Ngôi Sao Rực Rỡ

Chương 9



Từ khi chuyện “nam nữ làm loạn nội quy” bị bại lộ thì mỗi khi Từ Vãn Tinh đối mặt với Kiều Dã là luôn thấy cậu cười cười, ánh mắt toàn là trào phúng.

Đồng thời Tiểu Phân Đội Ma Tương và Kiều Dã cũng vẫn giữ ân oán như trước.

Đám học sinh này vẫn dùng thủ đoạn của học sinh “lớp lá” mà giằng co với cậu ta.

Đáng tiếc chính là ở tuần thứ hai thì việc giằng co này đã thay đổi hướng gió.

Vẫn ở trong giờ học, đại biểu môn ngữ văn ôm một chồng bài tập mới chữa xong và thở hồng hộc trở về phòng.

Bông hoa Hồ Điệp Xuân Minh lại nhiệt tình dào dạt nhào tới.

Đại biểu môn học mặt không biểu tình: “Lại muốn hỗ trợ phát bài tập hả?”

Nói xong cậu ta lấy cuốn bài tập trên cùng đưa cho Xuân Mình và liếc nhìn đối phương bằng đôi mắt cá chết.

“……”

Xuân Minh: “Cảm ơn, lần này tôi cần ba cuốn cơ.”

Đại biểu cực kỳ tự giác lấy thêm hai cuốn ở trên cùng đưa ra.

Lần này Xuân Minh không ném từ trước mặt nữa bởi vì đã có một lần trước nếu lại lặp lại thủ đoạn sợ Kiều Dã sẽ nổi trận lôi đình.

Vậy là cậu ta dùng tư thế ưu nhã mà lơ đãng đi tới cuối phòng học, nhắm chuẩn đầu Kiều Dã rồi dùng động tác tiên nữ tung hoa mà ném ba cuốn tác nghiệp lên đầu đối phương.

Từ Vãn Tinh ngồi bàn trên đã sớm đặt mọi chú ý lên người Xuân Minh từ khi đại biểu đi vào lớp, thế nên cô cứ thế ngồi nhếch miệng chờ kẻ nào đó kêu đau.

Ai biết Kiều Dã lại như có mắt ở sau gáy, gần như trong nháy mắt cậu đã cong eo, nắm chặt dây giày của mình.

Cũng ở một khắc này bài tập bay vèo qua đỉnh đầu cậu mà bang một tiếng đồng loạt đập lên đầu Từ Vãn Tinh ngồi ở bàn trước.

Tiếng kêu đau đúng trong dự kiến vang lên, nhưng không phải từ chỗ Kiều Dã.

Từ Vãn Tinh không thể tin được mà ôm gáy sau đó quay đầu trừng cái tên ngồi sau.

Còn kẻ ngồi sau lại ung dung buộc xong dây giày và ngồi dậy nhướng mày hỏi cô: “Sao thế, bị đập vào đầu à?”

Từ Vãn Tinh vừa định mắng tên khốn này thì đã thấy Kiều Dã mang vẻ mặt đạm nhiên quay đầu lại nói với Xuân Minh: “Phát bài tập không thể phát cho tử tế hả? Mỗi lần đều bay tới bay lui, giờ đập vào đầu người khác rồi đó.”

Xuân Minh: “……”

Từ Vãn Tinh: “……”

Xuân Minh bất lực mà nhìn Từ Vãn Tinh: “Vãn Tinh……”

Từ Vãn Tinh che gáy, nghiến răng nghiến lợi xua xua tay, một câu cũng không muốn nói nữa.

Được lắm, họ Kiều ngã một lần là khôn hơn rồi!

Vẫn là trong giờ học.

Kiều Dã từ ngoài đi vào, trong tay cầm một bình nước khoáng, chắc cậu ta mới từ quầy bán quà vặt trở về.

Mập Mạp ngồi trong phòng học huýt sáo, Từ Vãn Tinh thì lập tức đề phòng nhưng bề ngoài lại làm bộ đang làm bài vật lý.

