Mẹ rất thông minh, từ nhỏ bà đã được giáo dục rất tốt và thi đỗ vào một trường đại học danh tiếng. Bà con trong khu phố rất quý mến mẹ bởi bà còn lương thiện, hay tham gia tình nguyện. Khi đứng thẳng, trông bà đàng hoàng kiêu sa như một con hạc trắng trên mặt hồ mùa đông, đôi mắt đầy trí tuệ lấp lánh sau cặp kính sáng trong.
Khuyết điểm duy nhất của bà là không phân biệt nổi con mèo nhà nuôi và cây xương rồng cảnh. Cách đây không lâu, bà còn tóm con mèo, vùi vào chậu đất rồi tưới nước lên trong khi lại áp cây xương rồng lên mặt mình âu yếm, hậu quả là bị vô số vết xước rớm máu.
Cha tôi và cậu em tôi không sao hiểu nổi hành vi kỳ lạ ấy, bèn hỏi bà. Người mẹ thông minh của tôi đứng im trước cây xương rồng mở hộp thức ăn mèo, coi như không nghe thấy.
Tôi vô cùng hối hận, vì đó là lỗi của tôi.
Từ nhỏ tôi đã được rất nhiều người khen ngợi, nói là giọng tôi rất hay. Hàng năm vào dịp lễ Obon và năm mới, chúng tôi đều về bên nhà ngoại họ hàng chẳng mấy khi gặp mặt đều xúm xít quanh tôi. Tôi vốn không thạo giao tiếp nhưng luôn tỏ ra nghe hiểu tiếng địa phương, mỉm cười tươi tắn và phụ họa vài câu khi nghe các ông chú rượu vào lời ra.
“Cháu đúng là một đứa bé đáng yêu.”
Nghe bà bác khen, tôi liền nhoẻn cười. Thực ra tôi rất lạnh nhạt, chỉ giả vờ tỏ vẻ nhiệt tình mà thôi.
Tôi chưa từng xúc động hoặc vui mừng trước những lời của họ, thậm chí còn cảm thấy chán, chỉ muốn tránh cho xa. Nhưng tôi không làm thế, vì tôi sợ cổ phiếu “tôi” sẽ sụt giá, bà con vây quanh sẽ bỏ chạy sạch. Tôi che giấu tâm trạng thật, tiếp tục giả vờ nghe họ nói và tiếp tục nói những lời thân thiết với họ.
Hồi đó tôi rất ghét bản thân, luôn tự nhủ mình chỉ là đứa giả dối đóng vai con ngoan. Thật tầm thường và nông cạn.
“Giọng em thật trong trẻo, nghe cứ như tiếng nhạc.”
Một người chị họ của tôi nói. Tôi chỉ thấy giọng mình rất chói tai, lủng củng trúc trắc cứ như con vật bắt chước tiếng người.
Tôi nhận ra sức mạnh trong giọng nói của mình vào năm lớp Một. Dịp đó có tiết giảng dạy cách chăm sóc hoa bìm bìm, mọi người đều mang chậu hoa của mình đến bày ở một góc sân trường. Hoa tôi trồng rất tươi tốt, những dây hoa xanh mướt vươn lên thật cao, lá to và rộng đọng những giọt sương long lanh trong suốt, những cánh hoa màu tím biếc mềm mại, mong manh.
Nhưng chậu hoa của tôi không phải là đẹp nhất lớp. Trong lớp còn có bạn trồng được những bông bìm bìm to hơn và đẹp hơn hẳn của tôi.
Trong lớp, ngồi trước tôi ba hàng ghế là một bạn nam, có tài chạy rất nhanh, tên là Yuichi. Yuichi rất hoạt bát lém lỉnh, luôn miệng nói cười và thể hiện nhiều biểu cảm phong phú. Tôi thường xuyên nói chuyện với Yuichi, dù nội dung đơn giản nhưng tôi ưa thích khả năng biểu cảm thú vị của cậu ấy. Cũng vì khả năng này mà Yuichi được mến mộ.
Tuy thế tôi hay dùng ánh mắt soi mói với Yuichi. Tôi muốn trở thành người hoạt bát như cậu ta, đồng thời lấy làm khó chịu vì cho rằng cậu ta nhận ra màn kịch luôn tỏ ra ngoan ngoãn và tính nhỏ nhen của tôi. Hồi đó tôi chưa ý thức được rằng mình rất tự ti trước Yuichi. Đó là một bí mật.
Yuichi nhiệt tình trò chuyện với tôi, nhưng tôi toàn dùng giọng khôi hài để trả lời cậu ta. Điều này thường khiến các bạn cười vỡ bụng. Hễ có chuyện gì lý thú Yuichi đều gọi tôi “Này, cậu ạ...” rồi kể cho tôi biết. Còn tôi thì lại không coi cậu ta là bạn thật sự, tôi chỉ giả vờ cười và trả lời bằng những câu ngớ ngẩn đến không ngờ.
Hoa bìm bìm do Yuichi trồng đẹp và to nhất lớp, cô giáo hơi một tí là khen ngợi còn tôi lại làm ra vẻ coi thường, giống hệt như có một con vật bẩn thỉu muốn chui ra khỏi cơ thể tôi rồi rít lên thật to vậy. Con vật ấy chính là bản tính của tôi.
Một buổi sáng nọ, tôi đến trường sớm hơn mọi ngày, lớp học vắng tanh im
ắng. Có thể thoải mái gỡ bỏ cái mặt nạ mà mình vẫn đeo rồi.
Tôi lập tức nhận ra chậu hoa của Yuichi, vì nó nổi bật giữa những chậu hoa khác. Tôi chăm chú nhìn những nụ hoa xinh xắn sắp nở, vận sức mạnh đen tối trong người rồi ra lệnh:
. Google 𝘁𝙧a𝓃g 𝓃ày, đọc 𝓃gay khô𝓃g quả𝓃g cáo _ 𝙏𝙧ùm𝙏𝙧uy ệ𝓃.𝓥𝓃 _
“Hãy mau khô héo đi. Hãy mau mục rữa đi!”
Tôi hô lên, hai bàn tay đan nhau, lên gân khiến các thớ thịt căng cứng. Mũi tôi chợt ươn ướt, máu cam rỏ xuống nền bê tông tạo thành những đốm đỏ tung tóe giống như màu vẽ.
