Từng Thề Ước

Chương 8: Cây cao mây quấn mãi chẳng rời




Chẳng hiểu sao hình bóng Xi Vưu lại hiện ra trước mắt nàng, hắn đã lớn lên giữa một vùng non nước thế này ư? Liệu hắn có biết đánh cá không? Hắn cũng biết hát những khúc sơn ca lanh lảnh mà tình tứ như vậy sao? Hắn đã từng hát cho ai nghe chưa nhỉ…
Suốt đêm A Hành không sao chợp mắt, mãi đến gần sáng mới mệt quá ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy, nàng thấy mặt trời ngả về Tây, A Tệ đã đỗ xuống một sơn cốc tự lúc nào.
Nàng trở mình ngồi dậy, giơ tay chạm vào Xi Vưu bên cạnh, thấy người hắn nóng hầm hập, vết thương đã trở nên nặng thêm.
Nhìn quanh bốn bề đều là núi đồi trùng trùng điệp điệp xanh mướt một màu, A Hành ngỡ ngàng hỏi Liệt Dương đang đậu trên cành: “Xi Vưu có nói với mày là đi đâu không? Hay là mày lạc đường?”
Bị A Hành vặn hỏi, Liệt Dương vô cùng bực bội, bèn giơ một cánh lên hùng hổ ra hiệu với nàng rồi quay ngoắt đi.
A Hành lòng như lửa đốt, nàng không biết y thuật nên nhất định phải tìm một người hiểu y thuật để chẩn trị cho Xi Vưu, đột nhiên nghe loáng thoáng đằng xa có tiếng động, nàng bèn lại đó xem sao.
A Hành đi trước, A Tệ cõng Xi Vưu theo sau, còn Liệt Dương nghênh ngang đậu trên đầu A Tệ.
Vòng qua một khe núi, đột nhiên trước mắt nàng bừng sáng.
Một dòng sông rộng từ sơn cốc uốn mình chảy ra, đôi dải núi xanh bên bờ trải dài bất tận, ráng chiều rơi rớt chênh chếch rọi lại từ sườn núi thấp bên kia, nhuộm đỏ ối ngọn núi đối diện. Gió thổi xào xạc lá cây, cả ngọn núi đều lấp lánh ánh vàng.
Mặt nước mênh mông ngập đầy ráng chiều lấp loáng, mấy người dân chài đang chống thuyền giữa dòng đánh cá, vung mạnh tay tung tấm lưới lấp lánh ánh bạc lên cao, tấm lưới từ từ buông xuống dòng sông, rõ ràng chỉ là tấm lưới gai thông thường, vậy mà lúc này lung linh ánh bạc hòa cùng ráng vàng lấp loáng trên mặt sông, khiến người khác trông vào mà hoa cả mắt, còn đẹp hơn cả tơ Nguyệt Quang mà mẹ nàng dệt nữa.
Đám dân chài hô vang một tiếng, vừa hò dô vừa chung tay kéo lưới lên, cá trong lưới đua nhau búng khỏi mặt nước, quẫy đuôi uốn mình trên không làm nước bắn tung tóe, ráng chiều phản chiếu khiến cả mặt sông lung linh bảy sắc cầu vồng.
Vất vả bận bịu đến thế, mà cũng tràn đầy sức sống, sôi động nhường kia.
A Hành dừng sững lại, ngây người ra nhìn.
Nhìn bầy cá nhảy tanh tách, đám dân chài thảy đều mừng rỡ, một gã thanh niên vừa ra sức kéo lưới vừa cao giọng hát vang, tiếng ca ồm ồm mà phóng khoáng lan đi thật xa trong sơn cốc.
“Ơ… Trời ngả bóng, cá đầy khoang,
Ca vang ướm ý cô nàng xem sao?
Non cao nước đổ rì rào,
Cây cao tán rộng lao xao ong về.
Này cô em hái dâu kia,
Đeo gùi hái khắp bốn bề núi non,
Em yêu ơi có biết không,
Nhớ em ta những héo hon dạ này…”
Gã đánh cá còn chưa dứt lời đã nghe một giọng nữ lanh lảnh từ trên núi đưa sang.
“Chàng là cây lớn đỉnh non,
Em dây mây vấn vít sườn núi xanh,
Chàng cao em thấp vẫn tình,
Níu chân quấn quýt quanh mình chàng ơi,
Chừng nào chàng mệt rã rời,
Thời em đây mới buông lơi cho chàng…”
Núi rừng cách trở nên không trông thấy cô gái đâu cả, nhưng tình cảm nồng nàn như lửa mà cô giấu trong giọng hát đã lan theo tiếng ca trên núi đưa xuống, làm rạo rực cả mặt sông.
Đám dân chài cười rộ lên, gã trai vừa cất tiếng đắc ý khoái trá ra mặt.
“Chàng cao em thấp vẫn tình, níu chân quấn quýt quanh mình chàng ơi, chừng nào chàng mệt rã rời, thời em đây mới buông lơi cho chàng…” A Hành nghĩ một lát mới hiểu ra ẩn ý trong lời ca, liền đỏ mặt tía tai vì ngượng, đây là lần đầu tiên nàng thấy người ta ngang nhiên bày tỏ chuyện nam nữ thế này.
Thấy dân tình nguyên sơ thuần phác lại nhiệt tình thẳng thắn như vậy, nàng đã lờ mờ đoán ra mình đang ở đâu. Nghe đồn có một dải man hoang không theo giáo hóa, người trên đại hoang vẫn gọi là Cửu Lê, núi non ở đó rất cao, sông nước rất đẹp, thanh niên nơi đó đều cường tráng như non cao, thiếu nữ lại mỹ lệ như nước mát.
A Hành quay sang dặn A Tệ mấy câu để nó cõng Xi Vưu lánh đi, còn nàng men theo con đường mòn lên núi trong tiếng ca lảnh lót.
Trên sườn núi lúp xúp những nếp nhà sàn, lưng tựa vào núi, mặt quay ra sông, tầng trệt để lùa gia súc vào trú mưa tránh gió, còn tầng hai làm chỗ ở, có cả sân thượng nhô ra để trồng hoa cỏ hay phơi lưới. Bây giờ đang là lúc mọi người về nhà sau một ngày làm việc, khói bếp bắt đầu lững lờ bốc lên trên những nếp nhà.
Thấy A Hành ăn vận khác hẳn mọi người, ông lão dắt trâu nheo mắt cười quan sát nàng, chú nhỏ lấy rau lợn cũng cười hì hì liếc trộm nàng.
Ông lão râu bạc vai vác cuốc, tay dắt trâu còn cười cười hỏi nàng: “Cô nương là người nơi khác đến phải không?”
A Hành cũng gật đầu cười hỏi: “Nơi đây là Cửu Lê ư?”
Ông lão cười ha hả, “Đây là nơi ông bà tổ tiên ta đã sống hết đời này sang đời khác, bản này tên gọi Đứa Ngõa, có điều nghe nói người ngoài gọi chung cả trăm ngọn núi ở đây là Cửu Di hay Cửu Lê gì đó, cô nương tới đây là để…”
“Cháu nghe nói trong vùng rừng núi Cửu Lê có rất nhiều loại thảo dược nên tới đây tìm hái vài thứ đấy thôi.” Vùng man hoang này rất hiếm dấu chân người lai vãng, A Hành không muốn gây chú ý, đành giả làm người hái thuốc, thân phận tốt nhất dành cho những kẻ lãng du đây đó.
