Trừng Phạt (Punishment)

Chương 6: Hồi ức (I)




Lặng lẽ hướng cái nhìn đầy suy tư ra ngoài cửa sổ vào buổi sớm, Lưu Quang hết thở dài rồi lại nhắm mắt đầy mệt mỏi. Sau cái lần thẩm vấn Vũ Thanh mấy ngày trước, lòng chàng cảnh sát này cứ bức bối không yên. Càng nghĩ về câu nói: “Tốt nhất, anh không nên biết!” từ miệng hắn là anh thêm khổ sở vật vã vì không tài nào tìm ra nguyên do cái chết của đứa em xấu số. Lưu Quang đoán chắc rằng, mối quan hệ giữa Vũ Thanh - Dương Đan - Lưu Vinh chẳng hề bình thường. Và nhất định cái chết của Lưu Vinh với sự mất tích của Dương Đan có liên quan với nhau. Nhưng, rốt cuộc là gì chứ?
“Đồ cứng đầu!” - Đập tay xuống bàn, Lưu Quang mắng Vũ Thanh chẳng tiếc lời.
Đúng lúc, chuông điện thoại đỗ dài. Chậm rãi bắt máy, Lưu Quang chưa kịp nói alo thì bên kia đầu dây, tiếng Lộc vang vang vẻ lo lắng: “Sáng nay nhà giam báo là Vũ Thanh đột nhiên sốt cao. Hắn không ngừng gọi tên cô giáo Dương Đan và nói mê sảng mấy lời khó hiểu”.
Vừa mở cửa buồng giam, người cán bộ quản lý vừa bảo:
“Sau khi tiêm thuốc hạ sốt, phạm nhân Vũ Thanh đã trở lại bình thường. Sau đó, anh ta yêu cầu được gặp cảnh sát Lưu Quang.”
“Anh có biết là chuyện gì không?”
Mở ổ khoá xong, người cán bộ nọ quay qua lắc đầu trước câu hỏi từ Lộc:
“Tôi không rõ nhưng anh ta bảo chỉ gặp riêng một mình cảnh sát Lưu Quang. Đây, anh vào đi. Nếu có việc không may xảy ra, hãy gọi lớn, chúng tôi đến ngay!”
Bước vào bên trong căn phòng kín bưng tối om, Lưu Quang thấy không có gì ngoài cảm giác lạnh lẽo cô độc đến rợn người. Xung quanh chỉ là bốn bức tường xi măng màu xám lạnh tanh. Tội phạm luôn phải sống trong một nơi như thế này.
“Xin lỗi vì đã đột ngột yêu cầu anh đến đây.” - Chất giọng khàn đục của Vũ Thanh bất chợt vang lên trong góc phòng. Vẻ như cơn sốt chưa dứt hẳn vì nghe hắn thở khá nặng nề.
Phải cố gắng lắm, Lưu Quang mới nhìn rõ gương mặt Vũ Thanh. Bóng tối hầu như bao trùm mọi thứ. Sắc mặt hắn hơi tệ, trắng bệch và không chút sức sống.
“Tìm tôi có chuyện gì?” - Lưu Quang dò xét - “Hay cậu đổi ý, muốn kể toàn bộ sự thật cho tôi nghe? Chắc là không. Dù có chết, cậu cũng chả chịu mở miệng.”
Lặng thinh vài giây, Vũ Thanh nhổm người dậy ngồi thẳng trên chiếc giường.
“Nếu... tôi kể anh nghe hết mọi chuyện thì anh sẽ giúp tôi một việc chứ?”
Hiển nhiên, Lưu Quang vô cùng ngạc nhiên trước điều ấy. Anh không ngờ, Vũ Thanh đồng ý nói ra sự thật - thứ mà mấy ngày trước dù có bị đe doạ thế nào hắn cũng kín bưng miệng. Rất nhanh, chàng cảnh sát hiểu việc Vũ Thanh nhờ cậy mình hẳn là rất quan trọng nên hắn mới chấp nhận xuống nước như vậy.
