Thủy Tiên Đã Cưỡi Cá Chép Vàng Đi

Chương 50:




Quỳnh còn chưa kịp đến thăm Tùng Vy một lần đến nơi đến chốn, câu chuyện của bà đã như trăm ngàn con sóng trên mặt hồ lan ra bốn phía. Báo lớn báo nhỏ thi nhau đưa tin, không lúc nào ngớt có người tìm đến bệnh viện phỏng vấn Tùng Vy, chụp trộm ảnh của bà. Tùng Vy trong ảnh đang bưng bát cơm với ánh mắt ngây dại. Bà vẫn mặc chiếc áo màu xám, đầu tóc rối tung, khô vàng. Có bức bà đang nép vào góc tường, dùng ánh mắt hoảng sợ pha lẫn oán hận quen thuộc của bà để nhìn ống kính. Họ còn tìm thấy trong thùng rác của Tùng Vy những đoạn viết hỗn loạn, họ tìm hiểu xem trong ký ức khiếm khuyết của Tùng Vy liệu có còn hình ảnh của Trác .v.v... Họ không ngừng lập luận, bàn tán về cuộc đời của Tùng Vy. Chẳng hạn Tùng Vy bắt đầu khủng hoảng tinh thần từ bao giờ còn tiểu thuyết của bà đã được tạo ra trong tình trạng tỉnh táo hay bệnh tật... Họ liên tục đến bệnh viện tìm bà, hỏi ngắn han dài. Tùng Vy đóng kín cửa phòng, co ro trong góc tường kêu gào thảm thiết. Trong số họ có người kiên nhẫn túc trực ở cửa, người không nôn nóng xông vào gõ cửa, thậm chí muốn đạp toang cửa để vào, yêu cầu bà trả lời họ. Dường như họ đã biết Tùng Vy không còn ai thân thích bên cạnh, thoả sức ức hiếp bà một cách tàn nhẫn.
Mỗi ngày đều có thêm những chứng cứ mới, có những phát hiện mới. Cả bệnh viện suốt ngày ồn ào hỗn loạn. Không chỉ Tùng Vy, những bệnh nhân tâm thần khác cũng bị ảnh hưởng. Đã xảy ra mấy vụ bệnh nhân xô xát với phóng viên... Thậm chí còn có công ty điện ảnh đến tận nơi quay phim về Tùng Vy với mục tiêu “phản ánh con đường trắc trở trong đời sống tình cảm và sự nghiệp sáng tác của một nữ nhà văn, tái hiện lại sự phong phú, đa dạng và rực rỡ của một thế giới tinh thần nội tại“. Cô diễn viên chán chường làm theo gợi ý của đạo diễn, bắt chước theo điệu bộ của Tùng Vy, thỉnh thoảng lại phàn nàn đạo diễn bắt cô ta giả điên giả khùng. Tranh chấp giữa các phóng viên của các báo nhỏ, mâu thuẫn của đoàn làm phim, cạnh tranh giữa các nhà nhiếp ảnh.v.v... tất cả khiến cho bệnh viện bỗng chốc biến thành cái máy không ngừng tạo ra các tin tức mới. Vừa mới tạm lắng đôi chút, các phóng viên vốn chỉ sợ thế giới quá yên bình, lại lôi ảnh của Dật Hán và Trác nhét qua khe cửa vào phòng Tùng Vy, hỏi bà có nhận ra hai người đó không, rồi lại nói với bà rằng họ đều đã chết... Hoạt động “tìm người thân” rất đặc biệt của các nhà báo khiến Tùng Vy khủng hoảng trầm trọng. Bà gào lên, xông ra khỏi phòng cấu vào mặt phóng viên. Sự việc này lại nghiễm nhiên trở thành tít đầu trên báo thông tin văn nghệ giải trí của ngày hôm sau. Sự việc càng ngày càng phức tạp, Tùng Vy trở thành “nhân vật của năm“. Sách của bà được xuất bản liên tục, bán chạy hơn bất kỳ mọi thời kỳ nào trước đó. Tiểu thuyết Tùng Vy, chuyện về Tùng Vy, “giải đáp X câu hỏi trong chuyện về Tùng Vy”, “Tìm hiểu đời sống tình cảm của nữ nhà văn đương đại”, “Đi sau vào cuộc sống hải ngoại của một nữ nhà văn”, “Tái hiện lại hai mươi năm trước của nhà số 3 phố Đào Lý“.v.v... Hàng loạt sách liên quan đến Tùng Vy cũng bán rất chạy, về sau còn mở rộng sang cả lĩnh vực tâm lý học. Những “Phân tích tinh thần của nữ giới - ví dụ nổi tiếng” nếu được in thêm lên bìa bức hình hoảng sợ của Tùng Vy, tất sẽ bán được không ít. Sau đó là những buổi toạ đàm về thế giới tinh thần của nữ giới càng khiến cho “phong trào” sách vở về tâm lý học lên tới cao trào. Đối với thị trường sách vốn ảm đạm vào cuối năm, dòng sách liên quan đến Tùng Vy quả là một liều thuốc hưng phấn quý giá. Cả trên những sạp sách di động trên những chiếc xe đẩy cũng đầy rẫy các tác phẩm của Tùng Vy bị in lậu giá rẻ. Họ sẽ đợi khi ánh mắt của bạn chạm tới liền nồng nhiệt kêu gọi:
“Mua sách đi, đến xem đi, sách của Tùng Vy...“.
