Tình Sử Võ Tắc Thiên

Chương 14: Hệ thống mật thám vĩ đại




Một cuộc dấy loạn bùng nỗ đã tắt ngấm làm hài lòng Võ Hậu không ít. Không những nó kích thích được máu hài hước và bản chất hiếu thắng của bà. Nó còn giúp bà đề phòng các cuộc khởi nghĩa khác. Bà khám phá ra rằng chính sách của bà không được quần chúng tán thưởng, cần phải kiểm soát chặt chẽ thêm và làm câm miệng tất cả những người muốn chống đối.
Bà cảm thấy đắc ý rồi lại cảm thấy bấp bênh. Bà đắn đo về một biện pháp mới có vẻ táo bạo hơn. Bà cần phải thay đổi hẳn bầu không khí chính trị, cải tổ và xiết chặt tổ chức chính quyền, và biến quần thần thành những bộ máy dễ sai khiến hơn. Có lẽ bà phải dùng uy quyền để tạo thêm uy quyền. Những chiếc đầu rơi sẽ làm mọi người lạnh mình chột dạ. Tuy nhiên, các hành động của bà đều được xếp đặt cẩn thận và có mục đích lần hồi.
Bà sẽ cần một số tay sai nòng cốt thật tàn ác, không cần phải học thức, và một hệ thống mật thám đắc lực để tóm cổ ngay những kẻ mưu toan chống đối.
Bà sẽ cố tạo ra một bầu không khí luôn luôn khẩn trương vì bị đe doạ bởi các cuộc khởi nghĩa. Sau đó bà tha hồ thi hành chính sách khủng bố để bảo vệ an ninh trong nước.
Nếu thực hiện được những dự tính này, chắc chắn bà sẽ hoàn toàn thành công.
Tháng ba năm 686, hệ thống mật thám bắt đầu hoạt động một cách vô tư với những thùng thư bằng đồng, đặt tại khắp các cơ quan chính quyền.
Thùng thư này vuông có bốn ngăn gắn liền vào nhau, mỗi ngăn có một khe hở phía trên nắp, để nhưng điềm chỉ viên bỏ thư vào.
Bất cứ ai, dù một anh lao công, hay ngay cả một tên trộm cướp, muốn tố cáo những kẻ có hành vi hay lời nói phương hại đến triều đình đều có thể bỏ thư mà không ẹ ngại điều gì.
Theo tinh thần chiếu chỉ của Võ Hậu, việc thiết lập hệ thống thùng thư này hoàn toàn có tính cách vô hại. Các thùng thư được đặt ra với hy vọng các ý kiến của dân chúng được đạo đạt thẳng lên chính quyền, ngõ hầu công lý sẽ thực sự soi sáng mọi nơi.
Chiếu chỉ còn giải thích rõ ý nghĩa của bốn mặt thùng thư quay ra bốn hướng để đề cao bốn đức tính căn bản.
Mặt phía Đông màu xanh lá cây tượng trưng cho sự Tử tế, mặt phía Tây màu trắng tượng trưng cho sự Công bằng, mặt phía Nam màu đỏ tượng trưng cho sự Liêm khiết, vả mặt phía Bắc màu đen tượng trưng cho sự Khôn ngoan.
Võ Hậu không bao giờ để đạo đức bị bỏ quên!
Thực ra mọi việc không đơn giản như vậy. Mục đích ngấm ngầm của Võ Hậu là dùng những thùng thư đó để kiếm cớ buộc tội những người bà không ưa. Các nịnh thần có thể sai thuộc hạ bỏ thư vu khống để chúng có cớ tra tấn những người vô tội.
Thùng thư trở nên một hình ảnh khủng khiếp đối với bản thân các quan lại và dân chúng, cũng như đối với gia đình họ.
Mọi người đều có thể là mật thám đắc lực cho triều đình. Hàng xóm có thể trả thù nhau, trộm cướp kết tội quan toà, tớ phản chủ, bạn bè hại nhau.
