Tướng Cướp Liêu Đông

Chương 22: Niềm thương xin gói trong lòng




Thật lâu, như không muốn đi sâu vào vấn đề đó nữa, người áo đen lãng sang chuyện khác :
- Tin đó truyền về Hồ Lô Cấu, thêm một lần thứ hai khiến cho Tú Cô và phụ thân nàng thất vọng, có thể nói đây là lần thất vọng quá lớn lao, phụ thân nàng buồn rầu sanh bịnh và chỉ một thời gian ngắn là người từ giã cõi đời, thương hại nhứt là Tú Cô, thương lòng chưa kịp lành là lại thêm một lần tan nát, nàng không còn chịu đựng nổi nữa, nàng bỏ quê hương đi theo đoàn Lạc Đà vận tải của Triệu Rỗ và Đinh Sói và chính vì chuyện đó, nàng đã bảo tôi là con người không có lương tâm...
Nhị nương cau mặt :
- Chuyện quả như thế hay sao?
Người áo đen mỉm cười :
- Đây là những lời nói của tôi, tin hay không là còn phải do người đối thoại.
Nhị nương chớp mắt nhìn vào mặt hắn, nàng có vẻ trầm ngâm :
- Nếu quả như thế thì nàng thật đã hiểu lầm, anh không phải là người đáng trách.
Người áo đen thở ra :
- Đa tạ Nhị nương.
Nhị nương hỏi :
- Như vậy bây giờ anh tìm Tú Cô để...
Người áo đen chận nói :
- Tôi thọ ơn nhà họ Giải quá nặng, nếu Tú Cô có được một đời sống yên vui thì có lẽ cũng không cần đến tôi lo lắng, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, tôi không thể ngồi yên.
Nhị nương gật đầu :
- Đúng, tìm được nàng rồi có thể cùng nàng giải nỗi oan tình...
Người áo đen lắc đầu :
- Tôi tìm nàng không phải với ý đó, nhà họ Giải lâm vào hoàn cảnh bây giờ, trách nhiệm của tôi nhiều lắm, bởi vì giá như năm xưa tôi đừng ly khai Hồ Lô Cấu thì có thể chuyện thảm đó không có xảy ra, bất luận như thế nào, còn tôi thì phải tìm nàng cho được, rất mong Nhị nương thương tình mà giúp đỡ cho.
Nhị nương trầm ngâm :
- Tôi chỉ biết trong lúc xóm Lục Vân giải tán, tôi thì theo lão Kim, còn Tú Cô thì theo những người còn lại trong đám Lục Vân...
Người áo đen nhỏm mình lên :
- Sao? Tú Cô vẫn theo đám Lục Vân? Nhưng họ đi về đâu?
Nhị nương lắc đầu :
- Tôi nhớ có người nói họ đến Kinh sư, nhưng có quả thật đi về đó hay không thì thật tình tôi không biết rõ.
Người áo đen biến sắc :
- Tại làm sao nàng lại theo đám Lục Vân? Chẳng lẽ Lục Vân đã biết...
Nhị nương chận hỏi :
- Sao? Anh bảo sao? Lục Vân biết cái gì?
Người áo đen mỉm cười :
- Nhị nương, Lục Vân chính là người đàn bà năm xưa đã âm mưu hãm hại tôi.
Nhị nương sửng sốt, nàng khựng đi một lúc không nói ra lời...
Thật lâu nàng hỏi :
- Anh bảo Lục Vân là người đàn bà năm xưa đã âm mưu hãm hại anh? Thật là chuyện ngẫu nhiên trùng hợp đến lạ thường, như vậy người thứ hai mà anh tìm kiếm chính là con người đó?
Người áo đen gật đầu :
- Đúng rồi, Nhị nương, chính là con người đó.
Nhị nương lại ngồi sững lặng thinh...
Hình như nàng có một vấn đề đang làm cho nàng bâng khuân suy tính.
