Mênh Mông Venezia

Chương 1: Vieni sui mar* (Anh tới từ bờ biển)



*Vieni sui mar: tên tiếng Anh là Come to the sea hoặc Over the sea. Đây là một bài hát truyền thống của Napoli được Enrico Caruso trình bày. Bài hát này cũng từng được nghệ sĩ mù lừng danh người Ý- Andrea Bocelli thể hiện. Trong album phòng thu có tên Incanto của Andrea Bocelli, bên cạnh bài hát có để tên của Aniello Califano- một nhà thơ, nhà văn người Ý cùng quê hương cũng như cùng thời với Enrico Caruso. Từ đó có thể thấy, Aniello Califano có thể là nhạc sĩ, hoặc người viết lời của bài hát này. Nhưng cũng có tài liệu nói rằng, Vieni sui mar là một bài dân ca của Ý. Sau này André Rieu từng diễn xướng bài hát này với dàn nhạc của mình.

Khi Ôn Hoài Diễu đến Venezia thì đã qua 7 giờ tối, cũng tại chuyến bay chuyển tiếp từ Roma bị chậm trễ do mùa mưa ở Ý, từng chuyến bay trên màn hình lần lượt bị đổi sang sắc đỏ delay.

Ra khỏi sân bay, trời bên ngoài đã tối hẳn.

Cô vừa mở điện thoại liền nhận được mấy thư mail, đều là từ chủ thuê phòng trọ của AirBnb [1].

[1] Airbnb (tiếng Anh từ chữ “Air Bed and Breakfast”), là một thị trường cộng đồng cho việc đặt và cho thuê phòng, căn hộ. Cả người cho thuê nhà tư nhân và thương mại đều có thể thuê nhà hoặc một phần của nó thông qua công ty này, tuy nhiên Airbnb không chịu trách nhiệm pháp lý.

Ôn Hoài Diễu nhìn thoáng qua, tin nhắn được viết bằng tiếng Ý, hẳn là gửi trong lúc cô đang trên chuyến bay. Cô tuỳ tiện trả lời rằng có thể giải thích bằng tiếng Anh hay không.

Lúc chờ chuyển tiếp ở Roma, cô sớm đã tắt di động, ngồi trước cửa sổ phòng chờ sân bay, nhìn cơn mưa rơi ào ạt dưới bầu trời Ý. Thì ra ở chốn tao nhã này, mưa trút xuống vẫn rất dữ dội, chẳng chút dịu dàng. Giọt mưa to bằng hạt đậu rơi lộp bộp đập vào kính, tưởng như muốn tan xương nát thịt.

Ôn Hoài Diễu cẩn thận suy nghĩ, đã bao lâu rồi cô chưa gặp trận mưa như vậy nhỉ?

Có lẽ là ba năm, cũng có thể là năm năm.

Suy cho cùng thành phố C không có mưa, rất ít khi tìm được một thoáng mưa rơi lất phất.

Hơn nữa trong mệnh của Ôn Hoài Diễu khuyết thuỷ. Vốn dĩ phần lớn người ở thành phố C không quan tâm ngũ khành, khi đó Ôn Hoài Diễu còn gọi là Ôn Hoài Miểu [2], ngày còn nhỏ liên tục ốm đau mất mấy năm liền, mẹ của cô đành liều bế cô đi gặp thầy phong thuỷ.

[2] Tên ban đầu của nữ chính là Miểu (缈) nghĩa là mù mịt, thăm thẳm; sau đổi thành Diễu (淼), chữ淼 còn có cách đọc Hán- Việt khác là Miểu. Vì trùng tên ban đầu của nữ chính nên tên sau tớ để là Diễu (diễu diễu: nước mênh mông).

Cần có một cái tên bù vào tướng khuyết thuỷ của cô, mẹ cô ban đầu bán tín bán nghi, nói trong họ của cô có thuỷ, còn bù cái gì?

