Nhấn Chuông Đi, Đừng Đợi!

Chương 31



VÒNG BỐN

Rosemary đứng dậy và cúi người xuống nói với anh những lời chân thành nhất của mình: “Ồ, chúng ta đúng là diễn viên - cả anh và em đều như vậy.”

F. Scott Fitzgerald, Cuộc tình bỏ đi.

33

CÂU HỎI: Trong bài viết năm 1926 đăng trên tờ LEF do Maya Kovsky làm chủ bút, Sergel Eisenstein đã đề xuất một dạng thức điện ảnh mới ít phụ thuộc vào trải cảnh tuyến tính, hợp lý, bất biện, mà dựa nhiều vào việc đặt các hình ảnh cách điệu hóa kế sát nhau. Eisenstein đã đặt tên cho loại kỹ thuật điện ảnh mới này là gì?

TRẢ LỜI: Montage of attractions[1].

[1] Kỹ thuật dựng phim trong đó hai cảnh rất khác nhau được đặt kế tiếp, rồi một cảnh thứ ba sẽ dẫn dắt người xem hiểu ý nghĩa của đoạn phim. Nó rất khác so với kỹ thuật dựng kiểu Hollywood cổ điển.

***

Có một quy ước chung, đặc biệt được ghi nhận trong dòng phim Mỹ chính thống, đó là nam và nữ chính sẽ phải lòng nhau trong một loạt cảnh dàn dựng, không diễn đạt được bằng lời, kéo dài, kiểu gì cũng được làm nổi bật bởi một vài điệu ballad của dàn nhạc, thường có độc tấu đàn saxo-phone. Tôi chẳng hiểu tại sao phải lòng nhau mà lại không diễn đạt bằng lời - có khi nào vì việc chia sẻ những suy nghĩ, bí mật và khao khát riêng tư là một việc chán phèo đối với những người không phải lập tức có dây mơ rễ má với nhau. Nhưng dù sao, loạt cảnh này minh họa tất cả những điều vui vẻ mà những bạn trẻ yêu nhau làm cùng nhau - ăn bắp bơ khi đi coi phim ở rạp, cõng nhau, hôn nhau ở ghế đá công viên, thử đội những cái nón ngớ ngẩn, uống rượu trong bồn tắm đầy bọt xà phòng, ngã vào bể bơi, đi dạo phố buổi tối tay trong tay trong khi chỉ trỏ những chòm sao khác nhau v.v...

À, về Alice và tôi, tuần vừa rồi hoàn toàn chẳng có gì xảy ra. Thực ra, tôi chẳng nghe được tin gì về nàng, điều đó cũng tốt thôi vì khẩu hiệu mới của tôi là Lạnh lùng và Xa cách, và tôi đang để tâm rất nhiều đến việc không xâm phạm vào sự độc lập quý giá của nàng, đặc biệt trong thời kỳ đang quá bận rộn với vở Hedda Gabler. Mà tôi thật sự là không bận tâm gì khi không nghe tin gì từ nàng. Thực tế, cả tuần tôi chỉ gọi điện cho nàng đâu có năm, sáu lần, mà cũng chả để lại tin nhắn gì, cái hay chính là ở chỗ đó, có khi nào Alice nghĩ tôi đã không gọi điện cho nàng không! Thú thật là, có một lần hơi khó xử khi Rebecca Epstein bắt máy, tôi phải khéo léo đổi giọng trong điện thoại khác đi một chút, nhưng tôi nghĩ mình đã thoát nạn.

Thay vào đó, tôi đang làm mình quên lãng bằng cách nghe thật nhiều nhạc của Bush thời trung kỳ và đổ toàn bộ cảm xúc dạt dào của mình vào một bài thơ tình tôi sáng tác dành cho Lễ Valentine, còn ba ngày nữa, ngày trước cuộc thi Thách thức. Dĩ nhiên tôi nhận thức được rằng Lễ Valentine không gì hơn là một chiêu tiếp thị yếm thế bị lạm dụng, nhưng thời điểm Lễ Valentine thật sự là một sự kiện lớn đối với tôi, và gắn với việc gửi đi cái thiệp được viết theo kiểu tạp chí gia đình Reader’s Digest tầm cỡ. Bây giờ tôi đã trưởng thành hơn, tình cảm trở nên sâu sắc hơn, nên chỉ cần gửi thiệp cho mẹ và Alice, giới hạn ở đó thôi. Dĩ nhiên theo khẩu hiệu Lạnh lùng và Xa cách với Alice, đáng lẽ tôi không nên gửi thiệp, nhưng tôi không muốn bị nghĩ là bỏ rơi nàng hoặc, tệ hơn, bị nghĩ là những gì đã có giữa chúng tôi chỉ là tình dục.