Nhưng trong nháy mắt Kiều Dã đi qua bên cạnh bàn cô lập tức lấy tốc độ sét đánh không kịp bưng tai mà vươn chân phải ra.

Ai ngờ Kiều Dã lại tinh ranh lập tức nhấc chân lên và tạm dừng một lát mới dẫm lên mu bàn chân của cô.

Từ Vãn Tinh ai da một tiếng, đau đến mức lập tức rút chân về.

Kiều Dã lại giống như lúc này mới để ý thấy chân nhỏ của cô chòi ra khỏi bàn.

Cậu kinh ngạc rũ mắt hỏi: “Dẫm lên chân cậu hả?”

“……”

Từ Vãn Tinh tức muốn hộc máu mà rống lên: “Cậu cố ý!”

“Tôi không hề.”

“Vậy cậu bị mù sao, không nhìn thấy tôi để chân chỗ này hả?”

“Vậy hẳn cậu mù kinh hơn tôi rồi, chẳng lẽ không nhìn thấy một người lù lù đi tới hả?” Kiều Dã nhàn nhã mỉm cười nói, “Thật xin lỗi.”

“……”

Từ Vãn Tinh khó có lúc muốn giết người diệt khẩu.

Cũng may hành động trả thù cũng không phải toàn thất bại, cô cũng có lúc chiếm thế thượng phong, mưu kế hoàn thành trọn vẹn.

Thí dụ như lúc thù hận càng lúc càng lớn lại không tìm thấy cách nào áp chế Kiều Dã thì cô đã huy động não bộ của mình và nhằm vào điểm yếu của cậu để uy hiếp.

Không phải tên kia thích sạch sẽ sao? Không phải yêu quý sách giáo khoa sao?

Từ Vãn Tinh bắt đầu thừa dịp trong giờ học mà lâu lâu lại đột ngột đứng dậy thật mạnh, đột nhiên kéo đẩy bàn học phía sau khiến mặt bàn rung lắc và sách trong ngăn kéo bàn theo đó rơi ra ngoài.

Đương nhiên cô cũng học được nụ cười giả lả của tên Kiều Dã kia, dù sao đối phương càng tức thì cô càng muốn bày ra nụ cười vô hại và vẻ vô tội rồi dùng ba chữ thực xin lỗi mà lấp kín miệng cậu ta.

Nhưng một chiêu này đã hoàn toàn thay đổi vào giờ tổng vệ sinh.

Khi ấy mặt đất ướt nhẹp lầy lội, có thể nháy mắt ngâm sách giáo khoa khiến nó thay đổi hoàn toàn.

Vốn cô không nghĩ tới chuyện làm đến quá mức như thế, sách vở dính chút tro bụi là kết quả xấu nhất cô nghĩ tới, ai ngờ lần này lại gây ra hậu quả khôn lường.

Cô thành công thấy Kiều Dã đen mặt, dùng ánh mắt âm trầm toàn là tử vong mà chăm chú nhìn mình.

Ánh mắt lạnh thấu xương này nháy mắt khiến cô lùi bước, lúc nhìn thấy sách vở rơi trên mặt đất hoàn toàn thay đổi thì nụ cười mỉm vốn chuẩn bị kỹ càng của cô cũng cứng lại.

Hai người nhìn nhau trong nháy mắt, không ai nói gì.

Mãi tới khi Kiều Dã không nói lời nào ngồi xổm xuống nhặt từng cuốn sách lên.

Toàn bộ quá trình cực kỳ lâu la, lại cũng cực kỳ ngắn ngủi.

Cuối cùng Từ Vãn Tinh cũng không thể khắc chế bản thân mình mà cũng ngồi xổm xuống, nhưng vừa nhặt được một cuốn đã bị cậu ta giật lấy.

“Không cần cậu giả vờ tốt bụng.” Cậu ta lạnh lùng nói.

Từ Vãn Tinh ngồi xổm nơi đó, đứng lên cũng không phải, tiếp tục hỗ trợ nhặt sách cũng bị cự tuyệt.