Những bông hoa lìa khỏi cành rơi xuống đất giống như đầu người bị chém rụng. Vài giờ sau đó, hoa bìm bìm của Yuichi héo quắt, biến thành màu nâu xấu xí. Nhưng Yuichi vẫn không chịu ném bỏ, thế là những con bọ bắt đầu xúm vào
chậu hoa đang bốc mùi thum thủm. Chẳng bao lâu, đất trong chậu hoa nhung nhúc dòi bọ, cô giáo phải đem vứt cả chậu làm Yuichi khóc ầm lên. Hoa bìm bìm của tôi lại trở thành chậu hoa đẹp nhất lớp.
Nhưng tâm trạng sung sướng chỉ kéo dài được mấy chục phút, sau đó tôi không dám nhìn chậu hoa của mình nữa. Nghe mọi người khen, tôi chỉ muốn nút chặt lỗ tai lại.
Từ khi tôi đọc “lời nguyền” dành cho hoa của Yuichi, chậu hoa đẹp đẽ kia như biến thành tấm gương phản chiếu con vật vừa bẩn thỉu vừa đáng sợ nằm trong người tôi vậy.
Tôi vẫn không hiểu sao hoa của Yuichi lại khô héo đúng như mình mong muốn. Khi đó tôi chỉ là đứa học sinh lớp Một, không hề chú ý đến ma lực trong giọng nói của mình. Một đứa nhóc con đang rất tức giận, tôi chỉ khuyên nhủ nó một câu, nó liền lắng dịu xuống ngay. Nếu tôi đưa ra một phản đối, thì đối phương dù là người lớn cũng sẽ lập tức xin lỗi đứa trẻ con là tôi.
Giả sử có con chuồn chuồn đang đậu trên hàng rào trong bãi cỏ, nếu ai đó định thò tay ra bắt thì nó lập tức vỗ đôi cánh gần như trong suốt của mình rồi bay đi mất nhưng tôi chỉ cần ra lệnh “Đứng im!” thì nó giống như say, cựa quậy đập cánh kiểu gì cũng không bay lên nổi.
Kể từ khi bắt hoa bìm bìm héo tàn, tôi liên tục sử dụng “lời nguyền” có ma lực của mình với mọi người.
Hồi học năm cuối tiểu học, gần nhà tôi có người nuôi một con chó. Nó khá to xác, thường đứng trong cửa nhà, hễ ai đi qua thì sủa ầm lên như bắn súng liên thanh.
Cái xích to hằn sâu vào cổ khi nó nhảy bổ về phía người ta, nhưng nó vẫn muốn cắn người. Lông trên mình nó dính bết, da lở loét, ánh mắt ngùn ngụt ý chí chiến đấu. Nó khá nổi tiếng với đám trẻ con xung quanh, lũ trẻ thường thi nhau xem ai dám đứng gần con chó này nhất, và coi đó là thước đo lòng can đảm.
Một hôm tôi đứng trước cổng nhà ấy chăm chú nhìn con chó. Nhìn thấy tôi, nó lập tức sủa ầm lên như đe dọa.
Tôi bèn đọc một câu đầy ma lực: “Không được sủa nhặng lên với tao!”
Con chó kinh ngạc, hai tai động đậy, sau đó nó mở to đôi mắt, không sủa nữa.
“Phục tùng... Phải phục tùng... Phải phục tùng tao...”
Đầu tôi như tóe lửa, máu mũi chảy ra rớt xuống mặt đường nhựa nhưng trong lòng thì vênh váo vô cùng. Tôi muốn chọc con chó đáng sợ này để được các bạn kính nể.
Kế hoạch thành công dễ dàng. Con chó nghe lệnh tôi, nó nâng hai chân trước lên, xoay một vòng. Chỉ cần có thế, tôi đã chiếm được một vị trí trong lớp.
Ban đầu tôi rất hứng thú nhưng dần dần lại nảy sinh cảm giác tội lỗi. Tôi chẳng hề có khả năng thuần phục động vật, chỉ muốn ra vẻ ta đây, ý nghĩ mình đã lừa dối người khác khiến tôi hết sức bất an.
Ánh mắt con chó trước đây rất đáng sợ, từ khi nghe lệnh, nó không dám coi trời bằng vung nữa, chỉ dám len lén nhìn tôi. Tôi đã tước đoạt ý chí chiến đấu của nó. Con chó oai vệ ngày xưa giờ chỉ là con thú nhỏ đứng nhìn tôi như đang ấm ức.
Có thể nói, ma lực trong giọng nói của tôi là vạn năng, nhưng có vài quy tắc. Ví dụ, “lời nguyền” chỉ hiệu nghiệm với động vật, thực vật và côn trùng, không có tác dụng với gỗ đá hay đồ nhựa.
Ngoài ra, sau khi bị tôi “nguyền rủa” thì đối tượng không còn cách nào khôi phục lại trạng thái trước đó. Một hôm tôi và mẹ xảy ra chút va chạm, tôi bèn đưa ra “lời nguyền.”
“Từ nay mẹ không thể phân biệt nổi mèo và xương rồng cảnh nữa?”
Bấy giờ tôi bị kích động, không ý thức nổi mình làm gì. Mẹ đã vào phòng dọn dẹp rồi làm vỡ chậu xương rồng của tôi. Tôi tức điên, nói rằng con rất thích nó, giống như mẹ thích con mèo cưng của mình ấy.
Từ khi mẹ nhầm con mèo là xương rồng rồi chôn, tôi rất hối hận. Lẽ ra tôi nên kiềm chế, dù đã xảy ra chuyện khiến tôi không vừa lòng nhưng việc sử dụng ma lực bừa bãi là một tội lỗi nặng nề. Tôi rất hối hận nhưng tất cả đã muộn.
Tôi đã đọc “lời nguyền” khác cho mẹ, nhưng bà vẫn không thể phân biệt được mèo và xương rồng.
Ma lực trong giọng nói của tôi không chỉ có tác dụng về tinh thần mà còn hiệu quả đối với thể xác. Tôi có thể khiến thân thể động vật biến đổi như đã từng làm hoa bìm bìm héo tàn.
Lên trung học phổ thông, tôi vẫn luôn phải lấy lòng người khác một cách đáng thương và tủi hổ vì bản thân quá e dè nhút nhát. Tôi lo những mối quan hệ xung quanh rạn nứt nên lúc nào cũng phải chú ý không để mình mất giá. Tôi luôn cho rằng khi ai đó nói chuyện tôi thì người ấy đang quan sát tôi và rất có thể, một lúc nào khác họ sẽ bàn tán về tôi với người khác rồi buông lời chế nhạo. Thật đáng sợ! Tôi phải lấy nụ cười để ngụy trang, nhưng lúc nào cũng cảm thấy tồi tệ.