Sự việc ồn ào đến mức như vậy, khiến Mạn cũng không thể ngờ tới.
Quỳnh chứng kiến hàng loạt sự kiện xảy ra, khiến cô phần nào thấy được sự vô tình lạnh lẽo của thế giới, cô thấy người đời cười trên đau khổ của người khác, họ hại người - lợi mình. Đối với một người mới “gia nhập xã hội” như Quỳnh, thực tế đó quá lạnh lùng, quá khắc nghiệt. Trước đó, Quỳnh dường như còn tự chìm đắm trong thế giới của riêng mình, xung quanh chẳng có mấy ai, những vướng víu bất quá chỉ là so tình yêu nhiều yêu ít, hoặc những đau khổ dai dứt vì tử biệt sinh li. Thậm chí trong sự đối đầu với Mạn, Quỳnh cũng thấy rõ căn cứ nguồn gốc. Giữa họ là những thủ đoạn - biện pháp nhưng đều là thẳng thắn đối đầu, không có những cạm bẫy, những tâm địa hiểm ác qua những mưu đồ...
Trầm Hoà và Quỳnh không thể khoanh tay đứng nhìn. Họ đã vài lần đến bệnh viện để đưa Tùng Vy đi, nhưng bị phóng viên ngăn trở. Đặc biệt là khi Quỳnh xuất hiện, đám phóng viên sắp “được làm mát” lại trở nên “sốt nóng”, mọi người bắt đầu đoán già đoán non những uẩn khúc bên trong. Có tờ báo nhanh nhẹn tới nỗi đưa tít “Quỳnh là con riêng của Tùng Vy?” như một tiên đoán. Về phía bệnh viện, mặc dù rất khó chịu với những quấy rầy liên miên (đương nhiên từ một góc độ nào đó, họ đang được quảng cáo tuyên truyền miễn phí), nhưng xét về bệnh tình của Tùng Vy, bác sĩ cho rằng bà cần ở lại tiếp tục điều trị. Tinh thần của Tùng Vy bị tổn thương tới mức nào, có lẽ không ai được rõ. Từ chỗ hoảng sợ, giãy giụa, bà trở nên dữ dội, chống đối, còn bây giờ đã chuyển thành một trạng thái hết sức yên lặng, thờ ơ. Nhưng đằng sau sự yên lặng đó là cái gì, cũng không ai dám chắc. Bác sĩ nói, họ phải đợi đến khi đám phóng viên hoàn toàn rút lui, và Tùng Vy thực sự cảm thấy yên ổn mới có thể tiến hành kiểm tra toàn diện, khi đó mới hy vọng có được những kết luận chính xác về sức khoẻ của bà. Thế nhưng, đợi đến bao giờ đám phóng viên mới “hoàn toàn rút lui”? Chỗ dựa duy nhất của Tùng Vy giờ đây vẫn chỉ có Trầm Hoà. Chỉ một mình Trầm Hoà, gạt đám báo chí đang vây ở cổng, một mình vào gặp Tùng Vy, nói chuyện với bà, cho bà ăn. Chỉ có Trầm Hoà nhảy xổ tới phòng phát thanh của bệnh viện, chụp lấy micro để thương lượng với đám phóng viên. Chỉ có anh không hề sợ hãy những đồn đại mọc lên nhan nhản và những sự công kích, anh kịch liệt lên án những hành vi tệ hại của các nhà báo. Chỉ có anh đã hô hào mọi người hãy thông cảm với Tùng Vy hơn nữa, dù công việc đó chỉ thu được những két quả khiêm tốn...
