Tùy Đường Diễn Nghĩa

Chương 94:




Dịch giả: Thùy Dương
Nguồn: Nhà Xuất Bản Thuận Hóa

***
Từ rằng:
Trung nghĩa đem bàn thuật dễ thông
Khó chăng khi gặp bước đường cùng
Lê Viên tuẫn tiết bao nhiêu kẻ
Xin chớ coi thường chí nhạc công
Nhạc công tuẫn tiết
Ai cô thần bi thiết hỏi trời xanh
Thơ ngâm gửi gắm chút tình
Hàng Châu, hàng chữ quên mình vì ai?
Theo điệu: "Thanh sam thế”
T ừ xưa trung thần nghĩa sĩ, được trời ban cho gan vàng dạ sắt, chẳng kể quý tiện. Có kẻ ở ngôi quý, hưởng lộc dày, ngày thường khoác lác hai chữ trung nghĩa, đến khi gặp việc lớn, nguy đến mạng sống, lại sẵn sàng vứt ngay hai chữ đó sang một bên, cốt giữ được thân mình, được gia quyến, tránh họa cầu toàn, cam lòng theo bọn phản nghịch, lá mặt lá trái, dù biết rõ ràng việc làm hiện nay của mình sẽ bị vạn đời mai mỉa, tiếng nhơ khôn rửa. Ngược lại, có những người chẳng phải phẩm tước cao sang, nhân thế truyền danh, thường ngày chẳng qua thuộc đội Lê Viên tử đệ của hoàng thượng, gặp cơn hoạn nạn, ai nấy đều ham sống sợ chết, phản chúa hàng giặc. Trên dưới đều nghĩ rằng bọn này thì lấy đâu ra kẻ biết đến hai chữ trung nghĩa, liệu có điều gì đáng trách, sao mà lại biết "cảm ân tri báo" giữa cảnh đời đen bạc này cho dược. Không ngờ riêng những người này nêu tấm gương trung nghĩa, chẳng sợ gì dao búa, mắng giặc chịu chết khiến cho lúc bấy giờ trở thành kẻ cô thần tử tiết, ai nghe cũng khiến nuốt lệ, đau xót hiện thành giấy mực, vịnh thành thơ từ, vì người chết mà truyền mãi cho đời sau. Thế cũng đủ thấy lòng trung nghĩa không chia bần tiện, phú quý, chính là kẻ hạ tiện thì lại hết lòng trung nghĩa, cảm động đất trời, lòng người vậy!
**
Lại nói chuyện An Lộc Sơn tuy đã tiếm xưng vương vị, chiếm đóng được nhiều nơi trong nước, kể cả Đông Kinh lẫn Tây Kinh, nhưng trước sau cũng chỉ là lũ giặc cỏ, chẳng hề có mưu lược sâu xa, lâu dài gì, lòng dạ lúc nào cũng nhớ tới Phạm Dương đất cũ, thích ở Đông Kinh, không muốn ở Tây Kinh. Đến khi vào Trường An, lệnh bắt quan hoạn cùng cung nữ, cho lính tâm phúc giải về Phạm Dương. Rồi lụa gấm, vàng bạc trong các kho, cùng các báu vật, trần thiết của các cung điện, đều cho áp giải về kho ở Phạm Dương. Lại hạ lệnh cho lũ Lê Viên tử đệ, cùng là bọn nhạc công của giáo phường, lâu nay vẫn được triều đình ân sủng, đều phải ra làm phận sự như cũ, nhược bằng trốn tránh không chịu ra, lập tức bị chém đầu. Cho đến lũ voi đã thuần, đôi ngựa biết múa trong chuồng của nhà vua Đường, không được để mất mát, cứ theo như cũ mà luyện tập, sẵn sàng cho Lộc Sơn thưởng ngoạn.
