Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 13



Đường Thận vội vã cùng Đường Hoàng vào trong nhà.

Vừa bước tới cửa, một cục đen thùi lùi lao vút về phía hai anh em. Đường Thận lôi em gái ra sau lưng, hất cẳng đá bay vật lạ. Cái hũ sành văng xuống đất bể toác. Đường Thận giận lắm, cậu nhìn xung quanh, khoảnh sân nhỏ nhà mình đã bị lũ người lạ mặt phá tanh bành.

Thấy cậu về, Diêu Tam vội vàng chạy tới: “Ôi tiểu đông gia, giờ biết làm sao đây? Người ngoài tới phá thì tôi còn nói điều phải quấy, nói không nổi thì thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Nhưng cậu ta nói mình là đại công tử nhà Đường cử nhân, còn dắt theo hai thằng đầy tớ đập phá suốt nửa canh giờ rồi. Tôi nói thế nào cậu ta cũng mặc, khăng khăng đòi dỡ cả nhà mình lên.”

Đường Thận liếc mắt đã thấy kẻ đầu sỏ ở góc sân, một thiếu niên to con khoẻ khoắn.

Thằng ôn này dáng người rắn rỏi, áo lụa quần là, đầu đội ngọc quan đồi mồi, mặt mũi sáng sủa, mỗi tội hơi phát tướng, trông là biết con nhà giàu. Nó nghe có tiếng người liền vênh váo nhìn sang, lập tức va phải ánh mắt Đường Thận. Thằng nọ thoáng giật mình, rồi sẵng giọng ngay: “Mày là Đường Thận hả?”

Đường Thận nén giận, cười nhạt: “Cho hỏi anh tên gì?”

“Hứ, tên tao mà mày còn phải hỏi? Tao họ Đường, tên Vân, đại công tử nhà họ Đường khu Tây thành Cô Tô.”

Tay này đích thị là cậu ấm ruột của Đường cử nhân và Đường phu nhân, theo vai vế thì là anh họ của Đường Thận.

Đường Thận ngoài cười mà trong không cười: “Cho hỏi anh Đường Vân sang đây có việc gì không?”

Đường Vân đánh mắt ra hiệu cho hai gã tuỳ tùng cao to, hai tay này lập tức thôi đập phá. Cả ba hùng hổ sấn tới, Đường Vân hống hách: “Có việc gì không hả? Đương nhiên là có rồi! Thằng nhãi nhép nhà quê này, mày bỏ bùa mê thuốc lú gì để mẹ tao cứ khăng khăng rót tiền cho mày buôn cái xà phòng vớ va vớ vẩn kia? Tao nhổ vào nhé! Xà phòng là cái cóc khô gì? Mày là phường bịp bợp ở đâu? Giở trò gì làm mẹ tao lú lẫn, hả?”

Đường Vân năm nay mười lăm tuổi, lớn hơn so với Đường Thận hai tuổi, cao hơn nửa cái đầu, vóc người nó bự cồ, trông to con phải gấp đôi Đường Thận.

Đường Thận trông nó gân gổ như vậy thì phì cười.

Tưởng gì, hoá ra Đường Vân vì việc này mà đến. Đường Vân bị cười nhạo, quê quá, gắt lên: “Mày cười cái gì mà cười?”

“Sao tôi phải nói cho anh biết? Anh thử đoán xem?”

Nói rồi Đường Thận lờ phắt Đường Vân, đi vào giữa sân nhà mình.

Đường Vân phá hoại kha khá đồ đạc, làm đổ tung toé vại sành đựng cánh hoa, vại dưa Diêu đại nương muối từ tháng trước, lẫn bình rượu nếp Diêu Tam mua cách đây hai hôm. Tuy vậy, đồ đạc trong phòng thì không sứt mẻ gì, hẳn là chỉ lo phá phách ngoài sân. May là mấy hôm trước Đường Thận mua xong xưởng ở ngoại ô đã chuyển hết dụng cụ nấu xà phòng và tinh dầu sang, bằng không hôm nay ắt tan nát hết dưới tay Đường Vân.