Còn về bài thơ, chắc cũng ổn, nhưng hình như tôi không thể quyết định về thể thơ phù hợp, tôi đã thử qua thơ xônê theo kiểu nhà thơ Ý Petrarch, thơ xônê hoàn chỉnh theo kiểu William Shakespeare, cặp câu áp vận, câu thơ Anh có sáu cụm âm tiết và thường ngắt sau cụm âm tiết thứ ba, thể thơ haiku của Nhật và thơ tự do, và có thể chọn viết theo thể thơ hài hước năm câu.

Alice, ăn ít, khúc khích, hút hít, phát xít...

***

Cuối cùng, hóa ra mũi Patrick chẳng hề bị gãy. Nhưng nó đỏ, méo mó và sưng, đồng thời chắc chắn lấy đi vẻ ngoài dễ nhìn của Người hùng Hành động. Trên má anh ta cũng có một cái thẹo, vừa hay, trông khá ngầu và gai góc, nhưng dại gì nói ra điều này với anh ta.

“Đau không?” tôi hỏi.

“Trông nó có đau không?” anh ta càu nhàu.

“Hơi.”’

“Còn phải nói, đau chứ sao không. Thật ra là đau muốn chết,” rồi để chứng minh cho những gì mình nói, anh ta chạm vào chỗ đau, rồi nhăn mặt một cách màu mè. Chúng tôi đang ở trong căn bếp gọn gàng theo kiểu quân sự của anh ta, pha trà chờ những thành viên còn lại đến cho buổi tập dượt cuối trước ngày xuất hiện trên ti vi. “Cậu có hiểu được là tuần tới mặt tôi vẫn sẽ bị thế này không? Khi lên truyền hình? Trước mặt hàng triệu người?”

“Không nhiều đến mức hàng triệu như thế đâu, Patrick. Mà dù sao thì tôi chắc là họ có thể che nó lại bằng cách trang điểm hay gì đó.”

“À, hy vọng vậy, Brian, vì ít nhiều gì thì toàn bộ gia đình của tôi cũng có mặt ở trường quay, và thật chẳng muốn phải giải thích rằng có một gã thô lỗ ở khu Đông Luân Đôn đầu trọc đã gây ra việc này vì bất đồng quan điểm chính trị.”

“Nhưng đó có phải là lý do duy nhất cậu ta làm thế đâu nhỉ?”

“Hắn ta làm vậy vì hắn là một con thú hoang dại chưa bao giờ được thả xích. Rất may cho hắn là tôi quyết định không kiện.”

“Kiện cũng chẳng ích gì đâu. Cậu ta làm gì có tiền.”

“Đoán được mà. Tôi không ngạc nhiên khi hắn ta chẳng có nổi một công việc đàng hoàng...”

“Thật ra, cậu ta rất thông...”

“... cũng chẳng ăn thua nếu hắn ta cứ cư xử cái kiểu như thế.”

“À, anh có hơi...”

“Hơi sao?”

Tôi định nói với anh ta là - vênh vang, ngu dốt, khó ưa, thô lỗ, trịnh thượng - nhưng lại thôi, vì rốt cuộc thì người bạn tốt nhất của tôi cũng đã đập anh ta một trận, nên thay vào đó tôi chỉ nói, “Dù sao đi nữa, cho anh này - một món quà giảng hòa, để xin lỗi, thay mặt Spencer...” rồi tôi chìa ra món quà, một thanh sô cô la to tướng của Cadbury’s Fruit and Nut, món quà Giáng sinh của bà Jackson đến giờ vẫn còn. Chuyện này cảm giác không đúng đắn cho lắm, vì dĩ nhiên Spencer chẳng bao giờ, chưa bao giờ mơ về việc xin lỗi, và lúc này tôi đang định ném thanh sô cô la Fruit and Nut vào cánh mũi cánh hữu khinh người của anh ta, hình dung ra âm thanh va chạm, một tiếng rắc rõ to nghe sướng tai, nhưng thay vào đó tôi lịch sự đưa, vì rốt cuộc thì chúng tôi cũng là một đội. Patrick lầm bầm cụt lủn “Cảm ơn nhiều” rồi nhét thanh sô cô la lên trên nóc cái tủ bếp sát tường để khỏi phải chia cho ai.

