Tà Dương

Chương 4: Thư gửi



Tôi vô cùng khó xử, không biết phải viết thư hay làm gì. Tuy nhiên, sáng nay, chợt nhớ đến lời của Giêsu: "hãy khôn ngoan như rắn và đơn sơ như chim bồ câu", tôi cảm thấy hứng khởi một cách kỳ diệu, nên quyết định viết lá thư này và gửi đi.

Tôi là chị của Naoji. Có lẽ ngài quên rồi chăng? Nếu quên xin hãy nhớ lại.

Tôi rất xin lỗi vì Naoji gần đây đã làm phiền và gây cản trở cho ngài quá nhiều. (Tuy nhiên, thực ra chuyện của Naoji là do Naoji làm nên tôi cảm thấy lời xin lỗi của mình thật vô nghĩa). Hôm nay viết thư cho ngài, tôi có một thỉnh cầu không phải cho Naoji mà là cho chính mình. Tôi có nghe Naoji nói căn nhà của ngài ở Kyobashi đã bị thiêu rụi và ngài chuyển đến chỗ ở hiện nay. Tôi cũng có ý định đến thăm chỗ của ngài ở ngoại thành Tokyo nhưng do sức khỏe của mẹ tôi dạo này sa sút tôi không thể bỏ mặc bà để lên Tokyo được. Vì thế mà tôi quyết định viết bức thư này cho ngài.

Tôi có chuyện muốn trao đổi với ngài. Nếu nhìn từ quan điểm "nữ huấn ca"[1] cho đến bây giờ thì chuyện này có vẻ gian trá, bẩn thỉu và thậm chí ác đức nữa. Tuy nhiên tôi, không, chúng tôi không thể nào mà sống như trước đây được nữa vì thế tôi muốn hỏi ý kiến và cảm nghĩ thực của ngài, người mà em trai tôi tôn kính nhất đời này.

[1] Nguyên văn: Nữ đại học 女大学 Tên quyển sách viết bằng chữ Hiragana ghi chép những lời giáo huấn dành cho phụ nữ thời Edo. Chúng tôi dịch tạm là "Nữ huấn ca".

Tôi không thể chịu nổi cuộc sống bây giờ. Đây không phải chuyện yêu ghét gì mà là cả ba mẹ con chúng tôi không thể sống một cuộc sống như vậy nữa.

Hôm qua tôi khổ sở, cơ thể nóng bừng mà không biết phải làm sao. Đến hơi quá trưa, cô gái nông dân xóm dưới mang một bao gạo đến nhà trong mưa. Tôi đã đưa nàng y phục của tôi theo như thỏa thuận. Cô gái ấy vừa ngồi uống trà cùng với tôi trong phòng ăn vừa hỏi tôi một câu vô cùng thực tế:

- Nếu chị cứ bán đồ đi như thế này thì sẽ sống được bao lâu nữa đây?

- Chắc khoảng sáu tháng hay một năm gì đó.

Tôi trả lời rồi đưa tay phải che lấy nửa khuôn mặt.

- Tôi buồn ngủ quá. Sao buồn ngủ thế này.

- Chắc là do mệt mỏi. Thường thì thần kinh suy nhược khiến ta buồn ngủ.

- Chắc là vậy nhỉ?

Tôi muốn ứa nước mắt. Trong tâm trí chợt hiện ra hai từ "hiện thực" và "lãng mạn". Mình hoàn toàn không có chút thực tế nào. Và khi nghĩ đến việc cứ tiếp tục sống mơ màng thế này, tôi chợt cảm thấy ớn lạnh toàn thân. Mẹ tôi đến quá nửa phần là bệnh nhân, hết nằm ngủ rồi thức dậy. Em tôi thì như ngài đã biết, là một bệnh nhân thần kinh. Khi còn ở đây, ngày nào nó cũng đi đến quán trọ gần nhà uống rượu, rồi cứ ba ngày một lần lại cầm tiền mà chúng tôi bán quần áo để đi lên Tokyo. Tuy nhiên đó không phải là chuyện làm tôi khổ sở. Tôi chỉ hãi sợ khi thấy cái sinh mệnh của mình trong cuộc sống thường ngày này đang dần tự tàn úa đi như tàu lá chuối ngả vàng mà không rụng xuống. Tôi không thể nào chịu nổi. Nên cho dù trái với tinh thần của "nữ huấn ca", tôi cũng muốn thoát khỏi cuộc sống tẻ nhạt này.

Vì vậy tôi muốn xin ngài lời khuyên.

