Tây Du Ký

Chương 10: Long Vương phạm tội Thiên Tào Ngụy Trưng gởi thơ Âm phủ




Bây giờ nói chuyện gần thành Trường An, có sông Kinh nước trong lắm, dựa mé sông có nhà ông chài là Trương Lão, gần rừng có nhà Lý Ðịnh là Ông Tiều, hai người ấy học giỏi mà không thi, cứ việc ngư tiều vui thú.
Ngày kia hai người uống rượu trong quán, rồi dắt nhau về; đi dọc đường Trương Lão nói với Lý địng rằng:
- Anh Lý, tôi nghĩ như vầy, kẻ giành danh vì danh bỏ mạng, người cướp lợi bỏ lợi liều mình, mang ơn vua như bọc rắn mà đi, ăn lộc chúa như tôm hùm mà nhủ, tính lại thua chúng ta hết thảy, non xanh nước biếc, thong thả thảnh thơi, lạc lẻo qua ngày, tuy không vinh mà khỏi nhục.
Lý Ðịnh nói:
- Anh Trương phân phải lắm, nhưng vậy mà nước biếc đó còn thua núi xanh đây. Trương Lão nói:
- Tôi lại e non nhơn không bằng nước trí.
Lý Ðịnh nói:
- Thôi, anh với tôi làm thơ liên vịnh thử nào, (thơ liên vịnh là mỗi người làm một câu nối nhau).
Trương Lão nói:
- Như vậy hay lắm.
Liền ngâm trước như vầy:
Trương Lão ngâm: Thuyền xông dòng bích trong sương sớm
Lý Ðịnh ngâm: Nhà ở non xanh dựa bá tòng
Trương: Riêng mến bên cầu chiều nước nhảy
Lý: Rất ưa trên đảnh sáng mây đông,
Trương: Thuyền còn nằm ngữa xem hàng nhạn
Lý: Nẻo tắt đi ngang lóng tiếng hồng
Trương: Gánh lợi danh kia ta chẳng có
Lý: Biển dòng sông nọ tớ đành không,
Trương: Bên thuyền thường máng chài như gấm,
Lý: Trên đá năng mài búa tợ bông
Trương: Trăng rạng làu làu trăm cá ngóng.
Lý: Rừng sâu thăm thẳm một mình xông
Trương: Tôm nhiều đổ ruợu nàng say với
Lý: Củi thạnh thêm ve trẻ uống cùng
Trương: Ghe chở anh em nhiều thủy thủ
Lý: Tiệc vầy bậu bạn những sơn ông
Trương: Ðỗ thuyền đánh tữu kêu thêm chén
Lý: Dẹp búa làm banh hối họ chung
Trương: Sắc nước pha trà, trà đẹp miệng
Lý: Ðào non nấu cháo, cháo no lòng
Trương: Lánh đời lui bước làm câm điếc
Lý: Dấu nọ chôn tên giả dại khùng.
Trương Lão nói:
- Tôi nãy giờ làm hổn ngâm trước, nay nhường lại cho anh làm đầu thử nào!
Lý Ðịnh nói:
- Lẽ thường trên núi dưới sông. Tôi làm đầu thuận lắm.
Lý Ðịnh ngâm: Non núi trăng gió dạo chơi đừng lẳn khứ
Trương Lão ngâm: Biển hồ qua lại nước trong xanh
Lý: Thảnh thơi có số đà vui vẻ
Trương: Phải quấy không nghe cũng thái bình
Lý: Xem nguyệt ta nằm lều cỏ rách,
Trương: Che mưa mình máng áo tơi lành,
Lý: Tánh ưa tòng trước nên danh tốt
Trương: Ý đẹp cò le kết bạn thanh
Lý: Trong dạ không mơ cầu lợi lộc
Trương: Ngoài tai chẳng hứng tiếng tranh hành
Lý: Xuân sang nhắm liễu theo đường lộ
Trương: Hè đến xem sen dựa mé kinh
Lý: Sương xuống gà sung dầu xáo luộc
Trương: Cúc đơm cua mập mặt nham canh
Lý: Bóng xây ngủ nướng nằm nhừ tử
Trương: Trời lặng lăn quay uốn ấp sanh
Lý: Tám tiết non cao như lão cụi
Trương: Bốn mùa sông rộng thể ông Hoành
Lý: Rầu người gánh cuổi ham thi khóa
Trương: Ưa kẻ gieo câu lánh thị thành
Lý: Ngoài ngỏ bông rừng thơm phưng phức
Trương: Trước thuyền nước biển nhảy minh minh
Lý: Ba công chẳng đổi lưỡi rìu nguyệt
Trương: Muôn lượng không buông miệng lưới kình.
