Khi Bách lách được đuôi xe qua bãi đậu, Hoan rảo bước về phía anh.
- Anh Bách, anh có thư.
Bách đang lúng túng với một tay là mũ bảo hiểm và tập tài liệu, một tay loay hoay với ghi đông xe, đành cười cầu tài.
- Ờ, cậu nhét vào túi áo cho tớ.
Bách cực chẳng đã để bàn tay đầy gân xanh luồn vào ngực áo mình và giữ yên đấy lâu hơn mức thường lệ. Anh cố nén khó chịu.
- Ờ, cảm ơn cậu.
- Không có gì, anh Bách. – Gã kia tủm tỉm.
Hoan bị cả phòng ghét cho dù đã vài lần anh cố thanh minh cho gã, như lúc chiều hôm qua chẳng hạn.
- Không phải đâu, hôm nọ cũng thấy có cô nàng ngồi cạnh.
- Chị gái nó đấy, thỉnh thoảng ở quê lên thăm thằng em, mà cớ làm sao đằng ấy cứ phải thanh minh cho nó. Hay cùng hội cùng thuyền mất rồi. – Tay Mạnh thò cái đầu bù xù ngó tận mặt Bách đầy khiêu khích. Thỉnh thoảng hắn hay gọi Bách là “đằng ấy” một cách cà khịa.
- Thì…tôi đoán là nó cũng có bạn gái, thế thôi.
- Thôi, sớm muộn gì đằng ấy cũng phải thừa nhận đi. Không thì tốt nhất là hôm nào làm lễ để anh em trong phòng cùng…kiểm tra.
- Kiểm tra cái đếch gì, ông có giỏi đưa vợ ông ra đây thử.
- Mặt Bách nóng bừng. Anh rất hiếm khi tỏ ra mất kiềm chế trước mặt người khác.
- À, tao đang đùa nhé, còn mày có gay giống thằng Hoan hay không thì mặc xác mày, cấm có nói đụng đến vợ tao.
- Mạnh gạt khay tách trên bàn khiến chỉ sém hai phân nữa là tan tành trên mặt đất.
- Thôi thôi, đang đùa vui vẻ mà, trưa nay hai cậu lại quá chén rồi. – Bình chen vào giữa cười cầu hoà. – Huy rót cho các anh hai người mỗi người một tách trà mày.
Huy rót trà nóng ra chén và đấy tận giữa bàn.
- Các ông nói nho nhỏ thôi. Tôi vừa thấy sếp đi ngang qua phòng. Chiều nay lại có chuyện nghiêm trọng đây.
Huy đã mừng thầm vì câu chuyện kết thúc sớm. Bất cứ khi nào những câu tán dóc đưa đẩy về Bách là thế nào Huy cũng bị liên luỵ. Cả Huy lẫn Bách đều chưa vợ, và mối quan hệ đặc biệt của họ, lại hiếm khi thấy bóng dáng phụ nữ bên cạnh khiến những tay hình sự bỗ bã, cao to, râu ria hàng tuần quên không cạo thường lôi ra làm đề tài những lúc trà dư hậu tửu. Mạnh lại lẩm bẩm thêm câu nữa khiến lần này chính Bách gạt tung hai tách nước trà xuống đất. Bình cuống lên, giọng có vẻ lo lắng.
- Tôi bật điều hoà lên cho các ông nhá. Chiều nay nhiều việc lắm. Sao các ông nóng thế.
Bình là tay hài hước nhất phòng, thái độ luôn mềm mỏng ngay cả khi tiếp xúc với lũ đầu trâu mặt ngựa. Bình đứng lên bật điều hoà thật. Mớ tóc đằng sau gáy sờm lên vì giấc ngủ trưa khiến chiếc sẹo đỏ hỏn lộ ra trông rất buồn cười. Đó là chứng tích của một lần mai phục đường dây cướp hàng xe tải liên tỉnh. Anh bị một tên dùng lưỡi lê đam thẳng vào tai, song như có thần hộ mệnh đứng bên cạnh, lưỡi lê sáng loáng trượt ra đằng sau gáy, gọt sém cả mảng tóc và một lớp da đầu. Máu tuôn đỏ cổ áo song vết thương dường như vô hại. Tuy nhiên, sau nó thành sẹo, tóc không mọc được ở chỗ đó nữa, và Bình sáng tạo ra một thứ mốt thời trang mới bằng cách để một chỏm tóc trên đỉnh đầu mọc thật dài rủ xuống che vết sẹo. Nhưng lúc nào anh hoạt động mạnh, chùm tóc cứu tinh văng đi chỗ khác khiến sẹo vẫn hoàn sẹo. Như lúc này chẳng hạn.
Huy kéo Bách ra ngoài để tách anh ra khỏi cơn nóng giận.
- Chiều nay tôi đi công tác,cậu cho tôi vay ít tiền.
Bách trố mắt. Huy chưa bao giờ vay Bách tiền. Trong số những đồng nghiệp của phòng, mà cũng có thể là trong lịch sử ngành cảnh sát hình sự của thành phố, chưa có ai sống vương giả như Huy. Bách thân Huy từ bé, cùng học một trưởng tiểu học, rồi lần lượt trung học, đại học ngành cảnh sát. Nghề nghiệp của Huy và Bách chẳng sung sướng gì. Huy chọn cái nghề nhọc nhằn này cũng là vì Bách. Nhà cậu ta có vài cái biệt thự của cha ông để lại. Sau một thời gian bị thu hồi vì chính sách cụng đã được trả lại và cậu nghiễm nhiên chiếm lĩnh một căn. Huy chỉ còn một bà mẹ đang sống với ông bố dượng giàu sụ, thành thử, Bách gần như là người thân duy nhất của Huy trong cái thành phố này.
- Cậu định vay bao nhiêu?
- Năm chục.
- Năm chục gì?
- Năm chục triệu.
- Trời đất, tôi làm gì có ngần ấy tiền ở đây. Mà tiền ngân hàng của cậu đâu hết rồi.
- Mẹ tôi vừa gửi rồi, nhưng tiền chưa về đến nơi. – Huy ậm ừ.
- Nhưng cậu cần tiền đểlàm gì?
- Tôi có tí việc. Thôi, cậu không có để tôi tính cách khác.
Nói xong, Huy bỏ thẳng lên gác. Bách biết Huy sẽ vào phòng nào trong số hàng chục căn phòng trên ấy. Ở đây, chỉ có Huy là người được ra vào nơi ấy thản nhiên nhất. Đôi lần, trong một khoảnh khắc nào đó, Bách thấy ghen tị với Huy. Cậu ta theo đuổi trọn vẹn mọi sở thích như Bách, nhưng cái tố chất tiềm ẩn ở một góc khuất nào đó trong con người Huy khiến trực giác của cậu ta luôn nhạy bén với những góc tối của tội ác. Và từ ngày bước chân vào ngành, có vài thứ ở Huy đã thay đổi hẳn. Cậu ta luôn hành động một mình, quyết đoán và dần dần trở nên say nghề hơn cả Bách. Tất cả đều thấy một điều rõ ràng rằng Huy được sếp ưu ái. Bách chưa bao giờ dám đứng trước mặt con người khắc nghiệt ấy mà thản nhiên như đứng trước một người cha hay một người đồng nghiệp. Cái khoảng cách vô hình này không có đối với Huy. Chiều hôm qua, Huy thông báo rằng sẽ có chuyện nghiêm trọng, nhưng cả phòng chờ mãi không thấy chiếc máy nội bộ reng lên tiếng nào.