“Đừng lo, tôi không nhờ anh giết người đâu.” - Vũ Thanh cười nhạt - “Chỉ mong anh tìm giúp một người quý giá đối với tôi. Cô giáo Dương Đan!”
“Sao? Cậu biết cô giáo Đan ở đâu ư?”
Đối diện, trông dáng vẻ ngạc nhiên từ Lưu Quang, đôi mắt Vũ Thanh trở nên sâu thẳm giống như câu chuyện sắp được kể là rất dài.
Phần 1: [Người lớn]
“Thanh, vào ăn cơm mau!”
Đó là tiếng gọi quen thuộc của mẹ vào mỗi buổi trưa lúc Vũ Thanh tám tuổi. Thường thì khi nghe giọng mẹ trở nên gay gắt, thằng bé mới chịu đứng dậy. Không giống những đứa trẻ cùng tuổi, nó có một thói quen giống người lớn: ngồi ở bậc thềm, lặng lẽ ngắm nhìn những tán cây xanh um dưới ánh nắng đổ lửa của mùa hè.
Lầm lũi bước đến bàn ăn, Vũ Thanh thấy mẹ ngồi chờ mình cùng vẻ mặt sắp mất kiên nhẫn. Hẳn, bà quá mệt mỏi trước cái kiểu cứ mỗi bữa trưa thì phải réo tên con ầm ĩ. Nhưng thường không quát mắng nhiều, bà chỉ đợi Vũ Thanh tự kéo ghế, ngồi thật ngay ngắn và hoàn toàn giữ im lặng.
“Làm gì mà suốt ngày cứ ngồi ở bậc thềm...”
Quan sát mẹ gắp thức ăn vào tô cơm đồng thời lắng nghe tiếng rì rầm khó chịu từ bà, Vũ Thanh không lên tiếng đáp lời. Chốc chốc, thằng bé lại hướng đôi mắt to tròn ra ngoài cửa sổ, để tiếp tục nhìn khoảng sân nhỏ với vô số những lỗ trắng lung linh.
“Trắng.
Khi nắng chiếu qua cành cây, nơi nào không có bóng lá đổ xuống thì trên nền đất sẽ xuất hiện các lỗ sáng mà tôi hay gọi đó là khoảng trắng.
Tôi thích khoảng trắng vì chúng không có màu, gần như vô hình.
Giống tôi!
Một đứa bé sống khép kín, trầm lặng và thích yên tĩnh, người lớn nghĩ tôi mắc bệnh tự kỷ.
Khó hiểu!
Người lớn luôn kỳ lạ...”
Kịch! Có vật gì đó đặt ngay trước mặt Vũ Thanh khiến thằng bé thoát khỏi thế giới riêng, đảo mắt nhìn trở lại. Tô cơm bốc khói và mấy con tép rang hấp dẫn nằm như chờ đợi, kế bên còn có chén súp nóng. Nó thấy đói! Mau chóng cầm muỗng lên, Vũ Thanh chưa kịp đặt thứ kim loại sáng bóng kia vào tô thì “Bộp!”, một cú đánh khá nhẹ từ mẹ. Lần nào cũng như lần đó, thằng bé vẫn bị mẹ đánh vào tay trái. Lý do ư? Vì nó cầm muỗng ngược tay!
“Mẹ đã bảo, con đừng cầm muỗng hay viết bằng tay trái.”
Ngước nhìn mẹ trong chốc lát, Vũ Thanh chậm rãi đổi qua tay phải. Bữa cơm bắt đầu khi thằng bé lóng ngóng với việc cầm muỗng bằng cái tay không thuận.
“Tôi là đứa trẻ thuận tay trái...
Nhưng bố mẹ không thích điều này. Họ bảo tôi thật ngược ngạo với người khác.
Vì vậy, họ bắt tôi phải tập cầm mọi thứ bằng tay phải để giống bình thường.
Tôi không hiểu!