Ông lão nhiệt tình nói, “Cô nương chưa tìm được chỗ nghỉ ư? Con trai cùng cháu nội lão vào núi đi săn rồi, trong nhà có phòng trống, nếu cần cô cứ ghé nhà lão nghỉ chân.”
A Hành cười đáp lễ: “Tốt quá rồi, cảm ơn… cụ ạ.”
Ông lão nào hay A Hành đã sống mấy trăm năm, nghe nàng lễ phép xưng hô liền tươi cười lộ vẻ hài lòng, dắt nàng về nhà.
“Đây là Mễ Đóa, cháu gái lão, năm nay mới mười mấy tuổi thôi, không biết hai người ai nhiều tuổi hơn ai?” Ông lão ngồi xổm bên bếp lửa, vừa đun nước vừa cười cười quan sát nàng cùng Mễ Đóa.
A Hành vội đáp: “Cháu lớn hơn, cháu lớn hơn.”
Mễ Đóa đã nấu cơm xong lại thấy có khách đến nhà, liền vội vã đi ra ngoài, chỉ lát sau đã xách một chú cá tươi rói trở về.
A Hành cười cười, lựa lời hỏi thăm ông lão: “Chẳng hay ai quản lý việc trong cả bản? Có ai biết chữa bệnh không cụ?”
“Các bản đều chọn ra trưởng bản, muốn chữa bệnh thì đi cầu Vu sư, cả trăm sơn bản chúng ta ở đây mà các người gọi là Cửu Lê đó, đều mời Vu sư đến xem bệnh, thường thường muốn biết khi nào nên gieo hạt, lúc nào nên đi săn, chừng nào phải tế trời, trưởng bản đều đi hỏi Vu sư.”
“Thế ai chữa bệnh mát tay nhất?”
“Dĩ nhiên là Vu vương tinh thông bách nghệ chứ còn ai.” Ông lão vừa nói vừa đặt tay lên ngực, cúi đầu thật thấp, vô cùng cung kính và thành khẩn.
“Cháu muốn gặp Vu vương có được không?”
Nghe nàng hỏi, ông lão lộ vẻ áy náy: “E rằng không được đâu, nhưng lão có thể đi hỏi giùm cô.”
“Cụ biết Vu vương ở đâu ư?”
“Thường ngày Vu vương sống ở một bản khác, gọi là bản Xi Vưu, trong bản Xi Vưu có Tế Thiên đài, Vu vương phải bảo vệ thánh địa của chúng ta.”
“Bản Xi Vưu ư?”
Ông lão bật cười, vẻ mặt đầy kiêu hãnh: “Xi Vưu là đại anh hùng của tộc ta, nghe nói mấy trăm năm trước ngài đã cứu tất cả người trong tộc, thế nên bản vốn mang tên khác đã đổi thành bản Xi Vưu để tưởng niệm ngài.”
A Hành lại hỏi tiếp: “Bản Xi Vưu ở đâu thế ạ?”
Nghe nàng hỏi, ông lão liền cầm que cời lò vừa vẽ lên mặt đất vừa miêu tả bản Xi Vưu nằm trên ngọn núi nào.
A Hành nghe xong bèn tươi cười đứng dậy từ biệt ông lão.
Như đoán được ý định của nàng, ông lão bèn khuyên giải: “Lão nói cô nghe, bản Xi Vưu ở xa lắm, phải băng qua mấy ngọn núi nữa kia, cô cứ ăn uống rồi ngủ một giấc, sáng mai chúng ta dậy sớm chuẩn bị lương khô, lão sẽ dẫn cô đi.”
Mễ Đóa đứng ở cửa bếp vừa chùi tay vào áo vừa nhìn A Hành, có thể thấp thoáng thấy đồ ăn thịnh soạn bày đầy trong bếp, đối với một gia đình miền núi, thế này đã là dốc cả nhà cả cửa ra thết đãi rồi.
A Hành vội phân trần: “Thật không dám giấu, cháu có việc gấp phải đi một lát, mọi người cứ ăn trước đi, để phần cơm cho cháu là được, tối nay nhất định cháu sẽ về ăn cơm Mễ Đóa muội muội làm.”
Ông lão cười nói: “Vậy được, lão sẽ hâm mấy vò Ca tửu[1] đợi cô về.”
[1] Người Miêu tôn tộc Cửu Di của Xi Vưu là tổ tiên. Mỗi năm vào tháng Bảy Âm lịch, các phụ nữ trong bản người Miêu đều hái bảy loại thảo dược mà tổ tiên truyền lại đem ủ trong những chiếc cối giã gạo đặc biệt cho lên men, đến khoảng mùng chín tháng Chín lại dùng nếp trắng và nếp đen cất thành rượu, tiếng Miêu gọi là Ca tửu.
A Hành gật đầu tỏ ý cảm tạ.
Vừa ra khỏi nhà ông lão, nàng đã thấy Liệt Dương bay vù đến như chớp, luôn miệng kêu quang quác. A Hành cả kinh, nếu không có chuyện gì, Liệt Dương ắt chẳng thể cuống cuồng như thế, nghĩ vậy, nàng vội theo Liệt Dương bay đi.
Thoạt trông thấy nàng, A Tệ cũng cuống quýt chạy lại. A Hành đỡ Xi Vưu dậy, thấy mặt hắn tím tái, cả người lạnh ngắt, trong không khí thoang thoảng mùi hương kỳ dị. Nàng bèn vạch áo hắn ra, thấy vết thương đã đen bầm lại, mùi hương càng nồng nặc hơn.
Dẫu mù mờ về y thuật thế nào, A Hành cũng biết vết thương không thể bám đen, càng không thể tỏa hương nức mũi như vậy. Triệu chứng này chỉ có thể là trúng độc.
Vận linh lực thăm dò mạch tượng của Xi Vưu, A Hành lại phát hiện linh thể của hắn cũng đã bị ảnh hưởng, nàng hốt hoảng đến nỗi ngã sụp xuống đất.
Không thể là Đại ca hạ độc, tuy Đại ca tàn nhẫn nhưng tính rất kiêu ngạo, không đời nào thèm dùng tới cách này. Kẻ có thể hạ độc Xi Vưu chỉ có thể là người bên cạnh hắn. Nghe Vân Tang nói mấy chục năm nay, Viêm Đế rất coi trọng Xi Vưu, chuyện lớn chuyện nhỏ gì cũng cho hắn tham dự, lần này lên Ngọc sơn cũng vậy, rõ ràng Vân Tang ở đó nhưng lại để Xi Vưu xử lý chính sự, đương nhiên hắn sẽ bị rơi vào thế một vai gánh lấy sơn hà. Tuy A Hành tâm tính đơn thuần nhưng từ nhỏ lớn lên trong vương tộc, nàng thừa hiểu nếu cứ tiếp diễn như vậy, tính tình quật cường của Xi Vưu nhất định sẽ đe dọa tới quyền thế lợi ích của kẻ khác, vì xung đột quyền lợi dẫn tới hãm hại ám sát là chuyện thường.
Kẻ nào muốn diệt trừ Xi Vưu nhỉ? Là Chúc Dung ư? Hay Du Võng? Cộng Công… Hay tất cả bọn họ đều góp phần?
A Hành chẳng dám nghĩ tiếp nữa, lời cảnh cáo của Đại ca vẫn còn văng vẳng bên tai, phụ vương luôn muốn xưng bá Trung nguyên, nàng tuyệt đối không thể bị cuốn vào cuộc đấu tranh nội bộ của Thần Nông tộc.
