Mộng Đổi Đời

Chương 31



Sáng sớm, Uông Trường Xích muốn ngủ nướng thêm chút nữa nhưng chiếc đồng hồ sinh học trong cơ thể cậu đã reo, không thể tiếp tục ngủ được nữa, đành trở dậy. Nếu là một buổi sáng bình thường, Uông Trường Xích sẽ nhanh chóng mặc quần áo, đánh răng, rửa mặt..., tất cả công việc ấy nhanh chóng kết thúc trong khoảng năm phút rồi cậu, như một chiếc xe cần mẫn, lăn ra khỏi nhà, lăn đến tận dưới lầu mới dừng lại ở chỗ bán điểm tâm, mua hai chiếc bánh bao rồi tiếp tục lăn về phía trước, lăn thẳng đến công trường xây dựng... Nhưng hôm nay, hình như chiếc bánh xe ấy đã thấm mệt vì lăn lộn quá nhiều, không muốn tiếp tục lăn nữa, hình như muốn tiếp tục lăn nữa, cái mông cứ dính chặt lấy chiếc ga trải giường, thân trên bất động, toàn thân dường như đã bị đông kết trong không khí.

Một tiếng đồng hồ sau, Tiểu Văn cũng trở mình thức giấc. Uông Trường Xích vẫn ngồi bên mép giường. Tiểu Văn hỏi giờ, hỏi sao lại không đi làm. Uông Trường Xích giả vờ không nghe thấy, mắt không hề chớp. Bỗng nhiên Tiểu Văn đấm ngực, nói:

- Anh xem này, em đúng là thứ ngốc nghếch, suýt chút nữa thì quên luôn cả chuyện nhảy lầu.



Uông Trường Xích vẫn bất động, hình như trí óc của cậu cũng đang ngưng hoạt động. Tiểu Văn hôm cơm nguội còn lại từ tối hôm qua, rán thêm một quả trứng rồi gọi đến năm sáu lần, Uông Trường Xích mới rời khỏi giường, đánh răng, rửa mặt, mặc quần áo và ăn sáng. Tiểu Văn nói;

- Nhảy lầu chẳng qua là một cách đối phó thôi, mục đích là dụ rắn ra khỏi hang, đừng bao giờ bắt chước bố nhảy thật đấy nhé.



Uông Trường Xích chẳng hé răng. Tiểu Văn tiếp tục nói:

- Ở trên cao gió khá to, anh mặc dày một tí, đừng trèo lên cao quá, đừng đứng trên ấy quá lâu. Khi trèo lên tới đỉnh giàn giáo rồi, anh lén dùng dây thừng buộc cơ thể vào giàn giáo, cẩn thận kẻo ngã – Vừa nói, Tiểu Văn vừa đưa cho Uông Trường Xích một đoạn day thừng dài khoảng một mét, to và có vẻ rất chắc, hai đầu đều có hai chiếc móc sắt gắn rất chắc chắn. Uông Trường Xích hỏi:



- Cái dây này lấy ở đâu ra vậy?



- Mua. Công trường xây dựng nào cũng có người bán loại dây này. Không những thế, còn có người bán khẩu hiệu, biểu ngữ, ví như “Tôi vì ông mà bị thương. Ông vì tôi hãy bồi thường!”, hay là “Đáng bồi thường mà không bồi thường, tuyệt đường con cháu”, hoặc là “ Về nhà ăn Tết, yêu cầu trả lương”, hoặc là “Những kẻ quỵt tiền mồ hôi nước mắt của công nhân kia! Có bản lĩnh hãy bước ra đấy đi dạo vài bước!”... Nó chung là muốn có kiểu gì thì có người đáp ứng ngay kiểu ấy, người mua cũng không phải là ít, người bán sẽ nhanh chóng thành lập doanh nghiệp chứ chẳng chơi đâu.