Quỳnh cũng không khoanh tay đứng ngoài. Nhưng thực tế quyết định việc cô không thể lộ diện trước cổng bệnh viện tâm thần. Làm như vậy sẽ còn làm dấy lên không biết bao nhiêu thị thị phi phi, góp thêm bao nhiêu gió cho cơn lốc nực cười vẫn chưa nguôi nghỉ. Quỳnh nghĩ mãi, cô có thể làm gì cho Tùng Vy, hoặc là Tùng Vy cần nhất điều gì?
Gia đình! Phải rồi, cô muốn đem lại cho Tùng Vy một gia đình ấm áp, có lẽ đây chính là niềm an ủi lớn lao nhất cho trái tim tổn thương của Tùng Vy. Nhà số 3 phố Đào Lý. Ngay lập tức Quỳnh nghĩ tới nó, quả là một nơi lý tưởng để Tùng Vy an tâm chữa bệnh. Tùng Vy cũng có thể ở cùng với Tiểu Nhan. Họ đều là những người thân của Trác, dĩ nhiên là nên ở gần nhau. Người bị tổn thương sẽ hiểu được nỗi thương đau của kẻ khác, vì vậy họ sẽ san sẻ được cho nhau. Quỳnh nghĩ tới việc mua lại căn nhà đó. Cô được biết gã họ Trịnh đã mua thế chấp căn nhà. Căn nhà đã vì cơn lốc “Tùng Vy” mà nổi danh, giá cả cũng leo thang đến chóng mặt. Cho dù cô dùng tất cả khoản tích cóp từ việc xuất bản sách cộng thêm vay mượn, cũng vẫn kém xa so với giá chủ nhân ngôi nhà đưa ra. Nhưng Quỳnh nhất định mua cho bằng được. Nó là nhà, là gia đình. Quỳnh quyết định thuê lại với giá cao trong một thời gian, sau đó sẽ từ từ tìm cách.
Tháng 12, Quỳnh đã thuê được căn nhà đó, với một giá cắt cổ. Cô đi xem nhà, bước trên con phố Đào Lý giờ đã trở nên xa lạ. Cô nhìn xung quanh, khắp nơi là những toà cao ốc văn phòng của những tập đoàn tài chính hùng mạnh, những công ty hải ngoại. Nơi đây đang thay đổi từng ngày. Một đám tường rào thâm thấp rất có thể chỉ nay mai sẽ biến thành toà nhà A, B hoặc C gì đó. Thời gian ở đây cũng dường như trôi nhanh hơn những nơi khác. Những công trình thấp nhỏ nơi đây đã bị phá dỡ gần hết, những ngôi nhà riêng hầu hết đã chuyển đi. Chỉ còn nhà số 3, vẫn đứng một mình ở đầu phía đông con đường, “như một chú voi trắng buồn rầu“. Quỳnh vẫn nhớ ấn tượng của mình về nó khi cô mười hai tuổi. Tính ra, câu chuyện “Tùng Vy” đối với ngôi nhà này có phải là “vì hoạ gặp phúc” hay không. Ngôi nhà bé nhỏ gần bốn mươi tuổi, ảm đạm cũ kỹ này, bỗng thoắt trở nên rất nổi tiếng. Không chỉ giá cả đội lên cao, bản thân nó cũng thoát được số phận bị phá dỡ. Ngược lại, người ta đang đặt hy vọng vào nó, một khi Tùng Vy trở thành nhà văn có tiếng vang trên thế giới, ngôi nhà sẽ trở thành “căn nhà của danh nhân”, có thể mở cửa đón khách thăm quan từ khắp nơi đổ về.
Thế nhưng, nhà số 3 không còn một ngày yên tĩnh nữa. Quỳnh nhìn thấy ngôi nhà nhỏ hai tầng dường như ảm đạm hơn mấy năm trước rất nhiều. Vườn nhà trống trơn, ngoại trừ một vài bộ máy quay phim. Công ty điện ảnh đang lấy cảnh ở đây. Quỳnh vẫn nhớ nơi đây có rất nhiều hoa. Buổi tối, cô và Trác đã đi qua chỗ này, cảm thấy như chui qua một cánh rừng nguy hiểm.
