Ta vội dúi sách xuống dưới mông, run giọng hỏi:"Ai đấy?"
"Là ta." Là giọng của Dung Sâm.
Ta thở phào nhẹ nhõm: "Mời công tử vào."
"Vào cung thuận lợi chứ?" Dung Sâm đẩy cửa bước vào, thân mặc trường sam màu nước thanh nhã phóng khoáng, ánh nến phản chiếu trong mắt hắn như vì sao trên trời đêm, lấp lánh sáng ngời.
"Thuận lợi." Ta nhấc chén trà, đảo mắt, nhìn những bức họa vừa rồi khiến mắt ta rút gân suýt tẩu hỏa nhập ma, giờ lại gặp ngay hắn, đầu óc đương nhiên tự động áp hắn vào, nếu hắn làm những động tác kia, e hèm... Ôi chao! Dừng! Dừng! Dừng mau! Ta sao lại có thể bỉ ổi như vậy! Cầu xin Bồ Tát, Ngọc Đế tha thứ cho ta! Tha thứ cho ta!
Ta như bị người ta vạch trần tâm tư, da mặt bỗng nóng lên.
"Cô sao vậy? Có chỗ nào không thoải mái à?" Hắn vươn tay đặt tay lên trán ta. Ngoài sư phụ, chưa từng có ai sờ trán ta như vậy, ta nhất thời kinh ngạc, buột miệng hỏi: "Bao giờ sư phụ ta về?"
Dung Sâm thả tay xuống: "Huynh ấy bảo chơi chán sẽ về".
Ta thở dài: "Tính ra sư phụ cũng gần bốn mươi rồi. Đúng là càng già càng mải chơi à?"
Dung Sâm cười như không cười: "Trong lòng cô, Mạc Quy là người thế nào?"
"Người ư?" Ta đặt chén trà xuống, "Cậy tài khinh người, một mình một ý, bất phân trắng đen, xa xỉ hoang phí, kiêu ngạo bừa bãi, khi thì kì kèo làm lũng, khi lại la lối om sòm..."
Dung Sâm sờ sờ mũi: "Tiên cô quả nhiều có vốn thành ngữ phong phú, đi tắm rồi đi ngủ đi."
Ta: "..."
"Sẽ không mật báo chứ?"
Hắn cười vang: "Đương nhiên là... có!"
Ta vội vàng vùng dậy chạy theo hắn, tuôn một tràng: "Sư phụ là thần y đệ nhất, xuất chúng hơn người, thường thức cao nhã, lòng dạ bao la, khôi ngô anh tuấn..."
Hắn ngoảnh đầu lại cười: "Những điều này không cần ta nói." Ánh mắt hắn chợt sáng lên, nhìn về phía chiếc ghế ta vừa ngồi.
"..."
Xong!!! Không kịp rồi! Ta... phải bình tĩnh!!!
Hắn thản nhiên cầm quyển sách lên, mở ra.
Tim ta đập loạn xạ, do dự không biết có nên giải thích lai lịch quyển sách này với hắn, tỏ ra ta rất "thuần khiết" không.
Hắn lại bắt đầu bình phẩm: "Tranh vẽ như thật, bút pháp tinh diệu. Chữ nghĩa giải thích tường tận dễ hiểu. Cô thấy thế nào?"
"..."
Công tử, huynh bảo ta nên trả lời thế nào?
"Cô xem hiểu hết chứ?"
"..."
Đỡ trán! Ta hiểu cũng không thể nói cho huynh biết nha!
Hắn cười cười, "Cô thấy học kiểu nào thì hay nhất?" Hắn thấy ta không đáp, chỉ vào một trang trong đó, "Kiểu này không tệ, cô thấy thế nào?"
Lệ rơi!!!!!!
Công tử, đêm hôm khuya khoắt, cô nam quả nữ, huynh cảm thấy chúng ta đàm luận về vấn đề này là thích hợp ư?
"Ơ? Sao mặt cô đỏ thế?"