Cha tôi là giảng viên đại học, ông giống như một quả núi ở nơi hoang vu, giá lạnh, không một nhánh cây ngọn cỏ nào sống nổi. Ông luôn đánh giá xét nét hai đứa con, còn tôi thì ngẩng nhìn ông như nhìn một vị thần tiên trên trời. Đối với bất cứ việc gì, cha đều rất nghiêm khắc, sẵn sàng vứt bỏ những thứ không ưa. Hễ ai làm không đúng với kỳ vọng, ông liền tẩy chay, dù người đó xuất hiện trước mặt, ông cũng chỉ coi như con muỗi, chẳng thèm nhìn.
Tôi lén cha mua một cái máy chơi game mini rẻ tiền chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay, lũ học sinh tiểu học đều có. Cha rất ghét các trò chơi điện tử, nếu biết chuyện, chắc ông sẽ rất thất vọng về tôi, cho rằng ngay đứa con lớn của mình cũng phản bội mình. Thoáng nghĩ thế thôi là tôi thấy sợ.
Em trai tôi thì khác. Nó chỉ thích làm những điều nó muốn, thích chơi game thì ra quán chơi, không thích học thì bẻ gãy luôn bút chì. Nó sống trong nỗi thất vọng của cha tôi. Nhưng tôi thì khác, tôi không muốn cha bực mình, tôi rất chăm học, ăn mặc giản dị chỉnh tề. Người khác hay đánh giá tôi là người tốt, cởi mở, trong sáng. Nhưng thực ra đó chỉ là bề ngoài, bên dưới lớp vỏ bọc lấp lánh là một tâm hồn tối tăm.
Một hôm tôi đang lén chơi game trong phòng riêng thì cha bất ngờ đẩy cửa bước vào, chẳng khác gì cảnh sát xông vào hiện trường phạm tội. Ông giật lấy cái máy, lạnh lùng nhìn tôi.
“Con dám làm chuyện này ư?” Giọng ông vô cùng thất vọng.
Từ khi nhìn thấy thằng em Kazuya của tôi chơi game, ông đã ruồng bỏ nó, chỉ coi nó như một thứ đồ thừa, từ bỏ luôn ý định bồi dưỡng nó thành đứa con ngoan phù hợp với lý tưởng của ông, chính vì thế ông kỳ vọng rất lớn về thằng anh nó là tôi. Khi nhìn thấy tôi chơi game, ông còn tức hơn tôi dự kiến.
Nếu là mọi ngày thì có lẽ tôi đã khóc và xin cha tha thứ cho, nhưng vào lúc đó, tuy phản ứng ngao ngán của ông khiến tôi bị sốc, thì tôi vẫn thấy thật vô lý: tại sao thằng em tôi được tự do chơi game còn tôi thì không? Ý nghĩ uất ức này choáng hết tâm trí tôi, chỉ vì nhìn thấy tôi chơi điện tử mà cha phủ định nhân cách của tôi á!
Khi định thần lại, tôi thấy mình đang cố giằng chiếc máy chơi game từ tay cha. Bấy lâu nay tôi vẫn đeo cái mặt nạ gọi dạ bảo vâng, đây là lần đầu tiên tôi phản kháng. Nhưng cha vẫn quyết nắm chặt nó. Thế là tôi dồn sức mạnh vào giọng mình, nói luôn:
“Những ngón tay này, rơi ra đi!”
Mạch máu mũi của tôi đứt phựt. Cái máy rơi xuống đất, mấy ngón tay của cha rời ra theo rồi lăn xuống bên chân tôi, máu từ bàn tay cụt ngón của ông chảy ròng ròng đỏ lòm cả một mảng sàn, lẫn với ít máu mũi của tôi.
Cha đau đớn kêu lên. Còn tôi thì bình tĩnh ra lệnh, “Cha hãy im lặng, trước khi con cho phép không được lên tiếng.” Cha tôi im bặt, nhưng mắt ông mở rất to nhìn những ngón tay mình nằm dưới sàn nhà.
Tôi thấy ghê ghê nhưng vẫn cố hết sức hít thật sâu để ngăn máu mũi chảy ra và nghĩ xem mình nên làm gì. Những ngón tay của cha không thể trở về bàn tay được nữa bởi lời nguyền của tôi chỉ có hiệu lực một chiều.
Hết cách rồi, tôi đành ra lệnh “Không được tỉnh lại trước khi con gọi!” nhằm khiến ông tạm thời mất ý thức.
Theo kinh nghiệm của tôi trước đây, lời nguyền vẫn hiệu lực đối với người đang ngủ. Tôi không dám để cha thấy tôi nguyền, nên muốn ông tạm ngất đi một lúc cho dễ bề hành động.
Tôi ghé tai ông, nói, “Vết thương tay trái, hãy bình phục. Sau khi tỉnh lại thì quên hẳn chuyện gì đã xảy ra trong phòng này.” Chỉ lát sau, các vết thương trên tay trái của cha đã kéo da kín mít, máu không chảy nữa.
Tôi cần làm cho cha cảm thấy tay trái mình thiếu ngón là điều rất bình thường, và những ai nhìn thấy tay ông không có ngón thì cũng không lấy làm lạ.
Tôi bèn suy nghĩ xem phải làm gì để đạt được những yêu cầu này. Tôi đã có khả năng tác động đối tượng bằng năng lực ngôn ngữ, nhưng tôi phải làm gì để khiến cho mọi người dù không nghe thấy mệnh lệnh của tôi đều cảm thấy bàn tay không ngón là chuyện bình thường?
Tôi hạ quyết tâm, dùng giọng nói đặc biệt của mình nói ra những câu sau đây:
“Lát nữa tỉnh lại, trông thấy tay trái của mình không có ngón, cha phải cho rằng đây là trạng thái bình thường. Tay trái của cha, phải khiến bất cứ ai nhìn vào đều cho là bình thường.”
Cách này không tác động đến những người không nghe thấy giọng nói của tôi, nhưng sẽ giúp bàn tay cha gây ấn tượng tự nhiên cho tất cả những người trông thấy nó.
Tôi lau chùi các vết máu, dùng khăn giấy gói các ngón tay của cha lại rồi nhét vào ngăn kéo bàn học. Quần áo cha đầy máu nhưng tôi sẽ đọc “lời nguyền” để cho mọi người không nhìn thấy chúng.