Nguyên là đời Thiên Bảo, thượng hoàng chú trọng việc thanh sắc, mỗi lần đại yến, tất có tấu nhạc Thái Thường, gồm hai ban, một ban ngồi, một ban đứng. Ban ngồi, các nhạc công được ngồi ngay trên nền điện để tiện biểu diễn. Ban đứng thì các nhạc công phải đứng dưới thềm. Nhạc tấu xong rồi, tiếp đến trình diễn nhạc Phiên, gồm đánh trống cùng thổi kèn. Về sau các điệu mới của giáo phường cùng các nơi trong nước thường được gọi tới ngự lãm. Hoặc có khi còn sai cung nga, y phục thật rực rỡ, đến dưới điện vừa múa vừa hát. Các đội này đi đâu, đều có xe ngựa, thuyền lầu đưa đón rất sang trọng khác hẳn thói thường. Mỗi khi thượng hoàng gần say rồi, liền truyền đội voi của ngự uyển, dẫn những con voi đã được luyện tập thuần thục vào quỳ ngay dưới thềm vàng, lấy vòi dâng rượu, chúc thọ, những việc này đã được luyện từ trước rất công phu. Ngoài ra lại còn rèn cho mấy chục con ngựa biết múa, mỗi khi có lệnh, đội trưởng coi chuồng ngựa, dắt ngựa vào sân chầu, lũ ngựa nghe nhạc, đều cúi đầu quỳ gối trước, rồi cứ thế mà nhảy múa, rất khớp với tiết tấu của điệu nhạc.
Nhà nho đời Tống Từ Tiết Hiếu tiên sinh, đã từng làm bài thơ "ngựa múa" như sau:
Thái bình thiên tử thuở Đường triều
Đàn hát thâu đêm, múa sớm chiều
Điện gấm đỡ êm chân tuấn mã
Màn hoa phủ kín bụng long câu (1)
Chỉ can gõ trống hàng không lệch
Chẳng phải ra roi múa tất đều
Điệu cũ Lê Viên sau diễn lại
Phạm Dương gươm giáo ít hay nhiều?
1 Nguyên văn dùng chữ "Ác Oa", tên một con sông ở tỉnh Cam Túc, phía bắc Trung Quốc, nơi sản nhiều ngựa tốt.
Thuở ấy yến tiệc của thượng hoàng, Lộc Sơn đều đứng ngay cạnh hầu, những lời thán phục, ngợi ca đều được nghe tận tai. Khi nảy ý nghịch loạn, giờ đắc chí, vẫn mong theo lệ cũ mà vui chơi, nào ngờ đâu lũ voi ngựa này cũng là cơ gây mầm ham muốn dẫn đến chuyện phản tày trời sau này vậy.
Chính là:
Ăn chơi thiên tử thật xa hoa
Khiến kẻ ngoài thèm nhỏ dãi ra
Hợm hĩnh khoe tài, voi ngựa múa
Xa hoa tổ dẫn cướp vào nhà.(1)
1 Theo ý của thành ngữ: "Dã dung hối dâm, mạn tàng hối đạo”. Trau chuốt làm dáng sinh ra lòng dâm dục, tiền của cất giấu không kín thì giục giã lòng tham của người ta.
Lúc này đầu mục của các bộ lạc ở phương bắc, nghe tin Lộc Sơn đã chiếm được Tây Kinh, đều tới để chúc mừng, Lộc Sơn muốn đem những chuyện kỳ lạ để khoe khoang, lừa gạt bọn này, liền triệu tất cả đến trước diện, nói huênh hoang rằng:
- Ta nay nhận mệnh trời mà làm thiên tử, không những lòng người quy thuận đã đành, mà đến vật vô tri, không loài nào là không phục. Ví như lũ voi lâu nay nuôi ở Thượng Lâm của ngự uyển, thấy ta ngồi yến tiệc, cũng quỳ xuống để nâng rượu chúc mừng. Còn lũ ngựa trong chuồng, nghe lệnh ta truyền tấu nhạc, vui mừng và nhảy múa. Há không phải là những sự kỳ lạ hay sao!
Các đầu người Phiên nghe nói đều phủ phục dưới thềm, tung hô:
- Vạn tuế! Vạn tuế!