Thấy Đường Thận thong thả đi lại trong sân, lơ đẹp mình, Đường Vân cáu um: “Thằng bịp bợm kia, hôm nay mà mày không chịu thú tội, giải thích hẳn hoi với mẹ tao ba cái mánh khóe lươn lẹo của mày, thì đừng hòng bước chân ra khỏi cái nhà này!”

Đường Thận tỉnh bơ: “Thế anh định làm gì?”

Đường Vân ra lệnh: “Hai đứa bay, đi ra chặn cửa.”

Hai tên tuỳ tung vai u thịt bắp lập tức đứng án ngữ trước cổng nhà.

Diêu Tam máu nóng phừng phừng: “Chúng mày quá quắt lắm rồi đấy!” Dứt lời, anh toan nhảy bổ vào choảng nhau với bọn kia.

Đường Thận cản anh ta ngay, nói với Đường Vân: “Tôi có tội gì mà thú? Đường đại thiếu gia, anh đập phá nhà cửa của tôi, lại còn bắt tôi phải xin lỗi? Hoá ra cái phủ Cô Tô này do nhà anh mở, thiên hạ Đại Tống này là của họ Đường nhà anh phải không?”

Đường Vân tái mặt: “Thằng thầy bùa giả hiệu kia, sao mày liều mồm thế? Cấm mày bôi nhọ tao!”

Đường Thận dám nói lời phản nghịch như thế, chẳng qua là vì chắc mẩm không ai có mặt ở đây dám hở chuyện này ra. Một người lỡ mồm là cái đám phải vạ bay đầu.

Cậu nói: “Diêu đại ca, anh ước lượng cho cậu Đường đây nghe xem đồ đạc anh ta phá hỏng trị giá khoảng bao nhiêu tiền?”

Diêu Tam theo dõi sát sao vụ phá hoại này, sớm đã tính toán đâu ra đấy. Anh nói ngay: “Bốn mươi xâu tiền, ít nhất là bốn mươi!”

Đường Vân khinh khỉnh ra mặt: “Có bốn mươi xâu bọ! Chẳng bằng tiền quà vặt một ngày của tao.”

Đường Thận: “Thế cơ đấy? Diêu đại ca, vậy tiền đền bù anh cứ tính hết cho cậu cả Đường nhé.”

Đường Vân trợn mắt ngó Đường Thận, ngớ người ra không biết phải làm gì tiếp. Đây là lần đầu tiên nó gặp Đường Thận bằng xương bằng thịt, nhưng nó không ngờ thằng nhãi này khác hẳn với tưởng tượng của mình. Chuyện hợp tác buôn bán xà phòng với Đường Thận, Đường phu nhân không giấu giếm cả nhà chút nào. Mặc cho Đường cử nhân phản đối kịch liệt, phu nhân vẫn nhất quyết làm theo ý mình. Đường cử nhân bó tay không can ngăn nổi vợ.

Hôm nay, Đường Vân mới tan học ở nhà học tư của Đường gia về thì hay tin đó. Khỏi phải nói việc một thằng oắt hai lúa làm mẹ mình mê muội khiến nó tức tối như thế nào. Thế là nó đùng đùng dẫn hai hộ vệ đến “hỏi thăm”. Ai ngờ đập bể bao nhiêu đồ đạc như thế mà Đường Thận chẳng mảy may tức giận, còn tỉnh queo đòi tiền bồi thường.

Sao thằng Đường Thận này không có tí sĩ diện nào thế nhỉ? Nó phá tanh bành cả lên mà Đường Thận vẫn bình chân như vại, đâm ra nó lại thành đứa mặt trâng mày tráo ở đây.

Đường Vân đang định mở mồm thì bỗng ngoài sân có tiếng bước chân dồn dập. Nó ngó thử xem là ai, liền thấy ngay Đường phu nhân dẫn theo nha hoàn và quản gia xông tới.

Đường Vân nghệt ra: “Mẫu thân…”

Đường phu nhân sải bước đến trước mặt Đường Vân, vung tay lên tát thật mạnh. Chỉ còn một tí nữa thôi là chạm mặt thằng bé thì bà dừng lại, dúi ngón tay lên trán nó, mắng: “Cái thằng hỗn xược này, mày có về nhà với mẹ không thì bảo? Hai thằng kia dám đi theo cậu làm xằng làm bậy, về nhà ta sẽ xử lí chúng mày. Giờ thì dẫn cậu về ngay cho ta!”

