Thần Điêu Hiệp Lữ

Chương 229:




Lý Chí Thường cúi mình đáp:

- Đệ tử không dám.

Chu Bá Thông cười, nói:

- Tốt, ta cũng biết nhà ngươi không dám.

Nói đoạn cầm lấy lệnh tiễn từ tay Lý Chí Thường.

Hoàng Dược Sư không thể làm gì khác, đành nói:

- Thế thì mong Chu huynh cẩn thận cho. Chu huynh thống lĩnh tám ngàn quân, trong đó một ngàn do Anh Cô chỉ huy, bảy ngàn còn lại giao cho các đệ tử đời thứ ba của phái Toàn Chân như Lý Chí Thường chỉ huy, ứng với bẩy sao Bạch Hổ, là Khuê mộc lang, Lâu kim cẩu, Vị thổ trĩ, Ngang nhật kê, Tất nguyệt điểu, Chủy hỏa hầu, Thương thủy viên. Text được lấy tại TruyệnFULL.vn

Điểm binh xong, lệnh cho các lộ quân sĩ đến kho quân khí nhận đủ vật dụng cần thiết, rồi phất cờ lệnh, bốn vạn binh mã chia ra năm phương đông, nam, tây, bắc, chính giữa, Hoàng Dược Sư dõng dạc nói:

- Năm xưa hai mươi tám viên tướng ứng với điềm trời, phò tá Hán Quang Vũ trung hưng, nay trận thế "Nhị thập bát tú" của chúng ta tuy không sánh nổi thanh thế của Hán Quang Vũ, nhưng chống giặc giữ nước, cũng đường đường chính chính là một kỳ soái oai hùng. Chư quân hãy nghe hiệu lệnh của chủ tướng, hôm nay quyết một trận tử chiến với bọn Thát tử Mông Cổ.

Tướng sĩ đồng thanh đáp ứng vang vang như tiếng sấm. Sau ba phát pháo hiệu, bốn cổng thành mở rộng, năm lộ binh mã hùng dũng tiến ra.

Tây lộ quân lấy phái Toàn Chân làm chủ lực, các đạo sĩ vốn thành thạo "Thiên Cang Bắc Đẩu trận", chỉ thấy trường kiếm sáng loáng, bảy người một nhóm, bốn mươi chín người một đội, chuyển dịch như sao sa, tướng sĩ Mông Cổ nhìn hoa cả mắt, chỉ biết bắn tên ngăn chặn.

Chỉ nghe ở mạn bắc quân địch rú lên thất thanh, Hoàng Dung chỉ huy đệ tử Cái Bang dùng vòi dài phun nước độc dơ về phía quân địch. Thứ nước ấy dính vào người lập tức ngứa ngáy như điên, lát sau đã làm thối rữa cả da thịt, quân địch không chịu nổi, phải rút chạy.

Ở Nam lộ quân khói bốc ngút trời, là Nhất Đăng suất lĩnh tám ngàn quân thi triển hỏa công, dùng ống đồng phun lửa lưu hùynh. Quân Mông Cổ thấy tình hình nguy hiểm, vội dồn vào giữa.

Quách Tĩnh suất lĩnh tám ngàn quân từ phía sau từ từ tiến lên, thấy quân địch bắt đầu rối loạn, liền xông thẳng tới chỗ đài cao.

Bỗng nghe bên cạnh đài cao nổi lên tiếng tù và vang vọng, từ dưới đất có mấy vạn quân địch đội đất chui lên. Thì ra chủ soái Mông Cổ cũng giỏi dùng binh, ngoài bốn vạn nhân đội bố trí xung quanh cái đài cao, còn đào hầm mai phục mấy vạn quân nữa. Thành thử cục diện đang bại của quân Mông Cổ lập tức thay đổi, trận thế "Nhị thập bát tú" tung hoành, tuy có làm rối loạn quân địch, song không thể tiêu diệt chúng.