Lộc Sơn truyền lệnh cho đội voi ra sân triều. Lập tức, đội trưởng dẫn voi ra, khoảng chục con thuần thục hơn cả. Các đầu mục người Phiên chăm chú theo dõi. Xem lũ voi này dâng rượu bằng cách nào. Không ngờ bầy voi đều đưa mắt nhìn lên ngự điện, thấy người ngồi trên, không phải thiên tử dạo trước, nhất định đứng yên không chịu cử động gì cả, lại còn đưa mắt giận dữ nhìn chăm chăm. Đội trưởng rót rượu đưa cho con voi đầu đàn, bắt con voi lớn nhất này quỳ xuống dâng lên, voi dùng vòi cuốn lại đỡ lấy rượu vứt xa hàng mấy trượng. Tả hữu đều sợ xanh xám mặt mày, còn các đầu mục người Phiên thì bưng miệng cố nhịn cười. Lộc Sơn vừa giận vừa xấu hổ, lớn tiếng quát:
- Lũ nghiệt súc, dám cả gan thế sao?
Rồi truyền lệnh dẫn ngay lũ voi ra giết tất. Cuộc yến cũng tan trong huyên náo. Lúc ấy, đã có người làm thơ chế giễu rằng:
Có hình có dáng gọi là voi
Trước mặt không quỳ thật khác đời
Bẽ mặt những phường luồn cúi lắm
Gãi tai, gập gối bẩm thưa hoài.
Lộc Sơn bị lũ voi làm cho mất mặt, bèn nghĩ ngay đến lũ ngựa, biết đâu còn gây chuyện phiền nhiễu hơn, chi bằng đừng đem ra khoe khoang nữa là xong. Liền truyền ngay lệnh, đem lũ ngựa múa đưa vào các quân doanh kỵ hết. Về sau có hai con ngựa ở đội này lưu lạc vào quân kỵ của tướng giặc Sử Tử Minh. Tử Minh nhân có bày tiệc rượu đãi tướng sĩ dưới quyền, cũng có tấu nhạc làm vui, gặp lúc hai con ngựa này ở ngay dưới sân, liền cùng nhảy múa như xưa. Quân lính không rõ nguyên nhân, vừa lạ lùng, vừa sợ hãi, lấy roi nện tới tấp. Hai ngựa bị đánh, cho là vì múa chưa đúng, lại càng như phát cuồng, nhảy hý loạn xạ, quân lính cả sợ côn búa càng đập mạnh, hai ngựa đều chết ngay. Trong đám giặc có kẻ biết rõ chuyện ngựa múa, chạy tới can thì nào còn kịp nữa. Chuyện há không đáng cười sao?
Chính là:
Chẳng khuất thương voi chết rồi
Ngựa múa rối bời, lại phải đòn roi
Vậy nên ngựa cũng bỏ đời
Ngẫm câu đạo nghĩa ngựa voi thế nào?
***
Chuyện chia hai mối, chẳng phải kể rườm rà, chỉ nói Lộc Sơn ở Tây Kinh mặc sức giết người, lại nghe trước đó, trăm họ nhân loạn lạc trộm giấu của kho liền hạ lệnh cho các quan dưới quyền, tra hỏi truy bức, cho phép tố cáo, chẳng khác dây leo, cứ thế bắt kỳ hết trị tội không có ngày nào là không giết chóc. Nhân đó, những kẻ hung hiểm, buông lời thác oan, vu hãm người khác, quan nha chẳng cần tra hỏi ngọn ngành, cứ thế mà bắt bớ, nhiều người vô tội cũng bị giết cả.
Thân mình, nhà cửa chẳng gì chắc chắn. Vì vậy dân chúng ngày đêm mong chờ vua Đường, tin đồn là hoàng thái tử đã thu phục được hùng binh bắc phương, về sẽ khôi phục Trường An, việc trong sớm tối. Lại có tin, quân của thái tử đã tới, trăm họ tranh nhau ra khỏi thành, cấm cũng không được, vì vậy đường phố, chợ búa trong thành cũng không một bóng người. Quân giặc thấy chiến trận lan tới phía Bắc, đều bàng hoàng trông chờ. Lộc Sơn liệu thế Trường An không thể ở lâu chi bằng sớm về Lạc Dương, liền lấy Trương Thông Nho làm lưu thú Tây Kinh, An Trung Thuận làm tướng quân tổng binh trấn thủ Quan Trung, lại sai Tôn Hiếu Triết giám đốc quân vụ, cai quản các tướng. Còn mình với con là An Khánh Tự, dẫn quân tâm phúc, cùng các tướng Phiên chọn ngày tốt về Đông Kinh.