Bây giờ tôi muốn tuyên bố rõ ràng với mẹ và em tôi. Trước đây, tôi có yêu một người, và tôi rất muốn nói rằng trong tương lai tôi sẽ sống như người tình của anh ta. Tôi chắc rằng ngài cũng biết người này. Tên viết tắt của anh ấy là M.C. Mỗi lần có chuyện đau khổ, tôi đều muốn chạy ngay đến nhà anh M.C và nghĩ rằng mình sẽ chết trong tình yêu của anh ấy.

Anh M.C cũng giống như ngài, đã có vợ con rồi. Và hình như anh ấy còn có những người bạn gái trẻ trung và xinh đẹp hơn tôi nữa. Nhưng tôi có cảm giác là nếu không đến chỗ anh M.C thì tôi không còn đường sống nữa. Tuy tôi với vợ anh ấy chưa từng gặp nhau nhưng hình như cô ta là người dịu dàng và tốt lắm. Khi nghĩ đến cô ấy, tôi thấy mình là một người đàn bà đáng sợ. Tuy nhiên, tôi biết cuộc sống hiện giờ của mình còn đáng sợ hơn nên không thể từ bỏ chuyện với anh M.C được. Tôi nghĩ mình sẽ "khôn ngoan như rắn và đơn sơ như chim bồ câu" để theo đuổi tình yêu của mình đến cùng. Nhưng chắc chắn là mẹ và em tôi cũng như mọi người trên thế gian sẽ không tán thành ý định này. Vậy còn ngài thì sao? Khi nghĩ đến việc phải suy nghĩ một mình, hành động một mình, không thể khác được, tôi đã trào nước mắt. Bởi chuyện này là quyết định đầu tiên của tôi từ lúc lọt lòng đến giờ. Giống như việc suy nghĩ đáp án một thừa số của môn đại số quá đỗi khó khăn, tôi suy đi tính lại xem có cách nào để mọi người xung quanh chúc phúc hay không và khi thấy có một đầu chỉ ở nơi nào đó có thể tháo gỡ vấn đề một cách tốt đẹp, tôi cảm thấy tươi sáng vô cùng.

Nhưng anh M.C yêu quý sẽ nghĩ gì về tôi nhỉ? Nghĩ đến đây, tôi thấy mình tiêu tan chí khí. Có thể nói, tôi là kẻ không mời mà đến. Một kẻ tự xưng chăng? Không thể nói là một người vợ tự xưng được, một người tình tự xưng thì đúng hơn. Nếu vậy thì anh M.C sẽ trở nên chán ghét tôi, rồi thì... Vì vậy, tôi xin ngài. Xin ngài hãy thử hỏi anh ấy xem sao! Vào một ngày cách đây sáu năm, có một chiếc cầu vồng nhỏ bé mờ nhạt hiện ra trong ngực tôi. Tuy nó không phải là yêu hay thương gì cả nhưng theo năm tháng trôi qua, nó đã tăng dần sắc độ và cho đến bây giờ, tôi chưa một lần thấy nó biến mất. Chiếc cầu vồng hiện ra trên bầu trời quang đãng sau cơn mưa rào rồi sẽ biến mất nhưng cầu vồng trong tim người thì không dễ gì tiêu biến. Vì vậy xin ngài hãy hỏi ý kiến anh ấy giùm tôi. Liệu anh ấy nghĩ như thế nào về tôi? Và tình cảm của anh ấy có phải là chiếc cầu vồng trên bầu trời sau cơn mưa, vẫn còn đó hay đã tan biến rồi?

Nếu như thế thì tôi cũng phải xóa bỏ chiếc cầu vồng của mình thôi. Có điều là, nếu tôi không xóa bỏ sinh mệnh của mình trước thì chiếc cầu vồng trong tim không thể nào biến mất được.

Mong chờ hồi âm của ngài.

Gửi đến ngài Uehara Jiro (Chekhov của tôi. My Chekhov[2]. M.C)

[2] Tiếng Anh trong nguyên tác マイチェホフ. Ý Kazuko đánh giá cao tài năng của Uehara như bậc thầy truyện ngắn Nga Anton Chekhov (1860-1904)

P. S: Gần đây tôi đã có da có thịt chút ít. Tôi nghĩ là mình đã ra dáng con người hơn là trở thành người đàn bà súc vật. Mùa hè này, tôi đã đọc quyển tiểu thuyết của D.H. Lauwrence.

