Tử Thư Tây Hạ

Chương 6: Tứ Bình




1
Một tuần sau, Đường Phong, Lương Viện, Hàn Giang, Triệu Vĩnh và giáo sư La lại tập hợp trong mật thất của ngôi nhà nhỏ. Tấm kệ tranh ngọc nổi gân cổ chạm châu báu Tây Hạ đang nằm ngay ngắn trên chiếc bàn trước mặt họ… Giáo sư La Trung Bình sau một tuần đóng cửa nghiên cứu, đã cơ bản giải mã được những kí hiệu bí ẩn trên bề mặt kệ tranh ngọc.
Giáo sư La phát cho mọi người bốn bản in thác bản của bề mặt kệ tranh ngọc, ông giới thiệu: “Từ bảy văn kiện tuyệt mật đó, chúng ta đã biết được năm đó Ivanovich Ivanov đã phát hiện ra một số kí hiệu bí ẩn trên bề mặt kệ tranh ngọc. Ivanovich Ivanov, Alekseev và Menshikov đều cho rằng, những kí hiệu bí ẩn này chính là văn tự Tây Hạ đã biến mất nhiều năm qua, và họ đã tiến hành một số công việc dịch nghĩa. Nhưng kệ tranh ngọc mà Đường Phong mang về này, do năm tháng bào mòn, cộng thêm điều kiện bảo tồn sau này không tốt, nên những kí hiệu bí ẩn trên bề mặt đó giờ đều bị cáu bẩn, mờ nét, bản in thác bản mà mọi người đang nhìn thấy là do tôi dùng một loại chất lỏng đặc biệt để lau rửa, kệ tranh ngọc sau khi được rửa sạch sẽ thì mới tiến hành lấy thác bản, nên bản in thác bản giờ cũng khá là rõ ràng rồi. Văn tự Tây Hạ là một loại văn tự chết, hiện nay ở nước ta, thậm chí là trên toàn thế giới, số người có thể đọc hiểu được văn tự Tây Hạ không vượt quá 20 người. Tôi tuy bất tài, nhưng đã bao năm học hành nghiên cứu văn tự Tây Hạ, bởi vậy cũng may mắn nhận biết được một vài văn tự Tây Hạ.” Giáo sư La nói.
Lương Viện hiếu kỳ ngắt lời giáo sư La: “Giáo sư đừng giảng bài cho chúng cháu nữa, nếu giáo sư có thể đọc hiểu thì mau mau nói cho mọi người biết, những văn tự Tây Hạ trên đó nghĩa là gì đi ạ?”
Giáo sư La cười nói: “Viện Viện, cháu đừng nóng vội, nếu muốn phá giải bí mật ẩn giấu trong kệ tranh ngọc Tây Hạ, mọi người ở đây vẫn bắt buộc phải nghe ông lải nhải. Không nói để các bạn đọc hiểu được văn tự Tây Hạ, thì ít nhất cũng phải để các bạn đại khái hiểu được văn hóa lịch sử Tây Hạ; có như vậy các bạn mới có thể hiểu rõ được giá trị và văn hóa ẩn chứa bên trong kệ tranh ngọc này, bởi vậy ông phải giảng bài cho mọi người trước đã.”
“Giảng bài? Cháu vừa mới tốt nghiệp từ Mỹ về, đến đây lại phải lên lớp sao?” Lương Viện tỏ ra nhụt chí.
Hàn Giang nghiêm mặt nói với mọi người: “Trên phương diện học thuật, giáo sư La là chuyên gia, chúng ta đều là học sinh, hơn nữa còn là học sinh tiểu học, bởi vậy bắt buộc phải nghe giáo sư La giảng bài cho chúng ta trước đã. Còn riêng Đường Phong, về phương diện này dĩ nhiên không phải là học sinh tiểu học, nhưng tôi có yêu cầu cao hơn với anh, nên anh lại càng phải chăm chú nghe giảng hơn chúng tôi, chăm học hơn chúng tôi.”
Những lời Hàn Giang nói khiến Đường Phong cảm thấy áp lực tăng lên gấp đôi. Anh bắt đầu hiểu ra tác dụng và giá trị của mình trong đội ngũ này, nhưng lúc này anh cũng không thể biết mình có khả năng đáp ứng được yêu cầu của Hàn Giang hay không, đặc biệt là việc đọc hiểu văn tự Tây Hạ đã thất truyền.
2
Giáo sư La bật máy chiếu lên, trên màn hình máy chiếu xuất hiện một ngọn núi tuyết nguy nga, dưới núi tuyết là rừng cây um tùm hun hút, đang có một đám người quấn trên người những tấm da thú đang đuổi bắt dã thú, hoàn toàn là cảnh tượng của một xã hội nguyên thủy. Tiếp đó, giáo sư La bắt đầu bài giảng của ông: “Người Đảng Hạng kiến lập vương triều Tây Hạ, từng là một chi của người Khương cổ. Vào thời viễn cổ, người Khương cổ sinh sống tại đông bắc cao nguyên Thanh Tạng, tại đây họ đã sáng tạo ra văn hóa Tây Khương. Người Đảng Hạng chính là một chi trong bộ lạc Tây Khương. Vào khoảng thế kỷ thứ tư, người Đảng Hạng bắt đầu bước lên vũ đài lịch sử Trung Quốc. Kể từ đó, người Đảng Hạng đã không ngừng nghỉ tiến những bước tiến di chuyển của họ. Vào thời kỳ cuối Nam Bắc triều, người Đảng Hạng bắt đầu hoạt động tại thượng lưu sông Hoàng Hà và khu vực bắc Tứ Xuyên, cũng chính là vùng đông nam tỉnh Thanh Hải và dải Tùng Phan, Hắc Thủy, Bắc Xuyên, Mậu Huyện của Tứ Xuyên. Trong ‘Tùy thư - Đảng Hạng truyền’ có ghi chép lại: Đảng Hạng lấy thị tộc để phân chia bộ lạc, họ lớn thì hơn năm vạn người, họ nhỏ thì hơn nghìn người. ‘Tục thượng vũ lực, vô pháp lệnh, các vi sinh nghiệp, hữu chiến trận tắc tương đồn tụ, vô dao phú, bất tương vãng lai. Mục dưỡng ngưu, dương, trư dĩ cộng thực, bất tri giá sắc’. Người Đảng Hạng lúc đó chủ yếu sống bằng chăn nuôi gia súc, săn bắt, vẫn còn chưa biết sản xuất nông nghiệp, thuộc thời kỳ cuối của xã hội nguyên thủy. Sau này, Đảng Hạng Khương dần dần phát triển thành tám bộ lạc lớn là: thị tộc Tế Phong, thị tộc Phí Thính, thị tộc Vãng Lợi, thị tộc Pha Siêu, thị tộc Dã Từ, thị tộc Phòng Đương, thị tộc Mễ Cầm, thị tộc Thác Bạt, trong đó thực lực của bộ lạc Thác Bạt là mạnh nhất.”
“Vậy thì, cái từ ‘Đảng Hạng’ này từ đâu mà có vậy?” Lương Viện lại tò mò hỏi.
