Mạn Thiên Hoa Vũ

Quyển 1 - Chương 45: Thách thức



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

"Thằng Cuội ngồi gốc cây đa

Để trâu ăn lúa, gọi cha ời ời..."

Vụ án Đồng dao đã có những nạn nhân thứ hai và tiếp tục là một gia đình. Đỗ Quân cho người gửi thư đến, chỉ tóm tắt vài ý chính. Một nhà ba người, lặp lại cảnh tượng như với gia đình họ Lưu ngày ấy. Đứa con trai duy nhất trong già đình họ Triệu được giữ lại mạng sống chỉ để chạy đến phủ Kiểm Pháp báo án. Lần này hung thủ tàn độc hơn vạn phần, đứa nhỏ không những bị hạ Chúc Đương Phong như Lưu Thị Lan, mà lưỡi cũng bị cắt mất. Tuy rằng được sống nhiều hơn cha mẹ vài canh giờ, nhưng có lẽ nỗi đau đớn mà cậu bé phải chịu là không thể tưởng tượng nổi.

Trần Thuyên thở dài, đuôi mắt trĩu nặng.

Anh gõ tay vào trán mấy cái, như hạ quyết tâm: "Ta sẽ sắp xếp để nàng quay về kinh thành trước, đầu giờ Thân xuất phát."

"Được." Tôi gật đầu.

"Ba hôm nữa Thượng hoàng rời đến núi Yên Tử, ta phải theo hầu... Trước mắt phải dựa vào nàng rồi."

Thì ra đây là lý do mà Trần Nhân Tông giao cho tôi kỷ vật của người bạn cũ. Đến lúc thật sự buông bỏ, hãy trao lại cho người có duyên.

Thượng hoàng quyết định lên tu tại núi Yên Tử, lấy pháp danh là Hương Vân Đại Đầu đà, ngoài ra ông còn có vài ba đạo hiệu nữa mà người đời sau quen thuộc hơn như là Trúc Lâm Đại Đầu đà, Trúc Lâm Đại sĩ hay Giác hoàng Điều ngự.

Thực tế, nhiều người không biết rằng ngay từ khi còn ở ngôi Hoàng thái tử thì Trần Nhân Tông đã muốn rời bỏ chốn cung đình để đi tu nhưng không được chấp thuận. Thậm chí có lần ông còn nhân lúc nửa đêm, một đường trốn lên núi Yên Tử ẩn tu. Về sau vua cha (khi ấy là Trần Thánh Tông - Trần Hoảng) biết được mới cho quân lên thỉnh về. Không khó để thấy được cái tính "cà bất cà bơ" của Trần Thuyên là từ đâu ra nhỉ.

Quay về chuyện chính. Hơn một tháng rồi chưa tra được manh mối về hung thủ, lại xuất hiện thêm cái chết của cả một gia đình. Tôi tự cảm thấy mình chỉ là một đứa con gái kém cỏi nhưng Trần Thuyên lại lại phản bác, anh cho rằng cách phân tích vụ án của tôi rất đặc biệt, chắc chắn sẽ giúp ích được phần nào. Trần Thuyên lại không thể tự mình quay về nên đành lệnh cho một Dạ Hành đưa tôi và Đông Ly trở lại kinh đô, kết hợp cùng Đỗ Quân trực tiếp tra án. Anh nói rằng lo xa một chút cũng không thừa.

Vị Dạ Hành "hộ tống" chúng tôi trên đường trở về tên là Đoàn Duy Kính. Duy Kính có lẽ khoảng hai lăm - hai sáu tuổi, dáng người cao lớn, cơ bắp nổi cuồn cuộn. Y có gương mặt góc cạnh, đôi mắt một mí dường như luôn nhắm nghiền. Ấn tượng của tôi và Đông Ly đối với con người này là cực kỳ ít nói.

Như tôi được biết thì Dạ Hành tổng cộng có chín người. Phần lớn họ đều hoạt động trong bóng tối, ngoại trừ ba người được nắm giữ chức vụ cụ thể là Thành An - Nhất đẳng Ngân bài Thị vệ, Bách Chu – Hữu Ngân bài Thị vệ và Hữu Bình – Tả Ngân bài Thị vệ. Tôi đã được gặp mặt Thành An, Bách Chu và Bất Doanh (người có khả năng khám nghiệm tử thi), còn vị Tả Ngân bài Thị vệ thì chỉ được biết qua lời Trần Thuyên. Riêng Đỗ Quân không thuộc Dạ Hành nhưng vẫn có quyền lực đối với "đội quân" đặc biệt này, tôi cũng chưa có cơ hội được hỏi rõ nguyên do vì sao.

Ra tới bến thuyền lớn, Duy Kính dẫn theo Đông Ly xách đồ lên thuyền, sắp xếp phòng ở. Tôi đứng một mình ở dưới chờ đến lúc xuất hành, cảm nhận từng cơn gió mát lành thổi đến từ lòng sông rộng lớn. Dõi mắt nhìn ra xa chỉ thấy núi non chập chùng. Tôi hít một hơi thật sâu, trong lòng bỗng dâng lên một dự cảm không lành.

Bầu trời xanh ngắt, từng cụm mây trắng lớn cuốn vào nhau che mất vầng dương chói chang. Rõ ràng mọi thứ đều ổn, nhưng dường như những an bình của hiện tại sẽ chẳng thể dài lâu.

"Tiểu thư Niệm Tâm?"

Suy nghĩ bị cắt đứt, một dáng hình thoát tục quen thuộc xuất hiện trong tầm mắt.

"Học sĩ Tái!" Tôi vui mừng.

Nguyễn Tái vừa xuống thuyền, khuôn mặt vẫn đượm nét mệt mỏi: "Tiểu thư trở lại kinh thành sao?"

Ông tỏ ra đôi chút ngạc nhiên.

"Đúng vậy." Tôi rũ mắt. "Ở nhà có chuyện nên tôi phải về trước."

Nguyễn Tái gật gù, không truy hỏi kỹ nguyên nhân. Ông quan sát tôi một hồi, có lẽ nhận ra vẻ thất thần của tôi nên mỉm cười nói: "Mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp thôi."