Chuông cửa vang lên. “Nếu đó là Lucy thì cậu phải xin lỗi, Brian ạ. Nói thật, tôi thấy cô ấy hơi run trước chuyện đó đấy.” Tôi chạy xuống lầu, mở cửa cho Lucy và con gấu trúc của cô.

“Xin chào, Brian!” cô vui vẻ nói.

“Lucy, tớ chỉ muốn nói là tớ rất xin lỗi vì vụ đánh lộn bữa trước...”

“Ồ, không có gì. Tớ định gọi cậu tuần này để xem thử là...”

ALICE! Alice xuất hiện sau vai Lucy.

“Chào, Alice!” tôi nói.

“Chào, Brian,” nàng nói và nở một nụ cười khó hiểu, vì rốt cuộc, chúng tôi có một bí mật.

Buổi họp mặt trôi qua trong yên ổn. Không có tin gì mới về việc đội nào sẽ là đối thủ, vì người ta thích giữ bí mật chuyện đó cho đến buổi ghi hình, nhưng Patrick bảo chúng tôi không được hoảng nếu đó là đội Oxbridge hoặc Đại học Mở; “Họ đã được đánh giá quá cao so với thực tế,” anh ta bảo thế. Rồi có một đống chuyện thật về việc thuê xe buýt nhỏ của đội khúc côn cầu và dàn áp phích quảng cáo ở Hội sinh viên cho ai muốn đi cổ vũ đội. Một trong số những người bạn cánh hữu, to lớn của Patrick ở khoa Kinh tế đã đề nghị lái xe buýt nhỏ chở cổ động viên đến Manchester, miễn là chúng tôi có thể gom đủ người. “Thế nên nếu các cậu có muốn mời ai đến dự, bảo người ta ký vào mẫu đơn ở Hội sinh viên nhé.”

Alice dự định mời các bạn diễn trong vở Hedda Gabler, Lucy thì có một vài bạn học y khoa, còn tôi chỉ nghĩ ra một người duy nhất để mời là Rebecca. Tôi hoàn toàn không chắc là cô ấy có la ó chế giễu hoặc hoan hô đội kia hay không, nhưng cuối cùng vẫn quyết định mời.

“Nào...” Patrick nói, nhìn vào tờ giấy ghi chép được đánh máy “... nội dung cuối cùng của chương trình họp. Chúng ta cần quyết định về linh vật của đội!”

Tôi không thực sự sở hữu thứ gì có đủ tư cách để làm linh vật, mà Patrick cũng chẳng sở hữu thứ gì có thể được coi là mềm mại hoặc thú vị, nên cuối cùng cơ hội ngang bằng giữa Eddie, con gấu bông yêu thích của Alice, và hộp sọ bộ xương giải phẫu học của Lucy, cái mà Alice đã hóm hỉnh đề nghị chúng tôi bọc trong khăn choàng của trường và gọi là Yorick[2].

[2] Trong vở Hamlet của Shakespeare, việc nhìn thấy chiếc sọ của tên hề Yonck đã khiến Hamlet thốt lên màn độc thoại nổi tiếng về cái chết ở

Chúng tôi đồng ý chọn Eddie.

Sau khi kết thúc cuộc họp, tôi phải chạy xuống phố để bắt kịp Alice, nàng phải đi thẳng đến buổi tập kịch.

“Cậu sẽ làm gì ngày m...?”

“Tập kịch...”

“Cả ngày sao?”

“À, tớ phải làm bài luận nữa, nên...”

“Có hứng đi xem phim không?”

“Phim á?” Nàng dừng lại trên đường, nhìn hai phía kiểm tra xem có ai nhìn thấy không, rồi nói. “Thôi được. Xem phim.” Chúng tôi sắp xếp thời gian, rồi tôi chạy nhanh về nhà để thực sự chuyên tâm vào bài thơ kia.