Nghĩ vậy, nàng đành ôm lấy Xi Vưu ngồi lên lưng A Tệ, “Chúng ta đi thôi.”
Nhá nhem tối, nàng tới bản Xi Vưu.
Vừa bước vào bản, nàng đã hiểu tại sao nơi đây được chọn để đặt Tế Thiên đài, nếu coi hơn trăm ngọn núi của tộc Cửu Lê như những đốt sống của một con rồng thì chỗ này chính là đầu rồng, nơi hội tụ linh khí.
Chẳng cần phí công hỏi thăm chỗ ở của Vu vương, A Hành đã thấy một căn nhà xây toàn bằng đá trắng nổi bật giữa tất cả nhà sàn bằng tre nứa trong bản, hệt như một thành trì trấn giữ đỉnh núi dồi dào linh khí bậc nhất này.
Nàng bèn đi thẳng tới trước cửa căn nhà bằng đá trắng.
Mấy thiếu niên đang tíu tít trong sân đều để trần cánh tay, bên dưới mặc quần ống rộng, đi chân đất. Trông thấy A Hành, họ tò mò dán mắt vào nàng, chẳng hề e ngại bản thân ăn mặc lôi thôi.
Một gã thanh niên chừng hơn hai mươi tuổi bước ra, “Cô hỏi ai?”
A Hành hành lễ với hắn, “Ta tới xin gặp Vu vương.”
Gã thanh niên nhìn nàng, thầm cảnh giác, “Vu vương không gặp người ngoài đâu.”
“Ta tới xin chữa bệnh.”
Gã trai bật cười, “Những kẻ từ nơi khác đến như các người, hễ nhắc tới chúng ta chỉ gọi là dã nhân, còn chẳng buồn kêu cái tên Cửu Di hàm ý khinh miệt kia nữa, đám dã nhân chúng ta ở đây làm sao biết y thuật gì được? Mời cô về đi thôi!”
A Hành biết các Vu sư ở đây khác hẳn những người dân cả đời quẩn quanh trong bản, rất có thể họ đã từng đi ra ngoài nên hiểu chuyện, chính vì hiểu lại càng đề phòng hơn.
Nàng bất đắc dĩ nói, “Ta nhất định phải gặp Vu vương, đành mạo phạm vậy!” Nói rồi, A Hành lướt qua gã thanh niên kia hệt như một con chạch, xông thẳng vào sân, chẳng đợi bọn họ kịp phản ứng, nàng đã cắm đầu chạy dọc theo con đường lát đá trắng.
“Bắt cô ta, mau bắt cô ta lại.”
Mặc cho cả đám người đuổi sau lưng, lại thêm bao nhiêu kẻ từ trong nhà ùn ùn xông ra chặn đường, A Hành vẫn nhanh nhẹn như một chú hươu non, né được hết mọi sự truy bắt, chạy thẳng tới hậu sơn, tại đây nàng trông thấy một đài tế trắng toát đứng sừng sững mộc mạc mà trang nghiêm.
A Hành chạy thẳng một mạch lên đài tế rồi nhoẻn cười ngoảnh lại nhìn, thấy tất cả Vu sư đều dừng lại không dám bước lên đài. Đây là thánh địa để tế trời đất, ngay đến Vu sư cũng chưa chắc đủ tư cách tiến vào.
Mặc bọn họ giận dữ trừng mắt nhìn mình, A Hành chỉ khoanh tay tủm tỉm hỏi: “Liệu bây giờ Vu vương có chịu gặp ta không đây?”
Một lão già râu tóc bạc phơ chống gậy bước tới, ánh mắt toát lên vẻ kiên định mà thông tuệ, “Cô nương, chúng ta kính sợ trời đất không phải vì ngu muội dốt nát, mà bởi chúng ta tin rằng con người phải có lòng biết ơn và kính sợ thì mới có thể hòa hợp với đất trời vạn vật được.”
A Hành đáp: “Vu vương, ta tới đây để tìm gặp ngài, chứ không phải để lăng nhục các người. Giờ thì ta yên tâm rồi, có chuyện này ta muốn cậy nhờ ngài, ngài bảo những người khác lui ra được không?”
“Đây đều là người trong tộc của ta, cô có chuyện gì cứ nói thẳng ra, đừng ngại.”
Nghe lão nói vậy, A Hành đành thở dài, ngoảnh mặt về phía núi huýt gọi một tiếng. Theo tiếng huýt của nàng, một bóng trắng bỗng xẹt ngang bầu trời như sao, rồi đỗ xuống đài tế. Đó là một con chim toàn thân trắng muốt, cao hơn một thước, cặp mắt ngạo nghễ màu lục bích lướt qua cả đám Vu sư như đánh giá.
Đám Vu sư thấy thế càng thêm tức giận, mấy Đại vu sư được quyền bước lên đài tế chỉ muốn xông tới bắt lấy A Hành, nhưng Vu vương lại giơ tay ngăn cản, tỏ ý bảo bọn họ hãy nghe kỹ đã.
Chẳng biết gió từ đâu bỗng nổi lên khiến những chiếc chuông gió bằng xương thú treo trên đài tế kêu leng keng, ban đầu chỉ là ngân nga khe khẽ, dần dà, tiếng chuông càng lúc càng to hơn, hòa cùng thế gió mỗi lúc một mạnh.
Trong tiếng lanh canh điên cuồng của chuông gió, giữa không trung bỗng hiện ra một bóng đen khổng lồ, là một con hồ ly to lớn, diễm lệ lạ thường, không ngừng bay vòng vòng xung quanh, cuốn theo cuồng phong cuồn cuộn thốc lên, bao bọc cả đài tế.
Giữa lúc đám Vu sư đang há hốc miệng kinh ngạc nhìn hồ ly bay, con chim trắng kia còn sợ họ chưa chịu đủ chấn động, liền há mỏ khạc ra lửa, lửa đỏ, lửa lam, lửa vàng… Từng cuộn lửa bảy sắc bùng lên giữa trời đêm như những đóa hoa tuyệt đẹp, tỏa ánh sáng rực khiến cả đài tế toát lên vẻ mỹ lệ trang nghiêm như cung điện của thần tiên, mà thiếu nữ áo xanh lại đứng ngay giữa khung cảnh kỳ ảo ấy.
Thấy vậy Vu vương bèn căn dặn mấy câu, lập tức đám người vây quanh đài tế tản cả ra, chỉ còn lại mấy Vu sư lớn tuổi.
Vu vương nghiêm trang hỏi: “Cô nương đến từ Thần tộc ư? Chẳng hay cô tới đây có chuyện gì vậy?”
A Tệ đỗ xuống bên cạnh A Hành, nàng liền đỡ Xi Vưu trên lưng nó xuống, hỏi ngược lại: “Không biết Vu vương có nhận ra hắn hay không?”
Trông rõ diện mạo Xi Vưu, Vu vương biến hẳn sắc mặt, lập tức quỳ sụp xuống đất, cả người run lên vì kích động, “Sao lão có thể không nhận ra kia chứ, Vu sư các đời mỗi khi bái sư, trước tiên phải quỳ lạy tượng gỗ của ngài, lập lời thề sẽ bảo vệ bình yên và tự do cho dải nước non này, có điều, có điều… lão thật sự chẳng dám mơ kiếp này mình lại được gặp Xi Vưu đại nhân.”
A Hành nói tiếp: “Hắn bị thương rồi.”