Chưa từng có một hệ thống mật thám nào vĩ đại như vậy!
Tâm nguyện duy nhất của những người bình thường là được sống còn. Còn nhưng kẻ gian manh lại mừng rỡ vì đây là cơ hội tốt để tiến thân, chúng có thể đem bán bạn bè thân thích để cầu vinh. Chưa bao giờ nền luân lý quốc gia lại sa sút như vậy. Giá trị con người không bằng hạt cát. Người ta tranh nhau dành giật sự sống.
Cùng lúc với sự thiết lập hệ thống thùng thư, Võ Hậu ra lệnh cho tất cả quan viên tại các Châu quận phải nghiêm chỉnh tiếp nhận các lời tố cáo của mọi người, kể cả tù phạm, để kịp thời khám phá các âm mưu phản loạn và vạch mặt những kẻ chỉ trích chính phủ.
Các quan viên nào không chịu tiếp nhận ý kiến của họ sẽ bị ghép vào tội che chở phiến loạn. Các mật báo viên nếu muốn sẽ được phép đi thẳng lên Kinh đô để gặp Võ Hậu. Trong khi đi đường được cung cấp nơi ăn chốn ở như một vị quan ngũ phẩm.
Khi tới kinh đô, bọn này sẽ được Võ Hậu đích thân tiếp kiến. Những tên ăn nói lanh lợi mặt mày hung ác lì lợm, từng vào tù ra khám, hoặc những kẻ có vẻ nham hiểm mưu mô có thể dùng làm tay chân đắc lực, đều được bà ban thưởng và phong làm Pháp quan hoặc mật thám lưu động. Còn những tên nào đưa tin tầm phào hoặc không có vẻ lanh lợi cũng không bị trách phạt, vì dù sao chúng đã tỏ ra cố gắng làm hài lòng Lệnh Bà và có tư tưởng không lệch lạc.
Võ Hậu không bao giờ muốn làm nản lòng các mật báo viên. Phong trào điềm chỉ trở nên sôi động và lôi cuốn được rất nhiều kẻ vô công rối nghề, những tay đổ bác và bọn đầu trộm đuôi cướp. Đây là dịp may hiếm có để chúng làm giàu hoặc làm quan. Điềm chỉ trở thành một nghề có lời nhiều hơn nghề ăn trộm. Vì ăn trộm chỉ lấy được vàng bạc châu báu có khi ở tù mọt gông ; trong khi điềm chỉ hay mật báo có thể một bước lên quan lợi lộc vô số lại không sợ bắt bớ tù đày gì hết.
Lợi dụng thời cơ, một số đao phủ trở nên quyền thế khuynh loát triều đình. Chúng kết bè kết đảng thành một bọn có tai mắt khắp nơi. Chúng đua nhau thi hành các thủ đoạn tàn ác để lập công. Càng bắt bớ, làm tội nhiều người chúng càng tỏ ra trung thành với Võ Hậu.
Trong đám đao phủ, có ba tên lợi hại và thế lực hơn cả là Sở Vọng Lợi, Lại Tuấn Trân và Châu Tân.
Họ Sở xuất thân tử một bộ lạc man rợ thuộc giống người Hồ. Trước khi lảm điềm chỉ, hắn chẳng có tiếng tăm gì.
Họ Lại là tên lợi hại nhất nhưng ít nỗi tiếng nhất, đang ngồi tù vì tội ăn cướp, y xin ra để mật báo tin tức cho Võ Hậu và được bà trọng dụng.
Họ Châu có căn bản nghề nghiệp vững vàng hơn cả. Gã từng học luật và làm quan tới tam phẩm.
Ngoài ra phải kể tới họ Hầu và họ Vương. Hầu là một tên bán bánh bao mù chữ. Khi làm quan xử án, mọi người phải cố nín cười trước những cử chỉ khôi hài và lời lẽ tục tằn quê mùa của hắn.
