Vị Thanh Xuân

Chương 31:




Kì nghỉ lễ đầu tiên trong năm kéo dài đến bốn ngày. Bình thường vào ngày này các năm trước Phương An thường cùng Tường Vy đi đâu đó nhưng năm nay cô nàng bận rộn đi du lịch cùng Mạnh Quân, cô cũng có việc quan trọng nên sẽ về quê.
Bố mẹ Phương An nghe tin con gái sẽ về thì mừng quýnh. Lần cuối cùng cô có mặt ở nhà đã từ đợt Tết nguyên đán, tính đến giờ cũng đã hơn hai tháng trôi qua.
Sáng sớm, Phương An vừa kéo túi đồ xuống dưới sảnh thì đã thấy Minh Nhân khoanh tay đứng đợi bên chiếc xe mui trần quen thuộc. Cô còn ngơ ngác chưa kịp hỏi lí do thì anh đã nói:
- Cô chú muốn tôi về chơi nên tôi qua rồi hai chúng ta cùng về luôn.
Nét mặt Phương An bàng hoàng như gặp phải quỷ.
- Bố mẹ tôi bảo về là anh về nhà tôi á?
- Ừ. Cô gọi điện bảo cái ổ điện ở nhà hỏng rồi. Tôi về chơi rồi tiện sửa luôn!
Ổ điện hỏng? Mặt Phương An méo xệch. Mẹ cô có thể tìm ra cái lí do nào hợp lý hơn được không? Thật mất mặt mà!
- Anh không về có được không?
- Sao được, tôi đã đồng ý với cô chú rồi! Không thể đắc tội với phụ huynh được.
- Thì cứ nói có việc đột xuất là được.
- Tôi không quen nói dối với người lớn!
- Xì!
Phương An u ê ngồi kéo cửa xe ngồi xuống ghế bên cạnh ghế lái, lúc này mới phát hiện ra ghế lái đã có người ngồi.
- Em định bỏ mặc tôi ngồi một mình ở đây hả?
Phương An quay ra mới thấy Minh Nhân yên vị ở ghế sau, ghế đằng trước là một chú có khuôn mặt hiền từ đang mỉm cười với cô.
- Chú Ngọc là lái xe của ông nội tôi. Bây giờ chú ấy sẽ chở chúng ta ra bến xe – Rồi quay qua nói với chú lái xe – Cô ấy không chịu được bó hẹp, chú kéo mui lên giúp cháu với ạ!
Thấy Phương An vẫn mơ hồ, anh nói tiếp:
- Lần trước em giới thiệu tôi chỉ là một nhân viên bình thường. Nếu bây giờ đi xe đó về quê thì em sẽ giải thích thế nào đây? Xe bình thường thì em không ngồi được, chỉ còn cách kiếm cái xe khách nào rộng rộng để về thôi.
Phương An gật gù. Vẫn là Minh Nhân suy nghĩ thấu đáo.
Xe khách ngày lễ rất đông. Mặc dù đã vào bến mua vé nhưng sau khi xe rời khỏi bến thì nhà xe bắt đầu nhồi nhét thêm rất nhiều người. Ban đầu Minh Nhân ngồi ghế trong cùng rồi đến Phương An, nhưng sau khi chủ xe bắt đầu nhét khách thì anh nhường cho cô vào trong còn bản thân thì ngồi ngoài vòng tay chắn cho cô. Suốt cả quãng đường đi Phương An gục đầu vào vai Minh Nhân ngủ mê mệt. Đến lúc tỉnh dậy, một bên cổ mỏi nhừ, ngó sang thấy Minh Nhân đang lặng lẽ xoa vai, Phương An áy náy cười. Bọn họ từ điểm xe dừng phải đi bộ thêm hơn một cây số mới về đến nhà. Phương An hầu như chỉ đem về hai bộ quần áo nên hành lí khá gọn nhẹ. Minh Nhân không biết đã đem theo những gì mà kéo theo cả chiếc va li to uỵch. Cô lém lỉnh trêu chọc:
- Anh về có mấy hôm. Không phải mang theo cả máy chạy bộ về đấy chứ?
Đám trẻ con đang chơi đầu xóm vừa thấy cô về thì cả đám kéo nhau chạy ra, hò hét ầm ĩ:
- Chúng em chào chị An! Chúng em chào anh rể!