Chợt nhớ đến Huy, Bách bấm vào số quen thuộc. Kể từ lúc Huy lên phòng sếp, đã một ngày trời, Bách không nhìn thấy mặt cậu ta. Máy đổ chuông từng hồi dài, Bách kiên nhẫn đếm đủ đến hồi chuông thứ chín thì cất máy vào túi. Anh vừa lĩnh lương và rất muốn rủ Huy ra quán bia đầu phố. Chỗ đấy là nơi tụ tập của cả phòng, và vào cái ngày vui vẻ này, hẳn nhiên Bách sẽ gặp đủ mặt những đồng nghiệp cũng đang muồn đốt ít tiền mọn ở đó.
Bách dựng xe, lễ mễ ôm mũ và túi len qua những dãy bàn đông đúc. Anh nhìn thấy những khuôn mặt quen thuộc và thở phào khi không bắt gặp cái đầu bù xù của Mạnh.
- Ngồi xuống đi, lần sau bỏ mũ ngoài xe cho đỡ kinh. Đạo tặc nào ở cái thành phố này dám cuỗm mũ của các bố, nhỉ. – Bình nhường cho Bách cốc bia sánh vàng vừa mới rót.
- Mạnh đâu rồi? – Bách vờ bâng quơ.
- Qua bây giờ đấy. Nó đi đón vợ về rồi quay lại. Chiều thứ sáu mà phải khổ thế. Còn thằng Huy đâu rồi?
- Tôi không biết. Từ hôm qua đến giờ không gặp.
Phía đối diện, Quyết và Giang quan sát Bách, vẻ dò hỏi.
- Mấy tháng trời nay Huy lĩnh vụ gì, cậu có biết không?
- Chịu, nó có nói đâu.
- Cậu không biết thì còn ai biết.
- Quyết nâng cao cốc bia lên ngang khuôn mặt lưỡi caỳ. Đôi mắt lộ vẻ nghi ngờ.
- Thôi, uống, đặc vụ chìm là cái để các cậu buôn dưa lê ở đây đấy à. – Bình vươn thẳng cánh tay với cốc bia đang sủi bọt.
- Đặc vụ gì? Sao cậu biết?
- Cả ba người mở to mắt nhìn Bình chờ đợi.
Bình uống cạn cốc bia vẻ ngơ ngác.
- Đặc vụ nào, tôi có biết đâu. Cả phòng ai cũng biết thằng Huy đang làm vụ gì đó đặc biệt, còn vụ gì thì làm sao tôi biết được.
- Muốn biết phải hỏi cái đuôi của nó chứ hỏi Bình làm sao biết.
Bách ngẩng lên. Kẻ nói câu khó chịu vừa rồi không ai khác ngoài một trong hai người vắng mặt mà Bách vừa nhắc đến. Mạnh thản nhiên nâng cốc bia của Bách uống một hơi gần đáy cốc.
- Khát quá, vợ con khổ thật. Cứ như tụi Huy, Bách với Hoan thành ra lại sướng.
- Mạnh lúc lắc cái đầu ra điều chán nản.
Vài ngum bia khiến mặt Bách nóng bừng. Hễ lần nào Mạnh cất lời là y như rằng Bách muốn vả vào cái mặt đầy thịt kia. Từ ngày Mạnh chuyển về phòng, tâm trí Bách lúc nào cũng đảo lộn lên. Bách cho rằng Mạnh là tay ăn bẩn. Hắn giao du với đủ loại anh chị và thân thiết trên mức bình thường. Mạnh chi tiêu nhiều hơn đồng lương cho phép và có một cái tật rất khó chấp nhận. Bất kể một mùi hơi đàn bà nào lướt qua đều khiến nét mặt hắn thay đổi hẳn. Nước da tai tái chuyển thành đỏ ửng và đôi mắt hấp háy rất đáng ghét. Đến một ngày, Bách thấy Mạnh luồn tay vào ngực áo con bé mười tám tuổi trong một đường dây cá độ đang ngồi dúm dó tại phòng giam thì anh chịu hết nổi. Không nén được, Bách phun nước bọt vào một góc nhà. Mạnh nhăn nhở.
- Chỉ có gay như cậu mới chịu đựng được.
Kể từ hôm đó, Mạnh đổ riệt cho Bách cái tiếng gay, và khi Huy lên tiếng bênh vực thì hắn cưới phá lên.
- Tớ nghi ngờ mấy cái bận hai cậu chung phòng trên biên giới lắm. Nhiệm vụ phân mỗi người một phòng, cơn cớ gì mà các cậu lại chuyển phòng sang nhau.
Tất cả đều công nhận lời Mạnh nói có phần nào đúng. Hôm ấy cả phòng bị điều lên phía Bắc nhận nhiệm vụ. Theo đúng kịch bản, mỗi người phải ở một phòng, nhưng nửa đêm Huy bị sốt cao. Cậu ta khát nước và bò ra hành lang đúng lúc Bách cũng ra ngoài hút thuốc. Anh không yên tâm khi để Huy nằm một mình nên lén chuyển phòng sang chăm sóc bạn. Sau này, Bách có thanh minh việc đó nhưng không ai tin, và càng giải thích càng bị đồng nghiệp nghi ngờ. Hơn nữa, chưa ai thấy Huy và Bách xuất hiện cùng một người bạn gái bao giờ. Điều đó càng khiến cái tin đồn Bách, Huy và Hoan cùng hội cùng thuyền là có thật.
Đến cốc bia thứ tám thì Bách cảm thấy hơi hoa mắt. Anh cố tập trung vào tán cây hoa sữa la đà trước cổng quán nhưng chỉ thấy một màu tối sẫm.
- Tôi có việc phải về đây.
- Về làm sao được.
- Mạnh túm chặt cổ tay Bách
- Cậu vợ con chả có, mà từ hồi tôi chuyển vào phòng này mới thấy một tối thứ sáu được rảnh việc, cậu lại định bỏ anh em đấy hử?
- Đúng rồi, mới có hơn chín giờ mà.
- Cả đám nhao nhao phản đối.
Bách không còn cách nào khác, nhưng anh nhất định không uống thêm nữa. Tính kiềm chế của Bách rất cao. Anh chưa bao giờ để mình quá đà vào bất cứ việc gì. Bách uống nước lạnh ừng ực và chỉ ăn lạc rang, nhưng cho đến lúc đứng dậy, anh đếm thấy mình bị ép thêm hai cốc bia nữa.
- Các cậu về nhá,chúc ngon giấc. – Bình nháy mắt.
- Chào anh em, cứ nghĩ đến cái giường ở nhà là tôi lại thấy nản.
- Mạnh làm một nét mặt hài hước mà Bách thấy rất đáng ghét.
Anh không chào mọi người mà đi thẳng đến chiếc xe dựng chỏng chơ ngoài bãi đậu, chiêc xe cuối cùng còn lại trên bãi. Bách nhảy tót lên xe và lao xuống vỉa hè, nhưng ngay lập tức anh không nén được một câu chửi thề đầy bực dọc. Anh cảm thấy bánh đằng sau sần sật như chỉ còn vành va vào đá sỏi. Bách dựng chân trống xuống và đứng khoanh tay. Rõ rồi, anh thở dài bất lực nhìn bánh xe xẹp lép. Hôm nay quả là một ngày không tốt lành. Bách nhớ lại câu chuyện kỳ quái sáng nay. Khi anh mở cánh cửa ọp ẹp trông ra ngõ hậu, có một vật gì đó rất nặng chặn ở ngoài.
