Vĩnh Dạ

Chương 34: Vĩnh An quận chúa




- Vĩnh Dạ! – Vương phi giận dỗi, mi mắt chớp chớp, mấy giọt nước đã lăn ra. – Ta khó khăn lắm mới chờ được ngày này!
Vĩnh Dạ thở dài, đi tới trước mặt một thị nữ, dùng hai ngón tay móc một chiếc áo mỏng tang lên ngắm.
- Ngươi là ai? Sao lại đứng ở cổng thành? – Binh sĩ gác cổng thấy Vĩnh Dạ ngơ ngác đứng nhìn cổng thành mỉm cười thì vội vàng vây lại.
Tâm trạng nàng đang rất tốt, tuơi cười nói:
- Ta là người của Đoan Vương phủ.
Y phục rách rưới, tóc tai rối bù vẫn không thể che khuất được khí chất của nàng. Các binh sĩ không dám hỗn hào, nghe nói nàng là người của Đoan Vương phủ thì giật mình, vội sai người đi bẩm báo.
Chưa đầy nửa canh giờ sau, trong thành đã vang lên tiếng vó ngựa. Một đội binh sĩ hộ tống một chiếc xe tám ngựa kéo lao về phía cổng thành.
Vĩnh Dạ lặng lẽ đứng ở cổng thành, xe còn chưa dừng lại, gương mặt xinh đẹp giàn giụa nước mắt của Đoan Vương phi đã xuất hiện trước mắt nàng. Nàng thầm mắng một tiếng lão hồ ly xảo trá, sợ nàng tìm ông tính sổ nên đưa mẫu thân nàng ra trước, nàng vừa thấy ánh mắt mong ngóng của Vương phi, trái tim đã mềm lại.
- Vĩnh Dạ! – Vương phi gần như nhảy xuống khỏi xe ngựa, chỉ mấy bước chân đã chạy tới ôm Vĩnh Dạ vào lòng, khóc đến ngất đi.
Bấy giờ các binh sĩ mới biết thiếu niên trước mặt đây chính là Vĩnh An Hầu mất tích nhiều tháng nay. Tất cả đồng lọat quỳ xuống, hô vang chúc mừng.
Các thị tùng đi theo Vương phi đều vội vàng thưởng tiền cho mọi người, trong và ngoài thành đều vô cùng hoan hỉ.
Vĩnh Dạ nửa bế nửa ôm Vương phi lên xe ngựa. Lúc này mới cảm thán, trên đời này, thứ khó đối phó nhất chính là nước mắt của nữ nhân, nhất là nữ nhân mà mình quan tâm.
Truớc khi xe ngựa chạy, nàng gọi thị vệ tới thì thầm dặn dò vài câu, rồi mới hài lòng rúc vào lòng Vương phi.
Dụ Gia Đế băng hà, Tân Hoàng đế đăng cơ mới được sáu, bảy ngày. Theo tập tục của An quốc, Quốc hiếu được cử hành bảy bảy bốn chín ngày, cả nước từ trên xuống dưới cấm ca vũ, uống rượu.
Kinh Đô thành vô cùng yên ắng.
Bên ngoài Long Tường Điện dựng một Bách quan hiếu bằng[1] rất dài. Trương Thừa tướng nay đã lớn tuổi, tình cảm với Tiên hoàng rất sâu đậm, nghe bài điếu mà khóc thương, đến nỗi mới được hai ngày đã phải xin nghỉ ở nhà dưỡng bệnh.
Lý Thiên Hựu đăng cơ, sửa niên hiệu thành Hựu Khánh. Bình thường ôn hòa ẩn nhẫn, nay lập tức thể hiện, ỷ tuổi trẻ tinh lực dồi dào, đích thân nhận sự vụ của bách quan, dưới sự giúp đỡ của lục bộ, bận rộn ngày đêm không nghỉ, nhưng việc nào cũng đâu vào đấy. Thêm vào đó là di chỉ của Tiên hoàng và uy vọng của Đoan Vương với Trương Thừa tướng, các nội thị trong cung và Đông cung đều thừa nhận Thái tử phản nghịch, các đại thần và ngôn quan đều thể hiện sự kính trọng, chấp nhận sự thay đổi Hoàng quyền này.
Lễ bộ Thượng thư Trần Tử Kính là người trung hậu, tâm tư cẩn mật, bình thường ngoài việc tiếp đón sứ thần các nước thì sự vụ ở bộ Lễ cũng khá nhàn hạ. Lễ tang của Tiên đế khiến bộ Lễ nhất thời trở thành nơi bận rộn nhất.
Mới sắp xếp thỏa đáng lễ tang của Tiên đế xong bèn vội vàng chuẩn bị cho đại điển đăng cơ của Tân hoàng bốn muơi chín ngày sau. Mấy ngày đầu bận rộn đã qua thì nhận được trình báo của sứ thần các nước sẽ tới Kinh Đô chúc mừng đại lễ đăng cơ của Tân hoàng. Trần Tử Kính tính toán ngày giờ sứ thần các nước tới được Kinh Đô cũng phải khoảng một tháng sau, người tới chúc mừng không ít, nhưng vẫn có thể hoãn lại được. Ai ngờ vừa mới thở phào, Đoan Vương và Khâm Thiên Giám Lý đại nhân đã bước vào lều của bộ Lễ.
Trần Thượng thư toát mồ hôi hột, nghe Đoan Vương nói xong mới rụt rè thưa:
- Hôn sự của Tam điện hạ, hạ quan cũng biết, bộ Lễ cũng đã sớm chuẩn bị, trong vòng trăm ngày đón Tam hoàng phi tới không phải là không được. Chỉ có điều trong vòng trăm ngày muốn Hoàng thượng cũng… Lễ bộ chúng tôi thực sự là không làm nổi, Vương gia! – Ông đưa tay lên lau mồ hôi.
Ai mà làm nổi? Đoan Vương bực bội ngồi xuống. Lễ tang Tiên đế, lập Tân hoàng, Kinh Đô phòng vệ, điều tra dư đảng của Thái tử, tróc nã dư nghiệt của Du Li Cốc, truy bắt Lý Ngôn Niên…Tim ông đau nhói, suốt bảy ngày qua ông không dám nghĩ tới Vĩnh Dạ. Ông chỉ nhận định được một điều, Lý Ngôn Niên sẽ không dễ dàng giết nàng, sẽ dùng Vĩnh Dạ để đổi lấy lợi ích lớn nhất. Bản thân mình bận tới mức Vương phủ cũng không về, tìm không được Lý Ngôn Niên, ông chỉ đành chờ ông ta tìm đến. Nhớ lại di nguyện của Tiên đế, Đoan Vương lại không kìm được nỗi nhớ Vĩnh Dạ, điềm nhiên cười:
- Nước không có Hoàng hậu thì không yên bình. Chẳng lẽ bắt Tân đế ba năm sau mới được lập hậu?