- Cái bọn này! Anh rể nào chứ!
- Ha ha! Tui bay nhìn chị An đỏ mặt kìa!
Phương An biết đám tiểu yêu này chẳng dễ gì đối phó bằng võ miệng bèn nhanh nhẹn lôi ra một túi kẹo mua sẵn từ hôm trước ra để chặn miệng chúng. Tuy cách này có thể bịp được miệng lũ nhóc nhất thời nhưng vẫn không cách nào ngăn những con mắt láo liên của chúng hướng về Minh Nhân.
Bố mẹ Phương An nghe thấy tiếng lũ trẻ í ới cũng lật đật từ trong nhà chạy ra. Vừa nhìn thấy Minh Nhân thì cả hai ông bà vui mừng như thấy nguyên thủ, sán tới tíu tít hỏi han. Phương An bị bố mẹ cho ra rìa, bèn lủi thủi đứng một góc.
- Bố mẹ thích người ta như vậy thì nhận luôn người ta làm con nuôi ấy!
- Bậy nào! Cậu ấy đâu cần làm con nuôi nhà ta! Phải không Nhân?
Minh Nhân gật đầu cười. Phương An nhún vai, sau đó làm bộ giận dỗi đi vào nhà.
- Cô chú! Cháu mua ít hoa quả để bác thắp hương ông bà. Hôm Tết thấy bác trai kêu đau lưng nên cháu mua ít thuốc bổ, loại này ông cháu cũng dùng rất có hiệu quả đấy ạ. Cái này là máy mát xa mặt cháu mua cho bác gái, với bộ mỹ phẩm này cháu thấy rất hợp với da của bác. Còn cái này nữa, lần trước bạn cháu đi Trung Quốc công tác, cháu biết hai bác thích trà nên đã gửi cậu đấy mua hộ.
Phương An trố mắt nhìn Minh Nhân. Hèn gì cái va li của anh lại to nặng như vậy. Người ngoài đi ngang qua gặp cảnh này chắc còn lầm tưởng Minh Nhân mới là con nhà họ. Nếu bây giờ để bố mẹ cô lựa chọn, họ nhất định sẽ chọn Minh Nhân làm con chứ không phải cô.
Không biết họ hàng nhà cô nghe được tin cô đưa bạn trai về ra mắt ở đâu mà hết cô dì chú bác rồi cậu mợ hai bên nội ngoại đều lần lượt đến thăm nhà. Đến khi đưa tiễn bà cô họ xa tới bốn đời ra về, Phương An nằm vật ra sô pha, than thở:
- Mệt chết thôi!
- Con bé này! Bạn trai đến chơi nhà sao lại nằm ra đấy chứ!
Phương An lười không muốn phản ứng lại với hai tiếng “bạn trai” kia, vẫn thở phì phò:
- Con sắp mệt chết đến nơi rồi.
Mẹ cô khẽ nhéo con gái một cái rồi cười cười nói với Minh Nhân:
- Con bé nhà cô nó được chiều từ bé quen rồi, chẳng biết ý tứ gì hết cả.
Minh Nhân lắc đầu cười, nói:
- Cháu với cô ấy cũng không xa lạ gì đâu ạ.
Bọn họ quen nhau đến sáu bảy năm trời, đúng là chả còn xa lạ gì nữa nhưng mẹ cô hiển nhiên lại hiểu câu nói đó sang một chiều hướng khác. Nhìn thái độ hí ha hí hửng của bà, Phương An ngao ngán lắc đầu. Cô đã thanh minh cả buổi với cả dòng họ rồi, có ai chịu tin bọn họ không có gì đâu.
- À, dưới bếp có cái bảng điện bị hỏng, cháu thay giúp cô nhé. Chú bị đau lưng lên mấy hôm nay không làm được.
Nghe thấy mẹ nói vậy, Phương An liền lo lắng đưa mắt nhìn Minh Nhân. Lúc sáng có nghe anh nói mẹ cô nhờ anh về sửa ổ điện cô còn tưởng đó chỉ là lí do bà tìm ra để kéo anh về, bây giờ mới thật sự lo rằng anh không biết làm. Thấy Minh Nhân nháy mắt cười và làm dấu “ok” với mình, Phương An mới thở phào nhẹ nhõm.
Ngay khi mẹ cô và Minh Nhân vừa đi khỏi, bố cô liền nhỏ giọng nói với con gái:
- Con có nhớ ngày mai là ngày gì không?
