6.
Thế tử vô tư nói xong một tràng thì cho ta lui.
Ta khom người nhặt lại những bức chân dung bị hắn hất xuống, cẩn thận xếp tấm làm hắn cười lên trên cùng.
Lòng ta lạnh ngắt.
Thế tử muốn nạp ta làm thiếp, đây là phúc lớn dường nào, cha mẹ ta hẳn sẽ mừng lắm.
Nhưng ta, ta chẳng vui chút nào.
Ta thậm chí nghĩ, nếu Thế tử cứ ngốc nghếch như trước thì tốt quá. Lúc ấy hắn không phải Thế tử, chỉ là một chàng trai ngây thơ mà thôi.
- Thế tử, giấy bán thân của nô tỳ…
Thế tử ngẩng đầu:
- Ở chỗ ta.
- Nô tỳ muốn hỏi, có phải nô tỳ sắp được về nhà không?
Trong phòng yên tĩnh, chỉ có tiếng gió lắc cánh cửa sổ không được đóng chặt.
Chân dung trên tay ta cũng bị gió thổi rơi xuống.
Thế tử cười gằn, hơi thở nặng nề:
- Tâm tư của nàng ta biết hết. Ngày trước ta bị người hại ngã xuống nước, lúc bị bệnh ta nói mấy lời điên khùng, đừng coi là thật. Lan Linh, nhà nàng ở thôn Hoàng Nha, trong nhà có hai đệ đệ, nửa mẫu đất, hai con heo, cả nhà chỉ dựa vào tiền nhập phủ của nàng để sống. Người như nàng không làm được Thế tử phi đâu, bỏ cái tâm tư đó đi.
Ta nghẹn một lúc mới nói:
- Người như nô tỳ thì sao?
Sắc mặt Thế tử chuyển giận:
- Hôm nay nàng sao vậy?
- Nô tỳ chỉ muốn biết, trong mắt Thế tử, nô tỳ là loại người gì.
Im lặng một lát, Thế tử phất tay:
- Ra ngoài!
Ta nhặt chân dung lên, lén lau nước mắt. Trâm hoa quế giấu trong ống tay áo rơi ra, cánh hoa đã ố vàng, mùi hương đã tan hết.
Thế tử kinh ngạc:
- Nàng còn giữ.
Một giây sau, ta giận dữ đạp lên cây trâm:
- Bẩm Thế tử, do nô tỳ quên vứt đi thôi.
- Nàng!
Thế tử không giận mà còn cười:
- Được, được lắm. Vậy ta nói cho nàng biết. Nàng còn một trăm lẻ tám ngày nữa là có thể về nhà, nhưng trong một trăm lẻ tám ngày này nàng phải ở trong phòng hầu hạ ta. Chờ hết hạn, ta sẽ phái người đến nhà nàng, cha mẹ nàng sẽ lại bán nàng, để cả đời nàng phải ở trong Hầu phủ. Trong mắt ta, nàng một chữ bẻ đôi không biết, thô bỉ vô vị, còn không biết tự lượng sức mình.
Nước mắt dâng đầy tràn, ta cứng đầu nhịn không cho nó rơi.
Cơn giận nghẹn trong lòng, ta nghĩ, quá mức thì chết thôi.
Ta xô hắn một cái, Thế tử không đề phòng bị ta đẩy một cái loạng choạng lùi về sau.
Nếu có một con dao mổ heo ở đây, ta sẽ cắt lưỡi hắn!
Mồm miệng độc địa như vậy, không có còn hơn.
- Thế tử mới là người không tự biết mình.
Ta ép nước mắt chảy ngược, giận dữ lườm hắn:
- Ta không thèm cái chức Thế tử phi kia. Ta vốn chẳng muốn chăm sóc ngài, chẳng qua Đại phu nhân phái ta đi, ta mới đi. Ta chẳng thích Thế tử ngài, người ta muốn lấy phải là người thật dịu dàng. Dù chàng không có quyền thế, ta cũng không quan tâm.
Thế tử giận run người, lấy giấy bán thân đựng trong hộp ngầm sau giá sách ném vào người ta:
- Cút đi! Cút mau!
Ta đá văng đống chân dung, nhặt giấy bán thân lên, xót xa vuốt vài cái không quay đầu lại mà đi thẳng.
Vừa mới ra cửa đã va phải Đại phu nhân.
