Sư Huynh, Cho Muội Mượn Nội Đan Nhé

Chương 10



Tiên duyên của ta quả nhiên sâu không thấy đáy.

Mới bay một ngày tại vùng nước phía Đông mà ta đã tìm thấy động phủ thuộc núi tiên. Theo lời A Phụ, một số thần tiên lau nhau có bay dăm ba năm cũng chưa chắc đã tìm được ngọn núi tiên ấy.

Ta ấn đụn mây bay xuống, đi về hướng cửa núi nguy nga, bụi tre rặng bách thấp thoáng giữa làn khói nhẹ nhạt nhòa, sương sớm lung linh.

Ngạc nhiên thay, khi đến trước cửa núi, ta lại thấy một vị tiên sử mặc đồ trắng đứng chờ ở đấy, còn cầm một quyển sách nhỏ trong tay.

Ta tiến lên hành lễ, lịch sự khách khí hỏi: “Xin hỏi thần tiên tiểu ca, núi này chính là núi Lưu Ba trên dòng nước Đông đúng không ạ?”

Tiểu tiên sử khách khí đáp lễ, trên mặt lại không có biểu cảm gì, đôi mắt có vẻ lanh lợi nhìn ta chằm chằm.

Ta cười khanh khách, thoải mái để anh ta xoi mói mình.

Tiểu tiên sử bỗng thấy hơi xấu hổ, vội cúi đầu mở quyển sách ra, lật sách loạt xoạt tới trang cuối cùng: “Tên… Tên của tiên tử là…”

Ta đáp: “Phinh Phinh, Phinh Phinh trong cụm “Phinh phinh niểu niểu”.”

Tiểu tiên sử lại hỏi: “Chính là người đã độ kiếp phi thăng vào giờ Sửu canh ba (3h sáng) đầu tháng Tám đúng không?”

Ta tính sơ sơ ngày tháng giờ giấc, chắc cũng từa tựa thời gian tiểu tiên sử vừa báo. Không ngờ ta bị sét đánh ở đằng Tây, mà đám thần tiên ở vùng nước Đông xa mãi vạn dặm còn biết chuẩn xác không trật đi đâu được. Ta không khỏi âm thầm thán phục, đúng là lưới trời tuy thưa nhưng khó lọt.

Một chiếc bút lông sói đột nhiên xuất hiện trên tay tiểu tiên sử, anh ta cúi đầu viết tên ta lên danh sách, vừa viết vừa nói: “Ba năm rồi trời chưa từng giáng sét, chỉ mới giáng một lần vào đầu tháng Tám. Chúc mừng tiên tử, 3 năm trên trời, 300 năm dưới đất, chỉ có mình cô là vị thần tiên duy nhất phi thăng.”

Thế này thì ta còn khiêm tốn làm sao được nữa…

Quả như lời A Phụ nói, ta thuận lợi ở lại núi Lưu Ba, trở thành đệ tử thứ 250 của môn phái Lưu Ba.

(250: đọc là èr bái wû: tiếng lóng của Tàu, nghĩa là đứa ngu, vô dụng.)

Tuy đã vào cửa nhà thầy, nhưng giờ vẫn chưa có thầy để bái. Chuyện ấy là vì ta tới không đúng lúc, tiên sử nói sáng sớm hôm nay sư phụ vừa mới ra ngoài, ta phải đợi thầy về, rồi mới làm bù lễ bái sư.

Ta hỏi tiên sử, sư phụ già nhà mình là người thế nào.

Tiên sử nói: “Sư phụ tên là Tiêu Vân Tiên Tôn, là một người phàm đã tu thành chánh quả. Thân thể thầy không có linh căn, nhưng lại có được trí tuệ rộng lớn vô biên. Trong các thần tiên tiêu dao ở chín phương trời, thầy chính là người mà ta coi trọng nhất.”

Dù chưa trải qua con đường tu tiên, nhưng ta vẫn biết người phàm tu tiên cực kỳ khó khăn. Bỗng dưng ta thấy phục sư phụ sát đất.

Tiên sử sắp xếp cho ta ở một gian trong dãy tịnh xá giữa rừng trúc lưng chừng núi. Anh ta cho ta một tấm thẻ ngọc trắng muốt mịn như mỡ dê, rồi lại chỉ mấy cụm nhà bên dòng suối trong róc rách sau chân núi qua cánh cửa sổ mở, dặn dò ta nếu có nhu cầu hằng ngày gì thì tới đấy nhận đồ từ thím phụ trách việc vặt là được. Ví dụ nếu ta chưa bỏ ăn ngũ cốc, thì ở đấy cũng có mấy món thanh đạm. Ta nghe thấy hai chữ “thanh đạm” là chẳng mặn mà gì rồi.