Phương An khẽ gật đầu. Ngày mùng năm tháng bốn âm lịch là ngày giỗ của mẹ Mạnh Quân. Bao nhiêu năm nay, dù đi học hay đi làm, vào ngày này cô nhất định sẽ trở về thắp hương cho bà.
Tám năm trước sau khi bác gái qua đời, căn nhà hai mẹ con Mạnh Quân cũng đem bán trước khi anh đi Mỹ. Duy chỉ có ngôi mộ bác gái vẫn được yên vị trong khu nghĩa trang của thị trấn.
- Bình thường hàng tháng bố đều lên dọn dẹp cỏ cho ông bà rồi dọn luôn cho bà ấy. Nhưng tháng trước mưa phùn nhiều quá, cây cỏ cũng lớn ngùn ngụt cả – Bố Phương An vừa thở hổn hển vừa vơ lấy đống cỏ Minh Nhân vừa cắt xuống.
Sau phi phát quang cây cỏ um tùm xung quanh, bức ảnh một người phụ nữ luống tuổi nhưng rất xinh đẹp trên bia mộ hiện ra. Phương An lấy khăn tỉ mẩm lau từng chút chiếc bia mộ, nói với Minh Nhân:
- Anh không tò mò xem đây là mộ của ai sao?
Minh Nhân nhìn người phụ nữ trên bia đá rồi nói:
- Bác ấy rất giống Quân.
Phương An gật đầu cười. Tuy Phương An chưa từng gặp bác trai nhưng đúng là Mạnh Quân đã thừa hưởng rất nhiều nét thanh tú của bác gái.
- Cháu cũng biết Quân à? – Bố Phương An ngạc nhiên hỏi.
- Dạ. Cậu ấy cũng cùng công ty với bọn cháu.
Ông “à” lên một tiếng, chép miệng nói:
- Thằng bé ấy rất ngoan ngoãn cũng có tài, chỉ tiếc…
Ông nói lấp lửng rồi im lặng. Phương An buồn rầu nhìn tấm bia mộ đã hoen ố theo thời gian, khẽ lẩm bẩm:
“Mong bác hãy yên tâm an nghỉ. Anh Quân anh ấy đã không phụ lòng mong đợi của bác, bây giờ rất thành đạt. Con và anh ấy không có duyên với nhau, kiếp này chỉ có thể coi nhau là bạn”.
Lúc nhỏ, bác gái thường nói đùa cô là con dâu nhỏ của bác. Bác gái vốn là giáo viên dạy tiểu học được chuyển công tác về thị trấn này, tính tình bình thường rất điềm đạm và tốt bụng nên cả cô và bố cô đều rất quý mến. Những hiểu lầm của mẹ cô có lẽ cũng bắt đầu từ đó.
Ngay lúc bọn họ chuẩn bị thu dọn đồ đạc để trở về thì từ xa xuất hiện một bóng người đang bước đến. Mạnh Quân mặc áo sơ mi màu xanh nhạt, tay phải ôm theo một bó hoa cúc trắng và đồ cúng, tay trái còn mang theo dụng cụ dọn cỏ. Trông thấy bọn họ anh tỏ ra không mấy ngạc nhiên, chỉ từ tốn cúi đầu chào bố cô và nở nụ cười buồn với cô và Minh Nhân.
Mạnh Quân lẳng lặng quì xuống trước mộ rất lâu, nét mặt nhìn nghiêng vẫn còn mang theo chút đau đớn. Thời tiết sáng nay vốn u ám, Phương An không khỏi cảm thấy buồn khi nhìn dáng vẻ anh như vậy.
- Cháu cám ơn bác khi thời gian qua vẫn luôn chăm sóc cho mộ mẹ cháu.
- Chúng ta trước kia từng là hàng xóm nhiều năm, đó cũng là chuyện bác nên làm cho bà ấy.
Thấy Mạnh Quân vẫn buồn buồn, ông nói:
- Mấy năm nay bác biết vào ngày này cháu đều về thắp hương cho mẹ cháu. Thời gian này cháu về hẳn, chắc bà ấy vui lắm.
Phương An cảm thấy đầu óc trống rỗng. Cô luôn đinh ninh rằng tám năm nay anh chưa từng trở về nước. Hóa ra… mỗi năm qua anh đều trở về. Trở về rồi lại chưa từng tìm cô lấy một lần?