***

Và chiều hôm sau, nàng bỏ bài luận để dành riêng thời gian đi xem phim với tôi. Dĩ nhiên, rạp chiếu phim không hẳn là nơi lý tưởng, vì cơ hội nói chuyện hoặc thật sự nhìn nàng bị hạn chế. Hơn nữa, nàng muốn đi coi Trở lại tương lai ở rạp Odeon và khăng khăng nói rằng “Phim đấy hài cực, buồn cười lắm,” nhưng tôi nhắm đến bộ phim nào đó có chiều sâu trí tuệ hơn kia. Thế là thay vào đó chúng tôi đi xem phim câm có tính đột phá được chiếu liên tiếp hai vở ở rạp Nghệ thuật vào chiều thứ Ba; kiệt tác siêu thực gây sửng sốt Con chó xứ Andalusia năm 1928 của Dali và Bunuel, cùng tác phẩm luận chiến Xô Viết tài tình Chiến hạm Potemkin năm 1925 của Eisenstein.

Chúng tôi mua trước một đống bánh kẹo ở sạp báo, bởi vì, như tôi giải thích, giá bán bánh kẹo ở các rạp chắc chắn cao hơn bên ngoài nhiều, và rồi ổn định chỗ ngồi ở dãy ghế ở vị trí trung tâm, là hai trong sáu người trong toàn khán phòng. Đèn tắt, bầu không khí chùng xuống đầy khao khát dục vọng dồn nén, giống như có một dòng điện nhẹ đang chạy qua người chúng tôi, gần như có thể cảm nhận được, giống như mùi thuốc lá ẩm ướt và đồ uống Kia-ora bị đông lại, rồi cái lạnh, và cảm giác mơ hồ của sự xâm chiếm. Phim Con chó xứ Andalusia được chiếu đến trước. Trong những cảnh phim đáng kinh ngạc, tròng mắt bị rạch đôi và xác con lừa đang phân hủy trên nóc đàn dương cầm, Alice nghiêng người về trước lấy hai tay che mắt, còn tôi choàng tay qua sau lưng ghế một cách khá cũ rích, như thể đang bảo vệ nàng khỏi sự nhìn thấy vào bên trong hoạt động của tiềm thức pha lẫn giữa cái thật và sự tưởng tượng.

Rồi đèn bật sáng và có một lúc nghỉ giải lao ngắn ngủi để chúng tôi ăn bịch đậu phộng phủ sô cô la lớn, uống lon Lilt, tranh luận về chủ nghĩa siêu thực và mối quan hệ của nó với vô thức. Alice không phải là một phan hâm mộ. “Nó chỉ làm tớ sợ chết khiếp. Thật xấu xí và cần lánh xa. Không hề làm tớ xúc động hay gợi sự thương cảm, vậy đó...”

“Bộ phim không nhằm khơi gợi hoặc tạo sự xúc động trong cậu, không phải theo cách thương cảm thông thường. Chủ nghĩa siêu thực phải lạ và ám ảnh. Tớ thấy nó rất xúc động, chỉ có điều, những cảm xúc mà chúng ta cảm thấy thường thuộc loại lo âu và ghê tởm...” và dĩ nhiên điều mỉa mai là, không giống các nhà siêu thực, tất cả những gì tôi muốn là khiến Alice bị cuốn hút và khơi gợi theo cách thương cảm thông thường, chứ không phải là cảm thấy lo âu và ghê tởm.

Rồi đèn tắt, và mọi chuyện được khuấy động lại khi Chiến hạm Potemkin bắt đầu chiếu. Tôi tiếp tục liếc nhìn nàng trong suốt cảnh phim nổi tiếng. Những bậc thang bến cảng Odessa cho đến khi nàng cười đáp lại, thế là tôi rướn người qua hôn nàng. Và tạ ơn Chúa, nàng hôn lại tôi, một lúc lâu, và nụ hôn tuyệt vời. Có một sự va chạm nhẹ của mùi vị cam quýt/ bơ sữa, vì nàng đang nhai kẹo dẻo vị rượu còn tôi thì có đậu phộng bọc sô cô la, và tôi thật sự không thể hôn nồng nàn cháy bỏng được vì có cái nhân kẹo đậu phộng đang bị dính ở răng khôn, mà tôi không muốn nụ hôn trở nên quá nồng nhiệt và lan rộng phòng khi nàng đánh bật nó ra. Cuối cùng tôi không còn phải lo lắng, vì một lát sau thì Alice dứt ra và thì thầm, “Tớ nghĩ tốt hơn là nên xem phim. Tớ muốn biết chuyện gì xảy ra với những người thủy thủ!” rồi chúng tôi quay trở lại với Chiến hạm Potemkin.