Một câu không đầu không đuôi, cũng chỉ được coi là một lời an ủi sáo rỗng nhưng là từ Nguyễn Tái nên tôi lại cảm thấy mình có thể yên tâm phần nào.

Ông quay lại phía sau dặn dò đám người dưới sắp xếp đồ đạc rồi bất ngờ hỏi tôi: "Ta đoán Thượng hoàng đã trao lại kỷ vật hai mươi năm trước cho tiểu thư rồi?"

Tôi đần mặt ra, Nguyễn Tái biết việc này? Nếu đã vậy thì không cần giấu diếm làm gì, tôi lựa lời kể lại qua loa tình hình cho ông nghe, ngoài ra cũng thêm thắt một chút tình tiết nhằm "moi" được thêm thông tin về cô gái bí ẩn từ miệng Nguyễn Tái. Chỉ có điều tất cả đều vô dụng, Nguyễn Tái đâu phải trẻ con để bị tôi dắt mũi dễ dàng chứ.

Ông nheo mắt, tay chắp ra sau lưng: "Vậy ra... tiểu thư và nàng ấy đến cùng một nơi."

Thì ra trong mắt họ, chúng tôi từ "một nơi" nào đó rất bí ẩn mà đến.

"Tôi cũng cho là như vậy. Hơn nữa cô gái đó còn gửi tới tôi một lời nhắn..." Tôi mím môi, bất giác nói.

Nguyễn Tái không tỏ rõ thái độ, ông mỉm cười gật gù: "Hẳn là không có chuyện trùng hợp, lời nhắn này tới chín phần là dành cho tiểu thư rồi. Ta chỉ biết khuyên tiểu thư đừng nghĩ quá nhiều, hãy cứ nhìn vào hiện tại là được."

Một lần nữa tôi cảm thấy rúng động. Cả Trần Nhân Tông và Nguyễn Tái dường như đều biết rất nhiều điều nhưng lại không chịu tiết lộ rõ ràng, chỉ nói những câu đầy ẩn ý. Với thân phận của tôi đương nhiên chẳng thể nào kì kèo mặc cả với họ, đúng là tức muốn chết mà.

Trò chuyện thêm vài câu xã giao, chúng tôi nói lời tạm biệt. Nguyễn Tái xoay người tiến vào hành cung, tôi lên thuyền xuôi gió trở về với kinh thành Thăng Long phồn hoa.

Sau vài ngày lênh đênh, đặt chân về tới nhà cũng vừa lúc trời tối, bà quản gia Dư Nương đón tôi từ ngoài cổng lớn, vui mừng bảo: "Cô cả về rồi, bà chủ cũng vừa trở về hôm qua đó ạ."

Ồ, thì ra mẹ đã sắp xếp xong xuôi công việc buôn bán rồi.

Sau khi nhờ Đông Ly chạy sang phủ họ Đỗ để báo tin cho Đỗ Quân, tôi ngồi ăn tối cùng với mẹ mà trong lòng thấp thỏm. Mẹ của hai chị em Đoàn Niệm Tâm là người buôn đây bán đó, tuyệt đối không dễ bị bắt nạt như tên nhóc Nhữ Hài nên tôi càng phải cẩn thận lời ăn tiếng nói khi ở cùng bà.

Hơn nữa, tôi lại không phải là con gái thật sự của bà, mặc dù bà mang gương mặt tương tự với mẹ tôi thì cũng chẳng thể nào tránh nổi cảm giác xa cách. Tôi lén thở dài một hơi, qua được bữa cơm này quả là chuyện không dễ dàng. Từ giờ có sự giám sát của người lớn, chắc chắn cả tôi và Đoàn Nhữ Hài không thể thoải mái như trước được nữa.

Mấy ngày Tết Nguyên Đán ngắn ngủi đương nhiên không tính vì cả nhà tôi ở nhờ phủ Đỗ Quân, chúng tôi chỉ là khách nên mẹ cũng không xét nét quá mức. Ôi giờ thì sao... Thử nghĩ mà xem, hầu hết thời gian bà chỉ quanh đi quẩn lại trong phủ, một bên là đứa con trai làm quan lớn trong triều và đã có ý trung nhân; đứa còn lại là "gái lỡ thì" không ai thèm... dù bậc cha mẹ có dễ tính đến mấy cũng chẳng thể nào yên lòng nổi.

"Tâm, mẹ bảo này."

Cữ nghĩ rằng đã thoát được, không ngờ mâm cơm vừa dọn đi thì cũng là lúc "công chuyện" tới.

"Sắp tới con nên ít ra ngoài lại, thân là con gái không nên xuất đầu lộ diện quá nhiều, con hiểu không? Hơn nữa năm nay con cũng đã gần hai mươi tuổi rồi..., không sao, mẹ đã nói chuyện với bác Hồng hàng xóm, vài ba ngày nữa tìm được mối tốt sẽ đưa đến nhà..."

Người mẹ bắn như súng liên thanh, không hề để ý tới đứa con ế chỏng ế chơ đang trợn mắt lên nhìn mình. Mẹ mới chỉ về nhà có một ngày mà đã kịp đi càn quét thông tin tứ phía, hẳn là đã nghe được mấy lời bàn tán không mấy tốt đẹp về tôi rồi.

Từ khi dọn về nơi này, tôi biết mình sẽ không thể thoát khỏi những cặp mắt như tia laze của mấy bà cô hàng xóm. Tôi thì không để tâm, mà em trai Đoàn Nhữ Hài lại càng bỏ ngoài tai.

Quản gia Dư Nương hay đám người dưới dù có nghe được gì thì cũng đều không dám đem ra bàn tán trước mặt chủ. Hiện giờ mẹ đã về, tôi rơi vào tầm ngắm là chuyện hoàn toàn đương nhiên.

Nói một thôi một hồi mà tôi vẫn cứ ngây ra như phỗng, mẹ liền nhíu mày: "Tâm, mẹ nói con có nghe không?"

"Dạ." Tôi suy tính trong lòng, liền nhoẻn miệng cười đáp. "Con nghe lời mẹ."

Cứ tỏ ra ngoan ngoãn cho xong chuyện. Quả nhiên mẹ rất hài lòng, không còn nhăn nhó với tôi nữa.

Chỉ là nói là một chuyện, làm được hay không là một chuyện khác.

