Ba tháng sau, tại một tửu lầu không nổi tiếng gì mấy của tỉnh Thanh Hải. Tiêu Phong và nữ thần y ghé vào dùng bữa trưa, Tiêu Phong gọi vài món đồ ăn và bình hồng trà. Nữ thần y ngồi đối diện chàng, khi này thương tích của Tiêu Phong đã hoàn toàn lành lặn. Chàng rót trà vào chung cho nữ thần y, nàng bưng chung trà lên nhấp một ngụm, mắt không rời khỏi chàng. Tiêu Phong lại rót trà cho chàng, sau đó đặt bình trà sang bên và ngẩng đầu lên cười với nàng. Nụ cười tươi rói của chàng khiến nàng muốn ngạt thở.
Tiêu Phong lại cúi xuống gắp thức ăn vào chén cho nữ thần y rồi chàng cũng nâng chén của mình lên và từ tốn ăn, chàng ăn thôi mà cũng đẹp trai. Nữ thần y vừa uống trà vừa nhìn Tiêu Phong, uống luôn cả dung mạo của chàng, tự hỏi liệu đến bao giờ nàng đủ cho người đàn ông này?
Một hồi sau hai người ăn uống xong Tiêu Phong gọi tiểu nhị đến tính tiền. Khi tiểu nhị bước lại, ở ngoài đường, bảy tám thanh niên dáng vẻ thô lỗ, tay cầm các loại khí cụ như đang đi làm về cao giọng trò chuyện rất vô tư.
- Ta dám chắc – Một người nói - Kẻ giết cả nhà tri huyện An Huy hết tám phần là người của Phong Võ môn!
Nữ thần y nghe những thanh niên đó nói thế nàng quay mặt nhìn ra ngoài đường. Tiểu nhị thấy nữ thần y ngạc nhiên, nói:
- Hai vị chưa nghe ư, ở tỉnh An Huy tối hôm kia xảy ra một vụ huyết án động trời.
Nữ thần y quay lại nhìn tiểu nhị, hắn tiếp:
- Quan huyện, binh lính, và toàn thể gia quyến đều bị chết bởi một kiếm xuyên tim. Người trong giang hồ lúc này đang xáo xào cả lên. Vì sao họ bị giết? Là do ai đã giết? Những câu hỏi chưa ai trả lời được. Việc tên hung đồ bỏ lại một bông hoa vải màu hồng trên mình quan huyện nhất thời bỗng dưng trở thành vụ án ly kỳ trong võ lâm. Và Giang Nam một lần nữa trở thành nơi tụ hội của nhân sĩ giang hồ. Người ta đều cho rằng người của Phong Võ môn làm ra, nghe nói võ đường đã gia nhập Hồng Hoa hội nên đã trong một đêm giải tán võ đường, hơn nữa, họ ra tay tàn độc như thế vì nghe đâu có một vương gia đến trú trong phủ huyện, mà vương gia đó đã từng có thù với Hồng Hoa hội.
Nữ thần y nhìn sang Tiêu Phong, chàng không có phản ứng gì. Tuy chàng không nói gì, song trong đầu Tiêu Phong, hiện lên gương mặt và lời nói chắc như đinh đóng cột của Cửu Dương. Năm đó, Cửu Dương đã tiên tri vận mệnh của chàng sau này, Cửu Dương kể cho chàng nghe về câu chuyện Hàn Tín và Trương Lương. Thật không ngờ ngày đó đến rồi, đã thật sự tới rồi… Cái khả năng Khang Hi cố tình tung hỏa mù, là điều chẳng sai chút nào. Tiêu Phong vẫn giữ im lặng, chàng làm gì mà chẳng thấu đáo được cái ý của Khang Hi qua cuộc tàn sát vừa rồi? Quả thật vu vạ cho Hồng Hoa hội, Khang Hi sẽ thừa dịp đục nước béo cò...
Lại nói đến tiểu nhị, ngay khi hắn dứt lời, bàn bên cạnh có một thanh niên hô lớn:
- Bất kể ra sao, sóng gió ắt sẽ nổi lên trong võ lâm, chúng ta có thể rửa mắt chờ xem màn kịch hay!