Trước hôm lên đường một ngày, mở yến tiệc chiêu đãi quan tướng văn võ khắp mặt. Truyền cho nội phủ sắp đặt khu ngự uyển ngay bên hồ Ngưng Bích, Lê Viên tử đệ, giáo phường nhạc công, tất cả đều phải tới hầu nhạc múa. Trong số những người này, chỉ có Lý Mô, Trương Dã Hồ, Hạ Hoài Chi đã theo giá chạy vào Thục, còn lại Hoàng Xiên Xước, Mã Tiên Kỳ... không kịp theo vua vẫn lưu lạc ở kinh đô, không dám không theo lệnh Lộc Sơn mà tới. Chỉ có Lôi Hải Thanh thác ốm không chịu đi.
Hôm ấy, bên bờ hồ Ngưng Bích, yến tiệc bày la liệt, Lộc Sơn ngồi trên thềm cao. Khánh Tự đứng hầu một bên, bọn tay chân theo thứ tự ngồi từng dãy phía dưới. Rượu được mấy tuần, dưới thềm tiếng trống nối một hồi nhịp nhàng, sau đó là tiếng nhạc quân hành tấu rộn rã. Từng đội từng ban của Lê Viên tử đệ, giáo phường nhạc công, ban thứ nhất là Đông phương thuộc mộc, ban trưởng, đầu chít khăn tiêu xanh, lưng thắt dải lụa mềm ngọc bích, khoác áo cẩm bào thanh thiên, tay cầm một ngọn cờ nhỏ cũng màu xanh, trên cờ thêu rõ bốn chữ "Đông phương giốc âm", cả bốn chữ đều màu đỏ, thêu bằng chỉ quý lóng lánh sắc kim, hàm ý rằng "Mộc sinh hỏa". Theo sau cờ là hai mươi Lê Viên tử đệ, đầu đội khăn xanh, mặc áo xanh, tất cả đứng phía đông dưới thềm.
Ban thứ hai là Nam phương thuộc hỏa, ban trưởng, đầu đội khăn hà đỏ, lưng thắt lụa mềm màu san hô, khoác cẩm bào hồng, tay cầm cờ nhỏ đỏ, trên cờ cũng thêu bốn chữ "Nam phương chủy âm", bốn chữ này đều thêu bằng chỉ kéo từ vàng, lấy ý "Hỏa sinh thổ". Theo sau cờ cũng hai mươi Lê Viên tử đệ, đội khăn ráng đỏ, áo hồng, đứng ở phía nam của thềm điện.
Ban thứ ba là Tây Phương thuộc kim, ban trưởng đội khăn nguyệt bạch, thắt lưng lụa màu bạch ngọc mềm, khoác áo cẩm bào, tay cầm cờ nhỏ trắng, thêu bốn chữ "Tây phương thương âm" chữ đen, dùng vàng đen mà kéo thành chỉ thêu, lấy ý "Kim sinh thủy". Theo sau cờ cũng gồm hai mươi Lê Viên tử đệ đội khăn trắng, khoác áo trắng, dồn đứng ở phía tây thềm.
Ban thứ tư là Bắc phương thuộc thủy, ban trưởng đội khăn đen, lưng thắt lụa mềm hắc tê, mặc áo bào đen, tay cầm cờ đen, cờ thêu bốn chữ "Bắc phương vũ âm", chữ thêu màu xanh, lấy lông biếc của chim thúy mà thêu, hàm ý: "Thủy sinh mộc" vậy. Theo sau cờ cũng có hai mươi nhạc công đội mũ lụa đen, áo bào cũng màu đen, đứng về phía bắc thềm điện.