***

Vì không nhận được hồi âm nên tôi gửi ngài một lá thư nữa. Trong bức thư lần trước, chắc ngài cũng đã thấy đầy những gian kế thâm hiểm như rắn độc rồi. Thật sự thì trong bức thư ấy, mỗi dòng đều là tận cùng giảo hoạt trong tôi. Chắc ngài cũng nhận ra ý đồ trong thư chỉ là muốn tiền bạc, muốn ngài cứu giúp cuộc đời của tôi thôi. Và tuy không phủ định điều ấy nhưng nếu như chỉ chọn người bảo trợ cho mình thì xin thất lễ mà rằng chắc tôi sẽ không bao giờ chọn ngài đâu. Bởi tôi thấy có nhiều người già cả lắm tiền thương yêu tôi lắm. Thật sự thì gần đây tôi nhận được một lời đề nghị có thể gọi là cầu hôn. Chắc ngài cũng biết tên người ấy. Đó là một ông già độc thân ngoài sáu mươi tuổi, đang là hội viên của một viện nghệ thuật và ông ta đã đến sơn trang này để gặp tôi. Vì bậc tiên sinh này đã từng sống gần nhà cũ của tôi ở khu Nishikata và chúng tôi cũng thỉnh thoảng gặp gỡ theo kiểu hàng xóm láng giềng. Tôi nhớ là vào một buổi chiều thu nào đó, tôi và mẹ hai người đi xe hơi ngang qua nhà vị tiên sinh đó thì thấy vị ấy đang đứng mơ màng một mình kế bên cổng nhà nên mẹ tôi mới khẽ cúi đầu chào qua cửa kính, thế là sắc mặt tối tăm cáu kỉnh của vị tiên sinh ấy chợt đỏ bừng hơn cả lá phong mùa thu.

- Chắc là tình yêu thôi.

Tôi cao hứng nói.

- Chắc ông ta thích mẹ đấy.

Nhưng mẹ tôi rất điềm nhiên:

- Không đâu, ông ta là người đáng kính.

Mẹ nói như thì thầm. Có vẻ như tôn kính những người làm nghệ thuật đã là gia phong nề nếp của gia đình tôi.

Qua một vị vốn là bạn thân của chú Wada, ông ta gửi lời đến mẹ tôi rằng ông mới góa vợ năm vừa rồi và khi nào Kazuko cảm thấy thuận tiện thì trả lời trực tiếp với ông ta. Tôi chẳng cần suy nghĩ lâu la gì, đáp lại là hiện tại tôi chẳng có ý định kết hôn gì nữa.

- Con từ chối cũng được chứ ạ?

- Chuyện đó thì mẹ cũng nghĩ là không thể đâu.

Lúc đó, vị tiên sinh này đang ở biệt trang Karuizawa nên tôi gửi thư từ tạ về phía ấy. Khoảng hai ngày sau, khi thư chưa đến thì vị tiên sinh ấy trên đường đi công cán ở vùng suối nước nóng Izu có ghé qua thăm chúng tôi mà chưa biết gì về hồi đáp của tôi cả. Những người làm nghệ thuật, cho dù tuổi tác lớn đến đâu đi nữa tôi vẫn có cảm tưởng họ đều ích kỷ như con nít mà thôi.

Vì mẹ không được khỏe nên chỉ có mình tôi ra tiếp và mời tiên sinh uống trà ở căn phòng khách bài trí theo kiểu Trung Hoa.

- Bức thư từ tạ của tôi chắc giờ đã đến nhà tiên sinh ở Karuizawa rồi đấy. Tôi đã suy nghĩ kỹ càng rồi.

- Vậy sao?

Ông nói có vẻ gấp gáp và rút khăn lau mồ hôi.

- Tuy vậy, xin cô hãy suy nghĩ kỹ thêm lần nữa xem sao. Tôi với cô thì nói sao nhỉ, có thể tôi không mang đến hạnh phúc tinh thần cho cô nhưng về vật chất, tôi có thể làm được. Có thể nói rõ ràng như vậy. Có lẽ là quá thẳng thừng nhưng...

- Lời ông nói về hạnh phúc tôi không hiểu lắm. Tuy có vẻ thất lễ nhưng tôi xin được nói điều này. Trong bức thư gửi cho vợ, Chekhov đã viết "hãy sinh con đi, hãy sinh đứa con của chúng ta đi" có phải không ạ? Trong tiểu luận của Nietzche cũng có đoạn nói về một người phụ nữ muốn sinh con. Tôi chỉ muốn một đứa con thôi. Còn cái gọi là hạnh phúc thì sao cũng được. Tôi cũng muốn tiền bạc nữa nhưng nếu số tiền đó đủ để nuôi con thì đối với tôi là quá nhiều rồi.

Tiên sinh cười rất kỳ dị:

- Cô thuộc loại người hiếm thấy nhỉ? Cô có thể nói đúng được điều mà mọi người đang nghĩ. Nếu sống chung với một người như cô, chắc công việc của tôi sẽ tràn đầy cảm hứng mới mẻ đấy.