Trống trận vang rền, quân Tống hò hét xông vào ác chiến với quân địch. Đội cung nỏ từ chân đài cao bắn tên ra như mưa, Trung lộ quân do Quách Tĩnh chỉ huy mấy phen xông vào đều bị mưa tên hất trở ra. Đôi bên ác chiến đã nửa canh giờ vẫn chưa phân thắng bại. Hoàng Dược Sư phất lá cờ xanh, đột nhiên Đông lộ quân đánh về phía nam, Tây lộ quân đánh lên phía bắc, trận pháp biến động.

Trận thế "Nhị thập bát tú" ngầm chứa cái lý ngũ hành sinh khắc. Hồng kỳ quân Nam lộ của Nhất Đăng đại sư đánh vào chính giữa, Hoàng kỳ quân của Quách Tĩnh đánh sang phía tây, Bạch kỳ quân của Chu Bá Thông xông về phía bắc, Hắc kỳ quân của Hoàng Dung thì xông sang phía đông, còn Thanh kỳ quân của Hoàng Dược Sư chuyển xuống phía nam. Sự luân chuyển ngũ hành này là hỏa sinh thổ, thổ sinh kim, kim sinh thủy, thủy sinh mộc, mộc sinh hỏa.

Quân Tống tuy chỉ có bốn vạn người, nhưng trận pháp tinh diệu, chỉ huy đều là cao thủ võ lâm, quân binh người người đều biết ơn vợ chồng Quách Tĩnh, quyết ý liều mình cứu ái nữ của vợ chồng họ, cho nên tuy quân địch đông gấp đôi, cũng không ngăn được.

Ác chiến hồi lâu, Hoàng Dược Sư hú một tiếng dài, Thanh kỳ quân lui vào chính giữa, Hoàng kỳ quân đánh lên phía bắc, Hắc kỳ quân vu hồi xuống phía nam, Hồng kỳ quân tiến sang phía tây, Bạch kỳ quân tấn công phía đông. Lần biến đổi trận pháp này là nghịch chuyển ngũ hành, là mộc khắc thổ, thổ khắc thủy, thủy khắc hỏa, hỏa khắc kim, kim khắc mộc.

Sự biến hóa ngũ hành sinh khắc nói ra nghe huyền diệu, thật ra là do cổ nhân Trung Quốc tinh nghiên. Sự biến đổi vật tính mà ngộ được cái lý, hiểu cái đạo âm dương, cái thuyết phản hồn thần. Nền y học, lịch số của Trung Quốc đều dựa vào đây, cái gọi là "ngũ vận cánh thủy, trên ứng thiên kỳ, âm dương vãng phục, hàn thử nghênh tùy, chân tà tương bác, nội ngoại phân li, lục kinh ba đang, ngũ khí khuynh di" có thể nói là cử thế vô song đương thời. Quân Mông Cổ tinh nhuệ, võ công cao cường, nhưng văn trí nông cạn, làm sao địch nổi đệ nhất đại gia thời nay là Hoàng Dược Sư? Thấy trận thế biến hóa mấy lần, tướng lĩnh quân địch trấn giữ cái đài cao cứ chóng mặt hoa mắt, thấy quân Tống cánh này đến, cánh kia đi, đề phòng chỗ này thì bỏ chỗ kia, thật không biết đường nào mà lần.