Vu vương vội lê bằng đầu gối tới cạnh Xi Vưu thăm khám vết thương, thận trọng rút một đoạn kiếm gãy ra khỏi người hắn, lại kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng trúng độc, vẻ mặt càng lúc càng khó coi.
A Hành nghiêng mình ngồi lên lưng A Tệ định rời đi. Nhận ra nàng lai lịch không tầm thường, Vu vương vội giữ nàng lại, khẩn thiết vật nài: “Cầu xin cô nương ra tay cứu giúp Xi Vưu đại nhân, vết thương của đại nhân nặng lắm, kiếm khí ngưng tụ trên kiếm này lại rất đặc biệt. Lão chưa từng thấy kiếm khí lợi hại như vậy bao giờ, còn tẩm cả độc nữa…”
A Hành cầm đoạn kiếm gãy lên xem, thấy trên rìa kiếm chạm nổi hoa văn Huyền điểu, chính là biểu tượng của vương thất Cao Tân, sực nhớ tới thân phận mình, nàng lạnh buốt cả cõi lòng, đưa mắt nhìn Vu vương: “Lão muốn ta giúp hắn ư? Lần đầu tiên giúp hắn, ta bị giam cầm sáu mươi năm, lần thứ hai, ta phải phản bội Đại ca mình.” Nói rồi nàng giơ đoạn kiếm gãy lên, “Thanh kiếm này do vị hôn phu của ta rèn ra, tay nghề rèn kiếm của y rất cao, hẳn vết thương của Xi Vưu khó mà lành được, đây cũng là bội kiếm bên mình Đại ca ta, chính Đại ca đã tự tay đâm kiếm vào ngực Xi Vưu đấy.”
Thấy Vu vương tái mặt, sững sờ nhìn mình, A Hành hỏi tiếp: “Giờ lão còn muốn ta cứu hắn nữa không?”
Vu vương lắc đầu quầy quậy, nàng buông một câu: “Tốt lắm,” rồi vỗ vỗ lên mình A Tệ, A Tệ liền cất cánh cõng nàng bay lên, khiến những chiếc chuông gió quanh đài tế lại được dịp rung lên leng keng một tràng.
Nghe tiếng chuông gió leng keng, A Hành thoáng ngẩn người, thuở còn ở Ngọc sơn, nàng cũng treo dưới hiên nhà một chiếc chuông gió như thế này, giờ đây hồi tưởng lại, dường như những bức thư của Xi Vưu chính là sắc màu duy nhất suốt sáu mươi năm đằng đẵng ấy.
Nhớ tới chuyện cũ, nàng vừa vuốt đầu A Tệ, vừa hỏi: “Ta không hiểu y thuật, ở lại cũng chẳng giúp được gì nhỉ. Người trên đại hoang vẫn lén gọi Vu vương của Cửu Lê tộc là Độc vương, nhất định lão sẽ cứu được Xi Vưu, mày bảo có phải không, A Tệ?”
Chẳng một ai đáp lời nàng, có điều, nàng cũng chỉ muốn thuyết phục bản thân mình mà thôi.
Lúc nàng về tới bản Đức Ngõa, ông lão Đức Ngõa và Mễ Đóa mới ăn xong cơm chưa lâu.
A Hành lên tiếng chào hỏi: “Cháu về ăn cơm rồi đây.”
Thấy nàng trở về, Mễ Đóa vui vẻ đi hâm lại thức ăn, trong khi ông lão cười khà bảo: “Sáng mai lão nói với trưởng bản một tiếng rồi sẽ đưa cô tới bản Xi Vưu.”
“Không cần đâu, cháu đã giải quyết xong việc rồi, khỏi cần tới bản Xi Vưu nữa.”
“À, thế thì hay quá.”
Người Cửu Lê nấu rượu rất ngon, Ca tửu của họ nồng nàn ngọt lịm khiến A Hành vừa uống đã mê, thấy nàng thích thú, ông lão càng thêm vui vẻ, cười đến rung cả râu.
Trước sự thết đãi nhiệt tình của ông lão và Mễ Đóa, A Hành đã được ăn một bữa tối cực kỳ thịnh soạn.
Trong lúc chuyện trò, A Hành biết được Mễ Đóa tuổi đã lớn, đáng lẽ phải lấy chồng từ lâu nhưng con dâu của ông lão ốm nặng, nằm liệt giường, quanh năm mọi chuyện lớn nhỏ ở nhà đều trông vào Mễ Đóa, bởi thế mà cô lần lữa chưa chịu gả đi.
Phòng của Mễ Đóa là gian phòng đẹp nhất trong nhà, cô nhường lại cho A Hành.
Người Cửu Lê luôn dành cho khách những gì tốt đẹp nhất, đây là đạo đãi khách của họ, cảm nhận được điều đó, A Hành chẳng còn cách nào khác hơn là tiếp nhận.
Rửa mặt xong xuôi, nàng bèn ra ngồi trước bàn trúc hong tóc.
Vành trăng non nhạt nhòa treo giữa nền trời đen thẫm, gió đêm từ trên núi đưa xuống mang theo hương thơm cây cỏ, khe suối gần đó róc rách chảy như đang ngân nga một khúc nhạc đồng quê.
Một người đàn ông từ dưới núi đi lên, ngồi xuống tảng đá lớn bên bờ suối thổi sáo.
Bỗng cửa nhà cót két hé ra, Mễ Đóa nhanh như sóc chạy về phía con suối, thoáng chốc, A Hành trông thấy hai bóng người ôm chầm lấy nhau.
Loáng thoáng nghe thấy tiếng chuyện trò.
“Khách ăn cá ta bắt có thích không?”
“Thích lắm, luôn miệng khen ngon.”
“Đó là tại muội nấu ăn ngon.”
Hai người cứ thế dìu nhau mà lên núi.
A Hành chợt nhoẻn cười, đưa mắt trông về phía núi xa, thầm nghĩ, chàng như cây lớn, thiếp tựa dây mây, cây lớn che chở cho dây mây, dây mây quấn quýt quanh cây lớn, gió táp mưa sa vẫn chẳng rời, mãi mãi bên nhau hoài khăng khít.
Phòng bên chợt vang lên tiếng ho sù sụ, cùng tiếng uống nước ừng ực.
Ông lão đã tỉnh rồi, liệu lão có biết cháu gái mình lén lút hẹn hò với bạn tình không nhỉ?
A Hành thấy hơi thắc mắc, nhưng cũng chẳng lấy thế làm lo lắng. Nam hoan nữ ái vốn là chuyện tự nhiên trong trời đất, chỉ là ở vùng này, nó vẫn giữ nguyên những nét ban sơ thuần phác mà thôi.
Chẳng hiểu sao hình bóng Xi Vưu lại hiện ra trước mắt nàng, hắn đã lớn lên giữa một vùng non nước thế này ư? Liệu hắn có biết đánh cá không? Hắn cũng biết hát những khúc sơn ca lanh lảnh mà tình tứ như vậy sao? Hắn đã từng hát cho ai nghe chưa nhỉ…
Đêm đó A Hành gối đầu lên những gió mát trăng trong giữa núi rừng, chìm vào giấc mộng thơm ngây ngất.
Sáng hôm sau, tiếng gà trống gáy le te đánh thức nàng dậy.
Bình minh ở đây chẳng hề đượm vẻ tịch mịch chết chóc như trên Ngọc sơn, cũng không có loan kêu phượng hót líu lo êm tai như tại Triêu Vân phong.
