Sơn Hà Bất Dạ Thiên

Chương 38



Ngoài trường thi Thịnh Kinh, các thí sinh ùa ra như ong vỡ tổ.

Diêu Tam thấy Đường Thận ngủ ngon lành cành đào bèn bảo: “Hay là để tiểu nhân bế tiểu đông gia đi ạ.”

Vương Trăn nghĩ ngợi, thấy thư đồng Phụng Bút của Đường Thận đã gọi xà ích đánh xe ngựa đến gần rồi thì đáp: “Thôi, ta đỡ đệ ấy lên xe ngựa cũng được.”

Diêu Tam định nói thêm, nhưng khó mà cất lời trước một Vương Tử Phong từ khí chất đến cử chỉ đều rất mực văn nhã, ung dung, không hổ là đại gia công tử. Anh ta tự thấy bản thân có phần thô thiển, nhất thời không dám trái lời Vương Trăn, trong bụng thầm nghĩ chuyện này không quá to tát, nên cứ theo sau Vương Trăn, nhìn chàng đỡ Đường Thận lên xe ngựa.

Việc Vương Trăn chờ Đường Thận ngoài trường thi thực ra cũng do trùng hợp. Hôm nay Vương Trăn có việc phải xử lí ở Quốc Tử Giám mà trường thi lại ngay gần đấy, thế nên chàng mới tiện thể sang xem tình hình Đường Thận ra sao. Trông tướng ngủ không vẫy tai của Đường Thận, Vương Trăn lại nghĩ đến câu nói ban nãy mà bật cười. Chàng cố tình vỗ má cậu thêm hai cái nữa.

Diêu Tam: “?” Làm gì kì vậy?

Vương Trăn nhìn anh ta, giọng điệu cực kì chính trực: “Hình như sốt nhẹ đấy, về nhớ mời đại phu đến thăm bệnh.”

Diêu Tam hoảng hốt: “Vâng!”

Hai bên bấy giờ mới từ biệt nhau.

Xe ngựa về đến nhà, Diêu Tam vội vàng mời đại phu tới khám. Các đại phu trong Thịnh Kinh đang cuống cuồng hết cả lên; trường thi đầu tiên vừa kết thúc, số tú tài đổ bệnh nhiều không đếm xuể. Y quán lớn nhỏ khắp Thịnh Kinh chật ních người, Diêu Tam phải chi mạnh tay mới mời được một đại phu già đến.

Đại phu già bắt mạch xong thì bảo: “Đúng là hơi sốt, nhưng bệnh nhẹ thôi. Các tú tài phải ngồi trong phòng thi chật chội bẩn thỉu suốt ba ngày ba đêm, thể hư khí nhược cũng là bình thường. Lão phu kê cho ít thuốc đây, tỉnh thì uống một thang khắc đỡ. Giờ anh theo lão đi bốc thuốc.”

Đường Thận tỉnh lại vào lúc nửa đêm, uống thuốc Phụng Bút sắc cho, quả nhiên tỉnh táo hẳn ra.

Ăn nhẹ xong, Đường Thận chợt nhớ ra một điều, bèn hỏi: “Diêu đại ca, lúc mới ra khỏi trường thi tôi gặp ảo giác thì phải. Hình như tôi thấy…thấy sư huynh Tử Phong?”

Diêu Tam cười: “Tiểu đông gia không gặp ảo giác đâu, đúng là Vương đại nhân chờ cậu ngoài cổng trường, còn đỡ cậu lúc cậu ngủ mê man đấy!”

Đường Thận: “…”

Sao lại cứ phải là Vương Tử Phong cơ chứ!!! 

Đường Thận không biết phải mô tả cảm xúc hiện tại ra sao, chỉ ước gì ngủ một giấc là quên sạch bách phiền não, tỷ như chuyện Vương Trăn tự dưng vỗ má cậu, hay chuyện cậu mắng thẳng mặt Vương Tử Phong là “Không cho sờ má người ta!”