Giáo sư La giải thích: “Cái tên ‘Đảng Hạng’ này là kết quả của dịch âm sang tiếng Hán, khả năng lớn là dân tộc Hán cổ đã vay mượn cách gọi Đảng Hạng của một vài dân tộc thiểu số khác ở Tây Bắc, ví dụ như người Mông Cổ gọi người Đảng Hạng là ‘Đường Cổ Đặc’ hoặc ‘Đường Ngột Thích’. Hầu hết các điển tịch tiếng Hán cũng tiếp tục dùng cách xưng hô này. Trong lúc đó, người Đảng Hạng lại tự gọi mình là ‘Miến Dược’ hoặc ‘Nhĩ Dược’, cách xưng hô này gần giống với cách gọi người Đảng Hạng của người Tạng. Trong văn hiến của dân tộc Tạng cổ, người Tạng gọi người Đảng Hạng trong thời kỳ Thổ Phiên di cư tới vùng Đông Bắc cao nguyên Thanh Tạng là Nhĩ Dược.”
“Cũng có nghĩa là người Đảng Hạng thời kỳ này đã từ phía tây Tứ Xuyên di chuyển tới vành đai hồ Thanh Hải?” Đường Phong truy hỏi.
“Đúng vậy, nhưng thời kỳ này, trên cao nguyên Thanh Tạng, một vương triều khác là Thổ Phiên cũng phát triển, mở rộng ra bên ngoài. Để trốn tránh sự xâm lược và nô dịch của Thổ Phiên, các bộ lạc Đảng Hạng đã lần lượt di chuyển về một vương triều mới nổi lên - Đại Đường. Triều Đường đã tiếp nạp họ, người Đảng Hạng liền di chuyển tới khu vực hành lang Hà Tây và khu vực Cam Nam. Sau loạn An Sử[5] người Đảng Hạng lại di chuyển tới dải Thiểm Bắc, Hà Sáo, và từ đó định cư lại tại đây.”
Đường Phong tiếp lời giáo sư La: “Phần lịch sử sau đó tôi đã biết rồi.”
“Vậy thì sau đây sẽ tới lượt cậu nói nhé.” Giáo sư La đang muốn thử Đường Phong.
Đường Phong tiếp tục phần giới thiệu của giáo sư La: “Sau khi người Đảng Hạng định cư tại khu vực Thiểm Bắc, Hà Sáo, họ đã phát triển rất nhanh chóng và lớn mạnh. Những năm cuối thời Đường, thiên hạ đại loạn, từng nhóm người lớn mạnh khởi nghĩa, lãnh tụ kiệt xuất Thác Bạt Tư Cung của người Đảng Hạng đã dẫn dắt người Đảng Hạng không ngừng mở rộng thực lực của bộ tộc, và đã lập đại công trong việc trấn áp khởi nghĩa Hoàng Sào, được triều Đường phong làm Định Nan quân tiết độ sứ, phong tước Hạ quốc công và ban tặng họ “Nguy Danh”. Bởi vậy trong sử sách cũng gọi hoàng tộc Tây Hạ là họ Ngôi Danh. Kể từ đó, người Đảng Hạng từng bước chiếm hữu vùng đất của 5 châu gồm: Ngân Châu, Hạ Châu, Hựu Châu, Tuy Châu, Tịnh Châu, trở thành chư hầu một phương. Sau khi triều Tống được thiết lập, triều đình thực thi chính sách bóc lột, thời Tống Thái Tông, hậu duệ của Thác Bạt Tư Cung là Ngôi Danh Kế Bổng tiếp tục kế nhiệm chức Định Nan quân tiết độ sứ. Không lâu sau, nội bộ quý tộc Đảng Hạng phát sinh đấu đá tranh giành quyền lực, triều Tống nhân cơ hội dụ dỗ Ngôi Danh Kế Bổng dẫn dắt tộc người đầu hàng, thuận theo triều Tống và dâng tặng vùng đất 5 châu: Ngân Châu, Hạ Châu, Hựu Châu, Tuy Châu, Tịnh Châu. Kể từ đó, nội bộ dân tộc Đảng Hạng phân tách và đứng trước nguy cơ suy vong. Lúc này, trong những người Đảng Hạng không muốn thuận theo triều Tống, có một người đứng lên kêu gọi, dẫn lĩnh tộc người tháo chạy tới Địa Cân Trạch, cách đông bắc Hạ Châu 300 lý (khoảng 150km), tự xưng vương, chống lại triều Tống. Người này chính là người đặt nền móng cho vương triều Tây Hạ - Thác Bạt Kế Thiên.
Hơn 20 năm sau đó, người Đảng Hạ dưới sự lãnh đạo của Thác Bạt Kế Thiên, đã mở mang bờ cõi, chinh phạt bốn bề, mở rộng lãnh thổ, khai phá vùng sa mạc rộng lớn, không chỉ lấy lại lãnh thổ 5 châu đã mất, mà còn công chiếm trấn địa trọng điểm của tây bắc bấy giờ là Linh Châu. Đến thời kỳ con trai của Thác Bạt Kế Thiên, là Thác Bạt Đức Minh cầm quyền, người Đảng Hạng một mặt xoay xở với hai cường quốc Tống, Liêu, một mặt chinh chiến với Thổ Phiên, Hồi Cốt, mở rộng về hướng tây, khống chế huyết mạch trên con đường tơ lụa - vành đai Hà Tây, từng bước thiết lập bờ cõi của nước Tây Hạ sau này, đồng thời xây dựng đô thành của vương triều Tây Hạ dưới chân núi Hạ Lan, đặt tên là Hưng Khánh Phủ.
Năm 1038, con trai của Thác Bạt Đức Minh là Nguyên Hạo, trải qua một thời gian dài chuẩn bị, từ bỏ họ tên mà hoàng đế nhà Tống ban tặng, tự xưng là họ Ngôi Danh, chính thức xưng đế, kiến lập nên vương triều của người Đảng Hạng, lấy quốc hiệu Đại Hạ, người đời sau thường gọi vương triều này là “Tây Hạ”. Vào thời kỳ huy hoàng nhất của vương triều Tây Hạ, Hoàng Hà được coi là ranh giới phía đông, phía tây kéo dài mãi đến Tây vực, khống chế con đường tơ lụa, phía nam đối đầu với Túc Quan, phía bắc dựa vào đại sa mạc, diện tích hơn cả ngàn dặm, bao gồm Ninh Hạ, toàn bộ Cam Túc và Thiểm Tây, Nội Mông Cổ, Thanh Hải, một phần địa phận của Tân Cương ngày nay. Nguyên Hạo sau khi xưng đế, đã xây dựng bộ điển chương chế độ hoàn chỉnh, còn sáng tạo ra một hệ thống cả văn tự Tây Hạ độc đáo nữa.”