Hai người vừa ngâm vừa đi. Tới ngỏ tẻ mới bái nhau mà từ giả.
Trương Lão nói chơi rằng:
- Anh Lý ôi! Ði lên rừng phải coi chừng hùm cọp cho lắm. Nếu anh có lẽ nào đi nữa ắt là tôi. Ngày mai đầu chợ thiếu người quen, đó anh à!.
Lý Ðịnh nghe nói cả giận rằng:
- Chú thật độc ác lắm! Bậu bạn tử tế, người ta chịu chết thế cho nhau. Sao chú lại rủa tôi như vậy? Tôi nói cho mà giữ hồn. Nếu hùm dữ ăn tôi, thì sóng thần nhận chú.
Trương Lão nói:
- Ðời nào sóng thần nhận tôi đặng.
Lý Ðịnh nói:
- Biết chừng ở đâu. Trời khi gió khi mưa, người khi phước khi họa, sao chú chắc là chìm xuồng kìa?
Trương Lão nói:
- Tuy anh nói như vậy, mà không chắc gì, chớ nghề làm ăn của tôi vững lắm.
Lý Ðịnh nói:
- Chú làm ăn chân trời mặt nước, hiểm nghèo quá đổi, mạng có ba phân, sao chú gọi là vững?
Trương Lão nói:
- Anh không hiểu, để tôi cắt nghĩa cho anh nghe, tại chợ Trường An, phía bên Tây, có ông thầy bói linh lắm! Mỗi ngày đem cho thẩy một con cá Chài Vàng, thì coi cho một quẻ. Chỉ hướng nào cá nhiều, vãi trăm chài không sai một. Bữa nay tôi có đi coi quẻ, biểu tôi bủa lưới trên ngọn Sông Kinh phía Ðông qua mé bên Tây, chài thì trúng, quả như lời nói, chở tôm cá khẩm ghe. Ðể mai ra chợ gặp anh sẽ mua rượu uống chơi, bây giờ xin kiếu.
Thiệt lời xưa nói không sai: Trên đường nói chuyện trong bụi có người. Nguyên có quỷ Dạ Xoa ở tại Sông Kinh đi tuần dưới nước. Nghe ông chài nói rằng: Vãi trăm chài không sai một, thì lật đật về cung Thủy tinh mà báo rằng: "Bệ Hạ ôi! Có họa, có họa!"
Long vương sông Kinh liền hỏi:
- Có họa gì?
Dạ Xoa nói:
- Ngoài chợ Trường An có ông thầy bói hay lắm! Mỗi bữa ông chài đem cho thầy bói kia một con cá chài lớn, thì coi quẻ chỉ chỗ cho, vãi trăm chài không sai một. Nếu thường thường như vầy, thì hết binh tướng lấy ai mà giúp được vua?
Long Vương nghe nói giận lắm, rút gươm vía ra đi, quyết đến Trường An đặng giết thầy bói giỏi.
Có Rồng con, Rồng cháu, tướng Trạnh, quan Cua, quân Sư Cháy, Thừa Tướng Chài đồng hè ra tấu:
- Xin chúa công bớt giận, lời huyển bỏ qua chớ khá nghe. Nếu chúa công đi xuống chợ, thì nổi giông tố mây mưa. Sợ dân ở Trường An khốn hại, có khi trời bắt tội chẳng không? Thà biến ra Tú Tài đến chợ Trường An coi thử. Quả như thời giết, bằng không thiệt thì thôi.