Căn hộ của anh có hai cửa ra vào nhưng thông thường anh và bà mẹ già chẳng bao giờ sử dụng cổng hậu. Cổng ấy trông ra con hẻm đầy cống rãnh và những bức tường chạy dài của hai khối nhà quay lưng vào nhau mặc nhiên dành một thiên đường cho chuột bọ và lũ ngơm xả kim tiêm. Nhưng mẹ anh đang ngồi trước nồi nước dùng nghi ngút ở cổng trước, và mặc dù thèm muốn chết bát bún mọc quen thuộc vào buổi sáng, mặc dù phải bịt mũi cho khỏi ói trước cái mùi xú uế đang xông lên nồng nặc ở cổng sau, anh vẫn phải rón rén đi nhờ lối hậu. Mẹ anh, tối hôm qua đã chảy dài nước mắt trên gò má xạm đen.
- Đôi khi con người ta cũng phải biết từ bỏ con ạ.
- Sống chết có số, con hai bác ấy làm kiểm lâm, liên quan gì đến nghề của con.
- Trời.
Bà mẹ anh khóc tu tu. Bà luôn kiêng nhắc đến từ CHẾT,còn con trai bà thì thản nhiên như nhấp một tách trà. Một trong những người hàng xóm của anh vừa bị lâm tặc bắn chết tuần trước, và trước cái chết thê thảm của chàng trai trẻ, lúc nào bà cũng len lén nhìn đứa con trai độc nhất của mình. “ BỎ NGHỀ” là một từ mà Bách kiêng cữ chẳng khác nào mẹ anh tránh từ “CHẾT”.
Bách đã cố ý đế không gây tiếng động nhưng cái vật nặng sau cửa cứ ỳ ra. Anh lấy hết sức bình sinh đấy thật mạnh nhưng lần này cánh cổng nhẹ bỗng như chưa từng vướng mắc thứ gì. Bách bị mất đà lao thẳng đầu vào bức tường đối diện, một bàn chân sụt xuống rãnh nước hôi hám đen ngòm. Anh kinh ngạc tháy một người đàn bà đội nón đã ngồi đấy từ bao giờ. Có lẽ ban nãy bà ta án ngữ cánh cổng của anh và sau đó laịi ngồi xích sang một bên khiến Bách mất đà. Người phụ nữ kỳ dị mặc một bộ đồ đen rách nát và cúi gằm mặt xuống đất khiến Bách không đoán được bà ta bao nhiêu tuổi. Anh khó chịu.
- Ngồi gọn sang một bên đi…chị kia.
Bà ta ôm khư khư một chiếc rổ phủ đầy giẻ vụn bẩn thỉu và vẫn không chịu nhúc nhích. Bàn chân vấy nước cống nhớp nháp khiến anh điên tiết.
- Bà ngồi gọn sang một bên để tôi đóng cổng.
- Tôi đang bán hàng. – Bà ta cất giọng khàn khàn như người bệnh lâu ngày.
- Hàng gì? – Bách ngạc nhiên.
- Hay lắm, ở trong này. – Bà ta vẫn chúi mặt xuống cái rổ.
- Đâu? – Bách quên mất việc người ta có thể buôn bán gì trong cái ngách bốc mùi này, nhưng phản xạ tò mò tự nhiên và bênh nghề nghiệp khiến anh dán mắt vào chiếc rổ kín mít. – Cho tôi xem.
Người đàn bà dùng tay trái tô đỏ chót lần giở tỉ mỉ những lớp vải vụn. Bà ta giở mãi, giở mãi một cách thận trọng khiến Bách phát sốt ruột, và khi bà ta hé một góc rổ, mùi ai ai bốc lên khiến anh muốn lộn mửa. Bách quát lên.
- Giở hẳn ra xem nào.
Bà ra lật toàn bộ đống giẻ rách lên và Bách thấy đầu óc quay cuồng. Nằm quây tròn trong rổ là một lũ mèo đã chết cứng. Có một con mèo mẹ và bốn con mèo chưa mở mắt nằm nhầy nhụa trong lớp máu còn tươi. Hoặc là con mèo mẹ vừa đẻ xong bầy con đã bị hậu sản hoặc mụ đàn bà này giết hết sạch lũ mèo.
- Đồ bẩn thỉu, đi ra đằng kia.
Tức thì mụ đàn bà ngẩng mặt lên, một khuôn mặt ngang dọc những vết rạch không ra mặt người với những vệt máu đang ứa từ hai bên mép. Bàn tay còn lại của mụ ta đang đưa một con mèo chết lên miệng. Bách vội vàng đóng sập cửa rồi chạy như ma đuổi ra đầu ngõ. Công việc lút đầu khiến anh quên tiệt câu chuyện khó chịu này nhưng trong tiềm thức lúc nào cũng cảm thấy một điều gì đó không vui.
Bây giờ, khi đứng trước cái lốp xe thủng vào lúc nửa đêm, Bách mới nhớ lại chuyện hồi sáng” Đúng là con mụ điên đã ám quẻ mình suốt từ sáng đến giờ”. Nếu bà mẹ mê tín của anh chứng kiến cảnh đó hẳn sẽ làm một lễ đốt vía kinh đình sau khi kiên quyết nhốt anh trong nhà hẳn một ngày. Bách không tin vào những chuyện may xui, nhưng trước hàng loạt việc bực mình ngày hôm nay, anh đành đổ riệt cho mụ điên hồi sáng.
Bách cúi xuống bánh xe xem xét hòng tìm một tia hy vọng mỏng manh, bất ngờ một vật trăng trắng rơi ra từ trong túi áo dốc ngược của anh. Bách lượm cái vật mà lúc chiều tay Hoan đã đút hộ vào túi. Dưới ánh đèn đường, chiếc phong bì màu trắng hằn lên một dòng chữ đỏ sẫm phía bên trong. Bách xé chiếc bao ngoài. “Trại Hoa Đỏ”, là những con chữ màu hơi rợn nhưng được thiết kế rất mỹ thuật trên nền giấy mà thoạt nhìn đã biết là đắt tiền. “ Giấy mời khánh thành”. Bách ngạc nhiên mở trang trong” Trân trọng kính mời ông Phan Đăng Bách đến dự lễ khánh thành Trại Hoa Đỏ vào ngày thứ sáu, 17/6…Tiệc khánh thành sẽ được tổ chức…Sự có mặt của Quý ngài…Chủ trang trại: Trần Hoàng Lưu – Mai Diên Vĩ.” Trên bìa bốn là một sơ đồ chỉ đường rất khoa học với một cánh cổng màu đỏ được khoanh tròn ở giữa và các mũi tên liên hoàn xuất phát từ trung tâm thành phố. Phía góc dưới cùng là một chữ viết bút bi đã cố gắng nắn nót “ Em Sương”. Bách quẳng chiếc giấy mời vào đống rác mà người phục vụ quán bia đã vun sẵn thành ụ to cạnh vỉa hè.
Thằng Sương, một gã ma cô dốt nát. Hắn lúc nào cũng săn đón và mời mọc Bách. Sương hơn Bách chừng năm tuổi nhưng luôn dùng danh xưng “anh Bách”. Vài lần, Bách nhận được cú điện thoại của Sương và sau đó thể nào anh cũng trở thành kẻ đồng loã trong vài phi vụ bẩn thỉu của hắn. Đối với Bách, chỉ cần nhìn thấy một kẻ móc túi trên ti vi hay một thằng cha say rượu vượt đèn đỏ mà không làm gì được là y như rằng anh có cảm giác mình cũng là kẻ tòng phạm. Thằng Sương lừa đảo, thằng Sương trốn thuế, thằng Sương làm đủ thứ không giấy phép, nhưng anh vẫn cần đến hắn, cần con đường hầm dẫn vào thế giới của hắn. Có lần Huy đã kìm anh lại khi Bách nổi xung lên.
- Lần này nhất định tôi phải cho thằng đểu giả đi nghỉ suốt.
