Sao Mợ Không Về Thăm Cậu Hai

Chương 13: Tạm Biệt Năm 1922



Tôi đứng bật dậy, lấy hai tay lau tạm vào ống quần, hỏi Mận: "Chuyện gì vậy Mận?"

"Dạ thưa mợ, thưa cậu, tự nhiên ông bà với cậu út ôm bụng kêu đau rồi ói mửa tùm lum, thằng Sang nó mới chạy đi kêu thầy thuốc rồi mợ."

Nghe Mận nói xong, tôi bỏ dở thau đồ mà ba chân bốn cẳng chạy vào nhà với cậu Hiển. Tự nhiên cái gì mà tự nhiên, có ai khi không đang khỏe mạnh sừng sững rồi đùng một cái lại lăn ra ốm đau. Có ai ăn xong chén cháo bình thường lại chuyển sang trạng thái bất thường. Đây chắc chắn là một âm mưu đã được bày sẵn từ trước, nhưng rốt cuộc là tôi đã gây thù chuốc oán với ai mới được?

Tôi bước vào phòng của hai ông bà, cậu ba chạy nhanh đến đỡ phú ông, bên cạnh còn có cô Cẩm Tú vỗ lưng cho bà hai khi bà đang cắm đầu xuống cái thau mà nôn thốc nôn tháo.

Tôi nhìn thấy bên trong thau đồng là một lớp dịch nhơn nhớt bầy hầy, màu của cháo trắng cũng bắt đầu chuyển sang vàng nhạt, khắp gian phòng đều tràn ngập mùi hôi tanh khiến người khác cũng muốn buồn nôn theo.

"Cha má có sao không cha má?" Tôi nín thở hỏi.

Cụ Tú mặt mày nhăn nhó, vểnh môi đôi co với tôi: "Chị còn dám hỏi câu đó nữa hả? Chị cho cha má tui ăn cái giống gì mà bây giờ thành ra như vầy nè."

Đúng lúc bà hai ngóc đầu lên định mắng tôi thì cụ Sang cùng thầy thuốc cũng vừa về tới. Ông thầy cao chưa tới mét sáu, điệu bộ lóng ngóng mà vác theo cái bị bự chảng sau lưng, hai chòm ria mép mọc lổm chổm trông chẳng khác gì mấy thằng cha lang băm hay bị cộng đồng tẩy chay ném đá trên mạng.

"Sáng giờ ông bà đã ăn cái gì rồi?" Thầy thuốc bắt mạch một hồi rồi thở dài.

"Tui với bả chỉ ăn có mấy chén cháo, chứ có ăn cái gì bậy bạ đâu."

Phú ông ngồi tựa lưng lên vách tường, tay ôm bụng mà trả lời một cách khó khăn.

Khi này thầy thuốc mới lắc đầu một cái: "Vậy thì có thể trong cháo có độc nên ông bà ăn vào là bị trúng liền."

"Con xin được phép hỏi thầy một câu là thầy đã chắc chưa? Nếu đã biết chắc chắn nguyên nhân thì hẵng nói, mà không biết thì thôi, cớ chi lại đi chẩn đoán bệnh tình bằng hai từ "có thể", sau đó lại nói như thể là thầy chắc chắn rồi vậy?"

Tôi đưa vẻ mặt nghiêm nghị ra hỏi thầy, thầy lại lắp ba lắp bắp biện minh rằng mình hành nghề chữa bệnh đã mấy chục năm nay, làm sao để xảy ra sai sót. Thế nhưng tôi càng tìm ra sơ hở, càng nói thì bà hai lại càng tin vào lời của ông ta chứ không chịu tin tôi. Bà nằm trên giường, tuy thân thể yếu ớt nhưng vẫn cùng với con gái ra sức mắng nhiếc tôi, nói tôi là cái thứ con dâu trời đánh, cái thứ nham hiểm độc ác cố tình hạ độc để hại chết cha má chồng.

Ông Trời ơi ông ngó xuống mà coi, nỗi oan này con có nhảy xuống sông Sài Gòn cũng khó mà rửa hết được.

"Má, má bình tĩnh chút đi má. Thiệt tình là con không có làm, con mà muốn hại gì cha má thì không thể nào hại một cách công khai như vậy được. Sáng nay con ở dưới bếp nấu cháo cho cha má, có vú Lâm, rồi thằng Sang, rồi Mận cũng ở đó..."

Tôi quay sang nhìn cụ Mận rồi hỏi tiếp: "Mận, lúc tui chạy ra ngoài hái nắm ngò, Mận có thấy ai xuống bếp không?"

"Dạ em hổng biết nữa mợ, mợ vừa đi là cô tư cũng kêu em lên phòng có chuyện."