Lúc chúng tôi rời khỏi sạp thì trời đã sụp tối, tôi cảm thấy hơi nôn nao vì bánh kẹo và nụ hôn, nhưng nàng nắm cánh tay tôi khi cả hai đi bộ băng qua trung tâm thị trấn, và chúng tôi nói về lòng nhiệt tình cách mạng của Eisenstein. “Ông ấy đúng là cha đẻ của kỹ xảo phim hiện đại,” tôi nói, và khi cuối cùng cạn ý không biết nói gì thêm về câu chuyện u ám đó, “Cà phê hay bánh rán? Hay đến quán rượu? Hay quay lại phòng của tớ? Hay phòng của cậu?”

“Tốt nhất là thôi. Tớ phải học lời kịch bản.”

“Tớ kiểm tra cho cậu nhé?” tôi đề nghị, dù linh tính mách bảo tôi đã kiểm tra nàng đủ rồi.

“Thật tình, tốt hơn là tớ tự làm,” nàng nói, và tôi buồn bã nhận ra chúng tôi đang đi về hướng ký túc xá, và thế là chấm dứt cảnh yêu đương của hôm nay.

Thế rồi khi đến đường vành đai, chỉ quá bến xe National Express một chút, tôi thấy một thứ và chợt nảy ra ý định.

“Đi với tớ một lát thôi...”

“Để làm gì?”

“Tớ có ý này. Tớ hứa sẽ vui lắm đấy...” tôi khéo léo nắm chặt lấy cánh tay nàng để nàng không bỏ chạy, rồi cả hai chạy về hướng đám khói xăng dầu xám xịt của bến xe, và buồng PhotoMe.

“Chúng ta đang làm gì thế?”

“Tớ vừa mới nghĩ đến việc chụp hình chúng mình,” tôi nói, tìm thấy đồng tiền lẻ trong ví.

“Hai chúng ta ấy hả?”

“Ừ.”

“Để làm quái gì chứ?” nàng nói, hơi giật tay ra. Bàn tay tôi nắm chặt hơn.

“Chỉ để làm souvenir,” tôi nói, nhưng từ đó không đúng. “Souvenir”, danh từ, bắt nguồn từ động từ tiếng Pháp souvenir, có nghĩa là để ghi nhớ. “Cậu biết đấy - cho vui ấy mà”!

“Thôi đi,” nàng cả quyết nói, và tôi tự hỏi làm thế nào lôi nàng đến được đó mà không cần một cái khăn tay tẩm thuốc mê bây giờ.

“Ôi, coi nào...”

“Không!”

“Tại sao không?”

“Bởi vì tớ trông kinh lắm!” nàng nói, dĩ nhiên ngụ ý thật sự là “Bởi vì cậu trông kinh lắm...”

“Vớ vẩn, cậu trông ổn mà - coi nào, sẽ vui lắm đấy,” tôi nói, một lần nữa nắm bàn tay lôi nàng băng qua sân trước bến xe; sẽ vui lắm đây, sẽ vui lắm, sẽ vui lắm... Tôi kéo tấm màn nylon màu cam bị ngấm mùi xăng dầu và thuốc lá, hai đứa chen chúc chui vào buồng, vừa cựa quậy nhúc nhích vui vẻ vừa chỉnh chiều cao của cái ghế đẩu và nghĩ ra cách ngồi. Cuối cùng Alice ngồi lên đầu gối tôi, rồi lại phải đứng lên để tôi có thể chuyển chùm chìa khóa và lấy tiền lẻ ra khỏi túi, rồi lại thu mình nép vào lòng tôi, lần này nàng đu đưa hai chân trên chân tôi, và choàng hai cánh tay quanh cổ tôi. Bây giờ nàng đang tạo dáng, và dường như cuối cùng mọi chuyện cũng trở nên vui vẻ, nên tôi ngả người về trước và nhét đồng 50 xu vào khe.