Ngày hôm sau còn phải thi tiếp, Đường Thận thở dài ngao ngán, đành nhắm mắt ngủ.

Hôm sau, hơn mười ngàn thí sinh lại lũ lượt kéo vào trường thi từ lúc trời tối mịt. Đường Thận nhìn quanh quất, phát hiện nhân số đã giảm đi cỡ một phần mười so với ba ngày trước. Cậu thở dài, cũng hiểu là có nhiều thì sinh sau ba ngày thi đã đổ bệnh nặng, không thể thi tiếp nổi; ngoài ra cũng có những thí sinh biết mình thi hỏng trường đệ nhất, hai trường sau có thi tiếp cũng vô ích, bèn quyết tâm quay lại con đường ôn luyện, chờ ba năm sau tái chiến.

Nói vậy nhưng đây là tin mừng cho cậu vì bớt được một đống đối thủ cạnh tranh.

Đường Thận lên dây cót tinh thần, tiến vào phòng thi. Đến giờ Tý, quan chủ khảo đứng trên lầu Minh Viễn, gõ trống vang rền.

Thùng!

Sai nha phát bài cho thí sinh.

Trường thi Hương đệ nhị yêu cầu viết năm bài văn bát cổ, đề mục lấy từ Ngũ Kinh. Đề không lấy từ mỗi quyển kinh mà cứ mỗi quyển quan chủ khảo lại chuẩn bị năm đề, tổng cộng là hai mươi lăm đề mục. Thí sinh có thể chọn một bộ đề rồi viết năm bài chế nghệ theo bộ đề đó.

Đường Thận không do dự chọn năm đề về Chu Dịch.

Trên quyển để bằng giấy đỏ là năm đề mục.

Đề thứ nhất: Tự cường bất tức

Đề thứ hai: Tiểu hanh

Đề thứ ba: Quân tử dĩ biện

Đề thứ tư: Hà thiên chi cù

Đề thứ năm: Tác nhạc sùng đức.

Vừa đọc đề số một Đường Thận đã nhướng mày, nghĩ bụng hỏng bét rồi.

Việc Dương Đại học sĩ thích Chu Dịch là Vương Trăn nói cho Đường Thận nên cậu không nghi ngờ chút nào. Nếu cậu chọn Chu Dịch để viết, nhất định sẽ làm hài lòng quan chủ khảo. Nhưng Dương đại học sĩ nghiên cứu Chu Dịch quá tường tận, năm đề này đề nào cũng khiến người ta phải đau đầu.

“Tự cường bất tức”, nguyên văn là “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức”, ý chỉ người quân tử luôn luôn nỗ lực vươn lên, hăng hái học tập.

Tiểu hanh, nguyên văn là “tiểu hanh, lợi hữu du vãng, lợi kiến đại nhân.” Tiểu tức là “khiêm nhường cẩn thận”, hanh là từ thông dụng, chỉ “thuận lợi.” Khi khiêm tốn cẩn thận thì vạn sự thuận lợi. Câu này đòi hỏi người quân tử phải nghiêm khắc với bản thân.

Xuống đề thứ ba, “Quân tử dĩ biện” dặn dò người quân tử phải biết phân biệt đúng sai. “Hà thiên chi cù” khuyên nên trọng dụng người tài đức. Còn câu cuối cùng “Tác nhạc sùng đức”, là vế chính trong câu “Tiên vương dĩ tác nhạc sùng đức”, ý rằng “Những bậc quân chủ hiền minh thời xưa tạo ra âm nhạc để ngợi ca công đức.” [1]

[1] Nhạc là một phần không thể thiếu của Lễ

Nói tóm lại, trong năm đề này thì ba đề đầu hướng đến người quân tử, nhắc nhở người quân tử biết gìn giữ, rèn luyện bản thân. Hai đề sau là tâm tư gửi tới người cai trị đất nước.

