Trường Kiếm Tương Tư

Chương 15: Diệu thủ côn lôn




Bảy ngày sau, Khấu Anh Kiệt đến được Cao Lan.
Đây là một trấn lớn nhà cửa trong phố sầm uất, cây cối xanh tươi, buôn bán nhộn nhịp và ruộng nương trù phú, phong cảnh cũng rất hữu tình.
Đặc biệt ở trên núi sát với trấn thành này có hai ngôi chùa tháp nguy nga màu trắng nổi bật lên nền trời gọi là Bạch Tháp tự, xa cả chục dặm vẫn còn thấy rõ.
Du khách đã từng một lần tới đây tất đem lòng lưu luyến chẳng muốn rời.
Khấu Anh Kiệt chở linh cữu sư phụ Quách Bạch Vân tới đây, mình bận tang chế, hình dung tiều tụy, người bám đầy bụi đường.
Rút kinh nghiệm lần ở Tần Châu, dọc đường chàng cố tránh vào các trú ở các khách điếm mà thường nghỉ chân trong những ngôi chùa vắng, thậm chí dùng cơm chay bố thí ngay trong chùa, trước khi đi không quen để lưu lại vài lạng bạc.
Ngoài ra chàng không tiết lộ người trong quan tài là ai, ngay cả những tăng nhân trong chùa cũng thế.
Bạch Tháp tự là một trong những danh lam thắng cảnh ở Cao Lan, tuy nằm trên núi cao nhưng lại sát bờ sông Hoàng Hà hùng vĩ.
Nơi đây hương hỏa cực thịnh, thiện nam tín nữ đến đây dâng hương quanh năm không lúc nào ngớt.
Trong chùa có tới ba trăm tăng nhân, vô số thần tượng, từ xa đã thấy hai ngọn tháp hùng vĩ nhưng bước vào cổng chùa mới thấy hết sự đồ sộ huy hoàng của nó.
Vì chở theo linh sàng nên Khấu Anh Kiệt được dẫn vào ngôi chùa khá vắng vẻ ở phía tây thiền viện.
Tuy cũng thuộc Bạch Tháp tự nhưng ngôi chùa nằm biệt lập giống như một ngôi chùa riêng, cũng có tên riêng gọi là 'Tiểu Thiền Sơn Phòng', cất đặt tám vị tăng nhân quản lý sự vụ.
Ngôi chùa này ít hương khách hơn chính tự nhiều.
Khấu Anh Kiệt được xếp ở dãy phòng trong khoa viện, nơi đây chỉ có một hòa thượng gọi là 'Phong Hỏa Tăng' đã nhiều tuổi coi sóc.
Tự viện đã có đến mười mấy cây thông già cao vút, cành lá xum xuê, còn trước dãy thiền phòng có một hàng mai, cảnh trí vừa u tịch vừa thanh nhã.
Khấu Anh Kiệt cúng cho chùa mấy lạng bạc, xin cho đặt linh cữu sư phụ ở ngay Phật đường.
Sư cụ liền cho mấy lão tăng đến cầu kinh.
Xong việc thì đã tới giờ cơm tối, tăng nhân lục tục kéo đi dùng bữa, Khấu Anh Kiệt cũng rời khỏi Phật đường.
Chàng chưa về phòng ngay mà còn đi lững thững trong thiền viện, ngắm hàng mai và những cây cổ tùng, trong lòng chợt cảm thấy thư thái.
Dưới kia, ánh tà dương hắt xuống dòng sông Hoàng Hà hùng vĩ cuồn cuộn sóng trải ra ngàn dặm nước mênh mang khiến người ta tâm hồn thoáng đạt, như muốn bay bổng lên.
Khấu Anh Kiệt là một du tử, hơn một năm qua nếm trải phong sương, tiếp đến bị địch nhân truy bức, gian khổ không biết ngần nào.
Nay đứng trước cảnh hùng vĩ của trời nước giao hòa, chàng thấy lòng lâng lâng quên đi những ngày vất vả.
Chợt nghe tiếng hỏi từ phía bên tả :
− Thí chủ đã dùng cơm chay chưa?
Khấu Anh Kiệt ngoảnh sang nhìn, thấy Phong Hỏa Tăng ngồi dưới một gốc thông đang nhìn mình.
