Thần Giữ Của

Chương 3: Suy vi gia đạo




Thời gian cứ vậy trôi đi, lại trai qua biết bao bể dâu năm tháng xoay chuyển cùng thế vận. Vị trí nơi cất giấu kho tàng với khối tài phú liên thành ngày nọ, chắc giờ này cũng chỉ có nhà họ Lưu bên mãi xứ Tàu mới mong biết được. Kinh thành đất Giao Châu phồn hoa đô hội ngày nào giờ đã đi vào quên lãng, lần lượt được thay bằng những tên gọi phù hợp theo từng thời kỳ quốc vận.
Hôm nay tại nhà của Vũ, một nơi trong chốn làng quê Việt hết sức yên bình. Mặt trời lúc này cũng đã lên quá ngọn sào, thế mà Vũ vẫn nằm ngủ mê mệt bên trong buồng tối. Bỗng hắn tự giật mình choàng tỉnh, toàn thân ướt sũng mồ hôi bê bết.
Bà Cảnh mẹ hắn vừa thấy con mình hét lên ú ớ, còn liên tục đập giường đập chiếu nói mớ toàn những câu gì khó hiểu. Lập tức bà bỏ vội chỗ Lạc Đỗ đang say rồi tất tả chạy vội vào buồng, vừa lay vừa sợ giọng khản đặc:
- Vũ.. Vũ à? Con làm sao thế?
Chả là mấy hôm rồi, đêm nào ngủ Vũ cũng mê sảng mộng mị kêu la ầm ĩ cả nhà dữ lắm. Vừa thấy con bừng tỉnh lại mồ hôi mồ kê đầy người, bà Cảnh vội nói:
- Thôi nào.. dậy đi con, muộn lắm rồi đấy. Ngoài trời trưa trật lồi mề ra rồi, dậy ra ngoài đồng tranh thủ khơi gạn cho mẹ cái ruộng nước. Đàn ông đàn ang gì chả lo làm ăn tu trí, sau này chắc có chó nó mới dám lấy mày.
- Mà tại sao có quạt lại không bật lên cho mát, ngủ nghê kiểu gì mà mồ hôi ướt đẫm cả người thế này? Hay là dạo này đã biết tiết kiệm tiền điện cho mẹ rồi đúng không? Thôi nào.. mau cởi cái áo ướt ấy ra để mẹ giặt cho kẻo cảm đấy.
Chả là những năm này cũng đã bước qua thập niên chín mươi, nước Việt mở cửa du nhập nền văn minh Tây Âu tiên tiến cùng phát triển các nền kinh tế mạnh mẽ, đặc biệt chú trọng vào bốn tiêu chí "Điện, Đường, Trường, Trạm". Chả thế mà lưới điện cũng theo về phủ rộng, sáng khắp từ phố thị náo nhiệt cho tới thôn quê. Nơi mẹ con bà Cảnh sinh sống cũng thế, những ngày mới triển khai thi công toàn dân vui mừng phấn khởi lắm. Hội nông dân nơi này còn huy động tổng lực, nhà nhà người người góp công cùng chính quyền dựng xây đất nước.
* * *
Vũ tuy đã tỉnh lại, những cũng phải mất một lúc khá lâu hắn vẫn uể oải ngồi mãi trên giường, hết ngáp ngắn ngáp dài lại vươn vai múa máy rồi mới thốt ra bằng giọng bất cần:
- Ôi dào.. Tiết kiệm gì đây hả mẹ, nãy con thấy lạnh nên mới tắt Quạt đi đấy.
Bà Cảnh vừa nghe thấy con trai nói lạnh thì ngạc nhiên lắm, rõ là trời mùa hè nóng như đổ lửa thế này. Bà vội tiến lại đưa tay sờ lên trán Vũ xem sao, xem liệu có khi nào Vũ bị ốm sốt mê man nói nhảm. Nào ngờ Vũ thẳng thừng gạt phắt tay bà ra, còn cáu kỉnh quát lớn:
- Thôi ngay đi mẹ.. Con có bị sốt đâu mà mẹ phải kiểm tra cơ chứ.
- Ô hay.. Cái thằng này.. Thế mày không sốt mà cái trời mùa hè nóng thế này còn kêu là lạnh được à? Thế làm sao mà một hai hôm nay cứ nằm ngủ là lại la hét dữ thế hả con?
Thực trái với bản tính hung hãn ngày thường hôm nay Vũ tự dưng tỏ ra là người con ngoan khác hẳn, hắn ngước ánh mắt mệt mỏi đỏ lựng nhìn về phía mẹ rồi kể:
- Có khi là con đang gặp Ma mẹ ạ..
