Tướng Cướp Liêu Đông

Chương 15: Hẻm móng ngựa




Phí Mộ Thư quay nhanh về chỗ góc tường, chỗ có tiếng thở mà hắn vừa nghe.
Hắn mỉm cười :
- Tất huynh, bây giờ thì có thể ra mặt được rồi.
Gã họ Tất ló ra và chầm chậm đi cào, hắn nói có phần vồn vã :
- Cung hỉ Giả huynh đã thành công, cung hỉ...
Phí Mộ Thư cười :
- Tất huynh đã nghe hết rồi, sao còn gọi tôi là “Giả huynh”?
Gã họ Tất không trả lời, hắn quay mình cắm đầu tuông ra ngõ hẻm.
Nhưng hắn chạy không xa, hắn chỉ phóng được hai bước là qụy xuống.
Ngón tay của Phí Mộ Thư điểm ngay vào hậu não của hắn.
Bằng tất cả sự nhanh nhẹn, Phí Mộ Thư kéo thây của gã họ Tất lại gần thây gã họ Cam, hắn đặt bàn tay của hai người vào tâm huyệt của nhau, mới nhìn qua giống y như cả hai đã dùng thế “Lưỡng bại câu thương” để giải quyết cuối cùng đối với hai địch thủ mà võ công không ai hơn ai kém...
Như vậy là hắn đã loại được hai tên nguy hiểm nhứt cho vùng nội thành Thừa Đức.
Hắn đã từng nói không hay giết người, hắn đã buông tha cho bọn Thanh Long Ba, nhưng đối với những kẻ luôn gieo rắc khủng khiếp cho dân lành đã được hắn đặt ra ngoài thông lệ.
Hắn đã trừ xong gã họ Tất, gã họ Cam, chắc chắn hắn có nghĩ đến gã họ Triệu...
* * * * *
Gã họ Triệu vẫn còn đứng dưới hiên nhà đối diện với Dục Ký Thương Hàng.
Quả hắn rất cố công.
Cách nhau bởi một con đường rộng, nhưng đứng từ bên này nhìn sang bên kia, nếu đã có chú ý thì thấy sự động tịnh rất dễ dàng.
Hắn đứng nhìn không nhúc nhích và bắt đầu thấy mỏi chân, đáng lý đã đến giờ gã họ Cam đến thay cho hắn, nhưng ngóng mãi cũng không thấy tâm dạng.
Hắn bắt đầu bực dọc.
Nhưng hắn khỏi bực lâu, vì ngay khi đó, từ ngõ hẻm trên đó một chút, có một người áo đen đội nón rộng vành ló đầu ra.
Người áo đen chấp tay sau đít thong dong như kẻ nhàn du.
Chỉ có điều hắn lại “nhàn du” về phía gã họ Triệu.
Gã họ Triệu thấy một người áo đen đội nón rộng vành đi về phía mình nhưng hắn lại không chú ý.
Ngoài đường cái, thiên hạ dập dìu, kẻ tới người lui, vốn không phải chuyện đáng cho ai chú ý, nhứt là một người như “Triệu gia” ở giữa thị trấn sát với Thị Vệ Dinh này lại càng đâu có gì phải bận tâm.
Những kẻ đi đường, nếu có người nào nhận ra thì cũng đến lột nón xá xá chớ có gì trở ngại?
Quả thật đừng nói tại chỗ này, mà gần như toàn thành những kẻ chỉ biết lo “tay làm hàm nhai” kể luôn những tên đóng cửa rút cầu, những tên móc túi, gặp “Triệu gia” là cấp tốc lột nón.
Vậy mà tên mặc áo đen này không lột nón.
Hắn đi đến sát bên gã họ Triệu, hắn để y cái nón “vô phép” trên đầu.
Hắn không lột nón nhưng hắn hỏi :
- Xin lỗi, có phải Triệu gia đây không?
Gã họ Triệu cau mặt :
- Ngươi là...