Mỗi đề đều rộng và có thể viết thoải mái tự do, nhưng dường như tất cả đều có sự liên kết vô hình nào đấy. Đặc biệt là ba đề đầu, rất có khả năng viết trùng với nhau. Viết bài thứ nhất xong lại phải viết bài thứ hai y đúc, chẳng khác nào nhai đi nhai lại một bài ba lần.

Đường Thận thầm ca thán trong lòng: “Dương Đại học sĩ say mê Chu Dịch thật!”

Ra đề hay đến mức thí sinh không biết phải cảm động hay đau tim nữa!

Đường Thận lật các quyển đề khác ra đọc thử xem sao. Quả nhiên, năm đề Chu Dịch là khó nhằn nhất!

Viết Chu Dịch thì ắt làm đẹp lòng Dương đại học sĩ, nhưng năm đề Chu Dịch cũng khó viết chết đi được!

Trong lúc Đường Thận vắt óc suy nghĩ thì trời dần hửng sáng. Vầng thái dương ló rạng đằng Đông, tỏa ánh ban mai lên khu nhà thi ken đặc phòng ốc như tổ ong. Thánh thượng hướng về phương Nam cai quản, thần dân hướng lên phương Bắc phục tùng. Nắng xéo vào phòng thi, Đường Thận nheo đôi mắt, nhìn vầng mặt trời đang dần dần nhô lên.

Chỉ trong tích tắc, Đường Thận hạ quyết tâm, không do dự nữa: “Dù viết không tốt thì có hề gì, đây là Chu Dịch, chỉ cần mình không lạc đề, không có tư tưởng phản nghịch thì Dương Đại học sĩ không thể chấm điểm thấp cho mình được. Hơn nữa, trường thi đệ nhất mình làm bài khá chắc ăn rồi. Trường đệ nhị chỉ là thứ yếu thôi, tóm lại không việc gì phải lo hết.”

Chí đã quyết, Đường Thận bèn đọc cẩn thận lại năm đề bài cho.

Bậc quân tử biết phân biệt phải trái, khiêm tốn, thận trọng thì thuận lợi, tất sẽ không ngừng vươn lên, con đường tương lai rộng thênh thang như đường trời, chớ coi khinh lễ nhạc, biết tôn vinh công đức người xưa!

Đường Thận nảy ra một ý tưởng táo bạo!

Những đề mục này khá hóc búa bởi phạm vì đề rộng, cậu có thể viết năm bài bình bình nhưng khó viết sao cho xuất sắc. Tuy vậy, dù Lương Tụng hay Vương Trăn thì đều nhận xét rằng, cái giỏi giang của Đường Thận trong văn bát cổ không phải là suy luận hay hành văn, mà là cách phá đề rất khác người. Đã thế, cớ gì mà cậu không sáng tạo lên chứ!

Gộp luôn năm đề này lại, viết thành một bài văn lớn!

Bài văn lớn của cậu sẽ gồm năm phần, mỗi phần vừa là một bài văn đơn lẻ, vừa là một phần tạo nên chỉnh thể bài văn lớn. Kết hợp năm bài lại sẽ thành một áng văn về “Quân tử cầu đạo, thánh nhân hiền năng.” Thông qua cách sáng tạo này, cậu có thể bù lại cho hiểu biết còn hạn chế của cậu về Kinh Dịch.

Đã có phương hướng, Đường Thận bắt tay vào dựng dàn bài trên nháp, liệt kê ra hết những liên kết giữa các đề, rồi sắp xếp các đề này theo trình tự tăng tiến.

Đến tối ngày thi thứ hai thì cậu đã xây dựng xong liên kết giữa các đề, bắt đầu viết bài.

Dương Đại học sĩ ra đề “Tự cường bất tức.”