Ta thuận tiện phẩy phẩy tay, coi như không biết nhìn đông ngó tây: "Sao dạo này trời càng ngày càng nóng thế nhỉ".
Hắn gật đầu, khép sách lại, trịnh trọng đặt vào tay ta: "Học cho tốt vào, sau này dạy ta". Dứt lời, thản nhiên chắp tay đi.
Ta đực mặt ra nhìn bóng lưng hắn. Xong rồi, hình tượng tốt đẹp của ta trong mắt hắn đã tan thành tro bụi rồi! Nhưng mà, hắn muốn sau này ta dạy cho hắn là có ý gì? Chuyện đó có thể tùy tiện dạy ai cũng được ư? Lệ rơi...
Một đêm này, bởi những hình ảnh cùng câu nói kia của Dung Sâm, ta rất "không trong sáng" mất ngủ, cào mất nửa cái tường.
Sáng sớm hôm sau, ta ôm đôi mắt thâm quầng chạy đi hỏi Nguyên Chiêu vị trí của chùa Phổ An, sau đó cùng Dung Sâm đi hoàn thành tâm nguyện của Diệp Hạm Trì.
Kỳ quái là, Nguyên Chiêu lại không phái người đi theo bọn ta. Lẽ nào hắn không sợ bọn ta mượn cơ hội này chạy mất sao? Sưởng đế nói rồi, nếu có gì sơ xuất nhất định sẽ hỏi tội hắn.
Ta nói với Dung Sâm nghi hoặc trong lòng, hắn cười sâu xa: "Cô yên tâm, tự Sưởng đế sẽ phái người âm thầm "bảo vệ" chúng ta." Hai chữ "bảo vệ" hết sức tình thâm ý trọng.
"Thật à?"
"Không bằng chúng ta thử xem?"
"Thử thế nào?"
Dung Sâm nghiêng đầu nhìn quanh một vòng, cất bước đi về phía nhà xí bên đường. Hắn định làm gì đấy?
Ta đứng ở nhà xí bên cạnh, dựa vào thân phận đại phu, ta biết rõ nam giới bọn hắn không đi tiểu lâu như vậy. Thầm nghĩ, hắn đang bị táo bón, tiêu chảy, hay quên mang giấy vệ sinh?
Đang nghĩ, đột nhiên có một bóng dáng nhanh như chớp vọt vào nhà xí. Sau đó, ta nghe thấy tiếng cười sang sảng của Hướng Tả sứ.
"Ha ha, khéo thật đấy, chẳng có chỗ nào hai ta không tương phùng. Quả là duyên phận, duyên phận!"
Dung Sâm thản nhiên ra khỏi nhà xí, quay lại ôm quyền với Hướng Tả sứ đang theo sau: "Hướng Tả sứ, tạm biệt".
"Núi xanh vẫn còn sông xanh vẫn chảy(*), sau này còn gặp lại."
(*) Nguyên văn: Thanh sơn bất cải lục thủy trường lưu.
Hai người đứng trước nhà xí nồng nàn diễn màn tình cờ gặp lại, quả là "bằng hữu" "gắn bó". Ta chợt bừng tỉnh hiểu ra, hai chữ "bảo vệ" quả nhiên "tình thâm ý trọng"! Nghĩ đến sau này ta đi đâu cũng bị "bảo vệ", không còn riêng tư cá nhân, thật là buồn bực.
Dung Sâm an ủi: "Sau này đi nhà xí không cần mang sẵn giấy, mua đồ không cần mang theo ngân phiếu. Thật tốt!"
Ta buồn bực gật đầu, đi về hướng chùa Phổ An.
Sưởng đế tín đạo, vì vậy đạo quán trong kinh thành phải có đến mấy chục tòa, chùa Phổ An trăm năm an vị ở phía đông ngoại ô kinh thành, hương khói vắng lạnh, cao quý trang nghiêm. Trong chùa chỉ có lác đác mấy vị khách hành hương ra vào, cây cối tĩnh mịch, chim điểu khẽ hót, trong không khí bồng bềnh mùi hương đốt nhàn nhạt, càng lộ vẻ thanh tịnh an bình.
