Vô Tình Vật

Chương 3:




Chuyển ngữ: Trần
Trong thành người qua lại tấp nập. Vùng đất biên thùy này khuất mắt trông coi từ triều đình, quan thổ ty[1] Mục Hách, được xưng tụng là "quan Cửu Châu", thuận thế làm chủ một vùng lớn ở Tây Nam Tây Bắc. Chuyến này tróc nã tội phạm triều đình quan trọng ở trên địa bàn của kẻ khác, tuy Diệp Thiên Lang chẳng muốn giấu tai mắt của Mục Hách làm gì, nhưng cũng không định qua lại thân mật với vị quan thổ ty này, nên bèn sai La Vọng đi tìm một quán trọ không bắt mắt, tạm nghỉ chân, gột rửa bụi đường.
Đương giờ nhà nhà bày rượu dùng bữa, mưa gió sắp kéo đến, sắc trời ấm áp, ngẩng đầu nhìn thấy ráng mây ba hồng bảy tía, tựa như một vị giai nhân khoác nhiễu lụa, ống tay áo bay múa, điểm thêm nét hào hoa kiều diễm cho tòa thành cổ nơi biên ải này.
Tuy tiểu nhị không nhìn ra áo bào phi ngư, nhưng từ thần thái tác phong của hơn hai mươi người này lại có thể phỏng đoán những vị khách này không phải đối tượng có thể dây vào được, bèn lập tức nghe lời căn dặn, cười híp mắt nhận lấy vàng đối phương đưa cho, đuổi hết mấy vị khách lác đác trong tiệm đi cả rồi đem rượu ngon cùng đồ nhắm ra thiết đãi.
Rũ bụi trần trên người, thay một kiện cẩm bào bình thường, Diệp Thiên Lang một mình trong phòng, nhắm mắt ngồi xếp bằng trên chõng. Vào thời khắc then chốt trong lúc vận công chữa thương, tuyệt đối không thể bị người ngoài quấy nhiễu. La Vọng tự giác cầm đao đứng gác trước cửa, vẻ mặt nghiêm túc, mang đôi phần sát khí.
Vận chòm Bắc Đẩu vào những huyệt chính trong cơ thể, Tuyên Ki Ngọc Hành[2] về đúng vị trí, dẫn khí vào các huyệt thiên đột, khí xá, thiên trung, lắng nước xuống huyệt thiên xu, đan điền... Đột nhiên Diệp Thiên Lang cảm thấy chân khí vận chuyển không thông thuận, lại còn tháo chạy hàn khí trong cơ thể, tứ chi hắn run rẩy, sắc mặt lúc trắng, lúc đỏ, lúc lại tím tái. Gắng vận công thêm một lát, hắn chợt mở trừng mắt, nôn ra một ngụm máu đỏ thẫm. Tự xé mở vạt cẩm bào, thấy lồng ngực bị đông cóng đến tìm bầm lại, trông như một vết bớt bẩm sinh.
"Đại nhân!" La Vọng trông thấy, lòng như lửa đốt, cũng mặc hết lễ nghi, xông vào trong phòng. Hắn chẳng nói chẳng rằng đã nhảy lên chõng, ngồi xếp bằng sau lưng Diệp Thiên Lang, đẩy nhẹ hai chưởng, đưa chân khí của mình lũ lượt không dứt truyền vào cơ thể đối phương.
Từ nhỏ La Vọng đã tu luyện được một môn thần công tên "Càn Khôn Thập Nhị Kinh", phân thành hai bộ là "Càn Lục Kinh" và "Khôn Lục Kinh". Càn chủ dương, Khôn chủ âm, cần phải kết hợp âm dương, hấp thụ tất cả thì võ công mới có thể có bước đột phá. Có điều hai năm gần đây, hàn độc của Diệp Chỉ huy sứ phát tác ngày càng thường xuyên hơn, La Thiên hộ này cũng vì thế mà dần bỏ "Khôn Lục Kinh", tập trung tu tập riêng bộ dương.
