Xương Rồng Đốt Rương

Chương 11:




Lòng Tân Từ ngứa ngáy, rất muốn xem cái gã tẩm ngẩm Mạnh Kình Tùng này sẽ dùng phương pháp khắc nghiệt nào để đi ép hỏi kẻ không rõ lai lịch mà tới này song lại cảm thấy cứ lăng xăng chạy theo như vậy thì không hay lắm, bị đuổi về sẽ rất mất mặt – đành ở lại tán gẫu câu được câu không với Mạnh Thiên Tư trong phòng bao riêng.
Cơm ăn được nửa bữa thì Mạnh Kình Tùng trở lại.
Tân Từ kinh ngạc: “Mới thế đã hỏi xong rồi?”
Mạnh Kình Tùng không đáp, chỉ liếc hắn một cái.
Đã hiểu, kế đến là chủ đề nhạy cảm, không thích hợp với hắn, Tân Từ rất biết điều mà buông bát, lặng lẽ ra cửa: Hắn đã theo Mạnh Thiên Tư hơn một năm, rất nhiều trường hợp đã không cần phải lảng tránh, cũng không tự coi mình là người ngoài – nhưng dẫu sao cũng luôn có vài việc nhắc nhở hắn rằng giữa hắn và họ có một vách tường.
Cảm giác ấy thật chua chát, chẳng thoải mái chút nào.
Mạnh Thiên Tư cũng hơi thắc mắc: “Nhanh vậy? Người kia phun ra hết rồi à, hay là chết cũng không chịu mở miệng?”
Mạnh Kình Tùng đáp: “Chỉ hỏi được một nửa, kế tiếp cần cô tự đi hỏi, tôi không dám.”
Mạnh Thiên Tư cảm thấy thú vị: “Không dám? Ông ta còn có thể cắn người à? Anh không bẻ răng ông ta được hả?”
Mạnh Kình Tùng thong thả trả lời, nói rõ ngọn ngành cho cô biết trước: “Người kia tự xưng mình là Thần Côn…”
Thần Côn (*), tên kiểu gì vậy, Mạnh Thiên Tư nhíu mày: “Không có tên à?”
(*) Ai đọc quen truyện Vĩ Ngư hẳn đều biết nhưng vẫn cứ chú thích đây cho đầy đủ haha, “thần côn” trong tiếng Trung là từ dùng để chỉ phường thầy cúng thầy bói giả thần giả quỷ lừa đảo nha.
“Có, trên thẻ căn cước ghi là Thẩm Mộc Côn, đọc lên có khác gì Thần Côn đâu, vừa nghe đã biết là giả rồi.”
“Không tra được quan hệ thân thích?”
“Không tra được, ông ta nói khi còn bé bị vứt lại trước cửa thôn thôn Thôn Nhỏ ở tỉnh Vân Nam…”
Cái gì mà cửa thôn thôn thôn nhỏ, Mạnh Thiên Tư nhìn Mạnh Kình Tùng: “Lưỡi anh bị thắt nút đó hả?”
Mạnh Kình Tùng cũng cảm thấy có phần dở khóc dở cửa: “Tên cái thôn ấy là ‘Thôn Nhỏ’, cửa thôn của nó thì gọi là cửa thôn thôn Thôn Nhỏ.”
Cụm danh từ xoắn xuýt này khiến lưỡi hắn cũng muốn thắt lại thành nút thật: “Nói là sống nhờ vào xin cơm, ăn cơm trăm nhà, làm công mà lớn lên, hiện giờ ông ta đã hơn năm mươi rồi, ra đời giữa lúc trong nước đang thực hiện đại vận động (*), khá là hỗn loạn.”
(*) Ở đây chỉ cuộc cách mạng văn hóa diễn ra ở Trung Quốc trong những năm từ 1966 đến 1976.
Những năm đó, sinh con mà không nuôi được, ném ở cửa thôn, bến sông, cửa miếu là chuyện rất bình thường.
Thấy Mạnh Thiên Tư không có gì muốn hỏi, Mạnh Kình Tùng lại nói tiếp: “Thiếp mời là do Vạn Phong Hỏa làm giúp ông ta.”