Cụ Mận xua tay lia lịa, chắc cụ nghĩ tôi nghi ngờ cụ nên cụ bắt đầu mếu máo.

Thiệt tình là tôi cũng có nghi ngờ cụ Mận, mà nói đúng hơn thì ngoại trừ tôi ra, trong cái nhà này trên dưới qua lại đều không đáng tin.

"Mày đừng có ở đó giả bộ vòng vo tam quốc nữa, nhà này trước giờ vẫn luôn êm ấm, từ khi có mày về là thành ra như vầy, mày không làm thì còn ai vào đây làm nữa? Mày hại con trai tao ra nông nỗi này còn chưa đủ sao mà bây giờ còn muốn hại cả gia đình này? Khải Đằng nó đúng là bị mù mới cưới cái thứ ác nhơn thất đức như mày về nhà."

"Thì ra là cô, cô cho con tôi ăn cái gì mà bây giờ nó nằm bất tỉnh trên giường vậy hả? Con trai tôi mà có bề gì thì tôi không tha cho cô đâu."

Vừa phải chịu đựng những lời chửi rủa của bà hai, bà ba cũng bất thình lình từ ngoài cửa xông thẳng vào, đẩy tôi một cái thật mạnh khiến tôi mất thăng bằng mà va phải cạnh bàn. Cũng may lúc đó có cậu Hiển và cụ Mận kịp thời can ngăn, chứ nếu không bà sẽ nhào tới ăn thịt tôi mất. Đúng là người tính không bằng trời tính, rõ ràng là khi nhìn thấy cậu út đứng thập thò ngoài bờ ao, tôi đã không có ý định cho cậu út ăn cháo cá, thế mà cuối cùng lại có một thế lực vô hình nào đó thôi thúc tôi đi ngược với suy nghĩ ban đầu.

Khung cảnh nhà họ Huỳnh lúc này hoảng loạn chưa từng thấy, người thì nằm vật vờ trên giường, kẻ thì đứng ngồi không yên, luôn miệng kêu khóc ỉ ôi.

Theo kinh nghiệm xem phim cung đấu, gia đấu bao nhiêu năm của tôi mà nói, gương mặt phản diện rất có thể là những người kề cận mình nhất, chẳng hạn như cụ Mận - một cung nữ sống trong vỏ bọc ngoan hiền được hoàng thái hậu cài vào để do thám tình hình. Kẻ phản diện ở đây cũng có thể là cô em chồng, vì không thích chị dâu của mình nên lén lút bày trò gây khó dễ. Và... cũng có thể là bà ba Huệ, bà sợ tôi về nhà rồi sinh cháu trai cho cha má, sợ địa vị của mẹ con bà trong nhà họ Huỳnh ngày càng bị lung lay nên mới cố tình hãm hại tôi cũng nên.

Nhưng điều quan trọng nhất bây giờ không phải là đoán già đoán non, mà là mau mau tìm ra bằng chứng để tôi minh oan, nếu không thể biết chính xác đầu đuôi câu chuyện thì ít ra cũng phải cho tôi biết được ai là hung thủ để sau này còn đề phòng nữa chứ. Giá như thời này có thể lắp camera, hoặc có file ghi âm thì tốt biết mấy, để xem tôi ăn ở tốt như vậy mà lại có kẻ nào xấu xa muốn hại mình.

"Cha má, bây giờ ai cũng biết được bộ mặt thật của chị ta rồi, cha má còn không mau đuổi cổ chị ta ra khỏi nhà đi."

Cô Cẩm Tú luôn miệng thúc giục, theo lý mà nói thì với cái điệu bộ thỏa mãn này, cô đúng là kẻ nằm trong diện tình nghi số một.

"Thưa cha, thưa hai má, con nghĩ là chuyện này còn nhiều khúc mắc, mọi người nên tìm hiểu cho kỹ trước khi trách mắng chị hai..." Cậu Hiển đứng bên này kìm lòng không đặng mà nói giúp tôi vài câu, sau đó liền bị bà hai mắng lại gấp đôi.

Đợi khi ông thầy kia kê xong đơn thuốc cho ông bà và cậu út, phú ông mới tạm thời giải tán màn kịch này bằng cách đợi cụ Đằng về rồi tính tiếp. Phú ông nói dù gì tôi cũng là vợ của cụ Đằng, có chuyện gì cũng nên để cho cụ tự giải quyết thì hơn.

Tôi được "mời" ra khỏi phòng với vài cặp mắt căm phẫn uất ức, nếu như lần này cụ Đằng không đứng về phía tôi, vậy chắc tương lai khởi nghiệp ở thế kỷ hai mươi của tôi sẽ còn lâu và xa lắm.

