Lưu Công Kỳ Án

Chương 29: Trước ngôi mộ, ngô cử nhân bị truyền



Lưu đại nhân còn chưa dứt lời, hai viên thừa sai đã ứng tiếng bước ra, quỳ xuống, nói:

- Không biết đại nhân truyền gọi bọn tiểu nhân có điều gì chỉ dạy?

Lưu đại nhân nói:

- Hai ngươi mau tới hẻm Thúy Hoa trong huyện Thượng Nguyên truyền gọi chủ nhân ngôi mộ này là Ngô cử nhân tới đây Bản phủ sẽ ở đây đợi.

- Dạ.

Hai người ứng tiếng, đứng dậy đi về hướng cổng Tụ Bảo. Chuyện của hai người này, ta tạm thời không kể ra đây.

Lại nói chuyện bảo chính Lưu Khả Dụng thấy Lưu đại nhân đứng lại trước ngôi mộ muốn xử lý vụ này. Ông cũng không dám chậm trễ, vội đi chuẩn bị trà nước cùng bàn ghế bày ra đó làm án đường. Lúc này Lưu đại nhân mới ngồi xuống. Đại nhân thầm nghĩ: "Nhìn cảnh mộ địa này, chắc hẳn nhà này trước đây phải có mấy đời làm quan. Tổ tiên nhà này đã làm quan, con cháu người ta sao có thể gây ra nhũng chuyện loạn luân, vô đạo? Xem ra chắc không phải vì vấn đề tài sản, trong vụ này hẳng phải có ẩn tình chi đây. Đợi lúc nửa cử nhân tới, bản phủ xem qua sắc diện có lẽ sẽ hiểu được ẩn tình. Tạm thời không nhắc tới chuyện Lưu đại nhân ngồi đợi trước mộ, ta lại nói tới chuyện của hai viên thừa sai là Trần Đại Dũng và Trường Bính Nhân đi truyền gọi Ngô cử nhân.

Hai người vừa đi vừa nói chuyện. Trần Đại Dũng nhìn Trương Bính Nhân, nói:

- Nhân huynh, cũng bởi bảo chính tới trình báo có gã ăn mày nằm chết tại miếu Ngũ Đạo, tri phủ Giang minh mới tới kiểm tra. Quả thực trên mình người này không hề thấy có thương tích nào, nhưng lại tìm thấy trên mình thi thể có một tờ giấy không biết trên đó viết những gì...

Lưu thái thú hiện đang đứng đợi bên mộ người ta. Hai người vừa đi vừa nói chuyện, chẳng mấy chốc đã tới nhà Ngô cử nhân tại Thúy Hoa cảng. Họ bảo tên gia đinh vào trong thông báo. Tên gia đinh không dám chậm trễ, vội chạy vào trong, tới thẳng thư phòng. Ngô cử nhân lúc này đang buồn rầu ngồi một mình. Tên gia nhân thông báo, nói:

- Khai bẩm chủ nhân, có thừa sai của quan phủ tới. Họ nói, Lưu đại nhân hiện đang cho gọi người. Ông ta đang đợi tại nghĩa trang nhà ta. Lập tức cho đòi nhị gia tới, không biết đã xảy ra chuyện gì.

Tên gia đinh thông báo vậy làm tên ác đồ ngồi trong thư phòng bỗng giật thót mình.

Lại nói chuyện Ngô cử nhân nghe tên gia đinh vào báo có thừa sai của tri phủ Lưu đại nhân tới, hiện đang đứng chờ ngoài cửa. Hơn nữa, đại nhân không truyền gọi hắn tới nha môn, nói ông ta đang đợi hắn tại khu nghĩa địa của gia tộc. Quý vị độc giả thử nghĩ xem. Khi nghe tin này, liệu tên tội đồ ấy có sợ hay không?

Tục ngữ nói rất đúng: Làm người không làm điều khuất tất, lo gì nửa đêm có người tới gõ cửa. Tất cả cũng chỉ vì hôm làm chuyện đồi bại, trong lòng thắc thỏm lo sợ nên lúc này mới kinh hãi.

Chỉ thấy tên gia đinh còn chưa nói hết câu, hắn đã giật thót cả mình, trong lòng thầm nghĩ: "Chẳng lẽ có người tố cáo với nha môn? Nếu không, tại sao ông ta lại tới nghĩa trang của gia tộc ta? Lại sai người tới truyền ta đến đó. Chẳng lẽ ông ta đã biết được chuyện kia? Lưu đại nhân muốn vịn cớ này để moi bạc của ta? Việc đã bị người ta tố cáo mà bại lộ, ta cũng không để ông thắng được Ngô cử nhân của phủ Giang Ninh này! Nếu lúc đầu ta không lo cho tốt, chỉ e khó lòng được bình an mà không tốn tiền. Lưu tri phủ cậy hắn tài cao học rộng, không sợ quan trên cũng chẳng ngại hương thân. Cho dù ngươi có chí của Bao Công đi nữa, muốn phá vụ này, ta chỉ e phí công vô ích! Hôm nay ta cứ tới đó gặp lão xem lão nói năng gì".