Tiễn tiểu tiên sử đi rồi, ta nhìn ra ngoài cửa sổ, nghe thấy tiếng hạc kêu loáng thoáng. Những đụn mây lờ lững phía chân trời, nhìn đâu cũng chỉ một màu xanh ngắt ướt át. Ta dõi mắt theo hướng rặng tùng trúc xào xạc gió ở bên đối diện, nâng từng tầng lá dập dờn như sóng. Đám dê trắng túm năm tụm ba điểm xuyết giữa những lớp màu xanh biếc trập trùng.

Giữa chốn tu luyện thanh tịnh, sao lại có kẻ chăn thả ở đây?

Ta nhìn thật kỹ mới phát hiện những vạt trắng điểm xuyết kia là một đám thần tiên áo trắng bay bay. Từng cơn gió thoảng đưa tiếng cười vui chơi đùa đứt quãng bay xa, lọt vào tai kẻ khác.

Thì ra là thế.

Quả thực dù là trường lớp ở đâu, thì thầy đi vắng, trò cũng sẽ thả rông.

Ta ăn không ngồi rồi đi dạo loanh quanh hai ngày trong ngọn núi này, thấy khá là thích ý, hàng xóm xung quanh cũng dễ gần dễ thân.

Tịnh xá bên trái ta là chỗ ở của một sư huynh im như hũ nút. Thấy gương mặt mới toanh là ta, huynh ấy cũng chẳng hiếu kỳ, chỉ thờ ơ gật đầu đi qua. Bên kia là một sư tỷ ríu rít lắm lời, tên yêu ở nhà là Mạn Mạn. Câu đầu tiên tỷ ấy thốt ra khi gặp ta là: “Nguy hiểm thật nguy hiểm thật. Mẹ tỷ nói tỷ là đứa chậm chạp, làm mãi không xong, chờ mãi không tới. Nếu mẹ tỷ sinh tỷ muộn ba năm, thì vị trí 250 này đã là của tỷ rồi.”

(Mạn Mạn nghĩa là chầm chậm)

Nhờ những lời bô bô liếng loắng của sư tỷ ríu rít lắm chuyện kia, chẳng bao lâu sau, đám đệ tử khắp núi này đều biết có một chiếc bình phi thăng thành tiên vừa tới.

Dần dà, gian tịnh xá của ta bắt đầu đông khách, luôn có kẻ vịn cửa sổ hóng hớt, chính miệng hỏi ta biến ra từ bình thật ư.

Bấy giờ ta mới biết, từ xưa đến nay, ta là chiếc bình đầu tiên phi thăng thành tiên.

Khụ khụ, thế này làm sao ta sống khiêm tốn được nữa…

Tuy ta rất thích tán gẫu với mọi người, nhưng mỗi khi họ đề cập đến một sự kiện, ta vẫn hơi xấu hổ.

“Tiểu sư muội, muội phải tu hành bao nhiêu năm thì mới có thể phi thăng thành tiên vậy?”

Mỗi khi bị hỏi tới chuyện này, ta đều cười vô cùng cao thâm khó dò, lảng sang đề tài khác qua quýt cho xong chuyện.

Chẳng lẽ lại bảo là muội chưa tu tiếc gì đâu, bị ba tia sét bổ thẳng vào đít nên mới bay lên đây à.

Như vậy ta sẽ thành vị thần tiên đốt cháy giai đoạn, không trâu bắt chó đi cày nhất từ trước đến nay mất.

Chơi bời thêm một hai ngày nữa, ta bắt đầu tò mò vì sao mãi mà sư phụ chưa về.

Mạn Mạn sư tỷ kể cho ta biết, dạo này cung Tử Vi trên Cửu Trùng Thiên đang rối tinh rối mù, nguyên nhân là vì tên ác quỷ bị đè dưới đá Côn Luân đã chạy thoát. Nghe đâu lúc vây bắt hắn, đế hậu và con trai cả của bà là Cảnh Húc điện hạ bị trọng thương, hôn mê nhiều ngày mới tỉnh. Cảnh Húc điện hạ là đứa học trò mà sư phụ thương nhất, cũng là đại sư huynh của chúng ta. Dạo này huynh ấy luôn dưỡng thương trong cung Tử Vi, nên ta không có duyên được gặp.