Mạnh Thiên Tư nghe cái tên này quen quen: “Vạn Phong Hỏa?”
Mạnh Kình Tùng không hổ là trợ lý đặc biệt, bất cứ lúc nào cũng có thể giải thích chỗ chưa rõ: “Chính là đám người nhận tiền giúp người tìm hiểu các kiểu tin tức bí mật đó, tôn Bách Hiểu Sinh trong tiểu thuyết võ hiệp làm tổ sư gia, căn cứ lớn nhất đặt ở Bia Giải Phóng, Trùng Khánh, Vạn Phong Hỏa là quản lý tiền nhiệm, bây giờ đã nửa về hưu rồi.”
Nhớ ra rồi, với kiểu quan hệ rộng rãi của quỷ non thì người như vậy đương nhiên cũng nằm trong nhóm kết giao, hẳn là do hộ Núi khu vực Xuyên Du (*) phụ trách duy trì quan hệ.
(*) Xuyên Du là tên gọi tắt chỉ khu vực Tứ Xuyên – Trùng Khánh, nhân tiện, Tương Tây là tên gọi khu vực phía Tây tỉnh Hồ Nam.
“Vạn Phong Hỏa nghe ngóng biết tin cô mời khách ở đây, giúp Thần Côn lấy được thiếp mời của Lý Trường Niên, thứ nhất là vì hai người bằng tuổi nhau, thứ hai là vì nơi Lý Trường Niên ở khá hẻo lánh, mấy năm liền không ra khỏi núi chuyến nào, cũng không hay giao du với người khác, người biết ông ta không nhiều lắm – đại khái là họ Vạn cho rằng chỉ là ăn một bữa cơm thôi, người lại nhiều, hẳn là dễ gạt.”
Mạnh Thiên Tư mỉm cười: “Chúng ta thiếu tiền ăn Tết của tay Vạn Phong Hỏa này à?”
“Ba dịp lễ Trung thu, Tết âm, Tết dương chúng ta đều gửi quà tới cửa không thiếu lần nào.”
“Nhận đồ của chúng ta mà lại đưa người đến làm loạn sân bãi nhà chúng ta, họ Vạn cũng chẳng ít tuổi mà vẫn chẳng biết điều gì cả, báo một tiếng với đầu Xuyên Du, dạy dỗ lão ta chút.”
Vẻ mặt Mạnh Kình Tùng do dự: “Thiên Tư, tôi thấy tạm thời chưa nên động tới vội, cô hỏi rõ rồi lại nói.”
Đây đã là lần thứ hai y nhấn mạnh “cần cô đi hỏi”, Mạnh Thiên Tư sầm mặt, cô không thích người ta thừa nước đục thả câu.
Mạnh Kình Tùng cười khổ, mở một tấm hình trong điện thoại ra cho cô xem.
Đó chính là người tự xưng là Thần Côn kia, tuổi tầm bốn, năm mươi, dáng vẻ rất khôi hài, tóc quăn bẩn bết, mắt kính có lẽ là do ban nãy vùng vẫy mà bị hỏng, một bên chân kính lung lay một cách mất tự nhiên, một bên mắt kính còn bị nứt, đó không phải trọng điểm, trọng điểm là lão đang toét miệng cười, hai tay nắm áo khoác vạch sang hai bên, khoe ra cái áo may-ô màu trắng in chữ bên trong.
Mạnh Thiên Tư nhìn Mạnh Kình Tùng: “Vừa chụp?”
Bị người ta chỉ thiếu điều trói gô điệu ra ngoài như vậy rồi mà vẫn còn cười được.
Mạnh Kình Tùng biết cô vẫn chưa nhìn ra được điểm mấu chốt: “Cô phóng to lên xem chữ in trên áo ông ta đi.”
Cô phóng to ảnh, nhìn kỹ.
Hóa ra là chữ viết tay bằng mực in.
Tư thư nhi (*), đừng làm khó người này.
Chỗ người viết đề một chữ: Bảy.
Mạnh Thiên Tư ngớ ra, bật thốt: “U bảy của tôi?”