Bà Cảnh vừa nghe thấy con trai nhắc tới chữ "Ma" thì liền giật nảy mình kinh sợ, bà đánh rơi luôn cái áo ướt trên tay xuống đất, chân tay run lẩy bẩy đứng không vững mà ngồi phịch xuống cạnh giường. Vẫn còn chưa hết bàng hoàng run sợ, bà Cảnh đưa tay lau vội chút mồ hôi hột đã rịn ra lúc nào trên trán, miệng lắp bắp vặn hỏi:
- Ma ư? Có thật thế không hả con? Thế trông nó như thế nào mà con đã khẳng định là Ma vậy?
- Vâng.. Con gặp nó mấy đêm rồi Mẹ ạ. Trong giấc mơ con gặp được một cô gái xinh đẹp lắm, đêm nào cô ta cũng dẫn con đi về phía góc vườn nhà, chỗ ngay gốc Xoài già gần ngay khe Suối đó Mẹ. Mà cứ theo được đến đấy thì nó lại hóa thành một bộ xương khô trắng ởn, khiếp lắm ạ.
Đến lúc này thì bà Cảnh đã khiếp vía thực sự, bao nhiêu lông tóc trên người bà cứ thế mà dựng hết, lại nhìn tới con soi xét từ trên xuống dưới một lượt vội nói:
- Ôi thôi.. Thế này thì hỏng bét mất rồi. Con mau mau lấy xe chở Mẹ qua ngay bên làng Đông Thái, phải nhờ cụ Cả Vĩnh ra tay cứu độ trấn yểm bắt ngay con Ma nữ ấy đi.
* * *
Chuyện khi kể tới đây thì chắc phải quay ngược thời gian về những năm tháng phong kiến, thời đại tổ tiên mười tám đời dòng tộc Phạm Minh nhà Vũ. Cụ tổ Phạm Minh Vân nguyên là công thân theo phò Lê Đại Hành hay Lê Hoàn đánh Đông dẹp Tây, bình định phản loạn mở mang bờ cõi lập nên vô số công trạng uy danh hiển hách. Lập ra nhà Tiền Lê nước Đại Cồ Việt khi ấy, còn giữ tới chức "Tham Quân Trung Lang Tướng". Sau này lại phò trợ Lý Công Uẩn kinh qua đến hai đời chúa, khi về già liền cáo lão hồi hương vui sống điền viên bình lặng. Mà cũng thực là lạ, các đời con cháu sau này của cụ tuy là giàu có của ăn của để tiêu xài không hết, nhưng tuyệt không có một người nào tiếp tục ra triều làm quan nữa.
Phải mãi đến đời thứ mười dòng tộc Phạm Minh mới lại xuất hiện được một nhân tài, người này chính là cụ tổ Phạm Minh Sơn, một lần nữa phát dương quang đại làm dạng danh dòng tộc. Ở vào độ tuổi lục tuần mà vẫn có được cái dũng xung trận giết địch, phò trợ chúa Nguyễn tiến đánh phương Nam bình định Quốc Thổ vào năm 1757.
Nhiều năm sau đấy cụ tổ Phạm Minh Sơn cũng liền theo bước tiền tổ, quyết tâm từ bỏ quan vị cáo lão hồi hương. Sau này còn đặc biệt huấn thị truyền lại cho con cháu, tuyệt không theo vào nghiệp quan lộ nữa.
Trên đời vẫn thường có câu: "Miệng ăn thì Núi lở". Sản nghiệp của cải ông cha để lại cho dù có nhiều tới đâu đi nữa, một khi không làm mà vẫn cứ ăn thì cuối cùng thế nào cũng tiêu tán sạch. Ấy vậy mà có điều rất lạ, cho dù có nghèo khổ tới mấy thì con cháu nhà Phạm Minh tuyệt cũng phải giữ lấy đất đai điền thổ của ông cha họ để lại.
Đến đời cụ tổ thứ mười hai của dòng tộc, cụ Phạm Minh Hùng cũng không ngoại lệ, gia đạo mỗi lúc mỗi suy vi nghèo khổ cơ cực đủ đường. Đã thế mà cụ lại đẻ nhiều, con cái nheo nhóc đến tên gọi mỗi đứa còn không sao nhớ nổi, có đếm sơ sơ cũng phải hơn hai mươi đứa. Người sống ở thời đại ấy vẫn còn tồn tại những tư duy suy nghĩ cổ hủ lạc hậu lắm, họ luôn cho rằng "Trời đã sinh Voi thì tất sẽ sinh Cỏ". Do vậy mà việc sinh tồn tru diệt trên thế gian cũng chẳng có việc chi phải bận lòng cả.