Đợi khi cô sửa tên rồi, qua gần tháng, cơn sốt cao kéo dài không dứt đã khỏi hẳn.

Từ đó, mệnh của cô đã trở thành câu cửa miệng của cả nhà, họ cho rằng, sau này cô có thể như những đứa trẻ bình thường, chỉ bị bệnh vặt đều nhờ vào cái tên có ba chữ thuỷ trong đó.

Bọn họ lúc nào cũng nói, mua phòng phải mua chỗ nằm cạnh bờ sông, tốt nhất là có hồ, tốt hơn nữa là có hồ riêng.

Ôn Hoài Diễu đều bỏ ngoài tai.

Chỉ là gần năm năm nay chưa ra khỏi thành phố C, bây giờ ra ngoài, rốt cuộc vẫn chọn thành phố ngập nước làm đích đến.

Thành phố nước Venezia.

Trong sân bay Roma khép kín không có cảm giác rõ rệt như vậy, chính từ lúc ở sân bay Venezia bước ra, cô lập tức cảm giác trong xoang mũi đầy hơi nước.

Ban đầu hô hấp có chút khó khăn.

Sau đó dần thích ứng, cảm thấy phổi lành lạnh.

Có lẽ gần hết một ngày, trời cũng mệt mỏi rồi.

Bầu trời lộ ra chút ráng đỏ, sót lại chỉ còn mưa nhỏ sương mờ.

Ôn Hoài Diễu cúi đầu nhìn di động, chủ nhà gửi tới email bằng tiếng Anh, lần này đại khái là đã bớt những lời khách sáo, đơn giản nói một câu, hỏi cô rốt cuộc bao giờ có thể đến.

Cô vẫn chưa gửi tin trả lời thì tin nhắn thoại của wechat đột nhiên hiển thị.

Ôn Hoài Diễu cầm di động, vừa gọi điện vừa đứng trước máy bán hàng tự động mua vé vaporetto từ sân bay đến đảo chính Venezia.

Thẻ Visa không được, bèn đổi sang thẻ Master. Ôn Hoài Diễu nghiêng đầu kiên nhẫn thử từng thẻ trong ví. Những thẻ này không bao giờ hoạt động khi cần dùng.

Sau cùng, người mua vé bên cạnh nhìn cô hồi lâu, có nhã ý nhắc cô.

Đại khái người này tiếng Anh không tốt lắm, đành chỉ cho cô xem nhãn NFC tag [3] trên mặt thẻ.

[3] NFC tag: hệ thống thanh toán không tiếp xúc. Chúng có thể là thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ... hoặc trên các thiết bị như smartphones, thiết bị di động khác.

Bấy giờ Ôn Hoài Diễu mới vỡ lẽ, nói người trong điện thoại đợi chút. C ô quay sang nói câu “Thank you” với người qua đường, sau đó sắp xếp từ ngữ, đưa một tờ 1 Euro, hỏi anh ta có thể quẹt thẻ giúp không.

Tiếng Anh ở Ý có độ thông dụng thấp hơn rất nhiều so với tưởng tượng.

Cũng may việc đưa tiền giấy không tính là khó hiểu, đối phương vui vẻ giúp cô quẹt thẻ rồi nhận tiền.

Người đó thử nói một câu tiếng Trung “xin chào” với cô.

Ôn Hoài Diễu cười tươi, dùng giọng điệu trịnh trọng của anh ta đáp lại: “Xin chào.”

Cô nhìn vào đồng hồ trên di động, 7h30, tranh thủ gửi tin nhắn cho chủ nhà.

Maybe 9 p.m

Bên kia trả lời rất nhanh, “Please before 9 p.m”

Ôn Hoài Diễu có chút bất đắc dĩ nói đợi chút với đầu dây bên kia, đi thêm hai bước tới trạm chờ, tuy tiếng Ý bắt nguồn từ chữ Latinh, nhìn qua không khác tiếng Anh lắm, thế nhưng sau khi tổ chức lại thì trở nên xa lạ rồi.

