Xuyên Sách Thành Pháo Hôi, Chống Lại Mệnh Xui Xẻo

Chương 594:




Đường Niệm Niệm trước tiên đi đón Thượng Quan Tĩnh, sau đó mới đến nhà khách Cẩm Giang gặp mẹ con Bào Liên Sinh, bà Bào lần này không tới mà ở lại Hồng Kông.
Tinh thần của Bào lão phu nhân tốt hơn tháng trước không ít, nhìn thấy Đường Niệm Niệm, hai mẹ con đều rất vui vẻ.
"Vẫn là quê nhà tốt nhất, bà vừa trở về là toàn thân đều thư thái, uống nước lọc thôi cũng thoải mái." Bà cụ cười nói.
"Bà trở lại khẳng định không thể để bà uống mỗi nước lọc được, hôm nay cháu sẽ cùng hai người đi dạo Thượng Hải, ăn uống xả láng thì thôi." Đường Niệm Niệm cười nói.
Cô rất thích Bào lão phu nhân, có thể nuôi dưỡng ra một đứa con trai có tiền đồ như Bào Liên Sinh, bà cụ không chỉ có tình yêu bao la mà còn có tầm nhìn xa rộng, cũng không lắm chuyện, là một bà cụ rất dễ ở chung.
"Được, làm phiền các cháu rồi!" Bà cụ rất chờ mong được ra ngoài chơi, đã mấy thập niên bà cụ chưa được trở về, đối với thành phố này vừa quen thuộc vừa xa lạ.
Chính phủ sắp xếp cho Thượng Quan Tĩnh cùng đi, còn chuẩn bị cả vệ sĩ mặc thường phục ẩn núp trong đám đông.
Thật ra, có Đường Niệm Niệm ở đây, đảm bảo an toàn tuyệt đối không thành vấn đề.
Bào lão phu nhân lớn tuổi rồi, thân thể cũng hư nhược nên chuẩn bị cho bà cụ một cái xe lăn.
Dựa theo yêu cầu của lão phu nhân đi miếu Thành Hoàng, Bến Thượng Hải, và cả chùa Tĩnh An, còn đi tới một con hẻm cũ, hiện tại vẫn có rất nhiều người đang ở đây.
"Chính là ở đây, Liên Sinh, con có còn nhớ không, lúc chúng ta vừa tới, ở ngay tại chỗ này này."
Bào lão phu nhân chỉ vào một tòa thạch khố môn kiểu cũ rồi nói, vẻ mặt rất hoài niệm.
"Nhớ chứ, chúng ta sống ở gác xép, mẹ giúp người ta giặt quần áo, mỗi ngày trời còn chưa sáng đã đi bày sạp bán đồ ăn sáng để kiếm tiền cho con đi học." Bào Liên Sinh đôi mắt đỏ hồng, trong đầu hiện lên những kí ức về thời thơ ấu rất rõ ràng.
Gác xép là loại phòng kém nhất ở thạch khố môn, phía trên là sân phơi, phía dưới là phòng bếp, rộng sáu, bảy mét vuông, đông lạnh hạ nóng
Quê của ông ấy ở Ninh Ba, gia đình ông nội có chút tài sản, thế nhưng cha ông ấy thân thể không tốt, đã bệnh rồi mất từ khi ông ấy còn chưa được sinh ra, để lại hai mẹ con làm cô nhi quả phụ với nhà cửa đất vườn.
Chú bác ruột của ông ấy chia nhau hết đất đai cha để lại, mẹ và ông ấy ở quê sống không nổi nữa mới chuyển tới Thượng Hải kiếm ăn, mẹ làm thuê cho người khác, giặt quần áo, bày sạp bán đồ ăn sáng, chịu khó làm lụng đủ mọi việc.
Mẹ còn kiếm tiền cho ông ấy đi học, bà có một cái hộp nhỏ, mỗi ngày không cần biết kiếm được bao nhiêu tiền đều sẽ bỏ ba đồng tiền vào hộp, nói là tiết kiệm làm học phí cho ông ấy, chẳng sợ trong nhà không còn gạo ăn, mẹ thà rằng uống nước máy cho đỡ đói cũng sẽ không mở cái hộp kia ra.
Có một lần, mẹ bị bệnh không xuống giường nổi, sốt đến mơ hồ rồi vẫn kiên trì không chịu đi bệnh viện, ông ấy quá sốt ruột liền mở hộp ra, cầm tiền đưa mẹ đi bệnh viện.
Mẹ hết bệnh rồi, nhưng tiền trong hộp đã bị tiêu hết, lần đầu tiên mẹ đánh ông ấy, mắng ông ấy quá không hiểu chuyện, sau đó mẹ lại ôm ông ấy khóc, nói bản thân vô dụng khiến ông ấy ở cùng mẹ phải chịu khổ.