Sáng sớm ra mọi người gặp nhau đều niềm nở hỏi chào, tiếng mấy cô thiếu nữ lao xao hẹn nhau đi hái dâu, tiếng đám đàn ông lấy công cụ loảng xoảng, tiếng các bà mẹ cao giọng mắng con, tiếng đám trẻ khóc lóc ầm ĩ hòa cùng tiếng bò rống ò ò, dê kêu be be và gà mái cục ta cục tác…
Rất ồn ào! Nhưng…
A Hành mỉm cười, nhưng cũng đầy sức sống!
Nàng còn gặp cả mẹ của Mễ Đóa, bà đau ốm quanh năm, bị bệnh tật giày vò đến nỗi chỉ còn da bọc xương, chẳng nói nổi một câu hoàn chỉnh.
A Hành cũng biết người yêu của Mễ Đóa tên là Kim Đan, hai hôm nay không ở trong bản, theo lời Mễ Đóa thì y sang bản khác tìm vợ. Nghe vậy A Hành kinh ngạc, “Chẳng phải hai người là… Cô không giận sao?”
Mễ Đóa cười khổ lắc đầu, “Mẹ tôi nằm liệt giường, em trai còn nhỏ dại, giờ đây tôi là người phụ nữ duy nhất trong gia đình, cả nhà không thể không có tôi được, y đã đợi tôi bốn năm rồi, chẳng thể đợi thêm nữa đâu.”
“Vậy hai người phải chia tay sao?”
“Ừm, sau này y phải đối tốt với người con gái khác thôi.” Mễ Đóa lộ vẻ buồn rầu nhưng vẫn gượng cười đáp.
“Cô biết hai người phải chia tay mà đêm đến vẫn… vẫn lén lút hẹn gặp y ư?” A Hành thắc mắc.
Mễ Đóa vô cùng kinh ngạc, cô ta cũng không sao hiểu nổi A Hành, “Chính vì chúng tôi phải chia tay nên mới nắm lấy mọi cơ hội được ở bên nhau, gắng hết sức mà gặp gỡ.”
A Hành không nói rõ được quan điểm của Mễ Đóa đúng ở chỗ nào, nhưng cũng không biết là sai ở đâu cả. Có lẽ, tại vùng rừng núi cách xa thế tục này thì quan điểm đó đúng, còn ở chốn phồn hoa đầy những phép tắc lễ nghi thì quan điểm đó lại sai.
Nàng không muốn Kim Đan rời xa Mễ Đóa nhưng cách duy nhất để Mễ Đóa có thể lấy Kim Đan là trong nhà phải có thêm một người phụ nữ cáng đáng gia đình.
Nàng đề nghị Mễ Đóa tìm Vu sư đến xem bệnh cho bà mẹ nhưng Mễ Đóa nói năm ngoái Kim Đan cùng mấy gã trai trong bản đã khiêng mẹ mình tới bản Xi Vưu, tiếc rằng Đại vu sư nói bệnh này sức người chẳng thể chữa nổi, đành phó mặc cho ý trời.
Nàng biết trên đời này có những căn bệnh không cách nào trị nổi, ngay cả Viêm Đế y thuật đứng đầu thiên hạ cũng đâu cứu được con gái Dao Cơ của mình.
Lòng đầy bực bội, nàng bèn chạy thẳng tới đỉnh núi vắng vẻ thăm A Tệ cùng Liệt Dương, trông thấy hai bọn chúng đang vờn nghịch chiếc tay nải lộn xộn cả lên, hại nàng phải sắp xếp lại. Đột nhiên giữa đống đồ đạc linh tinh, A Hành nhìn thấy một túi đào khô.
Đây là đào tiên mà nàng hái trên Ngọc sơn, đem phơi khô để A Tệ và Liệt Dương ăn vặt, nhưng chúng ăn suốt mấy chục năm đã chán ngấy, chẳng buồn đụng đến nữa.
A Hành liền cầm một miếng lên, tiện tay bỏ vào miệng nhai rồi nhảy dựng lên chạy xuống núi.
Nàng định dùng đào tiên để cứu mẹ Mễ Đóa nhưng đã có tiền lệ của A Tệ, nàng không dám trực tiếp cho bà ta ăn mà ngâm một miếng vào nước rồi cho bà uống thứ nước đó.
Ngày đầu tiên, A Hành vừa chữa vừa nơm nớp lo sợ, may sao mẹ Mễ Đóa chẳng xảy ra chuyện gì, đến ngày thứ hai, bà bắt đầu thấy đói muốn ăn cơm khiến Mễ Đóa kinh ngạc, nửa mừng nửa tủi bởi đã bốn năm nay, mẹ cô chưa hề chủ động đòi ăn cơm bao giờ.
Thấy có vẻ hiệu quả, A Hành lại tiếp tục ngâm đào khô với nước.
Sau ba ngày uống nước đào khô, mẹ Mễ Đóa dần ăn uống được, tuy vẫn chưa thể ngồi dậy nhưng rõ ràng bệnh tình đã có chuyển biến tốt, chỉ cần từ từ điều dưỡng, sớm muộn sẽ xuống đất đi lại được.
Trở về bản, nghe nói bệnh tình mẹ Mễ Đóa đã đỡ, Kim Đan liền khiêng ngay con dê béo nhất trong nhà hăm hở sải bước tới nhà Mễ Đóa, ngắc ngứ nói không nên lời, chỉ biết ấn con dê béo múp vào lòng A Hành.
A Hành hoảng hốt vội nhảy tót lên bàn gọi Mễ Đóa kêu cứu, nàng vừa trợn mắt vừa nhìn con dê vừa hú vía nhủ thầm: may mà không phải một con trâu.
Mễ Đóa từ trong phòng mẹ mình chạy ra, trông thấy Kim Đan, cô sững người rồi bưng mặt ngồi thụp xuống đất khóc òa lên, ông nội cô ngồi bên bếp lửa cũng phải quay đi, lấy tay che mặt lén lau nước mắt.
A Hành thấy vậy liền tụt xuống bàn, vỗ vỗ lưng Mễ Đóa an ủi, “Đừng khóc, đừng khóc mà, sao lúc Kim Đan ca ca của cô đi cô không khóc mà giờ y quay về lại khóc lóc thế này?”
Tin A Hành trị khỏi bệnh cho mẹ Mễ Đóa đã lan khắp bản, người bệnh trong bản bắt đầu lũ lượt kéo tới nhờ xem bệnh khiến nàng kinh hồn bạt vía, nhưng đã lỡ ăn cơm và uống Ca tửu khắp các nhà trong bản nên chẳng thể từ chối được, đành sao y bản chính, tiếp tục dùng nước ngâm đào khô mà chữa bệnh thôi. Vừa ngâm đào vào nước, nàng vừa thầm khấn Vương Mẫu, chỉ mong rằng mấy trái đào ngàn năm nở hoa, ngàn năm nữa mới ra quả này của bà thật sự lợi hại như người đại hoang vẫn đồn đại.
Trong lúc A Hành nơm nớp lo sợ, những người dùng nước của nàng dẫu bệnh chẳng lui thì cũng đỡ hẳn đau đớn, ít nhất có thể bình tĩnh thản nhiên mà chờ chết.