Người áo đen không nhìn ngay nàng, hắn chỉ dò xét bằng trực giác và hồi lâu hắn đứng dậy vòng tay :
- Nhị nương, tôi xin phép cáo từ và có lời xin lỗi đã khuấy rầy thì giờ của Nhị nương đã quá lâu, riêng về bốn trăm lượng bạc, mong Nhị nương nhận cho chút lòng thành thật, hãy xem như món quà diện kiến sơ giao, đã đành so với sản nghiệp của Kim lão, số bạc này như cỏ rác, nhưng với tôi nó vẫn thể hiện được sự quí mến đối với Nhị nương, ngày sau khi gặp được Tú Cô rồi, chúng tôi sẽ cố hết sức để đến đây viếng tạ.
Hắn vòng tay nghiêng mình lần nữa và quay bước ra ngoài.
Như người mê sực tỉnh, Nhị nương vụt kêu lên :
- Khoan, Phí gia...
Người áo đen quay lại :
- Nhị nương còn có điều chi dạy bảo.
Da mặt của Nhị nương chợt ửng hồng, nàng nhìn hắn trân trân :
- Tôi đã giúp cho Phí gia ít nhiều, không biết Phí gia có thể vui lòng giúp đỡ cho tôi chăng?
Người áo đen có vẻ ngạc nhiên :
- Xin Nhị nương cứ nói, chỉ cần có thể cố gắng là tôi nguyện hết sức mình.
Nhị nương cúi mặt, vành tai nàng ửng đỏ, nàng nói qua hơi thở ngập ngừng :
- Phí gia... tôi... tôi muốn Phí gia ra ơn đưa... dùm tôi đi khỏi chỗ này...
Người áo đen sửng sốt :
- Sao? Nhị nương bảo...
Nhị nương càng cúi đầu thật thấp, giọng nói của nàng cũng thật thấp :
- Phí gia... hãy đưa dùm tôi đi...
Người áo đen bàng hoàng :
- Nhị nương... người muốn đi đâu?
Nhị nương thu hết can đảm nói thật rõ ràng :
- Phí gia đi đâu xin cho theo đó, tôi tình nguyện...
Bây giờ mới thật hoàn toàn rúng động, người áo đen mở tròn đôi mắt :
- Nhị nương, như thế có nghĩa là sao?
Nhị nương lắc đầu :
- Phí gia đừng hỏi, mà có gì phải hỏi nữa đâu... tôi tình nguyện đi theo Phí gia, chỉ sợ Phí gia ghê tởm...
Lặng đi một lúc, người áo đen dịu giọng :
- Nhị nương, xin Nhị nương nên nhớ người đang là gái có chồng...
Nhị nương nhẹ gật đầu :
- Tôi biết, nhưng thật ra đó chỉ là danh nghĩa, tôi biết Phí gia không làm sao hiểu được bọn phú hộ là những cái máy làm ra bạc và chỉ biết có bạc mà thôi, đàn bà, đối với họ chỉ là chuyện “giải buồn”...
Nàng rươm rướm nước mắt nói tiếp :
- Bắt đầu vào tuổi trưởng thành, tôi đã biét tưởng tượng đến một người chồng, tôi đã hình dung một người chồng là như thế nào, nhưng thật là cay nghiệt, người chồng đó tôi không làm sao có được. Cho mãi đến ngày nay, khi gặp Phí gia, tôi chợt nhận ra nổi ước mơ của tôi không phải toàn mộng ảo, trên đời vẫn có con người bằng da bằng thịt mà từ tuổi cập kê tôi mong đến bây giờ...
Người áo đen đã lấy lại bình tĩnh, hắn nói bằng một giọng ôn tồn :
- Nhị nương, Kim lão đã được tôn xưng là “Ba Vạn”, dựa vào con người như thế, đời của Nhị nương sẽ được vô cùng đảm bảo, trong khi tôi đang mang trong mình cái tên “Tướp Cướp Liêu Đông”, cái án tử hình chập chờn trước mắt...
Nhị nương đưa tay chận nói :
- Tôi biết, tôi còn biết đến ngày mai nguy hiểm như thế nào, nhưng xin Phí gia cũng hiểu cho rằng nếu tôi chỉ chọn cái vinh hoa phú quí, chỉ muốn được ăn ngon mặc ấm, thì nhất định tôi không bao giờ mặt dài mày dạn để xin theo Phí gia, chắc Phí gia cũng thừa biết nói ra chuyện này là một điều cực kỳ sỉ nhục đối với một người đàn bà, tôi nói như thế, tôi nghĩ Phí gia sẽ không có gì khó hiểu.