Đường Thận đáp rằng: “Người sĩ phu mạnh nhờ không ngừng chiến thắng bản thân, con đường tìm đạo của người quân tử xuất phát từ việc noi theo phép tắc của đất trời. Lấy trật tự của trời làm cơ sở cho hành động, biết phân biệt đúng sai, biết giữ mình khiêm tốn, ấy chính là đức độ hợp với lẽ trời, đưa con người ta gần gũi nhất với thần thánh…”

Bài thứ nhất viết vô cùng lưu loát, Đường Thận không dừng lại mà tranh thủ đà cảm hứng, viết luôn bài thứ hai.

Viết liên tục ba bài, Đường Thận đánh một giấc dài say sưa, tỉnh lại thì viết nốt hai bài còn lại dưới ánh trăng và ánh nến.

Bấy giờ tiếng gà gáy sáng đã cất lên, đến ngày thi cuối cùng rồi.

Đường Thận lại ngủ thêm một giấc nữa. Ngủ dậy, cậu chép lại hết năm bài văn cho thật nắn nót, đẹp đẽ bằng thể chữ Quán các, rồi thổi mực, nộp bài thi.

Các Tú tài nộp bài sớm cùng nhau ra khỏi trường thi Thịnh Kinh, lúc này mới là giờ Thân buổi chiều ngày thứ ba. Diêu Tam và Phụng Bút đang ngồi chờ dưới bóng râm của cây liễu trước trường thi, đột nhiên thấy Đường Thận thì đờ người ra. Đường Thận đi tới trước mặt hai người, Diêu Tam mới bật dậy: “Tiểu đông gia sao lại ra đây?”

Đường Thận cười: “Làm bài xong thì về thôi.” Như thể chẳng có gì to tát. 

Diêu Tam gãi đầu gãi tai: “Thế chúng ta về nhà nghỉ ngơi vậy.”

Đường Thận nhìn quanh quất: “Hôm nay Tử Phong sư huynh không đến à?”

Diêu Tam: “Không ạ. Tiểu đông gia đang chờ Vương đại nhân ư?”

Đường Thận: “…Không, về thôi.”

Nghỉ ngơi ở nhà một đêm, hôm sau Đường Thận lại đến trường thi.

Trường thi đệ tam chỉ thi cho đủ số, các thí sinh đều nhẹ nhõm ung dung. Thi đỗ hay hỏng đều đã xong rồi. Trường đệ tam chủ yếu thi về chính sách, các tú tài thì biết gì về chính trị, thời sự đâu, chỉ lí luận suông thôi! Các quan chấm thi cũng không mong tú tài viết được tác phẩm sách luận nào đặc sắc cả, chỉ cần không phạm thượng, không viết điều đại nghịch bất đạo thì cho qua hết.

Đường Thận làm bài ngon ơ, sau ba ngày thì rời trường thi về nhà. Việc đầu tiên cậu làm là: Tắm.

Ngâm mình trong bồn nước ấm sực, Đường Thận thở phào nhẹ nhõm: “Phê quá đi!”

Song cậu chưa hết việc đâu. Rửa mặt chải đầu, thay quần áo mới tinh tươm, Đường Thận tranh thủ lúc trời còn chưa tối thì ghé Phó phủ.

Phó Vị đang đút thức ăn cho hai con vẹt trong thư phòng. Thấy Đường Thận, ông liền cho cậu một nắm mồi chim. Trong lòng Đường Thận chợt dâng trào một cảm xúc quen thuộc, tưởng như đang thấy một bóng hình thanh nhã rất đỗi thân thương. Cậu giật mình, hướng về phía Phó Vị nói: “Tiên sinh, học trò xong rồi.”

Phó Vị nghe thế, nghiêm mặt: “Sao lại nói là ‘xong’? Cảnh Tắc, con nói bậy quá!”

Đường Thận dở khóc dở cười: “Dạ dạ dạ, học trò đã hoàn thành kì thi Hương rồi.”

Phó Vị nở nụ cười: “Cảm nhận ra sao?”