Vị tiên sinh ấy nói những điều kiểu cách không hợp với tuổi tác chút nào. Nếu thực sự tôi có thể làm tươi mới được công việc của một nghệ thuật gia tầm cỡ thế này thì chắc chắn tôi đã tìm ra lẽ sống của đời rồi. Nhưng tôi không thể hình dung nổi cảnh mình nằm trong vòng tay ông ta.

- Nếu tôi không có lòng yêu ông thì cũng không sao chứ?

Tôi hơi mỉm cười hỏi thăm. Vị tiên sinh trả lời nghiêm túc:

- Đối với người phụ nữ, điều đó cũng tốt thôi. Cứ mơ hồ như vậy mà hay.

- Nhưng với người như tôi quả thật nếu không có lòng yêu thì không thể nghĩ đến chuyện cưới xin được. Tôi cũng đã trưởng thành rồi. Năm sau cũng đã ba mươi.

Bất chợt tôi muốn rút lại lời nói của mình.

Ba mươi. "Phụ nữ đến hai mươi chín tuổi vẫn còn mùi thanh xuân nhưng từ ba mươi tuổi trở đi, cơ thể sẽ chẳng còn dấu vết gì của tuổi trẻ". Bất giác tôi nhớ lại câu nói này trong một quyển tiểu thuyết Pháp đọc từ lâu và nỗi rầu buồn dâng ngập hồn tôi. Nhìn ra bên ngoài, biển ngập tràn ánh nắng ban trưa, lấp lánh như mảnh kính vỡ. Khi đọc quyển tiểu thuyết ấy, tôi nhớ là mình đã đồng cảm "ừ, quả nhiên là vậy". Tôi nhớ lại những ngày tháng khi mình có thể bình thản mà nghĩ rằng cuộc sống của phụ nữ tuổi ba mươi thế là hết. Cùng với việc quần áo, trang sức, đai lưng, nhẫn, dây chuyền,... từng thứ một dần biến mất quanh tôi thì cái mùi hương thanh tân của cơ thể cũng nhạt nhòa dần. Trở thành một phụ nữ trung niên nghèo hèn. Trời, không thể chịu nổi! Tuy nhiên, cuộc sống của phụ nữ trung niên thì cũng là cuộc sống phụ nữ chứ. Dạo gần đây, tôi đã hiểu ra điều đó. Tôi nhớ đến lời của cô giáo người Anh trước khi về nước nói khi tôi mười chín tuổi:

"Em đừng có dính vào chuyện yêu đương. Nếu yêu, em sẽ gặp bất hạnh đấy. Hãy chờ đến khi chín chắn đã rồi hãy yêu, khi ngoài ba mươi tuổi ấy". Lời nói của cô làm tôi ngơ ngác bàng hoàng. Khi ấy tôi không thể nào tưởng tượng được lúc mình ngoài ba mươi tuổi.

- Tôi có nghe nói là cô sẽ bán căn biệt trang này?

Vị tiên sinh bất ngờ hỏi thăm, với vẻ mặt khó chịu.

Tôi mỉm cười:

- Xin lỗi ông! Tôi chợt nhớ đến "Vườn anh đào"[3]. Vậy ông muốn mua hay sao?

[3] Tên vở kịch cuối cùng của Chekhov. Câu này ám chỉ vị tiên sinh này chỉ là thứ con buôn như Lopakhin.

Quả là bậc thầy, ông ta hiểu rất nhanh, miệng méo xệch vì giận, im lặng không trả lời.

Mặc dù cũng có chuyện có người hỏi mua căn biệt trang này với giá năm mươi vạn yên để làm chỗ nghỉ dưỡng cho một vị hoàng thân nào đó nhưng chuyện này chẳng đi đến đâu. Ngay cả tin đồn như vậy mà vị tiên sinh này cũng nghe ngóng được hay sao? Việc tôi nghĩ vị tiên sinh đây như tên lái buôn Lopakhin trong vở kịch "Vườn anh đào" khiến ông vô cùng khó chịu và sau vài ba câu xã giao sau đó, ông rời đi.

Cái điều tôi tìm kiếm ở ngài không phải như là Lopakhin. Tôi có thể nói rõ ràng như vậy. Chỉ là xin ngài hãy nhận lấy người phụ nữ trung niên này đi.