Về sau, mẹ càng thêm cố gắng làm việc, mỗi lần nửa đêm canh ba ông ấy tỉnh lại đều có thể nhìn thấy mẹ đang bận rộn, mẹ dường như không hề biết mệt, ngày nào cũng làm việc không ngừng nghỉ.
Thành tích của ông ấy tốt lắm, nhưng ông ấy học hết trung học thì không chịu đi học nữa mà đến một hiệu buôn tây làm người học việc.
Ông ấy đã đặc biệt nghiên cứu rồi, phàm là công việc có dính đến chữ “tây” đều có thể kiếm được nhiều tiền, cho nên, khi còn đi học ông ấy đã rất chú trọng học tiếng nước ngoài, còn chủ động đi dạo quanh những nơi có đông người nước ngoài để được tiếp xúc gần với người ta và học nói tiếng nước ngoài.
Tuy bằng cấp của ông ấy chưa đủ nhưng bởi vì ông ấy biết nói tiếng nước ngoài nên mới học việc ở hiệu buôn tây chưa tới một năm đã làm được mấy vụ buôn bán cực kỳ giá trị, chiếm được sự tán thưởng của ông chủ rồi chính thức trở thành tư sản mại bản, thu nhập lập tức liền như nước lên thì thuyền lên.
Qua một thời gian ông ấy đã trở thành tư sản mại bản giỏi nhất Bến Thượng Hải, tự mở công ty, chuyên môn làm buôn bán với người nước ngoài, ông ấy và mẹ cũng chuyển ra khỏi gác xép, chuyển tới nhà kiểu tây có vườn hoa ở tô giới Pháp, chẳng qua, về sau mẹ lại quay về quê nhà Ninh Ba sống.
Các chú bác năm đó ức hiếp mẹ con bọn họ, nhìn thấy ông ấy thì không ngóc đầu lên được, nhưng mẹ lại làm như không có việc gì xảy ra, vẫn kết giao với những người này như thường, còn khuyên ông ấy sửa từ đường ở quê, lúc ấy mẹ nói thế này.
"Liên Sinh à, hiện tại con có tiền đồ rồi, lòng rất định phải rộng lượng, người lúc nghèo khó tính toán chi li cũng bình thường, sẽ không ai nói gì, nhưng con phát đạt rồi, làm người không thể so đo từng tý vậy được, dễ chọc đến bọn tiểu nhân có hiểu không?"
Thật ra thì Bào Liên Sinh không sợ chọc đến bọn tiểu nhân, nhưng ông ấy sợ mẹ giận nên mới nghe lời mẹ sửa từ đường ở quê nhà, cũng không trả thù những người đã từng ức hiếp mình.
Nhớ tới những chuyện cũ này, trong lòng Bào Liên Sinh có trăm mối cảm xúc ngổn ngang, nhoáng một cái đã rời khỏi Thượng Hải nhiều năm như vậy rồi.
Lúc đó, ông ấy và mẹ là cô nhi quả phụ, không xu dính túi, khi rời đi nơi này, bọn họ mang gánh nặng gia đình, rất chật vật, hiện tại trở về cũng coi như được vinh quang trở về rồi.
Bào lão phu nhân vỗ nhẹ lên tay con trai, nói giọng khàn khàn: "Liên Sinh, con nghĩ cách mua lại căn gác xép này đi, cứ giữ ở đó, về sau cho mấy đứa Tiểu Quang đến xem, cho chúng nó biết ngày xưa cha chúng nó khổ cực thế nào, không thể có tiền là quên hết được!"
Tiểu Quang là cháu trai của Bào Liên Sinh, từ nhỏ đã được ngâm trong hũ mật, căn bản không biết khổ là cái gì, Bào lão phu nhân rất thương chắt trai, nhưng cũng lo không ai giàu ba họ nên mới dặn dò như vậy.
"Mẹ, con sẽ xử lý tốt." Bào Liên Sinh đồng ý.
"Nhà họ Bào chúng ta tuyệt đối không thể nuôi ra đứa bại gia được, Tiểu Quang tiêu xài phung phí quá rồi, mua đôi giày mà hết tận mấy vạn đồng, cái giày kia nạm vàng hay là nạm bạc rồi? Cái thói xấu tiêu tiền như nước này nhất định phải sửa!"
Bào lão phu nhân cằn nhằn liên miên không dứt, bà cụ thật sự không quen nhìn cháu trai và cháu dâu tiêu xài hoang phí, bỏ mấy vạn đồng mua quần áo và túi xách ở trong mắt bà cụ chính là bại gia.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.