Thần Điêu Hiệp Lữ

Chương 221:




Hoàng Dung cho rằng nữ nhi hoàn toàn không có ở trong quân doanh Mông Cổ, nhưng vẫn không nhận được tin tức gì khác, là điềm không hay. Thấy đại quân Mông Cổ không có dấu hiệu gì chứng tỏ sắp đánh xuống phía nam, sau khi bàn với Quách Tĩnh, Hoàng Dung quyết định tự rời thành đi tìm. Hoàng Dung mang theo đôi chim điêu trắng, nếu có việc khẩn cấp, có thể cho chim chuyển tin tức về. Trình Anh và Lục Vô Song nằng nặc xin đi theo. Ba người vòng qua đại quân Mông Cổ, đi về hướng tây bắc. Hoàng Dung nghĩ: "Tương nhi đi chuyến này là để khuyên Dương Quá đừng tự sát. Lần trước nó đã gặp Dương Quá ở gần Đồng Quan, bến Phong Lăng, lần này chắc nó trở lại chốn cũ, mình phải tới bến Phong Lăng dò la tung tích".

Ba người rời thành Tương Dương vào giữa mùa đông, vừa đi vừa hỏi dò tin tức dọc đường, đến bến Phong Lăng thì đã là hạ tuần tháng Hai, băng tuyết đang tan. Ba người hỏi dò tất cả những người lái đò, chủ quán, phu xe, khách bộ hành ở bến Phong Lăng, đều không một ai nhìn thấy tiểu cô nương nào như thế cả.

Trình Anh an ủi:

- Sư tỷ đừng lo. Tương nhi mới chào đời một ngày, đã bị hai đại ma đầu là Kim Luân pháp vương và Lý Mạc Sầu bắt đi. Tục ngữ có câu đại nạn không chết, tất có phúc lớn về sau. Hồi trước hung hiểm như thế còn chẳng việc gì, nữa là bây giờ?

Hoàng Dung thở dài, không nói gì. Ba người rời bến Phong Lăng, đi loanh quanh ra bên ngoài. Hôm nay trời nắng ấm, gió nồm thổi lồng lộng, hoa nở đầu cành, ý xuân phơi phới. Trình Anh chỉ một cây hoa đào, nói với Hoàng Dung:

- Sư tỷ, bắc quốc xuân đến chậm, ở đây hoa đào nở rộ, mấy cây đào trên đảo Đào Hoa chắc đã kết trái rồi!

Nàng vừa nói vừa bẻ một cành đào chơi, rồi khẽ ngâm:

Hỏi hoa, không nói một câu

Vì đâu hoa nở vì đâu hoa tàn

Ba phần xuân sắc hồng nhan

Nửa tan sóng biếc nửa tàn trần ai[16]

Hoàng Dung thấy Trình Anh mày đen da trắng, vẫn xinh đẹp hệt như mười mấy năm trước, vậy mà khuê phòng lạnh giá, bất giác cũng đau lòng thay cho nàng. Bỗng nghe tiếng vo vo, một con ong mật bay tới, cứ lượn quanh cành đào Trình Anh đang cầm, rồi đậu trên đài hoa mà hút mật. Hoàng Dung thấy con ong này thân màu xám nhạt, to gấp đôi loài ong mật thông thường, chợt nhớ ra, nói:

- Hình như đây là giống ong ngọc phong mà Tiểu Long Nữ vẫn nuôi, tại sao nó lại xuất hiện ở đây?

Lục Vô Song nói:

- Đúng, chúng ta hãy đi theo con ong này, xem nó bay về chỗ nào?

Con ong hút nhụy một hồi, rời cành hoa, lượn vài vòng, rồi bay về hướng tây bắc. Ba người vội thi triển khinh công bám theo. Con ong gặp cây hoa thì dừng lại hút nhụy, hút xong lại bay tiếp, cứ bay rồi đậu, đậu rồi bay như thế, lát sau thêm hai con nữa nhập bọn. Ba người đuổi theo tới chiều thì đến một sơn cốc, chỉ thấy muôn hồng nghìn tía, cảnh sắc cẩm tú, dốc núi treo liền bảy, tám đõ ong bằng gỗ. Ba con ong kia bay vào trong đõ.