- Đừng, thằng Sương chỉ là thứ cò con, tôi đánh giá ngang với trộm vặt xóm liều. Cậu còn cần đến nó.
- Ngần ấy chứng cứ, đủ để nó nghỉ ngơi vài năm chứ chả ít.
Huy tủm tỉm.
- Đừng cáu, thế cậu chưa đổi được món hời nào à?
- Được một cái công ty ma, mà nó chỉ điểm cũng là vì có xích mích với thằng trùm kia, thành ra mình đi dọn dẹp không công cho nó. Vụ này bên kinh tế họ vào chứ tôi cũng chả được dính dáng gì. Đã thế hôm nọ phải can thiệp giúp một thằng bạn nó thoát được cái vụ bê bối trong quán bar. Nếu tôi không nhúng tay vào, thì cái quán ấy đã bị giải thể rồi. – Bách đau khổ.
Và chỉ nội việc anh lưu số của Sương vào trong điện thoại đàng hoàng như bất kỳ mối quan hệ nào cũng đủ để anh thấy khổ sở lắm rồi.
- Xe thủng lốp à? – Lão chủ quán bia nguệch mồm ngáp rồi chui tót lên chiếc Ford Lancer màu ánh bạc sau khi buông ra một câu xã giao.
Bách thấy không gì tệ hơn thế.” Thế giới này, toàn những kẻ đáng ghét. Đúng là con mụ điên đã ám quẻ mình suốt từ sáng đến giờ”. Anh ngồi lên xe. Phương án tốt nhất là qua nhà Huy ngủ nhờ. Quãng đường về căn hộ tập thể của anh sẽ gấp mười lần từ đây về nhà Huy. Bách nổ máy. Xe đang được chạy bằng vành. Anh đành hy sinh chiếc lốp này. Sáng mai, Huy sẽ đèo anh đến chỗ làm, chiếc xe nhân cơ hội này sẽ được bảo dưỡng chỉnh tề. Anh cũng nhân cơ hội sử dụng ké cái bồn tắm nước nóng rất xịn của Huy, ăn ké những đồ ăn rất ngon trong tủ lạnh mà cô bạn gái của Huy thường xuyên tích trữ trong đó, cô bạn gái tóc quăn nâu xinh đẹp mà Huy lúc nào cũng giấu giếm, chỉ sợ Bách buồn.
Chiếc xe xịt lốp làm Bách đôi lúc lạng tay lái. Anh cảm thấy hơi nhức đầu và ruột gan cồn cào. Đó là kết quả của chục cốc bia khổng lồ và vốc lạc rang khô khốc. Bách đi rất chậm, từ xa, anh đã nhìn thấy một vầng sáng lấp lánh phía đầu con đường. Gió từ hồ táp lên mặt anh mát lịm. Trăng tròn trịa loáng lên mặt nước thành những quầng li ti lan tỏa. Quầng sáng hơi rung rinh làm Bách hoa mắt. “ Chết thật, mình say rồi chăng. Lạy Chúa, chỉ còn vài trăm mét nữa thôi, đừng để con đổ gục giữa đường”. Mí mắt Bách như trĩu xuống. Anh cố tập trung ý nghĩ vào một chủ đề nào đó. Mụ đàn bà điên. Những con mèo chết. Bàn tay đầy gân xanh của thằng Hoan. Cái ợ hơi thô thiển của tay Mạnh. Chiếc Ford Lancer màu ánh bạc. Ụ rác. Trần Hoàng Lưu. Mai Diên Vĩ.
Trần Hoàng Lưu? Trần Hoàng Lưu là gã nào mà lại mời anh. Bách thấy tỉnh táo được đôi chút. Anh tiếc là mình đã vứt đi tấm thiệp mời khánh thành. Lẽ ra anh nên giữ lại tất cả những gì được trao vào tay mình như một thói quen. Kỳ quặc thật. Anh chẳng vứt đi thứ gì bao giờ. Đến thùng rác Bách cũng có ba chiếc, để phân loại rác dần dần. Mọi thứ bị tống vào thùng rác loại một sẽ còn được bới lên để soạn trước khi chui vào thùng rác cuối cùng và sống phần đời còn lại trong vòng quay của các bãi rác thải. Biết đâu Trần Hoàng Lưu lại chẳng phải một thằng cha sở hữu vài sòng bạc tại gia khổng lồ, chuyên buôn bán hoá đơn đỏ hay buôn lậu gỗ quý. Hình ảnh hai người hàng xóm già nua lịm đi trước ban thờ người con trai độc nhất khiến Bách thấy trí tưởng tượng của mình được phát huy đến cực điểm. Anh cho rằng gã Lưu nào đó chẳng thuộc dạng hay ho gì. Vậy mà anh lại vứt toẹt cái giấy mời kia đi.“ Không lẽ mình quay lại để nhặt.” Ý tưởng này thậm chí còn ngớ ngẩn hơn việc vứt đi tấm giấy mời kia. “ Rõ là mụ điên đã ám quẻ mình từ sáng đến giờ”. Trần Hoàng Lưu? Lưu? Bách tự nhiên thấy óc mình nhẹ bẫng. Anh nhớ ra rồi. Chỉ là vĩ cái thiếp mời ghi cả họ tên trang trọng làm xoá hẳn một hình ảnh trong trí nhớ. Bách đã từng bắt tay Lưu trong một nhà hành Ả Rập nghi ngút khói nằm trên khu phố cổ. Chắc chắn anh còn nhớ Lưu, một nhân vật ấn tượng, sếp của thằng Sương. Lưu có mái tóc luôn trật tự, nước da rám nắng và nụ cười cởi mở. Hôm đó có cả vài cô gái nồng nhiệt của tay Sương.
- Đây là anh Lưu, sếp em, một giám đốc trẻ danh tiếng,còn đây là anh Bách, bạn thân của em, một cảnh sát hình sự đầy tài năng, đã phá hàng trăm vụ án lớn nhỏ.
- Thằng Sương y như đang diễn một vở kịch tồi, quay sang với đám tóc dài bên cạnh. – Hôm nay các em may mắn được làm quen với anh đây. Phước cho các em.
Lưu không để ý đến những câu pha trò rẻ tiền của Sương. Anh ra quay sang bắt tay Bách.
- Rất vui được gặp anh. Sương đã kể về anh nhiều lần. Mời anh chọn vị thuốc.
Bách ngượng chín người, rủa thầm thằng Sương. Thực ra, nếu Sương có giới thiệu anh thế hay tâng anh lên chín tầng mây đi nữa thì cũng không ai lấy làm điều, ngoại trừ Bách. Từ lúc vào nghề đến giờ, những vụ án anh phá được chỉ là trò con nít của Bình, Giang, Quyết, Huy và thậm chí cả Mạnh nữa. Phần lớn các cụ anh đóng vai phụ trong cả nhóm. Cái giọng trầm đều của ông sếp khắc nghiệt lại như gọng kìm xiết lấy hai thái dương Bách.
- Cậu chưa thể làm việc độc lập được.
- Em chưa hiểu?
- Cậu có lòng nhiệt tình. Nhưng chưa có tố chất.
- Tố chất, đó là gì, thưa sếp? – Bách nghiến chặt hai hàm răng lại.
Con người khắc nghiệt không trả lời. Ông ta mỉm cười và nghe điện thoại. Ông ta luôn luôn có điện thoại, luôn luôn có việc phải làm và luôn luôn dừng cuộc nói chuyện lại nửa chừng. Không biết đối với Huy, ông ta có nhấc điện thoại, quay mặt về phía cửa sổ có những chùm lá cây loà xoà và để cậu ta lủi thủi bước ra cửa, rón rén đóng cánh cửa gỗ sao cho không có tiếng động nào!