Lần đầu tiên tôi gặp ngài là sáu năm về trước. Vào thời điểm đó tôi chưa biết gì về ngài cả. Lúc đó tôi chỉ nghĩ ngài là thầy của em trai tôi và có chút gì tà ma nữa. Ngài uống rượu bằng ly thủy tinh và rồi có trêu đùa nhẹ nhàng. Tôi cảm thấy bình thường thôi. Nhưng nó cũng làm tôi vui vẻ kỳ lạ. Tôi chẳng yêu hay ghét ngài gì. Rồi sau đó, để lấy lòng em trai, tôi mới đọc những tác phẩm của ngài mà em tôi mượn. Tuy không phải là độc giả nhiệt tâm gì, có lúc thích thú có khi không nhưng qua sáu năm trời, hình bóng của ngài như làn sương mù dần dần thấm vào trái tim tôi. Vào đêm ấy, khi ở trên cầu thang, chuyện chúng ta làm chợt hiện lên sống động và tươi mới trong tâm trí và tôi cảm thấy đó là một chuyện trọng đại có thể quyết định vận mệnh của mình. Tôi nhớ ngài. Khi nhận ra có lẽ đây là tình yêu thì tôi thấy vô cùng đau khổ và tuyệt vọng, chỉ biết khóc thầm. Ngài quả thật không giống với những người đàn ông khác. Cũng như Nina trong vở kịch "Chim hải âu[4]", tôi không hề yêu tác giả. Tôi không ái mộ tiểu thuyết gia. Tôi cũng không biết mình có phải là người say mê văn chương không nữa. Tôi chỉ muốn ngài cho tôi một đứa con thôi.

[4] Tên một vở kịch của Chekhov.

Nếu như trước đây, khi ngài còn độc thân, tôi chưa về làm dâu nhà Yamaki, chúng ta gặp nhau và kết hôn thì chắc tôi cũng không sống khổ như bây giờ. Nhưng tôi hiểu rằng không thể nào kết hôn với ngài được bởi tôi rất ghét làm điều ti tiện để đẩy vợ ngài qua một bên. Tôi chỉ muốn làm thiếp (từ này tôi thực tình không muốn dùng chút nào nhưng từ "người tình" theo nghĩa thông tục cũng là làm tỳ thiếp mà thôi) của ngài, không sao cả đâu. Nhưng cuộc sống của một người thiếp chắc là rất khó khăn. Tôi nghe nói làm thiếp thường sẽ bị vứt bỏ ngay khi trở nên vô dụng. Và khi gần sáu mươi tuổi, bất kỳ đàn ông nào cũng quay về nhà vợ cả thôi. Đây là những lời tôi nghe được từ cuộc nói chuyện giữa ông người làm và bà vú ở nhà cũ khu Nishikata. Tuy nhiên, trong trường hợp của chúng ta, tôi nghĩ có hơi khác một chút. Tôi nghĩ đối với ngài chuyện công việc là quan trọng nhất. Và nếu ngài thương tôi và hai chúng ta hòa thuận thì chẳng phải tốt cho công việc của ngài hay sao? Và rồi chắc vợ ngài cũng chấp nhận chuyện hai chúng ta thôi. Có vẻ là một lý luận khiên cưỡng và kỳ dị, nhưng tôi cho rằng suy nghĩ của mình không hề sai sót.

Vấn đề nằm ở sự hồi đáp của ngài mà thôi. Dù lời hồi đáp có thể đáng sợ, có thể là ngài yêu, hay không yêu, hay chẳng có gì với tôi cả nhưng tôi vẫn phải hỏi ngài. Trong bức thư lần trước, tôi viết mình là người tình tự xưng, bức thư lần này là lời vô lý của một phụ nữ trung niên, và nếu ngài không trả lời, tôi sẽ chẳng biết đâu mà lần, rồi sẽ gầy mòn tiều tụy đi mất thôi. Nhất định ngài phải trả lời cho tôi nhé!

Trong tiểu thuyết, ngài cũng hay viết về những cuộc phiêu lưu tình ái và thế gian đồn đại rằng ngài là kẻ suy đồi nhưng thực sự đối với tôi, chuyện đó cũng thường thôi. Tôi không hiểu lẽ thông thường là như thế nào. Nhưng tôi nghĩ, có thể làm chuyện mình thích thì đó mới là cuộc sống thực sự. Tôi muốn sinh một đứa con mang giọt máu của ngài. Dù có chuyện gì đi nữa, tôi cũng không muốn mang thai con của người khác đâu. Vì vậy, tôi mới viết thư để bàn bạc với ngài. Nếu ngài hiểu cho điều ấy thì xin hãy hồi âm. Hãy báo cho tôi biết rõ ràng về cảm giác của ngài.