3
Giáo sư La nghe Đường Phong tường thuật xong, mỉm cười nói: “Đường Phong, lịch sử Tây Hạ mà cậu vừa nói rất chính xác, vì cậu đã nhắc đến Nguyên Hạo sáng lập ra văn tự Tây Hạ, vậy tiếp theo tôi sẽ nói về văn tự Tây Hạ đã thất truyền.” Giáo sư La bấm nút điều khiển, một số ký tự kỳ lạ liền hiện ra trên màn hình máy chiếu, rồi ông tiếp giảng giải với mọi người: “Những ký tự đặc biệt trên màn hình máy chiếu này chính là văn tự Tây Hạ. Trước khi Nguyên Hạo xưng đế, dân tộc Đảng Hạng vốn không có văn tự riêng. Những năm đầu, khi người Đảng Hạng còn sống du mục trên vùng cao nguyên Thanh Tạng, do ngôn ngữ Đảng Hạng gần gũi với Tạng ngữ, nên họ đã vay mượn chữ cái của Tạng văn để phiên âm ngôn ngữ của mình. Sự sáng tạo ra chữ viết Tây Hạ đã đánh dấu cho một bước phát triển mới, lên một mình độ cao hơn của văn minh dân tộc Đảng Hạng. “Tống sử” ghi: “Nguyên Hạo tự chế phiên thư, mệnh Dã Lợi Nhậm Vinh diễn dịch chi, thành thập lưỡng quyển, tự hình thể phương chỉnh loại bát phân, nhi họa pha trùng phục. Giáo quốc nhân kỷ sự dụng phồn thư, nhi dịch ‘Hiếu kinh’, ‘Nhĩ Nhã’, ‘Tứ ngôn tạp tự vi phồn ngữ’.” Thẩm Khoát người Tống thì viết trong “Mộng khê bút đàm”: “Nguyên Hạo quả bản, kỳ đồ ngẫu khuất tiên sáng tạo phiên thư, độc cục nhất lầu thượng, lũy niên phương thành, chí thị hiến chi.” Trong hai đoạn văn ghi chép này, đã nói rằng, trước khi Nguyên Hạo kiến lập vương triều Tây Hạ, đã ra lệnh cho đại thần thuộc hạ Dã Lợi Nhậm Vinh sáng tạo ra văn tự Tây Hạ, lệnh cho nhân dân trong trước sử dụng loại chữ mới này. Nguyên Hạo còn phiên dịch rất nhiều điển tịch Hán văn thành chữ Tây Hạ. Thực ra, theo ý kiến của tôi, văn tự Tây Hạ vốn không phải do cá nhân nào sáng tạo ra, mà là được từng bước hình thành trong dân gian, cuối cùng được Dã Lợi Nhậm Vinh sưu tầm thu thập chỉnh sửa mà thành.” Giáo sư La giới thiệu liền một mạch sự ra đời và hoàn thiện của văn tự Tây Hạ.
Lương Viện nhìn chằm chằm vào những văn tự Tây Hạ kỳ quái trên màn hình máy chiếu, đột nhiên hỏi: “Giáo sư, sao cháu thấy mấy văn tự Tây Hạ này hơi giống tiếng Hán nhỉ, nhưng cháu chẳng hiểu được chữ nào cả.”
“Khà khà! Viện Viện, cháu quan sát khá lắm, văn tự Tây Hạ chính là Hán tự vay mượn, biến đổi mà thành. Các bạn xem, văn tự Tây Hạ, về kết cấu rất giống Hán tự. Cũng giống như chữ ô vuông, do nét chấm, ngang, sổ, mác, hất, quai, móc câu… tạo thành, đến cả thể chữ cũng giống như Hán tự, có 5 loại thể chữ: Khải, Hành, Thảo, Triện, Lệ. Những người lần đầu nhìn thấy văn tự Tây Hạ đều nhầm rằng đây là chữ Hán, thực ra đây hoàn toàn là một loại văn tự khác. Cho tới nay, tổng cộng đã phát hiện ra hơn 5000 chữ trong văn tự Tây Hạ, tuy giống chữ Hán, nhưng không có bất cứ một chữ nào tương đồng với chữ Hán. Điều này đã phản ánh ý thức dân tộc mạnh mẽ của người Đảng Hạng. Chúng ta xem lại mấy văn tự Tây Hạ này nhé, nét nhiều nhưng rời rạc, nhiều nét nghiêng, đặc biệt là nét phẩy, nét mác, bởi vậy mới có sách lịch sử viết về văn tự Tây Hạ là ‘loại phù triện’, ý nói là nét chữ Tây Hạ nhiều mà rời rạc, mù mờ khó hiểu. Bởi vậy, sau khi Tây Hạ diệt vong, văn tự Tây Hạ nhanh chóng biến mất, chôn vùi trong tai họa rình rập.
Sau khi Tây Hạ bị người Mông Cổ tiêu diệt, văn tự Tây Hạ cũng nhanh chóng biến mất trong dòng chảy lịch sử, mấy trăm năm sau không ai hay biết. Mãi cho đến những năm Gia Khánh triều Thanh, một học giả người Cam Túc là Trương Tấu trở về quê dưỡng bệnh, khi đến một ngôi miếu ở Vũ Uy, phát hiện thấy một căn phòng nhỏ đóng kín, ông hỏi một nhà sư ở đó là: “Trong phòng có vật gì?” Nhà sư nói: “Trong phòng là một tấm bia, tấm bia này rất quái dị, e rằng là yêu nghiệt, bởi vậy mới để trong phòng đóng kín cửa.” Trương Tấu bao năm làm quan bên ngoài, nghe nhiều biết nhiều, không tin vào truyền thuyết ma quỷ nên đã yêu cầu nhà sư mở cửa phòng để xem thử là yêu nghiệt gì. Nhà sư không còn cách nào khác, đành phải mở cửa phòng cho Trương Tấu vào. Trương Tấu phát hiện trong phòng quả nhiên có một tấm bia, chữ trên tấm bia là những văn tự mà một đại học giả như ông chưa từng được biết đến, Trương Tấu lúc đó kinh ngạc thất sắc. Khi ông cẩn thận rón rén đi vòng ra sau tấm bia thì phát hiện ra mặt sau tấm bia có khắc chữ Hán, số chữ nhiều gần bằng chữ ở mặt trước. Trương Tấu bấy giờ mới hốt hoảng hiểu ra, hóa ra văn tự ở mặt trước chính là văn tự Tây Hạ đã biến mất! Tấm bia này chính là “Lương Châu trùng tu Hộ Quốc Tự cảm ứng tháp bia”[6] rất nổi tiếng, hiện vẫn bảo tồn trong viện bảo tàng tại thành phố Vũ Uy.