Long Vương nhận lời bỏ gươm và chẳng làm mưa gió, lên bờ giả Tú Tài áo trắng đi xuống chợ Trường An, thấy thiên hạ đứng vậy mà coi quẻ.
Tú Tài hỏi thăm rõ, thầy bói ấy là Viên Thủ Thành, chú ông là quan thiên văn Viên Thiên Cang, hình dung xinh tốt, thể thống oai nghi.
Tú Tài quyết vào Viên Thủ Thành chào hỏi.
Ðãi trà xông xã, mới hỏi thăm ông bói chuyện chi?
Tú tài nói:
- Tôi bói bữa nào mưa?
Viên Thủ Thành gieo quẻ đoán rằng "
Mây che đỉnh núi, mù tỏa non Ðoài,
Hỏi thăm mưa rưới, chắc tại ngày mai.
Tú tài hỏi:
- Mai giờ nào, nước dâng lên mấy thước mấy tấc?
Viên Thủ Thành nói:
- Giờ Thìn thì kéo mây, giờ Tỵ nổi sấm, giờ Ngọ mưa, cuối giờ Mùi tạnh. Nước dâng ba thước ba tấc, có lẽ ra bốn mươi tám giọt bốn phân bốn ly.
Tú tài cười rằng:
- Lời này không phải nói chơi, ngày mai quả có mưa, giờ khắc và nước dâng y như lời đoán, thì ta thưởng bạc năm chục lượng chẳng sai. Nếu không mưa, hay là mưa mà không y lời đoán, ta nói thiệt cho thầy hay, phá nát cửa thầy, và xé tấm vải treo tức thì đuổi khỏi chợ Trường An, không cho ở đây gạt chúng nữa.
Viên Thủ Thành mừng mà đáp rằng:
- Tôi dám cuộc, tôi dám cuộc.
Tú Tài liền kiếu ra về.
Các Thủy thần thấy Long Vương về đồng ra nghinh tiếp mà hỏi thăm rằng:
- Chúa công đi kiếm thầy bói đặng không?
Long Vương nói:
- Có, có, thầy bói ấy khua mỏ kiếm tiền, ta hỏi thử chừng nào trời mưa và nước dâng lên mấy thước, nó nói giờ Thìn kéo mây, giờ Mùi tạnh, nước lên cao ba thước ba tấc có lẽ bốn phân tám ly, ta cuộc với nó rằng: "Hễ quả như lời, ta thưởng năm mươi lượng bạc, nếu sai một chút thì ta phá nhà, xé bảng đuổi ra khỏi chợ Trường An".
Các tướng cười mà rằng:
- Chúa công là vị thần coi tá cái sông mà hay việc mưa gió, nếu có mưa không mưa thì Chúa công biết trước, thầy bói biết sao mà đặng mà nói bướng kìa, mười phần nó phải thua hết cả mười.
Nói cười chưa dứt tiếng thì nghe tiếng kêu:
- Long Vương mau ra tiếp chiếu trời.
Long Vương thất kinh lật đật ra tiếp chiếu, ngó lên mây thấy thần Lực Sĩ mặc áo vàng, tay cầm phong chiếu chỉ bay xuống cung Thủy tinh.
Long Vương đặt bàn mà lạy mà lãnh chiếu.
Lực Sĩ đi về lập tức, Long Vương mở chiếu chỉ ra xem, thấy trong chiếu chỉ dạy như vầy:
Rồng tám sông vâng lệnh, y theo giờ khắc ban,
Ngày mai không đặng trễ, mưa tại sứ Trường An
"Hẹn giờ Thìn kéo mây, giờ Tỵ nổi sấm, giờ Ngọ mưa,
cuối giờ Mùi tạnh, nước dâng ba thước, ba tấc, bốn phân, tám ly".