Sau khi rời khỏi nhà, ý nghĩ đầu tiên xuất hiện trong đầu Uông Trường Xích là dùng sợi dây thừng ấy siết cổ Lâm Gia Bách. Nhưng ý nghĩ ấy cũng giống như những làn khói bay lên khi nồi bánh bao bị đun nóng, nhanh chóng tan biến trong gió. Cậu đi vòng ba ngày quanh công trường nhưng không đủ can đảm để trèo lên giàn giáo. Mỗi chập tối trở về nhà trọ, cậu đều cúi gằm mặt xuống đất, không dám ngước nhìn Tiểu Văn, làm như mình đã làm điều gì đó có lỗi với cô ấy. Tuy không lên tiếng trách móc hay thôi thúc gì nhưng âm thanh xào rau của Tiểu Văn mỗi ngày một khác, âm thanh để cái bát xuống bàn cũng vang lên to hơn ngày xưa, tiếng nước chảy khi Tiểu Văn tắm cũng không như ngày thường. Những lúc ấy, Uông Trường Xích ngồi trong nhà mà như ngòi trên bàn chông, trên lò lửa. Chiều tối ngày thứ tư, Uông Trường Xích lại tiếp tục cúi đầu trở về, phát hiện trong phòng trọ có thêm người thứ hai. Người ấy là ai? Trong thoáng giật mình, Uông Trường Xích nhận không ra người đó là ai, cố gắng một hồi lâu, huyết quản mới thông trở lại, ký ức như mới phục hồi. Đó không phải là Lưu Kiến Bình sao? Anh ta lên tiếng trước tiên: 

- Cuối cùng thì cậu có thể leo lên giàn giáo không?



- Không.



- Không leo thì làm thế nào có thể nhận được tiền bồi thường? – Đó là tiếng Tiểu Văn



- Tôi cần phải khác với bố tôi.



- Tất cả những biện pháp khác đều có thể mang lại những hậu quả ngoài ý muốn như có thể giết người, cháy nhà, làm không tốt thì dễ dàng biến thành kẻ phạm pháp. – Lưu Kiến Bình trầm ngâm nói. – Riêng cách nhảy lầu là tự mình hại mình, không hại đến ai, nếu xét về hiệu quả thì đó là cách buộc các lão chủ phải nhả tiền nhanh nhất.



- Lúc này lá gan của các lão chủ đều to bằng cả ông trời hết rồi, cho dù có nhảy lầu mà chết thật di nữa cũng không dọa được bọn chúng đâu. – Uông Trường Xích nói.



- Nếu không thì tôi sẽ cùng với cậu leo lên giàn giáo. – Lưu Kiến Bình nói – Người đông thì sức mạnh cũng tăng lên.



- Tôi không muốn học bố tôi.



- Có những chuyện không muốn học vẫn cứ phải học. – Tiểu Văn nói – Ví như chuyện đốt hương quỳ lạy trước bàn thờ tổ tông, anh có thể không học được không?



- Đòi bồi thường tai nạn, đòi tiền lương là những công việc rất khó sáng tạo, không dễ tìm ra cách thức mới. – Lưu Kiến Bình nói – Tốt nhất là tôn trọng truyền thống thôi.



- Tôi không muốn lặp lại truyền thống chẳng lấy gì làm vinh quang của gia đình.



Uông Trường Xích nói xong thì nhắm mắt giả vờ ngủ. Lưu Kiến Bình bất lực đứng dậy ra về.