Đó chính là lão tăng coi sóc khu nhà mà Khấu Anh Kiệt tạm trú.
Mặt lão đen đúa, bị thọt một chân, trước mặt để một quyển kinh, cây thiền trượng gác bên người.
Khấu Anh Kiệt bước đến gần.
Phong Hỏa Tăng chống trượng đứng lên cười hỏi :
− Sao thí chủ không đi dùng cơm đi? Ở đây gió lạnh, đêm dài lắm! Nhịn đói không chịu nổi tới sáng đâu!
Khấu Anh Kiệt chắp tay đáp :
− Đa tạ sư phụ đã quan tâm. Tại hạ trước khi đến đây đã ăn rồi. Ngoài ra còn mang theo mấy chiếc bánh nên không lo bị đói. Đại sư phụ sao không dùng bữa mà ngồi đây?
Phong Hỏa Tăng cười đáp :
− Lão nạp tập tu không dùng bữa sau giờ ngọ quen rồi. Đã mấy năm nay nhịn cả buổi chiều tối.
Khấu Anh Kiệt gật đầu :
− Thì ra vậy.
Phong Hỏa Tăng hỏi :
− Thí chủ về Cao Lan, sao không tìm nhà người quen mà nghĩ? Chẳng lẽ sắp đến nhà rồi mà không có thân hữu gì sao?
Khấu Anh Kiệt đáp :
− Tại hạ là người ở xa tới, không có thân thích ở đây. Chỉ mang linh cữu tiên sư về quê xong sẽ đi ngay không muốn ở lâu.
Phong Hỏa Tăng đọc một câu Phật chú nói :
− A Di Đà Phật! Không biết lệnh sư ở địa phương nào?
Khấu Anh Kiệt đáp :
− Tại hạ cũng đang muốn hỏi đại sư.
− Được được! 'Bạch Mã sơn trang' chỉ có bốn năm chục hộ dân thôi, lão nạp tới đó mấy lần nên quen hầu hết. Sư phụ của thí chủ đại danh là gì?
Không muốn tiết lộ tên thật vì sợ gây phiền phức không đáng có, Khấu Anh Kiệt liên cải lời :
− Tiên sư họ Vân, thảo tự là Song Phi!
Phong Hỏa Tăng ngẫm nghĩ một lúc rồi lắc đầu nói :
− Vân Song Phi... Lão nạp chưa nghe tên này. Ở 'Bạch Mã sơn trang' có một vị kỳ nhân là Quách lão vương gia thường đến đàm đạo với trụ trì của tệ tự...
Khấu Anh Kiệt ngạc nhiên hỏi :
− Quách lão vương gia?
Phong Hỏa Tăng vội nói :
− Thí chủ chớ hiểu lầm! Vương gia đây không phải là vị Vương gia trong triều đình đâu. Vị hiệp khách đó có tên là Quách Bạch Vân, nhưng vì được xưng là 'Kim Đại Vương' nên lão nạp và người trong tệ tự đều gọi là Quách lão vương gia. Thí chủ có nghe nói về lão hiệp khách đó không?
Khấu Anh Kiệt đáp :
− Quách lão hiệp danh mãn giang hồ, đương nhiên tại hạ cũng có nghe nói đến, không ngờ lại nhân gia cũng ở Hưng Long Sơn.
Phong Hỏa Tăng tỏ ra cảm khái :
− Quách lão vương gia xứng đáng là một dị nhân, công phu của ông ấy đã đến mức xuất thần nhập hóa, có thể xưng là thiên hạ vô địch. Chính Phương trượng của tệ tự đã thành tâm nhờ vị đó chỉ dạy võ công cho. Lúc đó lão nhân gia truyền cho Phương trượng của tệ tự chỉ bốn chữ khẩu quyết nhưng sau đó đã luyện thành công phu huyền ảo vô cùng!
Khấu Anh Kiệt nói :
− Nếu vậy chuyến đi này sau khi đưa tang tiên sư xong, tại hạ sẽ đến bái kiến lão nhân gia đó.
Phong Hỏa Tăng xua tay nói :
− Việc này không dễ đâu?
Khấu Anh Kiệt giả bộ ngạc nhiên hỏi :
− Vì sao?