Long Vương thất kinh hồn vía, nói với các tướng rằng:
- Trên đời có người linh quá, thông trời thấu đất, chắc mình phải chịu thua.
Quân sư Cháy tâu rằng:
- Xin chúa công đừng lo, muốn ăn nó cũng không khó, tôi dùng một kế thì nó cứng họng đi.
Long Vương hỏi:
- Quân sư có kế chi?
Quân sư Cháy tâu rằng:
- Mưa sái giờ và bớt nước, thầy không y lời đoán, sao nó cũng phải thua.
Long vương y kế.
Bữa sau kêu Thiên lôi, Thần gió,Bà chớp, Anh mây, đồng kéo tới Trường An. Truyền giờ Tỵ mới kéo mây, giờ Ngọ mói nổi sấm, giờ Mùi mưa, giờ Thân tạnh, nước có ba thước lẻ bốn phân, rồi truyền các thần về hết.
Long Vương hóa Tú Tài như trước, tới chỗ Viên Thủ Thành.
Tú Tài không hỏi gì hết, đập nghiêng quăng viết, xé tấm vải treo.
Viên Thủ Thành ngồi trên ghế làm thinh, như không hề không biết.
Tú Tài giận phá cửa lấy ván xốc lại giá mà mắn rằng:
- Mày là đồ mị, nói gạt chúng mà ăn tiền, coi quẻ không linh, đặt điều nói bậy. đoán sái giờ, dư nước, còn ngồi làm tỉnh kìa. Ði mau mau kẻo ta đập chết.
Viên Thủ Thành cười hả hả rằng:
- Không sợ, không sợ, tôi không phạm tội chết, e cho ai chết kìa, ông gạt ai chớ ông gạt tôi sao được, ông không phải Tú Tài áo trắng, ông là Rồng Bạch sông Kinh, không dám cải lệnh trời, tráo giờ bớt nước, phạm tội gần chết chém, lại còn mắng tôi sao?.
Tú Tài nghe nói nhởn tóc gáy, vỡ mật hết hồn, buông tấm ván cửa, xốc áo quỳ lạy mà nói rằng:
- Xin thầy chớ trách, hồi nãy tôi giả ngộ nói chơi, tôi tưởng làm chơi, chẳng ngờ sanh thiệt. Tôi đã phạm luật, lạy thầy xin cứu mạng tôi.
Viên Thủ Thành nói:
- Tôi cứu ông sao đặng, nhưng chỉ chỗ cho ông cầu khẩn họa may.
Tú Tài nói:
- Xin thầy chỉ chỗ làm ơn.
Viên Thủ Thành nói:
- Giờ Ngọ mai ông sẽ bị Ngụy Trưng xử trảm, mà Ngụy Trưng làm Thừa Tướng phò Hoàng Ðế bây giờ, ông cầu Hoàng Ðế nói giùm, có khi cũng được.
Tú Tài lau nước mắt từ tạ ra đây, mặt nhực đã chén, vầng trăng ló mọc, Long Vương không về phủ, ở lững đửng nửa lừng, đợi tới canh ba hiện vào cung cấm thấy vía vua Thái Tôn đi dạo.
Long Vương hiện hình người ra trước mặt mà nói rằng:
- Xin Bệ Hạ cứu tôi làm phước.
Hồn Thái Tôn hỏi:
- Ngươi là ai đó? Nói cho ta rõ đặng ta cứu cho.
Long vương nói:
- Bệ Hạ thiệt Rồng, còn tôi là rồng có tội. Trời sai Ngụy Trưng là tôi hiền của Bệ hạ, giờ Ngọ mai chém tôi.
Hồn Thái Tôn nói:
- Như về phần Ngụy Trưng chém ngươi, thời trẫm cứu được. Thôi ngươi yên dạ mà về.
Long vương mừng rỡ quá chừng, lạy tạ mà đi về thẳng.
Vua Thái Tôn thức dậy, nhớ điềm chiêm bao ấy rõ ràng, đến sáng lâm triều, các quan chầu chực.