Người áo đen nói :
- Cam gia có chuyện cần, sai tôi đến thỉnh Triệu gia.
Gã họ Triệu hất mặt :
- Hắn ở đâu?
Người áo đen đáp :
- Ở trong một quán trà cách đây không xa mấy.
Gã họ Triệu văng tục :
- Mẹ họ, giam rụt người ta ở đây, một mình đi uống trà sướng chưa?
Người áo đen đáp :
- Tôi đã nói với Triệu gia rồi, lúc sắp sửa đến đây thì lại có chuyện xảy ra, vì thế nên mới không đến được.
Gã họ Triệu vùng vằng :
- Đi thì đi, mẹ họ, cho chúng chạy mất rồi hỏng giò hỏng cẳng.
Người áo đen nói :
- Xin Triệu gia yên lòng, chúng không chạy mất đâu.
Vừa nói hắn vừa quay mặt dẫn đường.
Gã họ Triệu bước lên đi song song, hắn hỏi :
- Chúng không chạy? Ngươi biết...
Người áo đen đáp :
- Cam gia cho tôi biết.
Gã họ Triệu hỏi :
- Tại làm sao ngươi biết chúng không chạy?
Nói mấy câu là hai người đã tới một đầu hẻm nhỏ, con hảm vắng tanh.
Người áo đen đáp :
- Triệu gia nghĩ coi, chó săn đã bị đập rồi, bầy thỏ đó sợ ai mà phải chạy?
Gã họ Triệu trố mắt :
- Cái gì... chó săn bị đập, ngươi muốn...
Người áo đen đáp :
- Vừa rồi tôi mới đập một con, bây giờ đang tìm con nữa.
Gã họ Triệu chụp tay người áo đen :
- Con gì?
Người áo đen cười :
- Tôi đã nói, chó săn, thứ chó chuyên môn săn thỏ ấy mà.
Gã họ Triệu hoảng hốt, hắn nắm canh tay của người áo đen quay mạnh lại nhưng người áo đen đã nhấc chân lên.
Gã họ Triệu văng luôn vô hẻm.
* * * * *
Gã họ Triệu đã “đi” rồi, trước cửa Dục Ký Thương Hàng cũng không còn người đứng giữ, họ thụt vào bên trong, hình như có một chuyện quyết định sau cùng.
Trước sân chỉ còn có một gã đại hán đang xem xét những bao hàng lớn.
Một con ngựa màu đen cao lớn từ xa phóng tới, trên yên có gã áo đen.
Vừa thấy dạng người áo đen đội nói, gã đại hán đứng trong sân Dục Ký Thương Hàng buông xui bao hàng trố mắt kêu lên nho nhỏ :
- Phí...
Người áo đen cười :
- Tiểu ca, tuy mất công nhưng không có “phí” chút gì đâu, đừng có lo lắng chi cả, hãy vào báo cho Lạc hàng chủ biết, tiền thuê nhà đã có người mang tới trả đây, khỏi cần phải dọn đi đâu cho mệt.
Hắn vung tay ném thẳng vào gã đại hán một phong bì, thứ phong bì mà Lạc Hoằng Thâm đã trao cho tên họ Triệu.
Gã đại hán há miệng nhưng người áo đen đã nói :
- Mình là người lương thiện làm ăn, thứ đồ chó săn chim mồi hơi sức đâu mà sợ, chúng làm dữ là trời hại chúng, nghe đâu bọn “thăm viếng” nơi đây đã trúng gió lăn quay rồi...
Vó ngựa đã khua xa mà gã đại hán vẫn đứng ngẩn ngơ mãi đến khi con ngựa đen chở người áo đen khuất bóng, hắn mới giật mình cầm phong bì chạy thẳng vào trong.
Chỉ một thoáng sau, từ trong cửa Dục Ký Thương Hàng túa ra một đám người, Ba quản sự, Hà Cửu Như, đám anh em trong đoàn vận tải Trương Gia Khẩu và đám đại hán của Dục Ký Thương Hàng, có cả Lạc Hoằng Thâm.