Khâm Thiên Giám Lý đại nhân thở dài:
- Hôm qua Trương Thừa tướng và Tam hoàng tử cũng có ý này. Nước không có Hoàng hậu không yên bình, trong vòng trăm ngày Hoàng thuợng buộc phải lập hậu. Hạ quan tính đại lễ Tân hoàng đăng cơ bốn chín ngày sau đồng thời lập hậu là tốt nhất.
- Vương gia và Lý đại nhân nói chí phải! Có điều… - Trần Thượng thư xòe ngón tay tính ngày, mặt đỏ bừng. –Hoàng thượng còn chưa định cưới tiểu thư nhà nào mà! Hoàng thượng lập hậu sáu lễ không thể bỏ qua, nạp thái, vấn danh, nạp cát, nạp chính là bốn lễ chưa thành, trong vòng trăm ngày… Vương gia, ngài khiến hạ quan khó xử vô cùng.
Lý đại nhân ngẩn người, nhìn Đoan Vương.
Đoan Vương cười khổ, cho dù là Tiên đế hay Hựu Khánh Đế mới đăng cơ đều rất thận trọng với Tân hậu tương lai. Nhớ lại câu Tiên đế nói vào đêm người qua đời, Đoan Vương chỉ hận không thể lập tức giúp Lý Thiên Hựu tiến hành hôn lễ. Ông nhấp một ngụm trà, cau mày:
- Thái phi và Thái hoàng Thái hậu hình như cũng coi trọng ý của Hoàng thượng, để bổn vương đi hỏi xem sao. Trần đại nhân, chỗ ông cứ chuẩn bị trước đi. Hôm nay có lẽ Tam điện hạ sẽ về tới Kinh Đô, sau khi người tới linh cữu khóc cha thì bàn chuyện của Tam hoàng phi. Lấy đại cục làm trọng.
Trần đại nhân nghe vậy khựng lại, thấy Đoan Vương đã gầy rộc đi, thực sự không muốn kêu ca, than vãn nữa, bèn vái sâu một cái, tiễn Đoan Vương ra về.
Vừa mới ra khỏi lều của bộ Lễ, Đoan Vương phi đã phái người gửi tin tới, nói Vĩnh Dạ đã bình an về nhà. Đoan Vương vừa kinh ngạc vừa vui mừng, mừng vì Vĩnh Dạ bình an, kinh ngạc vì không biết Lý Ngôn Niên đã đi đâu.
Thấy gương mặt ông mưa nắng thất thường, các thị vệ vội vàng nói:
- Ở sơn cốc chỉ bắt được Lãm Thúy, Hoàng thượng đã hạ lệnh giam vào đại lao.
Hoàng đế tân nhiệm nắm bắt được động tĩnh ngoài cung nhanh thế sao? Thiên Hựu quả nhiên là một nhân tài. Đoan Vương mỉm cười, nghĩ ngợi rồi dặn ba trăm thân vệ của Vương phủ canh giữ Vương phủ cẩn thận, đồng thời gửi tin tới Vương đại nhân, tân nhiệm phủ doãn Kinh Đô, ra lệnh giới nghiêm toàn thành, tăng cường việc bắt giữ Lý Ngôn Niên.
Xong xuôi, ông nhìn Ngự thư phòng cách đó không xa thở dài. Ngay cả Thái phi và Thái hoàng Thái hậu đều không biết Tân hậu nên lập ai, nhưng lại hai miệng một lời nói rằng nghe theo ý của Hoàng thượng, xem ra trước khi qua đời, Tiên đế đã có dặn dò.
Bốn triều đồng tộc đồng tông không cấm thông hôn, nhưng ông không muốn Vĩnh Dạ làm Hoàng hậu. Chẳng ai hiểu rõ thân phận và trải nghiệm của con gái hơn ông.
Lớn lên ở Du Li Cốc, công phu tuyệt đỉnh, lại còn là… khiến Kinh Đô nghe mà thất sắc. Ông lắc đầu, Du Li Cốc ngay tại bước ngoặt quan trọng nhất, đã rút toàn bộ căn cứ ngoài sáng lẫn trong tối ở Kinh Đô, gần như không ảnh hưởng tới việc thay đổi Hoàng vị. Một con cá lớn rõ ràng đã bơi vào lưới, vậy mà khi thu lưới lại để nó bơi đi mất.
Mẫu Đơn Viện ở Kinh Đô bị niêm phong, tranh của Lý Ngôn Niên, Hồi Môn, Mặc Ngọc đã bị dán khắp nơi trong An quốc, treo thưởng rất lớn. Xem ra Du Li Cốc đã không còn chỗ đứng ở Kinh Đô, trong lòng Đoan Vương hiểu rõ, điều này cũng chưa thể chạm vào gốc rễ của Du Li Cốc.
Theo báo cáo của thám tử ở Trần quốc và Tề quốc, Mẫu Đơn Viện ở Trần đô Trạch Nhã và Tề quốc Thánh Kinh trong một đêm đã vườn không nhà trống. Sau trận chiến này, ngay cả hang ổ của Du Li Cốc ở đâu cũng không biết. Cốc chủ Du Li Cốc thần bí và các thích khách trong cốc cứ hệt như giọt nước tan vào biển, biến mất hoàn toàn.
Đoan Vương không thể không khâm phục người chủ sự của Du Li Cốc. Bọn họ càn quấy ngang dọc suốt mấy chục năm, ngang nhiên mở Mẫu Đơn Viện thu tiền nhận nhiệm vụ, nay đã nhạy cảm phát hiện ra Đế Vương các nước không chấp nhận sự tồn tại của nó, quyết đoán chuyển sáng thành tối, bảo toàn lực lượng trong khả năng lớn nhất.
Một khi Vĩnh Dạ vào cung được lập thành Hoàng hậu, Du Li Cốc sẽ nhân cơ hội đó nhảy ra uy hiếp. Không đồng ý, họ sẽ công khai quá khứ của Vĩnh Dạ, văn võ bá quan có thể không quan tâm thân phận của nàng, nhưng các ngôn quan sẽ nắm lấy cơ hội này để kháng nghị tới cùng. Về lý về pháp, Vĩnh Dạ đều không thể đứng vững, ông và Hựu Khánh Đế cũng không thể bảo vệ được nàng.