Đế hậu còn bị thương nặng hơn, phải hôn mê cỡ đâu một tháng. Mấy bữa trước bà vừa tỉnh lại, nên thần tiên các chốn đều xông xáo tới thăm hỏi, tiện thể thám thính tin tức chính xác về vụ tên ác quỷ đã trốn thoát kia. Dù gì đấy cũng là đá Côn Luân mà, còn cứng cáp hơn cả núi Ngũ Chỉ của Như Lai Phật Tổ mãi bên trời Tây. Từ khi Bàn Cổ mở trời đắp đất tới nay, chưa từng có dòng giống ma quỷ nào có thể bỏ trốn mất dạng từ dưới đá Côn Luân. Thật sự không thể tin nổi, không thể tin nổi.

Tuy ta không biết đá Côn Luân là thứ đá gì, nhưng nghe có vẻ lợi hại ghê, bèn phục lăn gã ác quỷ đã bỏ trốn mất dạng kia: “Làm tốt lắm, đúng là làm tốt ghê.”

Mạn Mạn sư tỷ sửng sốt một lát. Trông biểu cảm của tỷ ấy, chắc hẳn tỷ ấy không hiểu nổi lời ta nói. Ta đang định kiên nhẫn giải thích cho tỷ ấy nghe, tỷ ấy lại đột nhiên xích lại gần, nói với vẻ mặt thần bí khó lường: “Thật ra tên ác quỷ khủng b0 này, còn có gốc rễ liên quan tới núi Lưu Ba nhà mình đấy…”

Ta tò mò hỏi: “Gốc rễ gì ạ?”

Mạn Mạn sư tỷ lại thong thả đáp: “Thôi, tỷ chẳng muốn làm muội sợ đâu, không nói thì hơn. Tóm lại mẹ tỷ đã cảnh báo tỷ đừng xuống núi làm trò khùng điên nữa. Lỡ vấp sao quả tạ, gặp phải tên ác quỷ kia là xong cơm mất.”

Ta cực kỳ muốn biết rốt cuộc tên ác quỷ nọ có gốc rễ gì với chúng ta, nhưng Mạn Mạn sư tỷ lại không cho ta chút cơ hội nào. Tỷ ấy chỉ vào một vòng đỏ nhòe nhoẹt ở đỉnh núi đằng xa, nói với ta: “Mẹ tỷ đúng là lo quá trớn. Trước khi đi sư phụ đã giăng kết giới bốn phía quanh núi Lưu Ba, chỉ để lối ra ở cửa núi thôi. Tiên sử canh gác ngày đêm, một con thiêu thân còn chẳng lọt ra nổi, huống chi là chúng ta.”

Ta thấy kết giới kia độc đáo gớm ghê, như ngàn vạn cây phong nhuộm sương giá đứng thẳng tắp. Gió mây cuồn cuộn, tựa lá sương bay múa đầy trời trên dòng nước phía Đông khói sóng mênh mông, làm sóng cuộn ào ào lên núi biếc, hiệu ứng đúng là hoành tráng.

Lòng ta nhủ thầm, kết giới này trông chẳng khiêm tốn mờ nhạt tẹo nào, sư phụ không sợ mời gọi tên ác quỷ kia tới hả?

Kết giới ấy tuy rằng độc đáo thật, nhưng ta nhìn chỉ thấy rầu cả người. Mấy bữa nay ta đã dạo gần hết núi, đang định xuống núi chơi một tí, giờ biết làm sao đây.

Sư tỷ thấy mặt ta có vẻ buồn bực thì tốt bụng khuyên nhủ: “Thôi thôi, tính mạng phải quan trọng hơn tự do bung xõa chứ. Tay ma đầu kia có bốn món bảo bối chết người, năm ấy hắn chỉ dùng một món mà đã phá hủy cả tộc núi Vu. Đáng sợ gớm, đáng sợ ghê…”

May mà những ngày tháng ăn không ngồi rồi kết thúc rất nhanh, hôm sau sư phụ cưỡi mây quay về, cuối cùng ta cũng được gặp thầy.

Tiên sử dẫn ta cưỡi trên một đụn mây, bay lững lờ về một đỉnh núi ở tận cùng phía Đông của dãy Lưu Ba, tên là Mộ Vãn.

Khác với khu rừng trúc xanh mát mắt nơi chúng ta ở, đỉnh Mộ Vãn của sư phụ lá đỏ tung bay bốn mùa. Nhìn đâu cũng thấy tầng tầng lớp lớp cảnh sắc núi rừng độ cuối Thu. Trông từ đằng xa, nó giống kết giới lá sương mà sư phụ đã bày xung quanh Lưu Ba. Cảnh khiến lòng người dạt dào nỗi Thu, nhưng Thu này lại ấm áp.