Trong tay Lạc hàng chủ vẫn còn cầm phong bì dày cộm, tay ông ta hơi run nhưng đôi mắt sáng ngời.
Không ai nói với ai một tiếng nào.
Thật lâu, phía sau lưng chợt có người lên tiếng, giọng nói tuy thô bỉ, nhưng hơi hám thật chân thành :
- Từ rày về sau, ai mà nói “Tướng Cướp Liêu Đông” là kẻ chỉ biết hại người thì hãy trám vô miệng người ấy cái gì dơ nhứt.
Mọi người quay lại, thấy người nói câu đó là một gã đại hán vận tải Trương Gia Khẩu.
* * * * *
Trương Gia Khẩu.
Là một thị trấn điển hình cho sự phồn thịnh của miền cực bắc, tiếp giáp với quan ngoại mênh mông sa mạc.
Nơi náo nhiệt nhứt của Trương Gia Khẩu là Mã Thị.
Không có cái “Chợ ngựa” này thì coi như không có Trương Gia Khẩu.
Mã Thị là một thứ “chợ trời”, cách Đại Cảnh Môn của Trương Gia Khẩu hơn nửa dặm.
Ngựa thuộc từ những vùng Triệu Nam, Thanh Tân, cũng có giống ngựa tốt, thứ những vùng xa đưa tới, không lo không có ngựa cho vừa ý, người đến đây mua ngựa chỉ cần trong lưng nằng nặng là sẽ được như ý muốn.
Ở đây có mặt đủ hạng người.
Giang hồ nhân vật coi ngựa như bằng hữu, họ đến Mã Thị.
Nhà giàu cần có ngựa tốt, thắng yên cương lộng lẫy để khoe khoang “về” phú hộ của mình thì đến Mã Thị.
Nhà quan cần “cống hiến” với thượng ty, để bộc lộ “tất lòng thành” họ cũng cần đến Mã Thị.
Ngoài ba hạng trên, còn lại đủ... nam phụ lão ấu cũng đều có mặt, họ đến Mã Thị để mua ngựa mà là để nhìn xem sự ồn ào náo nhiệt của nó là chỗ “mua vui”.
Như vậy, Mã Thị không phiên nào thưa thớt.
Suốt cả thời gian họp chợ, lúc nào cũng đông nghẹt, gần như chen chân không lọt.
Có buôn bán là có quán ăn, quán ăn hầu hết là quán nhậu, có quán nhậu là có người say, là tự nhiên có ồn ào.
Nếu không chọc gái cũng là gây sự, không thì cũng vì mua bán cạnh tranh, không phiên chợ nào là không có đánh nhau, nhẹ nhất cũng phải u đầu lọi cẳng.
Có mua bán, có tiền ra vô là có cờ bạc, có cờ bạc là phải có trộm cắp, những màn “móc túi” gần như cơm bữa.
Vừa khuất mình, tất cả những người có mặt tại Mã Thị quay về Trương Gia Khẩu.
Ban ngày Mã Thị, ban đêm Trương Gia Khẩu, họ phải có cách làm cho đồng tiền luân chuyển, vì thế trong ba tháng họp Mã Thị, Trương Gia Khẩu lại phồn thịnh về đêm.
Mặt tiền chỉ là chỗ “khoa trương”, sinh hoạt thật về đêm tại Trương Gia Khẩu là trong những hẻm tối, càng tối càng có nhiều hoạt động.
* * * * *
Một trong người hẻm “làm ăn” hạn nhứt là hẻm “Móng Ngựa”.
Không ai truy nguyên tại sao có tên “Móng Ngựa”, thỉnh thoảng có người đề cập thì lập luận lại khác nhau.
Có người bảo tại vì ở đây, trước kia, xa lắm nơi đó có chỗ đóng móng ngựa, nhưng có người lại nói vì hẻm quanh co giống hình móng ngựa nên người ta lấy nó làm tên.