Nhờ ánh nắng hoàng hôn của mặt trời, cuối cùng đã thấy rõ ràng, có lẽ khoảng tầm 20 phút, từ sân bay tới đảo chính Venezia.

Ôn Hoài Diễu yên lòng, trong không khí còn chút hơi nước, vừa giống như mưa lại giống như sương, Cô lui vào trong cabin nói chuyện điện thoại.

Lúc ngắt điện thoại, chiếc xe buýt nước đã đi được nửa hành trình.

Cô cầm di động tính toán, giờ này trong nước đã gần 3h sáng.

Cô đau đầu mà xoa xoa mi tâm.

Rốt cuộc cô cũng có thời gian nhìn ngắm phong cảnh bên ngoài tấm kính cabin.

Nước biển màu lục lam sâu thăm thẳm, bởi vì phản xạ ánh sáng, trông không khác màu đen mấy. Chỉ nơi được ánh đèn chiếu xuống mới có màu xanh nhạt.

Sắc nước của Venice khá tương đồng với nước sông Tần Hoài, chỉ là nước sông Tần Hoài thì sắc xanh âm u, in bóng lục triều kim phấn [4].

[4] Lục triều kim phấn (六朝金粉): lục triều là từ dùng để chỉ 6 triều đại trong các thời kỳ Tam quốc, Lưỡng Tấn, Nam- Bắc triều trong lịch sử Trung Quốc. Sáu triều đại gồm: Đông Ngô, Đông Tấn, Lưu Tống, Nam Tề, Nam Lương, Nam Trần. Cả 6 triều đại này nối tiếp nhau cai trị vùng Giang Nam của Trung Quốc kéo dài 400 năm tính từ khi Tôn Quyền xưng Vương và đều đóng đô ở Kim Lăng (dưới thời Tây Tân tên chính thức là Kiến Khang; từ thời Minh cho tới tận ngày nay tên là Nam Kinh nghĩa là Kinh đô phía Nam). Kim phấn (bột vàng) là bột chì dùng để trang điểm của phụ nữ ngày xưa, thường dùng để miêu tả sự phồn hoa tráng lệ. Cả câu này nói về cảnh tượng phồn hoa tráng lệ của đất Kiến Khang- kinh đô của lục triều xưa.

Nước biển Venezia bị con tàu rẽ nước mang theo từng tầng sóng bạc, tựa như cả thùng bia bị nước biển bao trọn, thùng gỗ chìm vào đáy biển biến thành khu rừng rậm dưới nước chống đỡ những toà nhà đá. Bia tan thành bọt biển, hoá thành hương thơm bao bọc không khí, len lỏi vào từng phố lớn ngõ nhỏ, mặt biển kéo dài không sao khôi phục được sự tĩnh lặng, làm Ôn Hoài Diễu như ngấm men say.

Đến gần đảo chính Venezia, đường thuỷ rõ ràng dần trở nên hẹp lại.

Thuyền từ từ giảm tốc, lúc này cô mới ý thức được vừa rồi khiến bản thân cô ngà ngà say không phải hương rượu, mà là sóng biển xô tròng trành, trập trùng, nghiêng trái nghiêng phải.

Rất lâu rồi không tiếp xúc với sóng dữ, nhất thời quên mất thuyền cũng làm người ta cảm thấy choáng váng.

Đợi đến lúc cô nhận ra điều này thì đã tới bờ rồi.

Hẳn là vì mùa mưa, nước dâng khá cao, gần như sắp tràn qua ván thép nối bờ với tàu, ván thép bị sức nặng của người giẫm lên rung lắc, còn có chút cảm giác ươn ướt.

