Di thư của Naoji.
Chị à!
Không được nữa rồi. Em đi trước đây.
Thật tình, em không hiểu nổi tại sao mình phải sống.
Chỉ những người muốn sống thì mới sống được thôi.
Con người cùng với quyền được sống thì chắc chắn có quyền được chết.
Cái suy nghĩ này của em, chẳng có một chút mới mẻ gì, nhưng em nghĩ do con người ta sợ hãi một cách kỳ lạ với cái điều đương nhiên, gần như là nguyên thủy này nên chỉ không nói ra thôi.
Những người muốn sống họ có thể làm bất cứ chuyện gì để sống còn. Điều đó là tuyệt hảo, và vinh quang của kiếp người chắc là nằm ở chỗ đó. Nhưng em nghĩ chết cũng không phải là tội lỗi.
Em đây, ngọn cỏ là em đây thật khó sống trong ánh sáng và bầu không khí của cuộc đời này. Mặc dù sống nhưng vẫn thấy thiếu hụt, vẫn thấy không đủ. Em sống đến bây giờ cũng là đã ráng hết sức rồi.
Khi mới vào trường cao đẳng, lần đầu tiên chơi với những người bạn cỏ dại mạnh mẽ, được nuôi dạy trong một giai cấp hoàn toàn khác, em đã bị sức ép trước sự mạnh mẽ đó. Và để không thua cuộc, em đã chơi ma túy, đã phản kháng đến loạn cuồng. Rồi khi vào quân đội, em sử dụng á phiện như là một phương cách cuối cùng để sống. Chị chắc không hiểu được tâm trạng này của em đâu.
Em muốn trở nên đê tiện. Em muốn trở nên mạnh mẽ, không, trở nên cường bạo. Em nghĩ đó là con đường duy nhất để có thể trở thành bạn bè của những người thường dân kia. Rượu thì em không thể. Cứ uống vào là em chóng mặt đến tối tăm quay cuồng. Vì thế em phải tìm đến ma túy thôi. Em phải quên đi nhà mình. Phải phản kháng lại dòng máu của cha. Phải cự tuyệt sự dịu dàng của mẹ. Phải lạnh lùng với chị. Em nghĩ nếu mình không làm thế sẽ không kiếm được chiếc vé để bước vào phòng của những người thường dân kia.
Em đã trở nên đê tiện. Đã sử dụng được ngôn ngữ hạ lưu. Tuy nhiên, một nửa, không, đến sáu mươi phần trăm chỉ là sự phỉnh gạt bề ngoài bi ai. Một công phu vụng về. Đối với những thường dân mà nói, em chỉ là một gã kệch cỡm ngạo mạn làm bộ làm tịch mà thôi. Chưa bao giờ họ thấy thoải mái khi chơi với em cả. Tuy vậy, em cũng không thể quay về cái salon[1] mà mình đã vứt bỏ cho đến giờ. Sự đê tiện của em có sáu mươi phần trăm là sự phỉnh gạt tự tạo nhưng bốn mươi phần trăm kia là đê tiện thật rồi. Em đã chịu không nổi cái không khí thượng lưu trong các salon văn nghệ, gần như muốn nôn mửa tức thì. Rồi còn những người được gọi là xuất chúng và cao quý cũng chán ghét hành vi của em và tẩy chay em. Không thể quay về cái thế giới mà mình chối bỏ, em chỉ có thể nhận lấy chiếc ghế dự thính danh dự mà đám dân đen đã dành cho với đầy ác ý khinh miệt.
[1] Salon (tiếng Pháp): chỗ giao lưu văn hóa của giai cấp thượng lưu, quý tộc.
Bất kỳ xã hội nào cũng có những cây cỏ dại đầy khiếm khuyết, thiếu sinh lực như em, mang một số phận chẳng có tư tưởng, chẳng có cái quái gì cả, chỉ tự hủy mình đi thôi, nhưng em còn có điều muốn nói. Cảm giác về trạng huống như vậy làm em vô cùng khó sống.