Tôi vừa dìu cha ra khỏi phòng thì chạm trán Kazuya, nó cực kỳ kinh ngạc vì chưa bao giờ nhìn thấy tôi dìu cha cả. Nó bước vào phòng tôi, bắt gặp cái máy chơi game trên sàn nhà liền “hừ” một tiếng và hình như còn cười khẩy.
Giờ ăn tối, cha tôi ăn một cách vất vả vì tay trái không thể bưng bát lên, tuy thế sắc mặt ông vẫn rất tự nhiên, khiến tôi quên hẳn sự việc ban nãy. Bàn tay trái của ông tròn, nhẵn thín, dù chẳng ai có ý kiến gì, nhưng tôi nhận ra Kazuya đang cười thầm tôi. Tôi biết tính nó, định chế nhạo ai thì chế nhạo luôn. Tuy chúng tôi học cùng trường, nó học dưới tôi một lớp nhưng tôi không thể nào sống theo cách của nó được.
Ở trường, nó ung dung đi đi lại lại ở hành lang cùng đám bạn, quan hệ rất rộng, còn tôi chỉ biết cô đơn đứng một góc. Đầu óc tôi bẩm sinh đã hay tính toán này khác, thầy cô giáo nói tôi hòa đồng, vui vẻ nhưng tôi chưa bao giờ có một người bạn thật sự. Có nhiều người trò chuyện thân thiết với tôi, có lẽ họ coi tôi là bạn tốt nhưng tôi không thể mở lòng với bất cứ ai, thậm chí còn nhìn họ với ánh mắt xa lạ.
Em tôi thì trái lại, nó không như tôi - một kẻ “luôn cố thể hiện mình tốt đẹp” và phải ra sức pha trò để che đậy bản chất. Kazuya rất thẳng thắn, về điểm này thì nó lành mạnh hơn hẳn tôi.
Nhưng tôi lại được lòng mọi người hơn thằng em, có lẽ do cái mặt nạ hiền hòa dễ chịu. Nếu Kazuya vì thế mà tự ti thì đó là lỗi của tôi. Tôi rất muốn xin lỗi nó, nhưng mối quan hệ của chúng tôi không đủ chân thành để có thể giãi bày mọi điều. Đáng buồn hơn là khi ở trường, tôi và nó thường ngó lơ nhau.
Tất cả là tại tôi. Tôi tự biết những ý nghĩ xấu xa trong lòng mình. Tôi luôn nghe lời cha mẹ, cố gắng học để đạt điểm cao và giành được sự tín nhiệm của mọi người xung quanh. Em trai coi tôi như một thứ rác rưởi, không đáng để tiếp xúc và luôn ngầm lên án tôi.
Mỗi khi tôi yên dạ vì đang cố lấy lòng ai đó, nó lại ngẫu nhiên đi qua và ném cho tôi ánh mắt khinh bỉ, chế nhạo bộ dạng đáng cười của tôi. Tôi bỗng cảm thấy như đất trời sụp đổ, mọi âm thanh ầm ầm dội vào tai.
Có mấy nam sinh đang đứng chắn trước máy bán hàng tự động trong trường, họ không định mua gì, chỉ đứng đó tán chuyện. Tôi muốn mua đồ nhưng lại không muốn làm phiền họ; nếu tôi đưa ra yêu cầu, họ sẽ vui vẻ tránh ra và nhường chỗ cho tôi hay sẽ tỏ vẻ khó chịu? Bấy giờ tôi nên làm gì? Tôi đành đứng cách xa cái máy bán hàng tự động, giả bộ đọc những tờ báo tường nhạt nhẽo vô duyên.
Lúc này Kazuya bước lại gần, nó không do dự gạt mấy cậu kia sang bên, nhét tiền xu vào máy rồi cầm lon nước uống quay ra. Thấy tôi, nó dường như thừa biết tại sao tôi lại đứng đọc báo tường, liền mỉm cười đầy ngụ ý rồi khệnh khạng bước đi.
Đúng là Kazuya đã biết bí mật về tôi. Nó biết thằng anh rất được hoan nghênh, rất nghiêm chỉnh, cư xử rất tốt với mọi người của nó kỳ thực là một thằng giả tạo, hời hợt, rón rén vô lối, đến nỗi không đủ can đảm để mở lời với mấy cậu học sinh đang đứng chắn ngang cái máy bán hàng tự động.
Chẳng rõ bắt đầu từ khi nào, dù ở trường hay ở nhà, hễ hai anh em chạm mặt nhau thì tôi luôn toát mồ hôi hột. Tôi sợ vì Kazuya biết bản chất của tôi. Rất có thể nó không coi tôi là anh mà chỉ là một con bù nhìn đáng khinh.
Nói chung, tôi rất ít cơ hội nói chuyện với Kazuya, nhưng sáng nay, ngồi cùng bàn ăn sáng với nhau thì dạ dày tôi nhộn nhạo, lòng tôi khổ đau. Dưới ánh mắt khinh miệt của nó, tôi gần như không biết trốn vào đâu, lòng bàn tay nhớp mồ hôi không cầm nổi đũa. Nhưng như bao ngày khác, tôi vẫn giả vờ vui vẻ, tươi cười nói chuyện với cha mẹ và ăn uống ngon lành. Kỳ thực, từng miếng cơm đắng ngắt trong miệng tôi.
Đêm đến tôi không ngủ được, luôn trằn trọc trở mình, toàn gặp ác mộng. Hễ nhắm mắt lại là tôi thấy hiện ra mấy khuôn mặt, họ đều khinh khỉnh đứng nhìn tôi như kiểu thằng em tôi, còn tôi thì dập đầu lia lịa nhận tội với họ. Những lúc tôi tỉnh dậy rồi suy nghĩ lung tung đủ thứ, tôi cảm thấy trong phòng có rất nhiều cặp mắt đang phán xét mình. Lúc này tôi chỉ ước giá như được chết luôn cho xong.
Nếu trên đời không còn ai, tôi sẽ không còn đau khổ nữa phải không? Tôi phải lấy lòng họ bởi tôi sợ hãi sự tồn tại của họ. Bị người khác ghét, coi thường, chế nhạo, nỗi đau mà tôi không chịu đựng nổi. Để trốn tránh những điều này, tôi phải tự nuôi dưỡng trong lòng mình một con vật xấu xa. Nếu trên đời này không còn ai khác, tôi sẽ nhẹ nhõm biết mấy!