Ôn Hoài Diễu vừa đi vừa cúi đầu nhìn mực nước, tính ra mực nước cách mặt ván không nhiều lắm. Có lẽ ấn tượng với phụ nữ phương Đông nữ tính dịu dàng, cho rằng cô đang sợ, thuyền viên đứng trên bờ thiện ý an ủi cô: “Đừng sợ.”

Cô giương mắt chạm vào đôi mắt xanh kia, cười gật đầu, bước nhanh hơn.

Ôn Hoài Diễu nhìn vào hướng dẫn trong điện thoại, còn có mấy tin nhắn chưa đọc.

Là chủ nhà dùng Airbnb gửi email cho cô xem ảnh chụp Google Map, đem toàn bộ tuyến đường quanh co khúc khuỷu phác hoạ ra.

Phía sau ghi số điện thoại Call me +39XXXXXXXX.

Chắc là sợ cô không tìm được được, bảo cô tới thì gọi điện thoại ngay.

Hiếm thấy chủ nhà người nước ngoài nào tốt tính như vậy, cô sớm từng nghe qua tiểu thuyết của dân di cư Mỹ, Airbnb nước ngoài gửi mật mã. Trước khi tới phòng, tự dùng mật mã mở hòm mật mã lấy chìa khoá, khi rời đi lại đem trả về chỗ cũ, có thể từ đầu tới cuối đều không gặp chủ nhà.

Mới vừa nghĩ như vậy, cô liền nhận được điện thoại Đái Yểu Yểu gọi tới.

Lần đầu hai người gặp mặt là lúc Đái Yểu Yểu về nước ba năm trước, mấy ngày trước khi biết Ôn Hoài Diễu muốn đi du lịch, cô ấy không ngừng khuyên Ôn Hoài Diễu đi Mỹ.

Vốn dĩ cô nói đi Chicago tìm Đái Yểu Yểu, sau đó lúc đặt vé, Ôn Hoài Diễu không biết tại sao khi nhìn thấy cá đuôi hồng trong bể, đột nhiên thay đổi ý định.

Trong đầu nhảy ra bốn chữ, đi Venezia.

Đái Yểu Yểu nửa làm nũng nửa oán thán, trách cô không tới Mỹ.

Tính tình của Ôn Hoài Diễu luôn tốt, thanh âm dịu dàng, nói đôi ba câu, cậu đừng tức giận nữa.

Đái Yểu Yểu nóng tính, nhưng từ nhỏ chỉ chịu thua bộ dạng này của cô: “Được rồi, được rồi, tớ cũng thật hết cách với cậu.”

Cô chưa đi được mấy bước đã thấy phía trước chính là một cây cầu với hai bên lan can bằng thuỷ tinh, lúc ấy cô vẫn chưa biết đây là Ponte della Costituzione [5], một trong bốn cây cầu nổi tiếng bắc qua kênh Grande, cây cầu hiện đại nhất.

[5] Ponte della Costituzione: Hay còn gọi là cầu Hiến pháp, được hoàn thành và thông tuyến vào năm 2008. Cây cầu là cây cầu thứ 4 bắc qua Grand Canal và là cây cầu hiện đại nhất bắc qua con kênh này khi nó được thiết kế vào xây dựng chủ yếu bằng thép, kính. Cây cầu từng có tên Quarto ponte sul Canal Grande (Cây cầu thứ 4 bắc qua Canal Grande) trước khi tên chính thức được thông qua để kỷ niệm 60 năm Hiến pháp Ý (1948- 2008). Trong khi đó dân bản địa gọi cây cầu này là ponte di Calatrava (cầu Calatrava) như là để nhớ đến Kiến trúc sư của cây cầu- Santiago Calatrava.

Cô chỉ cảm thấy cây cầu đón khách của Venezia, cực kỳ khí thế, mặt cầu cong cong mền mại, phải rộng ngang với đường cái.