Con người tất cả đều như nhau cả thôi.
Cái này gọi là tư tưởng được chăng? Em nghĩ người phát minh ra cái câu nói lạ lùng này không phải là nhà tôn giáo, triết học hay nghệ thuật gì mà là từ trong các quán rượu dân gian. Rồi như giòi ấy, không biết từ lúc nào, nó sinh sôi nảy nở lan tràn ra toàn thế giới, làm thế giới trở thành một nơi tanh hôi kinh tởm.
Cái câu nói vô cùng kỳ bí này hoàn toàn chẳng liên quan gì đến dân chủ chủ nghĩa và chủ nghĩa Marx cả. Đây chắc chắn là cái từ mà một gã quê kệch ném vào một mỹ nam tử trong chốn tửu trường. Chỉ là một sự khích động mà thôi. Ganh tỵ. Chẳng có lấy một chút tư tưởng nào. Tuy nhiên, lời nói giận dữ đầy ganh tỵ vang lên trong chốn tửu trường này lại lặng lẽ đi vào trong đám thường dân, khoác lấy bộ mặt tư tưởng khó đăm đăm. Và rồi dù cho chẳng liên quan gì đến dân chủ chủ nghĩa và chủ nghĩa Marx cả, không biết từ lúc nào, nó kết hợp với tư tưởng kinh tế và tư tưởng chính trị để trở thành một thứ hỗn độn nhầy nhụa không thể nào tin được.
Có lẽ ngay cả Mephisto[2] vốn lành nghề trong việc đánh tráo tư tưởng cũng bị lương tâm cắn rứt nên cũng do dự trong việc sử dụng lời nói vô trách nhiệm này.
[2] Ác quỷ trong truyền thuyết Đức, được Goethe đưa vào vở kịch "Faust" lừng danh.
Tất cả con người như nhau cả thôi.
Thật là một câu nói đê tiện. Nghĩa của nó đồng thời với việc khinh thường con người và khinh thường chính mình, khiến mình không còn tự hào về danh dự, vứt bỏ đi mọi nỗ lực. Chủ nghĩa Marx chủ trương ưu tiên con người lao động. Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người đều như nhau. Dân chủ chủ nghĩa chủ trương tôn trọng con người cá nhân. Điều đó không có nghĩa là mọi người đều như nhau. Chỉ có gã đầu bò mới nói ra câu đó.
- Hiểu rồi, hiểu rồi. Diễn giải nhiều cho lắm vào cũng chỉ để nói mọi người đều như nhau cả chứ gì?
Tại sao lại nói là "như nhau"? Sao không nói là "ưu việt"? Chỉ là một cuộc phục thù của bản tính nô lệ thôi.
Tuy nhiên, câu nói này thực sự bỉ ổi và vô nghĩa. Nó đã làm cho con người sợ hãi nhau, mọi tư tưởng bị giam cầm, nỗ lực bị nhạo báng, hạnh phúc bị cự tuyệt, cái đẹp bị nhơ nhuốc, vinh quang bị chà đạp và em nghĩ cái gọi là "nỗi bất an thế kỷ" cũng xuất phát từ câu nói kỳ lạ này mà ra.
Mặc dù biết đây là một câu nói khó chịu nhưng em cũng đã bị nó uy hiếp, sợ run bắn cả người, thử làm gì cũng thấy hổ thẹn, bất an không ngừng, hồi hộp liên miên, không biết đặt mình vào đâu nữa. Em nương nhờ vào những cơn chóng mặt của rượu và ma túy để muốn được một chút bình yên và rồi mọi chuyện trở nên lung tung hết cả.
Em yếu ớt quá nhỉ. Em là một ngọn cỏ có một khiếm khuyết to lớn là không biết nằm ở đâu. Có lẽ tên đầu bò nào đó sẽ cười nhạo em rằng "Một cái thằng ưa khoái lạc, hiếu sắc, lười biếng, ham chơi mà lại còn ưa lý sự cùn cơ đấy". Cho đến bây giờ, khi nghe những lời nhạo báng như thế, em chỉ hổ thẹn và khẽ cúi đầu. Nhưng em sắp chết và em muốn nói ra một lời kháng nghị.
