Tarot Lá Bài Phán Quyết

Chương 40: Phán quyết cuối cùng (3)




Cuốn sổ ghi chép của Hạ Băng vẽ chi chít chẳng chịt, Đỗ Xuân hiểu không rành về vẽ vời nên đường nét cong queo, chỉ có thể miễn cưỡng nhìn ra ý tứ. Đây là lần thứ năm bọn họ mò vào mật đạo, có thể coi như đầu kinh nghiệm, Hạ Băng còn mượn đèn pin của Cố A Thân, chỉ tiếc rằng quá hao điện, còn không lâu bằng thắp bùi nhùi, nên về sau đành đem theo đèn lồng, củi nến cũng chuẩn bị một ít. Đỗ Xuân Hiểu mang cả than củi viết lên từng cánh cửa đánh dấu, biểu thị đã từng vào, cũng như nơi nó dẫn đến,
Nhưng không bao lâu bọn họ liền phát hiện, lần tiếp theo vào mật đạo các lý hiệu viết bằng than trên tường trên cửa đều đã bị xóa sạch, có thể thấy trong này còn có người khác, bèn chạy khắp nơi định "bắt sống địch", nhưng dưới lòng đất phức tạp như mê cung, Đông Tây Nam Bắc đều không phân biệt nổi, nào truy bắt nổi người. Nói như Đỗ Xuân Hiểu thì là: "Vàng đã đào được rồi, chỉ đáng tiếc không đem đi được, công cốc."
Những ngày này, Lý Thường Đăng cũng hết sức bận bịu, sau khi dọn đến nhà Giản Chính Lương, ông ta vội vàng đem tiền giấu vào nơi an toàn, còn mượn danh nghĩa phá án, ra ra vào vào nhà họ Hoàng. Mỗi lần như vậy Trương Diễm Bình chỉ đần mặt đón tiếp ông ta, nhưng Lý Thường Đăng vẫn có thể nhìn ra nét tao nhã xưa kia trên dung mạo héo hắt của bà, hiện giờ bà giống như một "vật kỷ niệm" nào đó, bám bụi và bị năm tháng mài mòn. Nhưng cũng vì thế, tình yêu của ông ta đối với Trương Diễm Bình càng vững bền hơn cả khi còn trẻ, điều này khiến Lý Thường Đăng cảm thấy yên lòng.
"Bà còn nhớ tôi không?"
Vì có người hầu ở bên nên ông ta hỏi rất mập mờ, vờ như chỉ tùy tiện thăm dò bệnh tình bà ta.
Bà ta giương đôi mắt mông lung, nhìn theo con sẻ xám lướt qua khóm cúc vạn thọ bên ngoài cửa sổ, thứ mùi là tỏa ra từ đầu tóc nói lên tình trạng đã lâu không được chăm sóc tận tình, môi khô tróc vảy, mười đầu móng tay cụt ngủn, đường hằn ngang dọc hiện rõ trên da, khắp người từ trên xuống dưới toát lên vẻ xơ xác, như bị đóng dấu "Thất sủng". A Phụng càng bơ phờ bệ rạc, dựa vào bàn thêu túi hương, thêu được mấy đường lại ngáp một cái, mới đầu còn hoảng hốt mỗi khi Lý Thường Đăng ghé thăm, về sau vô số lần tăng dần, lòng nhiệt tình lại giảm bớt, chỉ uể oải bưng trà lên cho xong chuyện, đến tiếp nước cũng không buồn làm.
"Đợi tôi, không lâu nữa đâu!"
Lý Thường Đăng uống cạn một hơi chén trà hoa cúc trong tay, thầm hứa với Trương Diễm Bình, vị thanh ngọt của nước trà ngưng đọng trong lệ đắng, rỉ ra nơi khóe mắt, ông ta đưa tay quệt vội rồi bỏ đi.
Trương Diễm Bình vẫn ngồi im tại chỗ, như một pho tượng tàn phế phủi bụi, ánh nắng dịu dàng sượt qua má bà ta, không để lại chút vết tích ấm áp nào.
