Tạm Biệt Versailles

Chương 24



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Phu nhân Nonia và thị nữ đứng chờ ngoài phòng làm việc, kinh hồn táng đảm nghe Nữ Hoàng quát tháo.

Công chúa lại bình tĩnh đi ra, trên đường trở về phòng im lặng không nói gì.

Antonia đứng trước cửa phòng, ngẩng đầu nói: “Phu nhân, phiền bà đưa chiếc cài áo ngọc bích của ta cho phu nhân Brands.”

Phu nhân Nonia ngạc nhiên. Đưa cho nữ hầu vừa bị sa thải?

“Phiền bà nói với bà ấy giúp ta, ta thật lòng xin lỗi.”  Giọng Antonia bình tĩnh, nghe không ra cảm xúc, “Đây không phải lỗi của bà ấy.”

Về phần công chúa Amalia…

Có thể do khi đó còn nhỏ, đến bây giờ Antonia mới biết mẫu thân ép Amalia gả cho công tước xứ Parma, trong khi cô ấy thích người khác.

Đây là định mệnh của cô và các chị, vì chính trị mà gả cho người không thương.

Johanna và cô kết hôn khi còn nhỏ, ngây thơ không hiểu gì, không cảm thấy mới lạ. Amalia đã có người trong lòng, chỉ sợ mãi mãi không nguôi.

Chẳng trách gả tới Parma, cô ấy ngang nhiên ngoại tình, thậm chí công khai chống đối Nữ Hoàng, trở thành chủ đề thị phi của cung đình Áo.

Ngẫm lại cũng thật đáng thương.

Antonia suy tư, gõ cửa phòng Isabella.

Em trai Isabella – Ferdinand [1] sắp trở thành công tước xứ Parma.

Ferdinand là con trai duy nhất của Philip xứ Parma [2] và công chúa Louise Élisabeth của Pháp [3], đồng thời là cháu ngoại trai của Quốc Vương Louis XV nước Pháp.

Nghe nói ông ta rất thích Ferdinand, còn thích hơn Louis XIV. Đương nhiên hiện tại cậu ấy chỉ là “Vương tử Louis”, cũng được sủng ái không kém.

“Isabella, nghe nói bệ hạ muốn gả Amalia cho em trai chị.” Antonia đi thẳng vào vấn đề, “Chị thấy họ thích hợp không?”

“A.” Isabella ngạc nhiên, “Cái này… không do chị quyết định…”

Antonia ngồi cạnh cô ấy, “Isabella, em từng nghe nói về Ferdinand. Anh ấy giống chị, dịu dàng hiền lành, không biết từ chối.”

“…Hầy.” Isabella xoa thái dương, “Đúng vậy.”

“Chị hiểu tính Amalia đúng không? Chị ấy độc lập mạnh mẽ, nói một không hai.”

Phần lớn các công chúa gần tuổi nhau sẽ chơi với nhau, như Johanna và Josepha.

Nhưng Amalia kẹt giữa anh em trai, được nuôi dưỡng một mình, vậy nên phản nghịch hơn các công chúa khác.

Thật ra Antonia cũng vậy.

“Em nói đúng.” Isabella buồn bã thở dài, “Nếu hai đứa nó thành đôi, chỉ sợ hôn nhân sẽ rơi vào ngõ hẹp.”

Căn bản không cần “chỉ sợ”.

Antonia biết sau này Amalia gả tới Parma sẽ gây vô số thị phi: Vợ chồng không đồng lòng, kết hôn ở phòng riêng. Tân công tước phu nhân xa hoa dâm đãng, tiêu tiền như nước, đổi thị nữ thành các thị vệ Hoàng gia trẻ đẹp, ngày nào cũng ở bên họ.

Thanh danh của cô ấy khiến Nữ Hoàng ở Vienna giận sôi, thậm chí lan truyền tới Versailles. Rất nhiều người không vừa mắt Antonia thường lấy chuyện này để nhục nhã cô.

Khi đó Antonia còn nhỏ, vô cùng bực bội.

Nhưng kiếp này cô biết Amalia không tình nguyện.

Antonia miêu tả sinh động như thật, dùng từ ngữ khoa trương giải thích cho Isabella hiểu nếu hai người họ kết hôn sẽ gây ra hậu quả gì. Isabella nghe mà sợ.

“Quan trọng hơn cả, chị ấy đã có người trong lòng. Bị bắt chia tay người thương, gả cho người không thương, trong lòng ngập tràn oán hận, chị nghĩ chị ấy sẽ làm gì?”

“A! Chị không biết…” Isabella bụm miệng, “Em ấy rất đáng thương… nhưng… nhưng… Antonia, em phải hiểu, chị chỉ là một nàng công chúa đã kết hôn. Lời nói của chị không có giá trị.”

Antonia thở dài, kiên nhẫn dẫn đường, “Không phải, Joseph yêu chị. Chị có thể ảnh hưởng suy nghĩ của anh ấy.”