Quỳnh đi theo chủ nhà tới trước cửa. Tuyết chồng chất qua bao đợt rơi dày, lẫn lộn bùn lầy đen xám, đạp lên chỗ nông chỗ trũng, ống quần bị hắt lên lem nhem. Chủ nhà mở cửa ra cho cô. Quỳnh cảm thấy rất tối tăm, phải chăng vì trời âm u. Cô nhận thấy rèm cửa không kéo, những tấm kính lớn như bộc lộ hết lục phủ ngũ tạng của căn nhà. Trông nó càng phù hợp với một công trình phục vụ tham quan du lịch. Đồ đạc trong nhà bị mang đi gần hết. Chủ nhà vội vã giải thích, đó không phải do ông ta làm, mà là bà chủ trước đây đã đem bán hầu hết đồ đạc. Quỳnh cũng nắm được sơ sơ tình cảnh của Mạn, nên không lấy làm lạ. Chủ nhà bật đèn lên, nhưng đèn không sáng. Những chiếc chụp của đèn chùm cũng đã bị tháo đi, những bóng đèn trần trụi không biết đã cháy hết bao lâu rồi. Lối rẽ lên cầu thang bị dột, chủ nhà vội vã xin lỗi, hứa sẽ nhanh chóng sửa chữa tươm tất.
Quỳnh vào bếp trước tiên. Chiếc tủ lạnh lại không bị bán đi. Cô nghĩ nó nhất định đã hỏng. Cô tới gần còn nhìn thấy những hình dán màu mè mà cô và Trác dã dán lên mặt tủ màu trắng. Chuột Mickey đội mũ ảo thuật đang cầm tay vịt Donald đội nơ bướm. Chúng đang cười hì hì làm động tác cúi mình hạ màn chào khán giả. Phải, đã hạ màn rồi. Quỳnh cay cay sống mũi, xoay lưng bước đi. Cô nghĩ chủ nhà chắc sẽ ngạc nhiên khi thấy cô gái đỏ hoe mắt trước một chiếc tủ lạnh cũ rích.
Phải, không có ai biết, cô đã dùng bao đêm của thời thiếu nữ ở chốn này, đã bao đêm Quỳnh và Trác ngồi ở đó, nghĩ về sự lớn lên tất yếu của hai đứa, trên con thuyền ánh trăng.
Quỳnh lên lầu, mọi thứ dù cũ nát. nhưng vẫn thật thân thương. Đồ đạc trong phòng cô vẫn còn, tấm đệm trần trên giường cô phủ một lớp bụi dày. Tính ra, từ năm mười sáu tuổi vào nội trú, cô đã không còn ngủ lại lần nào trên chiếc giường đó nữa. Cái đêm duy nhất cô quay trở lại, ngỡ rằng mọi việc sẽ bắt đầu từ đầu, cô đã ở bên chú Dật Hán. Quỳnh nhẹ nhàng bước qua phòng của Dật Hán và Mạn. Đó là nơi đã bất ngờ mở một cánh cửa trong tuổi niên thiếu ngây thơ của cô. Hình ảnh quất quít và cuồng nhiệt nơi đây đã để lại trong cô những ảo ảnh đầu tiên về tính dục, đã thành chiếc vòng kim cô siết lấy cô trong bao nhiêu năm tháng. Quỳnh để ý thấy đồ đạc ở đây phần lớn hãy còn, trừ chiếc bàn trang điểm của Mạn. Đó chính là tính cách của Mạn. Mẹ cô chuyển đến đâu cũng mang theo bàn trang điểm. Quỳnh nghĩ tới đây, bất giác bật cười. Cô ngạc nhiên thấy mình lại bật cười, cô phát hiện ra những chuyện dĩ vãng cho dù mình chẳng ưa gì, đều đã trở nên đáng để nhớ, để hoài niệm.
Chủ nhà trao chìa khoá cho Quỳnh và hứa sẽ nhanh chóng cho người đến sửa nhà. Ông ta đi rồi, Quỳnh đứng một mình giữa phòng khách trống trơn. Nơi đây giống như một lâu đài cổ, những chuyện đã xảy ra nơi đây tựa như một thùng sơn, sơn quét lại mỗi một góc nhỏ của ngôi nhà. Những ký ức u buồn như nước đang rịn ra trên tường. Chúng kết hợp với nhau, toả ra không khí một mùi vị thật đặc biệt. Quỳnh bỗng quỳ xuống, ôm lấy đầu, bật khóc. Cô vẫn ảo tưởng, hy vọng có một người sẽ ôm lấy cô. Cô không biết hình ảnh mơ hồ của người đàn ông cô đang mong đợi là ai. C
Cô thậm chí không dám nghĩ tiếp. Nhưng khi trở lại nơi đây, Quỳnh phát hiện ra, lãng quên hết cả những hồi ức về nơi đây đối với cô là một việc hết sức tàn khốc.