Sáng sớm ngày hôm sau Đỗ Quân đã đích thân qua rước tôi, trên người vẫn mặc nguyên bộ quan phục. Từng gặp mặt nên mẹ có ấn tượng rất tốt với Đỗ Quân, hơn nữa chẳng thế chống lại được thứ ánh sáng chói loà toả ra từ Ngũ đô Chỉ huy sứ nên đã gật đầu cho tôi được "ra ngoài đi dạo" với y.

Đông Ly do không có phận sự nên phải ở nhà, tôi một mình được Đỗ Quân đưa đến một quán rượu nhỏ trong thành. Y giải thích nơi này là một trong những vị trí tập hợp của Dạ Hành, và thường thì cứ sau vài tháng sẽ thay đổi một lần. Đương nhiên quán rượu này chỉ là cái xác không hồn, Đỗ Quân cười bảo rượu ở đây có vị tệ nhất nhì kinh thành nên chẳng có ma nào thèm đến, chủ quầy ngồi đuổi ruồi cả ngày.

Dưới quán rượu là một căn hầm khá rộng, có đầy đủ vật dụng như một thư phòng bình thường.

Ngoài Bách Chu và Bất Doanh đã quen biết từ trước, tôi được gặp thêm hai vị Dạ Hành nữa. Một thiếu niên tên Mai Kiến Bình, dáng người nhỏ thó, mặt quắt lại trông rất khó gần. Cậu ta mới chỉ hơn mười bảy tuổi nhưng rất giỏi về độc dược, nghe nói luôn có một sự ganh đua âm thầm với Phạm Bân. Người còn lại là một cô gái da trắng môi đỏ tên là Hồ Yên, dưới mắt trái còn có một nốt ruồi lệ màu đỏ son trông rất thu hút.

Đỗ Quân giới thiệu một hồi, ai ai cũng thân thiện chào hỏi, chỉ riêng Hồ Yên lộ ra thần sắc dửng dưng lạnh nhạt. Tựa như trong "lãnh địa" của mình xuất hiện thêm một nhân vật cũng mang giống cái, cô ta cảm thấy bị uy hiếp chăng?

Sau khi mọi người đã ổn định chỗ ngồi, Bách Chu lên tiếng tóm tắt lại tình hình vụ án gia đình buôn gạo họ Triệu. Thực tế đúng như tôi đã suy đoán, bài đồng đao "Gánh gánh gồng gồng" đích xác là lời nhắn mà hung thủ dùng để miêu tả những nạn nhân tiếp theo của hắn. Ý tại ngôn ngoại hoàn toàn.

"Gánh gánh gồng gồng / Gánh sông gánh núi / Gánh củi gánh cành..." Những câu đầu tiên của bài đồng dao đại diện cho Triệu Bắc.

Ông ta là chủ của một loạt tiệm bán gạo trong kinh thành. Triệu Bắc nắm giữ trong tay tới hàng chục cửa hàng, của cải chất đầy trong nhà. Tuy vậy ông ta lại chỉ được liệt vào đám nhà giàu mới nổi bởi xuất thân nghèo khó, không biết may mắn từ đâu mà gây dựng nên cơ nghiệp ngày nay.

Dường như ai cũng biết để có thể sở hữu hàng loạt cửa tiệm bán gạo như bây giờ hoàn toàn là công sức của một mình Triệu Bắc. Ông ta vốn không phải người kinh thành, khi xưa chỉ là nạn dân được thu nhận làm công nhận lương theo ngày, bỗng nhiên lại quen được một cô tiểu thư nhà giàu, cũng chính là vợ ông ta sau này.

Hai người nhanh chóng lấy nhau, vội vàng đến nỗi Triệu Bắc không kịp phát hiện phía sau Khâu Dã Lan là cả một "dây chuyền" họ hàng sống bám víu vào nhau, chỉ chực chờ đi hút máu kẻ khác.

Triệu Bắc về sau ăn nên làm ra, tất cả cửa hàng trong thành đều phân chia cho họ hàng nhà vợ quản lý. Điều này quả thực khớp với những câu: "Một phần cho mẹ / Một phần cho cha / Một phần cho bà / Một phần cho chị / Một phần cho anh..."

Người vợ của Triệu Bắc tên là Khâu Dã Lan, chỉ sinh được duy nhất một mụn con là Triệu Hải. Năm nay hắn đã gần hai lăm tuổi rồi nhưng vẫn chưa lấy vợ, cũng không ứng thí mà chỉ ở nhà chờ ngày thay cha trở thành ông chủ lớn.

Dạ Hành điều tra được công việc buôn bán của Triệu Bắc có sự phát triển vượt bậc vào khoảng hai mươi năm trước, cùng với lúc tên con trai của ông ta mới được sinh ra. Tôi đồ rằng việc vợ mang bầu, lại có bao nhiêu cái miệng đói phía sau chờ đợi đã trở thành động lực to lớn giúp Triệu Bắc phấn đấu trở thành một ông chủ lớn như ngày nay.

"Ta chạy cho nhanh / Về xây nhà bếp / Nấu nồi cơm nếp / Chia ra năm phần..." Triệu Bắc thực tế đã phải "chạy đua" với thời gian để kiếm tiền nuôi vợ con, thậm chí nấu được nồi cơm cũng phải chia ra để dành cho họ hàng bên ngoại. Và thêm một điều trùng hợp nữa là nhà của ông ta cũng vừa mới được xây lại cuối năm ngoái, nghe nói còn xây riêng một căn nhà bếp to đùng, không kém gì phủ của các vương tôn quý tộc.

Cái chết của gia đình ba người họ Triệu không khác biệt nhiều so với nhà bán lụa họ Lưu. Vợ chồng Triệu Bắc và Khâu Dã Lan cũng chết vào ban đêm, bị thương tổn trí mạng: Kiếm đâm thẳng qua cổ họng. Triệu Bắc khác với Lưu Tân Bình, không những không bị tra tấn mà thân thể hoàn toàn không có chút ngoại thương. Cái chết của ông ta xem chừng lại dễ chịu hơn cậu con trai Triệu Hải, khi mà hắn được giữ lại mạng sống để đi báo án với phủ Kiểm Pháp. Mục đích của hung thủ vẫn là ra oai với quan phủ, tiếp tục gửi đến một bài đồng dao như một lời thách thức.

