Phúc Nữ Nhà Nông

Chương 15: Bái sư (hai)



Đọc sách rất khó, trên đời này người có thể biết chữ ít lại càng ít, một là vì không có tiền, hai là vì không có cơ hội, ba lại là vì không đủ thông minh.

Trước kia mấy thôn quanh đây đến một cái trường học cũng không có, trẻ em đọc sách phải lên huyện thành, nhưng ăn no mặc ấm còn miễn cưỡng, nhà nào khá giả hơn chút cũng không cung cấp nổi cho đứa trẻ.

Vẫn là khi Bạch lão gia mang theo nhà nhỏ dọn đến Thất Lí thôn, hai vị công tử nhà hắn đều cần đọc sách, bấy giờ mới cố ý lên huyện thành mời Trang tiên sinh.

Trang tiên sinh tuy rằng không thi được tiến sĩ, nhưng cũng là người thi được vào học phủ*, nhân phẩm đức hạnh đều tốt, chỉ là nếu tiền công như nhau, sao ông có thể nguyện ý tới thôn nhỏ núi hoang như Thất Lí thôn dạy học?

*Học phủ: kiểu trường quốc gia.

Muốn xuất ra mức tiền công có thể làm Trang tiên sinh động lòng, Bạch lão gia vẫn khá tiếc rẻ, cuối cùng nghĩ ra một cách, chính là để Bạch gia chi tiền xây cho Trang tiên sinh một cái trường học, quà nhập học cho Trang tiên sinh bọn họ chi phần chính, lại đưa những đứa trẻ thích học ở lân cận tới, đứa trẻ nào cũng giao một phần quà nhập học, tích tiểu thành đại, tiền công sẽ rất nhiều.

Trường học này là Bạch lão gia xây nên, nhưng lại thuộc về Trang tiên sinh, quà nhập học của học sinh vẫn do Trang tiên sinh giữ, muốn thu gì của học sinh tất nhiên là do ông định đoạt.

Nhưng bất kể là xuất phát từ lễ tiết, vẫn là từ sự hợp tác của ông với Bạch lão gia, Mãn Bảo có thể vào trường học đọc sách hay không vẫn nên nói trước với Bạch lão gia một tiếng.

Chỉ là Trang tiên sinh cảm thấy việc này không cần gấp, bởi vì Mãn Bảo còn nhỏ, trước đi theo ông từ từ học một ít căn bản cũng được.

Chờ sang năm bé lớn hơn chút, lúc đó vào trường học cũng không muộn.

Chu gia đồng ý để Mãn Bảo ra ngoài đọc sách cũng đã là điều hiếm có.

Hồi Trang tiên sinh mới đến có chiêu sinh ở mấy thôn lân cận, những người lớn đó cũng biết cái tốt của việc đọc sách, ngẩng đầu khuyên con cháu mình sau này phải cố gắng kiếm tiền, nếu có cơ hội thì đi học, nhưng khi cúi đầu thấy khát vọng trong mắt mấy bé gái, lại là vừa mắng vừa khuyên, "Con gái con đứa ra xem náo nhiệt làm gì? Chạy về nhanh đi, chuyện học hành này là chuyện mấy đứa có thể xem sao?"

Chuyện Mãn Bảo đứng bên cửa sổ nghe lén, lúc mới đầu làm Thất Lí thôn dấy lên sóng to gió lớn, đứa bé này còn nhỏ, cái gì cũng không biết.

Nhưng Trang tiên sinh biết, trong Thất Lí thôn có tộc lão đi tìm Bạch lão gia, bảo hắn thôi việc tiểu Tiền thị, tránh cho Mãn Bảo luôn nghe lén trong giờ học, làm hỏng nếp sống trong thôn.

Là ông đi ngăn lại.

Một là tiểu Tiền thị thật sự chăm chỉ, còn không nhiều chuyện, thứ hai, lúc ấy ông rất thích Mãn Bảo.

Cho nên nói, "Dốc lòng cầu học là chí hướng mọi người đều có, hà cớ bóp chết?"

Sau đó trẻ con chạy đến cửa sổ nghe lén nhiều lên, thời điểm nhiều nhất, hai cửa sổ phòng học đều có đầy người, tất cả đều là bé trai.

Trong giới nhân sĩ đây là hành vi rất không đạo đức, nhưng Trang tiên sinh chẳng thể nói gì, ông tất nhiên không thể chọn người mà đối xử khác nhau.

Cũng bởi vì việc này, lúc ấy có mấy học sinh lập tức thôi học, phụ huynh đến mang quà nhập học trở về, quay người lại bảo con mình đứng ngoài cửa sổ học trộm.

Khi đó Trang tiên sinh rất tức giận, lại cũng chỉ có thể đè nén ở trong lòng, làm như không thấy người ngoài cửa sổ.

Nhưng cũng không phải ai cũng được như Mãn Bảo.

Lúc ấy Mãn Bảo mới hơn một tuổi, mới vừa biết nói chuyện, đến đi đường còn chưa vững, chưa nhận thức đủ thế giới bên ngoài, cũng không ham chơi. Bé có thể ngồi trên ngạch cửa chơi cả ngày, vui vẻ liền theo học sinh trong phòng đọc hai câu, không vui thì tự mình cầm cây gậy nhỏ chọc con kiến hết nửa ngày.