Mặt bà ấy tối sầm, xung quanh là đám hạ nhân đang nghển cổ hóng hớt.
Đại phu nhân khẽ nhấc tay, liền có hai gã đàn ông lực lưỡng kẹp chặt lấy ta.
- Đánh trước mười roi, xem có biết nhận sai hay không.
7.
Lúc roi đánh trên người, ta hối hận rồi.
Nhị Hoa ơi là Nhị Hoa.
Sao ngươi lại ngu dại thế này? Dám quên đi thân phận của mình.
Thế tử muốn đánh muốn mắng cứ kệ là được mà.
Cãi nhau với Thế tử, đúng là tự tìm đường chết.
Roi thứ nhất, ta đau đến toàn thân đổ mồ hôi lạnh, lưng như bị thiêu cháy, đau đến không chịu nổi.
Ta sợ chờ thêm lát nữa sẽ không còn sức lực, lập tức la to:
- Phu nhân, nô tỳ biết sai rồi!
Không ai để ý.
Lại một roi nữa, người cầm roi có thù hằn gì với ta hả, sao cứ nhè chỗ đau mà đánh vậy.
Roi thứ năm, ta nghĩ, Thế tử đang nhìn ta bị phạt ư?
Thì ra hắn ghét ta như vậy.
Ta nhìn lầm người rồi, ta coi Thế tử ngốc thành Thế tử thật.
Đoạn Thần là người lòng dạ sắt đá.
Roi thứ mười mang theo chút da thịt vụn, mùi máu tanh xộc thẳng vào mũi, thật khó ngửi.
Tiểu Hạt Tử và Thúy Vi khiêng ta về phòng.
Thúy Vi khóc:
- Lan Linh, cô hồ đồ quá.
Ta đau đến tê liệt, vẫn còn tâm trạng mà cười:
- Tỷ muội tốt của ta, tên ta là Nhị Hoa. Ta nói tên của mình cho cô, về sau rời phủ chúng ta sẽ là bạn bè.
Thúy Vi cũng nói tên thật của mình cho ta biết.
Ta mơ màng ngủ thiếp đi.
Đêm khuya, lại đau mà tỉnh.
Có người đang bôi thuốc cho ta, ta mê man nghĩ, Thúy Vi tốt với ta quá còn mua thuốc tốt nhất, bôi lên da lành lạnh thật dễ chịu.
Dù người này động tác nhẹ nhàng, nhưng ta vẫn đau lắm.
- Ah, đau quá.
- Ta sẽ nhẹ tay.
Là giọng nói của Thế tử.
Ta dụi mắt mới phát hiện mình nằm trên giường Thế tử.
Đột nhiên cơn đau tăng vọt.
Ta không muốn nói gì cả, nên nhắm mắt vờ ngủ.
Thế tử bôi thuốc xong thì lại ra trước bàn đọc sách, ai cũng không nói lời nào mãi đến hừng đông.
Một tháng này ta nằm dưỡng thương, Thế tử dường như đã thành người câm, chỉ nhớ mỗi ngày bôi thuốc cho ta. Cũng có vài đêm, hắn nằm ngủ bên cạnh ta.
Ta nghiêng người, quay lưng với hắn.
Lúc ta sắp ngủ thiếp đi, nghe thấy giọng Thế tử nghẹn ngào:
- Có đau không?
Ta mở mắt ra.
Hắn còn nói:
- Sao nàng không chịu thua chứ?
Ta mặc kệ hắn.
Ta không dám nghĩ. Chỉ mười roi ta đã khóc ròng tưởng mình đã chết. Cái người chỉ hắt hơi đã ăn ba mươi roi, bây giờ có còn sống không?
Tính ngày tháng, hôm nay là ngày cuối cùng của ta ở Hầu phủ, Thế tử không quay về.
Ta chỉ sợ hắn thật sự phái người đến tìm cha mẹ ta, ta không muốn ở lại Hầu phủ cả đời. Người ta mong mỏi cái phúc này, ta thì không.
Ta không muốn nửa đời sau phải ở trong Hầu phủ, hạ mình làm thiếp. Càng không muốn phải trái lương tâm, nói với vị Thế tử phi dịu dàng của tương lai rằng, ta không có lòng tranh đoạt, nguyện hầu một chồng với người ta. Càng không muốn thấy người ta yêu, mỗi lần về nhà đều phải suy nghĩ hôm nay phải ngủ trong phòng người nào.
