Tà Dương

Chương 10: Cảm nhận "Tà dương"



角田光代

Kakuta Mitsuyo[2]

[1] Nhan đề do người dịch đặt. Nguyên tác chỉ ghi là "giải thích tác phẩm" 作品解説.

[2] Kakuta Mitsuyo, sinh năm 1967 là nhà văn, dịch giả và phê bình hiện đại Nhật Bản, đạt giải thưởng văn học Naoki lần thứ 35 năm 2005) với tác phẩm "Cô gái bờ bên kia" 対岸の彼女).

Khoảng thời gian tôi say sưa đọc tác phẩm của Dazai là từ cấp hai lên cấp ba trung học. Lúc đó, tôi nghĩ tác gia này qua ngôn từ đã thể hiện được chính xác cái tâm trạng mà tôi đang mang nặng nhưng không thể nói ra thành lời. Vì quá yêu thích nên tôi thậm chí đã ảo tưởng rằng tác gia quá cố này viết ra những quyển tiểu thuyết riêng cho tôi vậy.

Vào từ khoảng mười tuổi trở đi, tôi đang ở trong tâm trạng rất buồn cười là đột nhiên không thích cũng không ghét gia đình và bạn bè nữa, và thấy mình chỉ là kẻ đạo đức giả đáng hổ thẹn. Tôi nghĩ mình thật đáng hổ thẹn và cuộc sống chỉ là sự chồng chất những nỗi hổ thẹn mà thôi. Tôi thường quan sát mặt ẩn giấu sau hành động và lời nói của người khác, vô cùng mẫn cảm với sự tổn thương. Tôi cảm thấy cái chết lúc nào cũng quanh quẩn bên mình. Cái chết đó không phải là cái chết hiện thực mà là một cái chết ngọt ngào và dịu dàng. Từ cấp hai lên cấp ba trung học, tôi đã mất đi bốn người thân thiết nhưng cái chết của họ khác hoàn toàn với cái chết mà tôi mường tượng ra.

Vì có tâm trạng như thế nên tôi bị hấp dẫn trước cái vẻ thua cuộc của Dazai.

Lúc tôi đang đọc tác phẩm Dazai ngấu nghiến thì mẹ tôi lại bảo "mẹ cực kỳ ghét Dazai đấy". Rồi mẹ nói thêm "Nhu nhược ủy mỵ lắm. Vậy mà con lại hay đọc truyện của tác gia này nhỉ". Lúc đó tôi nghĩ "Ah, mẹ chẳng có tình cảm, chẳng biết cảm thụ gì cả".

Mặc dù thích văn Dazai nhưng lúc ấy tôi cũng không hiểu rõ lắm về một tiểu thuyết của ông. Đọc qua một lần tôi không thể nào thẩm thấu được, buông sách mà thở "phù" một tiếng thôi. Đó là tiểu thuyết "Tà dương".

Người mẹ vốn là quý tộc cùng cô con gái tên Kazuko gia cảnh sa sút nên đã chuyển về sống ở Izu. Người em trai là Naoji bị nhập ngũ nhưng đã trở về, chìm trong rượu và thuốc phiện, sống một cuộc đời trụy lạc. Không có cách sinh nhai, người mẹ chết trong cùng quẫn vì bệnh lao như một người phụ nữ quý tộc cuối cùng, Naoji cũng tự sát. Kazuko yêu ông Uehara mà đã từng quen biết trước đây qua Naoji, rồi mang thai, quyết tâm sinh đứa con của ông này cho dù Uehara là người đã có gia đình.

Đây không phải là một quyển tiểu thuyết khó đọc. Câu chuyện có một kết cấu rõ ràng. Trong khi đọc, tôi cứ muốn lật sang trang tiếp để xem tiếp theo sẽ như thế nào. Nhưng khi đọc xong, tôi khi ấy mới hơn mười tuổi đưa ra kết luận là "mình không hiểu lắm". Không thấy đồng cảm[3] với nhân vật nào cả, cũng không bắt gặp những đoạn văn khiến mình phải vỗ đùi "Đúng, đúng vậy" như những tác phẩm khác. Vì vậy mà tôi kết luận mình không hiểu rõ lắm rồi không mở ra đọc thêm lần nào nữa. Trong khi đó tôi đọc lại những tác phẩm khác của ông như "Nữ học sinh", "Thất lạc cõi người", "Giã biệt", "Bông hoa của chú hề".

[3] Nguyên tác là "cảm tình di nhập" 感情移入, vốn là chữ người Nhật dịch khái niệm mỹ học "einfuhlung" của nhà tâm lý học Thoedore Lipps, thường được dịch là đồng cảm, thấu cảm, thần cảm, nghĩa là cảm-thấy-từ-bên-trong (in-feeling).