Trong bảo điện rộng lớn có một vị trưởng lão đang ngồi tụng kinh, râu tóc hoa râm, mặt mày hiền hậu. Bọn ta vừa vào người đã tiến lên hỏi, thì ra chính là chủ trì của ngôi chùa này-Trí Quang sư phụ.
Ta và Dung Sâm hành lễ, nói rõ mục đích đến đây với chủ trì.
Trí Quang sư phụ vuốt chòm râu bạc trắng, đáp: "Đúng là bảy năm trước có một đứa bé mới sinh bị bỏ bên ngoài cửa chùa, lão nạp đặt tên cho nó là Mị Sinh(1)."
Ta mừng rỡ vô cùng, lúc trên đường đến ta và Dung Sâm còn bàn mãi xem ngộ nhỡ không tìm được đứa bé này thì phải nói với Diệp Hạm Trì thế nào, không ngờ việc tìm kiếm lại thuận lợi như thế.
"Tiếc thay, đứa bé này khá cô độc, không muốn gặp người lạ. Tuy hai vị là người do mẫu thân nó nhờ cậy, chỉ sợ nó cũng không chịu đi cùng hai vị."
"Không dám giấu đại sự, mẫu thân cậu bé đã quá cố bảy năm trước, vì lòng trần chưa dứt nên đã trở thành Thủy Mị ở hồ Bích nguyệt, không thể chuyển thế đầu thai. Nàng ấy chỉ một lòng một dạ muốn gặp nhi tử một lần, coi như là hoàn thành tâm nguyện cuối cùng nơi trần thế."
Đại sư cúi đầu "A di đà phật", đứng dậy nói: "Hai vị đi theo ta".
Ra khỏi bảo điện, xuyên qua bia rừng đầy hoa và cây cối là một tòa Phật tháp bảy tầng, sau tháp có một tiểu viện. Trí Quang sư phụ bước đến đẩy chiếc cổng tre, bên trong có mấy gian tăng phòng, một mảnh vườn rau cải xanh um tươi tốt. Một đứa bé đang đứng trong vườn, tay cầm một bầu nước, đang tưới nước cho mầm rau.
Đại sư vẫy vẫy tay, gọi: "Mị Sinh".
Đứa bé kia ngẩng đầu, mặt mày thanh tú như thoa phấn, đôi mắt lại băng lạnh đầy vẻ đề phòng xa cách. Ta hành y mấy năm, theo thói quen nhìn người luôn nhìn mắt trước, ta chưa từng thấy đôi mắt như thế trên người một đứa trẻ, đáy mắt như chôn sâu một tòa băng tuyết.
Nó đứng dậy, lúc này ta mới phát hiện sau lưng nó có nhô lên hai cái u lớn, trông như bướu lạc đà. Rõ ràng là một đứa bé tuấn tú xinh đẹp, thân thể lại dị dạng khom lại như một lão già.
Ta chợt hiểu ra vì sao mẫu thân của Diệp Hạm Trì lại đem nó đi vứt bỏ, vì sao nó không muốn gặp bất kì ai.
Nó ra khỏi vườn rau, đứng trước mặt Trí Quang sư phụ, ánh mắt lạnh lùng sắc bén quan sát ta và Dung Sâm.
"Mị Sinh, hai vị này là khách hành hương, muốn đưa con đến hồ Bích Nguyệt một chuyến."
Nó nghiêm mặt: "Hồ Bích Nguyệt có Ly long, con không đi".
Dung Sâm dịu dàng khuyên: "Chúng ta chỉ đứng ở bên hồ, Ly long sẽ không rời khỏi nước, không có gì nguy hiểm cả, cháu yên tâm."
Nó cúi đầu tư lự, ngẩng đầu nhìn ta bảo: "Nếu hai vị đồng ý với ta một chuyện, ta sẽ đi cùng hai vị."