Người áo đen cau mày và nhìn ngay nàng nghiêm giọng :
- Nhị nương đã xem trọng tôi như thế thật không còn sự cảm kích nào bằng, thế nhưng tôi không thể... đưa Nhị nương đi được...
Nhị nương ngẩng mặt lên, mắt nàng ửng đỏ :
- Phí gia, ngươi không thể...
Người áo đen điềm đạm, giọng hắn thật nhẹ nhàn, hắn cố tránh không cho xúc động :
- Nhị nương, không phải tôi không bằng lòng nhưng không thể được Nhị nương, vì đây là nhà của Kim Bá Vạn. Nhị nương đã là người của Kim Bá Vạn, xin Nhị nương nhớ cho điều đó. Giá như trước kia Nhị nương được người ta mang tiền đến chuộc, đừng hứa nghĩa vợ chồng... Nhị nương đừng để nhứt thời xúc động mà sau này mang hối hận, không phải hối hận vì lương tâm, chỉ cần Nhị nương đem cả lòng thành đối với Kim Bá Vạn, nhứt định có ngày nào đó người ta sẽ thấy và người ta không còn lạnh nhạt, mong Nhị nương hãy nghe lời của một người bạn tuy mới quen mà nhiều thông cảm như tôi.
Nhị nương cúi đầu thật thấp, da mặt nàng tái nhạt.
Người áo đen ôn tồn nói tiếp :
- Nhị nương, nếu hôm nay tôi đưa người đi, sau này nhứt định người sẽ trách tôi, sẽ thấy tôi không phải là bạn tốt, tôi mong Nhị nương hãy xem tôi là một người bạn, hãy nghe lời bạn, một người bạn đã đem cả chân tình ra đối xử với nhau...
Hắn dùng tiếng “người” thật thiết tha, êm dịu, nội một tiếng “người” mà hắn dùng gọi Nhị nương trong câu nói đã làm cho nước mắt nàng tuông rơi, giòng nước mắt cảm động chớ không phải là oán trách.
Hắn lại nghiêng mình :
- Nhị nương hãy nghe lời tôi và cho tôi được cáo từ, tin rằng tình bạn của chúng ta sẽ miên trường và phải có ngày tái hội.
Không đợi Nhị nương ngẩng mặt lên, hắn tung mình ra cửa sổ, hắn phi thân một cách thật nhẹ nhưng cũng thật nhanh, hắn không dám lưu luyến mà cũng không dám làm kinh động.
Nhị nương ngẩng mặt nhìn theo, bóng người áo đen khuất hẳn vào bóng tối, nước mắt nàng vụt trào ra, nàng kêu qua hơi thở :
- Phí gia, anh...
* * * * *
Sòng bạc của Triệu Rỗ và Đinh Sói mở trong một ngõ hẻm. Bây giờ ngay đầu hẻm có hai tên Sai Nha mang đao đứng canh phòng.
Ánh đèn vàng vọt mập mờ, ngõ hẻm hầm hập mùi tử khí.
Bên kia đường, đối diện với ngõ hẻm, thiên hạ đứng đông nghẹt, họ xôn xao bàn tán, người này ghé tai với người kia, mỗi người có một lập luận khác nhau.
Sự việc xảy ra cách đó không đầy mười trượng, vậy mà không một người nào kể lại giống người nào, nhiều người đâm ra tức tối, họ muốn xông vào xem thử, nhưng nhìn vào bộ mặt lạnh như tiền của hai “ông” Sai Dịch quan phủ là thiên hạ “teo” luôn.
Trong đám người đứng lố nhố, có một người loắt choắt giống y khỉ đói, đặc biệt hơn nữa là hắn đứng giữa đám đông nhưng không nói với ai một tiếng nào, đôi mắt tròn xoe sáng quắc của hắn láo liêng, vành tai dao dảo của hắn vanh vảnh lên, dáng cách nghe ngóng chớ không hề mở miệng.