Vương là một tên mõ làng, bị gia đình coi như một con chó ghẻ. Gã được làm quan nhờ có công mật báo một đám phiến loạn.
Thực ra đây chỉ là một đám dân làng họp nhau ăn uống vui chơi.
Ba tên Lại, Sở, Châu tượng trưng cho một cơ quan truy tố mới của Trung Quốc.
Sở được phong làm Khâm Sai đại Thần và Trùm mật thám có quyền tiền trảm hậu tấu.
Lại được phong làm Phó Đô Ngự Sử và Châu giữ chức Phó Thượng Thư bộ Hình, rồi sau đó thăng lên chức Bốc Xạ -Phó Thừa Tướng- được mấy tháng thì chết.
Những tên này được nhắc đến như những vị hung thần. Người ta kể rằng nhà nào được bộ hạ của chúng đến viếng thì chỉ trong vòng một tháng chủ nhà sẽ đi đứt gia quyến bị bán làm nô lệ và nhà cửa bị đốt phá tan hoang.
Nói một cách tổng quát, mỗi tên đã giết vô số người và phá tan hại ngàn gia đình. Phần lớn các vị Đường Vương chết về tay họ Châu Riêng họ Lại hoành hành lâu nhất - sau khi võ Hậu cướp ngôi hắn vẫn còn tiếp tục hoạt động- Họ Lại nắm quyền sinh sát bá quan trong tay khiến mọi người đều sợ và ghét hắn nhất. Khi hắn bị giết mọi người đều thở phào nhẹ nhõm và tự thú nhận rằng tuy ghét hắn, họ đã tiếp tay cho hắn rất nhiều.
Có lần Võ Hậu hỏi các quan:
- Tại sao các khanh sợ họ Lại quá sức như vậy?
Các quan đáp:
- Tâu Lệnh Bà, nếu chúng tôi phạm pháp thì chỉ riêng chúng tôi chịu tội, nhưng nếu trái lại, Lại đại nhân, toàn gia chúng tôi sẽ bị tru diệt.
Nói đến phương pháp tra tấn là phải nói đến họ Sở. Nhờ bầu không khí căng thẳng sau cuộc dấy loạn của Kỉnh Nghiệp, họ Sở tha hồ bắt bớ và tra tấn người.
Hắn thường dùng một chiếc đai sắt lồng vào đầu phạm nhân rồi chêm thêm những miếng nêm để đai sắt xiết chặt vào sọ nạn nhân cho đến khi phải cung khai. Những phạm nhân cứng đầu thường nứt sọ chết.
Cách tra tấn thứ hai, hắn bắt phạm nhân nằm xuống rồi treo một tảng đá phía trên đầu, sau đó hắn cho tảng đá khỏ vào đầu phạm nhân mạnh nhẹ tuỳ theo trạng thái tinh thần của từng người.
Cách thứ ba hắn trói giật cánh khuỷu phạm nhân rồi treo ngược phạm nhân lên giá gỗ.
Với chủ trương bắt càng nhiều càng tốt để làm hài lòng Võ Hậu, hắn thường buộc phạm nhân khai bừa những người khác, bạn bè họ hàng, vv. để có thêm tòng phạm.
Kết quả hắn rất được Võ Hậu tin cậy.
Về sau họ Lại và họ Châu cũng bắt chước phương pháp của hắn.
Hệ thống tư pháp trong thời kỳ này hoàn toàn tan rã.
Một quan niệm tài phán mới được áp dụng.
Dưới thời Thái Tôn không có tội tử hình, trừ khi phạm nhân bị pháp quan địa phương thuộc ba cấp khác nhau kết án rồi lại bị Đại Lý Viện - toà án tối cao tại Kinh đô- y án. Và việc hành hình các tử tội chỉ tổ chức mỗi năm một lần vào mùa thu tại Kinh đô.