Chị à!
Hãy tin em.
Em không thấy vui vẻ một chút nào khi chơi bời cả. Có lẽ em bị chứng bất lực[3] với nỗi vui sướng rồi. Em chơi bời, cuồng loạn, hoang dại chỉ để thoát khỏi cái bóng quý tộc nơi mình mà thôi.
[3] Nguyên tác イムポテンツ Impotence: chứng bất lực của nam giới. Đây ám chỉ sự không có phản ứng gì với sự vật, với niềm vui.
Chị à!
Không biết chúng ta có tội tình gì chứ? Sinh ra trong gia đình quý tộc là tội lỗi của chúng ta à? Tự nhiên vĩnh viễn chúng ta phải sống trong sợ hãi, phải tạ tội, và hổ thẹn như Juda bán Chúa hay sao?
Đáng ra em nên chết sớm hơn. Nhưng có một thứ: tình yêu của mẹ. Mỗi lần nghĩ đến điều đó, em không thể nào chết đi được. Em nghĩ rằng con người cùng với quyền được sống tự do thì cũng có quyền được chết tùy ý nhưng chừng nào mẹ còn sống thì quyền chết này phải bị tạm hoãn thi hành. Bởi vì nó sẽ cùng lúc dẫn đến tội giết mẹ luôn.
Bây giờ em có chết thì cũng không có ai buồn thương đến độ dày vò thân xác nữa. Không, em biết chị à. Khi mất em chị sẽ buồn thương biết bao nhiêu. Khi biết tin em chết, chắc chắn chị sẽ khóc nhưng, xin chị hãy ngưng nỗi cảm thương đi và thử nghĩ về nỗi khổ đau của em lúc sống và niềm vui của em khi được giải thoát hoàn toàn khỏi cuộc sống đáng ghét này. Em biết nỗi buồn thương của chị sẽ dịu bớt ngay thôi.
Những lời chỉ trích việc em tự sát, bảo rằng dù thế nào cũng nên sống hết cuộc đời mình thì đó cũng chỉ là lời đầu môi chót lưỡi, chẳng tiếp sức cho em được chút nào. Còn những người chỉ trích với vẻ mặt nhơn nhơn tự đắc ấy chắc là những đại vĩ nhân có thể tỉnh bơ như ruồi mà đề nghị Thiên Hoàng mở tiệm bán trái cây.
Chị à!
Em nên chết đi thì hơn. Em không có lấy một chút năng lực sống nào cả. Cũng không có khả năng cạnh tranh với người ta về tiền bạc nữa. Lần nào đi chơi với ông Uehara em cũng trả phần của mình. Mặc dù ông Uehara rất ghét điều đó và bảo rằng đúng là cái vẻ kiêu hãnh rẻ tiền của bọn quý tộc nhưng không phải em trả vì kiêu hãnh mà chỉ vì em rất sợ phải ăn nhậu, uống rượu và ôm gái bằng tiền của ông Uehara kiếm được. Có thể nói, vì em tôn trọng việc viết văn của ông Uehara nhưng đó chỉ là nói dối. Thực sự em không hiểu rõ tại sao mình phải làm vậy. Chỉ là sợ người ta phải bao mình ăn uống thế thôi. Nhất là được ăn uống bằng tiền công viết lách của người đó càng khiến em khổ tâm không sao chịu nổi.
Thế là em đành phải lấy tiền và đồ đạc của nhà mình, làm cho mẹ và chị phải phiền lòng, bản thân em cũng chẳng có một chút vui sướng nào. Còn chuyện mở nhà xuất bản thì chỉ là cái cớ để giữ thể diện chứ không hề có chút thực tâm. Cho dù có làm đi nữa thì em, dù ngu ngốc đến mấy cũng nhận ra, một kẻ như mình ngay đến việc ăn chực uống nhờ cũng không chịu nổi thì làm sao mà có thể kiếm tiền được cơ chứ.