Bởi vì mặt cầu có nước, cùng với mặt thuỷ tinh hai bên, có cảm giác như đang đi trên gương. Phản chiếu đủ loại màu sắc của các quán bar dọc kênh Grande, đèn neon rực rỡ, trong suốt và lung linh.

Từ từ bước lên cầu, đứng ở đỉnh cầu nhìn kênh đào ở phía dưới, tấm thuỷ tinh kia như không tồn tại, tưởng chừng bản thân đang đứng trên ngọn nước.

Ôn Hoài Diễu dứt khoát đứng yên lại, một bên tay vuốt vuốt tay vịn thép lạnh lẽo ẩm ướt.

“Hoài Diễu! Cậu ra ngoài chơi thì thả lỏng đi, đừng nghĩ tới anh ta nữa. Làm gì có cái hẹn đẹp gì đó, quay đầu lại liền chẳng ai nợ ai.”

“Cậu chính là quá tốt, bị người khác khi dễ như vậy, cậu đồng ý cái gì?”

“Cậu có nghe tớ nói không vậy?”

Ôn Hoài Diễu cười cười, lập tức đáp lời: “Đương nhiên có rồi, A Yểu, tớ không phải bị ức hiếp, khi dễ. Đây là chúng tớ bàn bạc với nhau rồi, tớ đồng ý. Cậu đừng quá lo lắng cho tớ.”

Đái Yểu Yểu hừ một tiếng: “Thôi đi, cậu đi du lịch, tớ không nói nữa”, cô ấy suy nghĩ một chút: “À Venezia thế nào, chơi vui không? Trước kia chỉ qua Venetian [6] kia ở Macao, chưa thấy qua Venezia chân chính.”

[6] Venetian: tên đầy đủ là The Venetian Macao là một toà nhà phức hợp bao gồm khách sạn, khu nghỉ dưỡng, sòng bạc, trung tâm thương mại... ở đặc khu Macao- Trung Quốc thuộc sở hữu của tập đoàn Las Vegas Sands và tỷ phú Mỹ Sheldon Adelson. Tại tầng 3 của khách sạn này được thiết kế mô phỏng như thành phố Venezia (Venice) thu nhỏ với kênh đào, những cây cầu, thuyền gondola dưới bầu trời xanh nhân tạo. Trong phim Boy Over Flower của Hàn Quốc năm 2009, có cảnh Jandi tới Macao tìm Jun Pyo (tập 13- 15), thì nơi này là một trong những sản nghiệp của tập đoàn Shinwa (dĩ nhiên chỉ là ở trong phim thôi nhé).

Ôn Hoài Diễu tiếp lời, nói đơn giản khung cảnh ở đây với cô ấy.

Câu được câu mất.

Trong nhất thời quên mất thời gian, tới khi di động rung liên hồi mới phát hiện máy đã nhận được mấy cái email.

“Where are U?”

“Please reply.”

“Are you losing?”

Sợ Ôn Hoài Diễu lạc đường, chủ nhà gửi tỉ mỉ kỹ càng cho cô đi con phố nào trước rồi chuyển hướng chỗ nào.

Hiếm khi được nói chuyện cùng Đái Yểu Yểu, hai người nói rất vui vẻ, Ôn Hoài Diễu cũng không muốn mất hứng.

Song đối với sự nhiệt tình của chủ nhà cô cũng có chút ngại ngùng, nên đã gửi email chứng tỏ mình có thể thuận lợi tìm đường tới, nhưng phải muộn một chút mới đến.

Cô định cúp điện thoại rồi mới tìm đường, nếu không vừa kéo vali lại vừa tìm đường sẽ rất tốn sức.

Người đi trên đường càng lúc càng ít, rất ít người giống Ôn Hoài Diễu, kéo theo vali đứng lặng trên cầu.

Xa xa vẫn có thể nghe thấy tiếng diễn tấu Accordion.

Không biết từ khi nào, mưa nhỏ lại rơi xuống. Cô lấy dù ra, bật dù che mưa, nhìn mặt nước bị mưa rơi xuống tạo nên vô vàn vòng tròn nhỏ.