Kể từ đó về sau, văn tự Tây Hạ dần dần được giới học thuật coi trọng. Năm 1909, nhà thám hiểm người Nga Kozlov tại di chỉ Hắc Thủy Thành thuộc lãnh thổ Ejinaqi đã đào trộm một lượng lớn văn hiến có viết văn tự Tây Hạ trên đó. Kozlov vận chuyển tất cả những văn hiến Tây Hạ này tới Petersburg, nhà Hán học nước Nga Ivanovich Ivanov đã phát hiện ra cuốn “Phiên Hán hợp thời chưởng trung châu” nổi tiếng trong văn hiến Tây Hạ được Kozlov chuyển về. Đây là một cuốn từ điển song ngữ tiếng Tây Hạ và tiếng Hán, do học giả Tây Hạ là Cốt Lạc Mậu Tài biên soạn. Ivanovich Ivanov nhờ có cuốn từ điển này đã đọc hiểu không ít văn hiến Tây Hạ cổ xưa. Ở nước ta, người bắt đầu nghiên cứu một cách hệ thống văn tự Tây Hạ là hai cha con học giả nổi tiếng La Chấn Ngọc và La Phúc Trường. Năm 1913, hai cha con La Chấn Ngọc và La Phúc Trường có được một phần của “Phiên Hán hợp thời chưởng trung châu” từ chỗ Ivanovich Ivanov. Trải qua nhiều năm nghiên cứu, La Phúc Trường đã dùng “Sáu phương pháp tạo nên chữ Hán truyền thống” là: tượng hình, chỉ sự, hình thanh, hội ý, giả tá, chuyển chú để phân tích văn tự Tây Hạ, giúp mọi người nâng cao rõ rệt kiến thức về cấu tạo văn tự Tây Hạ. Sau đó, ngày càng có nhiều học giả nghiên cứu văn tự Tây Hạ, nhưng do văn tự Tây Hạ biến mất đã nhiều năm nên đã không còn giá trị thực tế, cộng thêm nét chữ của văn tự Tây Hạ nhiều mà rời rạc, mù mờ khó hiểu, thế nên cho tới tận ngày nay, số học giả có thể nắm vững văn tự Tây Hạ chỉ còn lại thưa thớt vài người.”
4
Chính trong lúc mọi người đang rất đỗi ngạc nhiên về văn tự Tây Hạ cổ xưa thì Hàn Giang lại nhìn chằm chằm kệ tranh ngọc trước mặt, không nói một lời. Bề mặt kệ tranh ngọc này rút cuộc khắc nội dung gì? Có thực sự ly kỳ đáng sợ như vậy không? Bao nhiêu người vì nó mà mất mạng, huyết chú đáng sợ!… Văn tự trên kệ tranh ngọc, anh không hiểu nổi một chữ, thật là một cuốn thiên thư, không! Phải nói là tử thư! Nghĩ tới đây, Hàn Giang đột nhiên lên tiếng: “Giáo sư, vậy thì tiếp theo chúng ta sẽ giải thích nội dung của tử thư bí ẩn trên kệ tranh ngọc nhé.”
“Tử thư?” Mọi người nghe thấy từ này thốt ra từ miệng Hàn Giang đều rất đỗi sợ hãi. Giáo sư La cũng hơi sững sờ, liền cười đáp: “Không sai, đội trưởng Hàn nói không sai, đây quả thực là một cuốn tử thư.”
“Tử thư! Lẽ nào giáo sư cũng không biết sao?” Đường Phong ngạc nhiên hỏi.
Giáo sư La trầm ngâm hồi lâu, đáp: “Tôi vừa nói ban nãy rồi đấy, văn tự Tây Hạ giống như chữ Hán, có năm thể thư: Khải, Hành, Thảo, Triện, Lệ. Cho tới nay, tôi đã từng nhìn thấy bốn thể chữ Khải, Hành, Thảo, Triện trong văn tự Tây Hạ, chỉ có duy nhất thể chữ Lệ là chưa từng thấy trong văn tự Tây Hạ. Còn văn tự trên kệ tranh ngọc này, từ kinh nghiệm bao năm qua của tôi cho thấy, chúng vừa không phải là thể chữ Khải Tây Hạ, cũng không phải là thể chữ Hành Tây Hạ, càng không phải là thể chữ Thảo Tây Hạ hay thể chữ Triện Tây Hạ, bởi vậy bước đầu tôi phán đoán, văn tự Tây Hạ trên kệ tranh ngọc chắc là thể chữ Lệ Tây Hạ mà nhân thế chưa từng nhìn thấy!”
“A! Sao phức tạp vậy, vì chưa có ai từng nhìn thấy, vậy thì cũng chẳng có ai hiểu đâu nhỉ?” Lương Viện không giấu nổi sự thất vọng.
“Khà khà, các bạn không phải sốt ruột đâu! Dù lần đầu tiên tôi đọc những văn tự này cũng không hiểu, nhưng rút cuộc cũng chỉ là thể chữ không giống, văn tự vẫn là văn tự Tây Hạ, nếu là thể chữ Khải và thể chữ Hành Tây Hạ thường thấy, thì chỉ cần một tiếng đồng hồ là tôi có thể dịch ra. Nguyên nhân đóng cửa một tuần là do cũng là lần đầu tiên tôi nhìn thấy thể chữ Lệ. Vẫn may, thông qua một tuần nghiên cứu, tôi vừa đọc vừa mù mờ đoán nên cũng dịch được đại khái nội dung văn tự trên kệ tranh ngọc, chỉ có điều tôi cũng không thể hoàn toàn khẳng định…” nói tới đây, giáo sư La ngưng bặt.
Hàn Giang nhìn giáo sư La đầy tin tưởng: “Giáo sư, bất luận là chính xác hay không, ngài cứ nói xem sao.”
Giáo sư La gật gật đầu, bắt đầu dịch những văn tự trên kệ tranh ngọc: “Văn tự trên kệ tranh ngọc phân thành hai phần trước sau, chữ ở phần trên ít hơn, hơi giống như phần mở đầu trong toàn bộ bài văn, bước đầu tôi tạm dịch ra, toàn bộ phần mở đầu này là: Tử tôn hữu nan, tứ bình hợp nhất, thiên sơn vạn thủy, cửu tử nhất sinh, Hạn Hải Mật Thành, nại trường sinh thiên tí hựu, khả đắc phục quốc chi tư, phục quốc chi nhân, phi ngã tử tôn, tất thụ huyết chú. Tổng cộng có bốn mươi tư chữ, văn gốc không có dấu câu, dấu câu ở giữa là do tôi thêm vào, đây chỉ là bản dịch ban đầu của tôi, thâm tâm cũng không chắc chắn, đặc biệt là ‘Hạn Hải Mật Thành’ mấy chữ đó đã bị bào mòn, rất không rõ ràng.”
“Giáo sư, bốn mươi tư chữ này nghĩa là gì?” Đường Phong nói ra sự thắc mắc trong lòng mọi người.