Ánh đèn flash lóe lên lần đầu ngay khi tôi đang đẩy mớ tóc dày lòa xòa ra khỏi mắt.

Đèn lóe lần hai, tôi tháo mắt kiếng, hai má hóp vào và trề môi ra, tạo bộ mặt người mẫu nam đưa lưỡi phồng má, bởi vì bộ dạng đó trông rất hài hước.

Bức hình thứ ba, tôi cố gắng thư giãn, cười mỉm, đầu đẩy nhẹ ra sau, miệng mở ra.

Và bức thứ tư, tôi hôn vào má Alice.

Dường như vài tiếng đồng hồ đã trôi qua khi chúng tôi đợi mấy bức ảnh ra khỏi máy. Hai đứa đứng ở bến xe trong im lặng, hít khói xăng dầu và nghe thông báo ở loa phát thanh. Chuyến xe 5 giờ 45 đi Durham sắp sửa tới bến.

“Đã bao giờ đến Durham chưa?” tôi hỏi.

“Chưa,” nàng nói. “Còn cậu?”

“Chưa,” tôi đáp. “Nhưng tớ muốn đến đó. Những thánh đường rõ ràng là rất đẹp.” Chiếc xe kêu ầm ầm vượt qua chúng tôi, phun ra làn khói thải. Tôi định lao ra nằm dưới xe. Thế rồi, cuối cùng, với tiếng vù vù và lách cách, máy nhả ra một dây mấy tấm ảnh, chúng vẫn còn dinh dính chất lỏng rửa ảnh và mùi amoniac.

Một vài bộ lạc nguyên thủy tin rằng khi chụp hình sẽ lấy đi một mảnh linh hồn mình, và nhìn vào dây ảnh này thì thật khó để không nghĩ rằng có lẽ họ có lý. Bức đầu tiên, tay và tóc tôi che gần như nguyên khuôn mặt, và thứ duy nhất có thể thấy rõ đó là mụn quanh khóe môi tôi, cái lưỡi lốm đốm to lớn thì lè ra thô thiển, như thể tôi vừa bị đấm vào mặt. Bức thứ hai, “tấm người mẫu nam hài hước”, có lẽ là thứ rầu rĩ lố bịch nhất mà bạn từng thấy trong đời, một hiệu ứng được tăng cường bởi một, chỉ một, con mắt của Alice trợn ngược. Bức thứ ba, được đặt tên là “tiếng cười!”, sáng kinh khủng và bị lộ sáng quá mức, nên bạn có thể thấy phía trên mũi tôi, qua những cọng lông mũi lộn xộn lên tận trung tâm sọ đen thui, và xuống vòm miệng có gờ màu hồng, qua chỗ trám xám bạc phủ chân răng hàm trên đường xuống tận nắp thanh quản. Cuối cùng, bức thứ tư, tôi đang hôn Alice với cái miệng trề ra đầy nếp nhăn, nứt nẻ trong khi nàng nhăn nhó mặt mày, mắt nhắm chặt.

Một bức để vào ví.

“Ôi trời,” tôi la lên.

“Cũng dễ thương,” Alice nói, lạnh te.

“Cậu muốn lấy hai bức nào?”

“Ồ, tớ nghĩ tớ không cần đâu. Cậu cứ giữ chúng đi, để làm đồ souvenir.” Và rồi từ đó lại xuất hiện, souvenir, danh từ, bắt nguồn từ động từ tiếng Pháp souvenir, có nghĩa là để ghi nhớ. “Xin lỗi, Bri, tớ vội lắm, phải chạy đây.” Và nàng làm thế thật. Nàng chạy.

***

Ngồi nhà vào buổi tối hôm đó, thêm những chi tiết kết thúc vào bài thơ, và nhìn những bức ảnh được dính dán băng dính lên tường - tôi đang hôn Alice, nàng nhăn mặt - nó khiến tôi nghĩ rằng buổi hẹn hò vui vẻ của hai đứa chỉ thành công phần nào. Dĩ nhiên tôi cần quên chuyện đó đi, nhưng tôi lo là mình chưa thể ngủ được trừ phi lại nói chuyện với nàng, nên bèn mặc áo khoác vào và thẳng tiến đến quán rượu sinh viên, hy vọng tình cờ chạm mặt nàng sau buổi diễn tập.