Tên của ta và Thế tử đặt cạnh nhau, ai nhìn thấy cũng bật cười thôi.
Thế tử về rồi, nhưng bị thương.
Thì ra trong lúc ta dưỡng bệnh, Diên di nương ăn nhầm đồ lạ, không giữ được cái thai. Cô ta khẳng định do Thế tử làm.
Kết quả Đại phu nhân tìm thấy nhân chứng, chứng minh lần trước Thế tử ngã xuống hồ do Diên di nương chủ mưu.
Hầu gia muốn đuổi Diên di nương đi.
Trước khi đi, Diên di nương cầm dao đâm Thế tử, cô ta muốn Hầu phủ đoạn tử tuyệt tôn.
Ta đã có thể xuống giường đi lại, thấy họ khiêng Thế tử trở về, Thế tử uể oải nói:
- Ta không sao, Lan Linh đâu rồi?
Ta còn nhớ chỗ để giấy bán thân của ta.
Nhân lúc mọi người cuống cuồng xoay quanh Thế tử, ta cầm lại giấy bán thân để trong hộp ngầm, thu xếp xong tay nải là rời khỏi Hầu phủ ngay.
Bên ngoài không khí trong lành, phiền muộn trong lòng theo gió tan đi.
Ta hít một hơi dài, rảo bước về nhà.
8.
Về đến nhà, mẹ đang thu dọn đồ đạc, thấy ta thì mừng phát khóc:
- Hoa Nhi của mẹ!
- Mẹ ơi, cha con đâu rồi?
- Cha con bị bệnh lao, đã chết rồi, - Mẹ đáp - Con về rất đúng lúc, mẹ định bán nhà, lên trấn bán thịt heo, mẹ đã chuẩn bị xong rồi. Năm đó cha con nhất quyết đòi bán con, mẹ đau lòng muốn chết.
Mẹ muốn ôm ta, nhưng vô tình chạm vào vết thương chưa lành, nước mắt rưng rưng:
- Về là tốt rồi, về là tốt rồi, con chịu khổ nhiều quá.
Ta và mẹ dọn nhà lên trấn. Cửa hàng thịt không lớn lắm, đằng trước bán thịt, sân sau nuôi heo. Dung mạo của mẹ xinh đẹp, nói chuyện ngọt ngào nên hút được rất nhiều khách mua thịt.
Đệ đệ đã đến tuổi học tư thục, ta phụ trách đưa đón đi.
Sau khi về nhà thì cho heo ăn, giặt quần áo, cuộc sống dễ chịu.
- Hoa nhi, con có muốn lập gia đình không? - Mẹ hỏi ta, - Mẹ sẽ chọn thật cẩn thận cho con, chỉ mong không gặp người như cha con.
- Con nghe lời mẹ hết.
Mẹ quả thật rất tận tâm, chỗ tư thục hai đệ đệ đang theo học có một tiên sinh phụ giảng, là con trai của tiên sinh dạy học.
Mẹ liền sai ta hai, ba ngày lại tặng thịt heo cho nương tử của tiên sinh dạy học, còn dặn ta sau khi đưa đệ đệ đến học thì đứng chờ đó chờ thêm một lát.
Ban đầu ta không có tâm tư gì, sẽ ở lại dự thính một lớp.
Thư sinh ưỡn thẳng lưng, nói chuyện nhẹ nhàng như gió xuân, lũ trẻ rất thích y.
Y nói:
- Cô nương, vào đây nghe đi.
Ta học được thêm nhiều chữ, về đến nhà, bài thơ đệ đệ chưa học thuộc ta cũng có thể đọc được.
Mẹ che miệng cười:
- Hoa Nhi nhà chúng ta thật thông minh.
Ngày ấy, thư sinh đang giảng về tri hành hợp nhất, đạo lý này quá khó hiểu, ta nhìn về y.
Y đỏ mặt, giọng nói càng lúc càng nhỏ.
Tiếng đọc sách của lũ trẻ bị cắt ngang, vài thị vệ bước đến, giơ một bức tranh ra.
- Có ai từng gặp nha hoàn tên Lan Linh này chưa?
Ta trốn sau lưng thư sinh nhìn sang, bức tranh đó vẽ ta, trên tóc còn cài cây trâm hoa quế.