Mọi người mừng rỡ bèn mượn lời ca tiếng hát để tỏ lòng cảm kích đối với nàng, theo tiếng ca lanh lảnh, tiếng thơm về y thuật của A Hành cũng từ từ lan ra khắp trăm thôn bản lớn nhỏ của Cửu Lê tộc. Người mang bệnh nặng đều ấp ủ một tia hy vọng, tới cầu khẩn A Hành. Bọn họ trèo đèo lội suối, băng rừng vượt sông mà tới, dắt theo những con trâu đầu cơ nghiệp, những con gà mái mắn đẻ nhất trong nhà, thành khẩn quỳ xuống trước A Hành, gương mặt sạm đen vì sương gió đầy vẻ mong mỏi và van xin.
A Hành không sao cự tuyệt nổi, đành phải nhận lấy. Thực lòng nàng vẫn luôn muốn ra đi, nhưng chẳng rõ vì sao, hễ tới lúc định đi nàng lại lần lữa, nhủ lòng nấn ná thêm một ngày. Nàng cũng không rõ rốt cuộc thứ gì đã níu chân mình lại nữa, có lẽ là cảnh nước non hùng vĩ mỹ lệ của Cửu Lê, có lẽ là những gương mặt chất phác nhiệt tình của người dân bản Đức Ngõa, có lẽ là khúc ca phóng khoáng mà nồng nàn hay vò Ca tửu đậm đà sóng sánh, có lẽ là những quả dại ngọt lành mà các cô gái âm thầm để lại trước cửa nhà, có lẽ là những bàn tay trẻ nít nhỏ bé đen sạm nắm lấy chéo áo nàng, cũng có lẽ chỉ là tiếng hò trâu kéo cày ngoài ruộng cũng nên.
Bởi vô vàn lý do không sao nói rõ ấy, nàng cứ thế ở lại nơi này hết ngày này sang ngày khác.
Sáng sớm ra, A Hành vừa mở mắt đã bắt đầu đấu tranh tư tưởng, không biết hôm nay có nên đi hay không?
Nàng cứ một lát nghĩ lý do nên đi lại một lát nghĩ lý do nên ở, cuối cùng quên hết sạch mọi lý do, chỉ băn khoăn không biết bệnh tình Xi Vưu rốt cuộc ra sao, chẳng hiểu Vu vương đã giải được độc cho hắn hay chưa nữa? Liệu có phải hắn đã quay về Thần Nông sơn rồi không nhỉ?
Trằn trọc mãi, đột nhiên nàng cảm thấy buổi sáng hôm nay rất lạ, chẳng nghe thấy tiếng đàn ông gọi nhau đi làm, cũng không nghe thấy tiếng phụ nữ mắng con, tiếng trẻ nhỏ khóc lóc… cả bản đều im phăng phắc như tờ.
Nàng vội vã chạy xuống thang, liền trông thấy Vu vương đang quỳ trước cửa nhà, dập đầu sát đất, lưng cong tựa cánh cung, hệt như một bức tượng người thành tâm cầu khẩn.
Cả bản lặng phắc, mọi người đều lấp ló đằng xa, hoang mang nghi hoặc nhìn lại bên này, không hiểu sao vị Vu vương vĩ đại của họ lại quỳ sụp trước mặt A Hành.
A Hành vội cúi xuống đỡ lão dậy, hoảng hốt hỏi: “Xi Vưu vẫn chưa giải được độc ư?”
Thấy Vu vương lắc đầu, nàng nói ngay: “Chúng ta tới bản Xi Vưu đi.”
Đại vu sư dắt A Hành lên đài tế, trông thấy Xi Vưu đang nằm giữa đài, nàng bèn quỳ xuống xem xét vết thương của hắn.
Vu vương nói: “Tuy vết kiếm thương lợi hại thật, nhưng được linh khí núi sông Cửu Lê bảo hộ, vết thương của Xi Vưu đại nhân có thể từ từ lành lại.”
A Hành vội hỏi: “Vậy vấn đề trí mạng là chất độc kia ư?”
Vu vương gật đầu, “Tộc Cửu Lê rất giỏi sai sử độc vật, nổi tiếng khắp đại hoang về dùng độc, nhưng chúng ta thiên về trùng độc, còn đây lại là độc dược, lão nghĩ nát óc cũng không giải nổi.”
“Lão biết Xi Vưu bị Đại ca ta đả thương mà còn dám xin ta cứu hắn ư? Lão không sợ độc này là do chúng ta hạ à?”
“Lão sống trên đời đã chín mươi hai năm, chuyện khác có lẽ chẳng biết được bao nhiêu, nhưng lòng người thì đã thấy nhiều rồi,” Vu vương vuốt đoạn kiếm gãy trong tay, trầm giọng nói: “Kiếm là do thợ rèn dốc hết tâm huyết tạo nên, nếu lòng kẻ rèn kiếm không coi trời đất vào đâu thì chẳng thể rèn nổi thanh kiếm có khí thế nuốt trời diệt đất, kẻ rèn ra được thanh kiếm thế này nhất định sẽ không trao nó cho người tùy tiện dùng độc, xem thường kiếm hồn đâu.”
A Hành ngước mắt nhìn Vu vương, im lặng.
Vu vương lại nói tiếp: “Kẻ hạ độc này vô cùng tàn nhẫn, chất độc đã tiềm phục trong người Xi Vưu đại nhân từ lâu, ít ra cũng phải mấy chục năm rồi, hàng ngày chẳng có gì khác lạ, chỉ tới khi ngài bị thương nặng, phải vận linh lực trị thương thì mới phát tác. Độc tính sẽ theo linh lực vận hành mà lan đi khắp cơ thể, khiến đại nhân chẳng những không thể dùng linh lực trị thương mà còn chẳng thể vận linh lực bức độc nữa, chỉ đành bó tay chờ chết. Linh thể của Xi Vưu đại nhân đã không chống chọi nổi nữa rồi…” Sắc mặt Vu vương vô cùng buồn bã.
“Các Đại vu sư đề nghị lão tới Thần Nông sơn cầu cứu, nhưng lão đã khước từ.”
“Tại sao thế?”
“Nghe sư phụ nói Xi Vưu đại nhân lớn lên ở nơi hoang dã, nắm rõ mọi thứ độc trùng độc thảo, tuy lão được tôn làm Vu vương của Cửu Lê, lại nhờ giỏi dùng độc mà được người đại hoang gọi là Độc vương, ngay cao thủ Thần tộc cũng phải nhường nhịn ba phần, nhưng lão chẳng cách nào hạ độc dược đại nhân, vậy kẻ có bản lĩnh hạ độc làm hại Xi Vưu đại nhân chỉ có thể là cao thủ Thần tộc am hiểu dược tính mà thôi. Trên đời này, Thần Nông vương tộc thông thạo y thuật nhất, kẻ hạ độc này có lẽ cũng xuất thân từ đó, làm sao lão dám đi cầu cứu bọn họ đây? Nếu Xi Vưu đại nhân phải chết, lão mong rằng ngài có thể yên nghỉ ở dải non nước Cửu Lê này.”
Nghe lão nói vậy, A Hành càng thêm phần kính trọng lão nhân cơ trí trước mặt.
Nhưng giờ phải làm sao đây? Không thể cầu cứu Thần Nông, không thể cầu cứu Cao Tân, càng không thể cầu cứu Hiên Viên được. Nghĩ đi nghĩ lại, A Hành cảm thấy mình đã cùng đường, chẳng có ai để trông chờ cả.