Mấy ngày sau, cuối cùng thì Uông Trường Xích cũng đã nghĩ ra một cách đối phó với lão chủ mà không giống với bố mình ngày trước. nhưng khi nghĩ ra rồi thì Uông Trường Xích lại mất ngủ liên tiếp mấy đêm liền, bởi từ trước đến nay, làm bất cứ việc gì, dù lớn hay nhỏ thì ít nhiều cậu cũng đều chịu ảnh hưởng từ Uông Hòe, duy chỉ có lần này cậu độc lập suy nghĩ, độc lập hành động. Tất nhiên, biện pháp này không phải là không tưởng mà là thông qua một sự quan sát cực kỳ kín kẽ kết hợp với tình hình thực tế. Đầu tiên, Uông Trường Xích tìm hiểu và biết được số điện thoại của công ty từ những tờ rơi quảng cáo dán trên tường bờ rào của công trường, sau đó cậu mạo xưng là một khách hàng gọi một cú điện thoại đến công ty, sau đó căn cứ vào địa chỉ mà đến thẳng công ty. Uông Trường Xích cố ý dùng rất nhiều từ địa phương trong khi nói chuyện với nhân viên bảo vệ, dùng danh nghĩa là người đồng hương đến tìm Lâm Gia Bách nhưng cuối cùng cũng bị nhân viên bảo vệ ngăn lại ngoài cổng. Nghỉ hai ngày, Uông Trường Xích lại lấy danh nghĩa là bàn công việc làm ăn đến cổng công ty, nhân viên bảo vệ hỏi làm ăn về cái gì, vì chưa nghĩ đến chuyện này nên cậu không trả lời được, lại bị bảo vệ giữ lại ở cổng. Lần thứ ba, Uông Trường Xích bảo đến gặp lão Đặng, người của công ty. Bảo vệ hỏi tên đầy đủ lão Đặng là gì, cậu tùy tiện buột miệng nói là Đặng Đức Trí. Nhân viên bảo vệ tra trong sổ không có tên người này, bèn đẩy cậu ra khỏi cổng. Cứ đến rồi về như thế, nhân viên bảo vệ đã quen mặt Uông Trường Xích nên sau đó, hễ thấy cậu xuất hiện thì không cần hỏi han gì mà tống cổ cậu ra khỏi cổng. Như vậy, cơ hội đi vào bên trong công ty của Uông Trường Xích hầu như là không còn nữa.

Uông Trường Xích chọn một chỗ ngồi đối diện với cổng công ty, hơi chếch một tí về bên phải và bắt đầu theo dõi. Cậu ấy phát hiện Lâm Gia Bách mỗi đầu giờ chiều đều lái chiếc xe hơi sang trọng có biển số 88888 đến công ty. Khi chiếc xe chạy chậm lại chuẩn bị quẹo vào cổng, cậu đuổi theo, khoảng cách giữa cậu với chiếc xe lúc gần nhất chỉ là năm mét, nhưng năm mét ấy lại bị ngăn cách bởi một lần cửa kính nên giữa cậu và người ngồi bên trong xe là hai thế giới độc lập, chỉ có thể trông thấy những gì bên trong xe mà không thể sờ mó được, cũng giống như một người ngồi ngoài xem ti vi, gần nhau mà là hai thế giới hoàn toàn không lien hệ gì với nhau. Thời gian để Uông Trường Xích thu hẹp khoảng cách ấy xuống bằng không có thể là một giây, cũng có thể là nửa giây, có điều cậu không bao giờ thu hẹp được khoảng cách ấy, bởi chỉ trong khoảng thời gian ấy, chiếc xe chở Lâm Gia Bách cũng đã đến cổng công ty, ở đó có thanh sắt chắn ngang, có nhân viên bảo vệ và tất nhiên, Uông Trường Xích không thể giở bất kỳ trò gì mà không gặp sự ngăn cản của bọn chúng. Thế là, Uông Trường Xích đi theo hướng ngược với công ty của Lâm Gia Bách khoảng năm trăm mét, đó là một ngã tư, ngay bên cạnh ngã tư là đồn cảnh sát khu Đông Bảo.

Chín giờ mười hai phút. “Rầm!”. Uông Trường Xích đã nằm gọn trên nắp thùng của chiếc xe chở Lâm Gia Bách giống như một xác chết từ trên trời rơi xuống khiến chiếc xe không thể không dừng lại. Mũi Uông Trường Xích đập vào cửa kính chắn gió, đau đến độ huyệt thái dương của cậu trương phồng lên, đầu muốn nổ tung, lỗ tai lùng bùng. Nhưng may thay, cơn đau nhanh chóng qua đi. Người đi đường bắt đầu vây quanh, giao thông ngay lập tức bị ách tắc. Hai viên cảnh sát chạy từ trong đồn ra, một người làm nhiệm vụ hướng dẫn xe cộ tiếp tục lưu thông, một người chạy về hướng Uông Trường Xích và chiếc xe của Lâm Gia Bách. Uông Trường Xích đang ngồi trên nắp thùng xe, cầm trên tay một tờ giấy viết theo hàng ngang mấy chữ như sau: “Bị tai nạn lao động trở thành người tàn tật, thỉnh cầu bồi thường”. Người hiếu kỳ vây quanh càng lúc càng đông, những tiếng kêu thét, tiếng huýt sáo, tiếng còi xe tạo thành một dàn hợp xướng đinh tai nhức óc. Viên cảnh sát chỉ dùi cui vào mặt Uông Trường Xích, quát lớn:

- Xuống xe ngay!