Lưu Thị Lan ngày ấy trúng độc nhưng vẫn tiết lộ được chút ít thông tin. Triệu Hải thì khác, Mai Kiến Bình nói liều lượng Chúc Đương Phong trong người hắn nhiều hơn vài phần so với Lưu Thị Lan, hơn nữa... hắn còn bị cắt mất lưỡi. Triệu Hải chỉ kịp rút một tờ giấy chép lời bài đồng dao tiếp theo, sau đó thổ huyết rồi hoàn toàn gục xuống.

Phạm Bân trực trong nội cung không kịp cho người đi mời, còn Mai Kiến Bình nghe được tin chạy đến thì cũng đã muộn.

"Là hung thủ cắt lưỡi của Triệu Hải?" Tôi day day trán, nghe tóm tắt vụ án mà cảm thấy đầu đau như búa bổ.

Đỗ Quân gật đầu: "Đúng thế, vết thương còn rất mới, chỉ được cầm máu một cách qua loa."

Vì sao lần này gã hung thủ lại cắt lưỡi Triệu Hải còn trước đó Lưu Thị Lan thì không?

Hung thủ chắc chắn là nam, có lẽ khoảng trên dưới ba mươi tuổi. Gã sử dụng kiếm để sát hại nạn nhân, thậm chí có võ công khá tốt. Ở vụ án đầu tiên, nơi xảy ra thảm sát là ở phòng ngủ của hai vợ chồng Lưu Tân Bình, ba người con gái là bị bắt đến sau đó. Theo lời Lưu Thị Lan thì dường như hung thủ chỉ có một mình.

Nhưng mà... nhà họ Lưu có tới năm người, trong lúc gã đi bắt mấy người này thì người kia có thể kêu la lên chứ nhỉ? Gia đình họ cũng có của ăn của để, chắc chắn không thiếu gia nô nuôi trong nhà, vậy làm sao hung thủ có thể thoải mái ra tay được? Trừ khi... hắn còn có đồng phạm. Hoặc một khả năng nữa là gã có kẻ tiếp tay từ trong nhà.

Từ đó có thể suy ra được mục đích rõ ràng nhất của hung thủ là thách thức phủ Kiểm Pháp. Tuy nhiên, tôi không cho rằng đây là động cơ gây án thực sự. Cái mà hung thủ muốn còn bị giấu sau cái chết của những gia đình kia... tạm thời tôi chưa thể tìm ra được.

"Xin lỗi... nhưng mà thay vì ngồi đây nói luyên thuyên thì tôi nghĩ ta nên ra ngoài kia tìm kiếm hung thủ mới phải." Hồ Yên nãy giờ yên lặng tập trung bóc vỏ quýt cho cả đám, bỗng nhiên lên tiếng cắt đứt mạch suy luận.

Tôi đang ăn quýt do cô ta bóc, không cẩn thận bị nghẹn, chảy hết cả nước mắt nước mũi.

Đỗ Quân liền sầm mặt: "Yên! Tiểu thư Niệm Tâm có..."

Tôi uống vội một ngụm nước, giơ tay lên ngăn cản y nói tiếp: "Tiểu thư Yên nói phải. Không thể dựa vào mấy lời của tôi một trăm phần trăm... à nhầm mười phần mười được. Chúng ta đúng là cần chia ra hành động, túm tụm vào nhau mãi cũng không giúp ích gì cho vụ án."

Thấy tôi nói như vậy, Hồ Yên ở phía đối diện liền hừ mũi một cái.

"Hãy để tôi suy đoán thêm một chút. Bây giờ ta tạm đặt tên cho hung thủ là Đồng Dao nhé. Trước mắt có thể xác định được Đồng Đao là một tên sát nhân liên hoàn, gã không giết người bữa bãi mà có lựa chọn 'con mồi' rất cụ thể. Thường thì sẽ có bốn giai đoạn (1) đối với một tên giết người có tổ chức. Giai đoạn đầu tiên là "Ảo tưởng". Nếu như không có ai sai khiến thì tên hung thủ này sẽ luôn có một đoạn thời gian tâm sinh lý của gã trở nên biến thái, chìm đắm trong dục vọng của riêng mình. Tức là khi ấy gã mới chỉ suy nghĩ, thèm muốn được làm điều sai trái như hành hạ, tra tấn người khác. Giai đoạn thứ hai là lúc gã bắt đầu đi tìm kiếm nạn nhân, theo dõi, lập kế hoạch giết người. Giai đoạn thứ ba chính là khi gã ra tay sát hại nạn nhân. Thường thì sát nhân liên hoàn sẽ luôn lặp đi lặp lại một "nghi thức" nào đó, đây sẽ là điểm chung của tất cả các vụ án. Và giai đoạn thứ tư là lúc hung thủ tìm cách để khoe khoang..."

Tôi nói đến đây, tất cả mọi người cùng hít vào một hơi.

"Khoe khoang?" Bách Chu nhíu mày, mắt đanh lại.

Nhìn cậu nhóc lại nhớ thằng Đạt ở nhà, tôi thở dài: "Đúng thế. Sát nhân liên hoàn khác với những kẻ giết người bình thường ở chỗ chúng có mục tiêu rõ ràng, và sát hại người khác là để thoả mãn cho ham muốn biến thái ấy. Đối với những kẻ như vậy, chúng chắc chắn muốn được phô trương thành quả của mình. Các vị thấy rõ ở Đồng Dao, gã cố tình thả một người chạy đến phủ Kiểm Pháp để báo án... là giai đoạn cuối mà tôi vừa nhắc đến."

Tôi vô tình liếc nhìn Hồ Yên, thấy cô ta mắt mở to, lông mày nhướn lên cao, miệng hơi há ra đầy ngạc nhiên. Biểu cảm này chỉ thoáng qua trong chốc lát.

Tự dưng lại thấy hơi buồn cười. Không rõ vì sao ngay từ khi mới tiếp xúc cô nàng này đã thể hiện một sự chán ghét nhất định với tôi, đến lúc này thì cảm giác ấy đã hoàn toàn biến mất mà thay vào đó là đôi phần khâm phục. Ánh mắt Hồ Yên nhìn tôi cũng ít đao kiếm hơn một chút.