Một lúc sau, bên cạnh hắn lại thêm một người, một lão già giống y như hắn, cũng ốm tong teo như khỉ.
Hắn liếc nhẹ về phía lão già, cả hai làm thinh.
Một lúc sau lão già chợt lắc đầu và gã thanh niên chầm chậm bước đi.
Lão già đưa tay cản lại và đưa mắt về bên phải.
Cái liếc mắt làm hiệu.
Gã thanh niên quay mặt nhìn theo.
Cách hắn không xa, hắn thấy một cô gái vận áo hồng, bên ngoài choàng một chiếc áo rộng màu đen, bao đầu bằng cái khăn lụa cũng đen, làn da trắng của nàng nổi bật, người nhìn qua có cảm tưởng cô gái đó là một đóa hoa lạ đầy hương sắc giữa rừng.
Gã thanh niên gãi gãi đầu và dời ánh mắt trở lại phía lão già.
Lão già lặng thinh, cũng không tỏ vẻ gì với hắn.
Một lúc sau, cô gái choàng áo choàng đen vụt cúi đầu bước thẳng ra ngoài.
Lão già vội bỏ ra đám đông, gã thanh niên bươm bả đi theo hỏi nhỏ :
- Sư phụ, không có dấu vết gì sao?
Lão già đáp :
- Có, chắc là hắn, bằng vào thủ pháp ấy, ngoài hắn ra không ai vào đây đâu.
Gã thanh niên gật gật :
- Khá quá, hạ hết, lấy hết không chừa một dấu vết nào, khá quá.
Lão già nói :
- Cần tiền là không cần mạng, muốn giải quyết về sinh mạng thì không phải cần tiền, cái này lại khác, vụ này thanh toán cả hai, chuyện rất tiếc là mình theo chậm quá, nếu không sẽ chứng kiến một chuyện hay, ta nhứt định bên trong còn có nhiều ẩn khuất chớ không thuần là chuyện cướp của hại người như thiên hạ đã bàn tán, cũng như không phải như lập luận của bọn sai nha.
Gã thanh niên hỏi :
- Không lộ nhiều, nhưng vẫn có để lại một chút xíu vết tích, cứ theo sư phụ thấy thì có phải hắn cố tình lưu lại cho bọn chó săn chim mồi của nha môn theo hắn hay không?
Lão già lắc đầu :
- Không đâu, ta chỉ đoán chớ không làm sao chắc được, vì không có dấu vết nào bảo đảm.
Gã thanh niên toét miệng cười :
- Sư phụ, xin sư phụ đừng nóng, đệ tử có được món này...
Hắn cho tay vào mình lấy ra một cái túi da...
Lão già nhìn sững :
- Thứ đó ở đâu?
Gã thanh niên đáp :
- Đứng trong đám người ào ào quá không chịu nổi, đệ tử bỏ ra ngoài nhờ đó tìm ra được thứ này...
Lão già chụp lấy cái túi nhìn qua rồi vụt kêu lên :
- Hầu nhi, hãy đi mau...
Gã thanh niên loáng thoáng hai ba lượt là mất hút, lão già không thấy nhóng lên, nhưng sau đó là cũng mất luôn.
Thật khó mà ước lượng họ đi đâu, vì trên con đường rộng như thế này, ẩn mặt thì có thể đứng len vào đám đông, chớ tách ra thì nhứt định sẽ bị người dễ dàng phát hiện.
Hai thầy trò của Hầu Nhi và Lão Tôn không thấy ra ngoài, như vậy chỉ còn cách là họ đi vào trong hẻm.
* * * * *
Trong hẻm có tiếng động.
Đang đêm, hẻm là ngõ vắng hơn ở ngoài đường, nhưng nhứt định có nhiều ngõ hẻm lại hoạt động nhiều.
Ngõ này là một.
Chẳng những có tiếng động mà lại còn có tiếng nói tiếng cười, tiếng cười của đàn ông :
- Cô nương, hãy chịu xuôi tay cái cho rồi, lời nói xuôi của cô nương chỉ có thể có hiệu lực trong phòng kín mà thôi!
Lão Tôn vỗ nhẹ lên vai Hầu Nhi và đẩy mạnh vào trong hẻm.