Đường Thận nhớ lại kĩ càng: “Trường đệ nhất viết khá tốt, phát huy hơn bình thường. Trường đệ nhị thì miễn chê, trường đệ tam hỏi sách luận, học trò không viết gì đao to búa lớn, chỉ nghe theo lời Tử Phong sư huynh, có gì nói nấy thôi.”

Phó Vị hừ một tiếng: “Ai hỏi con mấy cái đấy làm gì!”

“Ơ?”

“Ý ta hỏi con, là ngồi phòng thi Thịnh Kinh có đến nỗi điếc mũi vì mùi chân thối với mùi mồ hôi không?”

Đường Thận: “…”

Kẻ nào nhập vào thầy tôi thế này?!

Ngày mười chín tháng tám, một ngày sau khi ba trường thi Hương ở Thịnh Kinh kết thúc. Sai nha đã dán xong tên cho hơn ba vạn bài thi, chuyển đến khu nhà chấm thi của giám khảo. Bài thi cả đống cả khiêng, các học chính, học sĩ chấm bài lên bờ xuống ruộng.

Trước khi chính thức chấm bài, quan chủ khảo Dương đại học sĩ nâng chén trước mọi người: “Lấy trà thay rượu, trong mười ngày tới, chư vị đồng liêu có nhiệm vụ chấm bài cho một vạn thí sinh. Ta xin kính mời chư vị một chén!”

“Xin kính đại nhân một chén!”

Mọi người uống trà, rồi bắt tay vào công cuộc chấm bài gian khổ kéo dài mười ngày.

Đến ngày hai mươi chín tháng tám, các quan chấm bài đều đã xem xong bài thi, mỗi bài phải qua ba vòng thẩm duyệt, có đầy đủ lời phê của khảo quan và điểm số [2]. Ngày cuối cùng, ba quan phó khảo cùng chọn ra ba bài thi, Dương đại học sĩ cũng chọn một bài, các quan họp lại để quyết định ba giáp đầu cho kì thi Hương tại Thịnh Kinh năm nay.

[2] Có các quan sơ khảo, phúc khảo và giám khảo mỗi quan chấm một lượt

Một vị phó khảo nói: “Lưu Trạch ở Sơn Tây là đồng hương với ta. Ta từng nghe thanh danh của trò ấy rồi. Lưu Trạch là thần đồng nổi tiếng ở Sơn Tây, mười sáu tuổi bắt đầu đi thi, đỗ ngay tiểu tam nguyên đồng thí. Đáng lẽ hai năm sau đấy trò ấy thi Hương luôn, nhưng vì mẫu thân đột ngột qua đời, trò ấy thủ hiếu ba năm nên không được đi thi. Ba năm sau khăn gói đi thi, chẳng may phụ thân qua đời, Lưu Trạch tiếp tục phải thủ hiếu. Cứ thế lần lữa tám năm, hôm nay hai mươi lăm tuổi mới tới Thịnh Kinh thi Hương.”

Một vị phó khảo khác xem quyển của Lưu Trạch, nhận xét: “Văn phong độc đáo, bút lực khỏe khoắn, khả năng sáng tác tinh tế. Ưu tú thật!”

Mọi người cùng đọc thử, Dương đại học sĩ cũng bị hấp dẫn, nói: “Tuyệt vời! Mỗi chữ trong bài ‘Ta mười lăm tuổi chuyên chú vào việc học’ đều vô cùng tâm huyết. Trải qua mấy phen biến cố mà viết nên kiệt tác bực này, hoàn toàn xứng đáng danh hiệu Giải Nguyên năm nay!

Một viên quan phó khảo khác nói: “Thí sinh này là Diêu Thiện, sĩ tử kinh thành, năm nay bốn mươi ba tuổi. Tuy tuổi hơi lớn nhưng tài năng thật phi phàm. Hai mươi tư năm trước anh ta vốn là tiểu tam nguyên Đồng thí ở Thịnh Kinh. Không may thay, người anh cả của Diêu Thiện bị người Liêu sát hại. Vì thế, Diêu Thiện xếp bút tòng quân, đi lính ở phủ U Châu, mãi đến năm ngoái mới xuất ngũ. Bài văn ‘Ta muốn chấn chỉnh lòng người’ của người này có hùng tâm tráng chí, thể hiện trải nghiệm cực kì phong phú, sâu sắc.”