"Khụ." Tôi hắng giọng. "Tôi cho rằng vụ án Vè nói ngược có không ít sơ hở để chúng ta điều tra. Bởi dù hung thủ có sắp xếp tỉ mỉ đến đâu thì đó cũng là vụ án đầu tiên mà gã gây ra, mà chắc chắn... không có ai là hoàn hảo."

Hồ Yên liền nêu ý kiến: "Trong vụ Vè nói ngược, người cha bị gia nô trong nhà đánh đập ngay trước mắt vợ con mình... còn vụ vừa rồi thì không có ai bị tra tấn cả. Liệu đây có phải là cái chúng ta cần lưu ý không?"

Tôi gật đầu tán thưởng: "Rất có thể đó chính là hành động bộc phát của hung thủ. Các vị thử nghĩ xem hai vụ án vừa rồi có điểm nào khác biệt nữa không?"

Mai Kiến Bình cũng tham gia bàn luận: "Triệu Hải bị cắt lưỡi còn Lưu Thị Lan thì không."

Đỗ Quân búng tay, trên đầu như hiện ra một cái bóng đèn sáng choang: "Ta nghĩ ra rồi. Rất có khả năng sau khi hung thủ ra tay sát hại cả gia đình họ Lưu thì tỏ ra tự mãn, chỉ biết cho Lưu Thị Lan uống thuốc độc rồi bắt chạy đi báo án với Đại an phủ sứ ngay. Lưu Thị Lan nhìn thấy diện mạo của gã, rõ ràng là đã có thể miêu tả lại chi tiết cho quan phủ... ấy vậy mà quá may mắn cho tên khốn ấy, Lưu Thị Lan lại độc phát đúng lúc..."

Tôi ho khụ khụ vài tiếng, thực xin lỗi, cái này là lỗi của tôi.

Cả đám thở dài một hơi đầy thương tiếc.

Do mọi người đều gật gù đồng tình, Đỗ Quân tiếp tục bày tỏ suy nghĩ: "Vậy cũng có nghĩa là không phải hung thủ quá tự tin vào bản thân, mà là thực tế gã không thông minh đến vậy. Đến vụ án thứ hai hung thủ mới nhận ra lần đó mình đã quá lỗ mãng nên mới cắt lưỡi Triệu Hải trước khi thả cậu ta chạy đến phủ Kiểm Pháp."

Tôi liền bổ sung: "Điều này còn chứng minh là diện mạo của hung thủ ắt hẳn rất đặc biệt. Vì sao? Ngày ấy Lưu Thị Lan nói với tôi rằng hung thủ trông rất dữ tợn. Các vị nghĩ thử xem, ấn tượng của hung thủ đối với Lưu Thị Lan hoàn toàn không phải một kẻ đao to búa lớn, luôn tay đánh đập mắng mỏ kẻ khác mà là 'rất dữ tợn'. Chính cô bé cũng nói rằng hung thủ luôn tỏ ra rất ung dung trong việc giày vò tinh thần gia đình họ. Tôi có thể khẳng định gã ta là kẻ mà chúng ta chỉ cần nhìn mặt một lần là không thể quên, trên mặt sẽ có những đặc điểm cực kỳ dễ nhận ra. Bởi vậy gã mới cắt lưỡi Triệu Hải để tránh cho cậu ta không nói lung tung."

Lúc này thì không có ai chen vào nói cùng tôi nữa. Tôi cân nhắc suy nghĩ hồi lâu, lại phân tích.

"Quay lại với điểm mà tiểu thư Yên nhắc tới khi nãy. Tôi nhận thấy cần phải điều tra kỹ về đám gia nhân trong nhà họ Lưu. Không thể loại trừ khả năng có kẻ ở trong tiếp tay với hung thủ. Ngoài ra cũng phải tìm hiểu kỹ xem cả hai gia đình họ Lưu và họ Triệu này có điểm chung gì không, ví dụ như là cùng chung khách hàng buôn bán, hay liệu họ có còn có kẻ thù chung..."

Tôi quyết định chưa vội nói với Đỗ Quân và đám Dạ Hành rằng động cơ ẩn phía sau của hung thủ rất có thể còn nguy hiểm hơn bội phần. Đỗ Quân phân bổ Bất Doanh và Mai Kiến Bình ra ngoài điều tra, bản thân y cũng trực tiếp đi tìm hiểu một số điểm cần làm sáng tỏ trong vụ án.

"Đi nào Niệm Tâm, ta tiện đường đi cùng nàng một đoạn." Đỗ Quân phủi bụi dưới vạt áo, chậm rãi nói.

Tôi vẫn đang trong đà suy nghĩ, không muốn bị cắt đứt nên từ chối, nếu ngồi lại đây thêm một lúc không chừng lại nghĩ ra gì đó có ích. Đỗ Quân đồng ý, lại dặn dò Bách Chu lát nữa đưa tôi về. Y vừa đi khỏi, Hồ Yên cũng hoàn thành bản ghi chép báo cáo "buổi họp" ngày hôm nay, trao cho Bách Chu để cậu ta mang đến hành cung Tức Mặc.

Lại suy tư một hồi.

Hành động bắt ép gia nhân trong nhà đánh đập Lưu Tân Bình của hung thủ là sao nhỉ? Đông Ly từng bảo tôi rằng bài Vè nói ngược "Bao giờ cho đến tháng Ba..." ấy dường như ai ai cũng thuộc, thậm chí đến cả những kẻ ít học cũng đều biết được ý nghĩa ẩn dụ phía sau nó.

Hung thủ ép Lưu Tân Bình vừa hát vè, lại vừa bị kẻ dưới tra tấn... Dường như hung thủ muốn biến Vè nói ngược trở thành sự thật. Xem nào, xem nào...

Động cơ tận cùng của gã hung thủ ấy có lẽ nào lại chính là đám gia nhân trong nhà họ Lưu? Điểm chung của hai gia đình Lưu – Triệu là đều áp bức bóc lột kẻ dưới, còn hung thủ chỉ là thay trời hành đạo mà thôi?

Hừm, kể cả như vậy thì cũng quá khiên cưỡng rồi. Tuy rằng tôi chắc tới chín phần rằng đám gia nhân trong nhà họ Lưu là một manh mối hết sức quan trọng, nhưng phía sau nhất định còn có thứ gì đó nghiêm trọng hơn nữa.