Ngoài hai mươi tuổi, tôi đột nhiên không muốn nói là mình thích truyện Dazai Osamu nữa. Tôi cứ cảm thấy xấu hổ thế nào. Lời mẹ nói "nhu nhược, ủy mị" như hiện ra trước mắt tôi. Khi nghĩ đến sự phiền phức của tác gia này, như sự tinh tế, mẫn cảm, tự ý thức, sự khao khát cái chết, cảm giác thua cuộc và thấy mình ngâm trong "sự phiền phức" đó, tôi cảm thấy xấu hổ ngại ngùng. Vì thế khi người ta hỏi tôi tác gia yêu thích là ai, tôi nhất định không nói tên Dazai Osamu.

Sau một thời gian dài không đụng đến giá sách như thể niêm phong, tôi bắt đầu đọc lại những tác phẩm của Dazai, đó là khi ngoài ba mươi lăm tuổi. Tôi đọc lại không phải vì ý mình muốn thế mà vì công việc. Và quyển đầu tiên tôi cầm trong tay lại là "Tà dương". Quyển tiểu thuyết mà hai mươi năm trước tôi đã kết luận "Mình không hiểu lắm".

Bắt đầu đọc lại, tôi ngạc nhiên sửng sốt. Dĩ nhiên lúc đó tôi cũng không thấy đồng cảm với riêng nhân vật nào và cũng không đưa tay vỗ đùi kêu "đúng vậy, đúng vậy". Tuy thế, tôi nhận ra sự đồng cảm chỉ là một cái cảm tưởng vô cùng nhỏ nhoi mà thôi. Cái sức hấp dẫn của một quyển tiểu thuyết không phải chỉ có thế. Tuy không cảm thấy thân thiết với nhân vật nào trong truyện, cũng không gặp những đoạn văn rúng động tâm can, ta vẫn có thể thấu nhập vào quyển tiểu thuyết đó. Tôi khi đã ngoài ba mươi tuổi mới chính thức "thấu nhập" được tiểu thuyết "Tà dương".

Cuộc sống đẹp đẽ còn sót lại những ưu nhã ngày xưa của hai mẹ con dần dần sa sút xuống, dơ bẩn đi. Trong sự tượng trưng như thế, Kazuko đã yêu ông Uehara, một tên tửu quỷ bạt mạng. Rồi từng chút từng chút một, trong tiểu thuyết bắt đầu phảng phất mùi người tươi mới, sống sít. Như thể cái lớp bề mặt bị tróc ra và rơi xuống, bản chất của cuộc sống từ từ bộc lộ trước mặt Kazuko.

Cái tiền đề cuộc sống khó khăn, phiền phức, tàn khốc và không hợp đạo lý là cách nắm bắt cơ bản của tác gia này. Trong tiểu thuyết của Dazai, có phải chính cuộc sống được viết với một vẻ gì đó lấp lánh chăng? (cho dù đứng nhìn từ xa ta cũng có thể thấy được sự lấp lánh này). Trong tác phẩm này cũng thế. Nhà phải bán đi, người mẹ với cách ăn súp đẹp đẽ cũng mất đi, cuộc sống của Kazuko bị phá vỡ, yêu một tình yêu bế tắc không lối thoát với người đã có gia đình. Đã ngập ngụa trong vũng lầy. Nhưng từ trong vũng lầy đó, Kazuko đã ngẩng mặt lên, quyết tâm nhận chịu cái cuộc sống khó khăn phiền phức và tàn khốc vô lý.

Một quyển tiểu thuyết mạnh mẽ. Cái sự mạnh mẽ này hai mươi năm trước tôi đã không hiểu ra. Vào thuở lên mười, con người tôi cứ nghĩ cảm động tương đương với đồng cảm, và đã không hiểu ra sự mạnh mẽ này.

Và tôi cũng nhận ra một điều nữa. Sự tươi mới của ngôn từ được Dazai sử dụng trong tác phẩm[4]. Đến bây giờ, đọc vẫn thấy hiện đại như thường. Tôi nghĩ như thể đây là những ngôn từ mình dùng để viết ra tâm trạng của mình bây giờ vậy. Hầu như không có sự khác biệt giữa văn chương tác phẩm và con người mình nữa. Làm sao một tác giả đã chết trước khi tôi được sinh ra lại có thể làm được điều đó thì tôi chưa từng nghĩ đến. Ngôn ngữ thật mới mẻ tân kỳ đến mức dường như đã vượt qua khoảng cách giữa thời đại được viết và thời đại được đọc. Bây giờ đọc lại tôi vẫn thấy ngạc nhiên. Chẳng hạn như lời thoại của Kazuko "con người được sinh ra vì tình yêu và cách mạng" đến gần bốn mươi tuổi tôi đọc lại vẫn thấy tê người.

[4] Bạn nào có dịp đọc nguyên tác từ bản tiếng Nhật "Tà dương" sẽ thấy rất rõ điều này. Nếu lấy một ví dụ so sánh thì văn phong của Dazai trong "Tà dương" viết từ những năm 1947 thật hiện đại và rõ ràng như văn phong của Murakami Haruki trong quyển tiểu thuyết mới nhất IQ84.