Phường Quế Non có bảy cô bác, niên kỷ trải dài từ bốn mươi đến bảy lăm, trừ Cao Kinh Hồng đứng đầu cô gọi là me lớn ra thì những người khác đều theo thứ tự số tuổi lớn nhỏ mà chia ra gọi là u hai đến u bảy.
Cao Kinh Hồng không thích được gọi là u cả cũng là điều dễ hiểu, bà đã bảy lăm rồi, mỗi sáng sớm đều phải trang điểm cho thật nhã nhặn, mỗi tuần đều phải đi spa dưỡng nhan, có Tony tới tận nhà giúp bà làm tóc, từ lúc qua tuổi năm mươi vào những thập niên chín mươi, còn thường xuyên đi Hồng Kông đi Đài Loan chỉ để mua mỹ phẩm cao cấp tân thời nhất quý đó – Mạnh Thiên Tư tự vấn một hồi cũng cảm thấy câu “u cả” kia đúng là không gọi nổi.
Mà u bảy đứng cuối, tên là Tiển Quỳnh Hoa, thì rất thích gọi cô là “Tư thư nhi”.
(*) “Tên + thư nhi” là cách gọi con gái trong nhà khi chưa lấy chồng của những gia đình giàu có sang quý của Trung Quốc thời xưa, nếu là con trai sẽ gọi là “Tên + ca nhi”
Mạnh Kình Tùng thở dài: “Đây là chữ của cô bảy, Thiên Tư, cô đã biết vì sao tôi không dám hỏi rồi phải không? Ban đầu định nới xương cho ông ta một cái, kết quả vừa vạch áo ông ta ra…”
Giống như mặc một chiếc hoàng mã quái (*) vậy, ai dám bỏ qua thể diện của cô bảy chứ.
(*) Hoàng mã quái là quan phục thời Thanh, được ban cho người có quân công.
Mạnh Thiên Tư lẩm bẩm: “U bảy à, tôi nhớ bà ấy đã đi…”
Những chi tiết nhỏ này vẫn luôn là chức trách của Mạnh Kình Tùng, y nhớ rõ ràng mọi thứ: “Đi tới dải Vân Lĩnh Vân Nam kèm núi rồi, đi từ đầu năm.”
“Kèm núi” và “tuần núi” giống nhau, là truyền thống của những quỷ non cấp cao, người sinh ra ở núi phải thường xuyên thân núi, không thể không tách khỏi “quần chúng” mà nhận hơi đất: tuần núi là cưỡi ngựa xem hoa, cùng loại với đi du lịch thời nay, song kèm núi thì là ở lâu dài, ít thì vài ba tháng, lâu thì phải một năm.
Trong bảy cô bác, ngoài me lớn Cao Kinh Hồng đã lớn tuổi, quanh năm sống ở biệt uyển dưới Hồng Sơn ra thì những người khác đều theo sở thích riêng mà chọn cho mình một nơi đứng đầu để kèm núi, chẳng hạn như u ba Nghê Thu Huệ yêu tha thiết vùng Xuyên Du, đặc biệt thích núi Nga Mi và núi Thanh Thành; u tư Cảnh Như Tư thì chỉ thích dãy Tần Lĩnh, chọn đứng đầu Hoa Sơn; mà u bảy Tiển Quỳnh Hoa thì rất ưu ái hệ thống núi Vân Nam, tỷ như khu vực dãy Vân Lĩnh, dãy Vô Lượng, núi Ai Lao.
Tân Từ từng láu lỉnh lấy một ví dụ, nói rằng các cô bác đều có đủ loại ai-đồ trong núi, đi kèm núi là để call cho ai-đồ, vì việc công mà dạo sang núi nhà khác thì gọi là làm fan hờ.
Mạnh Thiên Tư chỉnh lại chụp mắt rồi đứng dậy: “Nếu đã là người u bảy từng tiếp đón thì đúng là tôi phải qua thăm hỏi chút rồi.”
***
Lại nói đến Tân Từ, xuống dưới nhà rồi chẳng có việc gì, bàn nào bàn nấy đều ăn uống rất náo nhiệt nhưng lại chẳng liên quan gì tới hắn, hắn cũng không phải người dễ thân chỉ vài ba câu là có thể xưng huynh gọi đệ được với người ta, chỉ đành hậm hực tựa người vào một cột trụ trong góc sảnh, tra bấm lung tung trong sơn điển cho đỡ buồn.