Kim Luân pháp vương đứng trên đài cao, quan sát cuộc đại chiến bên dưới, cũng thầm kinh hãi. Năm nào Hoàng Dung chỉ dùng tiểu thạch trận, lão ta đã không hiểu gì, huống hồ Hoàng Dược Sư tinh thông Dịch học gấp mười lần con gái mình. Trận thế "Nhị thập bát tú" dưới sự chủ trì của năm vị đại cao thủ đương đại triển khai ra, Kim Luân pháp vương không thể không thán phục, thấy quân Mông Cổ tử thương mỗi lúc một nhiều, Hoàng kỳ quân áp sát dần tới cái đài cao. Kim Luân pháp vương tuy dùng Quách Tương để uy hiếp, song lão ta cũng không nỡ thiêu sống nàng, lão ta quay nhìn nàng, thấy nàng tuy bị trói hai tay, song vẫn ngẩng cao đầu không chút run sợ. Kim Luân pháp vương nói:

- Tiểu Quách Tương, mau gọi phụ thân ngươi đầu hàng đi, ta đếm từ một đến mười, phụ thân ngươi không hàng, ta sẽ hạ lệnh phóng hỏa.

Quách Tương nói:

- Lão thích đếm thì cứ việc đếm, đừng nói là đếm từ một đến mười, lão có đếm đến một ngàn, một vạn cũng mặc lão.

Pháp vương tức giận nói:

- Ngươi tưởng ta không dám thiêu sống ngươi chắc?

Quách Tương lạnh lùng nói:

- Bổn cô nương chỉ cảm thấy lão thật đáng thương mà thôi.

Pháp vương hỏi:

- Tại sao ta lại đáng thương?

Quách Tương nói:

- Lão đánh không nổi gia gia má má của bổn cô nương, đánh không nổi ngoại công Hoàng đảo chủ, đánh không nổi Nhất Đăng đại sư, đánh không nổi Lão Ngoan đồng Chu Bá Thông, đánh không nổi đại ca ca Dương Quá của bổn cô nương, lão chỉ bắt trói được bổn cô nương ở đây mà thôi. Trong thành Tương Dương của bổn cô nương, dù một gã tiểu tốt cũng không hèn mạt vô sỉ như lão. Này Pháp vương, bổn cô nương muốn khuyên lão một câu.

Pháp vương nghiến răng hỏi:

- Ngươi muốn khuyên ta điều gì?

Quách Tương nói:

- Làm một kẻ như lão thì còn có ý vị gì trên đời nữa? Chi bằng đâm đầu xuống dưới đài mà chết cho rồi!

Quách Tương lúc này đã không còn quan tâm đến sự sống chết của mình, nàng từ bé miệng lưỡi đã đáo để, nói năng không chịu thua ai, mấy câu kia làm cho Pháp vương tức muốn vỡ ngực ra. Lão quát to:

- Quách Tĩnh nghe đây, ta đếm từ một đến mười, nếu ngươi không đầu hàng, ta sẽ hạ lệnh phóng hỏa đốt đài.

Quách Tĩnh nói:

- Lão nghĩ Quách mỗ là kẻ chịu đầu hàng hay sao?

Hoàng Dược Sư dùng tiếng Mông Cổ nói lớn:

- Kim Luân pháp vương, ngươi không hiểu rõ đối phương, là kẻ bất trí, khi vũ nhược nữ, là kẻ bất nhân, không dám quyết thắng bằng đao thương thật sự với bọn ta, là kẻ bất dũng. Một kẻ bất trí, bất nhân, bất dũng như thế có còn là anh hùng hảo hán nữa chăng? Ở Tuyệt Tình cốc ngươi bị ta bắt, ngươi phải cầu xin, lạy tiểu cô nương Quách Tương mười tám cái mới được Quách Tương tha cho ngươi. Ngươi lại vong ân bội nghĩa, tham sinh úy tử, còn mặt mũi nào chiếm địa vị đệ nhất quốc sư Mông Cổ kia chứ.