Hầu Nhi vừa nhào vào vừa nói :
- Coi chừng nép qua bên đi vào, đụng chết người bồi thường đó nghe.
Hắn nói giọng nhừa nhựa như người say rượu...
Trong ngõ hẻm tối, ngửa bàn tay không thấy, hiện có đúng ba người, một chính giữa, hai người hai đầu, họ đang nói chuyện với nhau.
Người đứng ngoài bị Hầu Nhi đâm sầm đi vào đụng một cái thật mạnh, hắn đụng người mà lại còn cự nự, hắn nói :
- Thấy chưa đã nói rồi, bảo nép bên đây... nói rõ vậy mà không chịu làm ơn nghe, để cho tới đụng!
Chỉ nghe một tiếng “hự” rồi mất luôn chớ không nghe tiếng nói.
Gã thanh niên lại la lên :
- Mẹ ơi, cái ông già tía của tôi rượt tới hoài ta!
Hắn chạy tới và kêu :
- Coi chừng nghe, chạy nữa đó, tránh vô, đụng hết...
Cái tên thật lạ, nếu bảo vì trời tối không thấy đường thì tại sao người đứng giữa lại không đụng, hắn chạy ngang và lách một cái là qua luôn, vậy mà khi tới người cuối cùng hắn lại đâm ngay vào mình, hắn va một cái thật mạnh, người đứng đầu trong có lẽ đã đề phòng, nhưng vẫn té ngửa.
Cũng như tên đứng đầu ngoài,tên này cũng chỉ nghe “hư hư” nho nhỏ rồi nằm bất động.
Người đứng giữa sửng sốt, câu chuyện bắt đầu hơi lạ.
Từ bên ngoài lại có hơi gió thốc vào, giọng nói khàn khàn của một người già cả cất lên :
- Cô nương, chẳng hay cô nương có thấy một thằnh bé loắt choắt chạy vào đây không hè?
Người già cả, kém mắt, trời tối đen như mực mà vẫn phân biệt được người đứng giữa là cô nương, lại thêm một chuyện lạ thứ hai.
Bằng phản ứng tự nhiên của một đứa con bị cha rầy, cô gái đáp nhanh :
- Không, tôi không thấy.
Chợt nghe từ trên mái ngói của gian nhà gần nhứt có tiếng vang lên :
- Khá quá, cô nương đó thật quả có lương tâm, thấy không lão gia đừng có làm dữ nữa.
Bóng người nhoáng lên, gã thanh niên khi nãy từ trên mái ngói rơi xuống cạnh cô gái một cách nhẹ nhàng.
Vừa xuống tới là hắn hỏi ngay :
- Lão gia, hai cái “chướng ngại vật” này bây giờ phải làm sao?
Lão già đáp :
- Nhớ y như là phía trong này có một cái mương sâu lắm mà?
Gã thanh niên gật gật :
- Hay quá, lão gia già rồi mà vẫn nhớ dai, đúng rồi, trong đó có cái mương vừa sâu vừa có lùm bụi um tùm, để nhị vị “đại nhân” ấy nằm nghỉ chắc là khoái lắm.
Hắn khom mình xuống, một bên cặp một tên, không thể nghờ được, hai gã đại hán vóc dáng dình dàng, vậy mà gã thanh niên nhỏ thó đó cặp cả hai tên y như cặp hai chú thỏ.
Cô gái đứng nhìn kinh ngạc.
Chỉ một giây sau, hắn trở lại, lão già hỏi ngay :
- Hầu Nhi, có sửa áo quần ngay ngắn lại cho người ta không?
Gã thanh niên đáp :
- Lão gia yên lòng, trong người họ không có gì lo ngại, chỉ có một ít bạc vụn vừa đủ hai thầy trò mình lai rai một bữa vậy thôi.
Lão già hừ hừ :
- Giỏi, giỏi lắm.
Bây giờ cô gái đã hiểu được câu chuyện của họ rồi, nàng vội nghiêng mình :
- Đa tạ nhị vị đã cố tình giúp đỡ.
Lão già đáp :
- Không có chi... Thật ra từ trong đám đông, thầy trò tôi cứ tưởng cô nương là nhân vật giang hồ, không ngờ lại không thể ứng phó với hai tên chó đẻ đó.
