Vân Nam là cái đất cổ thành.
Kể từ khi Lệ Giang nổi danh, Đại Lý hút khách, những khu vực lân cận quanh đó đều có khả năng phát triển thành thành cổ, tất cả đều nhất nhất khoác lên mình dáng vẻ thành cổ, vì để có điểm đặc sắc mà chỗ nào cũng tự đặt ra một danh hiệu, ông cha xưa gọi là “đứng vững trên đỉnh núi” mà thời buổi bây giờ thì gọi là “tóm gọn được thị trường du lịch”, “có lượng khách ổn định”.
Có lượng khách ổn định cũng mang lại sự ổn định cho hai nghề trụ cột, một là nhà hàng, hai là khách sạn.
Khách sạn của Mao Ca chính là khách sạn nổi bật nhất trong số những nhà khách mọc nhan nhản trong thành cổ.
***
Tính ra thì, Mao Ca mở khách sạn ở thành cổ cũng đã được năm, sáu năm rồi.
Trước đó, y mở thanh lữ (*) ở Cam Nam, sau lại ngại ở đó mùa đông khắc nghiệt, mùa khách cũng không dài, tích góp dè sẻn cả năm cũng chẳng dôi ra được mấy đồng, trong cơn nóng máu bèn cuốn gói nhổ trại đến thành cổ.
(*) Nguyên văn là “青旅”, tiếng Anh là “youth hostel”, chỉ những nhà trọ giá rẻ dành cho đối tượng du khách là thanh niên.
Cũng may là cái đất thành cổ này hợp mệnh y, mở khách sạn xong lập tức khách khứa nườm nượp, chỉ mất ba năm đã hòa được vốn, sau đó thì tằng tằng một đường đồ thị đỏ rực phi thẳng tắp lên trên…
Đỏ đến tận giờ vẫn náo nhiệt vô cùng, xu thế càng lúc càng buôn may bán đắt.
Khách sạn chia làm hai phần trước sau, phía sau là chỗ trọ, phía trước sửa thành quán bar. Quán bar nếu chỉ cung cấp dịch vụ uống rượu thì cũng chẳng khác gì mọi người khác, à nhầm, mọi quán bar khác, bởi vậy, Mao Ca vắt muốn kiệt cả óc, nghĩ cách tạo cho quán bar một dấu ấn đặc sắc – y thường tung ra một chủ đề, ví dụ như kể chuyện ma, chơi trò chơi sát nhân gì đó, mời tất cả khách khứa trong nhà tham gia, cười đùa một trận, chủ khách đều vui.
Chủ đề đêm nay là, người bạn thần kỳ của tôi.
Tất cả mọi người đều rất sôi nổi, người trước vừa dứt lời người sau đã cất tiếng, nhưng đến giữa chừng thì có người trộm đánh tráo khái niệm, từ “thần kỳ” thành “cực phẩm”, sau đó thì chuyển thành đại hội nôn mửa.
Có người kể rằng bạn mình thích bóc da chân, nhưng không được bóc đứt hẳn, mà cũng chỉ bóc mỗi da chân ở cạnh bàn chân, bóc rất nhiều, nhìn lướt qua trông như chân đạp cánh sen vậy.
So sánh kiểu này, đổi cánh sen thành bí rợ thì may ra lọt tai.
Lại có người ca cẩm rằng bạn mình hay thu thập ghét trên người, kỳ kỳ thành viên, nâng niu trân trọng cất vào lọ thủy tinh, đợi bao giờ đầy thì nặn thành một phiên bản mini của chính mình.
Ban đầu Mao Ca còn tích cực tham gia, về sau thì chỉ trợn mắt ngồi nghe, vừa nghe vừa ớn lạnh từng hồi, nghĩ bụng mình đúng là già rồi, hóa ra giới trẻ bây giờ khẩu vị lại nặng vậy.
Vất vả chịu đựng mãi đến mười một giờ mới tàn cuộc, Mao Ca thu dọn mặt bàn, mà đám người đã cống hiến vô số chuyện buồn nôn kia vẫn chưa tận hứng, túm tụm lại châu đầu xì xầm với nhau.
Mao Ca đang lau dọc cạnh bàn thì có một cô bé mặt tròn chừng mười bảy mười tám tuổi tiến lại, hỏi y: “Ông chủ, cái tay bác nói, Thần Côn ấy, có thật không ạ?”
Mao Ca đáp: “Có chứ.”