- Không dễ dàng gì chặn được hắn, tôi mà xuống khỏi xe là hắn trốn ngay!



- Không nói điều kiện! Trước hết là phỉa xuống xe để đảm bảo trật tự giao thông!



Hai tay Uông Trường Xích bám chặt vào chiếc cần gạt nước trước kính chắn gió. Viên cảnh sát túm chặt lấy hia chân Uông Trường Xích lôi mạnh, thân hình cậu trượt từ trên nắp xe rơi xuống, cằm đập mạnh vào thanh sắt bảo vệ trước xe và đập xuống nền đường nhựa. Viên cánh sát quát lớn:

- Đứng dậy!



Hai tay Uông Trường Xích đã ôm chặt lấy bánh xe, nửa mặt ép chặt vào bánh xe giống như lần đầu tiên cậu ôm lấy Tiểu Văn, những thớ thịt trên mặt cọ xát quá mạnh vào bánh xe nên méo mó trông rất khó coi. Viên cảnh sát tiếp tục lôi, mỗi lần anh ta dùng sức kéo mạnh thì hình như chiếc xe cũng rung nhẹ. ống tay áo của Uông Trường Xích đã bị kéo rách, những người xung quanh lên tiếng chửi viên cảnh sát nào là hành sự thô lỗ, nào là cảnh sát chỉ đứng về phía kẻ có tiền mà ức hiếp người nghèo, nào là cảnh sát không đồng cảm với nhân dân lao động, thậm chí còn có người đã vén ta áo lên, nắm đấm lộ gân xanh chằng chịt trên cánh tay. Viên cảnh sât liếc nhìn xung quanh, chỉ thấy một đám đông đen nghịt nên giọng điệu từ mệnh lệnh ngya lập tức chuyển sang khuyên nhủ rất thân thiện:

- Lão đồng hương à. – Anh ta ngồi xổm xuống – Chỉ cần cậu đứng dậy là tôi tận tâm tận lực giúp cậu thương lượng với người ta...



Uông Trường Xích không tin, liếc nhìn mặt viên cảnh sát như đang đánh giá những lời anh ta có thể đáng tin đến bao nhiêu phần trăm. Viên cảnh sát vẫn nói với giọng hết sức ôn tồn:

- Chỉ cần cậu tránh sang một bên, tôi đảm bảo là không để cho xe của ông ta bỏ chạy.



Uông Trường Xích vẫn tỏ vẻ hoài nghi. Viên cảnh sát chụm hai bàn tay vào nhau giống như các võ sĩ thượng đài vẫn vái chào nhau, vái Uông Trường Xích mấy cái rất đúng lễ. Vinh dự quá! Đây là một vinh dự quá sức tưởng tượng! Trong lòng Uông Trường Xích nghĩ vậy, bèn buông tay, bò dậy. Vien cảnh sát phủi bụi vương trên quần áo cậu, cử chỉ ấy khiến Uông Trường Xích ứa nước mắt cảm động vì khiến cậu nhớ lại ngày xưa, Lưu Song Cúc đã từng làm như vậy không biết bao nhiêu lần. Vẻ cứng cỏi, ương ngạnh hoàn toàn biến mất trên mặt Uông Trường Xích:

- Bất đắc dĩ tôi mới làm thế. Tôi không phải là một thằng điêu dân trong trứng nước, tất cả là vì bọn chúng ức hiếp cả thôi.