Ôn Hoài Diễu tiếp tục trò chuyện cùng Đái Yểu Yểu, gần đây cô ấy chăm con khổ không tả nỗi, nghĩ đến là run rẩy, nói chồng cô ấy buổi sáng đi làm, chỉ mình cô ấy thái rau làm cơm còn phải trông con nhỏ.

“Khi đó nghĩ, ở nước ngoài không cần suy xét quan hệ mẹ chồng nàng dâu là chuyện hạnh phúc bao nhiêu. Giờ lại phát hiện, nếu có mẹ chồng thì có thể giúp đỡ một chút, cái gì tớ cũng đều có thể nhịn. Có đôi khi tớ buồn ngủ rồi mà con còn quấy khóc.”

“Tớ liền nghĩ, đây là tại sao, khi chúng ta còn nhỏ cũng phiền phức như vậy à?”

“Ầy đại khá là giống tớ thôi, từ khi cậu còn nhỏ đã là con ngoan điển hình rồi.”

Ôn Hoài Diễu biện bạch một câu: “Đó là do tớ thường xuyên bị bệnh, không có cơ hội nghịch ngợm.”

Đái Yểu Yểu không đồng ý: “Cậu không bị bệnh thì lại an tĩnh đọc sách. Không giống tớ, leo lên nóc nhà lật mái ngói gì đó đều làm.”

Ôn Hoài Diễu cười cười, thuận theo lời cô ấy nói.

Rất nhanh chủ nhà lại hỏi cô: “Your phone number?”

Ôn Hoài Diễu bấy giờ mới nhớ ra, lúc ấy cô lưu là số điện thoại trong nước.

Tuy đã mở dịch vụ chuyển vùng quốc tế nhưng tới sân bay, cô vẫn mua sim điện thoại Ý thay vào.

Cô tìm ghi chú, gửi số điện thoại mã vùng +39 đi.

Một giọt nước mưa bắn lên trên màn hình di động của cô, làm dòng chữ trên điện thoại trở nên có phần méo mó.

Cô dùng tay áo lau đi, lúc này mới cầm lên “alo” một tiếng.

Đái Yểu Yểu bên kia không lên tiếng, cô nghi hoặc nhìn.

Hoá ra là số FaceTime mời nói chuyện, cắt ngang cuộc gọi nói chuyện phiếm của các cô.

Nhưng mã vùng cũng là +39, cô đoán là chủ nhà.

Ôn Hoài Diễu có chút xấu hổ, từ trước tới nay cô sẽ không cự tuyệt ý tốt của người khác, nhưng chưa từng gặp mặt chủ nhà, tuỳ tiện trò chuyện video như vậy khiến cô trở tay không kịp.

Đợi đến khi cuộc gọi video kết thúc.

Cô chủ động gọi điện thoại bình thường cho chủ nhà.

Đầu bên kia là giọng nam rất sốt ruột, thanh âm rất trẻ, ngữ khí vừa nhanh vừa gấp, mang khẩu âm Anh của người Ý” Where are you?”

Ôn Hoài Diễu nhìn tứ phía không biết đây là chỗ nào, cẩn thận miêu tả bản thân đi từ nhà ga tới đây như thế nào.

Hiểu nhiên tiếng Anh của đối phương không được tốt lắm, rất thiếu kiên nhẫn đánh gãy lời cô.

“No, I just want to know”, anh ta tựa như đang suy nghĩ tìm từ ngữ, nghe ngữ khí có thể thấy anh ta đang bực bội: “What can you see nearby?”

Lúc này Ôn Hoài Diễu thay đổi cách nói đơn giản trực tiếp: “Bridge, over the river.”

Thực ra cô biết nói cũng như không, bởi nghe nói Venezia có hơn 370 cây cầu, trước đó cô không biết cây cầu tên gì mới miêu tả bản thân đi như thế nào.