Cuối cùng cô chân tay luống cuống đứng tại chỗ thấp giọng nói câu: “Thực xin lỗi.”

Lúc này không phải chế nhạo, cũng không phải vì chọc giận cậu ta mà cô thực sự cảm thấy có lỗi.

Kiều Dã không trả lời, thậm chí không hề ngước mắt nhìn cô mà trầm mặc nhặt hết sách lên dùng khăn giấy lau nước trên bìa.

Cả một bao giấy đều dùng hết.

Từ Vãn Tinh lấy một bao giấy từ trong ngăn kéo của mình ra vụng về để lên bàn cậu ta nhưng lại bị cậu ta nhẹ nhàng bâng quơ vung tay lên quét xuống.

“Tôi đã bảo không cần.”

“……”

Từ Vãn Tinh nhặt bao giấy lên sau đó không nói một lời nhét vào ngăn kéo.

Vào lúc tan học cô nhìn theo Kiều Dã rời khỏi phòng học rồi gọi đám người Xuân Minh và Mập Mạp lại nói: “Từ ngày mai trở đi không cần nhắm vào Kiều Dã nữa.”

Mập Mạp kinh ngạc nhìn cô hỏi: “Sao thế, cậu ta xin lỗi rồi hả?”

“Không.”

“Thế sao lại dừng? Nói thật, lần đầu tiên mình gặp được kẻ có thể đối đầu với chúng ta đó, cảm giác này tựa như……” Cậu ta cân nhắc một lát mới chép chép miệng, “Kỳ phùng địch thủ, sức mạnh ngang nhau, rất thú vị.

Mỗi ngày đều phải nghĩ xem nên đối đầu với cậu ta thế nào, rồi cậu ta sẽ nghĩ ra thủ đoạn gì để trả thù chúng ta ——”

“Im ngay.” Xuân Minh nhíu mày, “Cậu ta chỉ có một mình, còn chúng ta có những sáu mình.

Nhân số chênh lệch như thế mà còn đánh ngang tay không sợ mất mặt hả?”

Mập Mạp không hề có chút liêm sỉ nào mà nói: “Vốn dĩ cậu ta chính là học bá, chỉ số thông minh cao cũng bình thường.

Chúng ta chỉ là sáu gã thợ giày chống lại một Gia Cát Lượng, coi như công bằng.”

Cả đám hi hi ha ha, chỉ có Từ Vãn Tinh là không cười.

Xuân Minh phát hiện điều khác lạ nên nghiêng đầu nhìn cô hỏi: “Làm sao vậy?”

Từ Vãn Tinh dừng một chút mới nói: “Coi như lương tâm mình trỗi dậy, người ta là học sinh mới tới, bị chúng ta cô lập nên cả ngày đều cô đơn một mình…… cũng quá đáng thương.”

Đại Lưu ré lên: “Úi giời, Từ Vãn Tinh, cậu có lương tâm từ khi nào thế ——”

Nói đến một nửa cậu ta lập tức bị cái kẻ không lương tâm là Từ Vãn Tinh lạnh lùng liếc xéo thế là im ngay.

“Tóm lại đến đây thôi.” Từ Vãn Tinh đeo cặp sách rồi không quay đầu đi luôn.

Chợ đêm vẫn náo nhiệt như cũ.

Sau khi vào thu thời tiết cuối cùng cũng không còn nóng bức nữa, người ra cửa tản bộ cũng nhiều lên.

Quán trà Thịnh Vượng thì bất kể xuân hạ thu đông gì đều giống nhau, cửa hàng cũng như tên, quả là thịnh vượng.

Từ Vãn Tinh bận rộn ở quán sủi cảo bên ngoài quán trà, nhưng đêm nay cô đặc biệt trầm mặc.

Từ Nghĩa Sinh nghiêng đầu nhìn cô vài lần, thật vất vả mới đỡ bận thế là ông vừa lau bát vừa hỏi: “Hôm nay con làm sao thế?”

“Không sao cả.”