Chị à!
Chúng ta đã trở nên nghèo hèn mất rồi. Lúc còn sống, em luôn muốn mình giúp đỡ tiền bạc cho người ta, nhưng giờ đây, chúng ta đã không thể nào sống được nếu không nương nhờ vào sự giúp đỡ tiền bạc của người khác.
Chị à!
Vậy thì tại sao em phải sống chứ? Vô vọng rồi. Em chết đây. Em có thuốc độc uống chết mà không đau đớn. Thuốc này em có được khi còn ở trong quân ngũ.
Chị rất đẹp (em luôn tự hào về người mẹ và người chị đẹp đẽ của mình) và thông minh nữa nên em không lo lắng gì về chị cả. Ngay cả đến cái tư cách lo lắng, em còn không có nữa. Em chỉ có thể xấu hổ đỏ bừng mặt mũi như tên trộm thông cảm với khổ chủ thôi. Em nghĩ chắc chắn chị sẽ lập gia đình, sinh con rồi sống nhờ chồng được đấy.
Chị à!
Em có một bí mật.
Trong suốt một thời gian dài, em đã giấu kín. Ngay cả khi ra chiến trường, em cũng nghĩ đến người đó, mơ thấy người đó, rồi khi tỉnh dậy em không nhớ mình đã bao lần khóc thổn thức nữa.
Tên người đó em không thể nói ra được với bất kỳ ai. Bây giờ em sắp chết nên em định nói ra rõ ràng cho chỉ riêng chị biết nhưng quả thật vẫn thấy sợ không thể nào nói ra cái tên đó được.
Tuy vậy, em cảm thấy rằng, nếu cứ giữ bí mật này mãi mãi, giấu kín trong tim mình, không cho bất kỳ ai ở thế gian này hay biết thì khi chết đi rồi được hỏa táng, con tim em vẫn còn đập, không cháy hết đi được. Điều này làm em thấy vô cùng bất an nên em sẽ nói cho một mình chị nghe một cách vòng vo và mơ hồ như tiểu thuyết vậy nhé. Tuy nói là tiểu thuyết, nhưng chắc chắn chị sẽ nhận ra ngay người đó là ai. Còn hiện thực hơn tiểu thuyết đấy, bởi em chỉ dùng một cái tên giả danh mà thôi.
Chị có biết không?
Chắc chắn là chị biết người đó nhưng có lẽ chưa từng gặp mặt thôi. Người đó hơi lớn tuổi hơn chị một chút. Mắt hơi xếch, một mí, tóc bới cao gọn ghẽ, quần áo nghèo nàn nhưng không nhếch nhác mà vừa vặn, sạch sẽ tinh tươm. Người đó là vợ của một họa sĩ trung niên chuyên vẽ tranh Tây Phương đột nhiên nổi tiếng sau chiến tranh vì cách biểu hiện mới mẻ. Hành vi của ông ta thật hoang đàng và loạn bạo nhưng vị phu nhân lúc nào cũng bình thản, mỉm cười dịu dàng.
Em đứng lên nói:
- Thôi, tôi phải về đây.
Người đó cũng đứng lên đi sát bên em, không có chút đề phòng nào cả, ngước nhìn mặt em và hỏi "Tại sao?".
Giọng nói âm sắc bình thường, rồi hơi khẽ nghiêng đầu như nghi ngờ, nàng tiếp tục nhìn sâu vào mắt em. Trong mắt người ấy không có chút nào tà tâm hay giả vờ cả, em cũng nhìn lại. Hai ánh mắt giao nhau rồi vội vàng rời ra ngay nhưng trong khoảnh khắc ấy, không cảm thấy chút ngượng ngùng nào cả. Hai gương mặt sát gần nhau khoảng một gang tay, nhìn nhau chừng khoảng sáu mươi giây và em cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Rồi em cũng bật cười "Nhưng mà...".
- Ông ấy sắp về rồi đấy.
Nàng nói với vẻ mặt nghiêm trang.