Thấy A Hành lộ vẻ lo lắng, Vu vương có phần bứt rứt, “Tây Lăng cô nương đừng quá tự trách mình. Tộc Cửu Lê chúng ta sùng bái trời đất, xem trọng hiện tại trước mắt, chỉ theo đuổi lạc thú tức thời, chuyện sống chết giao cả cho trời đất quyết định. Dù phải chết như thế này, lão nghĩ Xi Vưu đại nhân cũng chẳng có gì ân hận đâu.”
A Hành sầm mặt: “Xi Vưu nhất định không muốn chết tức tưởi thế này, dù có chết hắn cũng phải khiến tất cả những kẻ căm hận mình khốn đốn mới cam.” Nói rồi A Hành thoáng lộ nụ cười.
Vu vương không kìm được cũng cười theo, “Yêu bằng cả sinh mệnh, lại dùng cái chết mà trả hận, đó mới chính là người Cửu Lê, kẻ khác thấy chúng ta man rợ hung ác, thực ra chỉ chúng ta mới hiểu rõ sự trân quý của mạng sống, chúng ta sợ chết nhưng không khiếp nhược trước cái chết, bởi thế lão có thể dốc hết sức chữa trị cho Xi Vưu đại nhân, nhưng cũng có thể bình thản nhìn ngài ra đi.”
A Hành nói: “Cảm ơn lão đã giảng giải, có điều Xi Vưu còn nợ ơn cứu mạng của ta hai lần, ta chưa đòi lại, hắn đừng mơ quỵt nợ dễ dàng như vậy!”
A Hành ngẩng đầu huýt dài một tiếng, theo tiếng huýt, Liệt Dương và A Tệ từ trời bay xuống, đậu trên đài tế. Nàng xoa đầu A Tệ dỗ dành, “Xi Vưu bị bệnh, ta muốn xin ít máu của mày được không?” A Tệ lớn lên ở Ngọc sơn, ăn đào tiên uống ngọc tủy nên cơ thể cũng ngưng tụ linh khí đất trời của Ngọc sơn.
A Tệ nghe nói liền cúi đầu dịu dàng cọ cọ vào người A Hành như an ủi.
A Hành lại quay sang bảo Vu vương: “Làm phiền ngài rồi.”
Vu vương cầm bát ngọc cùng dao bạc vẫn dùng khi cúng tế bước tới bên A Tệ, A Tệ hiểu ý liền giơ chân trước lên để lão kề dao cắt một nhát, máu tươi trào ra, mùi hương lạ lùng cũng bốc lên sực nức.
A Hành quay lưng lại phía bọn họ, tự cắt cổ tay mình và Xi Vưu, đưa tay nắm lấy tay hắn để máu độc trong người Xi Vưu chảy sang cơ thể mình.
Thấy Vu vương bưng bát máu sóng sánh lại gần, A Hành liền bảo lão cho Xi Vưu uống, “Máu này không giải được độc nhưng cũng có thể trì hoãn độc tính khỏi lan ra, hàng ngày lão cắt một bát máu trên người A Tệ cho hắn uống, ta phải đi một thời gian, mấy ngày nữa sẽ cho Liệt Dương mang thuốc giải về.”
Dứt lời A Hành quay gót bỏ đi nhưng vừa đi được mấy bước, nàng bỗng thấy gấu váy bị thứ gì đó níu lại, không đi được, bèn ngoảnh lại nhìn, phát hiện Xi Vưu đang nắm chặt lấy gấu váy mình.
Vu vương nói: “Xi Vưu đại nhân không muốn để cô nương đi.”
A Hành đành dùng linh lực gỡ tay hắn ra rồi ghé tai nói nhỏ: “Ta không để ngươi chết đâu.” Nói rồi nàng rảo chân bước xuống đài tế.
Không có A Tệ để cưỡi, A Hành không đi nhanh được, lại thêm Liệt Dương cứ lởn vởn bay lòng vòng trên đầu nàng, chẳng hề có vẻ sốt ruột như hôm qua. A Hành dốc hết sức vận linh lực, vừa để đi lại cho nhanh, vừa để độc tính lan khắp toàn thân. Một người một chim đi suốt một ngày đường, xa khỏi Cửu Lê tộc.
Đến chập tối, khi mặt trời đã nhuốm sắc hoàng hôn lên khắp đất trời, sắc mặt A Hành bắt đầu tái dần, tim đập chậm lại, từ từ cảm thấy nghẹt thở. Nàng đành ngồi xuống dưới gốc cây nghỉ chân.
Liệt Dương đậu xuống trước mặt, lo lắng nhìn nàng rồi kêu lên quang quác khiến tất cả chim chóc trong rừng đều rớt cả xuống đất.
A Hành xé một mảnh tay áo buộc vào chân Liệt Dương, ra lệnh, “Tới Thần Nông sơn, tìm Vân Tang đi.” Nàng thở hổn hển, không sao nói tiếp được nữa, đành dựa vào thân cây, đưa tay chỉ lên trời.
Liệt Dương lại ngẩng đầu kêu quác quác, gọi tất cả chim chóc xung quanh run rẩy bay đến, con trước con sau tự động vây quanh A Hành. Nhanh như chớp, Liệt Dương dang cánh bay vút lên, thoáng chốc đã mất hút.
Nơi này đã nằm trong địa phận Thần Nông, với đà bay của Liệt Dương, ắt chẳng bao lâu sẽ đến nơi. Dẫu kẻ khác có trông thấy mảnh tay áo đó cũng chẳng hiểu là ý gì, càng không thể phát hiện tính mạng Xi Vưu chỉ còn trong sớm tối, nhưng Vân Tang đã theo mẹ nàng học nghệ mười năm, rất dễ nhận ra vải vóc do bà dệt thành, hễ nhìn qua là biết nàng đang cầu cứu, chắc hẳn sẽ đến ngay.
A Hành không gắng gượng nổi nữa, từ từ nhắm mắt lại.
Dưới bóng chiều tà, giữa nơi rừng vắng, bầy chim bị Liệt Dương uy hiếp từng con từng con lần lượt nằm xuống thành một tấm bình phong sặc sỡ đủ màu, bao bọc A Hành ở giữa.
A Hành lờ mờ thấy ánh vàng lấp lánh trước mắt mình, hình ảnh Xi Vưu hết lần này sang lần khác cứ hiện lên trong lòng, lại thêm cả những bức thư trao đi gửi lại suốt sáu mươi năm, thì ra, trí nhớ của nàng tốt đến mức chính nàng cũng kinh ngạc, bao nhiêu thư từ như thế mà vẫn nhớ rõ mồn một.
“Ngang qua Khâu Thương, hoa đào nở đỏ rực hai bên bờ, thấy cô gái giặt lụa bên suối, ta lại nhớ cô.”
A Hành chợt nhoẻn miệng cười, mùa hoa năm nay đã qua rồi, để sang năm đi, sang năm nàng muốn ngắm hoa đào ở nhân gian, ắt hẳn còn đẹp hơn hoa đào trên Ngọc sơn nhiều. Thật ra nàng vẫn luôn muốn hỏi Xi Vưu tại sao là “lại nhớ”, lẽ nào ngươi thường nhớ tới ta ư?
A Hành từ từ mất đi ý thức nhưng khóe miệng vẫn giữ nụ cười, trong lòng còn đọng lại cảnh tượng bình yên mà tươi đẹp sau cùng: dải nước biếc Khâu Thương uốn lượn như một chiếc đai bích ngọc, Xi Vưu vận tấm áo đỏ rực đứng trước mũi thuyền thả trôi theo dòng, khắp vài dặm ven bờ hoa đào nở rộ, ngào ngạt hương đưa, đẹp tươi rạng rỡ.