Dương đại học sĩ đọc xong cũng gật gù khen: “Xuất sắc!”

Mọi người xem hết mười bài thi tiêu biểu của trường đệ nhất xong, ngoài Lưu Trạch đã được Dương Đại học sĩ chấm làm Giải Nguyên, bốn khảo quan khó mà nhất trí được với thứ hạng của chín người còn lại.

Thế là một quan đề xuất: “Chi bằng ta hãy xem thử chế nghệ Ngũ Kinh của các thí sinh.”

Các quan cùng lấy quyển thi của trường đệ nhị ra đọc với nhau.

Trong nhà chấm thi đang yên ắng, đột nhiên Dương Đại học sĩ thốt lên: “Hay, hay, hay quá!”

Ba quan Phó khảo vội vàng hỏi: “Dương đại nhân đọc được bài nào ưu tú thế?”

Dương Kỳ lập tức chìa quyển thi cho các quan khác: “Chư vị đại nhân đã đọc tác phẩm này chưa?”

Một phó khảo nói: “Đường Thận Đường Cảnh Tắc? Quyển của trò này tôi nhớ. Cả thơ thí thiếp và chế nghệ của cậu này không vượt trội hẳn so với tám thí sinh còn lại, nhưng bài nào bài nấy xuất sắc cực kì, thuộc tốp trên trong chín bài. Hơn nữa, chữ trò này rất đẹp, khí phách hệt như ân sư Phó Vị – Phó đại nhân của cậu ta vậy.”

“Nguyên lai là cao đồ của Phó đại nhân.”

“Thư pháp Vương đại nhân nổi tiếng thiên hạ, hiển nhiên chữ của sư đệ ngài ấy cũng phải hơn người.”

Phó Vị và Vương Trăn tuy vắng mặt nhưng cũng thu hoạch được cả rổ những lời tán tụng.

Dương Đại học sĩ nói: “Trò này chọn năm đề Chu Dịch, xem qua dễ tưởng mỗi bài cứ chiếu theo quy củ mà viết thôi, nhưng chư vị để ý này, phần phá đề trong mỗi bài của cậu ta luôn liên hệ với bốn đề còn lại. Tức là tuy năm mà một, toàn bộ bài thi là một bài văn lớn!”

Bấy giờ các khảo quan khác mới nhận ra điểm khác biệt này.

“Giỏi quá!”

Dương Kỳ càng đọc quyển của Đường Thận càng ưng bụng.

Trong mười thí sinh xuất sắc nhất mà họ lọc ra thì chỉ Đường Thận và một người khác chọn Chu Dịch. Bài của thí sinh kia câu chữ hoa mỹ, nhưng lặp đi lặp lại một điệu. Dương Kỳ là điển hình tiêu biểu của học sĩ nghèo mà thanh cao trong viện Hàn Lâm, ngay từ cách ông ta chọn đề, Đường Thận đã nhận ra rằng vị học sĩ này chẳng những vô cùng kiêu hãnh mà còn đặt tiêu chuẩn cực kì cao đối với bản thân. 

So với những bài thi chau chuốt, đao to búa lớn, Dương Kỳ càng thích năm bài viết của Đường Thận hơn, thích tới nỗi không nỡ buông tay.

Người sĩ phu mạnh nhờ không ngừng chiến thắng bản thân, con đường tìm đạo của người quân tử xuất phát từ việc noi theo phép tắc của đất trời. Lấy trật tự của trời làm cơ sở cho hành động, biết phân biệt đúng sai, biết giữ mình khiêm tốn, ấy chính là đức độ hợp với lẽ trời, đưa con người ta gần gũi nhất với thần thánh!

