Tạm Biệt Versailles

Chương 30



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Thời điểm thư của Nikola gửi tới Vienna, một bức thư khác từ xứ tuyết băng qua gió lạnh hiểm trở, gửi tới Berlin, Phổ.

“Hừ, nữ thổ phỉ dám hồi âm.” Friedrich vứt bức thư, nghi ngờ bên trong có hung khí.

“Để ta xem xem, ngoại trừ yêu cầu ta cực lực đối phó bà bạn cũ Maria Theresa, cô ta còn định nói gì?”

Mấy năm qua, Nữ Sa Hoàng thượng vị đã giết chết tất cả những kẻ uy hiếp tới vương vị của cô ta, nắm chặt quyền lực trong lòng bàn tay.

Không hổ là con gái dân tộc Đức.

Ông ta mở thư.

Quả nhiên Ekaterina nhắc nhở Áo chiếm đánh một phần lãnh thổ của Ba Lan – Litva, đe dọa tới Nga.

Friedrich cười nhạo: “Nhưng cô ta không đề cập Nga và Ba Lan xuất binh đánh chiếm Ottoman, hai bên đang tranh giành vùng thổ địa lớn.”

Quốc Vương Ba Lan gió chiều nào theo chiều đó là tình nhân cũ của Ekaterina, chỉ sợ nhớ mãi không quên Nữ Hoàng quyến rũ xinh đẹp.

“Cứ theo hiệp ước lúc trước, tiếp tục ủng hộ Nga… Chẳng lẽ cô ta không hiểu ý ta? Nếu muốn hỏi, ta còn có ý kiến khác?”

Đương nhiên… để ông ta gia nhập quân đội cô ta càng tốt.

Friedrich nhìn bên dưới.

Phần sau bức thư nhắc tới liên hôn giữa Áo và Pháp, Friedrich đọc lướt, Ekaterina nói Pháp đang uy hiếp Phổ.

“Friedrich thân mến.” Nữ Hoàng viết trong thư: “Pháp là kẻ thù của Phổ và Nga, nó cường đại chính là sự sỉ nhục với Nga.” (*)

Nội dung tiếp theo có phần kỳ lạ: “Nhưng đừng xuống tay với công chúa nhỏ.”

Friedrich nhướng mày, “Nữ thổ phỉ cũng có lòng từ bi?”

Ông ta xoa cằm, “…Thật tò mò.”

Tuy Friedrich không thích bầu không khí lục đục nội chiến của cung đình Pháp, nhưng điều đó không cản trở ông ta xếp gián điệp vào trong, mỗi ngày tìm hiểu tin tức các quốc gia.

Tin tức từ cung điện Versailles luôn khiến người ta mở rộng tầm mắt.

“Không nói chuyện khác, Pháp chịu để công chúa nước Áo trở thành Vương Hậu của họ?”

...

Cỗ xe ngựa của Thái Tử phi nước Pháp xuyên qua lãnh thổ Đế Quốc La Mã rộng lớn, người dân bên đường hân hoan chào đón. Đội ngũ khổng lồ thong thả cất bước, hơn mười ngày sau tới biên giới Strasbourg nước Pháp, đi vào tòa tu viện.

Ánh hoàng hôn chậm rãi chìm vào đường chân trời.

Đây là ngày cuối cùng Antonia ở lại Áo.

Ngày mai cô và đoàn Áo sẽ tiến tới sông Rhine nằm giữa Strasbourg và Kehl gặp đoàn Pháp.

Một khắc đó, Antonia chính thức trở thành “Marie Antoinette”.

“Điện hạ, thần là thị tùng của người ở Pháp.” Quý phu nhân trung niên búi mái tóc tỉ mỉ hành lễ với Antonia.

Tuyệt, lại là người phụ nữ này. Antonia thầm nghĩ.

“Phu nhân lễ nghi” – Bá tước phu nhân Noailles [1] từng là ác mộng thuở nhỏ của cô.