Em chợt nghĩ rằng, cái gọi là "chính trực" phải chăng là nói đến cái biểu hiện với cảm xúc như thế này. Đây không phải là thứ mỹ đức nghiêm trang của quốc văn giáo khoa thư mà là cái mỹ đức bản lai được biểu hiện ra bằng từ "chính trực". Cái đức này mới dễ thương đáng mến làm sao, em đã nghĩ như vậy đấy.
- Tôi sẽ lại đến nữa.
- Vậy sao?
Từ đầu đến cuối cuộc hội thoại chẳng có gì đáng nói. Em thì vào một buổi chiều mùa hạ ghé thăm nhà của vị họa sĩ kia và vị ấy không có nhà. Nhưng thể theo lời của phu nhân là ông ấy sắp về rồi đấy, anh hãy ngồi chờ chút xem sao, nên em đã nán lại khoảng ba mươi phút đọc báo và tạp chí. Rồi khi thấy vị họa sĩ không có vẻ quay về nên em đứng dậy cáo từ. Chuyện chỉ có vậy thôi nhưng em đã yêu khổ sở đôi mắt của người ấy trong khoảnh khắc ngày hôm đó.
Có thể gọi là "quý phái" cũng được chăng? Trong những kẻ quý tộc xung quanh mình, em đoán chắc ngoài mẹ và người có đôi mắt biểu cảm "chính trực" không chút đề phòng đó, thì không thể có người thứ ba đâu.
Sau đó, vào một buổi chiều mùa đông, em đã bị nét mặt nghiêng nghiêng của nàng ta đánh quị hoàn toàn. Em đến nhà vị họa sĩ đó, làm khách của ông ta, bỏ chân trong bàn sưởi kotatsu mà uống rượu từ sáng, rồi cùng cao đàm khoát luận tán nhảm với ông ta về "những con người văn hóa của nước Nhật". Sau đó vị họa sĩ đổ người xuống nhà ngủ khì, ngáy to như sấm; em cũng nằm nghiêng ngủ vật vờ. Từ trong cái chăn êm ái, em hé mắt nhìn ra. Bầu trời chiều mùa đông Tokyo xanh ngắt, nàng ôm con gái ngồi bên cửa sổ như chẳng để làm gì. Cái gương mặt nghiêng nghiêng đoan chính với những đường nét thanh tú nổi bật lên nền trời, đẹp như một bức tranh chân dung thời Phục Hưng. Nàng đã lén lấy chăn ấm đắp cho em. Sự tử tế này không có một chút sắc khí, một chút dục tình nào cả. Ah, có thể sử dụng từ "nhân đạo" trong trường hợp này chăng? Nàng đã hành động gần như vô thức như lòng thông cảm đương nhiên của con người. Và im lặng như một bức tranh, nàng ngồi đó và nhìn về phía xa xăm.
Chị à!
Em đến chơi nhà vị họa sĩ đó đầu tiên chỉ vì bị say nắng cái cách biểu hiện đặc dị và cái cảm hứng nhiệt cuồng trong tác phẩm của ông ta. Nhưng rồi khi giao tình sâu đậm, em mới nhận ra sự vô giáo dục, bẩn thỉu và tùy tiện nơi con người này và ngược lại, em bị lôi kéo bởi sự đẹp đẽ trong tâm hồn vị phu nhân, không, em đã nhớ nhung và ngưỡng vọng người ta với một tình cảm yêu đương thực sự. Và rồi cuối cùng, em đến chơi nhà vị họa sĩ đó chỉ vì muốn nhìn thấy hình dáng của người em yêu.
Trong những bức tranh của vị họa sĩ, nếu có ít nhiều thể hiện ra một vẻ cao quý của nghệ thuật thì đó chỉ là phản chiếu cái tâm dịu dàng của người vợ mình thôi. Đến bây giờ em vẫn nghĩ như vậy.
