số vật dụng nấu ăn cần thiết, nấu cháo mời mẹ ăn. Mẹ vẫn nằm như thế và húp đến muỗng cháo thứ ba thì lắc đầu.
Vào buổi trưa hôm ấy, vị bác sĩ làng lại ghé thăm bệnh. Lần này ông không mặc áo hakama nhưng chân vẫn đi tất trắng.
- Có nên đưa vào bệnh viện không ạ? - Tôi hỏi.
- Không cần thiết đâu. Hôm nay tôi sẽ tiêm một mũi thuốc liều cao và phu nhân có lẽ sẽ hạ sốt đấy.
Câu trả lời của bác sĩ cũng mơ hồ như hôm trước. Sau đó ông tiêm thuốc cho mẹ rồi ra về.
Dường như mũi thuốc đó có hiệu quả, quá trưa hôm đó sắc mặt mẹ trở nên hồng hào, mồ hôi ra đầm đìa và cười nói khi tôi thay áo ngủ cho mẹ.
- Có lẽ đây là danh y chăng?
Sốt đã hạ xuống còn 37 độ. Tôi vui mừng không tả xiết, vội chạy đến quán trọ cuối làng nhờ bà chủ mua giùm mười quả trứng gà mang về luộc hồng đào mời mẹ ăn. Mẹ ăn được ba quả và chừng nửa chén cháo.
Hôm sau, vị bác sĩ, lại mang tất trắng, đến thăm bệnh. Khi tôi bày tỏ lòng cám ơn về liều thuốc hiệu nghiệm ngày hôm qua thì ông cúi đầu đáp lễ với vẻ mặt như muốn nói "đương nhiên phải có hiệu quả rồi". Ông khám bệnh cho mẹ một cách cẩn thận và quay sang nói với tôi:
- Phu nhân đã khỏi bệnh. Vì vậy, từ bây giờ có thể ăn bất cứ thứ gì và làm gì cũng được hết đấy.
Đúng là cách nói chuyện lạ lùng, tôi kiềm chế lắm mới không bật cười.
Tôi tiễn vị bác sĩ ra tận cổng, khi quay lại phòng khách thì thấy mẹ đã ngồi dậy được.
- Đúng là danh y. Mẹ đã khỏi rồi.
Mẹ trông rất vui tươi, thì thầm như nói với chính mình.
- Mẹ à, con mở cửa ra nhé? Bên ngoài tuyết đang rơi đấy.
Tuyết nhẹ nhàng rơi rơi từng phiến mỏng như những cánh hoa mẫu đơn. Tôi kéo cánh cửa và ngồi bên cạnh mẹ, ngắm tuyết Izu qua lớp kính.
- Khỏi bệnh rồi.
Mẹ lại thì thầm một mình.
- Ngồi như thế này, mẹ có cảm giác những chuyện trước đây thoáng qua như một giấc mơ thôi. Nói thật, lúc sắp chuyển nhà đến Izu trong lòng mẹ cứ chán nản thế nào ấy. Mẹ chỉ muốn ở thêm dù chỉ một ngày, thậm chí nửa ngày trong ngôi nhà ở Nishikata. Khi lên xe điện là lúc mẹ nhận ra lòng mình đã chết đi một nửa và khi đặt chân đến đây, lúc đầu mẹ cảm thấy tâm trạng vui lên một chút nhưng khi trời chập choạng tối mẹ như kiệt sức vì da diết nhớ Tokyo. Đây không phải là căn bệnh bình thường đâu. Thần linh đã cho mẹ tái sinh thành một người khác hoàn toàn với ngày hôm qua đấy.
Rồi từ đó đến nay, cuộc sống nơi sơn trang chỉ hai mẹ con tôi cứ lặng lẽ và yên bình trôi qua. Những người ở đây đối xử rất tử tế với chúng tôi. Chúng tôi chuyển đến đây từ tháng mười hai năm ngoái, vậy tính đến hôm nay là đã bốn tháng trôi qua rồi. Ngoài việc chuẩn bị cơm nước ra chúng tôi đan len ở ngoài sân vườn, đọc sách trong phòng bày trí kiểu Trung Hoa hay lặng lẽ thưởng trà, sống một cuộc sống hầu như biệt lập với thế gian. Vào tháng hai hoa mơ nở rộ, cả sơn thôn ngập chìm trong sắc hoa. Tháng ba nhiều ngày bình yên lặng gió nên những cánh hoa mơ độ mãn khai càng tươi tắn, khoe sắc cho đến cuối tháng. Dù sáng trưa chiều hay tối, những cánh hoa mơ vẫn đẹp đến nao lòng. Lần nào tôi mở cửa, hương hoa cũng lan tỏa khắp gian phòng.
Vào cuối tháng ba, buổi chiều thường hay có gió, khi tôi thưởng thức trà chiều trong phòng ăn những cánh hoa mơ ngoài cửa sổ theo gió bay vào trong tách trà. Sang tháng tư, tôi và mẹ đan len ngoài sân và thường nói về kế hoạch làm vườn sắp tới. Mẹ nói là muốn giúp tôi.
Ah, dù cho chúng tôi - như lời mẹ nói - đã chết đi để tái sinh thành hai con người hoàn toàn khác nhưng phải chăng sự phục sinh như chúa Jesu đối với người phàm là không thể được? Mặc dù mẹ nói đã quên đi chuyện đã qua nhưng rõ ràng khi húp muỗng súp mẹ lại nhớ đến Naoji và thở dài. Và vết thương trong lòng tôi, thực ra cũng chưa bao giờ lành lại.
À, tôi muốn kể mọi chuyện rõ ràng không che đậy tí gì cả. Thỉnh thoảng tôi thầm nghĩ sự bình yên ở sơn trang này chỉ là giả dối ngụy tạo mà thôi.
Cho dù đây có là khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi mà thần linh đã ban cho mẹ con tôi đi nữa, thì tôi cũng không ngừng nhận thấy rằng trong sự yên bình này có một bóng đen tăm tối và bất thường đang tiến lại gần chúng tôi. Mẹ tỏ ra hạnh phúc nhưng mỗi ngày lại cứ tiều tụy đi. Trong ngực tôi, con rắn độc mamushi đang trú ngụ, dù gắng đè nén đến đâu nó cũng đang lớn dần lên bằng sự hy sinh của mẹ. Ah, giá như đây chỉ là do thời tiết mà thôi thì hay biết mấy. Nhưng gần đây tôi cứ cảm thấy cuộc sống này thật chán chường không chịu nổi. Chắc hẳn là việc đốt trứng rắn là một trong những điều dại dột làm tôi cứ lo lắng bồn chồn như vậy. Nếu cứ thế này mãi thì sẽ làm cho mẹ ngày càng chìm sâu vào nỗi buồn phiền và suy nhược hơn thôi. Còn nếu viết về tình yêu thì tôi đã không thể nào viết gì được nữa.