Dĩ nhiên, nàng không có ở đó. Khi tôi đến nơi, người duy nhất tôi biết là Rebecca Epstein, cô đang bị vây quanh bởi bè đảng những kẻ hay giận dữ thất thường. Cô có vẻ vui khi gặp tôi, và bảo những đồng chí của mình ngồi xích lại để có chỗ trống trên chiếc ghế dài cho tôi chen vào ngồi kế bên cô, nhưng cái bàn trống trơn; suốt đêm cô uống hết bia lại tới whisky, và dường như đã khá say.

“Cậu đã xem Chiến hạm Potemkin của Eisentein bao giờ chưa?” tôi hỏi, để mắt tìm kiếm Alice.

“Không thể nói là đã xem. Sao, tớ nên xem hả?”

“Chắc chắn rồi. Nó tuyệt lắm. Họ chiếu tại rạp Nghệ thuật suốt tuần này đấy.”

“Thế thì, được thôi, chúng ta đi coi nhé? Tớ sẽ bùng học buổi trưa mai...”

“À, thật ra, tớ xem lúc chiều rồi.”

“Đi một mình à?”

“Không phải. Thật ra là với Alice,” tôi nói, bằng giọng bình thường nhất có thể. Nhưng Rebecca có thể nhận ra ngay điều đó từ xa và chộp lấy, “Ồ, hai cậu dạo này thân thiết gớm nhỉ? Có điều gì mà tớ nên biết không ta?”

“Chúng tớ chỉ dành một ít thời gian bên nhau, chỉ vậy thôi.”

“Đúng vậy không?” Rebecca hỏi, giọng ngờ vực. Cô ấy bắt đầu quấn một điều thuốc lá khác, dù vẫn còn ngậm một điếu trên môi, và trông giống như đang quan sát ai đó nạp đạn vào đầu súng lục. “Đúng... vậy...” (liếm giấy quấn Rizla) “... không? À mà, Jackson này, chắc chắn cậu biết làm thế nào để bạn gái có thời gian vui vẻ nhỉ? Một kiệt tác tuyên truyền Xô Viết vào buổi chiều, sau đó có lẽ là món cocktail tôm ở quán Luigi, nửa con gà nướng vỉ và một lít rượu trắng Lambrusco. Thật sự là một cuộc sống xa hoa đấy nhé. Tớ chỉ hy vọng là, sau một ngày đi chơi thần kỳ như thế, ít nhất cô nàng cũng để cậu rờ một chút vào ngực...”

Dĩ nhiên điều khôn ngoan cần làm là không được nổi lên đớp mồi.

“Thật ra, chúng tớ chỉ đi chơi với nhau thôi,” tôi nói.

Rebecca nhướng mày và mỉm cười với chính mình. Cô châm điếu thuốc mới trước khi cất tiếng nói tiếp.

“Bây giờ các cậu thế à?” cô nói, lặng lẽ, và lấy thuốc lá ra khỏi môi. “Làm thế nào mà tớ chẳng bao giờ thấy các cậu đi với nhau ở ký túc xá ấy nhỉ?”

“Chúng tớ vẫn phải kín đáo. Từ từ tìm hiểu,” tôi nói, không được thuyết phục lắm.

“Phải, phải rồi. Thế có phải tuần vừa rồi cậu đã gọi điện thoại muốn nói chuyện với cô nàng?”

“Không phải!”

“Cậu có chắc không?”

“Đúng vậy!”

“Vì nghe cực kỳ giống giọng cậu...”

“... à...”

“... đang nhái một cái giọng khá buồn cười...”

“... à đó không phải...”

“Thế cậu đã ngủ với cô ta chưa?” cô hầm hè, điếu thuốc lủng lẳng trên cái môi trề ra.

“Cái gì?”

“Hai người đã quan hệ tình dục chưa? Cậu biết đó - giao hợp, giao cấu, ăn nằm. Coi nào, cậu ít ra cũng phải nghe nói về nó rồi chứ. Rốt cuộc thì cậu đang trong đội tuyển Thách thức Đại học cơ mà - cậu định làm gì nếu câu hỏi đó xuất hiện? ‘Jackson, từ Southend-on-Sea, khoa Văn Anh, quan hệ tình dục thật ra là gì?’ ‘Ừmmm... Tôi có thể bàn bạc với đồng đội không, Bamber? Alice, cái gì là quan hệ tì...?’”