Bên kia dốc núi có ba gian nhà tranh, trước cửa có hai con cáo nhỏ, đưa cặp mắt long lanh nhìn ba người khách lạ. Bỗng két một tiếng, cánh cửa gỗ mở rộng, một người bước ra, chính là Lão Ngoan đồng Chu Bá Thông. Hoàng Dung cả mừng gọi:

- Lão Ngoan đồng, xem ai đến này!

Chu Bá Thông thấy Hoàng Dung thì cười ha hả, bước ra đón, nhưng được vài bước đột nhiên đỏ bừng cả mặt, quay người đi vào nhà, kẹt một tiếng, đã đóng cửa lại. Hoàng Dung lấy làm lạ, không hiểu Lão Ngoan đồng có dụng ý gì, gõ gõ cửa, gọi:

- Lão Ngoan đồng, Lão Ngoan đồng, sao thấy khách phxa đến, lại trốn đi như vậy?

Chu Bá Thông ở bên trong nói:

- Không mở, không mở! Chết cũng không mở đâu!

Hoàng Dung cười, nói:

- Lão không mở, chúng tôi sẽ thiêu cái ổ chó của lão thành tro đấy.

Chợt nghe cánh cửa gian bên trái mở ra, một người nói:

- Hoang sơn quang lâm quý khách, lão hòa thượng cung nghênh.

Hoàng Dung ngó qua, thấy Nhất Đăng đại sư tươi cười đứng giữa cửa, chắp tay hành lễ. Hoàng Dung bước lên bái kiến, cười, nói:

- Thì ra đại sư là láng giềng của Lão Ngoan đồng, thật chẳng thể ngờ. Lão Ngoan đồng không hiểu vì cớ gì lại đóng cửa không tiếp khách?

Nhất Đăng đại sư cười ha ha, nói:

- Mặc kệ y! Mời ba vị vào nhà, lão tăng thết trà!

Ba người bước vào, Nhất Đăng đại sư bưng trà xanh ra, Hoàng Dung hỏi thăm cuộc sống nơi này. Nhất Đăng đại sư nói:

- Quách phu nhân thử đoán xem, gian bên phải có ai đang ở?

Hoàng Dung nghĩ vừa rồi Chu Bá Thông bỗng dưng đỏ mặt, chui vào nhà đóng cửa lại, đã biết vì sao, cười nói:

- Sóng xuân cỏ biếc ai cười, phòng sâu sáng rét giặt đôi áo hồng[17]. Hay quá, hay quá!

Mấy câu này chính là đoạn cuối bài từ "Tứ trương ky" năm xưa Lưu quý phi Anh Cô đã sáng tác.

Nhất Đăng đại sư hiện thời tâm thanh tịnh, ngày ngày ngồi thiền, mọi dư hận si tình năm xưa đã mỉm cười cho qua từ lâu, liền vỗ tay cười:

- Quách phu nhân thần cơ diệu toán, chuyện gì cũng đoán trúng.

Lão bước ra cửa gọi:

- Anh Cô, Anh Cô, sang đây gặp tiểu hữu năm xưa chút nào.

Lát sau, Anh Cô bưng một cái khay gỗ đựng trái cây, bánh mật ong, hạt tùng rang sang mời khách. Bọn Hoàng Dung bái kiến, năm người cười nói thật vui.

Mối cừu hận, ân oán mấy chục năm khó cởi giữa Nhất Đăng đại sư, Chu Bá Thông, Anh Cô, nhưng nay ba người đã già, tu vi lại tiến xa, cùng ẩn cư ở Vạn Hoa cốc, nuôi ong trồng rau, tỉa hoa tưới cây, không còn để bụng tình thế khó xử năm nào. Nhưng Chu Bá Thông bất ngờ gặp Hoàng Dung, cảm thấy ngượng ngùng, bèn đóng cửa tránh mặt. Tuy lão ở phòng bên, song vẫn dỏng tai nghe năm người trò chuyện, nghe Hoàng Dung kể cảnh náo nhiệt tại anh hùng đại yến trong thành Tương Dương, kể đến chỗ vạch trần bộ mặt thật của Hà Sư Ngã, thì Chu Bá Thông không nhịn thêm được nữa, bèn sang gian buồng của Nhất Đăng đại sư mà hỏi:

- Sau đó tên Hoắc Đô thế nào? Không lẽ hắn chạy thoát hay sao?