Tiểu nhị quay sang thanh niên:
- Theo khách quan, là ai đã giết tri huyện An Huy?
Thanh niên kia không cần suy nghĩ, đáp:
- Người ta đều nói thủ lĩnh Hồng Hoa hội và Hàm chưởng môn Phong Võ môn làm ra. Mà ngươi hy vọng hung thủ là ai?
Đôi mày của tiểu nhị trợn lên:
- Tôi à? Tôi cũng hy vọng đúng như lời khách quan nói để có màn kịch hay mà xem!
- Ha ha ha! - Thanh niên cười lớn - Đúng rồi, một màn mưa máu tanh hôi sẽ xảy ra là điều không thể tránh khỏi.
Nữ thần y nhíu mày nhìn Tiêu Phong, nhưng thần sắc chàng thản nhiên, như chẳng quan tâm đến những gì đã nghe.
Tiêu Phong lấy ra một nén bạc đặt lên bàn, rồi đứng dậy dìu nữ thần y ra khỏi tửu lâu, cặp chân mày của nữ thần y vẫn chưa hề giãn ra. Nàng nhìn Tiêu Phong, đang khoan thai đi bên cạnh nàng. Chàng vẫn tỏ vẻ như không vướng bận ý nghĩ nào, hai mắt ráo hoảnh, bình thản như không.
Lại nói tới chuyện ở kinh đô.
Bên trong thư phòng cung Càn Thanh, Khang Hi đang ngồi phía sau một chiếc bàn đặt ở góc phòng và đang luyện chữ. Ung công công đứng bên bàn chậm rãi mài mực. Giấy trắng mực đen, Khang Hi đương chép một đoạn trong bài thơ Tần Phụ Ngâm của Vi Trang. Bài này kể lại tình trạng hủ bại, bất lực, lúng túng, và sợ hãi của giai cấp thống trị khi phải đối phó với vụ biến động, đồng thời, cũng mô tả những gì gọi là tàn bạo dã man của nông dân tá điền nổi dậy.
Một đoàn thái giám bưng mâm vàng đi vào thư phòng, đặt các món ăn lên chiếc bàn trà ở giữa căn phòng rồi ra ngoài.
Ung công công ngừng mài mực, quay sang Khang Hi nói:
- Dạ bẩm vạn tuế gia, chiều nay ngự thiện phòng nấu món bào ngư xào với nấm đông cô ngài rất thích ăn, lại còn có canh vi cá hải hổ nữa, và heo sữa quay với ngũ vị hương.
Ung công công nói xong Khang Hi vẫn không trả lời, cũng không ngừng chép thơ. Ung công công nhìn Khang Hi một hồi lâu, biết Khang Hi thường ngày rất kén ăn, suốt ngày chỉ mê triệu tập quần thần bàn luận chuyện chánh sự, trị nước, nhưng lần này Khang Hi có hơi… khác biệt ngày thường một chút.
Ung công công cúi xuống tiếp tục mài mực. Bên ngoài một thái giám bước vào nói Mã Tề đang chờ ngoài hành lang. Khang Hi bấy giờ mới gác bút lên nghiên mực, ngẩng đầu lên bảo thái giám truyền Mã Tề.
Một lát sau Mã Tề bước vào thỉnh an Khang Hi. Khang Hi cho Mã Tề đứng lên. Mã Tề đứng lên, Khang Hi nói ngay:.
||||| Truyện đề cử: Mưa Bụi Thượng Hải |||||
- Ở An Huy xảy ra một vụ án mạng động trời, hiền khanh đã nghe qua chưa?
Mã Tề gật đầu, hôm qua đúng là Mã Tề đã có nói chuyện với Sách Ngạch Đồ và Sách Ni…
Khang Hi cũng gật:
- Trẫm vừa mới xem tấu sớ, bọn phản đảng tự xưng Hồng Hoa hội, nghe phong thanh đâu là hậu bối của bang phái Đại Minh Triều năm xưa.