Về phần ngài bá tước?

Ông ta còn đang bận tranh luận từ ngữ trong một phần văn kiện với bá tước Mercy, bởi vì ông ta cảm thấy uy nghiêm cung điện Versailles đang bị khinh thường.

Đôi vợ chồng này giống hệt hóa thân của lễ nghi cung điện.

Cũng may nhờ vậy cô có thể lợi dụng bọn họ bận rộn chú ý lễ nghi để làm việc.

Bá tước phu nhân Noailles gặp mặt cô theo lễ nghi, sau đó quay về bên chồng, tiếp tục tranh luận “lễ nghi ngoại giao” với người Áo.

Tầng một tu viện vô cùng náo nhiệt, mấy trăm quan ngoại giao và lễ quan ra ra vào vào, chuẩn bị cho nghi thức cuối cùng ngày mai. Nhưng tầng ba lại vô cùng im ắng – nơi này chỉ có Thái Tử phi và các nữ hầu xác nhận lại trang sức váy vóc cho cô.

Antonia lén lút ra khỏi phòng, chắc chắn không ai phát hiện ra mình, nhanh chóng mở cánh cửa nhỏ, men theo cầu thang tròn đi xuống.

Kiếp trước, cô phát hiện cầu thang tròn bí mật, thử lẻn đi xuống, nào ngờ chưa kịp tham quan xong đã bị gọi về tạo kiểu tóc.

Lần này cô sẽ nắm chắc thời gian.

Nhưng Antonia chưa kịp xuống tầng một đã nghe thấy tiếng tranh luận.

“Các ông có ý gì?! Nếu Nữ Hoàng bệ hạ biết, người sẽ vô cùng tức giận! Đây là sự cố ngoại giao! Đây là âm mưu!”

Đại sứ Mercy kích động quát.

“Ngài bá tước của tôi ơi, ngài có thể nhỏ giọng một chút không? Nếu đúng là âm mưu, chúng tôi nói cho ngài làm gì? Chính vì phát hiện, chúng ta mới kịp thời cứu chữa! Gỡ nó xuống là được!”

“Các ông phát hiện ra nó? Rõ ràng là cậu sinh viên người Đức phát hiện!” Mercy không thoái nhượng, “Nếu không nhờ cậu ta, mười tiếng sau công chúa điện hạ sẽ bước qua đây! Rõ ràng mang ngụ ý đáng sợ, còn qua tay vô số chuyên gia nghệ thuật nước ông, tại sao không một ai phát hiện ra?”

Đối phương thở dài, “Ngài biết đấy… chúng tôi đầu tư rất nhiều cho hôn lễ lần này, ai cũng bận rộn. Chúng tôi mượn tấm thảm treo tường từ nhà đức giáo mục, chỉ thấy hoa văn tinh xảo, không ai để ý kỹ càng…”

“Không để ý cái gì?” Thiếu nữ phía sau hỏi.

“A… điện hạ!” Đại sứ Mercy ngạc nhiên.

Vị quan ngoại giao trẻ tuổi nước Pháp lảo đảo, đờ đẫn xoay người.

“Ta chỉ đi dạo lung tung, các ngài nói tiếp đi, không cần xen vào ta.” Antonia mỉm cười gật đầu, “Có người nguyền rủa ta?”

Quan ngoại giao nước Pháp tái mặt, ngay cả đại sứ Mercy cũng thở dài, tóm tắt đơn giản mọi chuyện, cố gắng gạt bỏ cảm xúc cá nhân.

Hai nước Áo Pháp muốn thể hiện địa vị trong buổi hôn lễ, tranh luận không ngớt cách thức trao đổi Thái Tử phi. Đích thân Thái Tử phi đề ra yêu cầu khiến mọi người vừa ngạc nhiên vừa thỏa mãn yêu cầu của song phương – xây một tòa nhà trên đảo giữa sông Rhine ở biên cảnh Strasbourg của Pháp và Kehl của Áo, tiến hành nghi thức trao đổi ở đại sảnh.