“Không sao mà lại im lặng thế à?”

Từ Vãn Tinh trợn trắng mắt: “Con nói thì ba chê con ồn, lúc con không nói gì ba lại chất vấn con vì sao không nói gì.

Ba thật khó hầu hạ.”

Từ Nghĩa Sinh lập tức đập cho con gái một cái: “Có đứa nào nói chuyện với ba mình thế không?”

Khi nói chuyện bà chủ quán trà xuất hiện sau đó vẫy tay với Từ Vãn Tinh: “Vãn tinh, tới đây đi.”

Kế tiếp lời kháng nghị của Từ Nghĩa Sinh bị bỏ ngoài tai, Từ Vãn Tinh bị bà chủ chộp được lôi vào ngồi lấp chỗ trống.

“Chị Trương à, Vãn Tinh học lớp 11 rồi đó.

Nó không thể lại giúp chị lấp chỗ trống đâu!” Từ Nghĩa Sinh gấp đến độ dậm chân.

“Nói nhiều thế nhỉ, nó không giúp tôi thì cũng có thấy nó học đâu, chẳng phải cũng giúp anh trông hàng đấy thôi?” Dì Trương trợn trắng mắt, “Được rồi, đừng có lải nhải nữa, tôi chỉ mượn con bé một chút thôi!”

Từ Vãn Tinh đứng sau cửa kính cười như trộm với lão Từ sau đó vẫy vẫy tay và tiêu sái đi tới bàn chơi mạt chược.

Từ lúc có ký ức tới nay cô đã lớn lên bên ngoài quán trà này.

Vào tuổi ấy con nhà người ta chủ yếu ở nhà, chỉ ngẫu nhiên chạy ra ngoài chơi với bạn nhưng cô lại khác.

Từ Nghĩa Sinh 35 tuổi mới có một đứa con gái là Từ Vãn Tinh.

Ông ấy là gà trống nuôi con, trên không có cha mẹ, anh chị em, chỉ có mình ông lẻ loi trông nom đứa con này.

Bởi vậy bất kể bày quán hay đi chỗ nào ông ấy cũng chỉ có thể buộc con gái ở bên người.

Từ Vãn Tinh còn nhỏ đã biết ngoan ngoãn ngồi ở ghế nhỏ ngửa đầu nhìn cha bày quán, lại gọi cô, dì, chú bác ngọt xớt.

Khách đến ăn thấy cô bụ bẫm đáng yêu thì luôn nhịn không được xoa đầu cô một cái.

Cô nhóc cũng không tức giận mà chỉ cười hì hì nói: “Sờ đầu một cái phải mua thêm một bát nhé!”

Khách ăn buồn cười nói với Từ Nghĩa Sinh: “Ông chủ, con gái anh đúng là biết buôn bán, còn nhỏ đã có đầu óc kinh doanh!”

Từ Nghĩa Sinh nghe thấy lời này lại không vui.

Con gái ông mới không thèm làm nghề này, Vãn Tinh thông minh như thế, tương lai nhất định sẽ đại phú đại quý, sống tốt hơn ông nhiều!

Bà chủ quán trà Thịnh Vượng là dì Trương thấy Từ Vãn Tinh còn nhỏ đáng thương thì không đành lòng để cô nhóc ở bên ngoài dãi nắng dầm mưa với Từ Nghĩa Sinh nên mới đón đứa nhỏ vào quán trà.

Rốt cuộc Từ Nghĩa Sinh cũng bày quán bên ngoài quán trà của bà ấy, làm ăn nhiều năm mọi người đều coi như thân thiết.

Cũng không biết là ai dính vận may của ai, dù sao bày bán ngoài quán trà nên Từ Nghĩa Sinh chưa bao giờ phải lo không có khách.

Còn quán trà từ đó cũng luôn làm ăn thịnh vượng, hơn hẳn những quán khác.

Đại khái là đôi bên cùng có lợi, qua năm rộng tháng dài mọi người đều giống như hàng xóm mà lo lắng cho nhau.