Trần Hoàng Lưu dường như đã đọc hết toàn bộ ý nghĩ trong đầu Bách, ít ra là anh cảm thấy thế, nhưng anh ta vẫn lãnh đạm chìa tay ra phía chiếc bình thuỷ tinh có vòi.
- Anh dùng thuốc gì?
- Ấy chết. – Sương chợt nhớ ra công việc của mình, vội rời khỏi đám tóc dài.
- Để em giới thiệu đã. Anh Bách mới đến đây lần đầu tiên. Đây là shisha.
Bàn tay ngắn ngủn của hắn bê một chiếc bình rất dài với hoa văn rực rỡ đến trước mặt Bách.
- Các em mồi thuốc đi.
Đám tóc dài ùa lại chiếc bình. Một cô gái choàng kín tấm khăn dệt kiểu Thổ Nhĩ Kỳ đặt những viên than hồng nhỏ xíu lên đỉnh chiếc bình và áp chặt vào đó một tờ giấy bạc.
- Anh Lưu thường dùng vị hoa hồng, anh cũng thế nhé. – Cô ta quay sang xin phép, một mùi thơm kỳ dị phả vào Bách.
- Tuỳ em.
Bách lơ đãng đưa mắt lên những tấm thảm thõng trên tường, những bộ da báo ẩn vào u tối. Căn phòng tối tăm, giả làm không khí của một đêm A rập.
- Em mời anh.
Cô gái choàng khăn đưa ống hút cho Bách và một ống từ bình khác cho Lưu. Bách ngập ngừng. Anh thấy Lưu thản nhiên rít một hơi dài.
- Anh hút thử đi nào.
Cô gái lấy lại đầu ống đưa vào miệng và nhả ra một làn khói thơm lừng. Cô ta ngồi nép vào Bách. Khói hoa hồng quẩn quanh cơ thể cô ta quện với mùi nước hoa hăng hắc. Bách ngậm lấy ống hút. Hương vị dịu dàng ngòn ngọt luồn dần lên, cuộn lấy đầu lưỡi rồi lan toả xuống cuống họng đang khô khốc.
- Tuyệt thật. – Anh thốt lên.
- Còn nhiều thứ tuyệt nữa – Sương nháy mắt
- Chẳng lẽ thằng em lại để cho anh chán hay sao.
Phía bên kia, những cô gái cũng nhanh nhẹn mồi thuốc và hút chung một bình với Sương. Bách nghe dậy lên vị hoa hồi nóng bỏng. Những làn khói bắt đầu khiến căn phòng mờ ảo như phủ sương.
- Anh Lưu là người theo đạo Hồi nên tụi em quen với món này rồi. – Sương lim dim ngả ngớn.
- Thật hả? – Bách ngạc nhiên. – Tôi chưa gặp một người Việt theo đạo Hồi bao giờ.
- Cũng như tôi chưa gặp một cảnh sát hình sự bao giờ. – Lưu cười vui vẻ. Bên cạnh anh ta cũng có một cô gái choàng tấm khăn thêu kín đến tận cổ, nhưng rõ là Lưu chỉ mải mê tận hưởng khói shisha vị hoa hồng của anh ta.
- Hiện nay trên khắp lãnh thổ có tới bảy mươi ngàn người theo đạo Hồi kia mà. Tôi chỉ là một trong bảy mươi ngàn, anh ngạc nhiên sao.
- Anh Lưu sùng đạo, tháng trước rét run người, mà anh ấy nhịn đói vào thàng Ramadan. – Sương có vẻ thú vị, cười đến sặc cả khói. – Nên hôm nay phải đưa anh Lưu đi ăn uống trả thù.
- Đừng nghe lời cậu ấy,
- Lưu chỉnh lại một chiếc nút dưới chân bình shisha
- Bố tôi theo Islam chính gốc, còn mẹ tôi thao đạo Bà ni, sau khi bà lấy chồng cũng cải đạo theo chồng, nên tôi còn nhiễm ít nhiều thói quen, cho dù bố mẹ tôi đã mất cả rồi.
- …
- Trước kia cha tôi còn bắt tôi cầu nguyện mỗi ngày năm lần và trước khi đi ngủ đều phải nghĩ đến đấng Allah và Tiên tri Mohamed. Nhưng bây giờ thì tôi chỉ còn lại một số thói quen trong năm cốt đạo ví như vẫn ăn chay vào tháng Ramadan và chia sẻ cho người nghèo chẳng hạn.
- Vợ anh cũng theo đạo Hồi? – Bách nói xong rồi mới thấy mình lỡ lời. Câu hỏi tò mò của anh có vẻ rất mắc bệnh nghề nghiệp. – Xin lỗi, tôi cũng chưa biết anh có vợ hay chưa.
Bách ngượng ngùng liếc mấy cô gái đang chăm chú với ống shisha.
- Không. Cô ấy nhất định không theo đạo. Nhưng cũng chẳng sao. Tôi không phải là người cuồng tín. Tôi tôn trọng vợ tôi. Mặc dù, cha tôi thườngnói với tôi rằng” Phụ nữ là một thực thể không hoàn hảo”.
Bách thấy Lưu cực kỳ thú vị. Vẻ điềm đạm và cởi mở của anh ta làm Bách kính nể. Anh dường như muốn kết bạn với con người này. Từ trước đến nay, Bách chỉ có Huy là người bạn thân duy nhất trên đời.
- Công ty của anh hoạt động trên lĩnh vực gì?
- Để em giới thiệu nhé,
- Thằng Sương cuống lên chêm vào. Hắn rất thích giới thiệu. Lần nào cũng thế. Giới thiệu và chú dẫn về mọi thứ dường như là một sở thích quái gở của hắn. – Công ty của bọn em kinh doanh hàng nhập khẩu, đang rất ăn nên làm ra. Nhưng trước đây, anh Lưu là một chuyên gia xây dựng, rồi kinh doanh địa ốc.
Cái từ hàng nhập khẩu mà Sương vừa nói khiến Bách lập tức trở về tinh thần cảnh giác. Từ đó có vẻ rất mờ ám.
- Chúng tôi phân phối phần mềm và linh kiện cho điện thoại di động. Tuỳ theo như cầu của thị trường mà phải liên tục thay đổi sản phẩm kinh doanh, nhưng tất cả đều là hàng nhập khẩu. – Lưu nói thêm.
Bách không hiểu lắm ý nghĩa của cách giải thích này, hoặc giả anh đang bị một thứ gì đó làm phân tán tư tưởng. Cái vị hồi, quế và hoa hồng đậm đặc hơn mức bình thường. Bách cảm thấy một mùi thơm lừng ngột ngạt sốc lên tận óc. Cái mùi này khá quen thuộc. Đó chính là cái mùi lẩn khuất với thứ nước hoa của cô gái đang ngồi sát bên Bách từ nãy đến giờ tạo thành một mùi hương quái dị. Đó là thứ mùi mà gã Mạnh thích thú khi giẫm một chân lên tấm lưng xăm trổ đầy xương xẩu nằm bẹp dí dưới sàn nhà.
- Thơm thế này thảo nào lũ chúng mày nghiện đến quên đời. Thôi hôm nay hốt hết các chú mày lên trại cho quên đời luôn nhé.
Bách thất thanh.
- Thằng Sương, mày đang hút cái gì đấy?
- Shisha mà ông anh.
- Mày đang hút tài mà? – Bách giận run người.
- Các em, ban nãy các em trộn gì vào cho anh ấy nhỉ? – Sương làm vẻ mặt ngơ ngác rồi giả bộ gí tai vào miệng một cô gái để lắng nghe. – Marijuana xịn, hàng xách tay đấy, ở đây không kiếm đâu ra cái của này. Anh Bách muốn thử tí không?