Nghĩ xong, lập tức vào phòng thay quần áo, dặn dò gia đinh trông coi nhà cửa cẩn thận rồi mới khệnh khạng ra ngoài cổng. Ngô Nhân đứng lại, nhìn ra, thấy hai viên công sai.

Lại nói chuyện Ngô cử nhân ra tới cửa, thấy hai viên công sai, đang ngồi ở đó. Ngô Nhân thấy vậy, mỉm cười, nói:

- Hai vị công sai đã đến tệ xá, sao không quá bộ vào trong uống chén trà?

Hai vị công sai thấy vậy, vội vàng đứng dậy, nói:

- Xin chào Ngô lão gia!

Cử nhân trả lời, nói:

- Không dám, không dám.

Trần Đại Dũng nói:

- Hai chúng tôi là công sai trong phủ. Hôm nay, đại nhân nhà chúng tôi tới cửa nam khám nghiệm tử thi gã ăn mày. Mọi việc đã xong, đang trên đường về nha phủ, chợt có người chặn kiệu lại kêu oan, tố cáo ông. Vì vậy, đại nhân đã sai hai anh em tôi đây tới phủ, mời ông mau đi gặp đại nhân. Xin ông chớ để chúng tôi lỡ việc.

Ngô Nhân nghe vậy, bất giác thầm giật mình, sau đó nói:

- Xin hai vị yên tâm. Đã vậy, chúng ta hãy cùng đi gặp đại nhân.

Trương Bính Nhân nói:

- Ông không ngồi kiệu sao? Nếu không ngồi kiệu thì cũng phải kiếm con gì mà cưỡi. Từ đây tới đó cũng phải mất sáu, bảy dặm đường. Ông đi bộ không sợ mệt sao?

Ngô Nhân nghe vậy nói:

- Hai vị thừa sai đi bộ, tôi sao dám cưỡi ngựa? Chi bằng cùng đi bộ với hai vị cho phải phép.

Trần Đại Dũng nói:

- Ông đúng là người sáng suốt, thực không để cho người khác chịu thua thiệt. Đợi khi nào ông được thăng chức, anh em chúng tôi đây xin được làm một chân thừa sai, theo ông làm tên người hầu cũng tốt.

Ngô Nhân nói:

- Quá lời, quá lời.

Nói xong cười ha hả rồi mới sải bước, lên đường.

Bọn họ nói đùa với nhau một hồi khiến cử nhân mặt mày rạng rỡ, ăn nói rất khách sáo, lễ độ với hai vị của công môn này. Họ nói với nhau bằng những lời dễ nghe. Mọi người cùng sải bước tiến lên, vượt đường lớn, ngõ nhỏ không hề nghỉ ngơi, chỉ một lúc sau đã tới cổng Tụ Bảo của thành Giang Ninh. Vượt qua Quan miếu, rẽ sang phía nam, không lâu sau đã tới nghĩa trang nhà họ Ngô. Đại kiệu, đám chấp sự ở phía sau, lại có cả công môn và đám nha dịch nữa. Hai vị công sai cùng Ngô cử nhân tới trước mộ, thừa sai chắp tay, bẩm:

- Bọn tiểu nhân phụng mệnh đại nhân đã đưa Ngô cử nhân tới đây.

Lưu đại nhân nghe báo, quay đầu qua xem, thấy một người đang tiến tới. Người ấy đội trên đầu chiếc mũ mùa thu bằng nhung, mình mặc một chiếc áo lụa, ngoài mặc áo bào tinh tươm, chân đi đôi giày đoạn xanh còn mới nhung, bởi vừa đi bộ nên lấm tấm bụi đường. Người ấy tuổi độ ngoài hai mươi, đang độ thanh xuân, dáng vẻ như một thư sinh, chỉ có điều nét mặt thoáng lộ sắc xanh, mũi diều hâu, mắt cận, đó là tướng của loại háo sắc, ưa dâm dục. Trán dồ, miệng nhỏ, đó là tướng của kẻ giỏi ăn nói. Đại nhân còn đang quan sát, đã thấy người ấy tiến tới trước mặt, chắp tay vái, sau đó lại tiến thêm một bước, thi lễ xong, đứng nghiêm trang, nói.

Ngô cử nhân thi lễ xong xuôi, đứng sang một bên, nhìn Lưu đại nhân nói:

- Bẩm đại nhân, nay hổ giá đến khu mộ của nhà tiểu nhân, không biết có điều chi chỉ bảo?

Lưu đại nhân ngồi trên ghế nghe Ngô cử nhân nói vậy, liền nói:

- Ngươi chính là Ngô cử nhân, chủ nhân của khu mộ này sao?

Cử nhân nghe hỏi, lại chắp tay, thưa:

- Cử nhân tôi tên gọi Ngô Nhân, khu mộ này là của nhà tôi.

Lưu đại nhân lại nói:

- Ngươi có một người bà con tên gọi Ngô Vượng, hắn tố cáo ngươi vì muốn chiếm đoạt toàn bộ gia sản nên mới nửa đêm đã lập mưu hại chết anh ruột của mình. Chuyện ấy có thực hay không?