Đêm ấy bọn Hoàng Dung nghỉ đêm ở gian buồng của Anh Cô. Sáng hôm sau, Hoàng Dung dậy, ra ngoài sân, thấy Chu Bá Thông đang hoa chân múa tay, có một con ong đậu trên lòng bàn tay, vẻ vô cùng đắc ý.

Hoàng Dung cười, nói:

- Lão Ngoan đồng, có gì vui thế?

Chu Bá Thông cười, nói:

- Tiểu Hoàng Dung, bản lĩnh của ta ngày càng cao siêu, tiểu muội có thán phục hay chưa?

Hoàng Dung biết Lão Ngoan đồng bình sinh có hai sở thích, một là chơi đùa, hai là võ học, mười mấy năm nay ẩn cư hoang cốc, chắc là lại sáng tạo ra môn võ công cao minh nào đó, đại loại như thuật "phân tâm nhị dụng, song thủ hỗ bác", rất muốn biết, bèn nói:

- Võ công của Lão Ngoan đồng, tiểu muội phục sát đất từ hồi còn nhỏ, sao còn phải hỏi? Mấy năm rồi lại nghĩ ra công phu kỳ diệu gì phải không?

Chu Bá Thông lắc đầu, nói:

- Không, không phải thế. Môn võ công hay nhất gần đây là "Ám nhiên tiêu hồn chưởng", do tên tiểu tử Dương Quá sáng tạo, Lão Ngoan đồng tự thẹn không bằng. Thôi đừng nhắc đến võ học nữa!

Hoàng Dung lấy làm lạ: "Hài tử Dương Quá thật tài tình, trẻ như Quách Tương, già như Lão Ngoan đồng, ai cũng mê hắn, không biết "Ám nhiên tiêu hồn chưởng" là môn gì?". Bèn hỏi:

- Thế bản lĩnh ngày càng cao cường của lão là gì vậy?

Chu Bá Thông giơ cao bàn tay có con ong kia lên, dương dương tự đắc nói:

- Đấy là bản lĩnh nuôi ong của ta.

Hoàng Dung bĩu môi, nói:

- Đàn ong ngọc phong này là của Tiểu Long Nữ tặng cho, có gì mà khoe?

Chu Bá Thông nói:

- Tiểu muội chưa hiểu tường tận. Ong ngọc phong mà Tiểu Long Nữ tặng ta cố nhiên là loại ong cực quý, nhưng Lão Ngoan đồng đã tạo ra được loài ong thiên hạ vô song, nhân gian hiếm có, đúng là khéo hơn cả tạo hóa, phép lạ ấy Tiểu Iong Nữ bì sao kịp ta?

Hoàng Dung cười ha ha, nói:

- Lão Ngoan đồng càng già càng không biết ngượng, cái món mặt dày và huênh hoang một tấc đến trời thì đúng là thiên hạ vô song, nhân gian hiếm có, khéo hơn cả tạo hóa.

Chu Bá Thông cũng không giận, cười hi hi, nói:

- Tiểu Hoàng Dung, ta hỏi tiểu muội, người là cái linh của vạn vật, thân mình có xăm hoa xăm chữ, hoặc xăm hình đầu rồng vuốt hổ, hoặc xăm chữ "Thiên hạ thái bình". Nhưng trừ con người ra, trên thân thể cầm thú côn trùng có khắc chữ hay không?

Hoàng Dung nói:

- Hổ có vằn vàng, báo có gấm hoa, bướm và rắn trên thân có nhiều hoa văn gấp bội.

Chu Bá Thông nói:

- Nhưng tiểu muội đã thấy trên thân côn trùng có chữ bao giờ chưa?

Hoàng Dung nói:

- Nếu là trời sinh, thì tiểu muội chưa thấy bao giờ.

Chu Bá Thông nói:

- Được, vậy hôm nay ta cho tiểu muội được một phen đại khai nhãn giới.

Đoạn giơ bàn tay trái có con ong đến trước mắt Hoàng Dung. Chỉ thấy trên đôi cánh của con ong lớn này quả nhiên có chữ, Hoàng Dung nhìn kỹ, thấy trên cánh phải có ba chữ "đáy tình cốc", trên cánh trái có ba chữ "ta ở dưới", mỗi chữ nhỏ như hạt gạo, nhưng nét bút rõ ràng, chắc là dùng kim mà xăm. Hoàng Dung kinh ngạc, miệng lẩm bẩm:

- "Ta ở dưới đáy tình cốc", "ta ở dưới đáy tình cốc"...