Thế rồi cứ vậy thế sự đổi thay bãi bể nương dâu trải dài theo năm tháng, cụ tổ Phạm Minh Hùng cũng nối tiếp cha ông mà trở về với cát bụi, truyền lại phả hệ cho cậu ấm con trai út của cụ cũng chính là cụ tổ đời thứ mười ba Phạm Minh Hồng tiếp quản. Kẻ này thực sự không cam phận, hắn ta không chấp nhận chịu sống trong cảnh nghèo hèn túng quẫn. Từ khi còn nhỏ đã là đứa trẻ hư nghịch ngợm phá xóm phá làng, đến khi lớn lên liền đầu nhập vào các phường lục lâm thảo khấu, chém giết cướp bóc khắp vùng.
Năm ấy quan quân triều đình lùng sục càn quét dữ lắm, suýt chút nữa thì cậu ấm Phạm Minh Hồng liền đã bị bắt trảm thủ, chắc dòng tộc Phạm Minh từ ấy tuyệt tự. Thế nhưng trong cái rủi lại có cái may, lúc trốn chui trốn lủi ngoài núi sau nhà thì chẳng may hắn sa chân rơi xuống một ngách đá. Chẳng ngờ bên trong ngách đá ấy lại có một đầm nước lớn ăn thông chạy sâu vào hang núi, trải qua tháng năm mưa nắng thế nào liền lộ ra cứu hắn một mạng. Lóp ngóp mất một lúc hắn mới bơi được vào bờ, cơ thể đã mỏi mệt dã rời cùng tinh thần còn chưa hết hoảng loạn. Lại nhìn về phía miệng hang đá bên trên thì lập tức hắn thực sự chán nản, hang núi này rất cao vách núi lại dựng đứng vô cùng trơn trượt. Để có thể trèo ngược trở lại là điều chắc chắn không thể, như này thì chỉ có nước lần mò tiến về phía trước mà thôi.
Thực không ngờ càng đi vào sâu bên trong lòng núi lại càng mở rộng, cũng vì thế nên tinh thần Minh Hồng cũng được nới lỏng. Hắn hăm hở tiếp tục tiến bước đi lên chừng một hai canh giờ nữa thì cũng vào được tới trung tâm thạch động. Điều mà hắn không thể ngờ được chính là bên trong thạch động này không hề ẩm thấp tăm tối, lại là nơi chứa toàn vàng bạc châu báu liên thành, khả năng tiêu xài cho tới mười tám đời cháu chắt chút chít chụt chịt cũng chưa chắc đã hết được. Đang lúc túng quẫn nghèo hèn cực khổ, tự dưng một ngày rơi vào đống vàng thử hỏi ai mà chịu được. Phạm Minh Hồng cũng không ngoại lệ, hắn ta vui sướng đến không tưởng, ngẩn ngơ thơ thẩn quên cả cái đói cái khát mãi tới ba ngày sau mới dần bừng tỉnh. Cuối cùng liền quyết đoán thu lấy chút vàng bạc dắt lưng rồi may mắn thoát khỏi hiểm địa, cũng từ ngày ấy gia đạo họ Phạm Minh lại một lần nữa chấn hưng hồng phát. Cụ tổ mua thêm đất làm thêm nhà, lại lấy được vợ đẹp sinh con hưởng thụ cuộc sống vương giả bậc nhất thế gian vào lúc bấy giờ.
Duy chỉ có một điều hết sức lạ lùng cứ liên tiếp xảy đến cho dòng tộc họ Phạm, tiền tài phú quý cho dù có nhiều đến mấy cũng không thể đổi lấy tuổi thọ cho bọn họ được. Bất kể kẻ nào cứ hễ mang họ Phạm Minh thì đều chết yểu, tuyệt không thể sống qua bốn mươi năm niên thọ cuộc đời. Những sự lạ ấy cứ vậy diễn ra trong nhiều đời liên tiếp, khiến hết thảy con cháu dòng tộc người nào người nấy luôn nơm nớp đợi chờ định số trong lo sợ. Cuối cùng thì trong dòng tộc cũng xuất thế ra được một người đức độ, chính là cụ tổ đời thứ mười sáu, cụ Phạm Minh Huyền. Người này khi ngộ đạo đã xuất gia làm tăng lấy pháp danh là "Phổ Giác Minh Huyền" đại sư, tu thành chính quả đắc đạo trên núi Mi Bồ.