"Được. Cháu nói đi." Vẻ mặt vừa non nớt vừa nghiêm trang của nó trông hết sức thú vị, đôi mắt như đầm sâu, trong suốt mà lạnh lẽo.
"Nghe nói cô là đệ tử của thần y Mạc Quy, y thuật rất cao minh."
"Sao cháu biết?" Ta lấy làm kinh hãi, ta chưa tự giới thiệu mình, cũng chưa từng gặp nó bao giờ.
"Ta biết." Nó không trả lời, chỉ khẽ gật đầu, sau đó rất trịnh trọng nói ra một câu: "Ta muốn bái cô làm sư phụ."
Ta lại kinh hãi: "Cháu muốn học y?"
Nó thận trọng gật đầu, vẻ mặt hết sức nghiêm túc chăm chú, không giống đang đùa.
Ta thầm suy nghĩ, nó có bề ngoài như vậy, nhất định bị người ta bàn tán rất nhiều, tương lai sợ rằng rất khó kiếm sống ở kinh thành. Nếu có thể học được thành thạo một nghề âu cũng là cách tốt để mưu sinh, được người ta kính trọng. Khổ nỗi chờ khi thuyền rồng dựng xong là ta và Dung Sâm sẽ phải ra biển, tương lai có trở về được hay không cũng không chắc, làm sư phụ của nó trong thời gian ngắn ngủi này thì có thể dạy nó được bao nhiêu?
Dung Sâm dường như hiểu rõ băn khoăn trong lòng ta, cười nói: "Không bằng thế này, trong thời gian này cô dùng sở học cả đời viết ra một quyển sách y rồi truyền cho nó, ngộ nhỡ ra biển có táng thân vào bụng cá thì cũng không lo y thuật cả đời bị thất truyền, vừa tốt cho cô vừa lợi cho nó."
Đây cũng là ý kiến hay. Ta đồng ý: "Được rồi, ta đồng ý với cháu."
"Sư phụ ở trên cao xin nhận của đồ nhi ba lạy." Mị Sinh rất vui vẻ, nhanh nhẹn quỳ xuống, dập đầu ba cái.
Dung Sâm kéo nó dậy, cười híp mắt nhìn ta: "Hay là để nó gọi cô là sư tỷ trước, sau này quay về để nó nhận Mạc Quy làm sư phụ. Ta sợ cô dạy hư đệ tử."
Ta liếc hắn, "Y thuật của ta rất cao minh nhé. Huynh xem, ngay cả Mị Sinh ở suốt trong chùa cũng biết ta này."
Sao Mị Sinh biết ta, ta vẫn băn khoăn vô cùng. Không lẽ nào trước đây nó đã từng gặp ta?
Dung Sâm sờ sờ mũi, cười: "Người luôn khiêm tốn bỗng nhiên tự tin, đúng là khó quen quá."
Tự tin của ta hoàn toàn là do Sưởng đế ép mà ra. Ta cũng muốn khiêm tốn làm việc lắm, nhưng cái thói đời là thế, kẻ không có bản lĩnh rồi sẽ phải chết.
Trí Quang chủ trì mời chúng ta ở lại chùa ăn một bữa cơm chay. Đến chiều, ta và Dung Sâm dắt theo Mị Sinh đến hồ Bích Nguyệt.
Đã xẩm tối, chim muông rối rít bay về tổ, lá xanh đầu cành kêu xào xạc, chốc chốc lại có tiếng chim hót vang, phá vỡ khung cảnh tĩnh mịch lúc trước.
Trên đường Mị Sinh luôn mím chặt môi, nó còn nhỏ tuổi lại mang dáng vẻ tâm sự nặng nề tới vậy, quả là một trời một vực so với Nguyên Bảo. Nguyên Bảo cũng tầm tuổi nó, nhưng mọi suy nghĩ đều hiện rõ trong đôi mắt to tròn. Đâu như Mị Sinh, trông như ông cụ non, ánh mắt vẻ mặt cũng không giống một đứa trẻ, luôn khiến ta có cảm giác nhìn mãi không thấu.