Dưới thời Võ Hậu, phạm nhân có thể bị giết tại chỗ rồi báo cáo sau. Người đứng ra truy tố kiêm nhiệm luôn việc điều tra xét xử và hành hình.
Với sự giúp đỡ của một tên đao phủ khác, họ Lại viết ra một cuốn sách nhan đề "Phương Pháp tra tấn", để làm cẫm nang cho thuộc hạ của chúng tại các địa phương.
Với cuốn cẩm nang này, bọn thuộc hạ có thể bắt phạm nhân cung khai bất cứ điều gì.
Thùng thư bốn màu cũng được bọn này lợi dụng triệt để.
Mỗi khi muốn kết tội một Vương tước hay một vị Đại thần, chúng sai thuộc hạ từ các địa phương khác nhau gửi thư về tố cáo ; thế rồi họ Châu -một luật gia- sẽ lãnh phần điều tra nội vụ và cả bọn xúm lại lập những tài liệu giả mạo để buộc tội vị Vương tước hay Đại thần đó.
Một người bạn của họ Lại đã gọi đùa: Cổng ra vào nơi làm việc của y là cửa tử, vì một phạm nhân đã vào cổng đó là kể như hết sống.
Họ Lại thường treo ngược phạm nhân rồi đổ dấm vào mũi. Sau đó hắn quăng phạm nhân xuống một căn hầm có nhiều mùi hôi thối khó tả và bỏ đói phạm nhân trong đó.
Người ta kể rằng các phạm nhân đói quá nhiều khi ăn cả mền trải giường.
Sau khi hành hạ thể xác tới dằn vật tinh thần, phạm nhân bị tra hỏi liên miên và không được ngủ. Mỗi khi phạm nhân chợp mắt là lại có người lôi cổ dậy ngay. Cứ như thế trong mấy đêm liền, đầu óc phạm nhân sẽ bị căng thẳng và hết chịu đựng nỗi, phải nhận tội bừa rồi muốn ra sao thì ra.
Phương pháp này mang lại nhiều kết quả nhất và phạm nhân cũng không mang vết tích của sự tra tấn. Đối với thời đó phương pháp hành hạ tinh thần hoàn toàn mới mẻ và kỳ diệu.
Chúng ta phải công nhận rằng họ Lại đã có một phát minh rất lớn lao. Tất cả bằng người tự nhận mình có sáng kiến nghĩ ra cách làm kiệt quệ tinh thần phạm nhân phải nhớ rằng họ đã bắt chước Lại Tuấn Trân dưới thời Võ Hậu.
Họ Lại còn áp dụng phương pháp lợi dụng tình cảm gia đình để uy hiếp phạm nhân phải thú tội.
Nói về các hình cụ tra tấn, có mười thứ đặc biệt mang tên rất rùng rợn và kỳ quái.
Theo cuốn nhật ký của Châu Cửu - một Pháp quan thời Võ Hậu-, mười thứ đó là:
1. Máu-ngưng-chạy
2. Chẹn-nghẹt-thở
3. La-hét-trên-mặt-đất
4. Thú-nhận-gấp
5. Hấp-hối-kinh-dị
6. Tôi-là-phiến-loạn
7. Điều-đó-đúng
8. Heo-dẫy-chết
9. Muốn-chết-ngay
10. Muốn-toàn-gia-tru-diệt
Các hình cụ, có thứ dùng để treo và vặn chân tay phạm nhân, có thứ dựng đồ kéo lê phạm nhân trên mặt đất, đầu mang gông, ngực chất bao cát, và khi đem ai xét xử, các hình cụ này thường được đem ra bày để áp đảo tinh thần, và thường thường các phạm nhân chịu thú tội ngay để tránh cực hình.
Theo Châu Cửu, còn có những trò dã man khác như đổ bùn vào tai, kẹp sọ, buộc vào bánh xe đang quay, chèn ngực, cắm chông tre vào móng tay, túm tóc treo lên trần nhà, và hơ lửa vào mắt phạm nhân.