Thư sinh thấy ta trốn đằng sau y, bèn lên tiếng:
- Chưa từng gặp.
Lũ trẻ rất thông minh, mồm năm miệng mười nói liên tục, mấy tay thị vệ thấy phiền nên hỏi một câu rồi thôi.
- Cô nương tên Lan Linh?
Ta lắc đầu:
- Ta là Nhị Hoa.
Thư sinh nói:
- Nhưng người trong tranh rất giống cô. Người họ tìm là nha hoàn thông phòng của Thế tử, là cô à?
Ta hiểu rõ,tuy phủ nhận nhưng không ở lại nghe giảng bài nữa.
Ta nói với mẹ rằng, có lẽ sẽ không ai thèm lấy ta.
Làm gì có người bình thường nào muốn lấy kẻ từng làm nha hoàn thông phòng, huống hồ là thư sinh thanh cao.
Mẹ an ủi ta:
- Không sao không sao, không ai lấy thì đi bán thịt heo với mẹ, kiếm bạc đầy tay.
Mẹ không kể với ta rằng ngày ấy thị vệ cũng đến hỏi mẹ.
Mẹ không để ý, nói cho thị vệ đó là khuê nữ của mình.
Hôm sau, trước cửa quán thịt heo của mẹ con ta xuất hiện một vị quý nhân quần áo hào hoa.
Thị vệ của hắn theo phía sau, làm người khác không dám mua thịt.
Ta lạnh nhạt hỏi:
- Quý khách muốn mua mấy cân thịt heo?
Hắn đưa tới một cây trâm.
Trâm được khắc tỉ mỉ theo hình hoa quế, giá trị không nhỏ.
Ta dùng dao mổ lợn đẩy cây trâm ra:
- Không mua thịt thì tránh ra.
9.
Cây trâm rơi xuống đất.
Mẹ vỗ vai ta, bà ấy cảm thấy không nên chọc giận khách quý.
Đoạn Thần cười nói:
- Không sao, nhặt lên là được.
Có thị vệ muốn lên nhặt lại bị hắn quát lui.
Hắn cúi người nhặt cây trâm hoa quế lên, tự tay lau chùi:
- Thịt ta lấy hết.
Mẹ mừng rỡ:
- Được.
Mẹ chặt thịt, từng nhát từng nhát, mảnh thịt vụn văng tung tóe lên quần áo của Đoạn Thần. Hắn chỉ khẽ cau mày, không cáu kỉnh.
- Nàng thích tên thư sinh kia à?
Mẹ phát hiện hắn đang hỏi ta, nhưng lại thấy có gì không ổn.
Ta gật đầu:
- Phải.
Đoạn Thần nói thêm vài câu, xoay người ra về.
Buổi tối, mẹ hỏi ta, ta bèn kể rõ sự tình cho bà ấy.
Biểu cảm của mẹ rất phức tạp:
- Mẹ vừa thấy con ngốc, lại vừa mừng vì con quay về.
Hôm sau, thư sinh đón dâu, nghe do đích thân Thế tử xe tơ bắc cầu, cũng coi như môn đăng hộ đối.
Đoàn rước dâu đi qua cửa hàng thịt, kiệu lớn rộn ràng, thư sinh tươi cười tràn đầy hạnh phúc.
Ta chỉ chăm chăm chặt thịt heo.
Đoạn Thần bước ra khỏi đám người, lần này chỉ có mình hắn.
- Nàng đang giận, nàng thích hắn thật sao?
Ta thật sự không hiểu nổi vị Thế tử này, hỏi hắn:
- Thế tử, rốt cuộc ngài muốn gì?
Đoạn thần thở dài:
- Ta muốn xin lỗi nàng. Hôm ấy nàng tìm ta hỏi giấy bán thân, ta không ngờ nàng… muốn rời khỏi ta đến vậy. Ta lỡ nói rất nhiều lời khó nghe. Ta chê nàng thô bỉ, vô vị, không tự lượng sức là nói dối. Thật ra nàng thông minh lương thiện, đối xử với ai cũng tốt, nhất là với ta.
Ta đặt dao xuống, bình tĩnh nhìn hắn:
- Thế tử, ngài hồ đồ hơn ta, ngài không hiểu ta đang nghĩ gì.