Vừa chấm bút vào nghiên mực định bụng viết vài chữ, tôi chợt thấy phía sau gáy mình hơi ngưa ngứa. Còn ai vào đây ngoài cô nàng Hồ Yên kia nữa. Cô ta ngồi khoanh chân trên chõng tre, quay trở lại với ánh mắt chán ghét như ban đầu. Sao thế nhỉ? Con gái ai cũng thất thường như vậy à?

Ngồi đây có vẻ không thoải mái suy nghĩ như tôi tưởng tượng, nhỡ đâu không cẩn thận còn chọc tức cô Hồ Yên lạnh lùng kia thì tôi lãnh đủ. Thôi thôi, dù sao cũng đến giờ cơm trưa rồi, tôi nên về nhà thì hơn.

"Bách Chu này, tôi..."

Lời còn chưa kịp nói ra, tôi đã cảm thấy cả người run bắn lên. Cảm giác này quen thuộc quá? Tôi như thấy dáng hình Phạm Bân khi xưa với đôi mắt sắc nhọn mỗi lần tôi "chẳng may" biến thành kỳ đà cản mũi hai vợ chồng họ.

Ôi chao, tôi vô ý quá. Chắc chắn Hồ Yên đang muốn tôi cút xéo thật nhanh đây mà.

"... tôi muốn đi một mình, cậu không cần đưa tôi về đâu." Tôi dứt khoát nói. Vầng trán đang nhăn như đít khỉ của Hồ Yên cũng từ từ được giãn ra, nét vui mừng ẩn hiện trong đôi mắt cô nàng.

Tôi chợt nghĩ có lẽ Hồ Yên cũng giống với Đỗ Chi, chỉ là hơi cá tính một chút thôi chứ hoàn toàn không phải là người xấu. Chẳng phải Đỗ Chi cũng gần như không có người bạn nào là nữ giới ngoại trừ tôi đó sao?

Bách Chu vốn đã đứng dậy sẵn, liền ngạc nhiên hỏi lại: "Tiểu thư chắc chắn chứ?"

Tôi gật đầu lia lịa, vội vàng túm váy chạy khỏi quán rượu.

Ai mà chẳng muốn có chút thời gian riêng với người mình thương, tôi cũng nên tác thành cho bọn họ, tích một chút công đức cho chính bản thân mình.

Tôi tha thẩn bước đi trên đường lớn, xung quanh lác đác kẻ qua người lại. Trời đã vào thu, nắng rất nhạt, lòng người cũng dịu dàng hơn. Quán rượu chỉ cách nhà tôi vài dãy phố, tôi nhẩm tính về đến nhà cũng vừa kịp giờ cơm trưa.

Một điểm tốt của bảy trăm năm trước chính là không khí vô cùng trong lành. Ta có thể thoải mái hít thở mà không cần đeo khẩu trang tránh bụi bẩn, cũng không bị tiếng ồn ào của còi xe khiến bản thân bực dọc. Chóp mũi ngửi thấy mùi thơm của thức ăn, tai nghe tiếng hàng quán gọi mời... đây cũng là một loại cảm giác rất dễ chịu.

Tôi chợt nhớ ra mình từng đọc được một lời nhận xét trên một diễn đàn lịch sử rằng: "Giai đoạn thái bình thịnh thế của triều Trần chính là dưới thời Trần Anh Tông."

Vừa bước vừa mải nghĩ ngợi, tôi không để ý tới một cánh tay vừa vươn ra chắn đường. Kết quả là tôi bị giật mình mất đà, hẫng một cái, cả người ngã ngửa ra phía sau. Như một thước phim xoay chậm, kẻ vốn đang chặn tôi phía trước nhanh chóng nghiêng người 180 độ, kịp thời đưa tay đỡ ngang lưng, tay kia giơ ra trước, mở quạt "phạch" một cái rất kêu.

Thêm tí hoa giấy bay, bật một bản nhạc da diết là đủ biến thành một cảnh tượng vô cùng lãng mạn.

Kẻ lạ mặt từ từ nghiêng đầu nhìn tôi, môi khẽ nở nụ cười. Chỉ nghe tiếng các chị em phụ nữ xung quanh xuýt xoa liên tục.

Cái thằng dở hơi này.

Tôi không muốn bản thân trở thành nhân vật chính trong bộ phim mà kẻ kia tự biên tự diễn liền đứng thẳng dậy, nhanh chóng tạo khoảng cách với hắn ta. Lùi về sau vài ba bước, trước mặt tôi là một thiếu niên chừng hơn hai mươi tuổi đang phe phẩy quạt giấy trước ngực, có hai gia nhân theo hầu phía sau.

Hắn có sống mũi cao, mắt xếch, môi mỏng... nhưng tổng thể khuôn mặt lại rất hài hoà, thậm chí khá thu hút. Có thể tạm nhận xét đây là kiểu mặt mà phụ nữ yêu thích.

Đi đường thôi cũng va phải trai đẹp, đáng ra tôi phải vui mừng khôn xiết mới phải. Nhưng là hắn ta đột ngột đưa tay ra chặn đường, tuy rằng có đỡ tôi khỏi ngã ngửa nhưng lại cố tình tạo ra một buổi trình diễn sặc mùi "ngôn lù" nhằm lấy lòng "mỹ nhân" (là tôi đây).

Nghĩ qua cũng thấy được tên dở hơi này không có ý tốt.

Thiếu niên kia thấy tôi mãi không chịu nói gì liền nở nụ cười: "Tiểu thư không sao chứ?"

Tôi chỉ gật đầu xác nhận. Hắn gián tiếp khiến tôi suýt ngã, sau đó đỡ được tôi thì thôi coi như hoà, tôi không cần phải cảm ơn.

Trên mặt hắn xẹt qua một tia lúng túng, húng hắng ho vài tiếng rồi thu quạt lại, vẫn tiếp tục duy trì nụ cười mị hoặc như hồ ly: "Có lẽ ta đã quá đường đột... nhưng trông tiểu thư rất quen mắt. Hai ta đã từng gặp gỡ ở đâu rồi chăng?"

Lạy Chúa trên cao, cái văn tán gái cũ mèm này mà dám lôi ra dùng với tôi sao?