Điều đáng sợ nhất cho nạn nhân thời đó là việc mật báo truy tố xét xử đều do một người hay một cơ quan đảm nhận. Một khi bị bắt, chắc chắn nạn nhân có tội.
Thêm vào đó hình phạt thường liên can đến cả gia đình nạn nhân, trong khi tra tấn những nạn nhân cứng đầu, bọn ngục tốt thường hăm doạ sẽ không tha cả cha mẹ vợ con của họ để nạn nhân chột dạ và ký giấy nhận tội.
Ngoài ra chúng dụ dổ họ đổ tội cho bạn bè thân thích để được hưởng trường hợp giảm khinh.
Tuy nhiên, giữa lúc văn minh thoái hoá, giá trị con người giảm sút tối đa này, vẫn có những nhân vật can đảm đứng ra tranh đấu để hoặc bị giết hoặc phá vỡ chế độ man rợ của nhưng tên quan toà kiêm đao phủ.
Trước hết phải kể đến quan Thị Lang Lưu Vệ Chi.
Người ta kể trong khi nói chuyện với bạn bè, quan Thị Lang đã tuyên bố Võ Hậu nên trả ngôi lại cho con trai, và ông bị truy tố. Ông từ chối đến trình diện vì trát đòi bất hợp pháp, không có con dấu của Môn Hạ Tỉnh - thủ tục này mọi người thuờng quên - Khi bị đem ra xử, ông không chịu rút lại lời nói cho dù bạn bè đã khuyến cáo ông rất nhiều.
Theo ông, câu nói Võ Hậu nên trả ngôi cho Đán không phải là tội bất trung. Ông cũng không chịu khai ra những người khác mặc dù họ Lại đã cố gắng hết cách.
Ông nói:
- Thượng đế không cho phép ta làm một tên điềm chỉ!
Vì kính trọng ông, Võ Hậu cho phép ông được tự treo cổ. Trước khi chết, ông viết một bức thư tuyệt mạng cho Võ Hậu. Thẳng thắn bênh vực lý lẽ của ông ; sau đó ông dùng một bữa cơm cuối cùng với gia đình rồi khăn áo chỉnh tề và tự treo cổ chết.
Trong số những người noi gương ông phải kể đến Nguỵ Phương Tế, Nguỵ Tuyên Đồng và Âu Dương Đông.
Song song với bọn chủ trương khủng bố, còn có những vị quan toà luôn luôn đề cao giá trị của luật pháp, không chịu tiếp tay với lũ hung thần.
Đáng kể nhất là Hứa Ngọc Cung và Đổ Kính Chi. Hai ông này còn giữ những chức vụ quan trọng sẽ nói ở cuối truyện- Hai ông thường dùng quyền của mình để che chở những người vô tội.
Hứa đại nhân không bao giờ dùng cực hình. Các thuộc hạ theo gương ông, không hề đánh đập tội nhân.
Người ta thuờng nói:
- Gặp Hứa, Đổ là sống, gặp Lại, Sở là chết.
Có lần mẹ vợ Đán bị đem ra xử. Hứa đại nhân không chịu kết tội bà vì không đủ bằng cớ.
Nội vụ được đưa đến Võ Hậu, ông vẫn một mực bênh vực bị can, vì bà chỉ cầu nguyện cho linh hồn người con gái đã chết một cách bí mật trong cung.
Cầu nguyện không phải là một tội, và với tư cách quan toà ông phải duy trì luật pháp.
Võ Hậu hỏi ông:
- Nghe nói khanh tha nhiều người lắm phải không?
Hứa đại nhân ngang nhiên trả lời:
- Tâu Lệnh Bà, có thể thần tha lầm vài người nhưng đó chỉ là lỗi nhỏ. Bảo vệ những người vô tội mới là việc lớn.
Võ Hậu đày ông đi xa, nhưng vẫn phục ông. Mấy năm sau bà vời ông về và cho làm Đại thần.