Vĩnh Dạ có thể dùng cái chết để chứng minh sự trong sạch, cho dù là giả chết. Nhưng Đoan Vương không muốn nhìn thấy Vĩnh Dạ từ đó phải mai danh ẩn tính. Nữ nhân từng gả cho Hoàng đế, cho dù nàng lưu lạc chân trời góc bể thì cũng không thể gả cho ai khác. Thay đổi thân phận rồi lại vào cung, chẳng lẽ bắt nàng phải làm phi để nhìn sắc mặt của Tân hậu? Đoan Vương đã nghĩ tới những điều này từ lâu, lúc lâm chung, Dụ Gia Đế đã cố xin cho Lý Thiên Hựu một cơ hội, nhưng ông kiên quyết không chịu.
Bản lĩnh Hựu Khánh Đế mới đăng cơ thể hiện nằm ngoài dự đoán của ông. Tân hoàng thích Vĩnh Dạ, ông đã nhận ra từ lâu, Đoan Vương thấy hơi bất an. Nghĩ tới đạo Thánh chỉ mình đã xin cho Vĩnh Dạ, ông an tâm hơn một chút.
Trong lúc suy nghĩ, ông đã đi tới bên ngoài Ngự thư phòng, nội thị gác cửa vội vàng chạy vào trong bẩm báo.
Đoan Vương chỉnh lại y bào, mặt nở nụ cười, vén áo bước vào:
- Thần tham kiến Hoàng thượng.
Chưa đợi ông quỳ xuống hành lễ, Thiên Hựu đã đỡ ông dậy, cười nói:
- Hoàng thúc đứng lên đi. Mang ghế!
Đoan Vương đa tạ, ngồi lên ghế, lên tiếng nói:
- Tam điện hạ có lẽ hôm nay sẽ về tới Kinh Đô, trước khi rời kinh vẫn chưa xây phủ riêng, nay ở trong cung hay là ở phủ đệ bên ngoài? Ngoài cung cũng đã chuẩn bị chỗ ở cho Tam điện hạ.
Lý Thiên Hựu cười nói:
- Đương nhiên là vẫn ở trong cung rồi. Tam đệ nhiều năm ở ngoài, Trương Thái phi nhất định rất nhớ nó. Cứ ở nơi trước kia nó ở, trẫm đã dặn dò nội thị quét dọn hầu hạ rồi.
- Thế thì tốt quá. Còn một chuyện nữa, trước khi băng hà Tiên đế có dặn, hôn sự của Tam điện hạ và An gia tứ tiểu thư phải tiến hành ngay trong vòng trăm ngày sau khi người qua đời, nếu không lại phải chờ ba năm, chuyện này Trương Thái phi cũng biết. – Nụ cười của Đoan Vương rất vừa phải. m thầm quan sát Thiên Hựu, lòng thầm tính toán nên nói chuyện lập hậu như thế nào.
Bộ long bào màu vàng khiến gương mặt thanh tú của Thiên Hựu càng thêm phần uy nghiêm, thắt lưng vẫn buộc một dải băng tang màu trắng. Đoan Vương bỗng dưng cảm thấy Thiên Hựu thật sự rất giống Tiên đế, đều có gương mặt tưởng chừng ôn hòa nhưng tâm tư thâm trầm. Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, chàng đã hoàn toàn thích nghi và toát lên khí độ mà một vị đế vương cần phải có, từng cử chỉ, hành động không còn là của một nguời cháu luôn cung kính với ông ngày trước nữa rồi.
Thiên Hựu đứng chắp tay sau lưng, lần đầu tiên Đoan Vương có cảm giác nóng ruột bất an, chỉ sợ Thiên Hựu lên tiếng hỏi cưới Vĩnh Dạ.
Sự trầm mặc trong giây lát tưởng chừng kéo dài vĩnh viễn, Đoan Vương không nhịn được, đang định cáo lui thì Thiên Hựu thở dài:
- Tam đệ lập phi phải tiến hành trong vòng trăm ngày, nước cũng không thể vô hậu, Khâm Thiên Giám Lý đại nhân nói thế nào?
- Sau bốn chín ngày đồng thời cử hành đại lễ đăng cơ của Hoàng thượng và đại lễ lập hậu, chỉ có điều bộ Lễ Trần đại nhân còn đang lo chọn Tân hậu.
Thiên Hựu quay đầu, ánh mắt chạm thẳng vào mắt Đoan Vương. Không chờ ông kịp né tránh, thần sắc chàng đã trở nên u buồn, nói khẽ:
- Nghe nói Vĩnh Dạ đã bình an về phủ rồi đúng không?
Tim Đoan Vuơng thót lại có chút hốt hoảng, lại không thể không trả lời, đành phải gật:
- Vừa mới nghe người trong phủ nói, bình an về rồi.
Thiên Hựu trầm mặc giây lát rồi nói:
- Phụ hoàng đã sớm giúp trẫm định hôn sự, nhưng còn giấu Hoàng thúc. Ngoài Hoàng thúc ra, trẫm vốn không có bất cứ thế lực nào để chống lại Phế Thái tử. Nhưng để đề phòng, phụ hoàng hi vọng dùng liên hôn để củng cố thế lực.
Đoan Vương thận trọng hỏi:
- Là Ngọc Tụ công chúa hay là Lạc Vũ công chúa của Tề quốc?
- Hoàng thúc đoán đúng lắm, chính là Lạc Vũ công chúa của Tề quốc. – Thiên Hựu quay đầu mỉm cười. – Trẫm và Tam đệ đồng thời cưới người nước Tề, phụ hoàng muốn liên kết với Tề chống lại nước Trần, có lẽ sau này khi đã phá vỡ thế chân vạc giữa ba nước thì cùng nước Tề tranh hùng sau.
Đoan Vương nghe xong đã hiểu. Thiên Hựu cưới công chúa Tề quốc đương nhiên là liên minh với Tề, còn An gia là gia tộc giàu có nhất thiên hạ, Tam hoàng tử Thiên tường cưới An gia tứ tiểu thư là để đề phòng sau này trở mặt với nước Tề, sẽ lôi kéo An gia để cho Tề quốc một đòn chí mệnh.
- Hoàng thúc hiểu rồi ư? Thực ra sau khi trẫm xuất cung luôn có một lực lượng âm thầm trợ giúp, đó là Tề quốc. Phong Dương Hề Phong đại hiệp là đệt tử của đệ nhất cao thủ nước Tề. Sư phụ hắn nợ Tề vương một món nợ ân tình, thế nên bao nhiêu năm qua hắn mới giúp ta. Nếu không, với tính cách và hiệp danh của hắn, chắc chắn hắn không qua lại với người của quan phủ.
Đoan Vương vỡ lẽ, nghe nói lập Tề công chúa làm Hoàng hậu, tim ông mới dần dần yên ổn trở lại, nụ cười trên gương mặt càng đậm hơn:
- Tiên đế mưu tính sâu xa, thần không thể bì kịp.