Cổ họng Phương An trở nên đắng ngắt. Dù sao bây giờ bọn họ đã không còn là gì của nhau, chuyện này cũng đâu quan trọng gì chứ?
Bố Phương An ngỏ ý mời Mạnh Quân đến nhà cô ăn cơm nhưng anh khéo léo từ chối, nói rằng mình còn có việc gấp cần phải đi ngay.
Phương An từ lúc trở về liền đóng cửa ở lì trong phòng. Mãi đến tận lúc chiều muộn mẹ cô đập cửa cưỡng ép cô đưa Minh Nhân đi ra sườn đồi phía sau nhà tập thể dục cô mới miễn cưỡng bước ra.
Không khí oi bức cả ngày trời mà mưa vẫn chưa chịu đổ xuống. Vừa ra khỏi nhà được mấy trăm mét thì Phương An nhớ ra cô quên đem theo bình nước lọc nên bọn họ đành quay về lấy.
- Ông nói đi, sáng nay đã xảy ra chuyện gì mà cả ngày nay con bé lại ủ rũ như vậy?
- Có chuyện gì đâu!
- Nhất định là có chuyện gì rồi? Sáng nay mấy người đi thăm mộ bà ta đã xảy ra chuyện gì?
Ông Lâm ngần ngừ:
- Lúc mấy bố con tôi lên đó thì gặp Quân về thăm mộ mẹ nó!
Bà Nga nghe thấy vậy thì ôm trán:
- Trời ơi! Khó khăn lắm tôi mới nói chuyện được để cậu ta chia tay con bé. Thời gian này nó đã vui vẻ hơn, tại sao lại…
Ông Lâm khẽ thở dài:
- Có lẽ ngay từ đầu mình không nên ngăn cản hai đứa nó. Dù sao hai đứa cũng lớn lên bên nhau từ bé, tình cảm bao nhiêu năm trời…
- Bao nhiêu năm? Chỉ riêng việc làm hàng xóm bao nhiêu năm với mẹ con họ tôi đã không chấp nhận được rồi chứ đừng nói đến việc cậu ta muốn cưới con gái tôi. Đừng hòng!
- Chuyện cũng qua lâu rồi sao bà cứ cố chấp giữ trong lòng làm gì!
- Phải! Tôi là người lòng dạ hẹp hòi! Tôi không đủ vị tha như ông – Bà Nga vò đầu, hai mắt đỏ ngầu òng ọng nước mắt - Nhưng người năm đó bị làm cho xảy thai cũng là tôi, tôi vừa mất đi đứa con trong bụng vừa vĩnh viễn không thể sinh con được nữa. Ông có hiểu cảm giác đau đớn ấy của tôi bao nhiêu năm nay không?
- Chồng tôi đương từ một giám đốc ngân hàng tương lai sáng lạn trong phút chốc không còn gì cả, còn suýt nữa bị tù tội. Tôi vừa mất đi đứa con vừa phải chạy vạy bao nhiêu nơi để xin xỏ cho ông khỏi vòng lao lý. Con bé An nữa? Đứa con gái bé bỏng của tôi bị nhốt trong hòm sắt mấy ngày trời… đến bây giờ vẫn còn không dám vào chỗ tối. Ông nói đi… tôi đời nào có thể tha thứ cho những tội ác ấy.
Bà Nga ôm mặt nức nở, rồi vẫn nghẹn ngào:
- Ngày ấy bà ta mang ảnh đến nhờ ông giúp tìm tung tích chồng mình. Tôi vừa nhìn thấy tấm ảnh thì nỗi căm hận bấy nhiêu năm liền sôi sục. Bà ta bình thường vẫn sống thanh cao như thế, hai mẹ con họ bao nhiêu năm vẫn sống đầy đủ thản nhiên như thế chính bởi vì dẵm đạp lên đau khổ của gia đình mình năm đó.