Một lần nữa Võ Hậu tỏ ra luôn luôn nắm vững được hành động của mình. Bà cách chức họ Hứa vì tình hình bắt buộc cho phù hợp với chính sách khủng bố do chính bà tạm thời áp dụng. Khi bà đã ngồi vững trên ngai và không cần khủng bố nữa. Bà cho gọi những người có khả năng về làm quan.
Tháng ba năm 686, thi sĩ Trần Tử Ngang đã viết cho Võ Hậu một bức thư nhắc nhở bà về những vụ bắt bớ giam cầm trái pháp. Ông chỉ giữ một chức nhỏ trong nội các chuyên lo về duyệt tự các văn kiện trong triều.
Bức thư của ông cho ta thấy thực trạng xã hội thời bấy giờ:
Từ ngày Kỉnh Nghiệp dấy loạn, triều đình luôn luôn cố gắng truy lùng các dấu hiệu phản loạn. Lệnh bà đã buộc lòng phải áp dụng biện pháp thanh trừng bằng cách khủng bố và tra tấn, một sự nghi kỵ nhỏ cũng đưa đến tố cáo nhau và vô số người bị bắt. Nhiều kẻ bất tài đã lợi dụng thời cơ buộc tội người khác để được vinh thân phì gia. Hạ thần dám chắc rằng đây không phải là chủ ý của lệnh bà.
Thần trộm nghĩ người dân lành lúc nào cũng muốn được sống bình dị yên ổn. Điều mà thần hằng thắc mắc là Lệnh bà không để cho dư âm cuộc dấy loạn tự nó tiêu tan, mà Lệnh bà chủ trương làm khủng hoảng và mất lòng dân.
Thần đã được chứng kiến hàng trăm hàng ngàn vụ xét xử, mà chẳng thấy có ai được coi là vô tội. Lệnh bà đã vô tình khuyến khích bọn Pháp quan lập bè lập đảng hại người vô tội với những mục đích riêng tư. Chúng thường dựa vào các chứng cớ mong manh thiếu thực tế nhất, để ghép người khác vào những tội tầy đình như phản nghịch hay chống báng triều đình. Một người bị bắt thường lôi kéo theo hàng trăm người vào tù. Ngoài đường phố rất hay xảy ra cảnh các nho sĩ bị bắt và giải đi. Càng ngày số người bị tử hình càng nhiều. Dân chúng thường bảo nhau một người được Lệnh bà ưa thì một trăm người bị giết. Lòng dân hoang mang không biết họ đi về đâu....
Lá thư của ông chẳng có kết quả gì và Võ Hậu cũng không trừng phạt ông. Tại cuối lá thư ông đua ra một ví dụ trong lịch sử và thẳng thắn kết luận rằng chính sách khủng bố sẽ đưa tới các cuộc nỗi dậy lớn lao hơn nữa, khi toàn thể dân chúng phẫn nộ.
Thực ra lý luận của họ Trần chỉ đúng có một phần. Nếu hệ thống mật báo được tổ chức hoàn bị trên toàn quốc và chính sách khủng bố được đẩy mạnh tới mức độ thích nghi, chắc chắn mọi sự chống đối sẽ trở nên vô ích.
Võ Hậu biết rõ điều này và tự tin bà đã đi đúng đường.
Trần Tử Ngang tiếp tục tranh đấu.
Tháng ba và tháng mười năm 689, ông viết thêm hai lá thư cho Võ Hậu nhấn mạnh thêm về ý kiến của ông. Tuy không thành công, việc làm của ông cũng đáng ca ngợi vì ông là người đầu tiên dám tranh đấu cho nhân vị con người. Ông đã tỏ được dũng khí của một thi sĩ chân chính không bị lôi cuốn vào đám văn nô như bọn Diệu Thiệu Chi, Tống Chi Tổn, chuyên bợ Lệnh Bà, mua văn bán chữ để cầu vinh không khác gì bọn mãi dâm bán trôn nuôi miệng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.