Ánh mắt xuyên qua khung cửa sổ, nụ cười của Thiên Hựu mang một chút đau khổ. Nhiều năm trước xuất cung xây phủ riêng, Dụ Gia Đế đã nói với chàng mọi sắp xếp. Chàng không lập phi là để chờ sau khi đăng cơ sẽ cưới Tề công chúa về làm Hoàng hậu, tin cưới công chúa mà lan ra sẽ đánh rắn động cỏ. Thế nhưng vì sao lại để chàng gặp Vĩnh Dạ, còn khiến chàng biết nàng là phận nữ nhi? Thiên Hựu nhắm mắt, vẻ đẹp vô song của Vĩnh Dạ lại hiện lên trước mắt.
- Hoàng thượng, Vĩnh Dạ đã mười tám rồi, nó đã trở về…
Thiên Hựu trầm ngâm giây lát rồi lên tiếng:
- Sửa phong hiệu thành Vĩnh An quận chúa, chỉ cần công bố là sức khỏe không tốt, thầy bói nói buộc phải nuôi như nam nhi tới mười tám tuổi mới được.
Đoan Vương cả mừng, thân phận của Vĩnh Dạ coi như đã được công khai, ông vái sâu một vái tạ ơn, cười nói:
- Lạc Vũ công chúa có theo sứ thần nước Tề tới Kinh Đô không?
Thiên Hựu gật đầu:
- Đội ngũ đã xuất phát, Thái tử Yến đích thân tiễn công chúa và An tứ tiểu thư xuất giá.
Đoan Vương thở phào, chắp tay nói:
- Thần sẽ đi báo cho bộ Lễ sắp xếp.
Nhìn theo bóng lưng Đoan Vương, ánh mắt Thiên Hựu tối đi. Sao chàng lại không hiểu tâm tư của Đoan Vương – ông không muốn chàng cưới Vĩnh Dạ.
Lý Thiên Hựu điềm nhiên cười, chàng đã là Hoàng đế mà còn có nữ nhân chàng không thể chiếm được ư? Cưới Lạc Vũ làm hậu là do hai nước đã thỏa thuận trước, nhưng đâu có nghĩa là cả đời này chàng chỉ được cưới một mình Lạc Vũ. Huống hồ Vĩnh Dạ biết võ công, chàng đã đoán được nàng là thích khách Tinh Hồn, Hoàng thúc e là không ngờ được chuyện này!
Nếu Hoàng thúc không cho phép, chàng chỉ đành ra hạ sách này, dùng tính mạng Vĩnh Dạ để uy hiếp.
Vĩnh Dạ cải phong thành quận chúa, nàng mà mặc nữ trang thì trông sẽ thế nào? Thiên Hựu quyết định xong lại có cảm giác nóng lòng muốn tới Đoan Vương phủ thăm nàng, quay đầu nhìn lại đống tấu chương chất đầy trên thư án, âm thầm cảnh cáo bản thân, dư nghiệt của Đông cung còn chưa trừ hết, Lý Ngôn Niên vẫn chưa sa lưới, bách quan đang chăm chú vào nhất cử nhất động của chàng. An quốc Tân hoàng Hựu Khánh Đế trong thời gian chịu tang lẻn ra ngoài cung gặp giai nhân, sử quan sẽ ghi lại điều này. Thiên Hựu lắc đầu thở dài, một lần nữa quay lại thư án, vùi đầu phê duyệt tấu chương.
Xử lý xong sự vụ trong cung thì trời đã tối, Đoan Vương nhớ tới Vĩnh Dạ, lại nhớ tới Vương phi, lúc ra khỏi cổng cung lòng vui phơi phới. Vậy mà vừa về tới nội viện đã thấy cửa đóng then cài.
Vĩnh Dạ vì chuyện Đoan Vương không nói cho nàng biết chân tướng sự việc đi sứ sang Trần, tức giận đòi ngủ với Vương phi. Vương phi đương nhiên lập tức đồng ý, đuổi Đoan Vương ra thư phòng ngủ.
Đoan Vương bất lực đành ngủ một mình trong thư phòng. Chưa đầy hai canh giờ sau đã phải vào cung, vậy mà đến mặt Vương phi lẫn Vĩnh Dạ đều không được gặp.
Không ngờ tình trạng ấy kéo dài suốt hai ngày, nếu không phải sợ phá cửa xông vào gây ra động tĩnh quá lớn, thị tùng trong nội viện nhìn thấy cười chê thì Đoan Vương đã đạp cửa xông vào từ lâu. Từ khi ở chùa Khai Bảo biết Vĩnh Dạ ra tay cứu Vương phi, nàng không về nhà mà chỉ gửi tin nói mình đang âm thầm thăm dò tin tức của Du Li Cốc, ông đã hiểu nha đầu này không chừng đã biết điều gì đó.
Đoan Vương thấy hơi chột dạ, nghĩ lại, mình là cha nó, giải thích vài câu là được rồi, ai mà ngờ Vĩnh Dạ bá đạo hơn cả Vương phi, kiên quyết không mở cửa. Ông bất lực nghĩ, hai mươi năm trước bị vợ giận, mười tám năm sau bị con gái giận, uy danh của ông bị hủy hoại hoàn toàn trong tay hai nữ nhân này. Tranh vợ với con gái còn ra thể thống gì!
Vương phi nhận ra sự bất thường bèn hỏi Vĩnh Dạ. Ban đầu nàng không nói, sau đó Vương phi buông một câu:
- Phụ vương con mấy hôm nay bận rộn gầy rộc cả người, sao con còn bắt ông ấy về nhà phải ngủ thư phòng?
Vĩnh Dạ biết mình hơi quá đáng, nhưng không sao nuốt trôi cục tức này, bị Vương phi ép quá bèn nói:
- Cha giấu con, để con đi vào chỗ chết, súyt chút nữa thì con không về được!
Đoan Vương phi sợ hãi sắc mặt tái nhợt, nắm tay Vĩnh Dạ lắc lắc:
- Không phải đâu, Vĩnh Dạ, phụ vương con thương con lắm, sao có thể đưa con vào chỗ chết được?
Những giọt nước mắt đã nhịn lâu ngày cuối cùng cũng lăn ra, Vĩnh Dạ thành thực kể hết mọi chuyện xảy ra ở Trần quốc cho bà nghe, Đoan Vương phi vừa nghe vừa kinh sợ, hận đến nghiến răng.
Hai người đang nói chuyện thì nghe thấy tiếng thông báo Vương gia về phủ. Đoan Vương phi giận đùng đùng lôi Vĩnh Dạ ra ngoài, Vĩnh Dạ và Đoan Vương gặp nhau ngay dưới ánh trăng trong đình viện.
- Vĩnh Dạ!
Trong mắt Đoan Vương lóe lên sự vui mừng, mới đi được hai bước, Vương phi đã kéo Vĩnh Dạ ra sau lưng, gầm lên:
- Thì ra chàng vì Lý gia của chàng mà bất chấp cả con gái mình!