Mấy năm nay, y đã kết bạn với không ít người kỳ quái, nhưng trước sau vẫn cảm thấy, để nói là “thần kỳ” nhất, ngoài Thần Côn ra thì không nghĩ ra được người thứ hai. Tay này thật sự khiến người ta không thể tượng tượng nổi, khoảng hai mươi tuổi thì tuyên bố muốn đi du thám khắp nơi tìm kiếm những chuyện huyền bí kỳ dị, trở thành đệ nhất giới linh dị, thế mà lại nói được làm được, liên tục rong ruổi, cứ hễ nghe được truyền thuyết cố sự nào quái dị là lại lấy bút ghi lại vào sổ, hai mươi ba năm qua số sổ tay ghi chép đã tích được thành mấy cái bao tải rồi.
Ban đầu, Thần Côn đúng thật là không chê nặng, vác bao tải trèo đèo lội suối, mãi cho đến mấy năm trước mới chịu nghe lời bạn bè khuyên bảo mà đánh máy lại những bút ký này chuyển sang dạng lưu trữ điện tử.
Cô bé nọ líu lưỡi: “Vậy giờ thì sao, bác ấy còn đi du thám không ạ?”
Mao Ca đáp: “Không, nghỉ rồi, nói là muốn chỉnh lý tư liệu nghiên cứu đề tài gì đó.”
Trước đó Thần Côn không có chỗ ở cố định, sau đó nhờ phúc của một người bạn mà được vào ở trong một tòa đại trạch kiểu cũ ở một nơi có tên là “trấn Hữu Vụ” thuộc Vân Nam, có điều không phải là ở một mình, ngoài lão ra còn một người khác có khuôn mặt âm dương quái dị.
Cô bé nọ tỏ ra tiếc nuối: “Sao lại không ra ngoài nữa vậy ạ?”
Mao Ca thuận miệng đáp: “Già rồi chứ sao.”
Làm gì có hứng thú nào là mãi mãi chứ, hơn nữa, có câu “Năm năm tháng tháng hoa vẻ cũ, tháng tháng năm năm người khác xưa”, đã mấy bận “tháng tháng năm năm” trôi qua rồi, người đương nhiên là đã sớm không còn như xưa nữa.
Cô bé nọ không cho là đúng: “Vậy cũng không đúng, bác ấy đâu phải hai năm nay mới già, bác ấy không phải là đã già từ mười mấy năm trước rồi à.”
Cô bé mới mười mấy tuổi đầu, non trẻ đến độ búng ra được cả sữa, coi đầu ba đã là già rồi, đầu bốn là sắp xuống lỗ tới nơi, đầu năm thì khỏi nói, coi như là người cõi khác luôn – theo như logic của cô thì Thần Côn bắt đầu từ mười mấy năm trước đã là già rồi.
***
Người nói vô ý, người nghe có lòng.
Dọn sạch xong tràng cuộc đã là gần nửa đêm, Mao Ca tựa người vào quầy bar, nhìn về phía khoảng không rỗng tuếch trong nhà mà rót cho mình một ly rượu xái, nốc cạn một ngụm, vị cay lập tức xộc lên nhức mũi, tỉ mỉ ngẫm nghĩ lại về chuyện này.
Thần Côn quả thật là đã có một khoảng thời gian không ra khỏi cửa.
Đúng là có chút khác thường.
Trước đây, Thần Côn cứ nghe được chút phong thanh là lập tức đi thăm hỏi ngọn nguồn, thế nhưng không biết bắt đầu từ lúc nào, có lẽ là từ sau chuyến trở về từ ải Hàm Cốc thì phải? Lão bỗng nhiên bắt đầu kén chọn – kể cho lão nghe chỗ này chỗ nọ có chuyện lạ, lão thường chẳng nghe được mấy câu đã không nhịn được mà ngắt lời, lải nhải gì mà
“Đây không phải kiểu chuyện mà tôi có hứng thú”, cứ như thể là đang bày bố trận địa sẵn sàng đón địch, chỉ chờ đợi một đại sự dành riêng cho lão không bằng.
Ngay cả năm ngoái, từ Tây Bắc có người gián tiếp tìm lão nhờ vả, nói là phát hiện ra bên ngoài Ngọc Môn Quan có chuyện không bình thường, sợ là có một tầng không gian khác, lão cũng chẳng buồn nhấc mông – nếu là quá khứ, lão đã sớm như nhặt được của quý báu nhất thế gian mà xách đít lên chạy đi rồi.
Thế này là sao, Thần Côn trước đây đâu có kén cá chọn canh như vậy.
Mà lại nói chớ, chuyện này không thú vị, chuyện kia không có chút sức hút nào, thế thì rốt cuộc chuyện gì mới là chuyện mà lão “cảm thấy hứng thú” đây.
***
Có một số việc không phải là để ngẫm nghĩ, giống như uống rượu vậy, càng nghĩ càng không ra.
Mao Ca nhịn không được, bèn gọi cho Thần Côn một cú điện thoại.
Không ai bắt máy.