Không, tôi không thể chịu đựng được ánh mắt châm biếm hoặc thất vọng của người khác. Không sao chịu nổi. Tôi phải nghĩ xem mình nên làm thế nào để mọi người không nhìn thấy tôi nữa.
Tôi đã nghĩ ra một “lời nguyền” rằng, “Sau một phút nữa, hình ảnh về tôi sẽ biến mất khỏi đôi mắt anh.” Sau đó tôi lại nói một lời nguyền khác, “Sau khi mắt anh không nhìn thấy tôi nữa, mọi người nhìn vào mắt anh sẽ không nhìn thấy tôi.”
Sách lược của tôi vẫn là dựa vào ma lực của giọng nói. Tôi làm cho người thứ nhất không bao giờ nhìn thấy tôi nữa, khi anh ta nhìn vào mắt người thứ hai thì mắt người này không có hình ảnh về tôi. Khi người này tiếp xúc với người
khác thì võng mạc người ấy không thể xuất hiện hình ảnh về tôi. Tình hình này sẽ liên tục lặp lại. Mỗi khi thị giác của ai đó dính lời nguyền và nhìn vào mắt người khác độ trong suốt của tôi sẽ tăng lên. Dần dần, tôi sẽ trở thành người hoàn toàn trong suốt. Bấy giờ tôi sẽ mãi mãi yên tâm mà sống.
Tuy nhiên, trước khi thực hiện việc này tôi cần giải quyết một vấn đề, đó là phải tách mình ra khỏi xâu chuỗi liên hoàn này, nếu không thì lúc soi gương tôi sẽ không trông thấy chính mình nữa.
Một buổi tối, con chó ấy chết, tức là con chó mà hồi học tiểu học tôi đã đưa ra “lời nguyền” với nó nhằm đạt được chút hư vinh tầm thường. Mỗi lần nhìn thấy tôi, nó đều rất sợ hãi nên tôi chưa bao giờ yên tâm về nó.
Nghe cha mẹ nói, tôi mới biết tin con chó ấy đã chết. Tôi lập tức đến căn nhà đó. Con chó to đùng và hung dữ ngày nào đang nằm bất động trên nền bê tông. Tôi ôm nó, bật khóc. Không hiểu sao tôi bỗng cảm thấy rất xót xa. Nhà chủ đã tránh đi để tôi ngồi lại bên con chó.
Tôi vận hết sức lực, phát ra những âm thanh run run, ra lệnh cho con chó sống lại. Nhưng nó không động đậy, chỉ thấy mấy nhúm lông lá trên mặt đất bị gió thổi đi. Tôi muốn thể hiện nên mới đọc “lời nguyền”, nhưng vô hiệu.
Rõ ràng tôi không thật lòng thương xót con chó mà chỉ đang gắng hết sức để làm giảm nhẹ tội lỗi của mình mà thôi.
Tôi lại nhìn mặt con chó, nhận ra hình như cuối cùng nó đã trút được gánh nặng, yên lành nhắm mắt. Thật đáng ngưỡng mộ. Cái chết, đồng nghĩa với sự giải phóng.
Có một đêm, khi tôi tỉnh ra thì thấy mình đang đứng giữa phòng mà khóc, nắm con dao khắc gỗ trong tay, toàn thân đầm đìa mồ hôi và đang luôn miệng lặp đi lặp lại “Xin lỗi xin lỗi...” Có lẽ tôi định cứa cổ tay nhưng rồi sực tỉnh.
Tôi nhìn cái bàn gỗ, trên mặt bàn có một vết dao rạch, dưới chân bàn có một nhúm mùn gỗ sùi lên. Tiến gần hơn thì thấy cái bàn bốc ra mùi thum thủm như mùi chuột chết.
Tôi bèn mở ngăn kéo. Có năm ngón tay đã thối rữa gói trong tờ khăn giấy. Nhìn mấy sợi lông mọc trên đó, tôi mới nhớ ra đây là những ngón tay của cha. Hôm ấy tôi quá bối rối nên đã quẳng chúng vào ngăn kéo và quên khuấy đi mất. Vì tôi tự nhủ rằng: tay trái cha không có ngón là lẽ tất nhiên, giống như mặt trời lặn ở phía Tây vậy. Thế là tình tiết năm ngón tay cũng tan biến khỏi trí nhớ của tôi.
Tôi đem năm ngón tay ra vườn, chôn thật sâu. Nhưng mùi thum thủm ám trên cái bàn thì không tan, trái lại còn ngày càng nồng nặc hơn. Tôi có cảm giác cái ngăn kéo có liên hệ với một thế giới khác, mùi thịt thối rữa này không ngớt bay đến từ thế giới tăm tối ấy.
Vết dao khía trên mặt bàn ngày càng nhiều lên. Thoạt đầu là một vết, vài hôm sau thành hai vết, mấy tuần sau biến thành gần chục vết. Nhưng tôi không hề nhớ mình đã từng cầm dao rạch lên đó.
Sáng ra thức dậy, nỗi khổ đau của tôi lại bắt đầu.
Tôi bắt đầu có những cảm giác quái lạ. Người nấu bữa sáng cho tôi, người đặt tay trái lên tờ báo để gió không thổi lật đi mất, đều không phải người mà chỉ là con rối gỗ, lên tàu điện đi đến trường t hì người soát vé, người ngồi quanh tôi, những người tôi gặp ở sân trường, trông đều không phải là sinh vật. Tôi cảm thấy họ đều không biết suy nghĩ, giống như cái bàn đánh bi-a đã được thiết kế bóng va vào thành cao su thì sẽ bật trở lại, những phản ứng kiểu như thế không ngừng tái diễn. Da dẻ họ được thiết kế rất tinh xảo nhưng bên dưới nó là những linh kiện được chế tạo thủ công.
Cứ như thế, tôi tươi cười với họ vì không muốn bị họ bỏ rơi. Với người nấu bữa sáng cho tôi, tôi ăn hết không bỏ thừa, đối đáp ngoan ngoãn như muốn thể hiện rằng tôi rất hiểu nỗi vất vả của người ấy. Khi đi tàu điện tôi thể hiện mình là hành khách đứng đắn mẫu mực, để thẻ ở chỗ nổi bật để các nhân viên soát vé dễ thấy. Khi đến trường, tôi thường lặng lẽ thay hoa trong lọ, như muốn nói với các bạn rằng “Lớp ta cần con người như tôi, xin các bạn đừng tẩy chay tôi”. Tôi ra vẻ cắm hoa thật tự nhiên, khiến mọi người cảm thấy đây là cá tính vốn có của tôi chứ không phải tôi giả bộ làm thế.