Những lúc bắt gặp con làm gì đó, nếu bản thân không thích, bố mẹ sẽ đánh và ra lệnh: “Đừng làm nữa!”.
Họ không giải thích lý do... Chỉ đơn giản, họ không thích!
Và vì họ không thích nên họ cấm!
Để mặc đứa trẻ mãi mãi chẳng hiểu vì sao mình bị cấm làm việc ấy.
Người lớn thật kỳ quặc.”
Sau khi dùng xong bữa cơm khá khó khăn, Vũ Thanh toan đứng dậy rời khỏi bàn thì giọng mẹ vang lên nhẹ nhàng:
“Tập một thời gian, con sẽ quen với việc dùng tay phải. Giờ thì hãy đi ngủ rồi sau đó làm bài tập tiếng Anh, chuẩn bị đến lớp học thêm chiều nay. Mẹ không muốn con làm biếng. Nếu làm đúng con sẽ được thưởng.”
Khẽ gật đầu, Vũ Thanh nhảy xuống chiếc ghế cao mà bản thân phải tự nhón chân mới leo lên được. Đi được vài bước, nó liền quay qua thấy mẹ mỉm cười trìu mến.
“Tôi không thích học tiếng Anh, càng không thích những buổi học thêm nặng nề.
Bố mẹ bảo, trẻ em bây giờ đều phải biết tiếng Anh sớm. Họ bắt tôi làm theo.
Không hiểu!
Tôi thích cầm muỗng bằng tay trái nhưng mẹ tôi không vui.
Ấy vậy, bà lại mỉm cười hài lòng khi thấy tôi làm việc mình không thích.
Mẹ vẫn nói: “Nếu làm đúng, con sẽ được thưởng”.
Nhiều lần tôi tự hỏi, thế nào là làm đúng, thế nào là làm sai?
Bố mẹ chẳng dạy tôi gì cả...
Về đúng và sai.
Tôi sống “nghe theo” như một con vẹt.
Đối với tôi, Người lớn luôn kỳ quặc.
Tôi không bao giờ HIỂU RÕ họ.”
Phần 2: [Vô hình]
“Đã có lúc tôi nói về những khoảng trắng?
Và tôi không ngờ, sẽ có ngày mình trở thành “khoảng trắng” ấy.
Là khi tôi hiểu rằng, mình thật sự vô hình.”
Năm Vũ Thanh lên mười, bố mẹ ly dị và nó được đưa đến viện mồ côi Mái Ấm. Thằng bé nhận ra, mình bị bỏ rơi! Lạ thay, trong lòng không hề oán trách hay giận bố mẹ, Vũ Thanh chỉ thấy sự cô độc trong bản thân ngày càng lớn. Nó chẳng rõ mình sống vì cái gì, tồn tại vì điều gì giữa cuộc đời này. Hay là vô hình như các khoảng trắng trong ký ức - thứ mà người ta còn không biết đến sự hiện diện của chúng.
Những đứa trẻ tại viện mồ côi Mái Ấm phần lớn đều giống Vũ Thanh. Bị bố mẹ từ bỏ. Chúng cứ cười đùa hồn nhiên dù trong lòng luôn tự hỏi lý do vì sao mình được sinh ra để rồi phải ở đây?
Từ khi bắt đầu cuộc sống mới, Vũ Thanh không còn bị bắt ép cầm mọi thứ bằng tay phải, cũng không bị buộc đi học thêm hoặc đại loại những điều nó chán ghét. Thằng bé thấy thoải mái. Nhưng chẳng rõ từ lúc nào, Vũ Thanh khao khát được yêu thương nhiều hơn. Các cô trong viện rất hiền lành và tốt bụng, chăm sóc miếng ăn giấc ngủ cho những đứa trẻ không may này. Họ ít khi la mắng trách phạt chúng. Không phải vì các cô quá hiền mà bởi họ chẳng thể quan tâm hết tất cả bọn trẻ. Gần một trăm đứa, lẽ nào họ chỉ đối xử đặc biệt với hai, ba em? Sẽ không công bằng.