Lúc này viên cảnh sát mới gõ tay lên cánh cửa xe. Nó từ từ lăn bánh về phía trước. Viên cảnh sát chỉ tay về phía đồn cảnh sát, nhưng chỉ bò được khoảng vài ba mét, chiếc xe đôỵ nhiên tăng tốc lao vụt đi như tên bắn, căn bản là không quan tâm đến ngón tay đang chỉ về phía đồn của viên cảnh sát nọ. Uông Trường Xích nghĩ trong bụng là mọi việc đã xong, tất cả kế hoạch của cậu đã thất bại.

Chiếc xe con bóng lộn của Lâm Gia Bách chỉ chạy được một lát thì bị hai chiếc mô tô cảnh sát có đèn lấp lóa áp sát, dẫn vè đồn. Dưới sự giúp đỡ của viên cảnh sát có tên là Ngô Sinh, Uông Trường Xích đã ngồi đối mặt với Lâm Gia Bách qua chiếc bàn nhỏ. Đây là lần đầu tiên, Uông Trường Xích và Lâm Gia Bách có thời gian khá dài và không gian khá gần để tiếp cận nhau, để đánh giá về nhau. Lâm Gia Bách vừa trắng vừa gầy, trên chiếc sống mũi thẳng có một gọng kính đen, tóc cắt ngắn, đôi mắt một mí nhỏ xíu, quần áo vét bên ngoài, bên trong là chiếc áo sơ mi trắng tinh, cổ cao như cổ thiếu nữ. Da dẻ Uông Trường Xích vừa đen vừa sần sùi, đàu ngón tay bị xi măng ăn lở loét, quần áo bụi bặm bẩn thỉu, ngay cả đàu tóc cũng đày bụi đất... Bụi bặm ấy vừa dính vào người Uông Trường Xích khi cậu ngã xuống đường. Điều làm Lâm Gia Bách khó chịu nhất là, đôi mắt Uông Trường Xích vừa to vừa có hai mí, những bộ phận trên gương mặt cậu ấy đều đẹp mà cương nghị, cương nghị mà thiện lương. Đôi lông mi vẫn dày, vẫn dài; đôi hàm răng vẫn trắng, vẫn đều tăm tắp... Lâm Gia Bách thoáng nghĩ, thằng chó chết này nếu không sinh nhầm chỗ thì đúng là một “chuẩn men”. Uông Trường Xích thầm nghĩ, thằng lừa đảo, thằng giết người này không ngờ lại mảnh khảnh, thư sinh đến như vậy. Lâm Gia Bách nghĩ, cho dù thằng này có đẹp hay xấu thì dụng tâm và thủ đoạn lừa bịp đều giống nhau. Uông Trường Xích lại nghĩ, không thể đo dược lòng người thông qua tướng mạo, không thể đo được nước biển bằng cách đong đếm, sự độc ác của kẻ chuyên ăn thịt nếu rửa tay ở bờ ao cá sẽ chết, đi ngang qua rừng cây sẽ héo khô. Lâm Gia Bách tiếp tục nghĩ, động một tí là đòi nhảy lầu, động một tí là nhảy vào xe người ta, xã hội đã bị lũ nghèo đói chúng mày làm cho loạn xị bát nháo lên rồi. Uông Trường Xích lại nghĩ, niềm tin vào con người đã bị bọn nhà giàu chúng mày vất cho chó gặm từ lâu rồi. Lâm Gia Bách nghĩ chính những thằng cùng đinh như bọn mày đã kéo lùi tó chất bình quân của người Trung Quốc. Uông Trường Xích nghĩ chính chúng mày đã vét cạn sức lực và khí chất của người nghèo chúng tao. Lâm Gia Bách nghĩ chúng mày khạc nhổ mọi nơi mọi lúc, chỗ nào cũng vương nước tiểu của chúng mày. Uông Trường Xích nghĩ bọn mày chuyên cấu kết với quan trên đưa đút lót hối lộ, bao gái gọi. Lâm Gia Bách nghĩ mày là đồ cặn bã trong thế giới loài người. Uông Trường Xích nghĩ mày là đồ rắn độc. Lâm Gia Bách nghĩ, giày của mày bóc lên mùi thối quá. Uông Trường Xích nghĩ mày đang xài loại nước hoa gì vậy, tao ngửi thấy buồn nôn...