Nhưng mấy đứa trẻ đứng ngoài cửa sổ, nhỏ nhất bảy tuổi, lớn nhất mười tuổi, đúng là thời điểm ham chơi, không thích ngồi yên nhất.

Không đến năm ngày, bọn họ liền tự mình chạy trốn gần hết, phụ huynh cho học sinh thôi học thấy con mình học trộm đã chẳng học được cái gì, còn quên gần hết mấy chữ đã học được trước đó.

Tức giận đến không chịu được, không còn cách nào, chỉ đành trả con lại trường.

Từ đó trở đi, có rất ít con trai đến nghe lén, lại bắt đầu có một hai cô nhóc nhỏ dè dặt đứng bên ngoài cửa sổ.

Còn chưa chờ Trang tiên sinh có phản ứng, nhà của mấy bé gái đã nổi giận trước.

Bọn họ lôi mấy bé về, sau đó đánh chửi, "Đọc sách là việc mà mày có thể nghe sao? Tao thấy gan mày lớn lắm nhỉ, có thời gian thì đi cắt cỏ cho lợn, xuống ruộng nhổ cỏ, lên núi nhặt củi khô, sao trong mắt mày chả có việc gì thế, như vậy sau này sao có thể gả ra ngoài......"

Kỳ thật, ở đây có một ít tư tưởng đã từng là tư tưởng của Trang tiên sinh.

Ví dụ như: Con trai đọc sách quan trọng hơn con gái, ông cũng càng coi trọng con trai hơn.

Nhưng không biết có phải do đã già rồi hay không, Trang tiên sinh ngày càng nghĩ nhiều hơn; hay vẫn là bởi vì con người nhìn thấy việc mình không thích dễ sinh ra tâm lý phản nghịch.

Dù sao thì trong lúc vô tình, ông đã thay đổi rất nhiều tư tưởng.

Đặc biệt là khi Mãn Bảo ngày càng lớn, ngày càng thể hiện ra được sự thông minh của mình.

Bé ghé trên cửa sổ học thuộc sách nhiều hơn học sinh ngồi trong phòng học, chữ bé nhận biết căn cứ trên bản viết tay của ông cũng chẳng ít hơn so với đám học sinh này.

Bé còn hiếu thuận, biết nghe hết bài giảng của ông, biết gọi ông là tiên sinh, biết quét dọn sân cho ông, sắp xếp bàn án......

Ông bị bệnh, học sinh chính thức vừa nghe nói có thể nghỉ liền nhanh chân chạy ra ngoài, bé lại biết loanh quanh trong phòng rót cho ông một cốc nước ấm, còn ôm quần áo của ông về cho mấy chị dâu giặt......

Còn sẽ quấn lấy mẫu thân luộc thêm một quả trứng gà cho ông.

Ông biết Chu gia chiều đứa con gái út này, lại không xác định được bọn họ có đồng ý cho bé đọc sách hay không.

Cho nên để tăng khả năng này, hơn nữa làm sự tình phát triển theo hướng tốt nhất, ông sẽ không lấy quà nhập học, thậm chí không yêu cầu Chu gia mua sắm giấy và bút mực cho Mãn Bảo.

Mà trình độ coi trọng của Chu gia làm ông mừng rỡ không thôi.

Bởi vì bọn họ không chỉ mang đến một miếng thịt khô, còn mang đến một bộ quần áo và đôi giày.

Trang tiên sinh không nhịn được cười, cảm thấy Chu gia thật sự coi trọng học trò nhỏ này, ông cười nhận lấy.

Chu lão đầu thấy vậy thở dài nhẹ nhõm, vội bảo Mãn Bảo quỳ xuống dập đầu kính trà Trang tiên sinh.

Trang tiên sinh nhận lấy trà uống một ngụm, đem bộ bút mực nghiên chuẩn bị từ sáng sớm đưa cho Mãn Bảo, a, còn có một ít hành thái hái từ sau viện.

Thu được một học trò thông minh lanh lợi như vậy, Trang tiên sinh rất vui vẻ.

Chu lão đầu và hai đứa con trai cũng rất vui vẻ, nghe Trang tiên sinh nói tạm thời Mãn Bảo không cần sách vở gì đó, khi nào cần thì tự mình chép là được.

Ba người mờ mịt nhìn thoáng qua đồ vật Mãn Bảo ôm trong ngực, nghĩ, bút mực nghiên đều có rồi, về sau mua cho đứa nhỏ này ít giấy nữa là được.

Tuy rằng trong nhà nhiều thêm một khoản chi tiêu, nhưng khoản chi tiêu thấp hơn dự đoán của mình rất nhiều, ba người đương nhiên vô cùng vui vẻ.

Mãn Bảo cũng rất vui vẻ, ai được nhận quà cũng vui vẻ mà, huống chi đây còn là do Trang tiên sinh bé thích tặng cho.

Mọi người ai nấy đều rạo rực.

Chu lão đầu muốn mời Trang tiên sinh về nhà ăn cơm, cũng coi như để chúc mừng Mãn Bảo bái sư.

Trang tiên sinh lại lắc đầu từ chối, nói: "Hôm nay còn có tiết, ngày khác ta sẽ đến nhà quấy rầy."

Lúc này Chu lão đầu mới nhớ tới Trang tiên sinh còn có tiết dạy, lập tức đứng ngồi không yên.

Dứt lời, bên ngoài cũng truyền đến âm thanh bọn nhỏ đùa giỡn nhau, Trang tiên sinh biết bọn nhỏ đã tới.