Sắc mặt giáo sư La đanh lại, hình như ông đang băn khoăn cân nhắc trùng trùng, mọi người đợi mãi một lúc lâu sau mới nghe thấy giáo sư La nói: “Bốn mươi bốn chữ này, theo như suy đoán ban đầu của tôi, có liên quan tới một bí mật lớn của vương triều Tây Hạ…”
5
Giáo sư La nói tiếp: “Dưới đây tôi sẽ đọc và giải thích từng câu, câu thứ nhất ‘tử tôn hữu nan’, tôi suy đoán chữ ‘nan’ này, chắc là chỉ đại nạn mà vương triều Tây Hạ gặp phải, chẳng hạn như khi thời kỳ đất nước gặp hoạn nạn, cũng ý nói là con cháu hậu duệ, nếu như đến lúc gặp đại nạn; câu thứ hai ‘tứ bình hợp nhất’, câu này tôi trăn trở suy nghĩ mãi, ngẫm nghĩ mãi mà chẳng ra, nhưng sau đó tôi phân tích xong toàn bộ, lúc quay lại nhìn câu này mới ngộ ra, bởi vậy chúng ta tạm thời không xem câu này, tiếp tục; hai câu sau là ‘thiên sơn vạn thủy, cửu tử nhất sinh’, hai câu này về mặt chữ nghĩa không khó giải thích, chúng nói về gian nan, nguy hiểm, gian nan và nguy hiểm gì nhỉ? Tôi nghĩ chắc là chỉ con đường gian nan, vượt qua sông núi ngàn trùng, thập tử nhất sinh; xem tiếp câu sau ‘Hạn Hải Mật Thành’, Hạn Hải Mật Thành là ý gì đây? Tôi lúc đầu cũng nghĩ không ra, nhưng tôi liên kết câu này với hai câu trước lại với nhau thì gần như đã hiểu ra, vượt qua sông núi ngàn trùng, thập tử nhất sinh là vì đi đâu đây? Là bởi vì đi đến Hạn Hải Mật Thành.”
“Hạn Hải Mật Thành? Đây là nơi nào mà phải vượt qua sông núi ngàn trùng, thập tử nhất sinh mới tới được? Bí ẩn thật đấy!” Lương Viện hỏi giáo sư La.
Giáo sư La lắc lắc đầu: “Cả đời ta nghiên cứu lịch sử Tây Hạ nhưng cũng chưa bao giờ nghe thấy nơi nào tên là Hạn Hải Mật Thành cả.”
“Có khi nào nghĩa là thế này không nhỉ, Hạn Hải là một địa danh, Mật Thành là một địa danh, ‘Mật Thành’ nghe có vẻ giống tên của một thành phố.” Lương Viện đoán mò.
Đường Phong cũng suy đoán theo: “Hạn Hải, tôi thấy không có ý nghĩa gì đặc biệt cả, chính là chỉ sa mạc, Hạn Hải Mật Thành, ghép lại là nói về một thành trì bí mật trong sa mạc, gọi là Mật Thành.”
Giáo sư La nghe Đường Phong phân tích, khẽ gật đầu: “Điểm này tôi đồng ý với quan điểm của Đường Phong, Mật Thành rất có khả năng là một thành trì ẩn giấu trong sa mạc. Chúng ta xem tiếp, câu sau ‘nại trường sinh thiên tí hựu’, câu này chắc là không có ý nghĩa thực tế gì, chỉ là ý nghĩa cầu nguyện ông trời phù hộ. Trung Quốc cổ đại, rất nhiều dân tộc du mục ở phương bắc như Mông Cổ, Khiết Đan, Đảng Hạng… đều sùng bái ông trời. Khi ra ngoài chinh chiến, săn bắn, phàm là có hoạt động gì quan trọng, họ đều phải cử hành nghi thức, cầu nguyện ông trời phù hộ. Hai câu sau, ‘khả đắc phục quốc chi tư, phục quốc chi nhân’, theo như suy đoán của tôi, nghĩa là nói vượt qua sông núi ngàn trùng, thập tử nhất sinh, tìm thấy Hạn Hải Mật Thành là có thể có được tài nguyên phục quốc, nhân lực để phục quốc, ‘phục quốc chi tư’ may mà còn dễ lý giải, chính là của cải, của cải có thể đủ để phục quốc các bạn thử nghĩ xem phải có bao nhiêu?”
“Tôi đã hiểu ra chút ít rồi, thảo nào mấy trăm năm nay, bao nhiêu người muốn có được kệ tranh ngọc này, hóa ra không chỉ là vì báu vật này, mà còn vì kho tài nguyên phục quốc khác thường đó!” Lời của Đường Phong khiến mọi người đều bừng tỉnh.
Trước mắt mọi người bừng lên ánh sáng, gần như chuỗi sự việc này đã lần ra đầu mối, nhưng giáo sư La vẫn chau mày băn khoăn: “Các bạn đừng vui mừng vội, việc này không đơn giản chỉ là tranh giành một đống của cải khổng lồ. ‘Phục quốc chi tư’ thì dễ lý giải, nhưng ‘phục quốc chi nhân’ thì nên lý giải thế nào đây?”
Phục quốc chi nhân! Lẽ nào là một đội quân? Sao lại như vậy được, mọi người đều chìm trong im lặng. Giáo sư La nói tiếp: “Được! Chúng ta tạm thời không để ý tới ‘phục quốc chi nhân’ này nữa, xem tiếp hai câu cuối cùng, ‘phi ngã tử tôn, tất thụ huyết chú’.”
Khi mấy từ “tất thụ huyết chú” thốt ra từ miệng giáo sư La, trong lòng tất cả mọi người trong mật thất đều run rẩy, huyết chú! Huyết chú đáng sợ! Hóa ra chính là nội dung khắc trên kệ tranh ngọc này.
“Phi ngã tử tôn, tất thụ huyết chú. Hai câu này tuy đáng sợ, nhưng lại dễ hiểu, đây là lời nguyền rủa lúc đó của người chế tác ra kệ tranh ngọc này, nếu như người nào không phải con cháu Tây Hạ đoạt được kệ tranh ngọc, tìm thấy Hạn Hải Mật Thành, thì sẽ bị huyết chú.” Giáo sư La giải thích xong, lại nhìn mọi người, ai ai cũng nặng trĩu tâm trạng, đến ngay cả Hàn Giang và Triệu Vĩnh vốn không tin quỷ thần mà sắc mặt cũng sầm xuống.
Vẫn là Lương Viện hỏi trước: “Vậy thì chúng ta cũng sẽ gặp phải lời nguyền của huyết chú?”
Giáo sư La cười đáp: “Thực ra, đây phần lớn là cách người xưa dùng để đe dọa người khác.”
“Giáo sư, có lẽ ngài vẫn chưa biết, nửa tháng nay, ngoài Lương Vân Kiệt ra, đã có một số người vì kệ tranh ngọc này mà mất mạng.” Hàn Giang rút cuộc cũng mở miệng.
Lời của Hàn Giang khiến giáo sư La cũng kinh ngạc. Trầm ngâm một hồi, giáo sư La mới khó nhọc nhoẻn một nụ cười: “Mọi người không cần phải lo lắng, dựa vào bao năm nghiên cứu của tôi, sau khi vương triều Tây Hạ bị diệt vong, rất nhiều người Đảng Hạng đã gia nhập đại quân Mông Cổ, người Mông Cổ gọi những người Đảng Hạng này là quân ‘Đường Ngột Thích’, trong đó có một nhánh sau này đã lấy chữ ‘Đường’ làm họ của mình, định cư tại nội địa, do đó mà nói, Đường Phong, cậu xem ra rất có khả năng là hậu duệ của người Đảng Hạng đấy! Vì đã là con cháu của người Đảng Hạng, nên cũng không nhất thiết phải lo lắng huyết chú gì đâu, khà khà.”