Im lặng mãi cũng không phải là cách, tôi lạnh nhạt đáp lời: "Tôi và cậu đây chưa từng gặp mặt."

Kẻ kia hẳn không ngờ tôi lại dứt khoát đến như vậy, lập tức thay đổi hướng tiếp cận: "Ồ, vậy là ta nhận lầm người mất rồi. Vậy... đã có duyên gặp gỡ, không biết quý danh của tiểu thư là gì?"

Tôi quắc mắt nhìn hắn, tên này mặt dày thật đấy. Thấy tôi tỏ vẻ bực bội, hắn không những không biết khó mà lui, thậm chí còn bước gần thêm về phía tôi cười bảo: "Ta tên là Trung Đế, còn tiểu thư?"

Cố tình tiếp cận, tôi đồ rằng hắn đã biết tôi là ai từ trước, chỉ là mượn cớ để làm quen mà thôi. Tôi không tin mình đủ xinh đẹp để khiến kẻ khác phải bám diết không buông như trong tình cảnh này.

"Thì ra là cậu Trung Đế, tôi tên là Niệm Tâm, chị gái của Trung tán Đoàn Nhữ Hài." Tôi cứ lôi quý tính đại danh của thằng em trai vào để ra oai, mặc dù cũng chưa rõ có tác dụng hay không.

"Tiểu thư biết ta sao?" Trung Đế cười rộ lên, như thể mấy lời tôi nói rất hài hước vậy.

Tôi lắc đầu: "Không biết."

Hắn lập tức ngửa mặt cười ha ha, tên nhãi này hiểu nụ cười của mình rất có trọng lượng trong mắt các thiếu nữ nên không tiếc thể hiện ra trước mặt tôi. Diện mạo cũng ưa nhìn đấy, nhưng nếu so với Trần Thuyên thì hoàn toàn không bằng một góc.

Hơn nữa, sự giả tạo của hắn còn chưa qua nổi mắt tôi đâu. Cố gắng tỏ ra dễ gần bằng cách cười lớn để đối phương mất cảnh giác nhưng chỉnh thể gương mặt hắn vô cùng gượng gạo, ánh mắt đôi lúc làm như vô tình nhìn thẳng vào tôi với thái độ dò xét.

"Không sao, không sao. Có gặp mới có quen, đã vậy trưa nay hãy để ta mời tiểu thư một bữa đi."

Có cần phải đánh nhanh thắng nhanh tới vậy không? Tôi trợn mắt nhìn Trung Đế, chợt cảm thấy hôm nay không thể thoát được tên dở hơi này rồi. Mặt dày đến vậy, tôi dù có đưa ra lý do nào thì hắn cũng có thể hoá giải dễ dàng.

Nhưng thật sự tôi không quen biết hắn, hắn cũng chẳng phải là gu của tôi... tự dưng lôi nhau đi ăn trưa để trở thành trò đùa của thiên hạ sao? Tôi đã đủ tiếng xấu rồi trong mắt mẹ rồi, nay còn dùng dằng lôi kéo với trai lạ giữa phố... bà nhất định sẽ tìm cách tống cổ tôi đi lấy chồng mất thôi!

"À... xin cậu thứ lỗi, tôi..."

Trung Đế mở quạt, ánh mắt tràn đầy tự tin: "Tiểu thư không được từ chối đâu, hôm nay ta nhất định phải mời nàng một bữa."

Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép ăn?

Tôi chửi bới cả họ nhà hắn trong lòng suốt từ nãy tới giờ, đầu óc trống rỗng tới mức không thể nghĩ ra cách nào ổn thoả để thoát thân.

"Tâm!" Một chất giọng trầm ấm vang lên sau lưng, tôi cảm thấy như Bồ Tát cứu khổ cứu nạn đã xuất hiện.

Quân Trì nhanh chóng tiến tới gần, tỏ ra bực dọc: "Ta chờ nàng mãi, còn nghĩ nàng đã quên buổi hẹn với ta rồi. Sao còn chưa về?"

"Khụ." Tôi ho một tiếng, vội vã diễn sâu. "Xin... xin lỗi, ta gặp chút chuyện, để chàng phải chờ rồi."

Quả nhiên, Trung Đế liền đanh mặt lại vì bị phá đám, hoàn toàn không còn chút phóng khoáng ban đầu. Hắn ta không thèm nhìn Quân Trì lấy một cái, chỉ lạnh lùng nói: "Thì ra nàng đã có hẹn. Có duyên lần sau gặp lại, ta đi trước."

Rồi phất áo, quay mông đi mất.

Tôi chắp tay, cúi đầu với Quân Trì, lòng tràn đầy cảm kích: "Vạn lần cảm ơn anh, đúng là xui xẻo quá mà."

Quân Trì cười cười lắc đầu: "Không có gì. Từ xa ta đã thấy bộ dáng khó xử của nàng nên mới vội tới giải vây. Nàng có quen biết với người kia sao?"

Tôi phủ nhận ngay lập tức, miệng lầm bầm: "Ở đâu tự nhiên lại lòi ra một tên biến thái."

Anh ta bật cười: "Có lẽ nàng không biết Đỗ Trung Đế phong lưu nổi danh kinh thành."

Có đọc cả họ tên của hắn ra tôi cũng không biết là ai. Quân Trì thấy vậy liền tốt bụng phổ cập kiến thức, hoá ra đây cũng là một nhân vật cộm cán.

Đỗ Trung Đế này chính là con trai của Trần Khắc Chung, hiện đang giữ chức Tả Chính ngôn trong Trung thư sảnh, công việc chính là lo liệu giấy tờ cho nhà vua. Như Quân Trì nói thì trước giờ việc Đỗ Trung Đế chặn đường gái nhà lành để làm quen là chuyện hết sức bình thường, tôi không cần suy nghĩ xa xôi. (1)

Vì sao tôi lại thấy tên Đỗ Trung Đế này không hề đơn giản nhỉ? Trình độ tán gái của hắn không tệ, nhưng chắc chắn còn có mục đích gì đó ở phía sau. Tôi lắc lắc đầu, có khi tôi cũng tự coi trọng bản thân quá mức, lại nghĩ rằng ai ai cũng nhắm tới mình. Có lẽ là tôi thực sự xinh đẹp khiến Đỗ Trung Đế phải để ý chăng?