Và rồi tôi lại đờ đẫn trở về bên ao sen, cái góc nhỏ bình yên mà ngày nào tôi cũng dạo quanh một vòng để hít thở không khí trong lành. Thau quần áo ban nãy vẫn nằm y nguyên trên cầu ao, mặc dù tâm trạng đang hoang mang bất ổn nhưng tôi vẫn quyết định ngồi xuống giặt cho xong để giết thời gian.

Nhưng hỡi ơi! Chuyện quái gì đang xảy ra thế này? Rõ ràng lúc tôi gom đồ đi giặt thì mọi thứ vẫn bình thường, sao bây giờ lại biến thành bãi chiến trường tan hoang thế này? Có ai đó đã cắt cho sơ xác đống quần áo nhân lúc tôi không ở đây, chiếc áo sơ mi yêu thích của cụ hai, bộ đồ mới may của cụ Tú,... tất cả đều trong trạng thái rách rưới đến thảm thương. Tôi run rẩy cầm chiếc áo yêu quý của cậu hai mà muốn khóc, phen này chắc là một đi không trở lại.

Hôm nay là ngày lành tháng tốt gì vậy? Tại sao những chuyện tồi tệ trên đời đều ập xuống đầu tôi, hết bị bỏ thuốc vu oan rồi bây giờ tới cái trò trẻ con cắt quần áo, liệu ngày mai tôi còn gặp phải chuyện gì nữa đây? Bị nhốt trong căn chòi lá sau vườn, bị đuổi về nhà cha má ruột, hay bị gài bẫy cho ngủ với trai rồi để cậu hai bắt gian tại trận? Trời ạ, ba cái kịch bản phim truyền hình tưởng chừng nhàm chán nhưng cũng có lúc khiến tôi phải khốn đốn lao đao hết chỗ nói.

Tôi đưa đôi mắt tuyệt vọng nhìn ra bụi sen im lìm dưới mặt nước, mấy đóa sen hồng dập dìu đung đưa như thể đang muốn vẫy gọi tôi. Bất chợt tôi lại nghĩ, tại sao mình không thử nhảy xuống nước giống như mấy cô nữ chính trong phim xuyên không? Chỉ là thử thôi, nhưng nhỡ đâu có một chiều không gian nào đó nằm dưới ao sen này, trực tiếp dẫn tôi về thế kỷ hai mươi mốt?

Mặc dù tôi ở thời hiện đại cũng chẳng có gì phải luyến tiếc, không còn người thân, không có ước mơ hoài bão gì lớn lao mà suốt ngày chỉ cắm mặt vào đống tiểu luận cùng với đồ án, nhưng chí ít tôi vẫn được tự do hơn bây giờ. Thời gian qua có lẽ chỉ vì mấy cậu thời này có chút đẹp trai mà tôi nhất thời say nắng, có lẽ thêm những câu chuyện bùng binh Ngã Năm Chuồng Chó gì đó trong nhà họ Huỳnh khiến tôi nhất thời quên đi hiện thực tàn khốc này, có lẽ vậy.

Tôi đứng ngay đầu cầu, hít thở sâu vài cái trước khi đi đến quyết định quan trọng nhưng không kém phần nguy hiểm. Quan trọng là có trở về năm 2022 được hay không, còn nguy hiểm ở đây là tôi không biết bơi, ao cạn thì chẳng sao, chứ ao mà sâu thì coi như xin vĩnh biệt cuộc đời.

Hay là như vầy, hay là cá cược một lần đi, nếu bây giờ đùng một cái trời đổ mưa thì tôi sẽ lập tức nhảy xuống ao và an toàn trở về, nếu trời nắng... thì thôi để bữa khác hẵng nhảy.

Ấy thế mà tôi vừa nói xong, mây đen ở đâu liền lũ lượt kéo về, chưa đầy ba giây đã mưa như trút nước.

Đúng là ý trời!

Tôi ngửa mặt lên trời, nhắm mắt hứng trọn cơn mưa mùa hè mát lạnh. Cứ thế, tôi cẩn thận để lại đôi guốc mộc, bước thêm bước nữa rồi thả mình rơi tự do xuống ao sen. Khi thân thể tôi chìm dần xuống làn nước, tôi đã hứa với lòng rằng khi trở về sẽ không bao giờ chửi nhỏ bạn thân nữa, sẽ thành tâm cai trà sữa một năm, sẽ thật chăm chỉ và không lười biếng một ngày nào để được ra trường đúng hạn.

Tạm biệt năm 1922!

Nếu ông Trời thương con, hy vọng hãy để con yên bình tỉnh lại trong vòng tay của Ji Chang Wook.