Càng nặn ra nhiều nụ cười tươi sáng, tâm hồn tôi càng trống vắng và ngày càng thêm sợ thằng em. Hộp sọ nhỏ bé của mọi người dù có tư duy phong phú đến mấy cũng chẳng quan tâm đến việc của tôi, chỉ riêng thằng Kazuya làm tôi hoảng loạn. Tôi thậm chí không nghe thấy hơi thở của mọi người nhưng hình ảnh của Kazuya lại hiện lên trong đầu tôi rất rõ.
Kazuya không nói thẳng ra nhưng nó cứ nhếch mép cười khẩy, điệu cười dành cho cái nhân cách nực cười của tôi. Đây là điều tôi sợ nhất trên đời. Nét cười của nó cứ đeo bám tôi như một hồn ma, không ngừng khiển trách khiến tôi vô cùng khổ sở. Mỗi khi đi lên cầu thang trong trường, nếu xung quanh không có ai, tôi sẽ hít thở rồi đập đầu vào tường. Tôi đã làm thế mấy lần. Điều quan trọng không phải vì thằng em rất đáng ghét mà là vì chính tôi không thể tự tha thứ cho mình.
Nhưng rõ ràng, nguồn cơn mọi đau khổ của tôi là Kazuya. Ý nghĩ này khiến tôi muốn giết nó.
Tôi ấn nút dừng của máy ghi âm, tua lại từ đầu băng, nghe lại những nội dung vừa rồi. Người tôi run rẩy. Mắt tôi trào lệ, nhìn mọi thứ đều nhạt nhòa không rõ, cầm chặt con dao khắc và rạch mạnh thêm một vết nữa trên mặt bàn.
Người đầm đìa mồ hôi, tôi cau mày vì một thứ mùi kinh tởm bay vào mũi, đưa đến cho tôi vô vàn tưởng tượng: có những thứ đang thối rữa bởi vô vàn vi sinh vật từ thế giới bao la vô tận ngoài kia, mùi thối tha xộc đến theo cuồng phong gào thét...
Lòng tôi dâng trào một thứ tình cảm không thể kìm nén, tôi ngồi bên mép giường gục mặt vào hai cánh tay mà khóc, vẫn nắm chặt con dao khắc.
...
Lúc tỉnh lại, tôi thấy mình ngồi bên mép giường, con dao trong tay. Tôi vẩy tay như hất bỏ một con sâu róm, con dao rơi xuống sàn. Tôi nhìn thấy trên mặt bàn có rất nhiều vết rạch. Phải đến hơn hai chục vết.
Có thể là tôi đã rạch, nhưng tôi không nhớ ra.
Hình như trí nhớ của tôi bị ai đó tác động và quên mất một chuyện rất quan trọng, rất đáng sợ. Tâm trạng nặng nề bất an, tôi nhìn xuống con dao khắc. Mũi dao nhuốm một thứ tà khí khiến người ta phát điên.
Sau bữa cơm tối, Kazuya nằm ườn trên thảm trải sàn ở phòng khách xem bóng chày, một tay kê dưới đầu, tay kia cầm hoa quả nhấm nháp. Nó giơ chân lên rồi co lại duỗi ra liên tục, ngực phập phồng theo mỗi động tác.
Phải giết nó.
Tôi ngồi trên ghế trong phòng của mình, chờ lúc đêm khuya. Ngăn kéo bàn vẫn bốc ra mùi thịt thối. Hai bàn tay đan nhau của tôi run lên bần bật, không hề kiềm chế được.
Tôi nhắc mình, phải giết nó, không được do dự.
Nếu không kết liễu nó thì tôi coi như tàn đời. Ánh mắt nó xuyên thấu da thịt tôi, tiếng cười nhạo của nó văng vẳng bên tai tôi. Tôi nhắm nghiền mắt, cố hết sức bịt chặt hai tai, nhưng hình như thằng Kazuya vẫn đang chỉ vào mặt tôi, la lối vạch trần tâm địa đen tối của tôi.
Để sống yên ổn, tôi chỉ có hai lựa chọn: hoặc là đến một miền đất hoang vu, hoặc là thằng Kazuya phải biến khỏi cõi đời này.
Vài giờ trôi qua, đồng hồ đã chỉ gần nửa đêm. Tôi ra khỏi phòng mình, cảnh giác, rón rén đi trên hành lang, tiến về phía phòng Kazuya. Bước đến cửa phòng nó, đèn hành lang hắt bóng tôi trải dài trước mặt. Tôi nhìn bóng mình vẫn là hình người, tâm trạng rất phức tạp.
Tôi áp tai vào cửa, xác định nó đã ngủ say liền đặt tay vào tay nắm cửa giá lạnh, hé ra một khe hẹp rồi nín thở lẻn vào trong. Phòng tối om nhưng tôi không thể bật đèn, chỉ quan sát nhờ ánh đèn hành lang.
Đống chăn của Kazuya lùm lùm, nó đang nằm trên giường. Tôi nhẹ nhàng tiến lại bên giường, cúi nhìn thằng em đang ngủ say. Ánh sáng hắt qua khe cửa bị lưng tôi cản lại, bóng đen trùm lên người nó. Tôi ghé miệng sát tai nó, định đọc một “lời nguyền” chết chóc.
Đúng lúc này Kazuya trở mình, cái giường phát ra tiếng kèn kẹt, còn nó thì khẽ ú ớ như sắp thức giấc. Rồi hé mắt.
Nó nhìn ra cửa phòng đang mở và ánh đèn bên ngoài hắt vào, sau đó phát hiện ra tôi đứng bên giường.
“Sao thế, anh?”
Nó nghiêng đầu nhìn tôi, thân thiết hỏi. Hai tay tôi bóp chặt cổ Kazuya. Đôi vai mảnh khảnh của nó gồng cứng vì kinh ngạc. Tôi vận hết sức lực, rít to: “Mày chết đi cho tao nhờ!”
Kazuya giơ hai tay lên như cầu cứu, mắt nó đầy sợ hãi. Nhưng có gì đó không ổn. Mọi ngày nếu tôi đưa ra “lời nguyền” thì ở sâu trong mũi tôi, mạch máu sẽ đứt “bép” một tiếng rồi máu tuôn ra. Lần này thì không.