“Sau này cháu ở chỗ dì Trương nhé, để ba cháu tự đi mà buôn bán đi.” Dì Trương sờ sờ đầu Từ Vãn Tinh và trìu mến để cô nhóc ngồi sau quầy, lại dọn một chỗ cho cô nhóc làm chỗ chơi, “Đây, ngoài kia nóng, ở đây chơi tốt hơn.”

Sau này Từ Vãn Tinh đi học cũng sẽ ngồi sau quầy làm bài tập.

Nhưng mỗi khi làm bài xong cô cũng không chịu ngồi yên, không chịu đợi sau quầy một mình mà giúp đỡ dì Trương bưng trà rót nước, thuận tiện đứng bên cạnh bàn mạt chược hứng thú quan sát.

Sau đó cái kẻ có thiên phú kinh người là Từ Vãn Tinh cũng hiểu mạt chược.

Rồi sau đó cô không hiểu quy củ mà mở miệng chỉ điểm cho một vị khách hàng, người nọ khi ấy thắng một ván lớn.

Từ Vãn Tinh bị dì Trương kéo đi sau đó bà ấy phải xin lỗi khách mãi.

Rồi lại sau đó, cô đúng là nghé con mới sinh không sợ cọp, lúc một bàn nào đó không gom đủ người thế là cô lập tức ngồi xuống nói: “Dì Trương, cháu giúp dì ngồi cho đủ chỗ nhé.”

Một ngày kia cô thắng liên tiếp khiến ba cái người còn lại mặt đen như đáy nồi.

“Giang.”

“Thuần một sắc.”

“Thanh đối.”

“Đại đối, tự sờ tam gia.”

“Thực xin lỗi, cháu lại ù rồi.”

Thiếu nữ còn nhỏ tuổi ngửa khuôn mặt còn non nớt lên, giọng lanh lảnh mà hô nhưng kỹ năng chơi bài thì cực kỳ thành thạo.

Dì Trương đứng sau quầy nhìn đến mê mẩn.

Đến cuối cùng cô trở thành khách quý thường trú của quán trà Thịnh Vượng, chuyên lấp chỗ trống.

Điều kiện của nhà họ Từ cũng không tốt, toàn bộ dựa vào Từ Nghĩa Sinh bày quán kiếm tiền.

Ông chỉ buôn bán nhỏ nên cũng coi như miễn cưỡng sống tạm.

Lão Từ lại yêu thương che chở con gái mọi bề, tuy nghiêm khắc nhưng bất kể đứa nhỏ cùng tuổi có cái gì ông cũng không hề nói hai lời đã mua cho Từ Vãn Tinh.

Vì thế dì Trương cũng không ham tiền thắng bài của cô nhóc mà luôn vung tay lên cho đứa nhỏ.

“Chút tiền lẻ này cháu cứ cầm đi.”

Từ Vãn Tinh thắng nhiều thua ít nên tiền thắng được cô có thể dùng để hỗ trợ trong nhà.

Sau đó Từ Nghĩa Sinh dứt khoát mở một con mắt nhắm một con mắt.

Cũng không biết là từ nhỏ xem bài, đánh bài rèn luyện được hay vì Từ Vãn Tinh đã gặp là không quên, lại có tốc độ tính nhẩm và thiên phú khoa học tự nhiên kinh người mà tài chơi mạt chược của cô cũng thượng thừa.

Nói ngắn lại thì, Từ Vãn Tinh coi như lớn lên trong bầu không khí như thế.

Vào 11 giờ đêm Từ Nghĩa Sinh phiền muộn túm được Từ Vãn Tinh từ trong quán trà ra ngoài.

“Đủ rồi, không chơi nữa.

Ba tiếp tục bày quán còn con về nhà tắm rửa đi ngủ ngay.”

“Đừng mà ba, con đang thắng lớn đó!” Từ Vãn Tinh vui tươi hớn hở móc một đống tiền lẻ từ trong túi ra, “Ba có tin con sắp thắng rồi không, chỉ chưa tới hai tiếng con kiếm gần 280 đồng đó!”