Ban thứ năm là Trung ương thuộc thổ, ban trưởng đội khăn mây vàng, thắt lưng màu sáp ong mềm, khoác hoàng bào, tay cầm cờ nhỏ vàng, thêu bốn chữ "Trung ương thuộc cung", chữ thêu bằng chỉ kéo từ bạc tinh, xung quanh lại viền đủ năm màu, hàm ý "Thổ sinh kim", thổ là nơi sinh vạn vật quý báu. Theo sau bốn mươi nhạc công, đầu đội khăn lụa vàng, khoác áo vàng, đứng ngay ở giữa sân điện. Năm người ban trưởng, cùng dẫn đội hình gồm một trăm hai mươi người, hàng ngũ chỉnh tề, theo đúng thứ tự mà đứng. (l)
1 cách phân chia, sắp xếp của các đội, các ban đểu tuân theo luật ngũ hành tương sinh tương khắc của triết học Trung Hoa cổ đại, theo quan hệ tương ứng sau: Thủy - Hỏa - Mộc - Kim - Thổ; Bắc - Nam - Đông - Tây - Trung ương; Đen - Đỏ - Xanh - Trắng - Vàng; Vũ – Chủy - Bốc - Thương - Cung (Theo tự điển văn học Hữu Ngọc)
Trong khi đợi tấu nhạc, Lộc Sơn hỏi:
- Ban nhạc các ngươi đã tới đầy đủ chưa?
Đội nhạc thưa đủ cả, chỉ thiếu Lôi Hải Thanh hiện đang ốm không có mặt. Lộc Sơn phán:
- Lôi Hải Thanh là tay nổi tiếng trong đội nhạc, y không tới, thì sao còn là ban nhạc nữa. Khá cho ngay người tới gọi y. Dẫu có bệnh, cũng phải là ôm bệnh mà tới.
Tả hữu vâng mệnh, vội đi gọi ngay. Lộc Sơn lệnh cho các ban nhạc vẫn theo thứ tự mà tấu nhạc, thôi thì đủ tiêu phượng, địch rồng, sáo ngà, sinh loan, chuông vàng, khánh ngọc, đàn Tần trống Yết, tỳ bà phương Bắc, cùng một lúc rộn ràng tiếp nối, hòa nhau, nào thổi, nào đánh, nào gảy, tiếng nghe thật đinh tai nhức óc.
Giữa lúc huyên náo như vậy, năm mặt cờ bay, phất phới chuyển động, đoàn người nhịp nhàng uốn éo, tiến lui múa hát, đủ màu lấp lánh, khắp sân như gió cuốn. Ca hát, múa xong, tiếng nhạc cũng tạm dừng, các ban các đội theo chỗ cũ mà về, Lộc Sơn trong lòng hoan hỷ, vuốt râu khen ngợi:
- Trẫm thuở trước theo hầu Lý Tam Lang (1) yến tiệc, cũng đã từng nhiều lần được thấy cảnh này, nhưng lúc ấy cũng chỉ là kẻ theo hầu, không sao khỏi sự trói buộc. Sao cho bằng sự khoan khoái bây giờ. Cái không được bằng bây giờ, là chẳng được chị em Dương Quý Phi sum họp mà hoan lạc vậy!
1 Lý Tam Lang: chàng ba họ Lý, gọi một cách coi thường, không công nhận ngôi thiên tử của Đường Minh Hoàng. Theo "Từ Hải": Tam Lang là tự của Đường Minh Hoàng. Ở hồi 84 các mỹ nhân ở "Hồng Nghê Bình" cũng qua Quốc Trung mà gửi lời tới Ngọc Hoàn, tức Dương Quý Phi, Tam Lang, tức Đường Minh Hoàng.
Lại cười tiếp:
- Nghĩ lại trẫm dấy quân chưa lâu, mà đã lấy được nhiều nơi, có cả Đông Tây hai kinh. Đến nỗi Lý Tam Lang có nhà không ở được, có nước cũng không giữ được, phí cả tâm lực một đời, dạy nuôi thành một ban ca nhạc thế này, mà nay chẳng dược hưởng, phải để lại phần trẫm đây, há chẳng phải mệnh trời sao. Nay trẫm cha con, vua tôi cùng nhau yến tiệc, hãy vui say thả cửa, lũ nhạc công các người tấu nhạc nữa để trợ hứng nào?
Các đội ca nhạc, nghe Lộc Sơn nói giọng Phiên như vậy, trong lòng đều bất giác cảm thương, nghẹn ngào nên tiếng nhạc nghe như rã rời, có kẻ lặng lẽ rớt nước mắt. Lộc Sơn nhận ra ngay, lớn tiếng quát:
- Nay trẫm yến tiệc ở đây, các ngươi sao dám ra mặt khóc thương như vậy?