Cô gái có vẻ ngập ngừng :
- Lão gia, tiểu nữ chỉ là phân nửa giang hồ thôi.
Lão già cười :
- “Phân nửa giang hồ”, cha, cái danh xưng này nghe mới quá, nhưng chắc phải có một sự giải thích mới thông?
Cô gái đáp :
- Vì gia đình tiểu nữ làm nghề buôn bán, thường hay tiếp xúc với những nhân vật giang hồ.
Lão già gật :
- Ạ à... như vậy gia đình cô nương có công việc buôn bán tại Trương Gia Khẩu?
Cô gái đáp :
- Không đâu, lão gia, gia đình chúng tôi ở tại Thừa Đức phủ.
Lão già lại à à :
- Tại Thừa Đức, lão phu có một người bạn giúp cho một thương hàng, nhưng lâu quá rồi không gặp lại nhau.
Cô gái hỏi :
- Lão gia, chẳng hay vị lão gia đó làm việc tại thương hàng nào ở Thừa Đức?
Lão già đáp :
- Lâu quá, vả lại chỉ nghe nói chớ chưa tới lần nào thành ra không nhớ rõ, để coi...
à, đúng rồi, cái gì Dục Ký he... Ạ à, đúng rồi, Dục Ký Thương Hàng, cô nương có biết cái thương hàng đó không nè?
Cô gái không trả lời mà lại hỏi :
- Lão gia, chẳng hay vị lão gia đó danh tánh...
Lão già đáp :
- Hắn họ Ba...
Cô gái buông miệng :
- “Trại Uất Trì”?
Lão già gật gật :
- Đúng rồi, hắn đấy, cô nương biết?
Cô gái đáp :
- Dục Ký Thương Hàng là thương nghiệp của cha tôi, vị họ Ba làm Quản sự nơi đó, tôi thường gọi là lão gia.
Lão già hỏi :
- Chắc cô nương họ Lạc?
Cô gái gật đầu :
- Vâng tiểu nữ tên Lạc Minh Châu.
Lão già vỗ tay :
- Ạ... như vậy thì không phải xa lạ. Lạc lão đệ thường gọi ta bằng lão ca đó.
Lạc Minh Châu nói :
- Như vậy cháu xin gọi Đại gia là lão bá.
Lão già gật gật :
- Đúng đúng, cứ như vậy, tốt lắm.
Gã thanh niên chen vô :
- Sư phụ, nếu con gái của Lạc lão gia thì đệ tử phải gọi bằng thư thư?
Lão già lại gật gật :
- Đúng đúng, Hầu Nhi, nhớ đây là cũng nhớ Ba thúc thúc của ngươi đó nghe, nếu không thì ta cũng không có quen được với Lạc lão đệ đâu, ta không quen với Lạc lão đệ thì ngươi đừng hòng có được một vị thư thư như thế.
Gã thanh niên vỗ tay :
- Vậy mà từ lâu sư phụ không cho đến Thừa Đức, đệ tử cứ tưởng theo sư phụ suốt đời sẽ không bao giờ có được một vị thư thư.
Lạc Minh Châu cười, nàng tuy mới gặp, nhưng rất dễ có cảm tình với hai thầy trò của gã thanh niên trực tính, có lẽ cũng có một phần ảnh hưởng cái tốt của Ba quản sự.
Nàng nghĩ tới một người như thế nhứt định bằng hữu cũng phải là hạng tốt, nàng nói :
- Bằng hữu, đừng khách sáo như thế, cứ xem chúng ta là chị em gần gủi lâu ngày.
Gã thanh niên nói :
- Đa tạ thư thư. Nhưng thư thư nè, nhận thầy trò tiểu đệ là người thân, sau này nếu có chuyện phiền hà mong thư thư đừng trách nghe.
Lạc Minh Châu cau mặt, câu nói của hắn có vẻ lạ lùng.
Nàng biết, hai thầy trò này là bậc lão giang hồ, họ lại thẳng thắn, chính vì thế nàng đâm ra thắc mắc câu nói của gã thanh niên...

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.