Khang Hi nói tới đây rồi cầm tập thơ lên, nhìn những con chữ trên trang giấy được làm ra từ lò in giấy ở Thạch Môn. Ung công công đứng cạnh chìm trong suy tư. Mã Tề cũng im lặng. Mã Tề đưa mắt nhìn đồ vật trên bàn Khang Hi. Một lúc sau, Khang Hi nói, mắt vẫn không rời tập thơ:
- Mã hiền khanh hãy cầm lệnh bài trên bàn, khanh biết phải làm gì rồi phải không nào?
Ánh mắt Mã Tề se sắt, nhìn tấm thẻ bài, không có ý nhận lệnh bỏ đi ngay. Khang Hi vẫn dán mắt vào tập thơ, nhẹ nhàng bảo Mã Tề:
- Trẫm tin hiền khanh sẽ không khiến trẫm thất vọng, phải chăng?
Mã Tề khẽ giật mình, lập tức tiến lại cầm tấm thẻ bài. Mã Tề cũng nhìn mấy tờ giấy trên bàn, chàng thấy mấy dòng đầu, nét chữ của Khang Hi sắc nét và gọn gàng mạnh mẽ, nhưng về sau lại lệch ra khỏi những hàng đã được vạch sẵn.
Mã Tề tự nhiên nghĩ tới có một lần chàng trà đàm với Cửu Dương, Cửu Dương đã từng nói với chàng rằng, nét chữ nết người. Chữ viết ngoài việc dùng làm thông điệp truyền tải thông tin, còn biểu hiện trạng thái nội tâm của người đã viết ra những con chữ kia. Do đó, rèn chữ cũng như là rèn luyện nội tâm của một con người. Giả dụ một người có tính cách vững vàng, thì từng li từng nét, đều thể hiện ra sự sạch sẽ và gọn gàng ngay ngắn. Còn người có tính cách mềm yếu, thì dáng chữ lại phần nhiều giống như vô lực. Chữ là tâm của người viết, khi tâm vẽ ra hình, chúng ta có thể nhìn vào đó mà phân biệt ra được người chính hay tà. Khi những chữ được viết dính sát lại với nhau, hay đi lệch ra khỏi hàng đã gạch sẵn, hoặc, khác biệt hơn so với những phần chữ còn lại thì có thể là một dấu hiệu để nhận biết rằng người viết đó đang nói dối. Dựa vào đó mà ta không cần nhìn mặt, chỉ cần nhìn chữ thôi, cũng đủ bắt thóp nhau rồi…
Mã Tề suy nghĩ tới đây, nhìn Khang Hi nói:
- Dạ bẩm hoàng thượng, nhiệm vụ lần này nhất định phải là Trịnh thân vương đích thân xử lý hay sao?
Ung công công nghe Mã Tề nói trong lòng cảm thấy thật buồn, nhất là khi ông lão khẽ liếc nhìn sang Khang Hi, thấy Khang Hi thản nhiên gật đầu đáp lời họ Mã:
- Chỉ có Trịnh thân vương ngài ấy mới đủ đảm lượng chiêu các thần binh, trấn áp được hỗn loạn vùng Giang Nam như đã từng ở hồi cương.
Ung công công và Mã Tề lặng lẽ nhìn nhau, tự hỏi từ khi nào Khang Hi nhắc tới Tiêu Phong, trong mắt lại ánh lên những tia nhìn xa lạ và lạnh lùng như vậy?
- Vâng thưa hoàng thượng - Mã Tề nén tiếng thở dài nói - Lệnh vua đã ban, thần tin Trịnh thân vương không bao giờ làm trái thánh ý, ngài ấy là một trung thần, từ trước đến nay luôn luôn phụng chỉ của thái hoàng thái hậu và hoàng thượng. Thần đi tìm ngài ấy, xin cáo biệt hoàng thượng, mong hoàng thượng bảo trọng sức khỏe.
Mã Tề nói xong cúi đầu bái Khang Hi một lạy, sau đó quay mình rời đi. Ung công công nhìn theo dáng đi của Mã Tề ra tới ngoài sân cung Càn Thanh, lúc nãy khi Mã Tề nói hai chữ trung quân, Ung công công thấy rõ trong mắt Mã Tề ánh lên những tia buồn không thể nào tả xiết.
(còn tiếp)