Đang chán muốn chết thì có người lướt qua bên cạnh, đã đi qua hắn rồi, lại dừng lại: “Anh…Tân?”
Tân Từ ngẩng đầu lên, là một người đàn ông hắn không quen, tuổi tầm hăm bảy, hăm tám, vóc dáng trung bình, tướng mạo phổ thông, song lại cho người ta một cảm giấc rất chững chạc kiên định.
Người kia tự giới thiệu: “Tôi tên là Khưu Đống, trợ lý Mạnh sắp xếp tôi trực ở sảnh lớn.”
Thì ra là người một nhà, Tân Từ rất khách khí: “Gọi Tân Từ là được rồi.”
Vừa nói vừa thắc mắc: Trực trong sảnh? Vừa nãy hình như đâu có thấy người này, hơn nữa, người này rõ ràng là mới đi từ bên ngoài vào.
Đoán chừng là do chuyện bị chuyện mạo danh Lý Trường Niên vừa rồi ảnh hưởng nên hắn có hơi nghi thần nghi quỷ.
Khưu Đống nhìn ra hắn nghi ngờ, cười cười giờ xấp giấy in trong tay lên: “Ban nãy đi photocopy, lão Gàn trại Bát Kháng mang một kiểu hoa văn bùa chú hiếm tới nhờ người khác xem hộ, hỏi mấy người liền đều nói là xem không hiểu. Bản gốc chỉ có hai tờ, còn bị bén lửa. Tôi giúp ông ấy in nhiều thêm chút, hiếm khi nào tụ tập được nhiều người rành nghề đến thế, phát tán hộ ông ấy.”
Thì ra là thế, Tân Từ nhích sang một bên nhường đường, tỏ vẻ “Anh bận thì tôi cũng không quấy rầy anh làm việc nữa”, Khưu Đống gật đầu với hắn, đang định cất bước thì lại nhớ ra điều gì: “Lão… Cô Mạnh nhà mình có hiểu biết nhiều về bùa chú không? Hay là nhờ cô Mạnh xem giúp?”
Mạnh Thiên Tư sao biết được cái này chứ, hoa văn mà chỉ hơi phức tạp một chút thôi đã bị cô gọi là chữ gà bới hết rồi.
Tân Từ đang định lắc đầu thì bỗng tỉnh táo lại: Sao mình có thể nói là Thiên Tư không biết chứ, bất kỳ lúc nào hắn đều nên bảo vệ hình tượng Mạnh Khả Thi cao quý thần bí của cô mới phải, nhìn vẻ mặt Khưu Đống trông đợi thế này, hiển nhiên cũng mong rằng lão đại nhà mình biết được cái người khác không biết, làm được cái người khác không thể.
Thế là hắn bèn gật đầu như đúng rồi, nhận lấy một xấp, định lúc nào gặp Mạnh Thiên Tư thì đưa cho cô, hoặc là đợi Khưu Đống đi ra chỗ khác rồi thì thừa cơ vứt đi – chợt nghe trên cầu thang vang lên tiếng bước chân, cùng lúc đó, tiếng ầm ĩ trong sảnh cũng im bặt trong chớp mắt.
Là Mạnh Thiên Tư đi xuống.
Trong sảnh, ngoại trừ vài người đã hẹn gặp trong phòng bao thì phần lớn đều chưa từng trông thấy cô bao giờ, nhưng biết cô ở phòng riêng nên người vừa xuất hiện đã tức khắc trở thành tiêu điểm của toàn trường một cách tự nhiên.
Đại khái là Mạnh Thiên Tư cũng đã quen với việc thản nhiên đón nhận ánh nhìn chăm chú từ khắp nơi nên không đáp lại bất kỳ một cái liếc nào, chỉ dẫn theo Mạnh Kình Tùng nhanh chóng biến mất ở một khúc rẽ.
