[SỐ NHỌ] Vận Rủi Đeo Đuổi Tám Kiếp

Chương 1



Quý Quân vốn dĩ đang sống những tháng ngày hết sức tuyệt vời.

Cha mẹ mất sớm, trong nhà có của ăn của để, em trai thì ngoan hiền, vạn sự như ý.

Bước ngoặt của cuộc đời anh xảy đến vào một sớm tinh mơ cuối xuân. Tam Đồng hầu hạ Quý Quân từ nhỏ, hôm đó, cũng như thường lệ, nó bưng nước rửa mặt vào phòng. Quý Quân khi ấy còn chưa chịu dậy, nghe thấy tiếng động thì nghía nó một cái, rồi nhắm tịt mắt lại ngay.

Tam Đồng còn chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao, đành phải dè dặt đánh thức: “Lão gia, đến giờ rời giường rồi.”

Một hồi lâu sau Quý Quân mới lề mề đáp: “Tam Đồng, mày theo tao bao lâu rồi?”

“Tiểu nhân theo hầu lão gia đã hơn mười năm rồi ạ.”

“Được, thành thân thôi.”

“Ớ— Ủa ê ê ê ê ê?!”

“Không phải với mày.”

Cứ quyết định vậy đi. Sau đó quản gia có kéo Tam Đồng ra một góc mà hỏi han đủ đường, xoắn xuýt cả buổi trời, vẫn chẳng hiểu nổi cái lô-gích của lão gia nhà mình.

Trên thực tế, Quý Quân khi đó đang nằm trên giường, nhìn nhận lại về nhiệt huyết và chí khí tuổi thanh xuân, đang lúc cảm xúc trào dâng lai láng thì nghe thấy tiếng Tam Đồng bê chậu nước bước vào, vừa liếc một cái đã thấy ngay mấy cái móng tay bẩn như hủi của nó thọc vào trong chậu!

Anh đường đường là một đấng nam nhi lưng dài vai rộng, cuộc sống tươi đẹp biết mấy, hà cớ gì phải ngày ngày rửa mặt bằng nước ngâm ghét bẩn trong móng tay của Tam Đồng?! Thay vì thế, nếu có thể đổi thành một cô nàng ngón tay búp măng, bước chân từ tốn, môi cười rạng rỡ, nhỏ nhẹ cất giọng gọi, “Lão gia, đến giờ rời giường rồi”, cảnh tượng ấy mê người biết nhường nào?

Lấy vợ thôi, nhất định phải lấy vợ, lấy về một cô vợ sắc nước hương trời.

Đương nhiên giờ phút này tư duy của Quý Quân có hơi bất thường một tí, hay nói nôm na là đang trong trạng thái mơ mộng hão huyền đấy, cơ mà cũng không hẳn là hoàn toàn bất hợp lý.

Năm Quý Quân vừa tròn mười tuổi, người cha vẫn luôn đi làm ăn xa của anh rước về một người vợ lẽ, không bao lâu sau thì đứa em trai ra đời. Mẹ anh chẳng tỏ thái độ gì, kể cả khi trước mặt Quý Quân, vẫn thể hiện ra mình là người vợ hiền lương thục đức. Song một đứa trẻ mười tuổi, cũng đã ngờ ngợ nhận ra được những bất hòa của người lớn, thành ra ít nhiều gì cũng có ác cảm với người phụ nữ nọ, đến tận ngày đầy tháng em trai, mới chịu đến gặp một lần. Nếu là ở nơi khác thì sẽ không được phép làm vậy đâu, bởi phụ nữ sau sinh phải kiêng kỵ nhiều điều, song dân ở miền biên cương này vốn có lối sống phóng khoáng, nên anh cứ đi theo thôi.

Người phụ nữ ấy mặt mũi tròn méo ra sao, kỳ thực Quý Quân đã quên mất rồi, chỉ nhớ mài mại là một mỹ nhân rất dịu dàng, giọng nói ngọt như mía lùi, dịu dàng gọi anh, lại đây nào.

Thế là anh đi qua, ôm lấy cu em còn đang quấn tã, gầy đét mà bé tí hin, mặt mày nhăn như khỉ ăn ớt, trong lúc Quý Quân còn đang săm soi xem rốt cục thì chỗ nào trên mặt thằng bé giống khỉ nhất, thì nó đã bất ngờ tỉnh dậy, lần đầu tiên hai anh em nhìn nhau, cu em chớp chớp đôi mắt, toét miệng cười.

Quý Quân sợ hết hồn mém nữa quăng thằng nhóc đi luôn: “Sao răng của nó rụng sạch bách rồi?!”

Nghe vậy, người phụ nữ kia phì cười.

Nụ cười ấy, sao mà mỹ miều quá đỗi, cộng với mùi sữa thơm thoang thoảng trong không khí, làm Quý Quân thấy hơi lâng lâng.