− Vì Quách lão vương gia chưa chắc đã có ở 'Bạch Mã sơn trang'. Mà dù có cũng rất ít khi tiếp ngoại khách. Thiên kim ái nữ của Quách lão vương gia gọi là Ngọc tiểu thư võ công được cha thân truyền, tính cao ngạo, lại càng có thành kiến với nam nhân...
Khấu Anh Kiệt hỏi :
− Như vậy là ngoại nhân không thể yết kiến lão gia được?
Phong Hỏa Tăng gật đầu :
− Rất khó!
Lão chợt thấp giọng, làm ra vẻ thần bí :
− Lão nạp mách nước điều này. Trong núi có một nơi gọi là 'Mai Viên', Quách lão gia rất thích mai, lúc rảnh rỗi thường tới đó tản bộ. Nếu thí chủ có lòng bái kiến thì cứ mỗi ngày hoàng hôn hãy tới đó chờ, có khi được tiếp kiến cũng nên!
Khấu Anh Kiệt chắp tay nói :
− Đa tạ đại sư chỉ bảo. Tại hạ nghe nói môn hạ của Quách lão tiên sinh có hai đệ tử, không biết có ở trong trang không?
Phong Hỏa Tăng đáp :
− Đúng là có hai vị thiếu quân võ công rất cao cường. Nhưng họ lại không có ở trong núi. Nghe đâu hai vị quản lý gia tài ước đến trăm vạn của Quách lão vương gia, hiện giờ đang kinh doanh nghề ngân hàng và buôn bán vàng bạc ở Cam Lương, mỗi tháng mới về sơn trang một lần. Vị nhị thiếu quân tên là Tư Không Viễn trước đây đã đến tệ tự một lần. Phương trượng có thỉnh giáo qua kiếm pháp của vị này, quả là rất cao minh. Chỉ là...
Lão chợt thở dài nói thêm :
− Chỉ là hai vị thiếu quân đó coi trọng danh lợi quá nên không được Quách lão vương gia yêu mến.
Tới đó chắp tay hợp thập nói tiếp :
− A Di Đà Phật! Người có lòng vì danh lợi thì lòng tham sẽ không có tận cùng.
Khấu Anh Kiệt hỏi :
− Đại sư nói như vậy là Quách lão tiên sinh có quan hệ rất mật thiết với Bạch Tháp tự?
Phong Hỏa Tăng gật đầu :
− Không sai! Chẳng giấu gì thí chủ, ở vùng Cam Lương này có đến hơn mười ngôi đại tự, trong đó có tệ tự, tất cả đêu được Quách lão gia chu cấp tiền nong rất hậu hĩ.
Lão lại truyền câu Phật hiệu nói tiếp :
− A Di Đà Phật! Có thể coi Quách lão vương gia là đại ân nhân của Phật gia chúng tôi. Hương hỏa của mười mấy ngôi tự miếu đều nhờ cậy phần lớn vào vị thánh nhân đó. Chỉ là từ khi hai vị thiếu quân quản lý tiền nong chuyển sang kinh doanh thì đối với Phật gia chúng tôi không còn mặn mà nữa, cứ mỗi tháng cúng mấy lạng bạc chiếu lệ thôi. Nhưng mấy tháng nay thiếp tự cũng không nhận được.
Đáng thương nhất là Hoàng Tề Tự. Lúc đầu lập miếu, tiền kiến trúc chủ yếu nhờ vào Quách lão vương gia. Thế mà nay nguồn tài trợ hầu như bị cắt hẳn, trong miếu hương hỏa lạnh dần, cả trăm vị tăng nhân sống rất khốn quẫn, chỉ nhờ vào các chùa khác giúp được chừng nào hay chừng đó...
Khấu Anh Kiệt hỏi :
− Quách lão tiên sinh có biết điều này không?
Phong Hỏa Tăng thở dài :
− Thí chủ còn chưa biết, Quách lão gia rất ít khi ở nhà. Ba năm nay lão gia bận luyện tâm pháp thặng thừa nên hầu như không còn thời gian quan tâm đến chuyện nhà nữa. Gia sự thì giao cả cho Ngọc tiểu thư, còn ngoại sự thì phó mặc cho hai vị thiếu quân.