Câu này chính là để chỉ bản thân Dương Kỳ đây mà!

Không đời nào ông để bản thân bị đánh đồng với bè lũ quan lại ngu dốt, hồ đồ trong chốn quan trường!

Dương Kỳ thậm chí muốn chấm Đường Thận đỗ Giải Nguyên. Ông bèn đem ý định này nói cho ba quan phó khảo.

Ba vị phó khảo đều ngạc nhiên: “Tuy năm bài Chu Dịch của Đường Thận viết rất hay, nhưng quyển thi trường đệ nhất của cậu ta viết không tốt bằng Lưu Trạch. Lúc nãy đại nhân cũng bảo Lưu Trạch hoàn toàn xứng đáng đỗ Giải Nguyên mà?”

Có người đoán: “Chẳng lẽ Dương đại nhân…thích Chu Dịch?”

Dương Kỳ: “…”

Nếu Đường Thận đứng ở đây lúc này chắc cậu sẽ bị sốc nặng. Sao Vương Trăn dám nói “thiên hạ ai cũng biết Dương đại học sĩ say mê Chu Dịch” cơ chứ? Đâu? Thiên hạ nào biết?

Dương Kỳ đọc lại năm bài Chu Dịch của Đường Thận, rồi xem lại quyển của Lưu Trạch. Lưu Trạch chọn đề Xuân Thu, viết năm bài văn về Xuân Thu.

“Đúng là Thiên mệnh rồi!”

Mùng một tháng chín, yết bảng thi Hương.

Diêu Tam vốn định đến cổng trường thi xem sai nha yết bảng, nhưng Đường Thận ngăn anh ta lại: “Anh có biết hôm nay có bao nhiêu người tụ tập ở trường thi không?”

Diêu Tam làm sao mà biết được: “Không ạ.”

Đường Thận: “Thí sinh hơn vạn người thì ít nhất cũng phải tám nghìn người muốn xem kết quả. Họ dẫn theo bạn bè người thân nữa, ở chỗ quế bảng phải có ít nhất hai mươi nghìn người. Chúng ta không xếp hàng từ nửa đêm thì đừng hòng mong thấy bảng! Khỏi đi cho mất công, bảo Phụng Bút đến nghe ngóng thôi, nếu nghe thấy có tên thì về báo. Tôi thừa sức thi đậu cử nhân.”

Hiện tại, quản lí Lục và kế toán Lâm đều đã lên Thịnh Kinh.

Người khác nói thế, còn lâu kế toán Lâm  mới tin, chỉ cho là họ khoác lác. Nhưng Đường Thận thì khác; kế toán Lâm gật gù vuốt râu: “Diêu Tam đừng đi, để Phụng Bút đi thôi. Nếu nghe được tin gì thì về báo cáo.”

Phụng Bút nhận lệnh đến trường thi nghe ngóng, còn mọi người thì ở nhà đợi.

Ngồi đợi mãi mà Phụng Bút vẫn chưa về, Đường Thận cũng bắt đầu sốt ruột. Cậu lấy Bảng chữ Pháp Môn hồi trước Vương Trăn cho ra chép đi chép lại thật tỉ mỉ. Đến khi mặt trời lên cao ba sào mới thấy Phụng Bút tất tả chạy về, mặt mũi đỏ bừng, hớn ha hớn hở.

Mọi người thấy thế thì biết Đường Thận chắc chắn là đậu rồi.

Diêu Tam: “Chú mau nói cho chúng tôi biết, tiểu đông gia đỗ chưa? Đỗ hạng mấy?”

“Đỗ…đỗ!”

Đường Thận đi từ thư phòng ra, nghe thế thì thở phào nhẹ nhõm.

Kế toán Lâm hỏi: “Đỗ hạng mấy?”

Phụng Bút nhấp một ngụm trà, thở không ra hơi: “Á nguyên! Công tử đỗ Á Nguyên!”

Cả nhà sửng sốt.