Cũng có nhiều cách giải thích khác nhau nữa, nhưng hình như không ai “tha thiết” lắm trong vấn đề đó, vì khi nói đến hẻm “Móng Ngựa” là người ta nghĩ ngay đến cái sinh hoạt của nó chớ không buồn “nghiên cứu” xuất xứ của cái tên.
Sinh hoạt của hẻm “Móng Ngựa” có hai thứ: gái điếm và cờ bạc.
Ngoài hai giới đó, không ai lui tới hẻm “Móng Ngựa” làm gì.
Hầu hết những người khách đến hẻm này đều có vẻ thô bỉ, tuy nhiên những “gia chủ” ở đây rất dễ dãi, chỉ cần khách thật ngon, hay ít ra cũng rất sòng phẳng thì văn nhã hay thô bỉ cũng được tiếp đãi như nhau.
Vì khách không cần chọn lựa, gia chủ rất dễ dãi như thế nên hẻm “Móng Ngựa” lúc nào cũng tưng bừng.
Ngoài đầu hẻm được trương hoa kết tuội, bên trong đèn đuốc sáng ngời, tiếng cười tiếng nói ồn ào không dứt.
Đặc biệt có một nhà nổi bật hơn tất cả, vì khách đã đông mà lại ra vào không ngớt, luôn có người túc trực ngoài cửa, trong nhà “bông hồng” thấp thoáng tới lui.
Người đứng canh cửa là một người đàn ông rất khó đoán tuổi, mặt trắng không râu, nhưng lại không phải trẻ, đặc biệt là đối với bất cứ người nào hắn cũng tươi cười niềm nở y như là quen thân mấy mươi đời, hắn tiếp khách thật là chu đáo. Không ai biết tên hắn, chỉ nghe các cô gái gọi hắn là “Nhị gia”.
Mấy dãy ghế dài trước hiên nhà, trong phòng khách luôn luôn không khi nào trống, toàn là những tay áo xắn tận khuỷu tay, cổ áo không khi nào cài nút, những người ra vào cũng thế, nếu không phải dây đai to bảng, khệnh khạng đại đao, thì dưới ống giầy cũng có lộ cán chủy thủ, không nữa thì cũng đội nón lệch mang tai vênh váo, y như sẵn sàng “ứng chiến” bất cứ lúc nào.
Vậy mà tại đây lại không hay xảy ra chuyện “đánh nhau” như ngoài “Mã Thị”, kẻ nào vào đây hình như cũng mang sẵn theo sự dễ dãi... cảm thông, họ chỉ đến mua vui chớ không phải đến để mong gây sự.
Cũng không phải là ở đây không có bóng dáng những người văn nhã, thư sinh, nhưng số người đó ít quá, họ bị lẩn khuất trong đám “hàm râu quai nón, cặp mắt ngầu ngầu”.
Đêm nay thì hơi khác, không phải vì số văn nhã chiếm nhiều, không chỉ có một người, nhưng một người nổi bật.
Hắn là một thanh niên vận áo đen, da hắn cũng hơi đen, nhưng không phải đen sạm mà là đen “mơn mởn”, màu da của phong sương chớ không phải vì lao lực ngược xuôi như đám lái ngựa biên thùy.
Ngoài ra, hắn có bộ mặt khá tuấn tú chớ không thô bạo như những người chiếm số đông.
Bất cứ một ai, nhìn qua hắn một lần không khỏi phải nhìn thêm nữa, có lẽ hắn thu hút người khác bởi cặp mắt như hai ánh sao đêm của hắn, chỉ bằng đôi mắt đó hắn rất dễ phân biệt dầu phải chen chúc trong đám người luôn miệng ồn ồn.
Có một người nhìn thấy hắn dễ dàng và trước hết.
Người đó là “Nhị gia”.