Tới đó, lão chợt thấp giọng :
− Nghe nói lão nhân gia ra lệnh cho hai vị thiếu quân phải chu cấp đủ cho mười mấy ngôi miếu, nhưng hai người này đã khai khống để cất vào túi mình. A Di Đà Phật! Sao có người giàu mà keo kiệt như thế chứ?
Khấu Anh Kiệt tuy trong lòng rất bất mãn với hai vị sư huynh nhưng không nói gì, cáo từ quay về phòng nghỉ.
Sáng hôm sau, Khấu Anh Kiệt rời khỏi Bạch Tháp tự tiếp tục ruổi ngựa về tây, sau chừng nửa canh giờ thì đã tới địa khu Hưng Long Sơn.
Vì sắp tới địa đầu, chàng tạm gởi linh cữu trong miếu để khỏi làm kinh động đến sơn trang, hơn nữa chàng định rằng trước khi báo tin dữ cho Quách Thái Linh sẽ lựa lời khuyên giải cô ta trước, sau đó sẽ mang linh cữu về an táng cũng không muộn.
Một người một ngựa, chàng tiến dần đến Hưng Long Sơn.
Hình sông thế núi ở đây quả thật là kỳ diệu, chàng lấy làm thán phục sư phụ chọn nơi thắng địa đó làm chỗ ngụ.
Dọc theo con đường đất đỏ quanh co, những hàng liễu biếc chen giữa vô sô loài hoa dại khoe sắc muôn hồng ngàn tía, chim chóc ca hát véo von, quả là chốn Bồng Lai tiên cảnh.
Đi chừng ba dặm, sơn đạo đã trở nên quanh co.
Bên đường có một tảng đá cao vượt lên như tòa nhà, trên khắc bốn chữ 'Bạch Mã sơn trang'.
Tảng đá đầy rêu phong, nét chữ cũng hơi mờ gợi lên niềm hoài cổ.
Khấu Anh Kiệt đang dừng lại nhìn tảng đá thì chợt sau lưng nghe tiếng bước chân liền quay lại nhìn.
Một đoàn người khiêng kiệu đang tiến về sơn trang.
Đi đầu là một thiếu niên chừng hai mươi tuổi bận thanh bào, lưng đeo trường kiếm có tua vàng.
Hai tên hoàng y hán tử khiêng một cỗ kiệu màu xanh, ngoài ra còn hai tên khác phục sức tương tự theo sau kiệu, chắc để đổi vai khiêng.
Đến cách Khấu Anh Kiệt chừng ba bồn trượng thì người trong kiệu kéo rèm lên bảo :
− Dừng lại!
Hai tên khiêng kiệu dừng bước nhưng chưa đặt kiệu xuống.
Ngồi kiệu là một trung niên bận áo hoa, tuổi chừng bốn bảy bốn tám, vóc người trung đẳng.
Chỉ thấy người trên kiệu nói gì đó với thanh y thiếu niên nhưng vì xa quá nên Khấu Anh Kiệt không nghe rõ.
Lát sau thiếu niên 'Dạ' một tiếng đi thẳng đến trước mặt Khấu Anh Kiệt, chỉ tay vào mặt chàng hỏi :
− Ngươi làm gì ở đây?
Không những lời nói cử chỉ xấc láo mà ánh mắt thiếu niên cũng quắc lên như sắp đánh lộn.
Khấu Anh Kiệt vẫn trầm tĩnh ôm quyền đáp :
− Tại hạ là Khấu Anh Kiệt, đến đây để tìm một người...
Thiếu niên quát lên :
− Nói bậy! Tìm người thì cũng phải biết quy củ nên thế nào chứ! Còn chưa mau xéo đi hay sao?
Thái độ hung hăng của thiếu niên làm Khấu Anh Kiệt rất khó chịu.
Nhưng chàng thầm nghĩ :
− Mình đến đây là khách, lại đang phục tang chế, âu thì cũng nên nhường nhịn người ta một chiêu cho đỡ rắc rối.
Nghĩ thế nhảy xuống ngựa.
Thiếu niên tiến thêm bước nữa, xẵng giọng :
− Tìm người thì phải đứng ở ngoài sơn môn, chờ có người mới thông báo tính danh chứ sao xông bừa vào đây? Muốn chết sao?