Ngoài miệng thì quở trách, nhưng ánh mắt bà sốt sắng săm soi từ đầu đến chân thằng con. Thấy Đường Vân không bị sứt mẻ miếng nào, Đường phu nhân mới thở phào nhẹ nhõm.

Đường phu nhân nhìn cái sân lanh tanh bành, áy náy bảo: “Thận nhi, lỗi tại bác không để mắt đến anh họ con, để cháu chịu thiệt thòi rồi.”

Đường Thận đáp: “Không việc gì đâu ạ, bọn cháu không ai bị thương cả, mỗi tội đồ đạc trong nhà bị hỏng hóc hết thôi.”

“Để đại bá mẫu mua đền cho cháu nhé. Thằng ôn này được chiều chuộng từ bé đâm sinh hư, cháu đừng chấp nó. Bác đảm bảo không có lần sau đâu.”

Đường Thận xua đi bảo không sao, Đường phu nhân càng tỏ ra áy náy, nói xin lỗi mãi. Thấy hai tên nô bộc định áp tải mình về nhà, Đường Vân gân cổ lên: “Ơ kìa mẹ! Sao mẹ lại bênh thằng oắt này? Nó chẳng qua chỉ là một thằng chân đất mắt toét! Rốt cuộc nó bỏ cái bùa gì mà lừa được mẹ chứ! Mẹ tin nó nhưng con không tin đâu!”

Ngay khi Đường Thận biết Đường Vân là tác giả của vụ dằn mặt này thì cậu đã sai Đường Hoàng chạy tới Đường phủ báo tin, lúc ấy mới rước được Đường phu nhân đến. Con bé theo phu nhân về nhà mình, thấy Đường Vân nhiếc móc anh mình như vậy làm sao mà để yên được: “Anh mới là đồ hai lúa ý! Anh tôi giỏi gấp vạn lần anh! Mai này anh tôi đi thi sẽ đỗ tú tài, đỗ cử nhân, làm quan lớn!”

Đường Vân bĩu môi: “Ranh con hỉ mũi chưa sạch, ếch ngồi đáy giếng!”

Đường Hoàng: “Anh…”

“Anh bảo ai ếch ngồi đáy giếng cơ?”

Đường Vân không ngờ Đường Thận sẽ hỏi vặn lại thế. Nhưng nó chỉ ngạc nhiên tí ti thôi rồi lên giọng chế giễu ngay: “Hai đứa mày là con dòng lẽ, đến cái cổng trường khéo còn chả biết ở chỗ nào. Ếch ngồi đáy giếng, vắt mũi chưa sạch, chẳng nói hai anh em mày thì nói ai?”

Đường phu nhân quát lên: “Im mồm, cút về nhà cho mẹ!”

Đường Thận cười: “Không phải anh sợ trình độ của mình còn kém hơn cái đứa hỉ mũi chưa sạch đấy chứ?”

Đường Vân: “Nực cười, tao mà lại thua mày? Năm ngoài tao vừa thi huyện xong, đã có chứng nhận là đồng sinh rồi.” [1]

[1] Thời Minh, sĩ tử vượt qua kì thi cấp huyện và cấp phủ nhưng chưa đủ đỗ tú tài thì gọi là đồng sinh.

“Đồng sinh thì có gì ghê gớm, anh cũng chẳng đỗ tú tài.”

Đường phu nhân lựa lời khuyên can: “Thận nhi, cháu đừng để bụng thằng oắt này. Để về nhà đại bá mẫu dạy dỗ nó.”

Đường Thận nói: “Đại bá mẫu, cháu không so đo với anh, chẳng qua cháu thấy đồng sinh cũng xoàng thôi, tính cháu vốn ăn ngay nói thật ạ.”

Đường Vân nhảy dựng lên: “Mẹ! Mẹ thấy không? Thằng này làm phách quá thể!”

Đường Hoàng cự lại ngay: “Hứ, chính anh mới là đồ phách lối.”

Đường Thận thản nhiên hỏi: “Thi đồng sinh khó thế cơ à?”