Uông Trường Xích là người phá tan sự im lặng bằng một chất giọngđịa phương đặt sệt. Cậu nghĩ, dùng giọng dịa phương sẽ hy vọng tìm thấy sựu đông cảm của Lâm Gia Bách, nhưng không ngờ hắn không có phản ứng gì, ngay cả một cái nhíu mày cũng không. Uông Trường Xích nói rõ yêu cầu của mình, đồng thời đặt lên bàn hóa đơn yêu cầu bồi thường và những xác minh về thương tật của bệnh viện. Lâm Gia Bách quay mặt nhìn ra cửa sổ, không hé răng nói tiếng nào. Uông Trường Xích nhìn chăm chú vào mặt Lâm Gia Bách, tay đã nắm lại từ bao giờ và đã mấy lần cậu định vung tay đám thẳng vào mặt hắn nhưng đều dằn lòng được. Lâm Gia Bách vẫy tay, cảnh sát Ngô tiến vào. Hắn lên tiếng:

- Nhờ sếp nói với hắn, không phỉa là tôi không muốn bồi thường, nhưng không muốn bồi thường mà không rõ ràng lý do. Cho dù tôi bồi thường đi chăng nữa thì cũng phải bồi thường một cách hợp pháp, đúng quy định chứ không phải bằng cách thức dã man như hắn đã làm. Chúng ta là một đất nước pháp trị, mỗi công dân đều phải tuân thủ pháp luật, nếu ai cũng dùng cách như hắn để giải quyết mọi mâu thuẫn, mọi hiềm khích thì e rằng luật pháp của chúng ta sẽ bị đảo điên mất.



- Ngay cả nộp tiền để nộp lệ phí tôi cũng không có thì làm sao có thể thực hiện theo quy trình?



- Tôi sẽ cho anh mượn. – Lâm Gia Bách nói.



- Có thể cho tôi mượn năm mươi nghìn đồng không? – Uông Trường Xích giơ bàn tay phải với năm ngón tay xòe ra, hỏi.



- Anh không có thành ý gì cả.



- Không thành ý vì căn bản tôi không thể kiện mà thắng anh được.



- Anh chưa kiện thì làm sao biết được là thắng hay thua?



Uông Trường Xích cứng miệng. Cậu nghĩ, nếu làm căng lên thì có thể sẽ không nhận được bất kỳ đồng nào, vả lại có cảnh sát Ngô bên cạnh, anh ta sẽ can thiệp. Vấy vào cửa quan không phải là thượng sách của những kẻ cùng đinh. Ánh mắt của Uông Trường Xích nhìn chăm chú vào cảnh sát Ngô như muốn tìm thấy ở annh ta một sự cứu viện, chờ đợi từ anh ta một đáp án. Cảnh sát Ngô đứng trước một tình huống vô cùng khó xử, không muốn động chạm đến Lâm Gia Bách, không đủ sức để giúp đỡ Uông Trường Xích, anh ta chỉ biết quay mặt về phía cửa sổ để tránh cái nhìn của Uông Trường Xích và hình như cũng muốn nói với cậu rằng, đáp án đang vắt vẻo trên đầu ngọn cây kia. Lâm Gia Bách tiếp tục lên tiếng:

- Thật ra thì cũng còn một cách mà không tốn tiền là anh phải đến tìm Sở Lao động, nhờ họ đứng ra làm trọng tài, họ phán xử phải bồi thường bao nhiêu thì tôi sẽ đưa cho anh bấy nhiêu.



Uông Trường Xích biết những gì Lâm Gia Bách nói ra đều là giả dối nhưng không tìm ra bất cứ lý do để phản bác, đôi mắt trợn tròn nhìn hắn ta bước ra khỏi đồn cảnh sát. Cánh sát Ngô vỗ vai cậu, nói với giọng thông cảm:

- Hãy tin vào luật pháp, hãy tin rằng trên thế gian này người tốt vẫn còn nhiều.

Toàn thân Uông Trường Xích đột nhiên nổi da gà, không biết nguyên nhân là do cái vỗ vai hay là lời nói của cảnh sát Ngô?