A Hành tha thiết mong Vân Tang đến nhưng nàng không biết rằng bấy giờ Vân Tang không ở Thần Nông.
Sau khi từ biệt Thiếu Hạo và A Hành tại hẻm núi hoang, Vân Tang liền cải trang đi thẳng tới Cao Tân.
Trước nay nàng chỉ trăn trở với những âu lo của mình mà chẳng hề để tâm tới cảm nhận của Nặc Nại, y là thần tử, cũng là bạn của Thiếu Hạo nhưng đêm hôm mưa gió lại ôm ấp thê tử Thiếu Hạo suốt đêm, Cao Tân lễ giáo nghiêm ngặt, Nặc Nại tính tình thanh cao, sau đêm đó, y đã bất lực, hoảng hốt, nhục nhã, hổ thẹn đến nhường nào?
Bất lực vì mình không kiềm chế nổi tình cảm, hoảng hốt sợ chuốc lấy đại họa cho gia tộc vì dám giành vợ của vương tử, nhục nhã vì sự đê hèn bỉ ổi của bản thân, hổ thẹn vì đã phản bội bạn bè. Có lẽ chỉ vùi đầu vào sa đọa suốt ngày, tự chà đạp bản thân, y mới có thể đối mặt với Thiếu Hạo, nhưng Thiếu Hạo lại chẳng hay chẳng biết, còn lo lắng quan tâm, khuyên nhủ y giữ mình trong sạch, hẳn mỗi sự quan tâm chân thành đó cũng chính là một lần lăng trì giày vò y, khiến y càng thêm căm ghét khinh bỉ bản thân mình.
Khi gặp gỡ trên Ngọc sơn, Vân Tang chỉ nhất thời xúc động mà thăm dò, nào ngờ có ngày sự vô tâm của nàng lại bị bè lũ Yến Long lợi dụng, đẩy Nặc Nại cùng cả gia tộc, thậm chí cả ngôi vị tương lai của Thiếu Hạo vào vòng nguy hiểm.
Vân Tang vô cùng căm hận bản thân, sống trong vương tộc, từ nhỏ tới lớn nàng chưa từng làm sai điều gì, vậy mà hôm đó giữa chốn núi cao sông sâu tình cờ gặp gỡ, nước như gương soi, lòng vừa xao xuyến, chợt giận chợt mừng khiến nàng quên bẵng thân phận của mình, ngỡ rằng có thể như một thiếu nữ bình thường, có rung động mãnh liệt, có thấp thỏm không yên, tự cho phép mình thăm dò, tiếp cận.
Một thân một mình đến Cao Tân thế này, nàng cũng không biết liệu mình có gặp được Nặc Nại đang bị giam trong thiên lao hay không, càng không biết nếu nói rõ thân phận với y, y sẽ đối xử với mình ra sao nữa, chắc hẳn, y không đời nào chịu tha thứ cho nàng.
Nhưng nàng nhất định phải gặp được y.
Giữa màn đêm thăm thẳm, muôn ngàn vì sao sáng như bảo thạch giăng khắp bầu trời, lấp lánh mỹ lệ khôn xiết, dù nơi đồng không mông quạnh hay chốn cung điện nguy nga, dù ở Thần Nông, Cao Tân hay nơi nào đi nữa cũng là một màn đêm như thế, một bầu trời sao như thế.
Đồng hoang tĩnh lặng, sao sáng đầy trời, A Hành thiêm thiếp ngủ giữa vòng vây bảo hộ của muôn chim, khóe môi còn ẩn hiện nụ cười, sinh mệnh của nàng cũng cứ thế vùn vụt trôi qua trong cơn mê ngủ.
Giữa phủ đệ nguy nga rường chạm cột khắc, Thiếu Hạo uể oải đặt văn thư trong tay xuống, bước tới bên song, cầm vò rượu lên thong thả uống, đột nhiên như sực nhớ điều gì, y bèn rút một mảnh khăn lụa trong ngực ra, bên trên là bí quyết nấu rượu mà A Hành chép lại cho mình. Y cúi đầu xem một lượt rồi ngẩng lên nhìn trời, thấy muôn sao lấp lánh tựa ngàn vạn ngọn đèn trong các gia đình ở nhân gian, chẳng rõ giờ này A Hành đang ngồi nghe chuyện dưới ngọn đèn nào, bất giác khóe môi Thiếu Hạo thấp thoáng nụ cười.
Kiếm vàng thương bạc, canh giữ nghiêm ngặt, bên ngoài thiên lao, Vân Tang đeo mặt nạ lên, cải trang thành một thiếu nữ dung mạo rất bình thường, mặt nạ này dùng tơ Nhân Diện dệt thành, mỏng như cánh ve, vì không dùng linh lực để thay đổi gương mặt nên dù đụng phải thần tiên linh lực cao hơn hẳn mình, nàng cũng không sợ bị lộ thân phận. Vân Tang ngẩng đầu nhìn trời vừa lúc một vì sao băng xẹt ngang qua, nàng lặng lẽ trông theo vệt sao khuất cuối chân trời, âm thầm cầu khấn.
Vân Tang định thần lại, tay trái xách một bình Triển Ti Ngọc Liên đựng đầy nước, tay phải cầm trường kiếm. Nàng đã bỏ viên thuốc mà Viêm Đế cho mình để chạy thoát phòng khi gặp nguy vào bình nước, từng làn khói xanh có công dụng mê hoặc tâm thần phơ phất bốc lên từ chiếc bình Ngọc Liên nơi tay trái, vấn vít quanh mình nàng, Vân Tang xách bình cầm kiếm bay vút vào thiên lao.
Núi cao sừng sững, gió mát hây hẩy, những chiếc chuông gió bằng xương thú treo quanh đài tế cũng ngân lên leng keng không dứt, dịu dàng như một khúc ca dao ru người vào giấc ngủ.
Xi Vưu nằm giữa đài tế say ngủ, còn Vu vương và A Tệ ngồi canh bên dưới.
Vu vương tựa lưng vào tường ngủ gà ngủ gật, A Tệ dường như cũng đang ngủ, có điều đôi tai hồ ly nhòn nhọn vẫn dỏng lên nghe ngóng, đầy cảnh giác.
Rất lâu rất lâu sau, Xi Vưu bỗng từ từ mở mắt, chăm chú nhìn bầu trời sao trên đầu rồi chầm chậm đưa tay lên, nhìn vết dao cắt nơi tay, hắn dần dần hiểu ra ngọn nguồn mọi chuyện, bèn hít vào một hơi, trở mình ngồi dậy. Ngay lập tức, A Tệ cũng đứng lên.
“A Tệ, chúng ta đi Thần Nông sơn.” Xi Vưu cưỡi lên lưng A Tệ, Vu vương bấy giờ mới sực tỉnh, vội nắm lấy vạt áo hắn. “Chất độc của ngài còn chưa giải, không thể cưỡi tọa kỵ bay đi thế này được.”
“Ngươi là Vu vương đời thứ mấy hả? Ngươi dám dạy ta phải làm thế nào sao?” Trước ánh mắt tàn nhẫn vô tình như dã thú, tựa hồ chẳng còn chút nhân tính của Xi Vưu, Vu vương đành sợ sệt quỳ xuống, không dám ngẩng đầu lên.
Xi Vưu vỗ vỗ lên mình A Tệ, lập tức A Tệ vỗ cánh bay lên, một người một thú biến mất giữa bầu trời đêm thăm thẳm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.