Thấy đối phương vô lý như vậy, Khấu Anh Kiệt không thể nín nhịn mãi, cười nhạt đáp :
− Hưng Long Sơn không phải là tài sản riêng người nào. Tại sao dám cấm người ta đi lại?
Thiếu niên quát lên :
− To gan!
Dứt lời dấn tới vung chưởng đánh liền!
Khấu Anh Kiệt lùi lại nửa bước, vừa đủ tránh chiêu của đối phương.
Chiêu đầu không trúng đích, thiếu niên tức giận di bộ biến chiêu, biến chưởng thành trảo chộp tới hai vai chàng.
Khấu Anh Kiệt đã nhận ra chiêu thức bộ pháp của thiếu niên rất tinh diệu, ắt là được danh sư truyền thụ.
Hơn nữa người ta đông người, chàng không dám khinh suất.
Mới phát ngôn câu đầu, thiếu niên đã tỏ ra ngạo mạn, chẳng cần biết tốt xấu đúng sai gì lại xuất thủ đánh người, Khấu Anh Kiệt quyết định cho hắn nếm chút mùi đau khổ cho bớt hung hăng đi.
Thiếu niên lại phát chiêu thứ ba.
Khấu Anh Kiệt tránh sang bên tả, chờ cho sắp hết đà liền ra chiêu phản công, vận tam thành công lực đánh ra một chưởng, đồng thời quát lên :
− Cút!
Lại một chiêu không trúng, khi thiếu niên định thu chiêu về thì bị phản công, tuy biết thế nguy nhưng muốn biến chiêu đối phó cũng không kịp nữa, bị chưởng lực rất mạnh hất ngược lại, không đứng vững ngã phệt xuống đất.
Nếu đây là cuộc quyết đấu thì đã có thể lợi dụng thời cơ gia thêm nội lực là thiếu niên bị nội thương, nhưng Khấu Anh Kiệt không có ý thương nhân mà chỉ muốn cảnh cáo nên lưu lại hai thành công lực.
Thiếu niên ngã ngồi xuống, vận công kiểm tra thấy không bị thương, liền đứng bật lên.
Bị nếm khổ đau, chẳng những hắn không phục mà còn hung hăng hơn trước, rút kiếm chỉ vào mặt Khấu Anh Kiệt quát :
− Tiểu tử! Mau lấy binh khí ra mà chịu chết!
Khấu Anh Kiệt tuy đánh bại nhưng vẫn để ý xem thái độ của trung niên nhân trong kiệu.
Chàng nghĩ rằng thiếu niên tuy hung hăng hống hách nhưng chỉ là kẻ hạ nhân, chỉ cho hắn một bài học như thế là đủ, thế nào người trong kiệu cũng biết lẽ phải trái hơn, sẽ ngăn cản hắn.
Nhưng trung niên nhân vẫn ngồi điềm tĩnh mà không tỏ thái độ gì.
Nay sự xung đột tới bước cao hơn, đã dùng binh khí tất không thể đảm bảo rằng không dẫn đến thương tích.
Nhưng trung niên nhân đã không ngăn cản thì chàng đành chấp nhận thôi.
Khấu Anh Kiệt cố làm hết bổn phận của mình, hướng sang trung niên nhân trên kiệu ôm quyền nói :
− Chẳng lẽ các hạ không nghe không thấy hành động của thuộc hạ mình?
Vốn đã nhận ra đối phương không có thiện ý nên chàng nói bằng ngữ khí rất lạnh lùng.
Trung niên nhân 'Hừ' một tiếng nói :
− Hưng Long Sơn danh khí không nhỏ trong võ lâm, ngươi tùy tiện xâm phạm tất bị trừng trị là điều đương nhiên!
Nói xong cười 'Hắc, hắc' mấy tiếng, đảo tròng mắt nhìn sang con 'Hắc Thủy Tiên', trong đó ánh lên sự tham lam, vuốt râu nói :
− Ngươi bây giờ đi còn kịp. Chỉ cần để con ngựa lại, bổn nhân đảm bảo cho ngươi được an toàn.
Khấu Anh Kiệt chỉ 'Hừ' một tiếng, không thèm đáp.
Đối với hạng đạo tặc này, nói làm chi chỉ vô ích.
Chàng quay lại nhìn thanh y thiếu niên.