Đương nhiên đại sảnh do các kiến trúc sư ưu tú nhất hai nước thiết kế. Họ không chỉ mượn đèn trần lấp lánh màu sắc từ đại học Strasbourg, rất nhiều quý tộc giàu có của hai nước đồng ý cho mượn dụng cụ nội thất hoa mỹ. Vô số thảm treo tường chế tác tỉ mỉ treo đầy trên vách tường.

Nào ngờ ngày đầu tiên tới đây, mấy sinh viên Đức hối lộ tiền cho thị vệ, tham quan đại sảnh nơi Thái Tử phi sắp tiến hành nghi thức trao đổi. Một sinh viên có kiến thức uyên bác nhanh chóng phát hiện tấm thảm treo tường miêu tả câu truyện giữa Jason, Maeda và Glauce.

Jason là anh hùng thần thoại Hy Lạp, nhờ sự trợ giúp của người vợ Maeda nên tìm được lông cừu vàng. Trên đường qua xứ Corinth, nhà vua ban tặng con gái Glace làm vợ cho Jason, anh ta đồng ý.

Maeda bị phản bội nghe tin, tặng bộ váy cho tân nương làm quà. Ai mặc chiếc váy đó sẽ bị thiêu sống đến chết.

Tân nương Glauce và nhà vua đều chết cháy, ngay cả con trai của Maeda và Jason cũng bị Maeda giết chết. Cô ta làm vậy để trả thù chồng.

Rõ ràng câu truyện bi kịch này không nên đặt ở đại sảnh tiếp đón Thái Tử phi nước Áo tới Pháp.

“Mong điện hạ tha thứ.” Quan ngoại giao Pháp bất an, “Chúng thần sẽ kiểm tra kỹ càng tất cả vật dụng trang trí trong đại sảnh, yêu cầu các nhà thiết kế phải chịu trách nhiệm…”

“Không sao.” Antonia đáp: “Ta biết các vị vất vả, không cố ý làm vậy.”

Cô thoải mái thưởng thức tấm thảm treo tường của đức giám mục. Nói thật, nhìn từ xa tấm thảm này đẹp choáng ngợp, xem mà hoa mắt.

Đâu ai để ý rốt cuộc tấm thảm vẽ gì?

“A, người thật thiện lương!” Quan ngoại giao cởi mũ, cúi đầu hành lễ, “Chúng thần đều nói điện hạ có thể nghĩ ra cách thức giao tiếp hoàn mỹ không tì vết như vậy, chứng tỏ người chính là hóa thân của trí tuệ. Thần nhất định sẽ nói lại cho bọn họ, điện hạ không chỉ thông minh, còn khoan dung, thiện lương, có tâm hồn thiên sứ!”

“Ta lấy làm hổ thẹn.” Antonia mỉm cười, “Đúng rồi, anh chàng sinh viên kia đâu? Anh ấy họ gì?”

Thật ra chuyện này mới thu hút sự chú ý của cô.

Có rất nhiều người viết sách về cô, trong đó cuốn sách của một người tên Zweig [2] thời hậu thế nổi tiếng nhất. Trong sách nhắc tới chuyện này, Antonia ngạc nhiên phát hiện tác giả không nói sai.

“À, cậu ta và bạn cậu ta đã bị cảnh sát lôi đi bởi vì gây rối trật tự công cộng. Có lẽ hiện tại họ đang nộp phạt ở cục cảnh sát. Cậu ta tên là… là…”

“Goethe.” [3] Bá tước Mercy hắng giọng.