Thực ra hoàn toàn không có chuyện Pháp vương lạy Quách Tương mười tám cái, nhưng Hoàng Dược Sư thâm mưu viễn lự, trước khi phát binh đã nhờ Hoàng Dung dịch mấy câu chỉ trích Pháp vương sang tiếng Mông Cổ, lão học thuộc lòng, bây giờ dùng khí đan điền nói ra trước muôn vạn người, tuy họ đang mải ác chiến, song ai cũng nghe rõ, Pháp vương dù có lên tiếng cải chính hay không cũng vô ích. Người Mông Cổ xưa nay rất tôn kính dũng sĩ, họ hết sức khinh bỉ kẻ nhu nhược hèn hạ. Binh sĩ Mông Cổ nghe câu nói của Hoàng Dược Sư bất giác đều ngẩng nhìn lên đài cao, ánh mắt lộ vẻ khó chịu. Lưỡng quân giao chiến, khí thế bên nào hăng hái sẽ thắng, quân Mông Cổ nghe bảo chủ tướng của mình hèn hạ vô sỉ như vậy, khí thế giảm hẳn đi, trong khi quân Tống người người lăn xả vào quyết thắng.

Pháp vương thấy tình hình không ổn, bèn nói to:

- Quách Tĩnh nghe đây, ta đếm từ một đến mười, đến chữ "mười" thì ái nữ của nhà ngươi sẽ hóa thành than đó. Một... hai... ba... bốn...

Pháp vương đếm xong mỗi số đều dừng lại một lát, chỉ mong Quách Tĩnh cuối cùng không chịu đựng nổi, dù không đầu hàng thì cũng rối loạn tâm trí.

Quách Tĩnh, Hoàng Dược Sư, Nhất Đăng, Hoàng Dung, Chu Bá Thông năm lộ binh mã nghe Pháp vương trên đài cao đếm số, nhìn mấy trăm tên lính cầm đuốc đứng dưới chân đài, chỉ đợi Pháp vương hạ lệnh sẽ châm lửa vào củi cỏ, thì ai cũng tức giận và lo lắng, gắng sức xung sát, tiến đến chỗ đài cao cứu Quách Tương. Nhưng quân Mông Cổ tiễn pháp tinh diệu, mấy trăm tinh binh phóng tên, dưới làn mưa tên, Tứ Thủy Ngư Ẩn, Lương trưởng lão, Võ Tu Văn đều đã trúng tên bị thương, bốn đệ tử đời thứ ba của phái Toàn Chân, hơn chục hảo thủ Cái Bang cũng đã trúng tên bỏ mạng, tướng sĩ quân Tống bị tử thương vô số.

Hoàng Dung lúc đầu từng sai Quách Phù đưa áo giáp lông nhím cho ngoại công mặc để đỡ phần hung hiểm, kẻo lỡ vì cứu nữ nhi mà phụ thân bị thương thì suốt đời Hoàng Dung ân hận. Hoàng Dược Sư nghĩ đó là cử chỉ hiếu lễ của nữ nhi, không tiện từ chối, nhưng sau đó lão lại cởi ra, lừa mặc vào người Chu Bá Thông, cho nên Chu Bá Thông lao qua lao lại giữa làn mưa tên mà không hề hấn gì. Lão thấy tên bắn vào thân mình đều rơi rụng lả tả, thì khoái trá xông thẳng tới phía trước, chưởng phong phát đến đâu, các xạ thủ Mông Cổ giạt ra tới đó.

Chỉ nghe Kim Luân pháp vương trên đài cao đêm to:

- Tám... chín... mười! Được lắm, phóng hỏa!

Tức thì các đống củi cỏ đặt dưới chân đài được châm lửa, khói bốc lên. Tám ngàn quân Hoàng kỳ đo Quách Tĩnh thống lĩnh tuy vác bao đất trên lưng, song không thể tới được cách chân đài hai trăm bước, đành chỉ đứng nhìn.

Hoàng Dung thấy khói lửa bốc lên, thì mặt tái nhợt đi, lảo đảo chực ngã. Gia Luật Tề đưa tay đỡ, nói:

- Nhạc mẫu, hãy lùi về phía sau nghỉ ngơi, con dù mất mạng, cũng phải cứu Tương muội ra.