Mưa đã tạnh, gió thổi vi vu. Đã ba giờ chiều. Bây giờ tôi sẽ đi lấy phần rượu thượng hạng, rồi rót vào hai chai rượu rum, gói trong bọc, rồi nhét bức thư này vào trong túi áo và sau chừng mười phút, tôi sẽ đi sang làng bên. Rượu này không cho em tôi uống đâu. Rượu này Kazuko sẽ uống. Mỗi tối tôi uống một ly. Rượu thực sự là thứ phải uống bằng ly thủy tinh nhỉ?

Ngài có đến chỗ tôi chơi không?

Gửi đến Ngài M.C

***

Hôm nay trời lại giăng mưa. Một làn mưa mảnh như tơ gần như không nhìn thấy được. Mỗi ngày tôi đều ngồi nhà không dám đi đâu, mong chờ thư tín của ngài nhưng hôm nay cũng không thấy gì. Không biết là ngài đang suy nghĩ gì. Trong bức thư lần trước, tôi có nói về chuyện vị tiên sinh đó nhưng có lẽ là không nên chăng? Liệu ngài có nghĩ rằng tôi đề cập đến chuyện hôn ước là để kích thích lòng cạnh tranh của ngài hay không? Nhưng mà chuyện hôn ước đó chẳng đi đến đâu cả. Mới khi nãy, tôi và mẹ nói về chuyện đó và bật cười. Dạo trước mẹ nói là đau ở đầu lưỡi và mẹ đã thực hiện theo đúng cái mỹ học liệu pháp mà Naoji đề nghị nên đã hết đau, sức khỏe có khá lên một chút.

Lúc nãy, khi tôi đứng bên hiên nhà ngắm nhìn làn mưa bị gió thổi thành một vòng xoáy bạc và nghĩ về tâm trạng của ngài thì mẹ gọi vọng ra từ trong nhà ăn:

- Mẹ có pha sữa này, vào đây con! Vì trời lạnh quá nên mẹ đun sữa nóng.

Tôi vào nhà ăn, cùng mẹ uống từng ngụm sữa nóng nghi ngút khói và nói về chuyện vị tiên sinh hôm nọ.

- Vị tiên sinh ấy và con chẳng có điểm nào hợp nhau cả phải không?

- Đúng là không hợp thật.

Mẹ bình thản đáp.

- Con bướng bỉnh như thế này, nhưng không phải không ưa cái gọi là nghệ sĩ. Thêm vào đó, vị tiên sinh thu nhập rất khá và nếu kết hôn với người như thế thì cũng được thôi! Nhưng mà không thể nào đâu.

Mẹ bật cười.

- Kazuko hư quá! Mặc dù miệng nói không thể nhưng dạo trước hình như trò chuyện rất thoải mái và vui vẻ với ông ấy mà. Mẹ thật không hiểu tình cảm của con nữa.

- À, vì nói chuyện với ông ấy rất thú vị. Con muốn trao đổi với ông ấy nhiều chuyện. Chẳng có ý gì đâu mẹ.

Hôm nay mẹ rất khỏe. Còn hôm qua, khi thấy tôi lần đầu tiên bới tóc lên, mẹ đã nhận xét:

- Người có ít tóc bới lên trông mới đẹp. Còn búi tóc của con quá nổi bật, như thể nó muốn đội thêm chiếc vương miện vàng nữa vậy. Thất bại rồi!

- Thật là chán quá! Chẳng phải trước đây mẹ đã nói con có làn da cổ trắng mịn và đẹp vì thế không nên để tóc che khuất sao?

- Những chuyện như thế thì con lại nhớ nhỉ!

- Được khen dù chút xíu thôi là suốt đời con không quên. Nhớ lại những lời khen cũng vui chứ.

- Dạo trước cũng được ông ấy khen ngợi gì đó phải không?

- Đúng vậy. Vì thế mới trở nên thân thiết. Vị tiên sinh ấy nói, ở bên cạnh Kazuko tôi sẽ luôn dạt dào cảm hứng. Con không ghét văn nghệ sĩ nhưng những người làm ra vẻ ta đây có tư cách là con không chịu được.

- Thế, thầy của Naoji là người như thế nào?

Tôi lạnh hết cả người.

- Con không biết rõ lắm nhưng vì là thầy của Naoji nên chắc cũng bị gắn nhãn hiệu tai tiếng bất lương như nhau thôi.

- Nhãn hiệu à?

Mẹ lẩm nhẩm với ánh mắt tươi vui.

- Thật là một từ thú vị. Có nhãn hiệu chẳng phải an toàn hay sao? Dễ thương như con mèo nhỏ đeo cái chuông trên cổ vậy. Những kẻ bất lương mà không có gắn nhãn thì thật là đáng sợ.