Trong sảnh lớn như bầy ong vỡ tổ, tiếng ong ong lại một lần nữa vang lên, Tân Từ dõi mắt theo cô cả một đường, thực sự có cảm giác vinh lây – dù sao cũng là tác phẩm của mình, trời mới biết được, để tạo hình trang điểm cho cô, hắn đã tận tâm tận lực cỡ nào, tuyệt lắm, che một con mắt đi mà cũng có thể không đánh mất khí chất phong phạm, công lao của Tân Từ hắn quả thật quá mức vĩ đại.
Lúc hí hửng thu mắt về, lại trông thấy người phụ nữ trẻ tuổi kia.
Không thể nào không chú ý tới cô, những người khác đều đang châu đầu ghé tai xôn xao bàn luận, chỉ có mình cô là bình thản ung dung, không nhanh không chậm cúi đầu dùng bữa: Có vẻ như cô là người Miêu, tóc búi, vành tai rủ xuống một chiếc khuyên tòong teng dài thật dài bằng bạc khảm ngọc bích già của người Miêu, tôn lên làn da trắng ngần nơi cổ, tinh tế đến rung động lòng người.
Kỳ quặc là cô cũng không phải hoàn mỹ, mà mình thì là một người cầu toàn – trang phục trên người Mạnh Thiên Tư dù chỉ có một nếp nhăn thôi hắn cũng muốn xông lên vuốt cho phẳng rồi – ấy thế mà nhìn thấy người phụ nữ này, tính kén chọn bỗng nhạt đi hẳn, cảm thấy vài điểm tỳ vết của cô, ví dụ như khuôn miệng không được xinh xắn lắm, cằm hơi vuông, đều không ảnh hưởng gì tới toàn cục, thậm chí còn hé ra một vẻ đẹp mộc mạc.
Cô gái kia tựa hồ phát hiện ra có người nhìn mình, hơi nhíu mày, dường như muốn ngẩng đầu lên…
Chết mẹ chết mẹ, Tân Từ tức khắc luống cuống, vội dời mắt đi, rất sợ cô cảm thấy mình là một tên rình rập dung tục, không không không, hắn không có nhìn cô, hắn đang bận việc, đang rất tập trung tinh thần mà bận việc…
Sau lưng Tân Từ nóng ran, trong cái khó ló cái khôn, nhớ ra trong tay mình còn có “đạo cụ”, vội giũ xấp giấy in kia mở ra, giả bộ đang tập trung tinh thần nghiên cứu hoa văn bùa chú.
Cô gái kia nhìn thấy hắn rồi, tuyệt đối là đang nhìn hắn.
Tân Từ như mọc gai sau lưng, “đọc” càng thêm tập trung, nét vẽ bùa chú dạng nòng nọc trước mắt nhảy nhót không ngừng, ngón tay cầm giấy cũng đang khe khẽ run lên.
Hắn tự thôi miên mình.
Tôi đang bận, tôi đó giờ vẫn luôn xem bùa, tôi không nhìn cô, cô cũng đừng nhìn tôi, tôi đang nhìn bùa, đúng, tôi đang nhìn bùa, cái bùa này…cái bùa này trông đẹp đấy, cái bùa này…sao lại có hơi…quen mắt vậy nhỉ?
***
Cho những người không phận sự ra ngoài rồi, Mạnh Thiên Tư ngồi xuống trước mặt Thần Côn.
Đó là một phòng bao nằm ở cuối hành lang, cách sảnh lớn khá xa – Liễu Quan Quốc đã bao toàn bộ nhà hàng, khách khứa tụ tập hết ở một chỗ càng khiến nơi này trở nên yên tĩnh, thậm chí còn có phần hiu quạnh.
Thần Côn mở to mắt, đảo tròn nhìn cô: “Cô chính là Mạnh Thiên Tư?”
Mạnh Thiên Tư còn chưa kịp “ừ” thì lão đã chỉ vào mắt mình hỏi: “Cô là…bẩm sinh một mắt à?”