Tôi buông hai tay ra khỏi cổ Kazuya, kỳ lạ quá, nó không họ hàng không căn vặn gì tôi. Như không có chuyện gì xảy ra, nó lại nhắm mắt như thể vừa kết thúc một giấc mơ. Lúc bước ra khỏi phòng, tôi ngoái đầu nhìn lại, nó đã ngủ rất ngon lành.
Một tiếng “tạch” vang lên trong đầu tôi như chiếc dây cót lên căng rồi nhả ra, tôi chạy ào về phòng mình. Nhìn lên mặt bàn, thấy chiếc máy ghi âm mini mà lúc trước tôi không để ý tới. Đó là loại máy rất rẻ tiền, bên cạnh là mấy cục pin dự phòng, giắc không cắm, có lẽ chạy bằng pin lắp sẵn trong máy. Sao tôi không chú ý đến những thứ này nhỉ? Không bình thường chút nào.
Trong máy đang có một cuộn băng. Mình phải nghe cuộn băng này.
Như bị ai đó ra lệnh, tay tôi vô thức ấn nút phát lại.
Nhìn qua mặt nhựa trong suốt, băng đang quay, âm thanh đang phát qua loa là giọng nói run run vì căng thẳng của tôi.
Sự việc bỗng trở nên phức tạp.
Tôi không hình dung được mình đã phát cái băng này bao nhiêu lần. Người đang nghe băng này chính là tôi của vài ngày sau, hoặc vài năm sau.
Khi nghe băng này, chắc chắn tôi đã quên những điều đã xảy ra. Nhưng tôi đã ghi âm một số “lời nguyền” cần thiết, để có thể quên hết tất cả và sống cuộc sống bình thường.
Cuốn băng này là dành cho chính “tôi”. Khi đã quên đi tất cả đã sống bình thường, tôi phải nghe lại để biết mình từng làm những chuyện gì.
Việc anh muốn nghe băng là lẽ thường tình, vì tôi đã ghi ở cuối băng một đoạn “lời nguyền”:
“Khi định giết ai đó hoặc định tự sát, anh sẽ phát hiện thấy một chiếc máy ghi âm bỏ túi mà bấy lâu nay anh không chú ý đến, sau đó anh sẽ muốn mở cuộn băng bên trong và nghe lại.”
Có lẽ anh đang định giết người hoặc đang định tự sát bằng một cách nào đó, tôi không biết chính xác.
Nhưng anh đang nghe băng, chứng tỏ tâm trạng của anh phù hợp với một trong những điều đó. Điều này chứng tỏ anh chưa có được cuộc sống yên ổn, vì thế mà anh buồn bã.
Tuy nhiên tôi phải nói với anh điều này: anh không cần thiết phải giết ai khác hoặc tự sát. Lý do rất đơn giản tất cả mọi người cùng sống với anh - cha mẹ anh, em trai anh, bạn cùng lớp, thầy cô giáo và cả những người anh chưa từng gặp - không còn trên đời này nữa. Có thể chỉ còn vài người sót lại thôi, trong đó có anh.
Ngày trước tôi từng suy nghĩ về vấn đề này, nếu hình ảnh của tôi không xuất hiện trong mọi cặp mắt trên thế giới này nữa, thì tôi nên làm gì? Chắc anh vẫn còn nhớ.
Vào buổi sáng sau hôm con chó kia chết, tôi vẫn nặn ra nụ cười xấu xa như mọi khi. Kazuya dụi mắt, mẹ bưng đĩa trứng ốp la đặt xuống trước mặt nó. Tôi ngồi cạnh cha, cha đang cau mày đọc báo, khi giở sang trang khác thì góc tờ báo đụng vào tay tôi. Bật ti vi thì gặp ngay mục quảng cáo bột giặt thơm mát. Tôi bỗng cảm thấy không chịu đựng nổi nữa, tôi muốn giết hết tất cả mọi người.
Và thế là, tôi đã đưa ra “lời nguyền” này:
“Sau một giờ nữa, đầu các người sẽ lìa khỏi cổ.” Kèm với một mệnh lệnh:
“Khi đầu các người lăn xuống đất rồi, hãy truyền lại lời nguyền trên đến tất cả những ai nhìn thấy các người.”
Đương nhiên tôi phải loại trừ bản thân khỏi lời nguyền. Đồng thời tác động đến ký ức của những người bị nguyền, để họ không nhớ gì về việc đã nghe lời nguyền của tôi.
Sau đó tôi ra khỏi nhà.
Một tiếng đồng hồ sau khi tung ra lời nguyền, tôi đang có mặt ở trường. Lớp học của Kazuya bỗng trở nên hỗn loạn, khi chạy sang, tôi nhìn thấy đầu nó nằm dưới đất đám học sinh và các thầy cô đang vây quanh vũng máu, ai nấy mặt mày tái nhợt.
Đó là cái đầu có ma lực, ai nhìn thấy nó thì sẽ chết sau một giờ nữa. Tôi lách khỏi đám đông đang gào thét, bước ra. Chắc lúc này tình hình xung quanh cha mẹ cũng tương tự.
Lại một giờ nữa trôi qua. Trước xe cảnh sát và đám đông dân chúng, đầu của mấy chục người từng nhìn thấy cái đầu của Kazuya trên mặt đất đều đồng thời rụng như sung, lăn lông lốc. Cả đống đầu người đột ngột văng ra khắp nơi, không ai kịp kêu một tiếng. Số người chứng kiến cảnh này đông gấp trăm lần.
Đám đông kinh hoàng và hỗn loạn. Máy quay phim của đài truyền hình đã đến hiện trường, những cái đầu sẽ rơi sau một giờ nữa kiểu gì cũng lọt vào chương trình phát sóng trực tiếp. “Lời nguyền” của tôi sẽ lan truyền qua màn hình để lấy đầu vô số người.
Chập tối hôm đó, phố phường im phăng phắc, vạn vật đổ bóng thật dài dưới ánh hoàng hôn. Tôi bước đi trên con đường nhuộm tà dương đỏ rực, nồng nặc mùi máu tanh, xác người nằm la liệt khắp nơi. Lời nguyền của tôi còn có tác dụng đối với động vật, côn trùng, bởi vậy xác chó, mèo, gián không đầu nằm đầy mặt đất.