Chuyện này cũng chẳng có gì kỳ lạ, Thần Côn vẫn thường không nghe điện thoại, nếu ông vì việc này mà càu nhàu, dám cá là lão sẽ lý lẽ hùng hồn đáp trả rằng: “Thì làm sao, thời gian của tôi quý giá, phải tận dụng tối đa cho những việc quan trọng, lấy đâu ra rỗi rảnh mà ngày ngày chằm chặp canh điện thoại cho được.”
Nhưng với Mao Ca mà nói, cuộc gọi này không thông lại giống như tung một cú đấm cực mạnh mà lạc vào đống bông, ra sức vươn tay lại chỉ bắt được không khí, cực kỳ khó chịu.
Nghĩ ngợi một hồi, đắn đo mấy giây, y lại bấm số gọi thêm một cú nữa.
Trong đại trạch có điện thoại cố định, cũng chắc chắn sẽ có người nhấc máy – bởi vì cái gã mặt âm dương kia, từ sau khi vào đại trạch ở thì cửa lớn không ra cửa sau không bước, không gian sống nhỏ hẹp chẳng thua gì một tiểu thư khuê phòng ngày xưa.
Quả nhiên, không bao lâu sau, đầu dây bên kia có người bắt máy, giọng khàn khàn.
“Alo?”
Mao Ca có phần e sợ, y chưa từng thấy tận mắt nhưng từng nghe Thần Côn miêu tả, kể là người này trông “cứ như thể bổ hai khuôn mặt hoàn toàn khác nhau ra làm đôi sau đó ghép lại”, “bên trái là mặt của một người đàn ông bình thường, bên phải lại cứng ngắc như tượng gỗ, cau mày quắc mắt, ngang ngược dữ tợn, nhìn kỹ có lúc còn có cảm giác như một con mụ đặc biệt chua ngoa”, “Tiểu Mao Mao, ông mà thấy thể nào cũng gặp ác mộng cho coi”.
Giờ đây trong ống nghe chính là giọng nói của Mặt Âm Dương trong truyền thuyết.
Kể ra giọng nghe rất bình thường.
Mao Ca nuốt nước bọt: “Anh Thạch phải không?”
“Phải.”
“Thần Côn…có đó không?”
“Không có.”
Không có…
“Đi tản bộ?”
Trấn Hữu Vụ kề sát bên núi, trong núi rất thần bí, đêm xuống, Thần Côn thích dắt dơi mắt bạc đi dạo – giống kiểu người ta hay dắt chó tản bộ sau bữa tối ấy – đường núi gập ghềnh, không để ý rất dễ sẩy chân.
“Không phải, ra ngoài rồi.”
Ra ngoài?
Mao Ca vậy mà lại không phản ứng lại ngay được ý của từ “ra ngoài” này, đại khái là bởi vì Thần Côn thực sự đã nghỉ ngơi quá lâu.
Vì thế nên hai chữ “ra ngoài” đầy bất ngờ này đột nhiên nghe rất có vẻ như mang ý tái xuất giang hồ.
Sau khi tỉnh táo lại, máu huyết cả người Mao Ca sôi lên “ùng ục” một trận, giọng nói cũng trở nên kích động: “Sao lão ấy lại ra ngoài?”
Giọng của Mặt Âm Dương cứng ngắc như đá tảng: “Anh ấy muốn ra ngoài.”
Lời này chẳng xua được Mao Ca đi: “Suốt mấy năm không đi đâu, bỗng nhiên bảo đi là đi luôn, một cú điện thoại cũng không gọi, dù sao cũng phải có nguyên nhân chứ, có phải bị cái gì kích thích rồi không? Trước khi lão ấy đi, có xảy ra chuyện gì đặc biệt không?”
Mặt Âm Dương ở đầu dây bên kia chững lại vài giây, giống như đang gắng nhớ lại.
Lúc mở miệng ra lần nữa, giọng điệu vẫn phẳng lặng như cũ: “Wifi trong nhà đến hạn nộp tiền, anh ta vào huyện đến chi nhánh gia hạn.”
Mao Ca dỏng tai lên nghe…
“Lúc nộp tiền thì nghe thấy có người đứng bên cạnh gọi điện thoại, người nọ nói câu gì đó, vừa hay bị anh ấy nghe được.”
Được rồi, chuyện đã mở đầu, Mao Ca bèn dành ra một tay rót thêm cho mình ly rượu nữa, định lấy rượu hầu chuyện, vừa nghe vừa nhấp.
Vậy nhưng Mặt Âm Dương chỉ nói tới đây.
Mao Ca không vừa mắt nhất là loại người ăn nói nửa chừng, có thu tiền nghe đâu mà cứ đến nút thắt thì cắt lời thế chứ.