“Ngày mai còn đi học cơ mà!” Từ Nghĩa Sinh rít gào.

“Đi học đáng giá bao nhiêu tiền đâu? Tương lai đi làm có khi còn không kiếm được nhiều tiền như đánh bài.” Từ Vãn Tinh lẩm bẩm nhưng thình lình bị Từ Nghĩa Sinh đập một cái nên hồn.

“Ông đây cực cực khổ khổ nuôi con lớn như vậy không phải để con thành dân cờ bạc!” Từ Nghĩa Sinh thật sự tức giận mà chỉ vào hẻm Thanh Hoa nói, “Con cút về nhà cho ba ngay, từ ngày mai ba không cần con hỗ trợ bán hàng nữa!”

Một màn này bị Kiều Mộ Thành tăng ca trở về nhìn thấy, chân ông cũng ngừng lại, xe đạp dựa sát bên đường.

Cùng đi với ông là một hộ gia đình khác ở trong hẻm, chính là lão Lý trong truyền thuyết.

Chính vì ông ấy nên Từ Nghĩa Sinh mới nổi lên tâm tư với Kiều Dã, ý đồ cho con gái nhà mình sang học hỏi con nhà người ta.

Lão Lý cũng là đồng nghiệp mới của Kiều Mộ Thành sau khi chuyển tới Thành Đô, nhà trong hẻm Thanh Hoa này cũng là ông ấy giới thiệu.

“Đã muộn thế này rồi sao đứa nhỏ còn từ trong quán trà đi ra chứ?” Kiều Mộ Thành không hiểu gì cả.

Lão Lý nhìn Từ Vãn Tinh lúc này ủ rũ cụp đuôi đi về nhà thì hếch cằm chỉ hướng cái sạp bán sủi cảo ở một bên và nói: “Lão Từ luôn bày quán bên ngoài quán trà Thịnh Vượng, đứa nhỏ kia từ nhỏ lớn lên ở đó, mưa dầm thấm đất nên thường giúp bà chủ quán trà lấp chỗ đánh bài.”

Kiều Mộ Thành sửng sốt: “Cái này sao được? Còn nhỏ đã thành dân cờ bạc……”

“Không như vậy cũng không có cách nào.” Lão Lý thở dài, “Từ Nghĩa Sinh là một người đàn ông độc thân mang theo một đứa con gái nhỏ mà cũng có thể nuôi đứa nhỏ lớn lên phóng khoáng, vô tâm vô phế như thế cũng đã không tồi.

Làm gì có ai có thể nghiêm khắc chất vấn tư cách làm cha làm mẹ của ông ấy nữa, cũng chẳng thể yêu cầu ông ấy nuôi con gái trở thành lá ngọc cành vàng được?”

Kiều Mộ Thành là người có giáo dục, cũng không tiện hỏi thăm việc riêng của nhà người khác nên chỉ tiếp tục đạp xe về nhà.

Cuối cùng ông ấy vẫn không nhịn được hỏi một câu: “Mẹ của Từ Vãn Tinh đâu?”

Lão Lý lắc đầu: “Từ Vãn Tinh không có mẹ.”

“……”

Kiều Mộ Thành hồ đồ: sao lại có đứa nhỏ không có mẹ chứ? Chẳng lẽ nứt từ cục đá ra chắc?

Lão Lý đồng tình mà giải thích: “Không những không có mẹ, đứa nhỏ này mệnh không tốt nên cha mẹ đẻ là ai cũng không biết.”

Mười bảy năm trước đứa nhỏ sinh chưa tới một tháng thì đã bị người ta vứt bỏ ở hẻm Thanh Hoa này.

Năm ấy Từ Nghĩa Sinh 35 tuổi, vì khi còn nhỏ bị tai nạn thọt chân nên sau này cũng không tìm được đối tượng thích hợp.

Ông cũng là người quật cường bướng bỉnh nên dứt khoát độc thân luôn.