Nghĩ: "Sáu chữ này quyết không phải là trời sinh, mà có người cố ý xăm thành, tính nết của Lão Ngoan đồng, thì cái việc tỉ mẩn này không phải do lão làm".

Bèn cười, nói:

- Thế thì có gì đáng gọi là thiên hạ vô song, nhân gian hiếm có? Lão hành hạ Anh Cô, bắt Anh Cô dùng kim xăm sáu chữ ấy trên cánh ong, tưởng che mắt được tiểu muội chắc?

Chu Bá Thông vừa nghe đã đỏ mặt, nói:

- Tiểu muội cứ việc sang hỏi Anh Cô xem có phải Anh Cô dùng kim xăm hay không?

Hoàng Dung cười, nói:

- Anh Cô dĩ nhiên sẽ chối phắt cho hợp ý lão. Lão bảo mặt trời mọc ở phía tây, Anh Cô cũng sẽ bảo "Đúng thế, mặt trời mọc ở phía tây, chưa khi nào mọc ở phía đông".

Chu Bá Thông càng đỏ mặt hơn, vừa là ngượng ngập, vừa là uất ức vì bị oan, lão thả con ong bay đi, rồi kéo tay Hoàng Dung, nói:

- Nào lại đây, ta cho tiểu muội chính mắt nhìn thấy.

Lão kéo Hoàng Dung tới bên một đõ ong ở bên dốc núi, cái đõ ong này treo riêng một chỗ, không cùng với các đõ ong khác. Chu Bá Thông giơ tay bắt hai con ong, nói:

- Nhìn đi!

Hoàng Dung nhìn kỹ, thấy trên hai cánh mỗi con ong đều có sáu chữ "ta ở dưới đáy tình cốc" hệt như con ban nãy. Nghĩ thầm: "Tạo hóa tuy kỳ lạ, cũng nhất định không có lý gì tạo ra loài ong này. Bên trong hẳn có duyên cớ", bèn nói:

- Lão Ngoan đồng, bắt vài con nữa xem nào.

Chu Bá Thông lại bắt bốn con ong nữa, thì hai con trong đó trên cánh không có chữ. Lão thấy Hoàng Dung cúi đầu trầm ngâm, tựa hồ đã chịu thua, không dám bảo là do Anh Cô xăm chữ, nên cười nói:

- Tiểu muội còn gì để nói nữa không? Hôm nay đã phục Lão Ngoan đồng hay chưa?

Hoàng Dung không đáp, cứ lẩm bẩm: "Ta ở dưới đáy tình cốc" mấy lần, chợt hiểu: "Là ai ở dưới đáy Tuyệt Tình cốc? Không lẽ là Tương nhi?". Trống ngực đập dồn, liền quay sang nói:

- Lão Ngoan đồng, đõ ong này không phải do lão nuôi, mà ong từ nơi khác bay đến.

Chu Bá Thông đỏ mặt, nói:

- Ôi, kỳ thật, làm sao tiểu muội biết?

Hoàng Dung nói:

- Làm sao tiểu muội biết ư? Thế lũ ong bay đến đây được mấy hôm rồi?

Chu Bá Thông nói:

- Lũ ong này bay đến được mấy năm rồi, ban đầu ta không để ý trên cánh có chữ, mãi mấy tháng trước đây ta mới phát giác.

Hoàng Dung hỏi:

- Có thật là mới vài năm thôi hay không?

Chu Bá Thông nói:

- Đúng thế, chẳng lẽ chuyện đó còn phải giấu tiểu muội?

Hoàng Dung trầm ngâm hồi lâu, trở về ngôi nhà tranh, bàn bạc cùng Nhất Đăng đại sư, Trình Anh và Lục Vô Song, ai cũng cảm thấy bên dưới Tuyệt Tình cốc tất có sự lạ. Hoàng Dung nghĩ đến con, sốt ruột muốn cùng tỷ muội Trình, Lục đi thăm dò một chuyến.

Nhất Đăng đại sư nói:

- Ở đây hiện không có việc gì, lão tăng sẽ đi cùng. Lần trước lệnh ái tới đây, tiểu cô nương ấy hào hiệp khảng khái, lão tăng rất mến.