Thật đúng là không biết ăn nói, nếu mà là người khác, quá nửa đã lật bàn tại chỗ rồi, nhưng chính bởi Mạnh Thiên Tư không phải khuyết tật bẩm sinh nên cũng không úy kỵ gì; hơn nữa thần sắc biểu cảm của Thần Côn trong lúc nói chuyện cũng không khiến người ta cảm thấy bị xúc phạm – chỉ khiến cô cảm thấy người này thật ngốc nghếch, hoặc là bẩm sinh EQ thấp.
Đùa giỡn với loại râu ria này còn chẳng phải tựa như trêu mèo chọc chim ư, Mạnh Thiên Tư cười cười, một tay chống lên bàn, dùng tay chống má, hạ giọng nói đến là thần bí: “Không phải, trong bên mắt này của tôi có hai con ngươi.”
Ánh mắt Mạnh Kình Tùng đứng bên cạnh tỏ vẻ bất đắc dĩ, trong lòng thở vắn than dài, tâm trạng này y như hồi trước nhận gậy mù và chụp mắt cô đưa cho vậy.
Nhưng khiến y cảm thấy hoang đường hơn là, Thần Côn vậy nhưng lại kích động lên hẳn.
Là kích động hẳn, khuôn mặt già cỗi như muốn bắn ra tia sáng: “Con ngươi kép! Cô vậy mà lại có một mắt con ngươi kép! Này, cô biết không, Ngu Thuấn, một trong Ngũ Đế thời thượng cổ cũng có con ngươi kép đó! Còn nữa, trong truyền thuyết, Thương Hiệt tạo chữ là người “mặt rồng bốn mắt”, có con ngươi kép, đều là thánh nhân cả, cô biết không?”
Thế à?
Con mắt còn lại của Mạnh Thiên Tư vụt lướt qua một tia mù mờ, đương nhiên là cô không biết rồi, sở dĩ cô không nói dưới lớp chụp mắt có ba con ngươi thuần túy là bởi cảm thấy như thế quá chật chội, không chứa nổi.
Nhưng cô là ai chứ, nhân vật chuyển đổi nhuần nhuyễn tự nhiên, dựng ngón tay lên môi: “Xuỵt… Nhỏ giọng chút, đừng để người khác nghe thấy.”
Thần Côn hưng phấn đến độ thân mình hơi run run, giọng hạ xuống một quãng tám, đúng là rất nghe lời: “Vậy…tôi có thể xem không?”
Mạnh Kình Tùng liếc xéo Thần Côn, y nghi ngờ người này bị hâm: Một hốc mắt chen chúc hai con ngươi, nghe đã biết là nói bậy rồi. Hơn nữa, người thường nghe vậy, phản ứng đầu tiên chẳng lẽ không phải là kinh ngạc hoặc nghi ngờ sao? Sao đến cả kinh ngạc nghi ngờ đều giản lược, nhảy cóc thẳng sang kích động thế này?
Mạnh Thiên Tư ngồi thẳng người dậy, thò ngón trỏ ra, móng tay gõ gõ lên mặt bàn: “Nói chuyện chính trước đã, ông trà trộn vào tiệc mời khách của tôi là muốn làm gì?”
Một câu đã kéo Thần Côn về chủ đề chính.
Lão nhìn Mạnh Thiên Tư, lắp bắp: “Tôi nghe nói, cô định đi mổ núi lấy túi mật núi, có thể dẫn tôi theo không?”
Nghe thấy ba chữ “túi mật núi”, trong đầu Mạnh Kình Tùng nổ đùng một tiếng: Chuyện cơ mật như vậy, trên dưới quỷ non chỉ có bảy cô bác, Thiên Tư và bản thân biết, dù là với Tân Từ cũng chưa từng hé răng nửa câu, sao Thần Côn này lại biết được? Tiển Quỳnh Hoa mà lại đi nói việc này ra với một người ngoài à?
Sắc mặt Mạnh Thiên Tư không chút thay đổi, chậm rãi tựa lưng vào ghế: “Sao ông biết tôi định đi mổ núi lấy túi mật núi?”
Thần Côn này thật đúng là người không biết nhìn sắc mặt người khác, giọng điệu Mạnh Thiên Tư u ám như vậy, đổi lại là người khác đã sớm run rẩy rồi, lão lại vẫn hứng chí bừng bừng: “Nói ra thì cũng thật tình cờ!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.