- Im đi, mày có muốn tao dẹp cái quán này không?
- Thôi nào, em hút cái này cũng như anh Bách, anh Lưu thích hoa hồng. Anh nhả khói shisha hoa hồng còn em nhả khói cocktail hoa hồi. Mỗi người một sở thích. Có sao nào.
Nói đoạn gã Sương cười hô hố như hoá dại. Những cô gái ngồi bên cạnh cũng khanh khách tuồng chế giễu Bách. Anh mím chặt môi, liếc nhìn Lưu.
- Cậu…
- Thôi, dẹp cái thừ này đi. – Lưu gằn tiếng.
Sương có vẻ ngạc nhiên rồi sợ hãi tắt lịm bình shisha. Những hình ảnh về Trần Hoàng Lưu, chủ trại Hoa Đỏ chỉ có thế. Sau đó, Bách lú lẫn cả đầu óc khi tay Sương khôn khéo ra hiệu cho những cô gái của hắn hất tấm áo choàng xuống đất. Họ lộ nguyên tấm thân trần với mảnh vải mỏng tang quây trễ xuống phần hông. Những cơ thể uốn lượn như rắn theo một điệu nhạc Trung Đông. Những chiếc chuông bé xíu rung lên khiêu khích. Cô gái nãy ngồi cạnh Bách lúc lắc bộ ngực trần và tiến dần về phía anh. Đôi tay lạnh toát phủ khói shisha miết dần lên ngực Bách. Mùi hương kỳ dị khiến Bách choàng tỉnh. Anh liếc nhìn Lưu. Trần Hoàng Lưu quả là một con người đáng kinh ngạc. Bộ mặt điềm tĩnh của anh ta chìm trong khói shisha. Lưu khiến anh kính nể, nhưng mối liên hệ giữa anh ta với gã Sương làm Bách hơi khó chịu.
Bách cảm thấy cơ thể lạnh buốt. Anh biết rằng mình đã vào tới phố nhà Huy. Hồi bá, mỗi lần Huy đèo Bách trên chiếc xe đạp mini qua con phố này, cậu thường chỉ cho anh ngôi biệt thự quét vôi trắng ẩn sau những tán xà cừ rậm rì.
- Nhà tớ đấy, ông bà ngoại và mẹ tớ đã từng ở trong cái lâu đài này.“ Lâu đài” mà Huy thường khoe với Bách đã thuộc về cậu ta, nhưng ngày ấy Bách rất sợ phải đi qua quãng phố ngắn ngủn này. Cũng chỉ vì một lần hai cậu bị hỏnh xe đạp và Huy táp vào một quán sửa xe ngay trên vỉa hè. Lão già sửa xe đạp có bộ mặt tươi cười, cởi mở và hay chuyện.
- Hai cậu nhà ở đâu qua đây?
- Nhà bọn cháu ở xa, nhưng ông bà ngoại và mẹ cháu đã từng ở trong căn nhà kia. – Huy tự hào chỉ tay về ngôi biệt thự có khoảng sân gạch đỏ rất rộng phủ đầy lá xà cừ.
Lão sửa xe đạp đang miết keo lên miếng cao su đã được cắt tròn bốn góc nhưng vội dừng ngay lại.
- May mắn cho cậu đã không phải ở trong ngôi nhà ấy.
- Tại sao ạ? – Huy mở to đôi mắt nâu rất đẹp.
- Các cậu không biết câu chuyện về con phố này hay sao? – Lão già thôi cười, đôi mắt nheo lại nhìn hai vị khách nhỏ tuổi. – Cái biệt thự màu vàng có chóp nhọn đằng kia trước đây thuộc quyền sở hữu của Quốc dân Đảng. Ngày xưa, bọn mật vụ thường đưa những kẻ mà chúng nghi ngờ vào trong ngôi nhà ấy. Đôi khi, chỉ là vì một lời mời công việc. Nhưng những ai đã trót vào đấy rồi, vĩnh viễn không quay trở lại được nữa.
Lão già áng chừng keo đã khô, mới nhẹ nhàng đặt lên lỗ săm thủng và lấy cây búa cũ kỹ đập đều đặn. Bách liếc nhìn căn biệt thự. Nó tuyệt đẹp với hàng rào sơn trắng và cầu thang hẹp rất cao dẫn lên cửa chính.
- Họ đi đâu hả bác, những vị khách ấy? – Đôi mắt nâu buồn bã của Huy thoáng kinh ngạc.
- Họ bị đưa xuống hầm. Ngay bên dưới căn nhà có một căn hầm khổng lồ. Bọn Quốc dân Đảng có đến hàng trăm dụng cụ tra tấn. Những kẻ không may bị đưa vào đó, sẽ bị tra tấn cho đến chết. Sau cùng, xác của họ sẽ được mang ra lối cửa hậu thông ra hồ. Cách đây ít lâu, người ta nạo vét lòng hồ và tìm thấy vài trăm bộ xương dưới đó. Xương đầu và chân tay. Không còn biết của ai với ai nữa.
Bách và Huy nín thở.
- Không liên quan đến nhà cháu. – Sau cùng, Huy cũng thốt lên một câu vẻ trách móc.
- Từ từ đã. Tôi chưa kể hết. Tôi thì chưa biết mặt mũi căn hầm ấy ra sao, nhưng sau ngày giải phóng, quân ta cho người vào dọn dẹp ngôi nhà. Có năm người xuống căn hầm và khi quay trở lên… một người đã nhảy lầu tự tử ngay lập tức. Một người về nhà ba hôm thì phát dại và những người còn lại , các cậu biết họ làm gì không? Họ lấy kim tự khâu đôi mắt của mình lại để không phải nhìn thấy những hình ảnh khủng khiếp mà họ chứng kiến hàng đêm.
- Họ đã nhìn thấy những gì?
- Tôi có biết đâu. Họ cũng chết ngay sau đó, nhưng tôi chắc rằng những cảnh tượng họ nhìn thấy phải ghê rợn lắm. Còn nữa, tất cả những người này đều luôn miệng kêu lên “ Quỷ dữ”
- Những người bị chết đã hoá quỷ à?
- Không, mà trước nữa kia, từ thời ông cố nhà tôi. Khi ấy dân cư tụ hết trong thành nội và nơi này vẫn còn hoang vu, hẻo lánh. Một đêm nọ, có ông tướng và quân lính của ông ta dẫn một đám tử tù đến đây để hành hình. Ông ta sơ suất thực hiện việc đó đúng vào khắc đầu tiên của giờ Tí, ngày Rằm, bên cạnh cây si ven hồ nước mà không biết rằng ngay dưới gốc cây si đó là mồ chôn tập thể của lũ mèo đen. Ngày ấy người ta cho mèo đen là hiện thân của quỷ ác, nên bất cứ con mèo đen nào bị chết đều được đưa về đây. Ông ta thực hiện nghĩa vụ của mình một cách vô tình, chỉ là vô tình thôi, đúng vào thời khắc, đúng vào vị trí mà khí âm tụ lại đến cực điểm. Những linh hồn của bọn tử tù không được siêu thoát. Khi còn sống, chúng đã là những kẻ tội đồ tàn ác, thì lúc chết sức mạnh của chúng tăng lên gấp ngàn lần. Và xung quanh nơi này, xung quanh hồ nước này…
- lão già thầm thì, khoé miệng hơi nhích sang một bên
- chứa đầy quỷ dữ và tội lỗi.