- Đúng vậy mẹ nhỉ.

Tôi cảm thấy vui sướng quá, cứ như thân thể mình đã tan biến thành khói mà bay lên tận bầu trời cao xanh kia. Ngài hiểu không? Có hiểu tại sao tôi lại hạnh phúc đến thế không? Nếu không hiểu... ngài sẽ bị ăn đấm đấy nhé!

Xin ngài một lần ghé đây chơi! Nếu tôi nói Naoji dẫn ngài đến thì có gì đó kỳ dị, không được tự nhiên lắm nên ngài hãy làm bộ như chợt ghé qua đây. Nếu ngài đi với Naoji cũng được nhưng tốt hơn hết ngài hãy đến đây một mình khi Naoji còn ở Tokyo. Vì nếu có Naoji ở đây chắc chắn nó sẽ dẫn ngài đến quán trọ chỗ cô Osaki uống rượu mất thôi. Gia đình tôi mấy đời rồi đều có thiện cảm với văn nghệ sĩ đấy.

Ngày xưa họa sĩ Korin đã đến lưu lại nhà chúng tôi ở Kyoto một thời gian và đã vẽ những bức tranh tuyệt vời trên những cánh cửa giấy. Vì vậy tôi chắc rằng mẹ cũng rất vui khi được ngài ghé thăm. Có lẽ ngài sẽ nghỉ ngơi ở căn phòng bài trí kiểu Tây Phương trên tầng hai. Ngài đừng quên tắt đèn nhé! Tôi sẽ lẻn lên cầu thang tối với đèn cầy nhỏ trên tay. Ngài thấy vậy có được không? Như vậy quá nhanh nhỉ!

Tôi thích kẻ phóng đãng, thích những kẻ được gắn nhãn trác táng và rồi tôi cũng muốn trở thành một kẻ bị dán mác suy đồi. Tôi nhận ra rằng ngoài cách làm như thế tôi không còn cách sống nào khác. Ngài nổi tiếng là kẻ phóng đãng số một ở Nhật Bản đúng không? Dạo trước tôi nghe em tôi kể lại, có rất nhiều người nói rằng ngài đê tiện, bẩn thỉu, đáng ghê tởm và lăng nhục ngài một cách tồi tệ, đầy hận thù. Điều đó làm tôi càng thích ngài nhiều hơn. Người tài hoa như ngài chắc có rất nhiều người săn đón nhưng có lẽ dần dần ngài sẽ yêu một mình tôi thôi. Không hiểu sao tôi cứ mãi nghĩ như thế. Và rồi ngài sẽ sống chung với tôi, mỗi ngày làm việc một cách vui vẻ. Từ lúc tôi còn nhỏ, rất nhiều người nói rằng, ở bên cạnh tôi sẽ quên hết mọi muộn phiền. Tôi chưa bao giờ bị người ta ghét bỏ, mọi người thường nói tôi là một cô gái tốt. Vì vậy, tôi chắc chắn rằng ngài không thể nào ghét tôi được.

Nếu được gặp ngài thì thật là hạnh phúc. Bây giờ tôi không cần hồi âm gì của ngài nữa. Tôi chỉ muốn gặp mặt ngài thôi. Nếu tôi trực tiếp đến nhà ngài ở Tokyo để gặp mặt thì thật đơn giản nhưng mẹ tôi gần như là một bệnh nhân mà tôi là y tá kiêm luôn hầu gái của bà nên không thể nào làm như thế được. Tôi van xin ngài, hãy đến đây dù chỉ một lần cho tôi được gặp mặt! Như vậy ngài sẽ hiểu tất cả. Hãy nhìn vào nếp nhăn mờ hai bên khóe miệng tôi! Hãy ngắm nhìn những nếp nhăn âu sầu của thế kỷ! Tôi chắc chắn gương mặt tôi sẽ biểu lộ rõ cho ngài tình cảm chất chứa trong lòng tôi hơn muôn ngàn ngôn từ tôi đã viết.

Trong lá thư đầu tiên, tôi viết về chiếc cầu vồng nhỏ trong tim mình nhưng cầu vồng không đẹp đẽ cao sang như ánh sáng đom đóm hay ánh sao trời. Nếu như là nỗi nhớ mờ nhạt và xa xăm thì tôi đâu có đau khổ như thế này và cuối cùng, có lẽ tôi sẽ quên được hình bóng ngài thôi. Chiếc cầu vồng trong tim tôi là chiếc cầu lửa. Có cảm giác nỗi nhớ đó sẽ thiêu đốt cháy bỏng tim gan tôi. Cái khổ đau của người nghiện ma túy khi lên cơn cũng đến thế mà thôi.

