Sao Mợ Không Về Thăm Cậu Hai

Chương 6: Dâu Của Má, Nhưng Là Vợ Của Con



Tôi thở dài. Lại là mớ bùng binh gì nữa đây không biết. Tại sao khi không Lựu lại tỏ ra mình không thích tôi rành rành như vậy? Rồi cái gì mà cậu hai sẽ không dám làm gì động đến Lựu? Chẳng lẽ là đây là chuyện tình buồn giữa cậu chủ và cô người hầu bé nhỏ, vì khoảng cách địa vị nên bị gia đình ngăn cấm? Sau khi lấy vợ, cậu chủ vẫn âm thầm bảo vệ cô người hầu, đợi thời cơ thích hợp rồi rước về nhà làm vợ nhỏ? Trời ơi, kể từ khi bước chân vào cái nhà này, trong đầu tôi lúc nào cũng hiện lên một đống drama, nhìn một chiếc lá rơi cũng nghĩ ra cả câu chuyện dài.

"Kêu tụi bây lo cơm nước mà tụi bây đứng đây tụm năm tụm bảy lo nhiều chuyện hả."

Tôi định đứng ra chấm dứt cuộc cãi vã của Sang với Lựu, thì một người phụ nữ hầm hổ xông vào gian bếp, một tay nhéo tai Sang, tay còn lại chỉ chỉ trỏ trỏ tứ phía. Tôi sực nhớ tới lời Mận kể, đây là dì Năm - người hầu thân cận của bà hai - cũng được bà hai giao nhiệm vụ trông coi tất cả người hầu trong nhà này.

"Còn mợ hai nữa, mợ cũng nên đi mần việc rồi đó đa." Hết mắng mọi người trong nhà, dì Năm chuyển đối tượng sang tôi, nói tiếp.

"Chị Năm, mợ hai mới về nhà còn nhiều bỡ ngỡ, chị để thủng thẳng rồi tui chỉ cho mợ làm nha chị Năm."

Vú Lâm đứng bên cạnh nói đỡ cho tôi. Nhìn vú Lâm có khi lớn hơn dì Năm cả chục tuổi, nhưng vẫn nghiêng mình gọi dì bằng chị.

"Dì Năm cứ về nhắn lại với má là tui sẽ ngoan ngoãn làm theo lời má dặn, khỏi phải mất công dì Năm xuống đây giám sát tui đâu." Nói xong câu này, tự nhiên tôi thấy mình trở thành một người có trách nhiệm hơn hẳn.

"Mong là như vậy, chứ nếu bà hai biết mợ hai không mần gì, bà lại quở trách tui à."

Nói rồi, dì Năm quay lưng bỏ đi. Đúng là chủ nào thì tớ nấy, bà hai ghê gớm ra sao thì tính tình dì Năm cũng khó nhằn y như vậy. Mọi người ở đây ai cũng thấy bất bình cho tôi, nhưng biết làm sao khi thân phận tôi bây giờ cũng không khác họ là mấy.

Buổi chiều, bà hai sai tôi hầm cho bà con gà ác. Khổ nỗi từ trước tới nay tôi chưa làm món này bao giờ, tôi nghĩ mợ hai Sương cũng vậy, con gái của gia đình nông dân nghèo thì lấy đâu ra gà ác tiềm thuốc bắc mà ăn. Thế rồi tôi đành phải nhờ vú Lâm trợ giúp. Nói là trợ giúp nhưng thật ra từ công đoạn mần gà, cho đến tẩm ướp gia vị, đều do một tay vú Lâm làm hết. Nhìn nồi gà với hơn chục loại thuốc bắc thuốc nam mà thấy chóng mặt, tôi tặc lưỡi, lắc đầu, hình như người giàu nào cũng thích ăn cái món tốn công này thì phải.

Tôi cẩn thận bưng thành phẩm lên nhà trên cho bà hai, thấy bà ngồi phe phẩy cái quạt với vẻ mặt không mấy vui vẻ. Ngỡ đâu kiếp nạn thứ nhất trôi qua suôn sẻ, ai ngờ bà hai nếm thử một muỗng đã vội nhả ra:

"Trời đất ơi, hầm gì mà mặn chát vậy? Bộ bây tính giết tao hay sao vậy?"

"Dạ thưa má, con đâu dám. Rõ ràng là hồi nãy con nêm nếm vừa ăn mà má."

"Tao nói mặn là mặn. Mặn như vầy ai mà ăn cho được."

Tôi nghĩ chứ quái lạ, ai cũng nói vú Lâm nấu ăn ngon nhất cái làng này, lúc vú hầm gà tôi cũng đứng ở đó quan sát suốt, hầm xong còn nếm thử xem mặn ngọt ra sao, không lý nào lại mặn được. Vậy thì ai đã hại tôi? Chẳng lẽ con gà nó chết thẳng cẳng rồi mà vẫn muốn hại tôi? Chắc chắn là bà hai ăn vào thấy ngon, nhưng không muốn tôi vượt qua cửa ải nên làm mình làm mẩy để gây khó dễ. Nhưng biết làm sao được, chẳng lẽ tôi lại thẳng là nói món gà này không phải do tôi hầm...