- …
- Quỷ dữ đã chiếm lĩnh căn nhà đó, và không chỉ có thế, bố tôi nói rằng rất nhiều ngôi nhà ở con phố này đã bị ám. Có những chủ nhà không chịu nổi phải dọn đi nơi khác, hoặc…có những kẻ bị quỷ ám đến phát sinh bệnh mà chết. Nhiều lần, tôi đi làm về muộn, cứ thấy khí lạnh ở đâu thổi về ào ào, mà quái lạ, có gió nhưng lại rất ngột ngạt. Đúng lúc đó, tiếng rên rỉ thoát ra âm âm từ những bức tường kia. Đấy chính là các linh hồn bị giam giữ đang than khóc. Sau vài bận liên tục như thế, tôi chỉ dám làm ở đây vào ban ngày.
May mắn thay, chiếc săm đã được nhồi vào trong lốp. Lão già hoàn tất công việc bơm căng nó lên và nhận nắm tiền vo tròn từ bàn tay trắng hồng của Huy. Hai đứa nín thít từ đó về đến nhà. Ra đến đầu phố rồi ngoặt sang con đường cắt ngang trồng đầy cây hoa sữa mới thấy thở phào. Huy thì ngay hôm sau đã quên ngay chuyện đó và bất cứ lúc nào có dịp đi qua phố vẫn lại chỉ tay về phía ngôi biệt thự màu trắng đầy tự hào.
- Đấy, nhà tớ hôm nay mới được quét sơn cửa.
Nhưng Bách thì không thích con phố này một tẹo nào, cho dù nó rất đẹp, rất vắng vẻ với những ngôi biệt thự Pháp cổ sang trọng lất phất tàn hoa giấy đủ màu sắc. Mỗi lần rẽ vào phố là y như rằng Bách cảm thấy nhiệt độ ở đây khác hẳn bình thường. Có lần Huy cười phá lên khi Bách buột miệng nói ra nhận xét ấy.
- Cậu hấp thật. Khu phố này ở cạnh hồ, có mát lạnh lên là phải. Nói cho cậu biết, nhà ở đây đắt gấp năm lần ở nơi khác. Đố cậu tìm được vị trí giữa trung tâm nào mà yên tĩnh như cái phố này.
Bách thì cho rằng, nếu không phải Huy sống ở đây thì có các vàng anh cũng chẳng thèm chui vào con phố khó chịu ấy.
Chất cồn đậm đặc trong cơ thể và những cơn gió lạnh làm Bách ngây ngất. Con đường này ít đèn, nhưng hôm nay ngày giữa tháng, trăng đã lên đến đỉnh. Ánh sáng lành lạnh soi rõ từng vết ố trên mặt đường nhựa. Giờ anh không những cảm nhận mà còn nghe rõ cả tiếng sần sật của bánh xe đanh được chạy bằng vành.
Nhà Huy và mọi ngôi nhà khác trong khu phố đều đã chìm trong bóng tối, ngoại trừ căn hộ đối diện duy nhất còn một ánh sáng vàng kiểu đèn ngủ trên tầng hai. Bách dựng xe ngay ngắn cạnh cổng sắt rồi bấm chuông. Tiếng chuông điện vang lên khe khẽ sau cánh cửa dày. Bách hơi ngại. Rõ là bạn anh đang ngủ say, biết đâu lại có cả cô gái tóc quăn nâu ở trong đó nữa. Tự nhiên, anh cảm thấy ý tưởng tự cho là khôn ngoan ban nãy thật dớ dẩn. Bách nhìn chiếc lốp bẹp dí của mình và nhấn thêm một hồi chuông.
Anh rút điện thoại và bấm số cố định của Huy. Máy đổ chuông từng hồi dài. Bách thấy khắp cơ thể đau nhức. Anh bị cảm mất rồi. Bách tựa người vào cánh cổng sắt mát lạnh nhưng bất ngờ bị lao thẳng vào sân trong do hụt đà. Cánh cổng rít lên một tiếng chói tai. Bách chới với suýt đâm sầm vào chậu cây cảnh. Anh chửi thề” Rõ là con mụ điên đã ám quẻ mình từ sáng đến giờ.” Thì ra cánh cổng không khoá. Cú mất đà này giống hệt buổi sáng và Bách dường như tức điên lên. “ Ngày hôm nay kỳ quặc thật”.
Anh cho xe vào sân và đóng cổng sắt lại cẩn thận, không quên cài then cửa. “Thằng Huy ẩu quá, nó cứ làm như tất cả lũ trộm đêm đều được thông báo đây là nhà của cảnh sát hình sự Đỗ Quang Huy”. Ánh trăng đêm đổ sáng chan hoà khắp khoảng sân, nhưng ở vị trí mà anh dựng xe, những tán lá xà cừ hơi rung rinh tạo nên những mảng lốm đốm đen ngòm.
Kim đồng hồ của Bách đã nhích đến con số 12. Thốt nhiên, anh lạnh run người. Bách rủa thầm. Anh không thích sự “mát mẻ” này một tí nào. Cậu bạn quý hoá của anh chẳng lẽ không linh cảm thấy có khách quý đang đến. Bách tự pha trò và bước lên bậc thềm. Anh lấy chìa khoá xe gõ gõ vào cánh cửa gỗ và tranh thủ kéo cái cầu nối bằng sắt kê vào bậu cửa để dắt xe lên. Huy thường cho xe vào tận phòng khách, như thế an toàn hơn, tất nhiên rồi. Anh đã kê xong chiếc cầu nối và chỉnh đầu xe sẵn sàng, chỉ cần Huy mở cửa là sẽ để số 1 lao thẳng lên phòng khách.
Bách gọi khe khẽ. Réo tên người khác giữa đêm hôm khuyu khoắt thế này thật chẳng phải ý kiến hay. Anh bắt đầu đếm, anh đã đếm được đến gần 100. Bách sốt ruột, vặn vẹo quả đấm. Anh rùng mình. Dường như quả đấm cửa tự xoay chuyển. Huy không khoá cả cửa gỗ hay sao? Hay cô bạn gái tóc nâu vừa mới lên trên ấy? Khi cánh cửa được nhích tới, gió từ một cửa sổ nào đó trong nhà lọt ra thông với cửa trước tạo thành một cơn gió lùa khiến Bách chóng mặt.
Anh mở toang cửa. Phòng khách nhà Huy tối om. Chiếc xe Piagio màu đen quen thuộc dựng vội vàng giữa nhà. Bách ẩy xe của Huy vào sát bàn uống nước rồi cho chiếc xe thảm hại của mình sang bên cạnh. Xong xuôi, Bách đóng cửa, chốt lại cẩn thận rồi lần mò trong bóng tối. Anh không muốn bật đèn. Nếu Huy còn đang ngủ thì anh không nỡ đánh thức bạn dậy, còn Huy đang mải mê làm gì đó mà không biết có khách đến nhà, anh sẽ hù cho cậu ta một trận, thử xem còn muốn ca ngợi căn nhà mát lạnh ven hồ nữa hay không. Phần nhiều, Bách đoán là Huy đang ngủ say.
Cả lớp đại học ngày xưa đều biết tật ngủ của Huy. Nếu cậu ta đã nhắm tịt mắt vào rồi thì có bắn đại bác cũng không dậy. Có lần thằng Kha lớp trưởng còn đầu trò khiêng nguyên chiếc võng của Huy sang phòng ký túc xá nữ. Anh chàng Huy tội nghiệp sau giấc nồng buổi trưa mắt nhắm mắt mở với quần xà lỏn ngơ ngác nhìn đám con gái rúc rích xung quanh. Thậm chí họ còn trang điểm môi son má phấn cho Huy lộng lẫy như thể vũ công nhà hát Alcazar( Nhà hát của những vũ công chuyển đổi giới tính ở Thái Lan) mà cậu ta vẫn không hay biết gì. Nên nếu bây giờ Bách có rủ cả phòng đến đây bù khú tiếp một cuộc bia thì Huy vẫn cứ ngon giấc như thường, và sáng dậy sẽ nhìn đám vỏ chai ngổn ngang mà lẩm bẩm” Dạo này mình hay quên quá, tối qua uống bia với ai ở đây mà giờ không nhớ ra được”. Nghĩ đến đó, Bách tủm tỉm cười một mình.