Đối với người họa sĩ đó, đến bây giờ em có thể nói rõ cảm nhận của mình. Đó chỉ là một kẻ lái buôn xảo diệu, ham chơi bời và uống rượu thôi. Khi muốn có tiền uống rượu, gã vung vẩy màu trên vải, dựa vào uy thế của thị hiếu, làm ra vẻ quý báu mà bán với giá hời. Cái mà gã ấy có chỉ là sự trơ trẽn của một gã nhà quê, sự tự tin ngu ngốc và một khả năng kinh doanh gian manh.
Có lẽ gã ấy cũng chẳng hiểu gì về tranh của người khác cả, kể cả tranh Nhật Bản cũng như tranh Tây phương. Hơn thế, gã chắc cũng không biết mình đang vẽ cái gì nữa. Chỉ là vì muốn có tiền ăn chơi nên vung đại màu mè trên vải bố thôi chăng?
Và điều đáng kinh ngạc là gã lại chẳng có chút nghi ngờ, hổ thẹn và sợ hãi về cái sự vô nghĩa của bản thân mình. Lúc nào cũng đắc ý. Và vì là kẻ không hiểu ngay cả những bức tranh mình vẽ nên đối với tranh người khác hắn cũng chẳng hiểu gì, chỉ luôn miệng chê bai, nói xấu người ta.
Gã ngoài miệng thì cứ kể lể khổ sở vậy thôi chứ thực ra một người nhà quê ngu ngốc được ra chốn đô thành mơ ước rồi thành công ngoài sức tưởng tượng, thì trở nên đê mê phấn khích nên đi chơi bạt mạng cho thỏa lòng. Thực chất cái cuộc sống phóng đãng của gã là như vậy.
Có lần em nói với gã:
- Tôi rất sợ hãi và hổ thẹn khi chỉ có mình học trong khi các bạn bè đều làm biếng đi chơi, nên dù cho không muốn đi chơi một chút nào, tôi cũng phải nhập bọn.
Thế là ông họa sĩ trung niên đó liền nói:
- Hả? Thì ra đó là cái khí chất quý tộc à? Chán thế! Tôi ấy à, khi nhìn thấy mọi người đều đi chơi, tôi nghĩ mình nếu không chơi thì sẽ thiệt thòi nên tôi chơi hăng máu lắm.
Câu trả lời điềm nhiên của gã khi ấy đã làm cho em khinh miệt gã từ cốt tủy. Chẳng có một chút khổ não nào trong sự ăn chơi phóng đãng của gã cả. Trái lại còn rất tự hào về sự ăn chơi của mình. Một gã ham khoái lạc ngu ngốc thứ thiệt.
Tuy những lời nói xấu của em về người họa sĩ ấy chẳng liên quan gì đến chị nhưng vì em sắp chết rồi, chợt nghĩ đến giao tình bền lâu với gã ấy, rồi nhớ và cảm thấy muốn gặp lại để cùng đi chơi một lần nữa. Em cũng chẳng có một chút ghét bỏ gì mà gã thì cũng có nhiều cái tốt nữa nên em không nói gì nữa vậy.
Em chỉ muốn chị biết sự thống khổ bất an của em khi nhớ nhung say đắm vị phu nhân của ông ta. Vì thế, cho dù có biết, chị cũng tuyệt đối không cần phải làm kẻ ba hoa cho ai đó về "kỷ niệm lúc sinh thời của em tôi" hay cái gì tương tự vậy. Chỉ có một mình chị biết, rồi âm thầm nghĩ rằng "ah, thì ra là vậy à?", như thế là được rồi. Và nếu như nhờ vào lời tự thú đầy hổ thẹn của em mà chị hiểu sâu hơn nỗi khổ sở của em từ trước đến giờ thì em cảm thấy rất vui mừng.