Nghe cậu nói thế, ai cũng sửng sốt. Đường Vân vẫn không hiểu Đường Thận có ý gì.

Ngay sau đó, Đường Thận liền thủng thẳng bảo: “Tháng hai năm sau thi huyện, chi bằng tôi đi thi thử một lần xem có đỗ đồng sinh không nhỉ?”

Đường phu nhân giật thót: “Thận nhi, anh họ cháu lỡ lời đấy.”

Đường Vân: “Mẹ này, cứ để cho nó thi. Còn khướt nó mới đậu nổi!”

Đường Thận: “Ơ, thế nhỡ tôi thi đỗ thì sao?”

Đường phu nhân chỉ muốn dừng câu chuyện ngay tại đây, nhưng thằng con trời đánh của bà đã chõ mỏ vào: “Thế thì cả đời này tao làm trâu làm ngựa cho mày, gọi mày là đại ca luôn Đường Thận ơi!”

Đường Thận lẩm bà lẩm bẩm: “Ai thèm làm đại ca mày chứ, lỗ chổng vó!”, đoạn nói: “Thế là quyết nhé. Đường ca này, năm ngoái anh chưa vượt qua được kì thi cấp phủ, sang năm chúng mình cùng đi thi, chớ để tôi lên tú tài, còn anh vẫn là đồng sinh đấy.”

Đường Vân: “Ờ, để tao chống mắt lên xem mày lấy tư cách gì mà khoác lác.”

Đường Thận cười tít, nhả ra một câu như sấm giữa trời quang: “Tư cách ấy hả? Nếu như tôi nói, từ mai tôi sẽ theo học ở trường phủ Cô Tô, sư phụ của tôi là một trong thiên hạ tứ nho, Lương Bác Văn, thì sao?”

Khoảnh sân thoắt cái im phăng phắc, nhưng chẳng ai hé răng nói nổi một lời.

Mãi đến lúc Đường phu nhân lôi cổ Đường Vân về, Đường Hoàng và Diêu Tam mới phản ứng.

Đường Hoàng nhảy cỡn lên, liến thoắng: “Anh ơi, Lương đại nho nhận anh làm đồ đệ thật sao?”

Diêu Tam: “Tiểu đông gia, chuyện này là thật sao?”

Đường Thận: “Tôi lừa mọi người làm gì chứ. Quả thật ngày mai tôi sẽ đến học viện Tử Dương báo danh. Học viện Tử Dương là trường học của phủ Cô Tô, tôi không phải tú tài, nếu không có thầy bảo lãnh thì sao tôi nhập học được?”

“Thật hết sảy! Anh có thấy lúc Đường Vân thộn cả mặt ra không? Cả đời này chắc em không quên được mất.”

Cả nhà vui mừng khôn xiết, Diêu Tam nhổ toẹt: “Phì, thằng Đường Vân đó đúng là được chiều lắm sinh hư, mắt cao hơn đầu. Tiểu đông gia, cậu không thấy điệu bộ phách lối ngang ngược của nó trước khi Đường phu nhân tới đâu, tôi nhìn chỉ muốn dần cho thằng ôn đấy một trận nhừ tử.”

“Anh nghĩ tôi không muốn chắc?”

“Ơ? Tiểu đông gia, tôi chưa bao giờ thấy cậu nổi giận cả.”

Đường Thận nhìn sân đầy mảnh sành vỡ: “Chắc trong lòng anh, tôi lành như cục đất nhỉ? Nhưng con giun xéo lắm cũng phải oằn thôi anh. Chỉ có điều, Diêu đại ca ạ, nếu tôi đánh nó, trong lòng Đường phu nhân sẽ có khúc mắc.”

Diêu Tam: “Không đâu, Đường phu nhân là người công tâm, việc này rõ mười mươi là do Đường Vân tự dưng gây sự.”

“Đúng, đại bá mẫu tôi là người công tâm, bà ấy biết hôm nay chúng ta bị oan ức. Nhưng làm cha mẹ ai mà chẳng xót con, huống hồ là đứa con trai ruột duy nhất. Chính vì bà ấy là người thấu tình đạt lí, nên ấm ức chúng ta phải chịu hôm nay, bà ấy sẽ đền bù gấp bội sau này. Đánh Đường Vân, quan hệ của chúng ta và Đường phu nhân sẽ rạn nứt. Không đánh nó, mặc cho nó tác oai tác quái trước mặt mẹ mình, mới khiến bà ấy cảm thấy áy náy, hổ thẹn.”