Hình như có rất nhiều nơi xảy ra tai nạn giao thông, khói đen đang bốc lên ở bốn phương tám hướng. Hầu như toàn bộ ti vi đều mất tín hiệu, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn thấy một người dẫn chương trình không đầu nằm gục trên bàn.
Chẳng mấy chốc, đèn điện trên đường phố đều tắt ngấm, chắc là nhà máy điện không còn người vận hành nữa. Toàn thế giới đều như vậy.
Mình tôi bước đi trên đường phố tối đen. Chắc chắn ngoài tôi ra, các sinh vật khác đều đã chết sạch. Đâu đâu cũng có xác người, mặt đường bẩn thỉu vô cùng.
Những chiếc ô tô đâm vào nhau vẫn đang nghi ngút khói đen. Trong một chiếc xe có người chết trên ghế lái, đầu vẫn liền với thân. Có lẽ người ấy chết vì tai nạn giao thông trước khi nhìn thấy đầu ai khác rơi xuống đất.
Trên bầu trời tĩnh lặng thấp thoáng những đốm sao. Ngồi trên cầu vượt bắc ngang qua đường, tôi ngẩng nhìn bầu trời. Kỳ lạ thay, tôi chẳng hề cảm thấy lương tâm cắn rứt. Nhưng sau khi tôi gặp một phụ nữ thì khác.
Lúc ấy, tôi bỗng nghe thấy tiếng bước chân ở đâu đó vọng đến, rất nhẹ, lẫn với tiếng kêu cứu. Tôi nhìn xuống bên dưới. Một chiếc xe gặp nạn vẫn đang bốc cháy, ánh lửa soi rõ một phụ nữ trẻ đang run rẩy bước đi.
Không thể tin được. Tôi liền cất tiếng gọi.
Nghe thấy âm thanh của con người, vẻ mặt cô tỏ ra yên tâm, rồi cô ta ngẩng đầu về hướng tôi đang ngồi.
Tôi lập tức hiểu ra lý do cô vẫn còn sống. Vì cô là một người mù. Một con người bất hạnh.
Toàn thân run bắn, tôi liền quay đầu bỏ chạy như điên. Lòng tôi ngập tràn cảm giác tội lỗi, nhưng thế giới này không thể trở lại như trước được nữa.
Tôi đau khổ suốt một thời gian dài giữa vô vàn xác người rữa nát, không sao chịu đựng nổi.
Rồi tôi quyết định phải quên đi tất cả. Tôi bắt mình phải sinh ra những cảm giác sai lệch để phớt lờ thực trạng, quên đi miền đất bao la chìm trong chết chóc để tiếp tục sống trong cái thế giới ngày trước. Tôi quyết định ghi vào cuốn băng này “lời nguyền” cuối cùng:
“Mỗi khi cầm con dao khắc rạch một vết trên mặt bàn, anh sẽ cảm thấy mình đang sống trong thế giới bình thường ngày trước. Ăn, ngủ, giữ sức khỏe, duy trì hoạt động của sự sống, những điều này không ảnh hưởng đến ý thức của anh. Anh phải cho rằng mình vẫn đang sống như trước kia.”
Tôi còn tính cả đến việc loại cái bàn trong phòng tôi ra khỏi các điều kiện, nên tôi lại đưa ra “lời nguyền” như sau: “Các giác quan của anh không đánh lừa nổi cái bàn.” Tức là, dù tôi sống cuộc sống ảo tưởng thì cái bàn vẫn gắn liền với thế giới hiện thực.
Có phải khi nghe cuốn băng này, anh thấy rất hối hận và muốn quên đi tất cả một lần nữa, để trở lại chính mình trước lúc nghe băng không? Nếu đúng là thế thì anh chỉ cần rạch một vết trên mặt bàn là được.
Cái bàn là thật chứ không phải ảo giác của anh. Anh có thể đếm những vết rạch để biết mình đã nghe băng và tự xóa trí nhớ bao nhiêu lần. Hiện nay trên mặt bàn đã có bao nhiêu vết rạch rồi?
Phần sau của cuốn băng này còn có một đoạn tự bạch. Hình như ngày ấy tôi muốn thông qua cuốn băng để đưa ra “lời nguyền” tác động đến trí nhớ của chính mình.
Tôi cúi sát mặt bàn rồi ngửi. Từ những vết rạch, từ trong ô ngăn kéo, bốc ra thứ mùi khắm thối ẩm ướt. Thế giới hiện thực chỉ còn là thứ mùi thum thủm phả vào thế giới mình tôi nhìn thấy.
Tôi ngồi ở một phía đầu giường, tưởng tượng. Trong cái thế giới đầy mùi thối rữa này, chỉ có mình tôi mặc đồng phục học sinh đi học. Bước đến cửa ga tàu điện, tôi giơ cao tấm vé thể hiện mình là hành khách không gian, rồi ngồi trên tàu điện lắc lư theo đường cũ đến trường. Tôi giẫm lên vạn vật đã mục nát, lặng lẽ đi qua cổng trường.
Tôi giả vờ tươi cười bước vào lớp học chưa quét dọn vệ sinh để không bị ai ghét bỏ. Ngồi trong lớp, tôi mơ một giấc mơ, mơ thấy các bạn đang nói cười inh ỏi, thầy giáo bực mình yêu cầu giữ trật tự. Nhưng thực tế là tôi đang ở trong một lớp học chết, ngồi đúng chỗ của mình. Đầu tóc tôi bù xù, ánh mắt trống rỗng, nhưng vẫn cố thể hiện nét mặt tươi tắn. Càng làm thế, tôi càng giống một loài động vật. Không còn là con người.
Có người gõ cửa phòng, tôi đáp lại. Mẹ đẩy cửa, tay ôm chậu hoa bìm bìm. “Con vẫn thức à? Mau ngủ đi chứ?”
Mẹ nói rất tự nhiên. Như thể bà vẫn đang sống, nhưng thật ra tất cả đã chết rồi.
Trên đời này chỉ còn lạ mình tôi. Nghĩ đến đây, lòng tôi thắt lại.
“Tay con đang lau nước mắt đấy ư? Sao vậy? Trong người khó chịu à?”
Tôi lắc đầu, thì thầm lời xin lỗi. Tôi khóc không phải vì mệt mỏi mà vì cảm giác yên tâm. Cuối cùng tôi đã đến với thế giới chỉ có mình tôi mà đêm đêm hằng mơ thấy.
Cõi lòng tôi tĩnh lặng trở lại.