Nguyên nhân thúc đẩy Amalia gả sang Parma là vì người Joseph yêu nhất chết bởi căn bệnh đậu mùa. Anh ấy hy vọng em gái có thể kết thân với gia đình vợ.

“Hơn nữa chị có thể viết thư gửi Vương tử Ferdinand. Anh ấy là chú rể, tuy bệ hạ không quan tâm ý kiến cô dâu, nhưng người sẽ nghe ý kiến chú rể!”

Ferdinand xứ Parma là con trai duy nhất, còn được sủng ái hơn Amalia. Ý kiến của anh ấy ảnh hưởng công tước xứ Parma, đương nhiên Nữ Hoàng sẽ nghe ý kiến của công tước xứ Parma.

“…Được rồi, em nói đúng.” Isabella không thể không thừa nhận.

“Chung quy vẫn còn nhỏ, trưởng bối đã muốn liên hôn, chúng ta không thể ngăn cản.”

Ngay cả bản thân cô ấy trước kia không biết Joseph là người thế nào, cứ vậy gả sang Vienna. Do đó cô ấy còn buồn bã một thời gian dài.

Antonia vỗ vai cô ấy, “Không phải hủy hôn, hiện tại chúng ta đang bàn bạc Amalia không nên kết hôn với Ferdinand. Vậy đổi người là được. Hơn nữa Ferdinand mới mười ba, Amalia mười tám, lệch tuổi nhiều không hay.”

Isabella hiểu ý, ngạc nhiên trợn mắt, “Ý em là…”

“Sau Amalia là Johanna.” Antonia nháy mắt, “Nhưng Johanna đã đính hôn với Quốc Vương Napoli và Sicily, không nằm trong tầm ngắm. Sau Johanna là Josepha. Năm nay Josepha cũng mười ba, bằng tuổi Ferdinand.”

Antonia hiểu, dù cô biết chuyện tương lai, hiện tại cô chỉ là đứa bé chưa tròn mười tuổi. Không nắm giữ thực quyền, Nữ Hoàng sẽ không nghe ý kiến của cô.

Lịch sử thay đổi, quan trọng nhất là Johanna và Josepha đều sống qua năm 1763. Các cô ấy đã chích ngừa đậu mùa, tương lai sẽ không chết vì bệnh đậu mùa.

Isabella còn sống, có thể ảnh hưởng ý kiến của em trai.

Johanna còn sống, Josepha không phải thay cô ấy gả cho Quốc Vương Napoli.

Tuy Josepha vẫn còn nhỏ, giống hệt Antonia năm đó ngây thơ không hiểu tình yêu, nhưng tính cách cô ấy giống hệt Ferdinand, đều dịu dàng lương thiện. Nếu Josepha gả đi, ít nhất cô ấy sẽ hạnh phúc hơn Amalia.

So với gả cho một Quốc Vương khác, đây là lựa chọn tốt nhất.

Trước mắt Antonia chỉ có thể sắp xếp vậy.

Antonia rời đi, Isabella ngồi trong phòng suy nghĩ nên nói với chồng và em trai như thế nào. Đột nhiên cô ấy bừng tỉnh…

Vừa rồi… cô ấy bàn chuyện kết hôn với em gái mới chín tuổi?

...

Antonia rời phòng nữ đại công tước. Nhân lúc phu nhân Lerchenfeld chưa tới cung điện Schönbrunn, cô nhờ Carolina canh chừng, bản thân trốn khỏi cung.

Tới chỗ Nikola, cô không khách khí nói thẳng: “Cho ta mượn súng của ngài.”

Đã hai năm trôi qua từ ngày Antonia dẫn Nikola về Vienna, cô lười diễn trò trước mặt anh. Dù sao anh cũng chứng kiến thời khắc cô chật vật trốn trong giá sách.

Tuy súng của cô bị tịch thu, nhưng anh có. May vá và âm nhạc là môn học bắt buộc của thiếu nữ, săn bắn và kiếm thuật là môn học bắt buộc của thiếu gia quý tộc.

Vậy nên Antonia lười cãi nhau với Nữ Hoàng, dù sao cô vẫn được dùng.

Thiếu niên đang chỉnh sửa máy móc hình thù kỳ quái, nghe vậy quay đầu, “Nghe nói người sắp kết hôn, chẳng lẽ người luẩn quẩn? Súng ở ngăn kéo thứ hai.”

Hôm qua Hoàng Đế triệu anh vào cung, anh vô tình nghe thấy Áo và Pháp đang bàn bạc liên hôn.

Cả cung điện Schönbrunn xôn xao bàn tán. Dù sao Pháp là một trong những đất nước mạnh nhất thế giới.

Thị nữ trẻ tuổi chỉ nói “đang theo dõi sát sao công chúa Antonia”, hiện tại công chúa mới chín tuổi, muốn đính hôn phải chờ vài năm nữa, nhưng anh biết kết cục lịch sử.

“Ngài biết nhiều thật.” Antonia nhướng mày.

Cô lấy súng trong ngăn kéo, thuần thục bỏ thuốc súng và đạn, giật nòng.