Ngô Nhân nghe hỏi, chắp tay lại, trả lời:

- Bẩm đại nhân, xin ngài chớ nên nghe lời từ một phía, chẳng qua hắn cũng chỉ vì thiếu đói, vay tiền tôi không cho nên sinh lòng oán hận, lấy lý do này để kiện tôi đó thôi. Đại nhân thử nghĩ xem: Cử nhân tôi vốn là người đọc sách thánh hiền, lẽ nào lại không hiểu được đạo làm người? Sao dám gây nên chuyện loạn luân như vậy? Mong đại nhân đèn trời soi xét.

Lưu đại nhân nghe Ngô cử nhân nói vậy, thấy cũng có lý, thầm nghĩ: "Nghe Ngô cử nhân nói cũng có lý. Xem tướng mạo, hành vi của người này thì hắn lại là kẻ bất thiện".

Kính thưa quý vị độc giả. Phàm những người làm quan to, người ta ít nhiều đều hiểu qua về môn tướng pháp. Nếu có người tới cửa quan kiện cáo, trên công đường, đầu tiên chẳng cần biết họ ăn nói khéo léo ra làm sao, chỉ cần nhìn qua tướng mạo của kẻ ấy, bậc làm quan trong lòng đã rõ tới tám, chín phần việc, biết được trong vụ này, ai là người đúng, ai là kẻ sai. Nói thế nào bây giờ? Tục ngữ nói rất đúng. Hữu tâm vô tướng, tướng tự tâm sinh. Nếu thuộc hạng trung thần, thiện nhân, trên diện mạo người ấy đều lộ ra cả. Còn như loại lưu manh, trộm cắp, thâm hiểm, âm độc, những nét tính cách ấy đều được thể hiện cả trên mi, trên mắt kẻ ấy.

Quý vị độc giả thử nghĩ xem, Lưu đại nhân là người thế nào? Thử hỏi có cuốn sách nào mà ông ta chưa đọc? Có lẽ nào mà chưa thấy? Nên khi nãy đại nhân quan sát diện mạo, cử chỉ, ngôn ngữ của Ngô cử nhân, thấy hắn nói rất có lý nhưng chắc chắn trong vụ này phải có ẩn ý chi đây. Đại nhân nghĩ xong, ngồi trên ghế, nói:

- Mau truyền nguyên cáo Ngô Vượng!

Đám thủ hạ ứng tiếng, dạ ran.

Lưu đại nhân còn chưa dứt lời, đám công sai đã vội vàng ứng tiếng, thi hành. Không lâu sau đã dẫn nguyên cáo Ngô Vượng tới. Ngô Vượng quỳ trước án đường. Cũng vì Ngô vượng không có chức vụ gì nên khi gặp quan phải hành lễ quỳ lạy, khác với người có học vị như Ngô cử nhân. Lại nói chuyện thừa sai chắp tay vái, bẩm lên, nói:

- Tiểu nhân đã dẫn nguyên cáo tới, xin đại nhân chỉ dạy.

Lưu đại nhân ngồi trên ghế xua tay, công sai đứng sang một bên. Lưu đại nhân hỏi:

- Ngô Vượng hãy nghe cho rõ đây. Ngươi tố cáo cử nhân hãm hại anh ruột, mưu đồ độc chiếm gia sản. Nay bản phủ đã cho truyền gọi cử nhân tới, cử nhân nói không hề có chuyện này. Tất cả đều do ngươi tới vay tiền người ta không được nên mang hận, mượn chuyện này làm lý do để vu cáo người ta. Nếu đúng là ngươi manh tâm vu cáo người vô tội, chắc hẳn ngươi khó lòng thoát tội lừa dối quan trên!

Đại nhân còn chưa dứt lời, Ngô Vượng đã dập đầu lạy, nói:

- Trời cao lồng lộng, phép vua rõ ràng. Tiểu nhân sao dám làm chuyện bừa bãi, ngu xuẩn? Xin đại nhân chớ nên nghe lời lươn lẹo, miệng lưỡi trơn tru mà mắc mưu gian của hắn. Vẫn nghe tiếng đại nhân là bậc trung lương sáng suốt, công bằng, vô tư không ham tiền tài, không sợ hương thân, thế lực, chỉ lo dân chúng bị oan ức. Nếu là vị quan phủ khác, chắc chắn tiểu nhân cũng không dám tố cáo vụ này. Ngô cử nhân là người quen biết hết các quan lại lớn nhỏ trong vùng, cậy có tiền bạc, thế lực mà coi thường vương pháp, gây chuyện bại hoại luân thường hại chết anh ruột của mình. Bẩm đại nhân: Nếu người chết nằm dưới mộ kia đúng là chết vì bệnh tật, tiểu nhân đây xin chịu tội trước công đường. Còn nếu người ta vì bị hại mà chết, xin đại nhân mau bắt cử nhân lấy khẩu cung. Mong đại nhân hãy cho khai quật mộ để khám nghiệm tử thi xem giữa tiểu nhân và Ngô cử nhân ai đúng ai sai.

Ngô Vượng còn chưa nói hết câu, tên tội đồ đã sợ hãi rụng rời.