Đoan Vương liếc mắt, các thị tùng trong nội viện lập tức rút lui sạch sẽ. Ông mỉm cười lại gần Vương phi, dịu dàng dỗ dành:
- Đừng nghe ranh con ấy nói bừa.
- Dịch Trung Thiên đốt Yên Vũ Lầu, Báo Kỵ chết hết, Ỷ Hồng và Lâm Đô úy tới giờ vẫn không biết ở đâu, nếu không phải con chạy nhanh thì đã bị hắn giết chết rôi! Cha tưởng thực sự là do Phong Dương Hề làm ư? – Vĩnh Dạ hừ lạnh.
Đoan Vương dù bị vạch trần vẫn không biến sắc, đảo mắt định đánh trống lảng:
- Cuối cùng cũng về rồi à? Thấy mẫu thân con trúng độc mà còn trốn một bên xem náo nhiệt!
Vĩnh Dạ chẳng buồn đếm xỉa, kéo tay Vương phi làm nũng:
- Cha giấu con, để con đi, để Trần quốc tưởng rằng có thể bắt con làm con tin. Suýt chút nũa thì con đã không về được!
Vương phi lườm Vương gia một cái:
- Nếu Vĩnh Dạ mà có mệnh hệ gì, thiếp… - Giọng nói của bà trở nên nghẹn ngào.
Vĩnh Dạ sốt ruột, bà mà khóc, lão gian tặc kia dỗ dành một chút chẳng phải là xong?
Đoan Vương hiển nhiên đâu dễ bỏ qua cơ hội này? Ông ôm lấy Vương phi dỗ dành:
- Không đâu, nó thông minh linh lợi là thế, sao có mệnh hệ gì được? Nàng nhìn đi, chẳng phải Vĩnh Dạ vẫn khỏe mạnh sao? Ai, hôm nay ta mệt chết đi mất, ở cả ngày bên linh cữu, lại còn phải xử lý bao nhiêu việc, không đứng thẳng lên nổi nữa rồi. – Lại nghiêng đầu tựa vào người Vương phi.
Đoan Vương nghiêng đầu trừng mắt lườm nhau với Vĩnh Dạ, Vương phi bị ông tựa vào, giây trước còn muốn khóc, giờ đã thấy đau lòng:
- Hoàng thượng tài giỏi thế mà sao chàng vẫn phải lo lắng nhiều?
- Thì cũng đâu thể bắt Hoàng thượng đuổi theo bộ Lễ hỏi chuyện thành thân tiến hành như thế nào, phải không? Ta làm thúc thúc, chuẩn bị thành thân cho hai đứa cháu, sao có thể nhàn nhã được?
Vĩnh Dạ cũng bị thu hút, hỏi:
- Ai sắp thành thân?
- Tiên hoàng di mệnh, hoàng tử trong vòng trăm ngày phải thành thân. Một người là Tam điện hạ Uy Vũ tướng quân sắp cưới An gia tứ tiểu thư của Tề quốc, một vị đương nhiên là đương kim Hoàng thượng rồi. – Đoan Vương nhắc tới chuyện này là đau đầu, thành công khi nửa tựa nửa kéo Vương phi vào tẩm điện. Cửa đóng lại, Vĩnh Dạ còn ngơ ngác đứng trong sân.
Nàng đột nhiên rùng mình, nàng với Lý Thiên Hựu là anh em họ, người nơi đây không coi trọng việc này, nàng không chịu nổi. Chạy tới tẩm điện gõ cửa:
- Phụ vương, cha nói rõ xem, Lý Thiên Hựu sắp cưới ai?
Nàng ngoác miệng gào, lại ép Đoan Vương phải bước ra. Ông nhìn Vĩnh Dạ cười nói:
- Gọi Hoàng thượng, không được gọi thẳng họ tên, nếu không sẽ bị trị tội đấy.
Vĩnh Dạ thở dài:
- Được rồi. Cho con biết, Hoàng thượng sắp cưới ai?
Đoan Vương ngáp dài:
- Con còn giận ta không?
- Chuyện nào đi chuyện ấy, cha nói trước đi!
- Thực ra sau khi con đi, phụ vương mới biết Trần quốc câu kết với Du Li Cốc định bắt cóc con làm con tin. Khi đó Tiên hoàng đang bệnh, nhưng vẫn chưa nguy kịch, ta cần gì phải giấu con? – Đoan Vương cười híp mắt, giải thích.
Vĩnh Dạ “ừm” một tiếng rồi mở to mắt trông mong nhìn ông, chỉ hi vọng biết Lý Thiên Hựu sắp cưới ai.
Đoan Vương xoa mặt Vĩnh Dạ, thương yêu nói:
- Về rồi là tốt, gầy đi rồi, về nghỉ ngơi đi. Qua tháng bận rộn này rồi phụ vương sẽ nói kỹ với con. – Rồi lại để Vĩnh Dạ đứng ngoài cửa phòng.
Vĩnh Dạ thở dài, nhìn cánh cửa phòng đóng chặt hoài nghi, chắc không liên quan gì tới mình đâu nhỉ? Nàng về Hoàn Ngọc viện, Nhân Nhi vừa thấy nàng, nước mắt đã rơi lã chã.
- Đừng khóc, sẽ tìm được Ỷ Hồng thôi.
- Tiểu thư! – Nhân Nhi càng khóc to hơn.
Vĩnh Dạ khựng lại, không dám tin vào tai mình:
- Ngươi gọi ta là gì?
- Vương gia với Vương phi dặn, sau này không được gọi là thiếu gia nữa, phải gọi tiểu thư!
Vĩnh Dạ đột nhiên thấy đau đầu, bất chấp tất cả, lại xông vào nội viện gõ cửa:
- Mở cửa, mở cửa!
Đoan Vương chỉ khoác một chiếc áo, giận dữ ra mở cửa:
- Ranh con, lại làm sao?
Vĩnh Dạ chui tọt vào phòng như một con mèo, cởi giày và áo ngoài, chui luôn vào chăn của Vương phi:
- Mẹ, con muốn ngủ với mẹ. – Nói rồi làm bộ như ngủ thật.
Đoan Vương dở khóc dở cười, đầu hàng nói:
- Lạc Vũ công chúa của nước Tề.
Vĩnh Dạ bật cười:
- Tiên hoàng anh minh, hóa ra là tìm cho Lý… Hoàng thượng một chỗ dựa vững chắc thế sao!
- Vĩnh Dạ, sự việc đã thế, con buộc phải khôi phục thân phận nữ nhi, Hoàng thượng đã cải phong con là Vĩnh An quận chúa rồi.