“Muốn bắn thì ra phía sau.” Nikola sợ cô phá tan đống bản thảo anh tích cóp suốt hai năm.

Vừa chạm vào chiếc vòng trên tay Antonia, Nikola ngẩn ngơ.

Đó là chiếc lắc trân châu hình cánh chim, xỏ qua chiếc vòng bạc.

Thời gian như đọng lại, đồng tử Nikola giãn to.

May mắn hiện tại anh không còn sợ trân châu. Từ khi đổi xác, anh thoát khỏi chứng bệnh kỳ quái, nếu không với thẩm mỹ của con người thời đại này, chỉ sợ anh phải trốn xuống hầm sống.

Ngay lúc Nikola thất thần, Antonia mỉm cười lắp súng, giơ tay.

Đoàng!

Viên đạn bắn trúng ngọn cây đằng xa, dọa mấy con quạ “cạc cạc” bỏ chạy.

Nikola hồi thần, nhìn cửa sổ, “…”

Bé gái bốc đồng thật đáng sợ.

Hồi lâu sau, anh đặt máy móc sang bên, tiếp đón tử tế vị khách mời nguy hiểm, “Người muốn gì?”

“Ta muốn gì?” Antonia nghiêng đầu, “Sao ta phải nghĩ?”

Nikola châm chước, “Thần nhớ người từng nói tình yêu và hôn nhân là khởi nguồn vạn ác.”

Lúc đó anh khó hiểu nhìn cô, nghĩ thầm cô nhóc này bị phụ huynh kích thích tới phát điên.

“Vậy thì sao?” Antonia cúi đầu, thổi khói thuốc súng, “Ngài muốn nói gì?”

Nikola ôm hai tay, tựa lưng bên cửa sổ, lẳng lặng nhìn cô.

Cô nhóc chín tuổi nhỏ bé non nớt, nhưng khuôn mặt xinh đẹp diễm lệ. Dưới ánh mặt trời, làn da cô tỏa sáng, có thể thấy sau này sẽ trở thành mỹ nhân nức tiếng.

Đôi mắt màu lam chớp chớp nhìn anh, khiến người ta liên tưởng nai con nhảy ra khỏi bìa rừng.

“Thần nói rồi, thần biết bói toán. Thần có thể giúp người thoát khỏi kiếp nạn lớn nhất trong đời.”

Tuy cô từng tự tin từ chối sự trợ giúp của anh.

Anh nghiêm túc đáp: “Bói toán nói cho thần… người không thể tới Pháp. Kiếp nạn của người ở đó.”

Antonia nhướng mày, mỉm cười nhìn anh.

Cô phì cười, “Chẳng lẽ… gả cho ngài?”

Nikola ngạc nhiên, hiếm khi lúng túng, “Thần không có ý này…”

“Ngày 20 tháng 5 năm 1764, ngài Tesla từ chối lời cầu hôn của ta.”

Antonia bình tĩnh rót thuốc súng, chầm chậm lại gần, ngẩng đầu nói: “Ta nhớ kỹ.”

“…” Nikola rùng mình.

Còn chưa chờ anh giải thích, cô ngạc nhiên nhìn cửa sổ phía sau anh, “A, bác sĩ Swieten?”

Ông ấy tới làm gì? Nikola quay đầu.

Bộp! Anh bị đẩy mạnh, trọng tâm chệch hướng, lảo đảo ngã xuống cửa sổ.

Kim loại cứng rắn chạm vào thắt lưng anh, âm thanh “lách cách” vang lên.

“Không được nhúc nhích.”

Antonia nào còn trêu đùa, giọng nói lạnh như băng.

Họng súng nóng bỏng dí sát áo sơ mi Nikola.

Nhịp đập trái tim truyền qua họng súng, chạm vào tay cô.

Antonia kề sát tai anh.

“Đừng hy vọng dùng thuật luyện kim và bói toán lừa gạt ta.”

Đôi môi đỏ mọng hé mở, giọng mềm như tơ, giống hệt tình nhân nỉ non bên tai, “Cho ta lời giải thích hợp lý.”

“Nói cho ta, ngài biết trước tương lai kiểu gì.”

______

Lời tác giả:

Nghe nói Tesla sợ trân châu, không chịu được khi thấy người khác đeo trang sức gắn trân châu orz.

______

[1] Ferdinand là Công tước xứ Parma, Piacenza và Guastalla cho đến khi ông nhượng lại công quốc cho Pháp theo Hiệp ước Aranjuez vào ngày 20 tháng 3 năm 1801.



[2] Philip, Công tước xứ Parma là vị Công tước xứ Parma đầu tiên của Nhà Bourbon – Parma. Ông cai trị Công quốc Parma từ ngày 18/10/1748 cho đến khi qua đời vào năm 1765.



[3] Marie Louise Élisabeth của Pháp là con gái lớn của Vua Louis XV nước Pháp và Maria Leszczyńska. Bà kết hôn với Vương tử Philip của Tây Ban Nha, người thừa kế Công quốc Parma thông qua mẹ của mình vào năm 1748.