Hoàng Dung bái tạ, nhưng trong lòng rất lo: "Nhất Đăng đại sư chắc nghĩ Quách Tương gặp tai nạn, nếu không đã chẳng tội gì bỏ nơi u cốc tĩnh tu này mà đi cùng ta?". Chu Bá Thông thấy có nhiệt náo, đời nào chịu ở lại, nhất định đòi cho Anh Cô đi cùng. Hoàng Dung thấy có thêm ba vị đại cao thủ tương trợ, đỡ hẳn lo ngại, cho rằng đoàn mình sáu người thế này, bất kể đấu trí đấu lực, e rằng thời nay không có ai địch nổi, Quách Tương có rơi vào tay kẻ gian, cũng nhất định sẽ được cứu ra. Thế là sáu người cùng cặp chim điêu cùng đi về hướng Tây.

Dương Quá đến Tuyệt Tình cốc vào cuối tháng Hai đầu tháng Ba, còn sớm năm ngày so với ước hẹn của Tiểu Long Nữ mười sáu năm về trước. Hiện thời Tuyệt Tình cốc không một bóng người, tòa ngang dãy dọc mà vợ chồng Công Tôn Chỉ và các đệ tử áo xanh dựng nên đã đổ nát hoang tàn hết cả. Dương Quá sau khi rời Tuyệt Tình cốc mười sáu năm trước, cứ dăm năm chàng lại đến đây ở vài hôm, hy vọng rằng không chừng Nam Hải thần ni động lòng từ bi, đột nhiên cho phép Tiểu Long Nữ trở về sớm hơn hạn định. Tuy mỗi lần như thế chàng đều sầu khổ ra đi nhưng coi như cũng rút ngắn được kỳ hạn dăm năm.

Lần này trở lại vùng đất cũ, nhìn cỏ dại mọc đầy, núi rừng tịch mịch, vẫn không một dấu chân người, chàng bèn chạy đến trước Đoạn Trường nhai, vượt qua chiếc cầu đá, đưa tay miết dòng chữ mà Tiểu Long Nữ dùng mũi kiếm khắc vào đá, các nét chữ bị rêu xanh phủ lấp lập tức hiện ra hai hàng to nhỏ.

Dương Quá khe khẽ lẩm bẩm:

- Tiểu Long Nữ dặn "Phu quân Dương lang, vô cùng trân trọng, mong ngày đoàn tụ.". Truyện được copy tại TruyệnFULL.vn

Bất giác trống ngực chàng đập dồn.

Chàng cứ đứng ngây người nhìn hai dòng chữ. Đến tối thì mắc dây thừng lên hai cây mà ngủ. Hôm sau chàng đi tha thẩn trong cốc, thấy những bụi cây hoa Tình mà năm xưa chàng cùng Trình Anh, Lục Vô Song chặt phá đã không mọc nữa, thấy một bông hoa hồng rực rỡ mà chàng đặt tên là hoa Long Nữ mới nở, chàng bèn ngắt lấy, đem tới cắm bên dòng chữ ở Đoạn Trường nhai. Chờ đợi khổ sở năm ngày, đã đến ngày mồng bảy tháng Ba. Chàng đã hai ngày đêm liền không ngủ, hôm nay càng không rời Đoạn Trường nhai nửa bước. Từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều, mỗi khi gió thổi cây rung, hoa rơi lá rụng, chàng lại giật mình, đứng bật dậy ngó quanh tứ phía, nào thấy bóng dáng Tiểu Long Nữ?

Từ khi hỏi Hoàng Dược Sư về Nam Hải thần ni ở đảo Đại Trí, biết đó là chuyện Hoàng Dung bịa đặt, nhưng hai dòng chữ kia là do Tiểu Long Nữ khắc thì không phải giả, những mong nàng nói lời thì giữ lấy lời, cuối cùng tới gặp. Nhìn vầng dương từ từ lặn xuống núi, lòng Dương Quá cũng lặng dần. Khi vầng dương bị núi che một nửa, chàng kêu to, chạy lên đỉnh núi. Đứng trên đó, thấy vầng dương tròn trặn như cũ, lòng chàng nhẹ đi, chỉ cần vầng dương còn kia, ngày mồng bảy tháng Ba vẫn chưa hết.

Nhưng mặc dù chàng đã đứng trên đỉnh cao nhất, mặt trời rốt cuộc cũng lặn xuống dưới đất. Chàng đứng lặng, nhìn bốn phía mịt mờ, cảm thấy khí lạnh thấm vào người.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.