Vương phi cũng cười, tâm nguyện bao năm đã đạt được rồi, bà vuốt mái tóc dài của Vĩnh Dạ, dỗ dành:
- Ta chuẩn bị rất nhiều y phục và trang sức đẹp, ngày mai sẽ cho con xem.
Vĩnh Dạ an tâm, rốt cuộc đã không còn dây dưa gì với Lý Thiên Hựu, cảm thấy hài lòng chưa từng thấy, tính toán bao năm qua đột nhiên không còn nữa, nỗi mệt mỏi dâng lên, “vâng” một tiếng rồi ngủ mất.
Vương phi ngẩng đầu nhìn Đoan Vương còn đang ngẩn ngơ đứng giữa phòng, cười khẽ một tiếng, dịch người vào trong:
- Tối nay ba người chúng ta ngủ thế này đi.
Trên mặt Đoan Vương nở nụ cười dịu dàng, lên giường, rồi lại nhìn Vĩnh Dạ, lúc này mới thổi tắt nến đi ngủ.
Váy lụa mềm bằng vải lĩnh màu hồng, yếm chống lạnh màu xanh lam, áo voan thêu chim công, váy lụa thêu hoa nhí xanh lục, áo trong tay nhỏ ngũ sắc, váy dài thắt lưng cao… Tất cả các loại y phục đều nằm trong tay các thị nữ. Vĩnh Dạ ngáp dài khi bị Vương phi kéo vào phòng, nàng liếc mắt một cái, có chút sững sỡ. Cũng may phòng khách trong nội viện Vương phủ rất rộng, chính xác là viện tử này đủ rộng nên Vĩnh Dạ thong thả rảo bước đi qua trước mặt các thị nữ như đang ngắm hoa.
- Vĩnh Dạ, bộ này đẹp, tôn nước da của con, không những trắng mà trông còn đầy sức sống!
- Bộ này thì sao? Áo bó sát, váy dài quét đất, trông càng thướt tha!
- Thích bộ này không? Con thích nhất là màu tím! Bộ này màu tím phối với màu trắng, mặc lên thật ưu nhìn!
Đây là ngày vui vẻ nhất của Vương phi trong suốt bao năm qua, điều động ba mươi thị nữ bê y phục cho Vĩnh Dạ ngắm.
- Mẹ, đừng bận nữa. Con muốn vào thiên lao thăm Lãm Thúy – Vĩnh Dạ cười cười, đi một vòng, nàng đã xem hết rồi, nên làm chút chuyện chính rồi.
- Vĩnh Dạ! – Vương phi giận dỗi, mí mắt chớp chớp, mấy giọt nước đã lăn ra – Ta khó khăn lắm mới chờ được ngày này!
Vĩnh Dạ thở dài, đi tới trước mặt một thị nữ, dùng hai ngón tay móc một chiếc áo mỏng tang lên ngắm.
Tháng Năm đầu hạ, những bộ y phục hoa lá cành này hầu như đều được làm bằng chất liệu mỏng manh. Vĩnh Dạ nghĩ, mặc trên người để mang đi quyến rũ nam nhân hay sao?
Nàng quay đầu liếc Vương phi một cái.
Vương phi lập tức giận dữ nói:
- Phụ vương con nói rồi, việc trong cung phải làm cho xong, trước khi Lý Ngôn Niên chưa bị bắt, không cho phép con rời khỏi Vương phủ nửa bước đâu.
- Thế thì con không ra ngoài nữa. – Vĩnh Dạ rất hợp tác. – Con về Hoàn Ngọc viện vậy!
- Không được! Con buộc phải thay nam trang ra! – Vương phi kiên trì.
Vĩnh Dạ bất lực.
- Con quen mặc nam trang.
- Thế thì thay một lần, chỉ cho mẹ nhìn thôi? Mẹ chỉ nhìn thôi, các ngươi ra ngoài hết! – Vương phi nài nỉ nhìn Vĩnh Dạ. Bà còn chưa từng được ngắm Vĩnh Dạ mặc nữ trang trông như thế nào.
Vĩnh Dạ bổng dưng nhớ tới Nguyệt Phách, chàng nói, sau khi nàng thay nữ trang, liệu có thể để chàng là người đầu tiên nhìn thấy không? Trong lòng không hiểu sao có cảm giác chua xót, nàng trầm ngâm không nói.
- Vĩnh Dạ? Vương phi thấy tình thế không bình thường, cẩn thận gọi khẽ một tiếng.
Ngẩng đầu lên, Vĩnh Dạ nặn ra một nụ cười:
- Nghe nói Hoàng thượng đã cải phong con thành Vĩnh An quận chúa, con không cần mang cái mũ Thế tử nữa. Con không quen nữ trang, để sau này rồi đổi.
Vương phi thở dài, giữ nàng lại. Thân phận đã đuợc khôi phục, không thay thì thôi vậy, sau này rồi sẽ có một ngày phải thay thôi. Vương phi nghĩ từ nay Vĩnh Dạ đã là quận chúa, bất giác trở nên vui vẻ.
- Ta xuống bếp làm cho con món gì đó thật ngon!
Vĩnh Dạ đưa mắt nhìn y phục, trang sức đầy phòng, từ nay nàng đã là quận chúa rồi, không còn là Thế tử nữa, không còn là Vĩnh An Hầu nữa, cũng không còn là thích khách Tinh Hồn nữa. Phòng ốc chạm trổ điêu khắc, cẩm y ngọc thụ, vậy mà vì sao trong lòng lại cứ trống rỗng?
Sau khi chuyển thế thành người, nàng phải giữ gìn tính mạng, phải thích nghi, sau đó lại là một lọat âm mưa, thần kinh lúc nào cũng căng thẳng. Mười tám năm thì đã có mười hai, mười ba năm sống như thế, sau này nàng nên làm gì?
Tháng Năm rồi, sắc xanh trong vườn đã thẫm. Vĩnh Dạ nằm trên chiếc ghế mềm chán nản.
- Tiểu thư, tiểu thư có muốn thay y phục đi chơi không? – Nhân Nhi hỏi nhỏ. Tuy rằng Quận chúa luôn mặc nam trang ra ngoài, nhưng nàng nghĩ người chắc chắn cũng thích những bộ y phục xinh đẹp.
Muốn chứ, nhưng nàng càng muốn Nguyệt Phách là người đầu tiên nhìn thấy hơn. Vĩnh Dạ nhớ tới lời Nguyệt Phách, nhớ tới mười ngày trong núi, ánh mắt thoáng lay động. Nàng mỉa mai nghĩ, sai lại không tìm đuợc việc gì để làm? Một chuyện thú vị như thế mình đã làm được, trước mắt chẳng phải vẫn còn Lý Ngôn Niên đang uy hiếp mọi người sao?