Dọc theo con đường núi uốn lượn trải đầy lá đỏ là trăm bậc thang bằng đá. Ngước lên có thể thấy góc mái cong treo tận chân trời màu xanh lam. Tiên sử chỉ vào một tòa nhà cổ kính phía trước, nói đây là nơi ở riêng của Tiêu Vân Tiên Tôn.

Khi chúng ta đi tới trước cửa, một cậu tiên đồng đã đợi sẵn ngoài cửa rồi.

Ta được cậu tiên đồng nọ dẫn vòng qua hành lang, cuối cùng cũng tới một gian tịnh thất cổ kính đơn sơ. Ta ngẩng đầu lên, nhìn thấy một vị tiên thanh thoát tuấn tú ngồi trên giường. Thấy ta đi vào, thầy nở nụ cười nhẹ.

Ta dùng hết sự kính trọng cả đời mình, cung kính dập đầu lạy thầy: “Đệ tử Phinh Phinh, bái kiến sư phụ.”

“Đứng lên đi.”

Sư phụ cười và gật đầu.

Ta đứng dậy một cách đàng hoàng quy củ, dằn lòng hiếu kỳ xuống, không xoi mói thầy nữa.

“Nghe Hạc Văn canh cổng nói, hình dạng thật của con là một chiếc bình à?”

Lời dạo đầu của sư phụ bình dân đến bất ngờ ha, chẳng khác gì các sư huynh sư tỷ ngày ngày rướn đầu ngó nghiêng hóng hớt ngoài cửa sổ phòng ta.

Sợi dây thừng câu nệ đang quấn chặt người ta lập tức biến mất. Ta ngẩng đầu nhìn sư phụ, lại thấy ánh mắt thầy nhìn ta cũng háo hức hiếu kỳ y như các sư huynh sư tỷ.

Ta vội vàng gật đầu.

Sư phụ cười nói: “Nhờ phúc của con, hôm nay ta lại được mở rộng tầm mắt.”

Ta vội xua tay: “Sư phụ cứ nhờ đi ạ, không cần khách khí với đồ nhi đâu.”

Sư phụ nghe vậy thì ngẩn người, sau đấy cười sang sảng. Tiếng cười ấy hao hao tiếng cười của người bạn tri kỷ A Phụ mà ta tình cờ gặp gỡ.

“Ban nãy con nói tên con là Phinh Phinh à?”

Sư phụ cười hỏi ta.

Ta gật gật đầu: “Phinh Phinh trong cụm “Phinh phinh niểu niểu” ạ.”

Sư phụ gật đầu khen: “Tên hay. Nay con đã vào môn phái của ta, ta lại đặt cho con một cái tên nữa được không?”

Ta gật đầu lia lịa. Nghe Mạn Mạn sư tỷ nói, đệ tử số 250 của Lưu Ba, tới lứa chúng ta là đến đời “Lãng”, nên sư tỷ được lấy tên là Lãng Hoa. Ta thấy cái tên này rất hay, không biết sư phụ định đặt tên cho ta là gì, lòng ta cực kỳ chờ mong.

Ta ngước mắt nhìn sư phụ trầm ngâm một lát, rồi nghe thấy thầy cất tiếng: “Tuy con ngốc nghếch mông muội, nhưng tính tình lại hồn nhiên ngây thơ, vậy ta đặt tên con là Lãng Nhiên nhé.”

Cái tên này làm ta rất vui.

Sư phụ bảo ta đưa thẻ ngọc cho thầy cầm. Khi thầy trả lại cho ta, tấm thẻ ngọc kia đã có thêm hai chữ “Lãng Nhiên”. Ta vui tới độ khóe mắt đuôi mày đều nhuốm ý cười.

Khi xuống núi theo Hạc Văn tiên sử, lòng ta đang phơi phới nỗi vui, nên cũng phởn phơ lắm mồm. Ta hỏi tiên sử, mấy đời sư huynh sư tỷ trước ta được đặt tên bằng chữ gì.

Mặt tiên sử có vẻ hơi xấu hổ, bị ta hỏi mãi không né tránh được, anh ta mới miễn cưỡng nói: “Đến lượt của cô là tới đời “Lãng” rồi, mấy đời trước thì có… Đời chữ Tiêu, đời chữ Dao, đời chữ Tự, đời chữ Tại…”

Ta gật đầu lia lịa, nhanh nhảu nhẩm theo: “Tiêu dao tự tại lãng…”

(Tiêu dao tự tại lãng: quẩy thả ga tới bến)

Khóe miệng của tiên sử gác cổng gượng gạo giật giật mấy cái, anh ta đưa ta về tịnh xá như ném tay nải, bay đi nhanh như chớp, không thèm ngoái đầu lại.

[HẾT CHƯƠNG 10]