Bằng vào con mắt tiếp khách “chuyên môn”, hắn vừa thấy người áo đen là đã vội bước tới nhiều bước và lưng hắn cũng cong hơn, nụ cười trên môi hắn cũng “đậu” lâu hơn.
Hắn vừa cười vừa nói :
- Đại gia, xin thỉnh Đại gia vào trong dùng chén trà thơm.
Cánh cửa này, bất cứ ai lọt vào cũng đều có thể thành “Đại gia” ráo trọi, cho dầu chỉ là một tên lùa ngựa, nhưng nếu hắn có tiền thì hắn cũng là “Đại gia”
Loại thứ hai, không phải căn cứ vào tiền mà căn cứ bằng khí thế, tiền là cuộc sống, khí thế là chỗ dựa, cuộc sống đầy đủ nhưng không có chỗ dựa là kể như... lêu bêu.
Vì thế, có nhiều khi người ta phải bớt đi phần nào cơm gạo của mình để cho chỗ dựa được vững chắc.
Có khi “chỗ dựa” đã vững rồi, nhưng nếu có một khí thế nào “hừng” hơn, người ta cũng còn phải đề phòng chỗ dựa hiện có bị “bứng” thình lình.
Như vậy, khí thế vẫn là điều quan trọng.
Người áo đen nằm trong hàng quan trọng đó.
Hắn bước vào cửa là “khí thế” ùa theo.
Người canh cửa phải là kẻ khôn ngoan, phải biết “nhìn” người.
Bất cứ nhà nào làm ăn cái nghề này, cũng phải chọn người canh cửa thật sành, nhiệm vụ của hắn vô cùng quan trọng.
Đối với người áo đen vừa mới vô, hắn cung kính thật đúng mức.
Nhưng người áo đen, ngoài cái “khí thế” đáng lưu ý, hãy còn là bậc “hào hoa”, hắn đút vào tay của gã “Nhị gia” canh cửa một vật sang sáng nằng nặng thơm mùi...
bạc, và hắn cười :
- Chọn cho ta một chỗ thanh tịnh.
Hơi bạc đã tăng thêm phần cung kính, gã “Nhị gia” lưng được cong thêm và giọng hắn như dài ra :
- Vâng vâng, Đại gia mới đến một lần đầu mà... như thế này thì thật chúng tôi vô cùng áy náy, nhưng “cung kính bất như tòng mạng”, xin thỉnh, tiểu nhân xin đích thân tự dẫn đường.
Hai tiếng “thân tự” của hắn quả đầy đủ nghĩa, thông thường hắn chỉ chào hỏi rồi vào trong sẽ có “em” khác tiếp, nhưng đặc biệt người khách áo đen này, hắn vốn đã nể vì khí thế, bây giờ thân người hắn lại “nặng” thêm chút... nghĩa nhân, hắn phải “thân tự” dẫn đường.
Hắn vừa đi trước mà lại vừa nghiêng nghiêng người nhìn lại phía sau để tỏ ra mình biết “lễ”, hắn hơi luýnh quýnh vì hắn biết chắc đêm nay hắn “nắm chắc” dịp may...
* * * * *
Bất cứ dịp may nào cũng coi chừng có kèm theo cái rủi.
Gã canh cửa “Nhị gia” lại không chịu coi chừng.
Vì quá “biết lễ” nên hắn không đi theo người thường, bên sau có khách quí mà cứ cắm đầu đi trước dẫn đường là vô lễ, vì sợ vô lễ nên hắn phải đi theo lối cua bò.
Hắn bước ngang ngang.
Và chính vì lối đi “thủ lễ” cho đáng... đồng tiền bát gạo đó nên “Nhị gia” bị ngã, hắn ngã một cú cũng thật xứng.
Không phải hắn vấp mà vì có người vấp hắn.
Người vấp hắn là một gã có vóc dáng nhỏ thó ốm, không biết mắc mớ gì, từ trong hắn chạy ào ra, hắn đụng “Nhị gia” làm cho “Nhị gia” té lăn cù, ngon trớn tung luôn vô mình người áo đen, nhưng người áo đen giống như hòn núi, hắn dội lại và hắn cũng lăn cù.