Một giây sau, bên ngoài có tiếng chiêng trống tưng bừng. Một tốp sai nha mặc quan phục, đeo đai hồng bước vào sân nhà, vui vẻ báo tin: “Chúc mừng Đường Thận – Đường Cảnh Tắc người phủ Cô Tô, Giang Nam, đỗ Á Nguyên kì thi Hương tại Thịnh Kinh.”

Á Nguyên, là đỗ đệ nhị.

Đường Thận cười ha hả, nói với Diêu Tam: “Thưởng.”

Diêu Tam lập tức lấy bạc đã chuẩn bị sẵn ra, chia cho đám sai nha báo hỉ.

Biết thành tích rồi, Đường Thận lập tức tới Phó phủ, báo tin mừng cho thầy.

Phó Vị thế mà chẳng hề bất ngờ, cười bảo Đường Thận: “Đúng rồi.”

Đường Thận nghĩ rồi hỏi: “Chẳng lẽ tiên sinh phái người chờ ở ngoài trường thi?”

Tiểu đồng Ôn Thư xen mồm vào: “Tất nhiên, từ sáng sớm tôi đã phải đến trường thi xếp hàng đấy, ngủ cả đêm ngoài đường luôn.”

Đường Thận hạnh phúc vô cùng.

Trong hai học trò của Phó Vị, Vương Trăn đương nhiên là tam nguyên cập đệ, thi đồng sinh, thi hương, thi hội đều đứng nhất. Lần này Đường Thận đỗ đệ nhị, Phó Vị chẳng hề thất vọng, trái lại ông rất mừng vì học trò của mình có chí phấn đấu.

Vương Tử Phong xuất thân Lang Gia Vương thị, năm tuổi đã bái Phó Hi Như làm thầy. Đường Thận là học sinh nhà nghèo thứ thiệt, năm nay mười lăm tuổi đã có học vấn và thành tựu bực này, quả là hiếm có.

Phó Vị hỏi: “Con đã báo tin mừng cho sư huynh con chưa?”

Đường Thận: “Thưa thầy, chưa ạ.”

“Thế con đi đi. Tử Phong cũng gần như là thầy con rồi.” 

Đường Thận gật đầu, đi sang phủ Thượng thư.

Khi Vương Trăn về nhà đã thấy Đường Thận chờ chàng trong phòng khách. Nhác thấy bóng Vương Trăn, Đường Thận liền đứng lên ngay, nói: “Đạ tạ Tử Phong sư huynh mỗi ngày thi đều chuẩn bị giỏ đồ cho đệ, Cảnh Tắc không đỗ Giải Nguyên, khiến sư huynh thất vọng rồi.”

Vương Trăn dừng bước, nhìn dáng vẻ cung kính của Đường Thận thì không nhịn được cười: Tiểu sư đệ này của chàng cũng khéo biết ra đòn phủ đầu đấy.

“Vạn người mới có một Á Nguyên, chẳng lẽ không đáng mừng ư?”

Đường Thận chắp tay thi lễ: “Kì thì năm xưa, sư huynh từng đỗ Giải Nguyên còn gì.”

Vương Trăn sai quản gia dâng trà, chàng không ngồi ở ghế chủ mà thản nhiên ngồi xuống cạnh Đường Thận. Chợt chàng nói: “Thế này người xưa gọi là long phượng trình tường đấy(*).” 

(*rồng phượng báo điềm lành: ý chỉ hạnh phúc lứa đôi, may mắn, thịnh vượng)

Đường Thận: “?” Đùa à?

Vương Trăn nói như thật: “Ta đỗ Giải Nguyên, tiểu sư đệ đỗ Á Nguyên. Ẵm cả ngôi đệ nhất lẫn ngôi đệ nhị, chẳng long phượng trình tường đấy thì gì? Sư môn chúng ta thế là trọn vẹn rồi!”

Đường Thận: “…”

Vương Tử Phong, anh bị chập mạch rồi!