Như vậy là trường ác đấu khó lòng tránh khỏi.
Thân thủ thiếu niên không tầm thường, chắc rằng trung niên nhân phải cao hơn hắn nhiều, không thể dự đoán kết cục sẽ ra sao.
Chàng vỗ vào lưng 'Hắc Thủy Tiên' cho nó chạy sang bên kia đường tránh xa ánh mắt tham lam của trung niên nhân.
Thiếu niên cầm chắc kiếm nói :
− Thiếu gia sẽ lột da ngươi mới hả giận.
Khấu Anh Kiệt liền đáp :
− Chỉ sợ không dễ đâu!
Tuy không muốn gây phiền phức chút nào nhưng tình cảnh này buộc lòng phải xuất thủ, không còn sự lựa chọn nào khác.
Chàng rút 'Như Ý đao' từ thắt lưng ra.
Thấy đối phương đã xuất binh khí, thiếu niên liền thủ thế, chuẩn bị xuất thủ.
Vừa xuất thế, thiếu niên đã giữ môn hộ rất kín, nhất thời Khấu Anh Kiệt không biết nên tấn công ra sao, trong lòng cũng thầm thán phục.
Trung niên nhân ngồi trong kiệu ngồi ngay ngắn, tỏ ra rất hứng thú trước cuộc chiến sắp xảy ra.
Thiếu niên muốn gỡ lại thể diện sau trận thua vừa rồi, chỉ quát lên một tiếng :
− Xem chiêu!
Lời chưa dứt đã vung kiếm tấn công vào, trong chớp mắt phát liền ba bốn kiếm nhằm vào cổ, ngực và vai đối phương.
Khấu Anh Kiệt đưa 'Như Ý đao' ra đỡ.
Tuy nhiên lúc đầu, do lòng nhân hậu nên chàng không có ý sát thương đối thủ, chỉ phòng vệ là chính.
Nhưng qua mấy chiêu đầu, thiếu niên càng điên cuồng tấn công, mỗi kiếm đều nhằm vào yếu huyệt muốn lấy mạng đối phương nên Khấu Anh Kiệt không thể lưu tình được nữa.
Mặc dù vậy, kiếm thuật của thiếu niên cũng rất cao minh, muốn thắng cũng không phải dễ.
Qua mười mấy chiêu, Khấu Anh Kiệt thi triển chiêu đắc ý nhất là 'Nhất Động Lộng Vân' chặn công thế địch.
Chỉ nghe một chuỗi âm thanh vang lên như sấm rền cũng muôn tia lửa phát ra, hai thanh đao kiếm tiếp nhau không dưới mười lần làm bọn hoàng y hán tử mở to mắt nhìn không chớp.
Trung niên nhân mặt biến sắc, kêu lên :
− Lùi nhanh!
Nhưng đã muộn.
Ngay sau đó, kiếm ảnh đao quang vụt tắt.
Thiếu niên rên lên một tiếng ngồi bệt xuống, tay phải vẫn cầm kiếm nhưng từ vai phải một tia máu chảy ra.
Hắn đã bị thương.
Khấu Anh Kiệt cũng bị kiếm chém đứt một chéo áo.
Thực ra chiêu vừa rồi chàng có thể đâm thủng yết hầu địch nhân như đã làm với bọn cường đạo 'Tiểu Ngũ Long', nhưng đã cố tình đâm chệch đi mấy tấc.
Trung niên nhân thét to một tiếng, lao tới như một con chim ưng chắn trước mặt thiếu niên đề phòng Khấu Anh Kiệt hạ sát thủ nhưng chàng hoàn toàn không có ý định đó, đã thu đao lại.
Trung niên nhân sấn lên hai bước nói :
− Các hạ dùng Mã gia đao pháp tới hỏa hầu đó đã không kém Mã lão đầu ngày xưa rồi. Đáng phục!
Khấu Anh Kiệt lạnh lùng đáp ngay :
− Quá khen!
Trung niên nhân bỗng gầm lên :
− Hôm nay Ô gia nếu không băm vằm được xác ngươi làm muôn mảnh trả thù cho khuyển tử, quyết không làm người!
Thì ra mối quan hệ giữa hai người là phụ tử, trách gì vội vàng xông ra giải cứu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.