“Cái gì? Tôi là hậu duệ của người Đảng Hạng! Giáo sư La, ngài đừng an ủi chúng tôi như thế chứ!” Mọi người đều biết giáo sư La bịa ra một lý do để an ủi mọi người, nhưng Đường Phong vẫn cứ bóc mẽ ông.
“Được rồi, đừng loanh quanh với cái ‘huyết chú’ nữa, chúng ta khi đã gia nhập lão K, thì sẽ không sợ huyết chú nào cả!” Lời của Hàn Giang cất lên rất đanh thép và đầy cương quyết.
6
Hàn Giang nhìn khắp mọi người trong phòng một lượt, rồi nghiêm túc nói: “Bóc gỡ bí mật của kệ tranh ngọc vốn rất nguy hiểm, nhưng tôi không tin huyết chú nào hết. Lẽ nào con người mấy trăm năm trước còn có thể sống lại để cản trở chúng ta? Chỉ có những đối thủ tham lam, hung tàn, họ mới thực sự là kẻ thù của chúng ta! Giáo sư La, ngài vẫn chưa giải thích xem câu thứ hai nghĩa là gì?”
Giáo sư La nhìn Hàn Giang, tiếp tục giải thích: “Trước đó tôi đã nói rồi, ban đầu tôi cũng không hiểu câu thứ hai ‘tứ bình hợp nhất’ nghĩa là gì? Nhưng khi tôi đọc và giải thích xong toàn văn, quay lại xem câu thứ hai, hình như bắt đầu lý giải hàm ý của tứ bình hợp nhất. ‘Tứ bình hợp nhất’, tôi suy đoán chắc là có bốn kệ tranh ngọc…”
“Bốn kệ tranh ngọc?” Giáo sư La nói tới đây, mọi người đều tròn mắt kinh ngạc.
“Đúng vậy, bốn kệ tranh ngọc, chỉ có ghép bốn kệ tranh ngọc lại với nhau, mới có thể biết được vị trí chính xác của Hạn Hải Mật Thành, các bạn xem…” vừa nói, giáo sư La vừa đeo găng tay trắng vào, lật úp mặt sau kệ tranh ngọc lên, chỉ vào một vài chỗ lõm, nói: “Mọi người hãy nhìn viền những chỗ lõm xuống ở mặt sau, theo như suy đoán của tôi, mặt sau kệ tranh ngọc là một tấm bản đồ được khắc chìm.”
“Bản đồ?”
“Nói chính xác là bản đồ hướng tới Hạn Hải Mật Thành.”
“Liệu đó có phải là một bức bản đồ kho báu?” Lương Viện hỏi.
Giáo sư La cười đáp: “Cháu muốn nói vậy cũng được, nhưng chỉ có một bức thì không đủ, phải tập hợp bốn kệ tranh ngọc này, ghép chúng lại với nhau, mới có thể nhìn rõ bản đồ hướng tới Hạn Hải Mật Thành.”
“Ồ!” Lương Viện gật gật đầu.
“Cũng với ý nghĩa như vậy, văn tự Tây Hạ trên mặt chính của kệ tranh ngọc, trừ phần thứ nhất mà chúng ta đã giải mã được ra, phần chữ chính to hơn ở phía dưới, theo tôi suy đoán thì chính là địa điểm mà bốn kệ tranh ngọc được cất giấu, cũng có khả năng vẫn còn một số tin tức liên quan tới Hạn Hải Mật Thành. Dưới đây chúng ta sẽ xem xem phần chữ chính trên kệ tranh ngọc, thông qua bước đầu phiên dịch, phần chính của kệ tranh ngọc dịch sang chữ Hán là ‘Hắc Đầu Thạch Thất hoang thủy vực, xích diện phụ chủng bạch cao hà, trường miên di dược nhân quốc tại bỉ’.”
Giáo sư La đọc tới đây rồi im bặt. Lương Viện thúc giục: “Giáo sư, sao ông không đọc tiếp ạ?”
“Hết rồi, ông đã đọc hết rồi.”
“Cái gì? Phần chữ chính chỉ có mấy chữ này thôi sao?” mọi người vô cùng thất vọng.
“Đúng vậy, phần chữ chính của kệ tranh ngọc này chỉ có hai mươi mốt chữ.”
Đường Phong nghe mấy câu chữ Tây Hạ mà giáo sư La phiên dịch, bỗng nhiên kinh ngạc: “Mấy… mấy câu này hình như tôi đã được nghe qua, đúng rồi, chính là bảy bức thư đó, thư của viện sỹ Alekseev viết cho Menshikov, ở cuối bức thư đó, Alekseev đột nhiên viết thêm một đoạn, nói rằng năm đó, trước khi Ivanovich Ivanov chết, đã từng nhắc tới mấy câu thơ, chính là mấy câu này.”
“Đúng! Đường Phong, khi tôi phiên dịch ra mấy câu này, tôi cũng đã rất ngạc nhiên, điều đó cho thấy năm đó Ivanovich Ivanov đã từng giải mã được mấy câu thơ này, đáng tiếc sau đó ông đã qua đời, không thể tiếp tục nghiên cứu được nữa.”
“Vậy bài thơ đó nghĩa là gì nhỉ? Có liên quan gì tới kệ tranh ngọc?” Đường Phong hỏi.
“Câu thơ này thuật lại địa điểm mà chắc là thời kỳ đầu người Đảng Hạng đã từng sinh sống, ‘bạch cao hà’, tôi cho rằng đó là chỉ lưu vực Bạch Hà thuộc tây bắc Tứ Xuyên hiện nay, đây vốn là nơi tụ tập sinh sống của người Đảng Hạng thời kỳ đầu, còn Hắc Đầu Thạch Thất rất có khả năng chính là nơi cất giấu một trong ba kệ tranh ngọc còn lại. Nếu như suy đoán của tôi đều chính xác thì sẽ có ý nghĩa học thuật vô cùng trọng đại đối với việc viết lại toàn bộ lịch sử Tây Hạ.” Có thể nhận thấy, giáo sư La đã cất cao giọng khi nói tới đây.
“Nói như vậy, tìm thấy Hắc Đầu Thạch Thất chính là mục tiêu tiếp theo của chúng ta rồi!” Triệu Vĩnh vừa nói vừa đưa ánh mắt thăm dò về phía Hàn Giang.
Mọi người đều nhìn Hàn Giang, nhưng Hàn Giang vẫn im lặng, và Đường Phong lại là người cất lời: “Các vị, không phải tôi nghi ngờ trình độ nghiên cứu của giáo sư La, nhưng chỉ dựa vào chút chứng cứ hiện giờ liền suy đoán là có bốn kệ tranh ngọc, rồi lại nói Hắc Đầu Thạch Thất gì đấy có cất giấu các kệ tranh ngọc khác, thì tôi vẫn chưa thể tin được. Hơn nữa, chúng ta cũng không biết vị trí cụ thể của Hắc Đầu Thạch Thất này ở đâu thì đi tìm thế nào đây?”
Giáo sư La rất bình tĩnh nói: “Tôi đã nói rồi, tất cả những điều này đều chỉ là suy đoán của cá nhân tôi, nhưng cậu hỏi vừa rồi khiến tôi nhớ ra, trên kệ tranh ngọc có một chứng cứ có thể chứng minh cho phán đoán của tôi, có thể các bạn vẫn chưa biết trên kệ tranh ngọc này còn có một chữ Hán.”