Lúc còn trẻ cụ Huyền đã là người thông minh thiên tư dĩnh ngộ, luôn lấy việc hành thiện tích đức làm đầu, giúp đỡ những người cùng khổ khắp vùng. Khi trưởng thành cũng như bao người cụ xây dựng gia đình sinh con đẻ cái nối dõi tông đường dòng tộc, việc làm thiện tích đức cũng chưa khi nào ngừng nghỉ. Thời gian cứ vậy trôi đi cụ tổ Phạm Minh Huyền từ khi còn trai tráng cũng dần bước sang độ tuổi tứ tuần, kỳ hạn trả nghiệp dòng tộc đã ngày một tới gần khiến cụ cũng không khỏi nuối tiếc phận số. Sau khi bài bố tất cả mọi chuyện trong gia đình xong xuôi, cụ liền lập tức lên đường vân du tứ hải, phen này quyết rằng một đi sẽ không trở lại chết nơi đất khách quê người.
Thế nhưng sự đời lại không giống như những gì con người ta tiên liệu trước, đã qua khỏi sinh thần bốn mươi năm niên thọ mà cụ vẫn ung dung sống nhăn chưa xảy đến sự gì. Đầu tiên thì cụ Huyền cũng ngạc nhiên lắm, lại cho là Diêm Quân ngủ quên trễ lịch phán xét tới mang cụ rời bỏ chốn nhân gian. Vậy mà ngày này qua tháng nọ, năm này qua năm khác cụ vẫn cứ sống trơ trơ chưa phải theo về hầu hạ tổ tiên tiền tổ.
Cho đến một ngày nọ nhân có cơ duyên trời định mà cụ gặp được một vị thần tăng đại đức, lại được vị ấy mở đường chỉ cho mê lộ, biết được tổ tiên các đời trước phạm vào tài vật bất nghĩa tự chuốc họa vào thân. Con cháu các đời sau phải trả nghiệp lớn, đổi mạng lấy tiền, không ai qua được bốn mươi năm niên thọ. Nhưng cụ tổ Phạm Minh Huyền thì khác, từ nhỏ đã có thiên căn khác người lại được "Thiệu Đức Tinh Quân" quán thế chiếu mạng, cả đời toàn làm việc thiện cho nên không gặp phải cái họa sát thân. Cũng từ thời khắc ấy cụ tổ lập tức ngộ đạo, cụ quỳ sụp xuống đất mà bái vị thần tăng kia làm thầy, nguyện theo thầy sớm khuya học đạo. Sau này chứng quả trước lúc phi thăng rời bỏ thân xác hồng trần thế tục, cụ vẫn kịp quay về quê hương bản quán để lại di ngôn truyền đời cho con cháu, chỉ ra nơi cất giấu bảo vật liên thành nhưng lại cấm tuyệt con cháu đời sau không được động tới.
Nhưng mà mọi sự đâu như những gì sắp đặt, con cháu đời sau của cụ chẳng những không nghe theo tổ huấn mà còn làm tới ở mức độ trời đất khó dung. Bọn chúng tiêu xài phung phí, ăn chơi xa đọa gian dâm hút sách đủ đường, cứ tiêu xài gần hết thì lại rủ nhau vào núi đào lấy tiền tài bảo vật. Kẻ phá gia chi tử này không ai khác lại chính là cha của Vũ, cũng dính vào lời nguyền dòng tộc chết yểu ở tuổi bốn mươi.
Đến đời Vũ thì gia cảnh đã thực sự suy vi quá rồi, hai mẹ con bám víu lấy nhau sống lay lắt qua ngày. Không ngờ Vũ cũng thừa hưởng được cái "gen" ham chơi lười làm của cha hắn, khi đất nước mở cửa bao nhiêu nếp sống mới lan tràn cùng muôn vàn thói hư tật xấu luôn luôn không ngừng mời chào chèo kéo. Vũ cũng thế, hắn không thể cưỡng lại cũng như thoát khỏi những thứ cám dỗ chết người ấy. Từ lâu hắn đã trở thành một con nghiện, một tên đầy tớ trung thành của ả Phù Dung. Hắn nghiện mờ mắt, bao nhiêu của nả trong nhà cứ vậy theo nhau đội nón ra đi, duy chỉ còn mảnh đất cha ông cụ kị để lại là hắn chưa bán được. Đã nhiều lần Vũ và bà Cảnh mẹ hắn xảy đến những trận tranh cãi kịch liệt, thậm chí lúc vật vã vì thuốc hắn còn trở thành đứa con bất hiếu, "thượng cẳng chân hạ cẳng tay" đánh đập mẹ hắn một cách thậm tệ thương tiếc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.