Quỳnh đã không biết, giữa lòng lâu đài sực mùi vị đặc biệt này, cái sự “làm lại” quả là rất khó.
Sau đó hai tuần, Quỳnh bắt đầu làm lại nội thất ngôi nhà. Thời gian quá ngắn, không kịp trồng hoa. Quỳnh ra chợ mua Thuỷ tiên, trúc đào dù không thích những chậu trúc đào bé tí. Cô nghĩ đến mùa xuân sẽ tự tay trồng trúc đào trong vườn nhà. Tường nhà được sơn mới, trắng tới mức khiến người ta thấy hoang mang. Nhất định phải có rèm cửa sát đất, mà phải đẹp đẽ đàng hoàng, như những đồ trang trí xinh đẹp. Cô chọn loại vải có in hoa màu cánh sen, in rất nhạt, chỉ nhìn rõ dưới ánh nắng ban ngày. Cô lại mua đồ đạc trong nhà, chia phòng cho mọi người. Cô dành phòng của Trác cho Tiểu Nhan, để Tùng Vy ở phòng của Dật Hán trước kia, còn mình và Trầm Hoà chọn phòng của Quỳnh trước đây. Phòng sách sẽ được sắp xếp về sau, cô sẽ mua lại những đồ cổ của Dật Hán để bày vào đấy. Tủ sách sẽ được bày chật những tác phẩm của cô và Tùng Vy. Trời ạ, nếu thế thì phải viết bao nhiêu sách mới đủ. Quỳnh nghĩ vậy rồi bật cười.
Quỳnh mua ti vi và bộ giàn nghe nhạc. Cô sẽ tổ chức tiệc tùng ở đây, mọi người sẽ ở đây ca hát mặc lòng, ngày tháng cứ thế trôi qua. Phải rồi còn phải mua máy chơi game, Quỳnh lại nhớ những ngày bấm Joystick ở nhà với Trầm Hoà.
Quỳnh đi sắm sửa mừng năm mới. Cô mua những thức ăn được đóng gói sặc sỡ, mua thêm pháo bông, để đốt cho mình. Quỳnh ngồi trầm ngâm trên ghế bành bọc vải màu táo sậm, bỗng thấy chóng mặt, buồn nôn. Thời gian này quá vất vả chăng? Cô định bụng buổi chiều đi thăm Tiểu Nhan sẽ khám bệnh luôn thể.
Tiểu Nhan vẫn thù hận Quỳnh. Hễ Quỳnh mang thức ăn và quần áo tới, cô lập tức vứt thẳng chúng qua cửa sổ. Nếu Quỳnh nói chuyện, cô liền phun nước bọt vào mặt Quỳnh. Có lần cô ấy còn bóp chặt lấy cổ Quỳnh vì được biết Quỳnh đã chôn mất xác mèo và con cá trong balô. Nhưng Quỳnh không vì thế mà chùn bước. Cô nghĩ, những việc đó chẳng thấm tháp gì so với những cơ cực trong những ngày lê lết ăn xin hè đường, một mình sinh hạ đứa con không ai giúp đỡ của cô ấy. Quỳnh tin rằng cô chỉ cần có thời gian. Cô kiên trì đến thăm Tiểu Nhan, sẽ có một ngày cô ấy sẽ tha thứ cho mình. Quỳnh tin vậy.
Chiều, Quỳnh thuận tiện vào khám bệnh mới biết mình có thai. Một sự sống đã lặng lẽ gieo mầm trong lòng cô từ hai tháng qua. Quỳnh ra khỏi bệnh viện, cảm thấy hoang mang. Cho đến lúc này, cô đối với hai chữ “người mẹ” vẫn còn vô vàn những băn khoăn lo lắng. Nó không hề đơn giản như một âm thanh gọi mẹ thánh thót. Một phụ nữ phải hy sinh vất vả đến mức thế nào mới đáng là một người mẹ thực sự, Quỳnh không biết. Mạn không, Tùng Vy không, Tiểu Nhan cũng không. Những trách nhiệm, những lo toan đầy ắp đó, cần đến bao nhiêu lòng bao dung và nhẫn nại mới gánh vác nổi. Quỳnh nghĩ có lẽ mình không nên làm mẹ, đó có thể là một “ân cừu lục” mới bắt đầu, bắt đầu của những chối bỏ, những so đo tính toán.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.