“Đúng đúng! Là Goethe.” Quan ngoại giao vỗ tay, “Điện hạ, lúc ấy cậu ta la to trong đại sảnh, vừa hay bị…”

Anh ta thoáng nhìn Thái Tử phi, thử thăm dò: “Nếu người cảm thấy phạt tiền không đủ, thần lập tức tới cục cảnh sát yêu cầu bắt giam cậu ta mấy ngày…”

“Thưa ngài.” Antonia cố gắng không cười, “Đúng là ta có chuyện phiền ngài… Mong ngài tới cục cảnh sát xóa tội danh giúp anh ấy, đừng để anh ấy nộp tiền phạt.”

“Mặt khác, ta hy vọng ngài gửi một bức thư cho anh ấy giúp ta. Ta mong có thể mời anh ấy tới cung điện Versailles làm khách.”

... 

Ngày 7 tháng 5 năm 1770, thái dương vừa lên chưa được bao lâu, Antonia bước lên đảo nhỏ trên sông Rhine giữa ranh giới Pháp và Áo.

Kiếp trước bước vào đại sảnh, Antonia khiếp sợ khi phải trần như nhộng trước mặt toàn bộ đoàn Áo theo sau. Bá tước Noailles sẽ mặc chiếc váy lót nước Pháp cho cô.

Antonia mười lăm tuổi không kịp chờ bá tước phu nhân quỳ gối hành lễ, vội vàng cướp chiếc váy lót trong tay bà ta, hoảng sợ tròng lên người mình, sau đó òa khóc ôm chầm bá tước phu nhân.

Nhưng hiện tại không cần.

Dù sao Antonia cũng là người nghĩ ra nghi thức đón tiếp. Sự thật chứng minh một khi lên kế hoạch, mọi người thường làm theo kế hoạch đó, không ai tự tiện thêm thắt.

Lúc này đây, Antonia là người nghĩ ra nghi thức trao đổi với Pháp, vậy nên cô yêu cầu tất cả nhân viên lui xuống, cô thong dong mặc lễ phục nước Pháp.

Về phần thay váy trước mặt người hầu, cho dù kiếp trước không quen, sau khi trải qua hơn hai mươi năm, Antonia đã không còn cảm giác.

Nghi thức trao đổi hoàn thành, đoàn xe lại tiếp tục vào rừng.

Tuy người hai bên đường vui vẻ chào mừng, nhưng bởi Quốc Vương đang đợi, đội ngũ của Thái Tử phi nhanh chóng tăng tốc.

Ngày 14 tháng 5, xe ngựa hoàng kim chở Thái Tử phi nước Pháp tới bìa rừng.

Xe ngựa dừng lại, kỵ sĩ danh dự mở cửa xe, vươn tay về phía cô.

Antonia nhìn bàn tay trước mắt, hít sâu một hơi.

Rốt cuộc lại tới đây.

Cô gặp Thái Tử trẻ tuổi ngốc nghếch nước Pháp, người tương lai sẽ trở thành Louis XVI.

Vận mệnh mở ra, không thể quay đầu.

Cô nắm bàn tay của người nọ, bước xuống xe ngựa, đi về phía rừng rậm.

Ngoài bìa rừng sáng ngời, đội ngũ cung đình khổng lồ đứng chờ.

Quốc Vương Louis nước Pháp đứng giữa đoàn người, bên cạnh là quý tộc và vợ họ đứng theo thứ tự giai cấp. Tiếp đến là quan quân, binh lính cận vệ, dàn nhạc cung đình diễn tấu.

Âm thanh hoa lệ vang lên, từng bước đi của cô nhẹ nhàng tựa đang bước trên đám mây, làn váy bồng bềnh phiêu theo gió.

Cô theo kỵ sĩ danh dự và võ quan đi tới trước mặt Quốc Vương, bước chân tao nhã như vũ khúc thiên nga.

Giây phút đứng trước mặt Quốc Vương, Antonia liếc mắt, nhìn Thái Tử nước Pháp mười sáu tuổi đứng sau lưng Quốc Vương đang cẩn thận nhìn cô.

Thái Tử trẻ tuổi chạm mắt với Antonia, lập tức cúi đầu.