Có lần em mơ nắm tay người phụ nữ ấy và biết được người ấy cũng thương em từ lâu. Khi tỉnh giấc, tay em vẫn còn vương hơi ấm ngón tay của người đó và em nghĩ như vậy là đủ rồi, phải từ bỏ thôi. Không phải vì em sợ hãi đạo đức mà sợ cái gã họa sĩ dở người, không, cái gã gần như điên khùng kia. Khi quyết định từ bỏ, em chuyển ngọn lửa lòng sang một hướng khác, chơi bời cuồng loạn với bất cứ cô gái lẳng lơ nào vớ được, tệ hại đến nỗi, một đêm kia, ngay cả gã họa sĩ cũng phải ngán ngẩm cau mày nhăn mặt. Em muốn quên, muốn làm tất cả để xa lìa cái huyễn ảnh của người phụ nữ đó, nhưng vô ích. Em là cái thằng đàn ông suốt đời chỉ có thể yêu một người phụ nữ duy nhất. Em có thể nói rõ ràng, ngoài người ấy ra, em chưa một lần cảm thấy ai đẹp và dịu hiền trong số những người mà em đã gặp.
Chị à!
Hãy cho em trước khi chết một lần được viết ra.
Suga.
Đó là tên nàng.
Hôm qua em có dẫn về nhà một nàng vũ công mà em chẳng thích một chút nào (nàng ta ngu si đần độn từ bản chất) nhưng lúc đó em không có ý định sẽ chết sáng nay. Em chỉ nghĩ mình sẽ chết trong một khoảng thời gian gần đây thôi. Nhưng hôm qua, em dẫn nàng về vì nàng van vỉ là đưa nàng đi đâu đó chơi, mà em cũng mệt mỏi với cuộc chơi bời trên Tokyo, nên nghĩ mình ở lại sơn trang với cô nàng ngu ngốc này vài ngày cũng đâu có tệ. Mặc dù sẽ gây chút ít bất tiện cho chị nhưng thôi cứ dẫn về nhà xem sao đã. Và khi chị đi thăm bạn trên Tokyo, em nghĩ bây giờ chính là lúc mình chết đây.
Từ ngày xưa, em đã muốn chết trong căn phòng khách nhà mình ở khu Nishikata kia. Chứ chết ngoài phố hay trên đồng hoang rồi bị những kẻ xa lạ vây xung quanh thi hài là em ớn lắm. Tuy nhiên căn nhà ở Nishikata đã đổi chủ rồi, giờ chỉ còn cách là chết ở sơn trang này thôi. Thế nhưng nếu chết ở đây, người đầu tiên phát hiện sẽ là chị, và khi nghĩ đến sự sợ hãi và kinh ngạc của chị lúc đó, em lại thấy khí lực của mình chùng xuống, không sao thực hiện được ý định của mình.
Và cơ hội đã đến. Chị không có mặt ở đây. Thay vào đó, người phát hiện ra việc tự sát của em sẽ là nàng vũ nữ ngu ngốc đần độn kia.
Tối qua, hai đứa em uống rượu, rồi sau khi đưa nàng lên ngủ ở căn phòng Tây phương tầng hai, em một mình trải chăn ở phòng khách tầng dưới, nơi mẹ đã mất. Và rồi viết lá thư bi thảm này gửi chị.
Chị à!
Em không còn một vùng đất hy vọng nào nữa cả. Vĩnh biệt!
Cuối cùng, cái chết của em là cái chết tự nhiên. Bởi vì con người ai cũng chết[4]), chỉ có tư tưởng mới không chết mà thôi.
[4] Chúng tôi thêm vào cho rõ nghĩa. Nguyên văn: 局、僕の死は、自然死です。人は、思想だけでは、死ねるものでは無いですから。
Em có một yêu cầu hơi khó xử với chị. Bộ kimono bằng vải bố của mẹ, chị có thể sửa lại thành cái áo để Naoji mặc vào mùa hè năm sau không? Hãy bỏ vào quan tài cho em. Em muốn mặc nó.
Trời đã sáng. Em đã gây khổ đau cho chị một thời gian dài. Giờ thì xin vĩnh biệt.
Cơn say rượu tối qua đã tan. Em sẽ chết hoàn toàn tỉnh táo.
Một lần nữa xin vĩnh biệt.
Kazuko à,
Cuối cùng, em vẫn là quý tộc.