Quả nhiên nghe thấy đối phương chửi thần một tiếng, hẳn là tiếng Ý, có vẻ giống tiếng lẩm bẩm mơ hồ.

Bên chỗ anh ta cũng khá ồn ào, chắc ra ngoài tìm cô rồi.

Ôn Hoài Diễu vô cùng áy náy, cố gắng dùng những từ tiếng Anh dễ hiểu nhất nói rằng cô có thể trở về, anh ta không cần ra ngoài đón cô.

Anh ta dừng lại hai giây.

Ôn Hoài Diễu cho rằng anh ta nghe không hiểu, nói “Sorry” chuẩn bị lặp lại một lần nữa.

Đầu giây bên kia giọng nói của người đàn ông lộ rõ vẻ tức giận, hỏi cô tại sao không tới đúng hẹn.

Lúc này Ôn Hoài Diễu mới nhìn di động, qua 9 rưỡi, cô cho rằng chưa qua bao lâu, không ngờ rằng thời gian trôi nhanh tới vậy. Giọng cô chân thành, nói bây giờ cô sẽ lập tức qua.

Người đàn ông thở dài, nói một tràng.

Tốc độ nói của anh ta có chút nhanh, âm rung đầu lưỡi trong tiếng Ý cùng âm thanh ồn ào xung quanh khiến Ôn Hoài Diễu không nghe rõ anh ta nói cái gì.

Chỉ nghe thấy “water” không ngừng lặp lại.

Ôn Hoài Diễu đánh gãy lời anh ta: “Sorry pardon?”

Lúc này anh ta nói thẳng: “Look around, water.”, anh ta có chút không biết biểu đạt như thế nào, dùng từ ngữ đứt quãng, ngữ khí vẫn lộ ra sự cứng nhắc và bất mãn: “After 9, half meter water.”

Ôn Hoài Diễu nghe hiểu, giật mình.

Cây cầu này rất dài, bắc qua một con sông rộng, cô vẫn đứng ở nơi cao nhất tựa lan can nhìn kênh Grande, căn bản không để ý tới cảnh tượng trên đường, huống hồ quán bar, dàn nhạc cùng với thuyền qua lại dưới cầu, cô căn bản không nhận ra điều gì khác thường.

Lúc này kéo vali chạy nhanh xuống mấy bậc thang, phát hiện sắc nước xanh bích đã ngập quá nửa một bậc thang, từng đợt từng đợt dội lên, rồi lại rút về.

Người đi đường phía dưới, hơn phân nửa là dân địa phương, hoặc đi ủng hoặc xắn ống quần, mặc áo mưa đủ màu sắc, di chuyển chỗ nước nông.

Thuỷ triều.

Thành phố C là thành thị nằm sâu trong nội địa, Ôn Hoài Diễu đối với thuật ngữ này rất xa lạ.

Lúc này mới ý thức được, đây là nơi biển lớn, sẽ có thuỷ triều dâng, không phải là hồ nhân tạo hay bể cá.

Cô há hốc miệng

Nhất thời không biết nói gì.

Người đàn ông nói ngắn gọn tình hình, kỳ thực hai câu đầu của anh ta là ý trách cứ rõ ràng, phía sau càng giống như giải thích tại sao anh ta yêu cầu cô nhất định phải đến trước 9 giờ.

Anh ta nói xong liền cho qua, “I need photo.”

“Your place!”

Ôn Hoài Diễu hiểu ý anh ta, cô ngắt điện thoại, chụp toàn cảnh cây cầu cùng cảnh tượng xung quanh.

Sau khi gửi đi cô càng thêm áy náy.

Chủ nhà có trách nhiệm như vậy, hẳn là lo lắng an nguy của cô khi thuỷ triều dâng, ở nơi lạ lẫm, lại không tìm ra đường, nên tự mình tới đón.