Đêm đó ông ta bán sủi cảo xong dọn quán về tới đầu hẻm thì nghe thấy tiếng trẻ con khóc.

Ông ta cả kinh, bỗng nhiên dừng lại nhìn chung quanh cả buổi cuối cùng tìm được dưới rào tre một đứa nhỏ bọc kín mít đặt trong thùng giấy.

Ông ta cao giọng thét hỏi: “Là nhà ai ném con ở chỗ này vậy?”

Ngõ nhỏ trống không chẳng có ai trả lời, chỉ có tiếng đứa nhỏ khóc nỉ non.

Ông ta cũng nóng nảy, không biết đứa trẻ này làm sao nên chỉ luống cuống tay chân bế đứa nhỏ lên.

Kỳ diệu là ông ấy vừa ôm đứa nhỏ vào lòng thì con bé lại nín khóc ngay.

Trong con hẻm tĩnh lặng ngoằn ngoèo chỉ có bóng đêm vô tận giống như không nhìn thấy điểm cuối, giống như trời sẽ không sáng.

Nhưng khi ông ấy cúi đầu đối diện với đứa bé nhỏ xíu kia thì đột nhiên lại thấy một đôi tròng mắt sáng ngời khiến người ta phải nín thở.

Đứa nhỏ tò mò vươn tay sờ lên cái cằm đầy râu của ông ấy rồi cười khanh khách.

Ngày tiếp theo ông ấy đưa đứa nhỏ tới chỗ Cục Cảnh Sát.

Đứa nhỏ ở đó ba ngày, mỗi ngày ông ấy đều tới xem đứa nhỏ đã tìm được cha mẹ chưa.

Nhưng đáp án luôn là phủ định.

Mười bảy năm trước ở Thành Đô cũng không có nhà phúc lợi điều kiện tốt, lúc cảnh sát định mang đứa nhỏ tới viện phúc lợi thì Từ Nghĩa Sinh không yên tâm nên tự mình đi xem xét nơi ấy một lần.

Không gian ẩm ướt, nơi ấy thiếu người, đứa nhỏ nào cũng gầy gò, ăn không đủ no mặc không đủ ấm.

Trong một góc có đứa nhỏ đang khóc nhưng nhân viên công tác lại chẳng thèm quan tâm.

Từ Nghĩa Sinh nóng nảy nghĩ đứa nhỏ bị mang tới đây thì làm sao khỏe mạnh lớn lên được?

Ông lưu luyến không rời mà nhìn nhân viên công tác đón lấy đứa nhỏ còn mặc tã lót ôm đi vào trong sân.

Đứa nhỏ ghé trên đầu vai người nọ, ánh mắt nhìn về phía ông sau đó đột nhiên nhếch miệng cười thật tươi, giống hệt cái đêm ông nhặt được cô nhóc.

Lòng Từ Nghĩa Sinh rung lên, không biết sao ông bỗng vọt lên.

“Đưa đứa nhỏ cho tôi!”

Ông không biết mình đang làm gì, nhưng cứ vậy kiên quyết ôm lấy đứa nhỏ từ tay nhân viên viện phúc lợi sau đó không cho cự tuyệt mà ôm đứa nhỏ về.

Cả quá trình đứa nhỏ vẫn cười tươi, sau đó còn nhào tới gặm gặm lên cằm ông.

Vì mới chỉ có lợi nên con bé cắn không đau, chỉ để lại một hàng nước miếng trong suốt.

Từ Nghĩa Sinh đen mặt, vừa mắng đứa nhỏ thật xấu xa vừa không nhịn được cười ra tiếng.

Sau đó ông mang đứa nhỏ về nhà đặt tên là Từ Vãn Tinh.

Vào cái đêm nhặt được đứa nhỏ, ông ôm đứa bé đứng trong hẻm Thanh Hoa, gió nhẹ thổi qua, sao đầy trời.

Ông hy vọng đứa nhỏ này cũng có thể giống những ngôi sao đêm đó, sáng ngời rạng rỡ lấp lánh.