"Dâu với con, kêu hầm có con gà cũng mần không xong." Thấy tôi im lặng, bà hai nói tiếp.

"Nếu má thấy không vừa miệng thì từ rày về sau đừng có biểu Sương mần nữa, nhà mình thiếu gì người làm."

Như một phép màu, cụ Đằng xuất hiện với cái gậy đi trước, chân phải theo sau, cố nhích từng bước đến đứng cạnh tôi. Trong tình thế hiểm nguy này, nhìn cụ giống như là anh hùng, còn tôi cũng miễn cưỡng gọi là mỹ nhân cho nó xứng.

"Con để yên cho má dạy con dâu của má." Bà hai bắt đầu hằn học, bàn tay chuyển sang quạt nhanh hơn.

"Con dâu của má, nhưng là vợ của con, vợ của con thì má để con từ từ dạy bảo là được rồi. Với lại má cứ để Sương ở bên cạnh chăm sóc con, chuyện trong nhà có người làm lo rồi."

"Khải Đằng, bây giờ con đang bênh nó phải không?"

"Con không bênh ai hết, con làm việc theo lý lẽ."

Nói rồi, cụ Đằng bỏ đi vào trong, để cho bà hai gọi theo khàn cả giọng.

"Còn không đi à?"

Đi được vài bước, cụ ngoái lại nhìn tôi, nếu như không có tiếng cụ gọi, chắc tôi vẫn còn đứng ngây người ra đó.

Tôi lẽo đẽo theo cậu Đằng về phòng, nắng chiều chiếu thẳng trên đôi vai rộng gần nửa mét, bóng lưng cậu cũng lên xuống theo đôi chân khập khiễng. Nhiều lần định bước lên đỡ cậu, nhưng tôi nghĩ có khi cậu cũng giống như mấy tên nam chính sạch sẽ khác, không thích con gái chạm vào người, nên thôi.

Cậu hai vừa ngồi lên giường thì đúng lúc đó, Mận đem vào thau nước ấm, đặt lên tay tôi. Trước khi ra ngoài, Mận còn khéo léo nháy mắt một cái, ý nói tôi mau chóng giúp cậu ngâm chân. Tôi cầm thau nước chần chừ một lát, sau đó cũng bước đến chỗ cậu, ngồi xuống ngay bên cạnh. Ừ thì dù sao cậu cũng từng giải vây cho tôi một lần, tôi giúp lại cậu coi như trả ơn đi.

"Tui tự làm được."

Tôi chưa kịp chạm vào chân cậu hai, cậu đã vội vàng từ chối. Tôi đoán không sai, cái ông cụ này đúng là cái kiểu không thích người lạ động vào người mà.

"Không phải cậu nói với má là để tui chăm sóc cậu sao? Cậu còn ngại ngùng cái gì nữa." Tôi nói.

Thế rồi, bàn tay tôi lại nắm lấy chân phải của cậu, từ từ cởi giày, cởi vớ rồi đến xắn ống quần, vừa thực hiện thao tác vừa tranh thủ ngắm nghía. Trên đôi chân gầy gò này, ba bên bốn phía đều chằng chịt thương tích cùng những vết bầm tím. Tôi có hỏi người làm trong nhà về tình trạng của cậu, nhưng họ nói chuyện khá dài dòng, khi nào có dịp sẽ kể cho tôi nghe sau. Có lẽ cậu hai bị tai nạn cách đây chưa lâu, còn vì sao bị tai nạn thì tôi không biết.

Tôi đặt chân cậu hai vào thau nước ấm, dường như cảm nhận được nhiệt độ thay đổi, bàn chân cậu giật nhẹ một cái. Cậu hai chân cẳng như vậy mà vẫn đi làm mỗi ngày, đúng là người đàn ông nghị lực. Mà sao tự nhiên tôi lại giống như đang thương cảm cho cụ Đằng vậy? Chỉ vì một chuyện nhỏ nhặt mà suýt nữa tôi quên rằng cụ từng đối xử với mợ Sương như thế nào trong ngày cưới, từng dọa tôi đứng tim trong đêm tân hôn...

"A..."

Cho đến khi cụ Đằng la lên một tiếng, tôi mới biết mình vừa vô tình cố ý bóp chân cậu một cái rõ đau. Nhưng không sao, đối với một người không biết thương hoa tiếc ngọc như cụ, bị thế này cũng đáng đời cụ lắm.

"Xin lỗi cụ, tui lỡ tay." Do tình thế cấp bách nên tôi gọi luôn bằng cụ chứ không còn là cậu nữa.

"Cụ?" Cụ Đằng cau mày nhìn tôi.

"Ý tôi là cậu đó. Mà... chân của cậu bị làm sao mà thành ra thế này?"

"Không phải chuyện của mợ, mợ đừng bận tâm."

Trong lúc chờ đợi đáp án từ mấy cụ trong nhà, tôi định nhân tiện hỏi cậu hai luôn cho nhanh, ai ngờ cậu trả lời một câu phũ phàng như vậy, thật là quê hết chỗ nói. Biết vậy lúc nãy tôi bóp chân cậu mạnh hơn cho bõ ghét.