Bắt tay chân xem xét, người nào mà rầu rĩ khóc lóc, lập tức lôi ra chém đầu. Cả bọn thất kinh, vội vàng giấu chùi nước mắt, giả dạng vui vẻ. Bỗng trong sân có tiếng khóc lớn, thì ra là Lôi Hải Thanh. Nguyên là Hải Thanh thác bệnh không chịu đến, bị Lộc Sơn sai người bức triệu, khi tới gặp lúc ca nhạc huyên náo, trong lòng Hải Thanh đã bực tức, lại nghe thêm những lời vênh vang của Lộc Sơn, cùng là những tiếng quát nạt, liền phẫn uất, nổi lòng nghĩa khí trung trinh, lớn tiếng khóc. Người dưới sân điện, thảy đều kinh hoàng. Bọn tay chân vội truy tìm kẻ táo gan, thì đã thấy Hải Thanh ưỡn ngực bước ra trước điện, kéo tất cả khăn lụa gấm phủ, cùng mọi thứ bày trên vứt cả xuống đất, chỉ mặt Lộc Sơn mà lớn tiếng mắng:
- Mày là kẻ phản nghịch, chịu ơn dày của thiên tử, mà mang lòng phản loạn, tội đáng phanh làm vạn mảnh, còn dám lớn tiếng nói láo. Lôi Hải Thanh này dẫu chỉ là nhạc công, cũng biết điều trung nghĩa, không đời nào chịu hầu hạ phường phản nghịch. Hôm nay ta quyết sống chết với mày, dẫu có nát thân, thì đã có em ta là Lôi Vạn Xuân, sẵn sàng vì nước tận trung, chẳng chóng thì chày sẽ đâm chết lũ giặc chúng mày!
Lộc Sơn trừng mắt há hốc mồm mà nhìn, một câu cũng không nói ra, mãi sau mới ra được lệnh mau chém đầu. Bọn tay sai, giơ đao tới tấp Hải Thanh đến lúc chết, miệng vẫn không ngớt chửi mắng.
Chính là:
An Kim Tàng nhớ mới năm nào
Lôi Hải Thanh nay lại tiếp theo
Nghĩa liệt nhạc công đời hiếm có
Nghênh ngang áo mũ thẹn là bao!
Lôi Hải Thanh chết rồi, Lộc Sơn vẫn chưa nguôi cơn giận dữ, truyền bãi ngay yến tiệc, giam tất cả các nhạc công chờ lệnh đưa đi đày. Đang lúc quát tháo, thì có thám mã về thưa:
- Hoàng thái tử đã lên ngôi Linh Vũ, đủ cả niên hiệu, lấy một vị ẩn sĩ tên Lý Bí làm quân sư, lệnh cho Quảng Bình Vương, Kiến Ninh Vương cùng Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật dẫn quân khôi phục hai kinh. Còn tướng Lệnh Hồ Triều bao phen đánh Ung Khâu, nhưng gặp phải phòng ngự sứ Ung Khâu của nhà Đường là Trương Tuần, rất giỏi phòng giữ, Lệnh Hồ Triều mấy lấn đều thua.
Lộc Sơn nghe ra, hạ lệnh ngay ngày hôm sau quay về Đông Kinh, mặt khác bàn bạc để điều tướng sĩ ứng cứu các nơi. Còn những cung nữ ở Tây Kinh, cùng vàng ngọc, các của báu khác với nhạc công, nhạc khí đều đưa hết về Đông Kinh.
Lúc lên đường, Lộc Sơn cưỡi ngựa qua trước thái miếu, bỗng nhiên dừng ngựa, rồi lệnh cho quân sĩ nổi lửa đốt thái miếu. Quân lính vâng mệnh, lập tức bốn phía lửa cháy. Lộc Sơn ngồi trên ngựa nhìn, lửa vừa bén, một luồng khói xanh xông thẳng lên trời cao. Lộc Sơn ngửa mặt lên nhìn, chẳng ngờ luồng khói xanh cứ nhằm đúng đầu Lộc Sơn mà lao xuống, cuộn tròn như một cái vòng, quấn chặt lấy hai mắt Lộc Sơn. Nhìn ra thì hai mắt đã mờ tối, nước mắt chảy ra như trút, không thể cưỡi được ngựa nữa, đành phải lấy xe rồng nhẹ mà đi. Từ đó Lộc Sơn bị mờ cả hai mắt, ngày một nặng chữa chạy vẫn chẳng thuyên giảm, cuối cùng bị mù cả hai mắt.