“Ồ! Trên kệ tranh ngọc có một chữ Hán, sao tôi không nhìn thấy nhỉ?” Đường Phong tỏ rõ vẻ nghi ngờ.
Giáo sư La xoay kệ tranh ngọc chếch đi một chút rồi, chỉ lên vách bên cạnh kệ tranh ngọc và nói với mọi người: “Mời các vị xem, ở đây có một chữ Hán rất nhỏ.”
Mọi người quây lại gần hơn, chăm chú quan sát, quả nhiên, tất cả đều nhận ra, trên vách bên cạnh kệ tranh ngọc, có một chữ “Bạch” nho nhỏ.
“Chữ ‘Bạch’ này lại nói lên điều gì đây?” Đường Phong thắc mắc.
“Nói lên điều gì? Chữ ‘Bạch’ này thực ra là tên của kệ tranh ngọc!”
“Tên? Tên của nó không phải là kệ tranh ngọc nổi gân cổ chạm châu báu Tây Hạ sao?” Đường Phong cảm thấy đầu óc càng mụ mị hơn trước.
“Tôi đã từng nói rồi, tôi suy đoán tổng cộng có bốn kệ tranh ngọc, chỉ tới khi nào ghép bốn kệ tranh ngọc này lại với nhau mới có thể hoàn toàn biết được trên kệ tranh ngọc viết những gì, mới có thể nhìn rõ bản đồ phía sau kệ tranh ngọc. Vậy thì, người chế tác lúc tạo ra bốn kệ tranh ngọc này, nhất định đã đánh số hiệu cho từng kệ tranh ngọc. Chữ ‘bạch’ viết bằng chữ Hán này, chính là số hiệu của kệ tranh ngọc này hoặc là tên của nó: tên gọi đầy đủ của kệ tranh ngọc này chắc phải là: kệ tranh ngọc nổi gân cổ chạm châu báu Tây Hạ tên Bạch.”
7
“Kệ tranh ngọc nổi gân cổ chạm châu báu Tây Hạ tên Bạch? Vậy những kệ tranh ngọc khác thì đánh số hiệu gì đây?” Đường Phong hỏi.
“Hãy nghe tôi từ từ nói, mọi người biết rồi đấy, tên gọi ‘Tây Hạ’ này là tên gọi trong sử thi Hán văn, vốn không phải là quốc hiệu, mà người Đảng Hạng tự đặt. Quốc hiệu mà người Đảng Hạng tự đặt, trong giới học thuật có rất nhiều cách nói khác nhau. Rất nhiều học giả đều cho rằng, người Đảng Hạng tự xưng quốc gia của mình là ‘Đại Bạch Cao Quốc’ hoặc ‘Bạch Cao Đại Quốc’. Còn có một cách nói khác, cho rằng người Đảng Hạng tự xưng quốc gia mình là ‘Bạch Cao Đại Hạ Quốc’, tên gọi này là do học giả nước Nga Evgenij Ivanovich Kychanov nghiên cứu Tây Hạ, căn cứ vào cuốn “Đại tàng kinh Tây Hạ văn” được bảo tồn trong viện bảo tàng nhân loại học tại Stockholm Thụy Điển, phiên dịch từng chữ thành chữ Hán mà có được. Bản thân tôi cũng đồng ý hơn với cách nói này. Lại nói về kệ tranh ngọc trước mặt chúng ta, từ những văn tự khắc trên bề mặt có thể phán đoán, kệ tranh ngọc này chắc là kệ đầu tiên trong bốn kệ tranh ngọc, bởi vì, đối chiếu với bốn chữ ‘Bạch, Cao, Đại, Hạ’ mà tôi suy đoán, ba kệ tranh ngọc còn lại sẽ lần lượt là kệ tranh ngọc chữ ‘Cao’, kệ tranh ngọc chữ ‘Đại’, kệ tranh ngọc chữ ‘Hạ’.” Suy đoán của giáo sư La khiến mọi người tăng thêm lòng tin, và dường như đã càng lúc càng cận kề hơn với chân tướng của sự việc.
Giáo sư La tiếp tục nói: “Tôi bổ sung thêm một điểm, nếu như chúng ta thực sự tìm ra Hạn Hải Mật Thành, vậy thì ở đó sẽ có gì đây? Kho báu, cái này đương nhiên là có, thậm chí còn có rất nhiều rất nhiều kỳ châu dị bảo, nhưng tôi lại không hứng thú với kho báu. Năm 1908, Coats Ivanov đã phát hiện ra Hắc Thành và đã khai quật với con số lên tới hàng vạn văn vật Tây Hạ. Tôi nghĩ cái Hạn Hải Mật Thành này chắc chắn sẽ to hơn Hắc Thành, còn trọng đại, hoành tráng hơn thì tôi không dám tưởng tượng. Ở đó có thể chôn giấu bao nhiêu di sản văn hóa, làm chấn động thế giới, có lẽ sẽ có một bộ “Đại tàng thư” hoàn chỉnh bằng chữ Tây Hạ, có lẽ sẽ có vô số tượng phật tinh xảo, còn huy hoàng hơn cả Đôn Hoàng vĩ đại, có lẽ còn có rất nhiều những kỳ tích mà chúng ta có nghĩ cũng không nghĩ tới…” giáo sư La đã không thể giấu được sự hưng phấn, ông đã hoàn toàn say sưa trong Hạn Hải Mật Thành của mình.
Cuối cùng, Hàn Giang đứng thẳng dậy, tổng kết với mọi người: “Tôi cho rằng, suy đoán của giáo sư La là hợp tình hợp lý, mục tiêu tiếp theo của chúng ta là bắt buộc phải vượt mặt đối thủ, tìm đủ bốn kệ tranh ngọc, giải mã bí mật của Hạn Hải Mật Thành.”
“Nhưng, bước tiếp theo chúng ta phải hành động thế nào đây?” Đường Phong hỏi Hàn Giang.
Hàn Giang không trả lời, giáo sư La lên tiếng: “Muốn tìm kệ tranh ngọc Hắc Đầu Thạch Thất, tôi lại nhớ tới một manh mối. Vào thập niên 20, 30 của thế kỷ trước, nhà thám hiểm người Mỹ Joseph Rock hoạt động sôi nổi tại khu vực phía tây Tứ Xuyên. Rồi vào những năm cuối đời, trong một bài viết của mình, ông đã nhắc tới thông tin sau chuyến khảo sát núi tuyết Minya Konka nằm ở tận cùng tây bắc Tứ Xuyên, do một trận lở bùn đá đáng sợ nên ông đã tới nhầm một đào nguyên ngoại thế. Ở đó non xanh nước biếc, dân chúng hồn hậu, người dân sùng bái đạo Phật, nhưng lại gìn giữ một số lượng lớn phong tục tôn giáo nguyên thủy. Thủ lĩnh địa phương và Lạt ma tiếp đãi Rock vô cùng nhiệt tình, cuối cùng đã dẫn ông ra khỏi đào nguyên bên ngoài nhân gian đó. Rock nhiều năm sinh sống tại Trung Quốc, am hiểu sâu sắc văn hóa Trung Quốc, ông phát hiện ra phong tục tập quán và tướng mạo của những người sinh sống ở đó rất khác biệt so với cư dân của khu vực phía tây Tứ Xuyên khác. Bởi vậy ông cho rằng, cư dân ở đây là từ nơi khác di cư tới. Tiếp đó Rock đã táo bạo suy đoán: cư dân ở đó chính là hậu duệ của người Đảng Hạng di cư tới khu vực phía tây Tứ Xuyên, để chạy trốn sự truy sát của thiết kị binh Mông Cổ.”