La Vọng vội vã vận khí, hận không thể truyền hết toàn bộ công lực của mình đi, nhưng dẫu chân khí ở lòng bàn tay hao tổn bao nhiêu cũng chỉ như cát đổ bể. Hàn khí trong người Diệp Thiên Lang chẳng hề thuyên giảm, cũng chẳng bài xích phản kháng, trái lại một dòng khí lạnh se se ngược dòng tới, mảnh như tơ nhện, không ngừng tìm kiếm khe hở để xâm nhập vào tủy cốt.
"Tu vi nội công của ngươi quá thấp, hà tất phải uổng công..."
Lời còn chưa dứt, hàn khí trong người đột nhiên bùng phát. Diệp Thiên Lang vẫn luôn nhắm mắt vận công, sắc mặt chợt thay đổi, hai mắt trừng lớn, quay người đánh một chưởng hướng thẳng mặt La Vọng.
La Vọng vô thức tung chiêu đỡ lấy, nhưng hắn vốn chẳng phải đối thủ của Diệp Thiên Lang. Lúc này hàn độc của đối phương đã phát tác, gần như mất hết thần trí, sức mạnh triển lộ ra càng có vẻ hung tàn.
Miễn cưỡng đỡ được hai chưởng, La Vọng đã bị Diệp Thiên Lang ấn xuống dưới thân, vạt áo bị xé phanh ra. Người kia vùi mặt vào hõm cổ hắn, cắn xuống. Máu tươi từ cần cổ ồ ạt tuôn ra, đồng thời từng luồng khí lạnh cũng xâm nhập vào trong cơ thể. La Vọng cắn răng chịu đựng, chẳng mấy chốc đã lạnh đến mặt xanh môi tím, thậm chí lông mày cũng phủ một lớp băng sương. Vậy mà trong lòng hắn lại thầm nghĩ, giá như có thể giải được hàn độc của người thì cách này cũng quả là không tệ.
Hàn khí trong người Diệp Thiên Lang đã lắng xuống, quệt vết máu ở bên môi, lại ngồi xếp bằng tiếp tục vận công. Mà La Vọng bên cạnh đã sức cùng lực kiệt, bị đông lại như một con rắn giữa tháng chạp. Hồi lâu sau hắn mới chật vật bò dậy, còn tự trách bản thân mình: "Hễ rảnh là ty chức lại luyện Càn Khôn Thập Nhị Kinh, phải nỗi tư chất của ty chức tầm thường, vẫn chưa thể lĩnh hội được hết ý nghĩa sâu xa của kinh này, không thể giúp đại nhân giải trừ hàn độc..."
"Không phải tư chất của ngươi tầm thường mà là mơ mộng quá nhiều." Diệp Thiên Lang mở mắt lần nữa, tuy rằng sắc mặt đã khá hơn hồi nãy đôi chút nhưng trông vẫn trắng nhách như người chết.
Lúc này hai người rất gần nhau, hàn độc của Diệp Chỉ huy sứ phát tác, suýt nữa nhập ma, cũng vì thế mà hi hữu gỡ xuống vẻ uy phong quan cách đường bệ. Tầm mắt quét qua, dừng lại trên khuôn mặt người kia.
La Vọng vội cúi đầu đáp: "Ty chức không dám."
Chợt cảm thấy bên mắt phải bừng sáng, hóa ra là Diệp Thiên Lang vươn tay vén lọn tóc che mặt của hắn lên. Bên dưới lọn tóc ấy ẩn giấu một vết thẹo bỏng, da thịt sần sùi dữ tợn, làm hỏng cả một gương mặt vốn rất khôi ngô. Bàn tay kia đẹp tựa ngọc băng, đầu ngón tay chẳng có hơi ấm, uyển chuyển ve vuốt gò má hắn.