Lý Ngôn Niên đấu không lại phụ vương, cũng đấu không lại Lý Thiên Hựu. Trừ phi ông ta mai danh ẩn tích không xuất hiện, nếu không thì chỉ có đường bị bắt.
Trước đây Vĩnh Dạ còn nghĩ có lẽ Lý Thiên Hựu không giết Thái tử, chỉ giam lỏng mà thôi. Không ngờ Lý Thiên Hựu không hề lưu tình, làm việc nhanh nhẹn, diệt cỏ tận gốc. Nàng nhớ lại lần đầu tiên gặp Lý Thiên Thụy, lắc đầu thở dài. Thiên Thụy khi đó quá hống hách và thâm hiểm, có lẽ hắn chính là người bị oan uổng nhất.
Thắng làm vua, thua làm giặc, chỉ đành trách số phận của hắn thôi.
Hắn thực lòng thích Tường Vi, có lẽ người mà Thiên Thụy coi trọng nhất trong cuộc đời mình chính là nàng.
Hiện nay Lý Ngôn Niên đang trốn ở nơi nào của Kinh Đô nhỉ? Vĩnh Dạ đã suy nghĩ rất lâu, thấy Nhân Nhi vẫn đứng hầu bên cạnh liền cười nói:
- Vào kho lạnh của phủ lấy bình tuyết hoa mai mà ta cất từ mùa đông tới đây, ta muốn pha trà.
Đuôi khéo được Nhân Nhi đi, Vĩnh Dạ cũng ngồi dậy rời khỏi Hoàn Ngọc viện.
Trong ngõ nhỏ ở phía tây Vương phủ có mấy thị vệ tạp dịch của Vương phủ đã thành gia, viện tử của Lý Ngôn Niên và Lãm Thúy cũng ở đây. Nay cứ cách mười bước chân lại có một binh sĩ đứng gác, kiểm tra yếu bài rồi mới cho qua.
Vĩnh Dạ chắp tay đi vào ngõ, một thị vệ chắp tay hành lễ:
- Quận chúa, tiểu nhân phụng lệnh trông coi ngõ này, Vương gia có lệnh, một khi Lý tặc xuất hiện, nếu hắn phản kháng thì giết ngay không cần hỏi.
Vĩnh Dạ gật đầu, căn dặn:
- Không cần đi theo ta, ta muốn vào viện tử của ông ta ngồi một lát.
Cổng viện đóng chặt, cây hòe cổ thụ trong viện cành lá sum suê, giữa những cành lá xanh là những chùm hoa trắng muốt, hương thơm lay động lòng người. Vĩnh Dạ xé tờ giấy niêm phong trên cửa, đẩy cánh cửa gỗ ra bước vào.
Dưới gốc cây là một chiếc bàn vuông, ngày trước khi tới xin cơm, nàng chưa từng nghĩ rằng nơi này phù hợp với Lý Ngôn Niên. Ông ta luôn giữ phong thái cao quý, khiến người ta khó mà liên tưởng tới việc ông ta ngồi ăn một bữa cơm bình thường trong một viện tử bình thường.
Viện tử rất vuông vắn, ở giữa là nhà chính, hai bên là sương phòng, tòa nhà này là một việc lạc tương đối tốt của Vương phủ. Hành lang đã được sơn sửa lại từ khi Lãm Thúy được gả sang, trông vẫn còn khá mới mẻ.
Vĩnh Dạ bước vào nhà chính, trên bếp lò vương một lớp bụi mờ, căn phòng đã bị binh sĩ lục soát tứ tung. Trên giấy dán cửa sổ còn những bông hoa giấy vô cùng tinh tế. Cắt giấy là sở trường của Lãm Thúy, trước đây cửa sổ ở Hoàn Ngọc viện đều do một tay nàng trang trí. Vĩnh Dạ từng rất kinh ngạc khi nhìn một tờ giấy đỏ không cần vẽ gì, qua bàn tay khéo léo của Lãm Thúy đã thành những hình thù vô cùng sống động. Vĩnh Dạ thở dài, nàng ta thực sự coi nơi này là nhà của mình rồi.
Một nữ nhân trung thành với nhà của mình, với tướng công của mình, cho dù thế nào nàng cũng không thể hận được.
Nàng ra khỏi nhà chính, bước vào căn phòng của Lý Nhị. Không sao tưởng tượng được rằng người luôn bảo vệ mình chính là Lý Nhị, sau Lý Nhị đi rồi, Lý Ngôn Niên mới vỡ lẽ ra ông ấy không đơn giản.
Vĩnh Dạ nhớ tới tình cảm suốt mười năm qua, khóe mắt ươn ướt. Có lẽ đời này nàng sẽ không bao giờ được gặp lại ông nữa. Nàng không biết tên thật của Lý Nhị là gì, ông muốn báo ơn gì mà phải làm hạ nhân cho Lý Ngôn Niên suốt hai mươi năm trời.
Tất cả đã thành quá khứ.
Vĩnh Dạ liếc thấy một vò rượu ở trong góc, phủi đi lớp bụi bên trên, mở lớp niêm phong ra ngửi, là Thanh Châu Hồng thượng hạng, không hiểu sao vẫn chưa bị mang đi?
Nàng cười cười ôm vò rượu đi tìm hai cái bát sứ Thanh Hoa rồi đi tới dưới gốc cây hòe.
Màu rượu đỏ rực như hoa hồng, đổ vào bát trắng, soi lên gương mặt kiều diễm của một mỹ nhân.
Trong viện tử rộng lớn, hoa hòe như ngọc, hương rượu thơm ngát.
Vĩnh Dạ nâng một bát lên, cười khẽ:
- Sư phụ đã ở đây thì đồ đệ kính sư phụ một ly.
Lý Ngôn Niên từ trên cây nhảy xuống trước mặt Vĩnh Dạ, bộ y phục màu trắng bạc, cử chỉ vẫn ung dung, tao nhã. Thế nhưng nếu nhìn kỹ, y bào đã có nếp nhăn, trong mắt còn có tia máu.
- Tinh Hồn không hổ danh là Tinh Hồn, công phu ngày càng giỏi. Sao ngươi biết ta sẽ ở đây?
Vĩnh Dạ uống cạn bát rượu, rượu vào tới yết hầu, hương thơm dễ chịu:
- Toàn Kinh Đô thành đều đang tìm sư phụ, Vĩnh Dạ nghĩ rất lâu, thấy đây là nơi an toàn nhất. Sư phụ cũng quen thuộc địa hình nơi đây, nhà đã bị khám xét, niêm phong cổng, không ai còn vào nữa. Mời sư phụ ngồi, trong rượu không có độc.
- Ta biết, rượu này ngươi tìm từ phòng Lý Nhị ra, ta vốn định tối nay sẽ uống.