Bài vị tổ tiên trong Phật đường đã được lau sắp mòn cả đi, vì Hoàng Thiên Minh là trẻ mồ côi đi lên từ tay trắng, cha mẹ mình họ tên thế nào còn không biết, nên tổ tiên được cúng tế thực ra là người bên nhà Mạnh Trác Dao, bao gồm cả cha mẹ, ông bà ngoại, cùng một vị tháo công nghe nói sống hơn trăm tuổi của bà ta.Phật đường rộng, chỉ đặt mấy bài vị ấy quả cũng hơi khó coi, nhưng người tinh ý đều hiểu, quy củ truyền thống này không phải nhất thời đặt ra trong một sớm một chiều mà là cách thức giao tế của Hoàng Thiên Minh, muốn gia nghiệp bền vững thì cội nguồn phải lo cho tốt, từ đó làm ăn mới thịnh vượng, thuận buồm xuôi gió.
Trong nhà tuy người ra vào vô cùng náo nhiệt, nhưng Mạnh Trác Dao lại đặc biệt thanh nhàn, đang ngồi trong phòng con gái uống trà. Hoàng Mộng Thanh biết bà nhất định sẽ kêu ca than vãn một tràng, vội gọi Ngọc Liên đem ít hạt hướng dương tới, để hai mẹ con nói chuyện.
"Theo con thấy, mẹ cứ yên tâm ngồi đây hưởng phúc nhàn, tội gì phải lao tâm khổ tứ? Mẹ Hai có làm tốt đến đâu cũng chỉ là làm hộ mẹ thôi, lẽ nào mẹ quên bài vị nhà ta cần tế bái là của những ai rồi?"
Hoàng Mộng Thanh đành khuyên giải như vậy.
Nào ngờ Mạnh Trác Dao vẫn lắc đầu nói: "Có những chuyện bọn con còn trẻ không hiểu nổi đâu, từ xưa nhà ai mà chẳng phải xảy ra ít họa to họa nhỏ, con nghĩ nhà mình thì không chắc? Cái chính là cha con bị sắc dục làm mờ mắt, chỉ nhìn ra cái không tốt ở mẹ, còn nhìn thấy cái tốt ở người khác."
Nói rồi, trong mắt thoáng nét thê lương.
Đang trò chuyện lại thấy Ngọc Liên xồng xộc chạy vào bẩm: "Có cô Đỗ tới!"
Hoàng Mộng Thanh thoạt ngạc nhiên, rồi lập tức bày ra vẻ mặt tức giận, chỉ nói: "Cứ kêu vào đây, phải hỏi xem mấy ngày nay cô ta đi đâu lập đàn làm phép đóng vai bà cốt."
Vừa dứt lời, Đỗ Xuân Hiểu đã tự ý chạy vào, mở miệng đã kêu khát đòi uống trà. Mạnh Trác Dao dở khóc dở cười, nói: "Con xem Đỗ tiểu thư bây giờ hệt như người nhà ta, chỉ là không biết nên coi như con gái hay coi như đứa ở nữa."
"Không giống con gái, cũng không giống đứa ở, mà như lão tổ tông nhà chúng ta, phải hầu hạ thế này đây." Câu nói này của Hoàng Mộng Thanh chọc mấy người xung quanh đều phải bật cười, duy có Đỗ Xuân Hiểu vô tâm vô tính chỉ chăm chăm uống trà lạnh, uống sạch rồi mới thở phào một hơi.
Hoàng Mộng Thanh thấy mặt mày mình mẩy cô toàn bùn đất, bèn chau mày nói: "Xem ra không phải đi làm bà cốt mà đi làm ruộng hả, bẩn thỉu thế này."
Đỗ Xuân Hiểu đưa mu bàn tay quệt miệng, cười nói: "Không phải làm ruông, mà là chơi một trò còn thần kỳ hơn!"
"Trò gì?" Mạnh Trác Dao cũng nổi tính tò mò, nôn nóng hỏi.