Có lẽ sau bão cát thường sẽ có mưa giông, không khí trong phòng oi ngột dị thường, gần như bóp nghẹt hơi thở người ta.
Đôi mắt phượng đen đặc gần trong gang tấc. La Vọng chột dạ ngại tướng mạo mình xấu xí, không dám đối diện với ánh nhìn sắc bén kia, chỉ rũ mắt đánh trống lảng, nói: "Chỉ mới một tháng trước, ty chức còn có thể dùng nội công Càn Lục Kinh giúp đại nhân xua bớt hàn khí, nay lại chẳng mảy may có tác dụng, chẳng nhẽ độc âm của Ngũ Uẩn Phần Tâm Quyết đã lan khắp toàn thân rồi ư?"
Ngón tay Diệp Thiên Lang vẫn mân mê vết thẹo trên khuôn mặt đối phương, giọng điệu nhàn nhạt tựa như đang luận đàm chuyện sống chết của kẻ khác: "Mấy năm nay ta gần như đã tu luyện hết các loại võ công thuần dương khắp thiên hạ, tiếc rằng chẳng có tác dụng gì, e rằng hàn độc trong cơ thể chỉ khắc chế được nhiều lắm là ba tháng nữa thôi."
"Vậy ba tháng sau thì sao?"
"Ba tháng sau, không chết cũng điên."
La Vọng sốt ruột nói: "Đại nhân, chẳng lẽ không còn cách nào khác?"
"Có lẽ là vẫn còn." Diệp Thiên Lang có vẻ không muốn nói thêm về việc này nữa, nhấc tay vỗ lên mặt đối phương vài cái, nét mặt có đôi phần bải hoải, "Ngươi hãy ra ngoài canh đi."
Nói rồi lại nhắm mắt. Lần này không phải tu luyện nội công đao pháp Xuân Thu gì nữa, mà chỉ để hai tay hướng lên, đặt trên đầu gối, trông tựa ngồi thiền. Người đã nhập thiền mà lại gặp lúc lòng chẳng yên.
Diệp Chỉ huy sứ từ nhỏ tính tình đã lãnh đạm. Ngẫm lại con đường thăng tiến, mấy lần đổi chủ, quá nửa cũng bởi bản tính không thân cận, không tin tưởng kẻ khác chứ chẳng phải vì công danh lợi lộc mà khom lưng uốn gối. Hồi nhỏ hắn đã từng gặp cảnh tai ách lúa mạ mất mùa, người người ăn thịt lẫn nhau, tận mắt nhìn thấy cha và chị gái chết đói, lại vẫn có thể sống sót nhờ đào rễ cây, bới hang chuột. Có thể thấy, kẻ này tuy chẳng hết mực chấp chước tình thân cõi trần, mà bản năng sinh tồn thì lại mạnh mẽ như thú vật vậy.
Lúc này hàn độc phát tác, đau đớn khôn xiết, Diệp Thiên Lang bất giác nhớ đến cảm giác lúc trước đọ chưởng với kẻ kia. Theo lý mà nói, hắn mười bảy tuổi đã nhậm chức Cẩm Y Vệ, suốt khoảng thời gian đó đã gặp đủ kiểu võ công, đủ loại cao thủ, nhưng lại chưa từng gặp thứ nội công nào hồn hậu tinh túy đến vậy. Chí dương tột bực, vừa hay tương sinh tương khắc với Ngũ Uẩn Phần Tâm Quyết...
Nhất Đao Liên Thành.
Dẫu không có Lộc Lâm Xuyên thì bản thân hắn cũng sẽ tìm tới cửa.
"Đại nhân..." Thấy Diệp Thiên Lang có vẻ mệt mỏi, thổ nạp[3] cũng chẳng có lấy tiếng thở, La Vọng nuốt lại những lời định nói, khẽ thở dài rồi quay lưng đi gác ngoài cửa phòng.