Tôi chỉ nói ra sự thật đó thôi. Ai biết bà ta lên cơn đau tim… càng không ngờ bà ta lại vì chuyện này mà qua đời. Năm đó thằng bé nghĩ là tại tôi mà mẹ nó chết. Tôi cảm thấy nó vừa mới mất mẹ nên không muốn làm nó đau khổ thêm. Chỉ cần nó chịu rời khỏi con bé… Tôi không quan tâm nó hận tôi hay không. Nhưng nó lại trở về, lại ở bên con gái tôi. Còn thản nhiên nói với tôi nó có thể bỏ qua chuyện tôi gián tiếp gây ra cái chết của mẹ nó…
“Bịch”
Chai nước trên tay Phương An rơi xuống rồi lăn lông lốc dưới sàn nhà. Khuôn mặt ướt đẫm nước mắt của bà Nga trong phút chốc gần như trắng bệch. Ông Lâm cũng chỉ biết đau đớn nhìn con gái rồi liên tục lắc đầu.
Năm đó Phương An mới bốn tuổi, bị bắt cóc rồi nhốt vào một chiếc tủ mục nát trong một bãi rác hoang phế ở bên rìa thành phố. Kẻ bắt cóc chỉ đích danh mẹ cô, lúc ấy đang mang thai ba tháng đem tiền đến. Bố cô lúc ấy đương là giám đốc chi nhánh một ngân hàng lớn, đã tận dụng vị thế của mình để có tiền chuộc. Đến cuối cùng xảy ra xô xát, mẹ cô bị đẩy ngã dẫn đến xảy thai. Phương An được tìm thấy trong tình trạng ngất xỉu, tuy không bị đánh đập hay bỏ đói nhưng sau đó suốt một thời gian dài không thể hành xử như đứa trẻ bình thường, chứng sợ không gian hẹp cũng từ đây mà xuất hiện.
Cả buổi tối trốn ở trong phòng, Minh Nhân đem thức ăn lên phải gõ cửa rất lâu Phương An mới chịu mở:
- Muốn làm gì thì phải ăn trước đã.
Phương An lắc đầu:
- Tôi không đói.
- Bố mẹ em giấu em là muốn tốt cho em. Bởi vì họ không muốn thấy nhất chính là bộ dạng lúc này của em.
Mắt Phương An nhòe đi. Kí ức của cô về vụ bắt cóc ấy rất mơ hồ. Những hình ảnh năm đó thi thoảng vẫn thường xuất hiện trong rất nhiều giấc mơ của cô.
Hình ảnh một người đàn ông gầy gò… một gương mặt mệt mỏi… những lời khóc than… bóng tối… chiếc tủ chật hẹp mà cô vùng vậy cũng không sao thoát ra được.
Cô buồn bã thở dài. Cô nhớ lúc người đàn ông ấy đem thức ăn cho cô, còn buột miệng nói: Cháu đừng trách ta, ta làm tất cả cũng vì con trai ta.
Chuyện đời thật khó lường! Không ngờ vài năm sau, người giúp Phương An thoát ra khỏi nỗi ám ảnh đó và trở về với cuộc sống bình thường lại chính là con trai của người đã bắt cóc cô. Phương An luôn sợ bóng tối, bởi vậy mà cô luôn cho anh là thứ ánh sáng đẹp nhất của cuộc đời mình. Chỉ không ngờ số phận của hai bọn họ lại trớ trêu như vậy.
- Anh nói xem, nếu như năm đó người đàn ông ấy bị bắt, có phải mọi chuyện sẽ không rối rắng như bây giờ không?
- …
- Có thể tôi sẽ không gặp anh ấy mấy năm sau, có thể bác gái sẽ không vì thế mà… cả bố mẹ tôi nữa…
Nước mắt rơi lã chã, Phương An khóc nấc lên. Minh Nhân vội vàng kéo cô vào lòng, tay liên tục vỗ vai cô.
Nếu như năm đó Mạnh Quân không xuất hiện, có lẽ anh sẽ không gặp cô ở sân bay; có lẽ cô sẽ không vì anh ta mà thi đại học đó, có lẽ họ sẽ không gặp nhau.
Anh nhẹ nhàng đưa tay lau nước mắt cho cô:
- Mọi chuyện xảy đến đều tự có an bài. Chỉ cần em mạnh mẽ đối mặt với nó, tất cả rồi sẽ qua nhanh thôi.
Nếu như thế giới này tất cả vận mệnh của con người đều đã được an bài, vậy có phải cuộc đời này của cô, nhất định phải trải qua loại chuyện đau khổ này hay sao? Đã là chuyện đau khổ, vậy thì cứ để cô khóc đi, khóc rồi có thể bản thân sẽ nhẹ nhõm hơn đôi chút.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.