Diêu Tam: “Tiểu đông gia không hổ là người có học, cậu nói chí phải.”

Đường Hoàng: “Anh ơi, anh định ba tháng nữa thi huyện thật đấy à?”

Đường Thận: “…”

“Anh ơi?”

“…”

“Đường Thận?”

Đường Thận ngửa mặt nhìn trời, nỗi khổ này biết tỏ bày cùng ai: “Tự mình mạnh miệng cho sướng, giờ khóc tiếng Miên cũng phải cố cho được!”

(Bản edit phi lợi nhuận chỉ được up tại makyo0117.wordpress.com; hãy mua chương cho tác giả trên Tấn Giang nếu có thể)

Sang ngày hôm sau, Đường phu nhân sai người khiêng hai rương đồ tới nhà Đường Thận, đồng thời dặn quản gia chuyển lời cho cậu: “Tiểu thiếu gia, phu nhân sai tôi nói với cậu rằng, cậu Đường Vân đúng là hay được chiều nên sinh thói ngạo mạn, nhưng cậu ấy không phải người vô lối, không màng phải trái đúng sai đã đi đập phá lung tung. Việc này phu nhân sẽ làm cho ra nhẽ và nhất định sẽ giải thích rõ ràng với cậu. Về phần tinh dầu thì hôm nay cửa hàng đã bắt đầu thu xếp rồi, phu nhân muốn hỏi cậu khoảng bao giờ sẽ xong lô hàng đầu tiên ạ.”

Đường Thận: “Nửa tháng nữa là xuất được hàng.”

“Vâng.”

Tiễn quản gia về, Đường Thận chẳng buồn kiếm cái gì bỏ bụng, vội vã lấy một băng vải dài buộc quanh trán rồi chạy tới Lương phủ. Lúc này Lương Tụng đang ăn sáng, chợt thấy quản gia báo Đường Thận đến thăm, Lương Tụng ngạc nhiên: “Sớm tinh mơ thế này nó qua đây làm gì nhỉ? Không phải đến trường phủ báo danh à?”

Ông chưa nói dứt câu, đã thấy Đường Thận đầu buộc khăn vải, “nước mắt lưng tròng” tất tả chạy vào.

“Thầy ơi, cứu học trò với!”

Lương Tụng: “Hả?”

Đường Thận mếu máo, làm bộ quẹt nước mắt như thật: “Thầy ơi, thầy nói xem ba tháng nữa, với trí thông minh của học trò, liệu có qua nổi kì thi huyện không ạ?”

Lương Tụng: “…”

“Thầy!”

Lương Tụng chỉ muốn đá phốc một cái vào đít Đường Thận. Ông vừa cười vừa mắng: “Thằng nhóc cà chớn này, đã xin xỏ người khác thì thôi, còn phải tâng bốc bản thân lên nữa. Trí thông minh của con hả? Văn bát cổ mù tịt, chữ nghĩa khéo tay lắm cũng không viết nổi thể Quán Các, con nhìn lại mình xem, mặt mũi khôi ngô tuấn tú xiết bao, mà chữ thì như gà bới!”

Đường Thận: “….Kìa thầy, chữ con đâu xấu đến nỗi ấy.”

Lương Tụng cáu kỉnh: “Nói ta nghe, xảy ra chuyện gì hả?”

Đường Thận: “Hu hu phen này chỉ thầy mới cứu nổi con thôi!”

[2] Quán Các: Khoa cử thời Minh yêu cầu các thí sinh phải viết thể chữ Khải thật ngay ngắn, chữ viết xấu thì bài hay đến mấy cũng bị đánh trượt. Do đó, sĩ tử thời Minh đều cố gắng viết chữ cho thật vuông vức, thẳng thớm, hình thành nên kiểu chữ Quán Các. Lối viết này bị phê phán là quá cứng nhắc và làm mất đi tính đặc sắc của nghệ thuật thư pháp.