Mặt trời dần ngả về tây, đổ một vạt nắng loang lổ xuống mặt đất gần cửa sổ, rồi chỉ còn đọng lại một tia nắng mong manh. Ngoài cửa sổ, một con quạ già tung cánh về phía trời cao, tiếng kêu nỉ non thê thiết. Có lẽ là tiểu nhị đã chuẩn bị xong rượu và đồ ăn, mùi thịt gây gây hấp dẫn lởn vởn quanh mũi.
Ánh sáng ngoài cửa sổ vụt tắt, đèn dầu còn chưa đốt, quán trọ vô cùng tối tăm, vô cùng tĩnh lặng. Đứng giữa góc tối chật hẹp nhớp nhúa này, La Vọng lặng lẽ chờ đợi một trận mưa giông, lòng bừng sáng. Chẳng thấy Tây Vực hoang tàn những năm Thiên Khải cuối cùng mà lại thấy một vườn mẫu đơn vào năm Vạn Lịch thứ ba mươi tám.
Triều Đại Minh sớm nở tối tàn, hoàng đế Vạn Lịch không tế trời đất, không thờ tổ tiên cũng chẳng màng chính sự. Quan văn với quan văn đấu đá lẫn nhau, hậu cung với hoạn quan đua nhau tranh sủng. Thời đó, kẻ có quyền thế nhất chẳng phải ông Cửu thiên tuế Ngụy Trung Hiền như bây giờ, mà là kẻ được phong làm Tư lễ Bỉnh bút thái giám – Vương An.
Đến cả thái giám cũng hiểu đạo nuôi con dưỡng già, ở một căn nhà lớn đâu đó trong kinh thành, Vương An trồng vạn gốc mẫu đơn, lại nhận nuôi một đám trẻ, sai người dạy chúng võ công. Bởi trước giờ qua lại thân thiết với đảng Đông Lâm, vậy nên còn chọn trong đám trẻ ra mấy đứa tốt, đưa đến chỗ Tả Quang Tễ cho đọc sách. Khi đó, lần đầu tiên La Vọng gặp Diệp Thiên Lang.
Còn nhớ, hãn hữu được dịp hoa mẫu đơn nở đẹp như hôm ấy, vậy nhưng ấn tượng của hắn đối với người này lại vô cùng bình thường. Khi đó La Vọng vừa tròn mười lăm, là đứa lớn tuổi nhất trong số đám trẻ này, mà Diệp Thiên Lang vừa vào phủ họ Vương thì lại là đứa nhỏ tuổi nhất. Vẫn chỉ là một đứa nít ranh chừng tám, chín tuổi, đói đến độ chỉ còn da bọc xương, mặt còn chẳng to bằng đóa mẫu đơn nở rộ nhất, khiến người ta nhịn không ức hiếp nó cũng khó.
Nào ngờ thằng nít ranh này được nuôi mấy hôm thì cứ như thay da đổi thịt, mặt như đĩa sứ, tay tựa ngó non, lại còn biết lấy lòng. Những đứa trẻ khác thấy thái giám già không giận tự uy thì đều gọi "xưởng công" một phép, chỉ có mình Diệp Thiên Lang gọi Vương An là "a công"[4]. Hễ Vương An tới nhà lớn thăm bọn trẻ con là nó dính nhằng nhằng không buông, như thể thăm thân, rụt rè túm góc áo Vương An, miệng thì cứ gọi "a công" hoài, đi tới đâu là bám theo tới đó, không rời nửa bước.
Cũng chẳng hay liệu có phải tại sự thân thiết và ấm lòng trong một chữ khác biệt này chăng, Vương An quả thực thích Diệp Thiên Lang hơn hẳn. Mỗi lần gặp nó đều phải bế lên đùi ngồi, lúc thì giảng mấy đạo trung quân ái quốc, lúc lại kể vài chuyện thú vị trong cung cấm cho nó nghe. Một ông lão râu tóc bạc phơ với một đứa nhỏ như cục bột trắng tròn gần gũi kề cận, nảy sinh tình cảm chẳng khác chi người già ngậm kẹo đùa cháu.