Y truy vấn: “Sau đó thì sao?”
Mặt Âm Dương nói: “Không có sau đó, nghe được câu kia rồi, anh ta liền quyết định đi theo người nọ, vội vàng gọi điện thoại thông báo với tôi mấy câu, đến cả hành lý cũng không về thu thập.”
“Mao Ca sửng sốt hồi lâu: “Tức là, lão ấy trực tiếp từ chi nhánh trong huyện đi thẳng?”
“Phải.”
“Đi rất vội vàng, đến cả đồ đạc cũng không trở lại thu dọn?”
Mặt Âm Dương không đáp, gã cảm thấy mình đã nói rất rõ ràng rồi, Mao Ca không nên đổi lời trần thuật của gã thành câu phản vấn lặp lại như thế, toàn là điều thừa.
“… Thế người gọi điện thoại kia rốt cuộc là đã nói câu gì vậy?”
Mặt Âm Dương nói: “Không biết.”
Mao Ca phát cáu: “Anh không biết đường mà hỏi à?”
Mặt Âm Dương trả lời: “Tôi đâu có quan tâm.”
Gã chờ một lúc, đoán chừng Mao Ca không còn chuyện gì nữa, cũng không thấy y nói thêm câu gì, bèn giơ tay lên cúp điện thoại.
Điện thoại bên này là kiểu treo tường, bên tường có một ô cửa sổ bằng gỗ, giấy dán cửa sổ bị rách đã bóc ra hết, còn chưa kịp dán mới – xuyên qua ô cửa sổ gỗ gần như mục nát không có gì che đậy, có thể thấy được sau núi lại bốc lên sương mù, sương mù trắng xóa, chậm rãi trườn qua, tụ lại từ bốn phương tám hướng, giống như vô số yêu ma tuổi già sức yếu đang không nhanh không chậm đến dự một cuộc tụ họp.
Gã thực sự không quan tâm, trên đời này, vốn cũng chẳng có chuyện gì đáng để gã quan tâm.
***
Đêm nay gần như là đã dùng mọi cách mà vẫn không liên lạc được, Mao Ca hậm hực vào nhà rửa mặt, có điều lúc ngả lưng ra giường, lòng cũng đã nguôi nguôi, tự thuyết phục mình rằng người ta đã quyết đi thì cũng chẳng cản được, kệ lão đi thôi.
Dù sao Thần Côn ra ngoài cũng chẳng phải lần đầu, đi dăm ba tháng tự khắc sẽ trở về, lại có chuyện hiếm lạ để nghe, mà nhìn lại thì, mình bây giờ có nhà có cửa, có công có việc, đã không còn là một Lão Mao Tử từng vì bạn bè có việc mà có thể quẳng hết mọi chuyện ra sau đầu chạy xa ngàn dặm tới chỉ để giúp một tay nữa rồi.
Chị Mao bên cạnh đã ngủ say, hơi thở nhẹ và nông, khi lên khi xuống. Mao Ca nằm nghe tiếng hít thở ra vào một hồi cũng dần buồn ngủ, thở dài than ôi gánh nặng với chẳng gia đình, mệt thì mệt thật, nhưng lại là một gánh nặng ngọt ngào.
Sau đó thì nằm mơ.
Mơ thấy Thần Côn ở phía trước không xa, đang vác bao tải hùng hục hành tẩu. Mao Ca phấn khởi đi lên, mắt thấy khoảng cách không xa mà đuổi mãi vẫn không tới, đành thở dốc gọi lão: “Côn! Côn!”
Thần Côn rốt cuộc cũng quay đầu lại, mái tóc quăn quăn bết bết, đeo kính râm, một bên gọng kính bị gãy, cầm một cuộn dây trắng quấn quấn, hết một vòng lại một vòng.
Mao Ca hỏi lão: “Lúc ở chi nhánh huyện nộp tiền mạng, người ở đó đã nói câu gì vậy?”
Thần Côn không đáp, chỉ yên lặng nhìn y, rồi gọi y: “Lão Mao Tử.”
Trong lòng Mao Ca đánh một cái rùng mình, thu lại ý định đùa cợt, lập tức chuyện sang thái độ nghiêm túc – Thần Côn thường gọi y là “Tiểu Mao Mao”, rất ít khi gọi “Lão Mao Tử”, một khi đã gọi như thế thì sau đó nhất định sẽ là một cuộc nói chuyện trịnh trọng.
Quả nhiên.
Thần Côn nói: “Thực ra, tôi là muốn tìm một cái rương.”
Mao Ca mờ mịt: “Rương gì cơ?”
Thần Côn vươn tay ra minh họa cho y xem, nói: “Một cái rương dài chừng này, rộng chừng này, bị người khác đánh cắp mất.”