Đúng lúc đó, bỗng nghe đằng xa có tiếng hò reo như sấm, mấy vạn quân thiết giáp Mông Cổ từ hai cánh tiến thẳng tới tấn công thành Tương Dương. Tiếng hô "Vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!" chấn động đất trời. Lá cờ lớn của đại hãn Mông Cổ Mông Kha giương cao, tiến nhanh đến chân thành, tinh binh hãn tướng đông như kiến, do đại hãn thân chinh chỉ huy ào ạt công thành.

Quách Tĩnh tay trái cầm khiên, tay phải cầm mâu, vốn đã đến cách cái đài cao không đầy trăm bước, các xạ thủ Mông Cổ bắn tên như mưa, thủy chung vẫn không đả thương nổi, thấy sắp có thể xông lên trên đài cao, bỗng nghe phía sau lưng có biến, không khỏi giật mình, nghĩ: "Nguy quá, trúng kế điệu hổ ly sơn của Thát tử mất rồi. An phủ sứ nhu nhược sợ địch, trong thành binh mã tuy đông, nhưng thiếu người thống lĩnh, chỉ sợ đại sự nguy to".

Quách Tĩnh và Hoàng Dược Sư lúc phát binh, việc phòng bị trong thành đã được gia tăng, đề phòng quân địch thừa cơ tập kích, không ngờ quân địch quanh cái đài cao kháng cự dũng mãnh, còn đại hãn Mông Cổ thì bỏ mặc mấy vạn binh mã quanh đài cao đang lâm nguy, thân chinh mạo hiểm công thành. Quách Tĩnh nghĩ: "Việc cứu con là chuyện nhỏ, giữ thành là chuyện lớn!". Bèn gọi to:

- Nhạc phụ, chúng ta đừng lo cho Tương nhi nữa, phải cấp tốc quay lại đánh quân địch ở phía sau.

Hoàng Dược Sư ngoảnh đầu nhìn lại, thấy lửa bén dần lên cao, Pháp vương chính đang thong thả theo cái thang gỗ đi xuống, trên đài cao chỉ còn một mình Quách Tương, lão đảo chủ há không hiểu khinh trọng hoãn cấp, một mình Quách Tương làm sao có thể so với sự an nguy của cả thành Tương Dương? Lão đành thở dài, nói "Thôi!" rồi lệnh cho người cầm cờ xanh phất cờ điều binh quay về phía nam.

Quách Tương bị trói trên đài cao, thấy phụ mẫu, ngoại công đều không cách gì đến cứu nàng, khói dày lửa mạnh ùn ùn dưới chân đài cao, tự biết mình sắp bị thiêu sống. Ban đầu nàng rất hoảng sợ, nhưng lúc sự việc xảy ra, nàng lại trở nên bình thản, ngẩng đầu nhìn xa tít về phương bắc, thấy bình nguyên trải dài xanh tươi, giang sơn như tranh vẽ, nghĩ thầm: "Thế giới đẹp nhường kia, mình lại sắp phải chết. Không biết đại ca ca lúc này ở đâu, đã lên khỏi đáy sơn cốc hay chưa?".

Hồi tưởng mấy lần gặp gỡ với Dương Quá, tuy từ nay không còn được gặp lại chàng, nhưng chỉ ba lần giải cấu tương phùng ấy cũng đủ cho cả đời. Lúc này thân lâm cực hiểm, trong tâm tại vô cùng thanh thản, đối với cuộc ác chiến dưới chân đài cao, nàng không quan tâm nữa. Chính đang thả hồn tới thâm cốc, hồi tưởng hôm nào, bỗng nghe có tiếng hú từ xa vọng tới, tiếng hú ấy tựa hồ át hết tiếng hò hét xung sát của thiên binh vạn mã nơi này.