Mẹ anh là người nghiêm nghị quy củ, chỉ được cái hay trách mắng, chứ âu yếm cưng chiều chả có bao nhiêu. Mẹ hai thì hoàn toàn trái ngược, dịu dàng ngọt ngào, ngữ điệu mềm mỏng. Quý Quân vừa gặp đã rất thích, cũng bởi vậy mà thích lây nhóc em mềm như bông khi úm trong tay, còn thường hay chảy nước miếng kia.

Thế mà chưa được bao lâu mẹ hai đã qua đời, nghe đâu là vì sau khi sinh xong đã trúng tà. Quý Quân nghe đâu có hiểu trúng tà là gì, anh chỉ biết, sau khi có tin bà mất, một con hầu của mẹ ruột anh bỗng dưng bắt đầu đeo vài món trang sức quý giá.

Kế đến, tin đồn bắt đầu truyền ra, rằng là đứa nhỏ này nặng vía quá [*], dễ khắc người khác, chưa gì đã khắc chết mẹ nó rồi, coi chừng tiếp theo là cha nó đó, hay là gửi nó vào chùa đi. Quý Quân biết, em trai mình lâm vào tình thế nguy ngập hơn cả chim sẻ nằm trong miệng mèo luôn rồi. ѕαиѕнιяιz.ωσя∂ρяєѕѕ.¢σм<code>[*] Chỗ này gốc là bát tự quá cứng, trong đó bát tự là năm-tháng-ngày-giờ sinh của 1 người theo can chi, được tin rằng sẽ ảnh hưởng tới số mệnh của 1 người.</code>Quý Quân trăn trở suốt đêm, mới viết ra áng văn <Thương nhớ mẹ> đưa cho cha xem, hy vọng ông có thể niệm tình mẹ hai đã qua đời mà hồi tâm chuyển ý. Cha anh xem rồi, chỉ nói một câu: “Nét chữ cần phải rèn thêm.”

Quý Quân nhìn tờ giấy chi chít chữ trong tay, suy ngẫm vấn đề khiến biết bao văn nhân phải đau đầu suốt nghìn đời nay: “Văn chương có ích gì?”

Sau đó anh chợt bừng tỉnh ngộ, dứt khoát nhét luôn tác phẩm duy nhất trong đời mình vào dưới đế giày, cảm giác giẫm đạp lên nó khiến anh vững tâm hơn hẳn, ta đây cóc sợ bố con thằng nào!

Anh còn cương quyết giành lấy nhóc em từ trong tay bảo mẫu, chạy ù ra chỗ giếng nước, ngồi ngay trên thành giếng trơn lùi, dõng dạc tuyên bố rằng ai dám lại gần là anh ôm em trai nhảy xuống liền. Ai đến cũng không chịu đưa mà ai khuyên cũng chẳng chịu nghe.

Quý lão gia bó tay chịu thua, đành xuống nước: “Con muốn thế nào thì cứ thế ấy vậy.”

Ông đã cao tuổi rồi, lại chỉ có hai mụn con trai, thế mà đứa lớn lại còn ẵm theo đứa nhỏ lấy cái chết ra để uy hiếp ông, ông biết phải làm sao đây?

Hẳn có thể nói là ngay giờ phút này đây, Quý Quân trên thực tế đã đạt được mục tiêu tối thượng của người hành nghề viết lách: Ngang ngược!

Quý Quân đòi tự chọn vú em, còn phải để em trai đi theo mình, ăn chung ở chung.

Quý lão gia đều nhất nhất đồng ý.

Quý Quân lại ngó sang mẹ ruột của mình, bà cũng theo anh ra tới giếng, nhìn anh với ánh mắt trông mong. Mẹ hai vừa mất, thanh xuân của bà dường như cũng rời đi luôn, chớp mắt đã như già đi cả chục tuổi. Khi bắt gặp ánh nhìn của anh, người đàn bà trước giờ vẫn luôn cứng rắn nay bỗng nhiên mất đi khí thế vốn có, ngã nhoài xuống đất khóc lóc, quỵ lụy cầu xin anh bước xuống.

Chỉ trong khoảnh khắc này Quý Quân mới chợt tỏ tường, hẳn là mẹ vẫn còn thương anh nhiều lắm, hiện tại anh hành động như một người điên, mới khiến mẹ cảm thấy đây có lẽ là báo ứng, là báo ứng từ cái chết oan ức của mẹ hai.

Cũng nhờ anh quậy một trận long trời lở đất như vậy, mới đảm bảo cho Quý Đằng được bình yên vô sự mà trưởng thành.

Vài năm sau, cha bọn họ hưởng đủ thọ rồi nhắm mắt xuôi tay, người mẹ đã nhiều năm ăn chay lễ Phật cũng quyên sinh theo, mấy chuyện này đều tự động bị quy cho cái vía của Quý Đằng. Chỉ có Quý Quân hiểu rõ trong lòng, với tình trạng tuổi tác và sức khỏe của cha anh, có thể xuống mồ bất cứ lúc nào không hay, mà mẹ thì cắn rứt lương tâm đã nhiều năm, sau cùng cũng đến lúc bộc phát rồi.