Đoạn Thần lấy cây trâm ra:
- Nàng không muốn làm thiếp, nàng muốn cùng người nàng yêu một đời, một kiếp, một đôi. Ta nghĩ rất lâu, ta có thể làm được.
Cây trâm tỏa sáng rực rỡ dưới ánh mặt trời, giống như thân phận Thế tử của hắn.
Dao mổ heo của ta vương tơ máu, giống như thân phận của ta.
Hai người vốn không hợp, hà tất cưỡng cầu lương duyên.
Sau đó, mỗi ngày Thế tử sẽ tới.
Vì ta, hắn lại thành trò cười.
Lúc xưa, mọi người bảo hắn trở nên khờ khạo mới thích một đứa nha hoàn.
Bây giờ, lại nói, bệnh của Thế tử chắc chưa khỏi, phải chữa tiếp.
Sau đó, chuyện đáng kinh ngạc mọi người cũng nhìn mãi thành quen.
Giống như, Thế tử đang bán thịt heo.
Ta không biết Hầu gia nghĩ thế nào, đến mẹ cũng nói Thế tử điên rồi.
Quần áo bị bẩn, Đoạn Thần cũng không quan tâm. Mẹ mời hắn ở lại ăn cơm, hắn nhận lời.
Ghế gỗ ở nhà do tự tay mẹ con ta làm, trên mặt có chỗ mài chưa sạch, sẽ cào rách quần áo.
Ta tìm đệm cho hắn theo thói quen.
Hắn ngồi xuống, ta sực tỉnh.
Trước đây chăm sóc hắn vì thích.
Bây giờ chẳng qua vì hắn là Thế tử thôi.
Bữa cơm này, ta nhai thức ăn như nhai rơm.
Mẹ ăn no thì rời đi. Bà ấy muốn để ta và Thế tử giải quyết khúc mắc, đừng ảnh hưởng đến chuyện làm ăn của bà.
- Thế tử, ngài về nhà đi thôi.
Đoạn Thần gắp miếng rau, chăm chú ăn cơm.
Một lát, hắn nói:
- Nàng gọi ta là A Thần được không? Lan Linh cũng được, Nhị Hoa cũng được, nàng đi rồi ta rất nhớ nàng. Mười roi nàng phải chịu kia là chuyện ta hối hận nhất. Nàng nói nàng thích người dịu dàng, ta sẽ thay đổi mà.
Hai mắt hắn rưng rưng:
- Lan Linh, ta đã làm đến mức này…
Ta ngắt lời hắn:
- Thế tử vốn không hiểu ta đang nghĩ gì. Ngài là Thế tử, trên vai ngài là vinh quang của Hầu phủ. Ngài là thần tử, phải gánh vác triều đình tương lai, sinh mạng của bá tánh.
- Ngài không nên… ở lại đây ăn cơm.
- Giống như khi ngài ngồi xuống, ta sẽ đi tìm đệm cho ngài. Dù trải qua bao nhiêu chuyện, ngài mãi là Thế tử, còn ta là nha hoàn. Ngăn cách chúng ta không phải cái bàn này, mà là rất nhiều người, nhiều chuyện. Chúng ta vốn không xứng đôi.
- Thứ ta muốn ngài không cho được, người ngài cần không phải ta.
- Còn mấy tháng kia, chúng ta hãy quên đi thôi.
Hai người chúng ta ngồi yên lặng đến khi mặt trời khuất núi. Như thể cả hai đều biết đây là lần cuối cùng chúng ta gặp nhau.
Cuối cùng, Đoạn Thần nói:
- Trừ nàng ra, ta sẽ không cưới ai khác.
Ta cười, nghĩ sao hắn lại ngây thơ như vậy.
10.
Đại phu nhân phái người đến đón Thế tử.
Cuộc sống của ta và mẹ lại trở lại như cũ.
Chỉ là Hầu phủ luôn phái người đến mua thịt, tiện thể đưa thư và ít đồ trang sức.
Mẹ than thở:
- Thế tử làm rầm rộ như vậy, về sau hắn có cưới ai không mẹ không biết, chứ con là không ai dám lấy rồi.
Ngày ngày tháng tháng trôi qua, nghe nói Thế tử thực sự từ chối rất nhiều cuộc hôn nhân.
Đại phu nhân tức giận công tâm, bệnh liệt giường.
Hầu gia lại chẳng quan tâm. Thế tử không chịu kết hôn nhưng vào triều làm quan được Thánh thượng tán thưởng, sắp đi đánh trận, kiến công lập nghiệp.