Quách Tương giật mình, tiếng hú kinh tâm động phách ấy chính là tiếng hú của Dương Quá hôm chàng trấn áp bầy dã thú, nàng bèn ngoảnh về phía tiếng hú vọng tới, thì thấy ở mạn tây bắc quân Mông Cổ đang liên tiếp dạt cả ra hai bên, có hai người đang xông thẳng qua một rừng đao kiếm, như con thuyền lướt trên sóng dữ. Đi trước hai người là một con chim khổng lồ, hai cánh không ngừng vẫy đập, tạo nên hai luồng cuồng phong, đánh rơi lả tả những mũi tên bắn tới. Con chim vô cùng lợi hại ấy chính là Thần điêu của Dương Quá.

Quách Tương cả mừng, chăm chú nhìn kỹ hai người kia, thấy người đi bên trái mũ xanh áo vàng, đúng là Dương Quá, người đi bên phải áo trắng bay bay là một mỹ mạo nữ nhân. Hai người tay cầm trường kiếm, múa thành một đạo bạch quang, theo sau Thần điêu, xông thẳng tới chỗ đài cao. Quách Tương gọi lạc cả giọng:

- Đại ca ca, người kia là Tiểu Long Nữ phải không?

Nữ nhân bên cạnh Dương Quá chính là Tiểu Long Nữ, họ đang ở xa, không thể nghe thấy tiếng gọi của Quách Tương. Thần điêu đi trước mở đường, hai cánh vỗ đập đẩy rơi đẩy chệch các mũi tên bắn tới, dù tên có trúng người cũng không còn đà bay nữa, nếu không, Thần điêu dù là linh cầm, cánh cứng như sắt, rốt cuộc cũng vẫn là huyết nhục, chịu sao nổi mũi tên nhọn?

Tướng sĩ Mông Cổ thấy Thần điêu tiến đến hung mãnh như thế, bèn nhảy lên ngựa dùng giáo dài mà đâm, đều bị Dương Quá và Tiểu Long Nữ đánh cho ngã ngựa. Hai người một chim điêu yểm hộ cho nhau, thoáng chốc đã xông tới trước đài cao.

Dương Quá gọi:

- Tiểu muội tử đừng lo, ta đến cứu muội đây!

Chàng thấy nửa dưới của cái đài cao đã chìm trong lửa, chàng tung người nhảy vọt lên cái thang gỗ, leo lên mấy trượng, bỗng cảm thấy một luồng chưởng phong áp xuống đỉnh đầu, chính là Kim Luân pháp vương phát chưởng tập kích. Dương Quá tung chưởng nghênh tiếp, bùng một tiếng, hai luồng kình lực đụng nhau, hai người cùng loạng choạng, cái thang gỗ rung chuyển mấy cái tựa hồ sắp gãy. Hai người cùng kinh ngạc, thầm thán phục đối thủ lợi hại: "Mười sáu năm không gặp, công lực của y tinh tiến ghê gớm như thế!".

Dương Quá thấy tình thế nguy cấp, không thể đấu chưởng lực trên cái thang gỗ, bèn dùng trường kiếm đâm nhanh lên bắp chân hoặc bàn chân của Pháp vương. Pháp vương ở bên trên, nếu dùng kim luân đối phó, thứ binh khí ấy ngắn, phải cúi gập người rất bất tiện, lão ta đành nhảy vọt lên đài cao. Dương Quá đâm theo sau lưng Pháp vương liên tiếp vài nhát, chiêu nào cũng như cuồng phong bạo vũ, song Pháp vương không hề ngoảnh đầu lại, chỉ nghe tiếng gió mà dùng luân gạt đỡ, như thể lão ta có con mắt thứ ba ở sau lưng. Dương Quá quát:

- Lão giặc trọc, khá khen!

Pháp vương vừa lên tới mặt đài cao, liền đánh trả một luân. Dương Quá nghiêng đầu tránh, thân theo kiếm nhảy vọt lên. Pháp vương dùng kim luân và cả ngân luân gạt mạnh thanh kiếm của chàng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.