Dù nghĩ rằng mình chẳng làm gì sai trái, xấu xa cả nhưng tôi đã từng rùng mình không biết điều định làm có phải là quá ngu ngốc hay không. Cũng có nhiều lần, tôi day dứt rằng lẽ nào mình đã phát cuồng rồi chăng? Tuy nhiên, đôi khi tôi cũng có thể lên kế hoạch một cách lạnh lùng bình tĩnh. Thực sự thì xin ngài hãy đến đây một lần thôi. Bất cứ khi nào cũng được! Tôi sẽ không đi đâu hết mà ở đây chờ đợi ngài. Hãy tin tưởng tôi!

Hãy gặp tôi một lần nữa, lúc đó nếu ngài không thích tôi thì xin cứ nói thẳng. Ngọn lửa trong tim tôi là do ngài đốt lên vì vậy ngài hãy đến dập tắt nó đi. Với sức lực của mình, tôi không thể nào dập tắt được. Nếu gặp nhau, chỉ khi chúng ta gặp nhau, tôi nghĩ chắc mình sẽ được cứu giúp. Nếu vào thời đại của Vạn Diệp Tập hay Genji Monogatari thì những lời tha thiết của tôi cũng là chuyện bình thường thôi. Mong ước của tôi là được trở thành thiếp của ngài, là mẹ của các con ngài.

Nếu người nào cười chê bức thư này thì người đó đang nhạo báng nỗ lực sinh tồn của một người phụ nữ, đang đùa cợt với sinh mạng của một người đàn bà. Tôi như nghẹt thở với cái ngột ngạt của bến cảng. Tôi muốn căng buồm ra khơi dù cho ngoài kia đầy bão tố. Những cánh buồm xếp xó luôn bám đầy bụi bặm. Những kẻ nhạo báng tôi tất cả đều là những cánh buồm xếp xó đó, chẳng làm được tích sự gì.

Một người phụ nữ đang gặp cảnh khó xử. Nhưng trong vấn đề này, người khổ sở nhất chính là bản thân tôi. Thật là vô lí khi những kẻ bàng quan, không hề khổ sở chút nào về chuyện của tôi, lại lên tiếng bình phẩm, trong khi cánh buồm của họ thì rũ rượi nằm đó. Tôi không muốn nghe bất cứ ai nói về suy nghĩ của mình. Tôi không có tư tưởng. Tôi chưa bao giờ hành động dựa trên một tư tưởng hay triết lý nào.

Tôi biết những người được cả thế gian khen ngợi và tôn sùng đều là những kẻ nói dối và giả hiệu đấy thôi. Tôi không tin tưởng vào nhân gian. Tôi đứng về phía những kẻ trác táng, những kẻ bị gắn nhãn hiệu bất lương. Tôi nghĩ nếu mình chết trên cây thập tự thì cũng được thôi. Dù cho vạn người chỉ trích, tôi vẫn có thể nói thẳng vào mặt họ rằng: Các ngươi, những kẻ không gắn nhãn mác mới chính là những kẻ bất lương.

Ngài có hiểu không?

Không có lý do nào cho tình yêu cả. Tôi đã nói nhiều điều mang tính lý luận quá. Tôi nhận ra, mình đã bắt chước cách nói năng của đứa em trai. Tôi chỉ mỏi mòn đợi ngài ghé thăm. Tôi muốn gặp mặt ngài một lần nữa. Chỉ có vậy.

Chờ đợi! À, trong cuộc sống, con người có rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, như buồn vui hờn giận. Nhưng những xúc cảm này chỉ chiếm vỏn vẹn một phần trăm trong cuộc sống của con người mà thôi, còn lại chín mươi chín phần trăm chẳng phải là sống trong chờ đợi hay sao?

Từng phút, từng giây, tôi đợi chờ trong vô vọng tiếng chân của hạnh phúc bước đến hiên nhà. Trống vắng quá! Ah, đời là bể khổ! Không được sinh ra trong cuộc đời này thì tốt hơn chăng? Đó là hiện thực mà mọi người đang nghĩ. Mỗi ngày tôi chờ đợi mòn mỏi từ sáng đến chiều. Thê thảm quá! Ước gì tôi có thể vui mừng khi thấy mình được sinh ra, được sống với nhân gian, với cuộc đời này!

Ngài có thể đẩy sang một bên cái thứ đạo đức đang giam hãm ngài hay không?

Gửi đến M.C

Đây không phải viết tắt của chữ Chekhov của tôi - My Chekhov. Tôi không yêu tác giả. Gửi đến My Child - Con tôi)