Tiếc thay hoa nở chóng tàn, ngày vui ngắn chẳng tày gang, Thiên Khải đế lên ngôi chưa bao lâu, Vương An đã thất thế vào tay Ngụy Trung Hiền. Ngụy Trung Hiền dòm ngó quyền lực Đông Xưởng, lập mưu cùng Khách thị trừ khử Vương An, đồng thời xóa sổ luôn đám "nghiệt dư" trong nhà lớn kia của ông ta.
Trong phủ có khoảng vài chục mạng. Ngoại trừ mấy lão bộc ra, còn lại đều là trai gái mồ côi Vương An nhận nuôi. Lớn thì hai mươi tư, nhỏ thì mười mấy tuổi, đứa nào đứa nấy dõng dạc hùng hồn, tụm lại với nhau bàn xem nên liều chết một phen thế nào, Diệp Thiên Lang lại mất tăm mất tích.
Khi gặp lại, hoa mẫu đơn bị mưa dập gió vùi tan tác đầy đất, cao thủ Cẩm Y Vệ đã bao vây chặt căn nhà cũ này, mà người đầu tiên bước vào lại là một nha dịch trẻ tuổi. Áo bào phi ngư trên người bị nước mưa xối ướt, Diệp Thiên Lang nhấc đao Tú Xuân lên, mặt mũi tuấn tú, sát ý lẫm liệt.
Giữa mưa lớn, hắn nhấn mạnh từng chữ một: "Vương An đã chết. Kẻ quy hàng, tha, kẻ đối nghịch, giết."
Có kẻ bạo dạn dẫn đầu về phe giặc, những đứa nhóc khác đều sợ rúm lại. Kinh hoàng qua đi, cũng đều quy hàng cả.
Tuy là hàng phục, nhưng lại có một cô gái trẻ mặt mũi lanh lợi khơi mào trước... Sau khi bỏ đao kiếm xuống, cô ta đi tới trước mặt Diệp Thiên Lang, bất thình lình nhổ một bãi nước bọt về phía hắn. Ngoại trừ La Vọng, mười mấy tên còn lại đều nhao nhao bắt chước. Diệp Thiên Lang chẳng tranh luận cũng chẳng nhúc nhích, bình tĩnh như không nhận lấy mười mấy ngụm phỉ nhổ kia.
Ngụy Trung Hiền vốn muốn nhổ cỏ tận gốc, giết sạch không tha, nhưng thấy Diệp Thiên Lang có võ công cao cường, có đất dụng võ, lại thấy hắn tự tay siết chết Vương An, bèn khua tay với thuộc hạ, nói, những thứ Vương An nuôi dưỡng này vẫn còn dùng được, đứa nào bằng lòng quy thuận ta thì hãy giữ lại đi vậy.
Chú thích:
[1] Thổ ty: Chức quan lại cha truyền con nối ở miền dân tộc thiểu số.
[2] Tuyên Ki Ngọc Hành là tên các ngôi sao trong chòm sao Bắc Đẩu.
[3] Phép thở ra hít vào ở Đạo gia gọi là thổ nạp, là nội công cơ bản nhất, có ý thổ ra cái dơ bẩn, nạp vào cái trong sạch. Thở, hít là phép căng chướng hay thả chùng vùng phổi.
[4] Xưởng công là cách gọi thái giám thủ lĩnh của cơ quan đặc vụ Đông Xưởng dưới thời Minh. A công có thể hiểu là cách gọi thân mật của 'xưởng công', đồng thời cũng là cách gọi ông nội hoặc cha.
Trần có đôi lời lảm nhảm: Vốn hí hửng tưởng có thể mỗi ngày một chương, ai dè hôm qua lưng tui đau quá, cố lắm chỉ lê lết được nửa chương (Vâng, cột sống của tui không ổn chút nào cả:

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.