"Đợi mấy ngày nữa sẽ kể cặn kẽ cho các vị, giờ vẫn phải giữ bí mật!"
Hoàng Mộng Thanh đã cười đến tưởng vỡ bụng, miệng kêu "ui chao", Mạnh Trác Dao cũng gạt đi ẻ u sầu ban nãy, người duỗi ra thoải mái, không khí ai oán trong phòng thoáng chốc đã biến mất không còn tăm tích.
Trương Diễm Bình không biết đã thiếp đi bao lâu, chỉ biết khi mở mắt ra, cả người bà ta không còn chút sức lực, muốn động mọt đầu ngõn tay cũng khó. Thậm chí bà ta còn không rõ mắt rốt cuộc đã mở hay chưa vì không thấy nổi tia sáng nào, cả người như chìm sâu không biển đen, không thấy đâu bến bờ. Định mở miệng gọi trà, lại cảm thấy mũi miệng ngột ngạt, từng thớ thịt trên mặt bị kéo căng đến cực hạn. Khoang miệng bị nhét một vật cứng tròn vo, lèn cứng lưỡi, bà ta ép mình phát ra tiếng, nhưng chỉ nghe thấy âm thanh "ú ớ", bấy giờ mới nhận ra miệng mình bị thứ gì như dải vải bịt chặt. Bà ta muốn ngồi dậy, nhưng cánh tay đã tê dại, lại ép sát vào mông, phần cổ tay như bị một sợi thừng chắc chắn trói nghiến, cổ chân cũng vậy, đến nỗi lúc trở người có thể đau đến trào nước mắt.
Bà ta không biết mình đang ở đâu, là ai bắt mình, chỉ có thể co ro ở nơi thăm thẳm này đợi được cứu. Nhưng ai sẽ tới cứu bà ta đây? Trong mắt mọi người, bà ta chẳng qua chỉ là một mụ điên, một mối phiền toái, thứ phế vật của nhà họ Hoàng, giá trị duy nhất có chẳng là lý do để Hoàng Thiên Minh cưới vợ Tư. Nhưng bà ta vẫn kiên trì, ánh mắt thâm tình khổ sở của Lý Thường Đăng cho bà ta niềm tin, khiến bà ta cố chấp khăng khăng với lựa chọn tiền đồ hung hiểm này. Biết rõ giả vờ điên sẽ phải nhập ma đạo từ đây, chịu đựng khảo nghiệm nơi a tì địa ngụ, nhưng bà ta cho rằng đây là cách duy nhất có thể vãn hồi tình thế.
Vậy mà giờ đây, mụ điên đáng lẽ đã được mọi người loại trừ mọi đề phòng lại bị cột như một cái bánh tét, bà ta cảm thấy phần da thịt bị dây thừng ghìm thật đang lở loét chảy mủ, một mùi hôi tanh thoảng qua chóp mũi. Bà ta chán nản giãy giụa chốc lát, lại "ưm" một tiếng từ cổ họng, nhưng vẫn không ai đáp lời.
Cuối cùng bà ta cũng hơi sốt ruột, không màng đau đớn, ra sức vặn vẹo cơ thể, hai tay bị trói quặt bỗng nhiên trượt qua một bờ rìa chắc chắn, bà ta bất lực rơi xuống, bụi bẩn lập tức xộc vào khoang mũi, muốn ho nhưng không sao ho nổi, chỉ biết lăn lộn trên nơi có vẻ là mặt đất, đôi gót sen bị trói gộp lại cố hết sức duỗi ra, mong có thể chạm tới đồ vật gì đó, hoặc một con đường sống.
Một luồng sáng vàng rực nhen lên sau lưng Trương Diễm Bình, bà ta biết có người đang châm đèn ở đây, vừa mừng lại vừa lo, muốn xoay người nhìn cho rõ nhưng rồi nhanh chóng gạt đi ý định này, chỉ cứng đờ một chỗ bất động. Vì bà ta nghĩ tới, nếu nhìn rõ mặt mũi tên vô lại này, chưa biết chừng sẽ bị giết người diệt khẩu, chẳng thà cứ tiếp tục giả điên có khi còn giữ được cái mạng chưa biết chừng.