Chính là:
Giặc đốt phá càn dỡ
Thái Tông mắt vẫn mở
Nên chọc mắt giặc mù
Báo ứng giặc phải sợ.
Lộc Sơn về đến Đông Kinh, hai mắt đã không nhìn thấy gì, trong lòng buồn bực, muốn gọi mấy nhạc công tới đàn hát giải buồn, nhưng lại nghĩ tới chuyện Lôi Hải Thanh, sinh nghi hoặc, không dám gần gũi đám Lê Viên tử đệ này, ý muốn đem bọn này giết quách, nhưng cũng tiếc tài hoa, nên vẫn giữ lại chờ khi cần đến.
***
Lại nói chuyện Lôi Hải Thanh tuẫn tiết được người người truyền tụng, kẻ kẻ ngợi ca, nhân đó mà cảm động đến cả lòng riêng của một viên quan có tiếng. Viên quan này chẳng phải ai khác, chính là người dạo trước tâu với thượng hoàng về chuyện Chung Quỳ, đó là Cấp sự trung Vương Duy. Họ Vương tự là Ma Cật, nguyên là người Thái Nguyên, lúc thiếu thời nằm đọc sách ở vùng núi Chung Nam, đời Khai Nguyên đậu tiến sĩ cập đệ, tính rất hiếu khách, cùng với em là Vương Tấn có rất nhiều tài lạ, Vương Duy học rộng, biết nhiều thứ khác nhau, chữ viết tranh vẽ vừa uyển chuyển vừa cứng cỏi, nổi danh một thời, từ các thân vương, cho đến phò mã, đều coi Vương là bậc thượng khách. Lại thêm tinh thông âm nhạc, có thể tự sáng tác âm điệu mới, đến nỗi Lê Viên giáo phường tranh nhau luyện tập, truyền tụng. Từng có một người bạn của họ Vương, được một bức tranh vẽ cảnh ban nhạc nhưng không rõ là đang tấu bài nhạc gì, Vương Duy nhìn qua liền bảo:
- Bức tranh này, chính là vẽ vào đội nhạc công đánh đến phách thứ nhất của đoạn ba, điệu "Nghê Thường vũ y khúc".
Có kẻ hiếu sự, tập hợp các nhạc công lại, cho tấu điệu nhạc này, đến phách thứ nhất của đoạn ba, đều nhất loạt bắt dừng lại không được cử động, rồi xem xét kỹ nhạc công, từ người thổi sáo, kẻ gẩy đàn, gõ trống, từ cánh tay, ngón tay so với cảnh tượng trong bức họa không khác nhau một chút nào. Bởi vậy không ai là không thán phục.
Năm cuối đời Thiên Bảo, họ Vương làm Cấp sự trung, lúc An Lộc Sơn làm phản, thượng hoàng chạy vào Thục, họ Vương hốt hoảng không kịp theo ai, bị giặc bắt được, liền uống thuốc giả vờ ngây, nói năng ú ớ, để từ chối lệnh của ngụy triều. Lộc Sơn vốn trọng bậc tài năng nên không nỡ giết, sai người đưa về Lạc Dương, giam ở chùa Phổ Thị cho dưỡng bệnh ở đây. Vương Duy bản tính hiếu Phật, nay bị giữ trong chùa, chỉ suốt ngày tụng kinh, hoặc là tĩnh tọa, nghĩ tới chuyện Chung Quỳ móc mắt quỷ, nhai quỷ mà thượng hoàng kể lại dạo nào, cùng là việc Lộc Sơn bị mờ hai mắt mới rồi, cũng là ứng vào lúc giấc mộng của thượng hoàng. Cứ thế mà suy, thì lũ giặc quỷ này sắp đến ngày diệt vong, chỉ giận không kịp theo xa giá, để đến nỗi bị giặc giam giữ ở đây, chẳng biết đến bao giờ mới thấy được mặt rồng.