Chẳng qua gặp người ngoài thì vẫn nói là do vợ chồng tình sâu nghĩa nặng, tuy không đồng sinh nhưng vẫn muốn cộng tử vân vân, anh lại còn kiên quyết đòi quan phủ phong cho danh hiệu Người phụ nữ đức hạnh, sau đó thì hạ táng hết sức rầm rộ.

Hiển nhiên hành vi này đưa đến vô số lời chê trách, chủ yếu là vì Quý phu nhân cả đời vinh hoa phú quý, bây giờ già cả lắm rồi, nói không chừng là chết do khó thở vậy thôi, ở đâu ra mà đức hạnh cao cả? Mỗi năm quan phủ chỉ phê duyệt danh hiệu này cho hai người, người ta tranh giành muốn sứt đầu mẻ trán, bên này khơi khơi được lợi còn dám khoe mẽ?

Nhưng Quý Quân chẳng buồn bận tâm, anh ta giờ đây đã là chủ nhân căn nhà này, thậm chí là chủ của cả ngôi làng này rồi.

Trong những gia đình bình thường, nếu còn trẻ đã lên làm chủ, rất dễ bị đám đầy tớ khi dễ. Huống chi nhà họ Quý lại còn là phú hộ nức tiếng cả vùng, một khi chiếc ghế gia chủ đã bỏ trống, thì có khác chi cái màn thầu nằm lăn lóc giữa đường, con chó nào đi ngang mà không thèm thuồng?

Chẳng qua từ giây phút ôm theo Quý Đằng đòi nhảy xuống giếng ấy, Quý Quân đã hoàn toàn lột xác trưởng thành rồi. Sau một thời gian đắn đo suy nghĩ, anh quyết định bỏ học, chỉ chăm lo luyện võ, không buồn che giấu bản tính nóng nảy cục cằn nữa. Cha mẹ mới mất được vài hôm, anh đã đổ cho con hầu nọ của mẹ mình cái tội làm vỡ bình hoa cúng, nổi trận lôi đình rồi tự tay đánh chết.

Có một chủ nhân như vậy, còn ai dám coi thường?

Quậy phá tới nỗi tiếng xấu đồn xa khắp trấn, có lúc nhậu nhẹt say xỉn xong còn chạy ra đường phóng hỏa. Ai mà dám lật một miếng ngói nhà anh ta, anh ta sẵn sàng dỡ bỏ cả căn nhà người đó luôn, phải nói rằng còn bố láo hơn mấy thằng cô hồn cát đảng khốn nạn nhất, khốn nạn hơn mấy thằng cô hồn cát đảng bố láo nhất trong làng nữa. Gặp phải một chủ nhà cỡ này, không lo thắp hương lạy Phật cầu cho anh ta đừng để ý đến bạn thì thôi, ai lại dám đi ghẹo gan anh làm gì?

Thế lại càng tốt, Quý Quân nghĩ, cái nghiệp văn chương chỉ tổ khiến gia cảnh thêm sa sút thôi, chỉ cần em trai có thể chuyên tâm học hành là đủ rồi. Chẳng qua có đôi khi, anh sẽ ngồi thẫn thờ một mình, và nhớ tới mấy bài thơ mà lúc nhỏ đọc được trong sách vở, muôn vàn câu văn tinh tế lay động lòng người ấy, sẽ khiến lòng anh thoáng qua chút gì đó tiếc nuối.

Non nửa năm sau đó, mọi thứ bắt đầu ổn định trở lại, chẳng còn ai dám đụng chạm gì nhà họ Quý nữa, chuyện làm ăn cũng dần đi vào quỹ đạo. Một mình Quý Quân vào thăm khu mồ mả của dòng tộc, hầu chuyện ba vị trưởng bối đã an giấc nghìn thu, trút hết bầu tâm sự.

“Mẹ! Mẹ ruột của con ơi! Tội ác mà mẹ đã gây ra, nhi tử biết hết, nhưng chuyện này, con sẽ chẳng nói ra đâu, lý do mẹ qua đời, cũng sẽ là vì tình nghĩa vợ chồng đậm sâu, nên không muốn vò võ một mình trên cõi đời này nữa thôi. Nhi tử chỉ mong mẹ có thể sớm ngày được giải thoát, không còn bị trói buộc bởi tội nghiệt nữa.”

“Mẹ hai! Cái chết oan ức của mẹ, con đây biết hết! Thù của mẹ con cũng đã giúp mẹ báo rồi. Quý Đằng không cần phải biết đến dĩ vãng với những thương đau thừa thãi làm gì. Mọi ân oán của xưa kia xem như chấm dứt từ nay. Con sẽ để Quý Đằng được sống theo ý em ấy, mong mẹ hãy ngậm cười nơi chín suối.”

“Cha! Thú thật là ở đây hết chuyện của cha rồi…”

-Hết chương 1-