Vua Thái Tôn xem rõ từ người, bên văn thì: Phòng Huyền Linh, Ðỗ Như Hối, Từ Mậu Công, Hứa Kỉnh Tông và Vương Khuê, còn bên võ thì: Mã Tam Bửu, Ðoàn Chí Hiền, Ân Khai Sơn, Trình Giảo Kiêm, Lưu Hồng Cơ, Huất Trì Cung, Tần Thức Bảo.
Ai nấy đủ mặt, mà thiếu Thừa tướng Ngụy Trưng!
Vua Thái Tôn vời Từ Mậu Công lên điện mà phán rằng:
- Trẫm nằm chiêm bao lạ lắm! Thấy một người đón trẫm mà lạy xưng rằng Long vương phạm tội thiên tào, trời sai Ngụy Trưng xử trẫm, lạy xin trẫm cứu, trẫm hứa lở lời, bữa nay vì cớ nào Ngụy Trưng không đi chầu vậy?
Từ Mậu Công tâu rằng:
- Bệ hạ đã hứa lỡ, thì phải đòi Ngụy Trưng vào chầu, đừng cho Ngụy Trưng đi đâu, mãn ngày nay thì cứu Long vương ắt được.
Vua Thái Tôn mừng lắm, mới sai hoạn quan đi mời Ngụy Trưng.
Còn Ngụy Trưng đi coi thiên văn (coi sao) hồi hôm, xảy nghe tiếng hạc kêu, ngó thấy xứ trời hiện xuống, truyền chiếu chỉ rằng:
- Giờ Ngọ mai Ngụy Thừa Tướng phải thiếp mà chém Rồng Bạch tại sông Kinh.
Ngụy Trưng lạy tạ ơn về dinh tắm gội. Lo mài gươm phép nên chẳng đi chầu, xảy thấy sứ vào mời, trong lòng lo sợ, không dám cãi lệnh phải sửa sang mão áo vào chầu, bước tới sân son, lạy vua mà chịu tội.
Thái Tôn phán rằng:
- Trẫm tha khanh khỏi tội.
Một lát bãi chầu rồi, bá quan đều về hết, vua Thái Tôn cầm một mình Ngụy Trưng ở lại mà thôi, mời vào đền trong luận bàn việc nước, qua đầu giờ Ngọ, vua truyền mỹ nữ lấy cờ sắp trên bàn xong xã, Ngụy Trưng lạy tạ, rồi ngồi lại đánh cờ, dục dặc gần nửa giờ mà chưa thắng bại.
Ngụy Trưng gục đầu trên bàn mà ngáy pho pho.
Vua Thái Tôn không kêu, để cho Ngụy Trưng ngủ, chừng một lát Ngụy Trưng thức dậy, quì dưới đất lạy vua mà tâu rằng:
- Tôi đáng tội thác, khi bần thần ngủ quên không biết có điều chi thất lễ. Xin Bệ Hạ tha tội cho tôi.
Vua Thái Tôn cười rằng:
- Khanh có tội chi mà ngại, thôi, dậy mà đánh cờ.
Ngụy Trưng lạy tạ ơn rồi sắp cờ đánh nữa. Xảy nghe tiếng la lớn ngoài cửa đền, thấy Tần Thúc Bảo xách đầu rồng Bạch chảy máu ròng ròng, quì tại sân mà tâu rằng:
- Muôn tâu Bệ hạ! Có thấy sông khô cùng biển cạn, việc nầy lạ lắm thiệt chưa từng. Vua Thái Tôn hỏi:
- Vật đó ở đâu?
Tần Thúc Bảo tâu rằng:
- Ðầu rồng trên trời rớt xuống tại ngã tư, nên tôi phải đem dâng cho Bệ hạ.
Vua Thái Tôn thất sắc, phán hỏi Ngụy Trưng rằng:
- Thừa tướng bàn chuyện ấy đặng không?
Ngụy Trưng quỳ lạy tâu rằng:
- Tôi mới thiếp đi chém đó.