Đến bên hồ, nước hồ lặng sóng như một tấm màn đen, bên bờ không một gợn gió, yên tĩnh cực kỳ, sinh ra vẻ trống trải tịch liêu.
Ta đọc nhỏ mấy dòng kinh văn, khoảng nửa khắc, nước hồ nhẹ nhàng gợn gợn sóng, Diệp Hạm Trì lướt sóng hiện lên trên mặt nước.
Ta nắm tay Mị Sinh, "Mị Sinh, những năm qua con sống ở chùa Phổ An có tốt không?" Ta đang hỏi nó, nhưng thực ra là đang nói với Diệp Hạm Trì, đứa bé này chính là con trai của nàng, tên là Mị Sinh.
"Con sống ở trong chùa rất tốt, chủ trì đối xử với con cũng rất tốt." Vẻ mặt Mị Sinh bình tĩnh khác thường, đôi môi nhỏ khẽ mím thật chặt. Mặc dù đang trả lời câu hỏi của ta, nhưng ánh mắt của nó lại hướng về phía Diệp Hạm Trì đang đứng.
Ta nghi hoặc, lẽ nào nó cũng có thể nhìn thấy Diệp Hạm Trì? Nhưng ý nghĩ này vừa hiện lên trong đầu lập tức bị ta bác bỏ, nếu nó có thể nhìn thấy nàng ta, nó nhất định sẽ rất kinh ngạc, nhất định sẽ hỏi ta người trong nước kia là ai. Trông mặt nó không có nửa phần kinh ngạc, chỉ như đang nhìn màn đêm.
Ánh mắt Diệp Hạm Trì sáng bừng, chăm chú nhìn Mị Sinh, trong nháy mắt, hai hàng lệ tuôn trào. Gương mặt thanh u mỹ lệ hiện lên vẻ đau đớn thắt lòng, ta nghe nàng tự nhủ: "Giống, giống quá."
Giống ai? Phụ thân nó ư?
Mị Sinh đột nhiên nói vọng vào mặt nước: "Con sống rất ổn, người không cần phải lo lắng."
Ta kinh hãi: "Mị Sinh, con đang nói chuyện với ai đấy?"
Nó nghiêng đầu nhìn ta: "Người biết rõ còn hỏi".
Ta kinh ngạc: "Con nhìn thấy mẹ con?"
"Con không nhìn thấy, nhưng con nghe thấy. Con hiểu được ngôn ngữ của muông thú. Lúc người và vị công tử kia nói chuyện ở ngoài chùa, chim tước đã nghe thấy rồi đến nói với con, cho nên con biết rõ thân phận của hai người, cũng biết hai người dẫn con đến đây để làm gì."
Nó lại có thể nghe hiểu được ngôn ngữ của muông thú!
Dung Sâm với ta hai mặt nhìn nhau.
Diệp Hạm Trì rơi lệ đầy mặt, ngơ ngẩn nhìn Mị Sinh, nước mắt tuôn như suối.
Thương thay, nàng có thể nhìn thấy nó, nghe thấy nó nói gì, nhưng nó lại không thể nhìn thấy nàng, cũng không nghe được những gì nàng nói. Cùng đối mặt nhìn nhau, lại sinh tử khác đường. Khung cảnh này không khác gì sinh ly tử biệt, ta thấy mà lòng thật đau xót.
Mị Sinh bỗng chắp tay trước ngực niệm Vãng Sinh chú. Ta và Dung Sâm đều ngẩn ra, nhưng rồi lại nghĩ, nó ở trong chùa từ nhỏ, biết những thứ này cũng không có gì lạ.
Kinh văn truyền ra từ miệng nó âm âm trong trẻo, trầm bổng quanh quẩn bên tai. Ta chưa từng gặp đứa bé nào thông tuệ như thế này.
"Đã lâu không gặp". Phía sau ta chợt vang lên một giọng nam trầm thấp, tĩnh lặng vô cùng, y như làn sương dày đột nhiên kéo tới.