Còn có một câu nói làm tôi tê người khác nữa. Đó là lời thoại của Uehara "tiêu rồi, tôi đã yêu em mất rồi". Khi mười tuổi tôi đọc câu này thấy kiểu cách đến độ phải ngạc nhiên mà kêu "thế sao?" nhưng năm tôi trên ba mươi, khi đã thấm thía tình yêu và nỗi thất tình, tôi nghĩ câu nói này thật tuyệt diệu đến mức run lẩy bẩy cả người (mặc dù nó vẫn có vẻ kiểu cách). Hầu như tôi bị hạ gục trong nháy mắt. Cái tâm trạng yêu Uehara và quyết tâm sinh con của Kazuko cuối cùng tôi đã hiểu ra khi gần bốn mươi tuổi. Ôi, đúng là cuộc đời không có đạo lý nào cả.

Hơn nữa cái ấn tượng về Dazai của tôi hiện giờ, sự tinh tế, nhạy cảm, tự ý thức, sự khao khát cái chết, cảm giác thua cuộc, những thứ mà theo lời mẹ tôi nói là "nhu nhược ủy mị" đó đã tan biến hoàn toàn trong lần đọc lại này. Cho đến bây giờ, không hiểu sao tôi vẫn nghĩ rằng không biết đó là cái khí chất nghệ thuật của Dazai hay là ông chỉ viết ra những điều mình nghĩ không có chút tính toán nào và cuối cùng nó đã trở thành kiệt tác. Tuy nhiên, đọc "Tà dương" tôi hiểu ra rằng phải chăng tác giả đã giữ khoảng cách giữa mình với tác phẩm, và tác phẩm này được viết và được tính toán rất chặt chẽ. Như thế, cái phần "nhu nhược và ủy mị" mà độc giả dễ cảm thấy không phải là tính cách của tác giả đã ảnh hưởng vào tác phẩm một cách vô ý thức mà là một sự tính toán lão luyện, được tác giả cố tình đẩy lên trên bề mặt tác phẩm. Phải chăng là như thế? Sự tinh tế và nhạy cảm của mình, tính nhút nhát hay sợ hãi đã được tách ra khỏi bản thân mình, được đặt ở một khoảng cách xa để có thể cười đùa được, được săm soi một cách cẩn thận khách quan, rồi sau đó đưa chúng vào trong tác phẩm.

Nhân dịp tái khám phá "Tà dương", tôi lần lượt đọc lại các tác phẩm khác của Dazai Osamu. Và tôi lại trở nên thích tác gia này với ý nghĩa khác hoàn toàn với những đồng cảm thời trẻ tuổi. Sự tươi mới của ngôn từ, sự tinh mật của cốt truyện, sự bôi xóa đầy cẩn trọng cái tinh mật ấy rồi thì những điều đáng ghét của cõi nhân gian, sự khẳng định một cách trầm lặng cái mùi tươi mới sống sít ấy. Tôi còn nhìn thấy trong ngôn ngữ của Dazai sự phiền toái, không hợp đạo đức, tàn khốc, sự bất khả lý giải, cái tư thế yếu đuối tuy biết là thua cuộc nhưng vẫn đấu tranh. Nếu như không đọc lại, chắc chắn tôi không thể nào nhìn ra được. Giờ tôi đã sống qua tuổi của Dazai rồi. Cái niềm cô liêu mà tôi cảm thấy khi đó vẫn còn tiếp tục đến ngày hôm nay. "Tà dương" được xuất bản trước khi Dazai tự sát một năm. Tôi đã muốn đọc ra tình yêu mà Dazai đã viết. Tôi muốn đọc ra những điều sau khi Kazuko quyết ý sinh con. Có nghĩa là tôi muốn đọc ra "cuộc sống" nhỏ bé mà chúng ta vẫn còn đang tranh đấu mỗi ngày.

Bởi vì điều ấy là không thể nên tôi nghĩ ít nhất mình cũng nên tiếp tục đọc lại quyển tiểu thuyết này. Có lẽ mười năm sau nữa, tôi lại có những ấn tượng và cảm tưởng khác về "Tà dương" so với khi ngoài ba mươi tuổi nữa chăng? Khi nghĩ thế tôi có thể cảm thấy yên tâm một điều. Đó là ngôn từ của Dazai Osamu mỗi lần mở ra lại là một lần tươi mới. Trong cái ngôn từ mới mẻ mà tôi chiếu xạ bằng thể nghiệm và sự trưởng thành của mình, quả thật là tôi đã hoàn toàn bị chinh phục.

Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ

Hết.

Truyện đã hoàn rồi!
Nếu bạn thích truyện này, hãy thử đọc các truyện khác cùng thể loại bên dưới nhé!