Hắn lăn xa hơn cả “Nhị gia”.
Mãi đến bây giờ “Nhị gia” mới lóp ngóp bò dậy, chống tay lên đầu gối, cà thọt cà thọt và nhăn nhăn như mắc phong :
- Mẹ cha nó, chắc con mắt nó đã lọt tròng...
Có ai chứng kiến cái màn vòng tai nghiêng mình với nụ cười luôn nở trên môi của “Nhị gia”, bây giờ mới thấy hắn hoàn toàn “lột xác”, hắn vừa rên vừa chửi thề ỏm tỏi.
Nhưng rồi “Nhị gia” cũng không văng tục lâu được nữa, vì ngay lúc ấy từ phía trong ba tên đại hán ào ra, họ rượt gã thiếu niên ốm tong nhưng người áo đen đã đứng chận ngang, hắn không tỏ vẻ gì, hắn chỉ đứng nhìn ba tên đại hán.
Gã thiếu niên ốm tong thừa dịp bò lên định chạy...
Người áo đen đưa tay :
- Khoan.
Tên thiếu niên khựng lại, hết nhìn lắm la lắm lét ba tên đại hán, rồi lại nhìn người áo đen như cầu cứu.
Người áo đen hỏi :
- Chuyện gì đã xảy ra?
Một trong ba tên đại hán hậm hực :
- Cái tên tiểu quỉ khốn nạn...
Người áo đen chận nói :
- Có chuyện chi xin ba vị hãy thong thả mà nói, không nên mắng người như thế.
Hình như đôi mắt của người áo đen đã làm cho ba tên đại hán e dè, một tên khác trong bọn lên tiếng :
- Hắn móc túi chúng tôi.
Người áo đen quay lại :
- Có phải đúng như thế hay không?
Gã thiếu niên cúi đầu không dám ngẩng lên...
Người áo đen vẫn ôn tồn, nhưng vẻ mặt hắn thật nghiêm :
- Tiền bạc do mồ hôi nước mắt của người ta làm ra chớ không phải khi không mà có, còn trẻ quá tại sao...
Gã thiếu niên ngẩng mặt lên, giọng gã như muốn khóc :
- Cha tôi bịnh ngặt, không tiền uống thuốc...
Người áo đen hơi khựng lại.
Cuộc đời đã không cho phép hắn tin chắc lời của gã thiếu niên, hắn đã từng gặp một người đàn bà xanh xanh mét mét, luôn miệng kêu chồng vừa chết mà lại vừa mới sanh không tiền ăn, xin nhờ bà con giúp đỡ, thế nhưng đã hơn ba chỗ khác nhau, khoảng cách gần cả hai năm, người đàn bà đó cũng vẫn đi xin và cũng với một “nguyên do” như thế.
Chính ngay trong “kỹ viện” này và nhiều nơi khác nữa, một trăm “chị em ta” thì có đến chín mươi chín người rưỡi có những hoàn cảnh gia đình thật đáng thương, họ đều nói một giọng như nhau, nhưng sự việc khác nhau, khác nhau nhưng đại loại như nhau, ai cũng có một hoàn cảnh thật là thê thảm.
Nhưng đồng thời hắn cũng biết có rất nhiều người, bản thân họ có thể cắn răng chịu khổ, họ có thể chịu đau bịnh, chịu đói khát cho đến chết, nhưng họ không làm sao chịu đựng nổi khi nhìn người thân của mình khốn khổ, họ có thể vì người thân của mình mà làm bất cứ việc gì, kể cả chuyện cướp của giết người.
Hắn nói với gã thiếu niên :
- Cho dầu có chuyện gì quan trọng đến thế mấy, của người cũng không có quyền xâm phạm, hãy trả lại cho người ta.