Đang lúc nghĩ ngợi, nghe người kể về chuyện Lôi Hải Thanh tuẫn tiết ở hồ Ngưng Bích, bèn hỏi thật cặn kẽ mọi sự, mười phần thương cảm, nhìn trời cao mà gào khóc. Lại nghĩ tới đám Lê Viên giáo phường, nhiều lần tập luyện những khúc điệu của Vương, không ngờ giờ phải hầu hạ lũ phản nghịch, thật là nhục nhã cho chữ nghĩa, nhạc điệu của Vương. Lôi Hải Thanh, dẫu phải ẩn thân trong đám nhạc công nhưng thường ngày đã khác người, đúng là bậc trung quân ái quốc, đừng nói phải nghe những lời khoác lác điên cuồng của kẻ thù mà những điều tai nghe mắt thấy, cũng đủ không nén nỗi lòng căm phẫn. Lại tưởng tới cảnh hồ Ngưng Bích trong nội cung, vốn là nơi nghi ngơi của các thiên tử nhà Đường, nay trở thành nơi chè chén của lũ tội nghịch, thật là không hết nỗi thương tâm. Nghĩ tới đó, tưởng tới đó, Vương Duy liền lấy ngay giấy bút, viết bài thơ sau:
Muôn bếp đau thương khói vật vờ,
Trăm quan bao thuở được chầu vua?
Hòe thu lá rụng cung hoang vắng,
Ngưng Bích hồ vang tiếng trúc tơ.(1)
1 Nguyên văn: "Vạn hộ thương tâm sinh dã yên; Bách quan hà nhật tái triều thiên?, Thu hòe diệp lạc không cung lý; Ngưng Bích trì đầu tấu quản huyền”.
Với bài thơ này, Vương Duy chỉ nói tấm lòng bi thương của mình, chẳng hề định ngợi ca Lôi Hải Thanh, chẳng hề đưa cho người khác xem. Không ngờ Lê Viên giáo phường bị Lộc Sơn đưa về Đông Kinh, họ từ lâu đã kính mộ Vương, tên tuổi lẫy lừng, nay bị giam ở chùa Phổ Thị này, nên họ hay lui tới thăm hỏi. May có người được đọc bài thơ, rồi truyền cho nhau cùng ngâm nga, mãi tới hành tại của Túc Tông cũng biết. Túc Tông nghe thấy, động lòng than thở, nhân đấy thường ngâm nga. Chỉ có ba chữ "Ngưng Bích Hồ" là nhắc tới một cách kín đáo việc tuẫn tiết của Lôi Hải Thanh.
Mãi đến khi giặc loạn đã dẹp xong, Túc Tông về Tây Kinh, bàn tới việc thưởng phạt các quan. Lôi Hải Thanh được truy thưởng lòng trung nghĩa. Lúc này đám quan viên theo giặc, cũng là bị giam hãm trong tay giặc đều định tội khác nhau, Vương Duy tuy chưa từng hàng giặc, vẫn thuộc loại bị giặc giam giữ, nên đáng ra cũng trong vòng có tội nhưng em ruột là Vương Tấn, đang làm Hình bộ thị lang, dâng biểu xin từ bỏ hết quan chức để chuộc tội cho anh. Túc Tông nhân nhớ tới bài thơ "Ngưng Bích Trì" này, có mang ý không quên ơn vua, liền đặc chỉ xá tội, lại cho được giữ nguyên chức quan như cũ. Đó là chuyện sau này.
Chính là:
Có người ngay tuẫn tiết
Được thơ càng nổi tiếng
Có kẻ đáng gia hình
Vì thơ mà được miễn.
Lại nói An Lộc Sơn sau khi bị mù mắt, càng thêm bạo ngược, ngay cả với kẻ thân cận dưới quyền. Thấy ai cũng nghi ngờ, sợ hãi, đến nỗi như phát điên, công việc sai sót càng nhiều, càng lớn. Vì vậy lòng người ngày càng ly tán, kẻ thân cận xưa nay cũng thành cừu thù.
Vậy nên:
Tội lỗi sau trước chất núi
Đất trời sớm muộn phân thây.
Chẳng biết về sau sự việc ra sao, xin xem hồi tiếp phân giải.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.