Vua Thái Tôn thất kinh mới hỏi:
- Khi khanh ngủ, tay không chuyển động, cũng không có gươm đao, vậy làm sao mà chém đặng rồng ấy?
Ngụy Trưng tâu rằng:
- Tôi vâng chiếu thượng đế hồi hôm truyền giờ Ngọ này thiếp xuống chém rồng có tội. Bệ Hạ đòi tôi hầu cờ nên đi không đặng, túng phải thiếp xuống lấy gươm phép chém kịp giờ.
Vua Thái Tôn nghe nói:
- Nửa mừng nửa buồn, mừng là đặng tôi hiền có phép buồn là vì lời hứa không xong, phải gượng gạo mà truyền cho Tần Phúc Bảo rằng:
- Ðem đầu rồng treo tại chợ Trường An mà răn lê thứ.
Lại ban thưởng Ngụy Trưng. Hai tướng tạ từ về hết.
Vua Thái Tôn vào cung trong lòng buồn bực, bần thần thao thức nằm đến canh hai, xãy nghe tiếng khóc ngoài cửa cung, Thái Tôn càng kinh hãi, mơ màng ngó thấy Long vương tay vịn đầu, máu chảy dầm dề, kêu Thái Tôn mà đòi đền thường mạng, nói rằng:
- Ðêm hôm qua chịu cứu ta chắc chắn, sao lại sai Thừa tướng chém ta?
Nói rồi lại níu Thái Tôn, biểu đi xuống âm ti cho Diêm vương phân xử.
Vua Thái Tôn cứng họng đỗ mồi hôi hột dầm mình, Long vương níu cứng không buông, xãy thấy bên phía Nam có người đàn bà đi tới, tay cầm nhánh dương liễu mà quét thinh không, Long vương ngó thấy thất kinh, ôm đầu chạy mất.
Nguyên là Quan Âm Bồ Tát ở tại miễu Thổ thần nghe tiếng quỷ khóc thần rên nên tới đuổi ma rồng mà cứu Thái Tôn khỏi hại.
Còn hồn Long vương đi xuống kiện dưới Diêm la.
Khi Thái Tôn giựt mình thức dậy, la hoảng rằng: "Có quỷ, có quỷ ".
Ba cung, sáu viện, Thái giám, cung nga ai nấy sợ mà thức luôn đến sáng.
Rạng ngày trăm quan chầu chực, không thấy vua ngự ra, chờ tới mặt nhựt 3 sào, mới có chiếu chỉ ra truyền lại:
- Nay mình Trẫm không khỏe, các quan khỏi đi chầu.
Như vậy, bảy ngày các quan đều lo sợ. Những quan lớn vào thăm, xảy thấy Thái hậu đòi ngự y vào trị bệnh, các quan nhóm cửa đền, đợi ngự y mà hỏi thăm nhẹ nặng, ngự y ra nói:
- Bệnh Bệ Hạ mạch đi không chánh, đi yếu mà mau, cho nên nói cuồng và thấy quỷ mạch nhảy 9 cái rồi ngừng lại. Ngủ tạng đã tuyệt rồi, sợ chừng trong 7 bữa.
Các quan nghe đều sửng sốt.
Lại nghe Thái hậu truyền rằng:
- Vua đòi Từ Mậu Công, Tần Thúc Bảo và Khuất Trì Cung.
Ba ông vâng chỉ vua vào cung mà lạy.
Vua Thái Tôn gượng nói rằng:
- Các khanh ôi! Trẫm thuở mười chín tuổi: Ðánh Nam, dẹp Bắc, chinh Ðông, phạt Tây, không hề thấy tà ma chi hết, nay lại thấy quỷ, mới là lạ cho.
Khuất Trì Cung nói:
- Bệ Hạ gầy dựng giang san, giết người cả vạn, mà còn sợ ma sao?
Thái Tôn phán rằng:
- Khanh chẳng thấy nên không tin, chớ trời tối thì ma quỷ khóc ngoài cửa cung, vác gạch ngói liệng vào nườm nượp. Ban ngày hởi còn phá, ban đêm làm lộng quá chừng!