Vũ Thanh vẫn giữ thói quen ngồi lặng lẽ trên bậc thềm, ngắm nhìn lá và nắng. Dạo gần đây, thằng bé phát hiện những khoảng trắng ngày một nhiều hơn, hệt như tâm hồn trống rỗng của mình. Những đứa trẻ trong viện tò mò về Vũ Thanh nhưng không mời nó tham gia vào các cuộc chơi. Chỉ là vì, trông nó thật khác biệt! Trẻ em thường “tẩy chay” những thứ quá khác chúng.
Gương mặt trầm tĩnh, cái nhìn lơ đễnh mơ hồ, đầu óc như trôi dạt về đâu chẳng rõ, Vũ Thanh là như thế. Cô độc. Người ta nói, đứa trẻ nào chứa nhiều suy nghĩ trong đầu thì luôn mang dáng vẻ thẫn thờ khác thường, có cảm tưởng không ai trên thế gian này hiểu chúng muốn gì.
Vũ Thanh vẫn không được dạy thế nào là đúng - sai. Nó chẳng hiểu gì cả. Thứ tồn tại duy nhất trong thằng bé chỉ có khoảng trắng và vô hình.
Ở trường, Vũ Thanh không có bạn. Chẳng ai sợ nó nhưng họ không thể đến gần. Vũ Thanh là một chiếc bóng lặng lẽ, đi giữa sân trường hay dãy hành lang nhộn nhịp tiếng cười nói đùa giỡn của học sinh... Mỗi ngày đều đặn như một vòng quay cũ rích, các học sinh khác luôn thấy Vũ Thanh bước đi chậm rãi, mang theo gương mặt thờ ơ vô cảm, đôi mắt xa xăm đầy suy tư, kiểu như cứ mơ mơ màng màng. Lơ đễnh. Thằng bé không quan tâm mọi thứ diễn ra xung quanh.
Trường học là một xã hội thu nhỏ. Mọi thứ đều có thể diễn ra, từ điều tốt đẹp cho đến điều xấu xa tồi tệ nhất.
Cuộc trò chuyện nhạt nhẽo của mấy nữ sinh.
“Hôm qua tự dưng tao muốn dầm mưa mày ơi!”
“Điên khùng! Bộ mày thất tình hả?”
Tiếng thời gian trôi và những thứ chợt nhiên ngưng đọng.
Ly cacao uống dở rơi cái bịch xuống đất.
Thứ chất lỏng màu nâu vấy bẩn cả sàn.
Hay lời mời thích thú của cậu học sinh dành cho đứa bạn thân.
“Chiều nay bố mẹ tao đi vắng, đến nhà tao coi phim nhé?”
“Phim con nhỏ lần trước đóng sao? Chán con đó rồi!”
Thậm chí cả trò bắt nạt hèn hạ của những kẻ thích chèn ép người yếu hơn mình.
“Ê! Hôm nay không có tiền cho bọn tao sao?”
“Đánh nó đi! Để chiều tan học xe cứu thương đưa nó về nhà!”
Và, đôi khi là... sự va chạm khẽ của hai bờ vai.
Một tên nam sinh cau mày khó chịu khi vai Vũ Thanh đập nhẹ vào vai mình. Hắn là dân lưu manh. Khi trông cái bản mặt thờ ơ của thằng bé, hắn tự dưng điên tiết lên, giơ tay đấm thẳng vào bụng đối phương. Đau! Vũ Thanh sờ bụng rồi đưa mắt nhìn... Tên nọ cười nhếch mép, nói câu thách thức. Và rồi, nó lao vào đánh nhau với hắn.
Vũ Thanh bỗng chốc trở thành học sinh cá biệt. Không phải kẻ thích gây chiến, chỉ là khi ai đó thách thì thằng bé sẽ đánh...! Đơn giản, nó chưa được dạy thế nào là đúng - sai.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.