Nhưng người đó dường như không hề hiểu cho nỗi khổ tâm của Trương Diễm Bình mà đi vật bà ta lại, thành ra hai người không thể không đối mặt. Kẻ Trương Diễm Bình nhìn thấy là một người trùm áo choàng đen, cả khuôn mặt, cả cơ thể đều được tấm áo choàng ấy che phủ. Bà ta đoán chừng kẻ này là tên Hồ phỉ mà người dân trong trấn vẫn hay nhắc đến, bắt trói bà ta hòng đòi tiền chuộc, nghĩ vậy bà ta lại yên tâm đôi chút, vì biết mình tạm thời vẫn không nguy hiểm đến tính mạng.
Những nhỡ đâu không phải thì sao?
Ý nghĩ này cơ hồ giày vò bà ta phát điên thật.
Giữa lúc nội tâm đang đấu tranh, kẻ ấy đã túm lấy tóc kéo bà ta lên, bà ta đành đứng thẳng người, cũng nhân cơ hội quan sát quang cảnh xung quanh. Đây là một không gian không có cửa sổ, bốn bề vuông vức, ngoài cái ghế đẩu đặt cạnh cửa ra vào, không có đồ vật nào khác.
Bà ta lập tức thấy tuyệt vọng, thầm nghĩ nếu thật phải ở đây mấy ngày, e rằng còn khổ hơn cả chết. kẻ trói bà ta dường như lại chẳng đắn đo gì, chỉ đem một vòng thừng quấn quanh cổ bà ta, thắt một nút sau gáy. Bà ta trở lại nên hoảng hốt, ra sức lắc đầu, hai mắt rơm rớm nước. Động tác của đối phương gọn lẹ dứt khoát, trông có vẻ vô cùng bình tĩnh, như thể mọi chuyện đều chỉ thực thi theo kế hoạch, không có lấy một chút ngập ngùng. Nỗi sợ hãi của bà ta lúc này đã đạt đến cực điểm, nhất là khi sợi dây thừng tròng trên cổ từ từ được kéo dài, cột vào một cái đinh tường hoen gỉ, hai ống quần bà ta đã tong tỏng dòng nước nóng tanh tưởi.
Đối phương coi như không thấy cảnh đái dầm của Trương Diễm Bình, chỉ lo làm việc của mình, đem cái ghế cạnh cửa ra giữa phòng, sau đó đứng lên, cột sợi dây thừng tròng cổ bà ta vào thanh xà gỗ trên trần nhà, mỗi lần kẻ này dùng lực thắt một nút, cổ bà ta lại bị thít chặt một lần, không khí lọt qua cổ họng càng lúc càng hẹp lại trở nên quý giá vô cùng.
Đến khi kẻ đó nhấc Trương Diễm Bình lên chiếc ghế đẩu kia, bà ta mới hiểu ra cách chết của mình, chỉ cần ghế đổ, cổ bà ta cũng sẽ theo đó đứt lìa. Vì vậy bà ta đành giữ thăng bằng trong tuyệt vọng, giẫm chắc lên ghế là cửa ải sinh và tử, nhưng bà ta biết rõ, chỉ cần kẻ không nhìn rõ mặt kia khều nhẹ chân ghế, bà ta sẽ phải đi lên cầu Nại Hà. Bà ta mở trừng hai mắt, nhìn như đóng đinh vào đối phương, bởi bất kỳ một giây phút nào sau đây cũng có thể là phút cuối đời của bà ta.
Cũng không biết bao lâu, đối với Trương Diễm Bình, có thể tính như trải qua cả mấy thế kỷ, chiếc ghế vẫn chưa đổ, bà cũng chưa nghe thấy tiếng cổ mình gãy lìa. Người khách thần bí kia chỉ xách đèn xoay lưng đi khỏi, thậm chí còn đóng luôn cửa lại.
Bà ta tức thì lại chìm trong "biển đen".

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.