Tần Thúc bảo tâu rằng:
- Xin Bệ Hạ an lòng, đêm nay Khuất Trì Cung canh cửa với tôi, coi ma quỷ thế nào cho biết.
Vua Thái Tôn mừng lắm! Các quan lạy tạ ra về.
Ðêm ấy Tần Thúc Bảo cầm búa, Khuất Trì Cung cầm giản, cùng nhau nai nịt hẳn hòi giữ cửa cung không thấy tà ma, nên vua Thái Tôn ngủ đặng.
Rạng ngày vua đòi hai tướng vào thưởng phán rằng:
- Trẫm bệnh chẳng ngủ hơn mấy đêm, hồi hôm nhờ hao sức hai khanh, nên trẫm ngủ thẳng giấc, thôi hai khanh lui về mà nghỉ cho khỏe, tối này sẽ đến giúp dùm.
Hai tướng tạ ơn về phủ.
Từ ấy thường đêm tới canh cửa.
Vua thấy hai tướng khó nhọc như vậy thì cảm động nói rằng:
- Trẫm thấy hai khanh khó nhọc, trẫm chẳng an lòng. Trẫm muốn đòi thợ khéo vào vẽ chân dung hai người dán tại cửa, cho khỏi nhọc công canh giữ.
Các quan vâng lệnh, đòi hai thợ khéo tức thời. Hai tướng nai nịt như xưa. Hai thợ cứ theo mà vẽ, hình dung như sống. Tuy dán vào cửa mà ai nấy cũng lầm, yên được hai ba đêm, rồi lại nghe gạch ngói quẳng vào cửa sau lộp độp.
Sáng ngày, vua đòi các tôi vào mà phán rằng:
- Cửa trước mới êm, ngõ sau nó lại liệng gạch, như vậy trẫm nằm sao êm?
Từ Mậu Công tâu rằng:
- Không lẽ vẽ hình hai tướng nữa? Vậy xin cho Ngụy thừa tướng canh giữ ngõ sau. Thái Tôn y lời truyền Ngụy Trưng canh giữ.
Ðêm ấy Ngụy Trưng nai nịt, cầm cây gươm chém Rồng Bạch ngày trước mà giữ cửa sau, thiệt cũng oai linh, quỷ không dám liệng, tuy cửa trước cửa sau lặng lẻ, mà bệnh vua càng thêm.
Ngày kia Thái Hậu đòi các quan vào mà lo thói!
Vua Thái Tôn giao việc nước cho Từ Mậu Công. Phán rồi tắm rửa thay đồ chờ giờ băng hà.
Ngụy Trưng nắm áo mà tâu rằng:
- Xin Bệ Hạ an lòng, tôi có một điều bảo hộ mình rồng sức khỏe.
Thái Tôn gượng phán:
- Bệnh đã gần miền,mà cứu làm sao được?
Ngụy Trưng tâu rằng:
- Tôi có một phong thơ xin trao cho Bệ hạ, như đến Âm phủ thì trao cho Thôi Giác là Phán quan.
Thái Tôn hỏi:
- Thôi Giác là ai?
Ngụy Trưng tâu rằng:
- Thôi Giáp là tôi vua trước, ban đầu ngồi Tri huyện Từ châu, sau lên chức Thị Lang bộ lễ. Khi còn sống làm bạn hữu với tôi thiết lắm, nay thác xuống làm Phán quan coi sổ dưới Minh vương. Tôi chiêm bao gặp hoài, yêu dấu nhau như sống, nếu Bệ Hạ trao thơ ấy, sao Phán quan cũng nghĩ tình tôi mà kiếm cách đưa hồn nhập xác.
Thái Tôn bỏ thơ vào tay áo, rồi nhắm mắt mà băng hà.
Ba cung, sáu viện, Thái Tử và các quan đều khóc than mà liệm thây, để quan tài tại đền Bạch hổ, cả trào thọ chế cư tang.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.