Quân Trì lịch sự đề nghị đưa tôi về tận nhà, tôi không từ chối.

Anh ta trầm giọng bảo: "Tuy luôn có quan binh đi tuần nhưng nàng là con gái, một thân một mình đi lại thế này không an toàn."

Cũng phải, chưa nói đến trộm cắp cướp giật, chỉ gặp phải một thằng dở người như Đỗ Trung Đế là tôi hết cách rồi.

Trên đường trò chuyện vài câu, thế nào lại nhắc đến vụ án Đồng dao. Hai gia đình được coi là giàu có trong thành bị sát hại, ai ai cũng biết. Cứ đêm đến là những nhà có của ăn của để đều đóng cửa cài then thật chặt, nuôi thêm vài con chó giữ cửa, ngày ngày thắp hương cầu khấn thần phật để mình không lọt vào tầm ngắm của hung thủ.

Bài đồng dao mới nhất mà hung thủ để lại không biết vì sao đã bị tuồn ra ngoài, Quân Trì thậm chí còn thuộc hơn cả tôi. Thực ra cũng không ngạc nhiên, hậu thuẫn của anh ta là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật, nắm được mấy tin tức như thế này trong lòng bàn tay là chuyện khá dễ dàng.

Tôi không muốn bàn luận công khai về vụ án với Quân Trì nên làm bộ sợ hãi, đánh trống lảng sang chuyện khác. Anh ta chỉ mỉm cười gật đầu, cái nhìn sắc nhọn như biết được tôi chỉ đang giả vờ giả vịt. Sao bộ dáng này giống với Trần Thuyên thế không biết!

Chỉ còn vài bước nữa là về tới nhà, chúng tôi bắt gặp Phạm Vân Phi – ý trung nhân của em trai Nhữ Hài tôi – đang đứng ngoài cửa.

Thấy tôi, Vân Phi tỏ ra vui mừng vạn phần: "Chị Tâm, chị đây rồi! Gia nhân lại báo rằng Nhữ Hài vẫn chưa về là sao?"

Thương cô bé quá, chạy đến tận nhà mà không được gặp người yêu. Tôi liền giải thích rằng em trai vẫn đang phải phụng mệnh ở hành cung, trong nhà có việc nên tôi phải sắp xếp quay về kinh thành trước. Phạm Vân Phi tỏ ra thất vọng vô cùng, day day áo một lúc rồi nói:

"Em gửi chị và phu nhân ít bánh mứt, đều là quà chị em cho người mang từ trong cung ra đó ạ. Thôi em xin phép."

Vân Phi liếc Quân Trì một cái, đại khái cũng bị vẻ ngoài bắt mắt của anh ta làm sững sờ trong khoảnh khắc, nhưng nhận ra mình đã có người yêu nên không dám ngắm lâu mà vội quay đầu bỏ đi.

Tôi ôm túi mứt trong tay, lầm bầm tự hỏi: "Cha là Tướng quân, chị thì ở trong cung. Thân thế ghê gớm thật đấy."

"Đúng vậy." Quân Trì đứng cạnh tôi đáp. "Chị gái của nàng ta là Đệ Nhị cung phi – Huệ phi Phạm Sơ Nguyệt. Mối duyên này của em trai nàng không tồi đâu."

Tôi đỡ trán thở dài một cái, trời ạ, thêm một người vợ khác của Trần Thuyên? Rốt cuộc tên nhóc ấy có tổng cộng bao nhiêu phi tần vậy?

Quân Trì hoàn thành nhiệm vụ đưa tôi về tới nhà xong liền rời đi luôn, tôi còn đang định mời anh ta vào nhà uống chén trà, tiện thể dò hỏi thêm về cái cô Đệ Tứ cung phi kia mà không được.

Tôi chần chừ một lúc, nghĩ thế nào lại bước tới gốc xoan lớn trước cổng. Lúc này mây đã bị gió xua đi bớt, vầng dương hiện ra, in xuống mặt đất từng mảng nắng nhạt nhoà. Có lẽ đã quá giờ Ngọ, xung quanh đặc biệt yên ắng, tập trung lắng tai có thể nghe thấy tiếng cây lá rung rinh.

Một trận gió ùa tới, mang theo thứ mùi vị thật trong trẻo.

Nỗi lo ngại về vụ án Đồng dao dần khuất sau những suy nghĩ về Trần Thuyên, lồng ngực lấp đầy bởi nỗi bất an nặng nề.

Tôi là kẻ rất nhát gan, chỉ cần thấy chuyện không có lợi cho bản thân, tôi nhất định sẽ tìm cách chạy trốn.

Nhưng mà... đó lại là Trần Thuyên chứ không phải ai khác.

Tôi biết rõ bản thân là mười năm ám ảnh trong lòng anh, chỉ là tới hiện tại tôi vẫn chưa thể xác định tình cảm dành cho anh là gì...

Hơn nữa, tôi thật sự có thể tin tưởng anh và mặc kệ tất cả những khó khăn đang hiển hiện trước mắt hay không? Thật sự có thể mắt nhắm tai nghe trước hậu cung đầy ắp không phi tần xinh đẹp như hoa...

Tôi có bao nhiêu phần chắc chắn những gì anh dành cho tôi không phải là sự hứng thú nhất thời?

—-

(1) Bốn giai đoạn của sát nhân liên hoàn: Tham khảo trong cuốn "The Whisperer" của Donato Carrisi và chỉnh sửa cho phù hợp với truyện. (Highly recommend bác nào thích đọc trinh thám nhé!)

(2) Đỗ Trung Đế: Thực tế thì mỗi nguồn lại dẫn tên con của Trần Khắc Chung một kiểu. Có "Trung Đế", "Công Xước", "Công Xướng"... Tui chọn tên Trung Đế vì nghe hợp tai nhất.

Giải thích lại lý do hai cha con không cùng họ: Trần Khắc Chung tên thật là Đỗ Khắc Chung, do có công lớn nên được vua ban cho họ Trần. Tui quyết định chỉ để ông ta theo họ Trần thôi còn con cái thì giữ nguyên họ cũ.

- ---

Dành tặng các bác 1 chiếc meme hôm trước tôi làm =))))