Có điều, chuyện này chẳng liên quan đến ta.
Ta và mẹ đổi cửa hàng lớn hơn, buôn may bán đắt.
Hai đứa đệ đệ từ từ trưởng thành, giúp đỡ rất nhiều.
Ta cũng có thể ra ngoài nhiều hơn.
Chuyện lúc trà dư tửu hậu của dân chúng luôn thay đổi, từ lâu đã không còn là ta và Thế tử nữa.
Nhìn người ta có đôi có cặp, ta cũng rất hâm mộ.
Gần đây, trên phố có thêm một chàng trai bán tăm trúc nom rất tuấn tú. Hình như là người ngoại địa, chưa từng nghe lời đồn.
Ta nhân lúc mua tăm tiện thể hỏi thăm.
- Huynh từ đâu đến?
- Năm nay bao nhiêu tuổi rồi?
- Có hôn thú chưa?
- Tên là gì?
Chàng trai ngượng ngùng nhìn ta, gò mà đỏ bừng nhưng vẫn trả lời nghiêm túc:
- Ta là người Bình Giang, năm nay hai mươi, chưa có nương tử, tên là Phương Vân Yên.
Ta khen:
- Tên rất hay.
Chuyện đời tựa khói mây qua.
Đằng sau có tiếng vó ngựa lộc cộc, hất tung bụi bặm, ta che miệng mũi nhìn đoàn quân mặc giáp cưỡi ngựa đi qua.
Người dẫn đầu mặt mày kiêu ngạo.
- Cô nương, cô nương ơi?
Ta hỏi:
- Sao vậy?
- Tên cô là gì?
Lần đầu tiên ta thấy tên mẹ đặt chẳng thuận tai gì cả.
- Ta tên Nhị Hoa.
Phương Vân Yên bắt chước ta khen:
- Tên rất hay.
Không biết mẹ nghe nói về Phương Vân Yên ở đâu, bèn tự mình đi tìm hiểu. Sau khi quay về miệng đầy lời khen.
- Thằng nhóc kia không tệ. Mẹ nói với con này, nó biết hết, còn hỏi mẹ con thích cái gì?
Đây là lần đầu có một chàng trai hỏi ta thích gì.
Ta nói:
- Thật ra ta thích hoa đào, thích ăn thịt, thích trẻ con.
Năm sau, chúng ta thành thân.
Đoàn đón dâu cũng rất dài, ta mặc áo cưới mẹ thêu cho, nắm tay Phương Vân Yên.
Phương Vân Yên hay ngại, người trên trấn trêu chàng. Chàng liền nhìn ta, khóe miệng cong cong, gọi ta là nương tử.
Chàng dạy ta gọt tăm trúc, giúp ta cho heo ăn, trồng một gốc hoa đào trong sân cho ta.
Ngày tháng đạm bạc bình yên, nhưng ta vẫn ngóng trông mỗi sớm mai.
Phương xa, chiến sự đã xong, Thế tử khải hoàn quay về. Thánh thượng tự mình xe chỉ hồng, gả muội muội của Hoàng hậu năm nay vừa cập kê cho Thế tử.
Thế tử đồng ý rồi.
Câu “Trừ nàng ra, ta sẽ không cưới ai khác.” sau giờ ngọ hôm ấy đã thành nước chảy về đông.
Lại một năm nữa trôi qua, ngày tuyết rơi dày, con ta chào đời.
Ta nắm tay Phương Vân Yên, đau quá thì đánh chàng, chàng không kêu tiếng nào.
Phương Vân Yên rơi nước mắt:
- Nương tử, sinh xong đứa này là đủ rồi.
Ta gật đầu lia lịa:
- Đủ rồi, đủ rồi.
Lúc đặt tên cho con thì gặp khó.
Mẹ bảo đặt tên là Tiểu Hà, vì đằng trước nhà ta có con sông.
Ta bảo đặt là Bình An, mong cuộc đời con bình an trôi chảy.
Phương Vân Yên suy tư:
- Phương Bình An rất êm tai.
Mẹ bật cười:
- Nhị Hoa nói gì cũng êm tai cả.
Tết đến, pháo trúc rộn vang, thì ra khi người ta hạnh phúc, thời gian trôi nhanh như vậy.
[Hết chính truyện]