“Rebecca, tớ biết nó là gì...”

“Thế cậu đã làm chuyện đó chưa, hay cậu muốn gìn giữ tấm thân cho đêm tân hôn? Hay có khi nào cô nàng lo ngại về lịch sử tình trường của cậu; rốt cuộc thì ngày nay cậu không thể quá cẩn thận được. Ngoại trừ việc theo tớ nhớ thì cậu thật sự không có lịch sử tình trường nào...”

Rồi thậm chí còn chưa biết mình đang nói cái gì, tôi lên tiếng, “Phải rồi, à, có cái gì giống của cậu đâu mà kể hả Rebecca.”

Cô lấy điếu thuốc ra khỏi miệng, chống tay lên cạnh bàn và im lặng một lúc lâu.

“Hay lắm, Jackson. Hay lắm.” Cô nốc nốt ít bia còn sót lại, nhăn mặt. “Trúng phóc, Jackson!” Và rồi chúng tôi ngồi im lặng.

“Tớ không cố ý...”

“... không, không sao...”

“... tớ không động đến...”

“Không, tớ biết cậu không muốn vậy.”

Tôi quyết định đi khỏi.

“Thế cậu có đi xem buổi lên hình không?” tôi hỏi, mặc áo khoác vào.

“Lên hình nào?”

“Thách thức Đạ...”

“Khi nào?”

“Ngày kia ấy?”

“Không được rồi. Tớ có buổi học phụ đạo, nên...”

“... có danh sách ở bảng thông báo lầu hai đấy, nếu...”

“... biết rồi...”

“... chỉ cần ký tên nếu...”

“... xem sao đã...”

“... tớ thật sự, thật sự muốn cậu đến...”

“Tại sao?”

“... tớ chỉ muốn thế thôi. Gặp cậu ở đó nhé?”

“Được. À. Có thể.”

***

Tôi tạt qua ký túc xá của Alice, cầu may thôi, và đưa thiệp Valentine; bàn tay lừng khừng để ở hộp thư của nàng, thở một hơi thật sâu rồi thả thiệp vào. Rồi tôi tha thẩn ở đó, giả bộ đọc bảng thông báo, ngộ nhỡ nàng quay về. Nhưng tôi không muốn lại chạm mặt Rebecca tối nay, nên chẳng bao lâu bèn quay lại nhà và về đến nơi vừa kịp lúc Josh đang nhét tờ giấy nhắn vào cửa.

“A, cậu đây rồi, chàng trai đáng yêu. Cậu có tin nhắn này. Từ một người tên là...” Có lẽ là Alice chăng? “... từ một gã tên là... Tone. Cậu ta bảo cậu gọi lại gấp.”

“Thật hả?” tôi hỏi. Tone muốn cái quái gì nhỉ? Có lẽ cậu ấy cũng định đến đây chơi. Mình không thể để Tone đến ở, không phải vào ngày mai, ngày Valentine, rồi còn Thách thức Đại học và những chuyện khác nữa chứ. Tôi xem đồng hồ. Mười một giờ rưỡi. Tôi đi đến buồng điện thoại ở sảnh.

“Chào Tone!” tôi vui vẻ nói.

“Được rồi, Bri...”

“Tớ không đánh thức cậu chứ? Vừa nhận được tin nhắn là tớ gọi lại liền.”

“Ừ, không đâu...”

“Cậu đang định đến đây ở hả Tone? Nếu mà thế thật thì lúc này không tiệ...”

“Bri, tớ không định đến ở. Thực sự thì tớ chỉ thắc mắc là khi nào cậu về đây?”

“À... chắc phải tới Lễ Phục sinh, hiện tại thì chưa được.”

“Không, ý tớ là để thăm Spencer.”

“Sao, có chuyện gì với Spencer à?”

“Cậu chưa nghe tin à?”

Tôi ấn ống nghe sát vào lỗ tai, dựa vào tường.

“Nghe chuyện gì?”

Tone thở ra trong ống nói, rồi nói, “Có một vụ tai nạn.”