Vĩnh Dạ thong thả rót rượu:
- Sao sư phụ không uống? Vĩnh Dạ còn nhớ, đây là loại rượu mà sự phụ thích nhất, đã dùng ngựa tốt mang từ Thanh Châu của Trần quốc về.
Lý Ngôn Niên vén áo ngồi xuống, nhìn bát rượu, lắc đầu:
- Rượu tìm được từ phòng Lý Nhị chưa chắc là ngươi không hạ độc. Với ngươi ta không an tâm.
- Ha ha, sư phụ đã không còn sự tự tin của năm xưa nữa rồi. Còn nhớ năm xưa quỳ trên mặt tuyết ngẩng đầu nhìn sư phụ, áp lực khiến cho Vĩnh Dạ sợ lắm. Năm xưa sư phụ mà muốn giết ta thì chỉ như bóp một con kiến.
- Ngàn dặm đê sụp vì tổ kiến. Ngươi là lỗ hổng lớn nhất trơng kế hoạch của ta. – Trong lời nói bình thản chứa đựng một nỗi hận thấu xương.
Vĩnh Dạ không nhịn được, bật cười lớn, nói:
- Sư phụ quá lời rồi! Có biết Tân hậu của Hựu Khánh Đế là ai không? Lạc Vũ công chúa của Tề quốc!
Lý Ngôn Niên chấn động. Ông luôn tưởng rằng nếu không phải là Tinh Hồn thì Du Li Cốc sẽ không bỏ ông; nếu không phải là Tinh Hồn, ông chắc chắn đã nắm được điểm yếu của Đoan Vương.
- Lạc Vũ công chúa… - Ông ta lẩm bẩm mấy lần, đã dần sáng tỏ.
Lý Thiêu Hựu nhiều năm không lấy vợ, thì ra là chờ ngày hôm nay. Thế lực chống lưng cho chàng thực sự không phải là Đoan Vương Lý Cốc mà là Tề quốc lớn mạnh. Giờ thì ông ta đã hiểu mưu kế mà Dụ Gia Đế đã dày công sắp đặt. Du Li Cốc đột ngột rút lui chắc chắn là vì đã biết được thông tin này, không muốn thua thêm nhiều hơn nữa. Lý Ngôn Niên đưa tay cầm bát rượu, cười thảm:
- Ta phục rồi. Ta thực sự không nắm chắc được phần thắng. Chẳng trách khi đó Mặc Ngọc đã nói, nếu thất bại thì nhanh chóng rời khỏi An quốc, chờ thời cơ thích hợp mới là thượng sách.
- Trong lòng sư phụ còn ôm nỗi hận, e rằng không thể làm được. – Vĩnh Dạ thầm khen, Mặc Ngọc có thể nói câu này hiển nhiên địa vị trong sơn cốc không hề thấp. Nàng đảo tròn mắt, cười nói:
- Không ngờ Mặc Ngọc công tử còn có cao kiến như thế.
- Hắn… - Lý Ngôn Niên định nói gì đó lại thôi, một hơi uống cạn, nhìn Vĩnh Dạ, - Sự việc đã đến nước này thì sư phụ cũng chẳng còn lời nào để nói. Rượu đã uống cạn, ngươi xuất chiêu đi! Để xem ta chết bởi ám khí của ngươi, hay ngươi một lần nữa bị ta bắt làm con tin.
Vĩnh Dạ lắc đầu:
- Bây giờ ngoài kia toàn là binh sĩ, nếu động võ, ta dùng khinh công trốn đi là được, sư phụ không bắt được ta đâu. Dù sao cũng từng là sư đồ, Vĩnh Dạ muốn công bằng. Hơn nữa, Lãm Thúy còn trong thiên lao, sư phụ không muốn cứu nàng sao?
Dáng vẻ dịu dàng của Lãm Thúy lại hiện lên trong đầu, Lý Ngôn Niên vẫn thản nhiên, với đồ đệ như thế này thì không thể lơ là một li. Ông ta cười:
- Ta giương mắt lên nhìn Thiên Thụy thà chết cũng không chịu bỏ đi cùng ta, ngay cả con trai ta cũng không muốn nhận người cha này thì trên đời còn thân tình gì để nói? Ngươi cảm thấy ta sẽ vì một thị nữ ti tiện mà lao vào tìm cái chết ư?
Vĩnh Dạ bất bình:
- Nàng có thể là thị nữ nhưng chẳng phải cũng là vợ của ông sao? Nàng có thể vì ông mà chết, sư phụ lại vô tình vô nghĩa thế ư?
- Ngươi chỉ cần hô lớn một tiếng là có thể bắt được ta, vì sao không làm? – Nhớ lại những gì Lãm Thúy làm trong bao năm qua, trái tim Lý Ngôn Niên đập mạnh, thì ra ông ta chỉ xứng với một thị nữ ti tiện! Sự phẫn hận ấy khiến ông ta muốn đập bàn đứng lên.
Vĩnh Dạ nhìn ông ta đồng cảm, phải trái đúng sai, ân oán khó gỡ. Lý Ngôn Niên muốn báo mối thù giết mẹ, hận Tiên đế và phụ vương đã cướp mất sự phú quý của mình, khiến ông ta từ một hoàng tử trở thành nghịch tặc âm mưu soán ngôi. Vĩnh Dạ cảm thấy lòng mình quá mềm yếu, nàng bưng bát rượu lên:
- Sư phụ hãy mau chóng rời khỏi Kinh Đô, mười ngày sau, ta sẽ đích thân đưa Lãm Thúy tới thập lý đình ở ngoại thành. Sư phụ có mười ngày để suy nghĩ, nên tiếp tục báo thù hay quy ẩn giang hồ? Nếu sư phụ còn muốn báo thù, mười ngày sau sư đồ chúng ta quyết đấu một trận, chết trong tay đồ đệ, sư phụ cũng có thể nhắm mắt được rồi. Uống cạn ly ruợu này, Tinh Hồn và sư phụ không nợ gì nhau nữa, cũng không còn tình nghĩa sư đồ.
Nàng uống cạn ly rượu, đứng lên bình thản nói:
- Đây là tâm nguyện của Lãm Thúy, một nữ nhân cũng chẳng ước mong gì nhiều… cho dù thế nào, ta cũng sẽ cho nàng ấy một cơ hội nữa. – Nói rồi bước đi không quay đầu.
Con ngươi Lý Ngôn Niên đột nhiên co rút, bị khí thế của Vĩnh Dạ áp đảo tới mức không nói được lời nào. Ngẫm lại một đời, ông thở dài, lẩm bẩm:
Thôi vậy! – Rồi ông uống cạn bát rượu, thong thả bỏ đi.
Chú thích: [1] Lều bày tỏ lòng hiếu kính với Tiên hoàng dành cho các quan.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.