Anh đã lên đến tầng hai, phòng ngủ của Huy đóng kín mít. Sau cánh cửa vọng ra tiếng nhạc khe khẽ. Huy thường bật nhạc trước khi đi ngủ nhưng hiếm khi cậu ta nghe hết được bản đầu tiên. Nhạc vẫn còn bật nghĩa là cậu ta chỉ mới ngủ trong vòng một tiếng trở lại. Trong tiếng đầu tiên con người ta thường ngủ ngon nhất, cậu ta thậm chí không nghe thấy cả chuông cửa lẫn chuông điện thoại là phải.
Một cơn gió ở đâu xói vào đỉnh đầu Bách. Bách đinh mở cửa phòng nhưng rút cuộc lại leo tiếp lên tầng ba. “ Biết đâu, Huy đi về mệt quá quên cả đóng cửa ban công trên ấy. Mình nhân tiện lên kiểm tra xem sao”. Bách làm việc này theo thói quen. Bất kể đi công tác đâu mà phải ở chung một phòng, Bách lúc nào cũng kiểm tra mọi thứ kỹ càng trước khi đi ngủ, trong phi Huy cứ vào phòng, trao đổi được vài ba câu đã nghe thấy tiếng ngáy.
Gió cứ luồn xuống hun hút, và khi Bách rẽ từ chiếu nghỉ lên trên khúc cầu thang trên, anh lại thấy gió thốc ở dưới lên. Quái lạ, ban nãy Bách đã đóng chặt cửa phòng khách. Có còn kẽ hở nào nữa đâu. Trên tầng ba cũng tối om. Bách bật công tắc. Thì ra trên này chì còn một cửa sổ không đóng. Bách châm một điếu thuốc nhưng mới chỉ rít vài hơi anh đã bị những cơn gió lùa từ ngoài cửa sổ làm cho váng vất. Tự nhiên Bách thấy sợ gió trời như sản phụ đang kỳ kiêng cữ.
Toà nhà này được xây theo kiến trúc kiểu Pháp nên cửa sổ cũng to gần bằng cửa ra vào. Anh với tay đóng chặt hai cánh cửa kính và kéo rèm lại cẩn thận. Nếu không, ngay mai ánh mặt trời chói chang sẽ theo cái cửa sổ này mà ùa xuống tận phòng khách. Bách ngắt hết công tắc và chỉ để lại ngọn đèn cầu thang. Lần này, anh vẫn thấy gió lùa ngược trở lại. Bách chầm chậm xuống từng bậc cầu thang bằng gỗ. Tiếng nhạc lúc này đã rõ mồn một như thể Bách ngồi ngay cạnh chiếc máy hát.” Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt. Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt. Rọi suốt trăm năm một cõi đi về.” Giọng Khánh Ly não nề.
- Huy à?
Cửa phòng Huy đang mở. Nghĩa là cậu ta đã dậy và biết rằng trong nhà đang có khách.
- Huy ơi. Tôi vừa làm vú em đóng hết các cửa cho cậu rồi đấy nhé.
Gió từ phòng Huy thốc ra lồng lộng. Cánh cửa đung đưa nhè nhẹ và phòng cậu ta vẫn tối om. Không lẽ Huy vừa thức giấc, nhìn thấy xe của Bách và cũng có ý định giống Bách ban nãy là muốn hù bạn một mẻ. “ Toàn dân hình sự mà vẫn còn chơi trò con nít”, Bách muốn mỉm cười mà không sao nhích nổi khoé miệng.
Ngọn đèn trên vách tường hẳn đã ngự ở đấy từ thời Pháp thuộc. Nó đồng thời là một phù điêu bằng đồng đen hình đôi mắt kiểu Ấn Độ. Đôi mắt lúc nào cũng mở to và đang nhìn chằm chằm vào Bách. Sao bây giờ anh mới để ý ở đây có cái phù điêu này. Dù sao trông nó cũng chẳng có vẻ gì là mỹ thuật, trái lại nom còn rờn rợn như một thứ bùa chú của thổ dân châu Phi.
- Huy à, có gì mời mình ăn không? – Bách mở toang cửa phòng Huy và ấn mạnh vào cánh vào cục nam châm bên dưới.
- Cậu đâu rồi? Thôi đừng đùa nữa. Có gì dọn ra cho tớ chén để tớ còn đi ngủ.
Bách nhấn bừa một công tắc cạnh cửa ra vào. Ngọn đèn ngủ bật sáng. Nó toả ánh sáng lờ mờ lên cái khối đen sì mà Bách thoáng thấy lúc bước vào. Chăn gối vẫn lùng nhùng một đống trên giường nhưng không có Huy. “ Cậu ta không bao giờ gấp chăn gối”, Bách thoáng nghĩ. Anh đã thuộc lòng từng thói quen của Huy. Chiếc gạt tàn trên táp đờ luy đầu giường chỉ có vài đầu mẩu. Chắc hẳn sáng nay cô nàng của cậu ta đã qua đây nên nó mới sạch sẽ thế.“ Trong khi ta về lại nhớ ta đi. Đi lên non cao đi về biển rộng. Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng. Ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì”. Chiêc máy hát kiểu cổ quay những vòng cuối cùng cho hết đoạn nhạc đệm rồi dưng hẳn. Căn phòng trở lại tĩnh mịch, đến nỗi Bách có thể nghe rõ tiếng phần phật của chiếc rèm cửa bị gió thốc tung lên. Cửa sổ trông ra sân sau một toà nhà khác. Có lẽ đây là ngôi nhà duy nhất còn để nguyên bản kiểu cửa sổ không chấn song từ thời Pháp. Tất cả các chủ nhân khác trong thành phố sau khi tiếp quản những ngôi nhà kiến trúc kiều naỳ đều đã lắp hết song sắt để đề phòng đạo tặc. Bách hét lớn.
- Huy, cậu ra đây đi.
Tiếng gọi của Bách tắc lại. Trong ngôi nhà hoang vắng này, anh thấy sợ chính giọng nói của mình. Anh bước ra cửa, có thể cậu ta ở dưới nhà và đang ngồi vắt vẻo trên salon hút thuốc lá, thậm chí còn tủm tỉm cười khi nghe thấy tiếng Bách gọi. Bất thần, Bách thấy đôi chân mình ướt sũng. Nước ở đâu ứa ra ngày càng nhiều. Nó tràn ra khắp mặt sàn. Lúc mới vào phòng, Bách không hề nhìn thấy có nước. Vũng nước này, màu của nó, mùi của nó, có điều gì đó không bình thường. Bách gí mắt xuống sàn. Nó đang tràn ra từ buồng tắm. Bách lắng tai nghe, quả nhiên có tiếng nước xối nhè nhẹ. Một chút ánh sáng hắt ra từ khe cửa đóng chặt.
Bách giật mạnh quả đấm.
Tiếng rú của Bách vang khắp ngôi biệt thự Pháp cổ.
Đỗ Quang Huy, người bạn thân thiết nhất đời anh, đang ngâm mình trong bồn tắm. Đôi mắt to nâu giờ chỉ còn toàn tròng trắng. Bồn nước đã biến thành màu đỏ sậm, và người nằm trong đó, trần truồng với một vết cứa sâu trên cổ.