Gã thiếu niên do dự một chút rồi cho tay vào lưng lấy cái túi nhỏ trao cho người áo đen.
Nhìn bàn tay “lão luyện” của gã thiếu niên, người áo đen mỉm cười ném cái túi cho tên đại hán :
- Hãy đếm lại xem có đủ không và tha cho người ta một lần.
Tên đại hán chụp lấy cái túi lắc lắc rồi khoát tay, cả ba quay phắt vào trong.
Người áo đen lấy ra một đỉnh bạc trao cho gã thiếu niên :
- Ngươi hãy cầm lấy, nhớ đừng làm như thế nữa.
Gã thiếu niên hơi sửng sốt, nhưng rồi hắn vùng đỏ mặt cắm đầu chạy thẳng ra ngoài, thân pháp của gã thật nhanh nhẹn y như một luồn gió thốc.
Người áo đen nhìn theo nhếch miệng cười.
Ở đời có nhiều người kỳ cục, khi họ chưa bị chuyện gì thì dáng cách của họ rất hiên ngang, nhìn qua xem chừng họ giống như một trụ sắt không ai xô nổi, nhưng nếu một khi họ đã bị ngã rồi thì họ xuống nước luôn.
Gã “Nhị gia” tuy lễ phép nhún nhường với khách, nhưng hắn vẫn có cái “tư thế” của hắn, giá như bình thường, tên thiếu niên khi nãy lạng quạng, hắn sẽ sửng sờ và không chừng còn tống cho mấy tát nên thân, trường hợp đó nhứt định là hắn oai vệ lắm.
Thế nhưng bây giờ thì hắn giống y như con gà chết, hắn ôm bụng đi cong cong cái mình, mặt nhăn nhăn nhó nhó như sắp chết đến nơi.
Hắn nói gần không ra tiếng :
- Cái thứ gì y như là... sắt nguội, đã va người ta một cái gần nín thở, lại còn dậm càn lên một cái muốn đứt hơi luôn.
Hắn châm câu bằng mấy tiếng “ư ư” nho nhỏ nghe thật thảm não.
Người áo đen mỉm cười, thuận tay nhét vào tay hắn một vật trăng trắng nằng nặng :
- Thôi, kệ nó, con nít mà. Cầm chỗ này uống trà chơi, giận hắn làm gì.
Gã “Nhị gia” lại nhăn nhăn, lần này không phải nhăn đau mà là nhăn... cười, hắn đẩy đưa :
- Làm vầy kỳ quá... Đại gia tốt quá...
Hắn nói kỳ, nhưng chắc hắn nghĩ “người trên” đã chiếu cố mà mình từ chối là vô lễ, hắn là con người có thể chết được chớ nhứt định không chịu “vô lễ” với ai, vì thế cho nên hắn chộp thỏi bạc cho vào túi bằng đúng cách “cung kính bất như tòng mạng”.
Và một khi đã “tòng mạng” rồi thì không nên nói nữa, nói nhiều hóa ra bất kính, gã “Nhị gia” lại ôm bụng dẫn đường, nhưng bây giờ thì dáng đi của hắn đã mạnh hơn, có lẽ hơi bạc đã làm cho gân cốt hắn thêm phần phấn chấn.
Gã dẫn người áo đen đi thẳng vào trong.
Phía bên ngoài cũng như phía bên trong, nhiều con mắt ném theo, có người tỏ ra thán phục về thái độ của người áo đen, có người vừa thán phục mà cũng vừa kinh khiếp.
Nhưng đồng thời cũng có người có tia mắt lạ kỳ.
Đó là một đại hán trung niên, hắn nhìn theo cho đến khi hai người đi khuất rồi mới dời tia mắt nhìn lại một lão già kế bên hắn, lão này ăn mặc khá sang trọng, lão có vóc người ốm ốm cao cao, lão có bộ mặt thật thâm trầm, lão đón tiếp cái nhìn của gã trung niên đại hán bằng cái gật đầu nhè nhẹ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.