8
Đường Phong nghiêng đầu ngẫm nghĩ hồi lâu rồi hỏi lại giáo sư La: “Tôi cũng từng nghe qua tại khu vực Xuyên Tây có hậu duệ người Đảng Hạng, nhưng trong trí nhớ của tôi, đó hình như là chỉ khu vực Mộc Nhã. Rock đã từng cho rằng, người Mộc Nhã chính là hậu duệ của người Đảng Hạng, nhưng sau này vì ông tới đào nguyên ngoại thế đó nên đã thay đổi quan điểm. Ông cho rằng cư dân sống ở đó càng giống hậu duệ của người Đảng Hạng hơn. Sau này Rock vẫn muốn đi tìm lại vùng đào nguyên đó, nhưng ông đi khắp hang động vách núi thuộc dải tây bắc Tứ Xuyên mà cũng không tìm thấy vùng đào nguyên ngoại thế này. Vậy là, Rock đã gọi vùng đất đó là ‘Shangri La cuối cùng’, trở thành điều tiếc nuối cuối cùng của cuộc đời ông.”
“Lẽ nào Rock không để lại vật gì đó, như một tấm ảnh chẳng hạn?” Đường Phong hỏi.
Giáo sư La lắc lắc đầu, “Không có, bản thân ông nói rằng, trước khi ông đi vào vùng đào nguyên ngoại thế đó, ông đã gặp phải một trận lở bùn đá đáng sợ. Ông đã thất lạc những người đồng hành khác, máy ảnh cùng những thiết bị khác mà ông mang theo cũng bị trôi theo bùn đá, bởi vậy không thể lưu lại hình ảnh hay tài liệu gì. Còn về lần đi lạc đó, ông chỉ để lại những dòng ghi chép ngắn gọn. Trong đoạn ghi chép này, Rock còn đặc biệt nhắc tới ngọn núi ở gần đó mà người địa phương sùng bái, và kể lại trong hang núi trên tuyết sơn có cất thánh vật của họ. Điều này hình như có mối liên hệ nào đó với Hắc Đầu Thạch Thất trong truyền thuyết.”
“Ý ngài là Hắc Đầu Thạch Thất rất có khả năng ở đó?” Lương Viện ngạc nhiên hỏi.
Giáo sư La khẽ gật đầu, đáp: “Khả năng này rất lớn, nếu giống như Rock từng suy đoán, ở đó có hậu duệ của người Đảng Hạng sinh sống, vậy thì, hang núi mà người địa phương thường nói rất có khả năng chính là Hắc Đầu Thạch Thất. Còn bản thân tôi vô cùng ngưỡng mộ Lock, ông là một nhà thám hiểm rất cẩn thận và nghiêm túc, đồng thời cũng là một học giả, tôi nghĩ độ tin cậy trong những lời nói của ông khá cao.”
Đường Phong hình như đã hiểu ra ý của giáo sư La, “Giáo sư La, ý của ông là muốn chúng tôi đi tìm kiếm đào nguyên ngoại thế mà Rock gọi là ‘Shangri La cuối cùng’, tìm kiếm hậu duệ của người Đảng Hạng ở đó, tìm hiểu tình hình liên quan tới Hắc Đầu Thạch Thất?”
“Đúng vậy, hiện nay đây chính là manh mối duy nhất của chúng ta, tôi tin chắc địa danh đó thực sự tồn tại.” Giáo sư La nói rất kiên định.
Đường Phong nhìn nhìn giáo sư La, rồi lại nhìn Hàn Giang, như muốn nghe ý kiến của anh. Hàn Giang trầm tư hồi lâu, lúc này mới cất lời: “Tôi tin tưởng vào phán đoán của giáo sư La, tìm thấy đào nguyên ngoại thế mà Rock đã từng đến, chính là mục tiêu của chúng ta.” Hàn Giang lại nhìn một lượt mọi người đang ngồi bên dưới, đưa ra mệnh lệnh: “Hành động lần này của chúng ta phải tiến hành trong tình trạng bảo mật, do tôi và Đường Phong thực thi, những người khác ở lại đây trấn thủ, khi tôi không có mặt, công việc ở đây do Triệu Vĩnh phụ trách.”
Nói xong, Hàn Giang quay ra bàn giao cho Triệu Vĩnh: “Sau khi tôi đi phải luôn luôn giữ liên lạc với tôi, đồng thời đảm bảo tốt viện trợ…” Hàn Giang đang nói thì Lương Viện liền ngắt lời anh, hỏi thẳng thừng: “Sao lần hành động này không cho tôi đi theo?”
Hàn Giang quay đầu lại nhìn Lương Viện, nghiêm mặt nói: “Lần hành động này, rất có khả năng chúng ta phải thâm nhập vào hang sâu trên tuyết sơn, có khi còn gặp phải sự công kích của kẻ thù, cô là con gái, sao mà đi được!”
“Vậy thì tôi làm gì?”
“Cô hãy ở đây chăm sóc giáo sư La, đợi tôi trở về.”
Lương Viện vẫn muốn tranh luận nhưng Hàn Giang không buồn để ý đến cô nữa, anh cùng Triệu Vĩnh đi ra khỏi mật thất, chỉ còn lại Lương Viện bĩu môi, đứng ngây trước cửa… Đường Phong thấy bộ dạng Lương Viện như vậy, không nhịn cười, đúng lúc đó thì bị Lương Viện nhìn thấy, cô trợn mắt lườm Đường Phong một cái, nói không chút hào khí: “Anh cứ cười đi, không cho tôi đi, tôi cũng sẽ đi bằng được, hừm! Từ bé đến lớn, chưa có ai từng ngăn cản được bổn cô nương.”
Đường Phong thu lại nụ cười, cũng bắt chước điệu bộ của Hàn Giang, nghiêm mặt nói với Lương Viện: “Tiểu thư Lương, đây không phải là nơi để cô giở thói đỏng đảnh đâu nhé, tôi thấy cô nên ở lại đây chăm sóc giáo sư La đi.”
Lương Viện bị Đường Phong chọc tức như vậy bèn đẩy xe lăn của giáo sư La, thở hổn hển bỏ đi, trong mật thất chỉ còn lại Đường Phong. Đường Phong đứng bên cửa sổ, vén một góc tấm rèm cửa dày cộm lên, phía xa xa, những dãy núi tĩnh mịch, trong lòng Đường Phong bỗng đột nhiên trào lên một dự cảm không lành.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.