Ánh mặt trời chiếu xuống dòng sông gợn sóng.

Thời gian yên lặng, cả thế giới lóe sáng như tấm gương khổng lồ.

Cảnh tượng mộng ảo khiến Antonia nhớ lại sảnh gương cung điện Versailles. Cô lướt qua nơi đó mấy thế kỷ, nhờ vậy gặp được thiếu niên trẻ tuổi đánh bậy đánh bạ xông vào.

Cũng làm cô nhớ tới kiếp quỷ hồn ở cung điện Versailles, nghe mọi người đọc danh ngôn trích dẫn về cô.

“Món quà vận mệnh ban tặng, đổi lại âm thầm trả giá đắt.”

Antonia mỉm cười đứng lên.

Cô tao nhã quỳ gối hành lễ trước mặt Quốc Vương.

Vận mệnh, chuẩn bị nhận nhận đáp lễ của ta chưa?

_________

Một số bình luận của cư dân mạng Trung:

– Boss Goethe!!!

– Thay đổi vận mệnh đi, công chúa nhỏ của chúng ta!

_________

[1] Anne de Noailles – Madame de Noailles

Một phụ nữ quý tộc Pháp và giữ chức vụ dame d’honneur (lady of honour, tương đương chức nữ quan tổng quản) phục vụ cho 2 đời Vương hậu của Pháp là Marie Leszczynska và Marie Antoinette.

Bà là con gái của hầu tước, kết hôn với Philippe de Noailles, Công tước xứ Mouchy. Tuy là công tước, trong triều đình thì chồng bà được biết đến với tước vị Bá tước de Noailles.

Chức vụ dame d’honneur có cấp bậc đứng thứ 2 trong các cấp bậc của nữ quan và thị nữ trong cung đình Pháp. Trên dame d’honneur là Surintendante de la Maison de la Reine (Superintendent of the Queen’s Household), tuy nhiên chức vụ Surintendante de la Maison de la Reine ít khi được phong chức đều đặn cho nên về mặt nào đó, khi Surintendante de la Maison de la Reine không có người đảm nhận thì dame d’honneur được xem là người đứng đầu các nữ quan và thị nữ. dame d’honneur có nhiệm vụ giám sát công việc của các nữ quan và thị nữ cấp dưới, giám sát và sắp xếp lịch trình cho mọi sinh hoạt của chủ nhân.

Madame de Noailles trở thành dame d’honneur của Vương hậu Marie Leszczynska từ năm 1763 cho đến khi vương hậu qua đời vào năm 1768. Vào năm 1770, Nữ Đại Công tước Maria Antonia tức Marie Antoinette đến Pháp làm dâu, Madame de Noailles cùng những nữ quan từng phục vụ Vương hậu quá cố nay được thuyên chuyển sang hầu hạ tân Thái tử phi, Madame de Noailles cùng những các nữ quan này đã đi đến biên giới nước Pháp để chào đón tân Thái tử phi. Vào khoảnh khắc Marie Antoinette thực hiện thủ tục từ bỏ hết những gì thuộc về Áo và trở thành công dân Pháp, Marie Antoinette đã không kiềm chế được sự bình tĩnh và khóc ầm trong vòng tay của Madame de Noailles, tuy nhiên Madame de Noailles đã lạnh lùng phản ứng lại bằng việc bảo Marie Antoinette nên bình tĩnh trở lại.

Là một người cứng nhắc và không bao giờ chịu thay đổi dù chỉ là một quy tắc nhỏ nhặt, Madame de Noailles được Marie Antoinette đặt cho biệt danh là “Madame Etiquette”.

Năm 1774, Louis XV qua đời, Louis XVI và Marie Antoinette đăng quang trở thành quốc vương và vương hậu của Pháp. Ngay sau đó, Madame de Noailles bị bãi chức vụ dame d’honneur và không còn hầu hạ Vương hậu nữa. Bạn thân của Marie Antoinette là Princess de Lamballe được phong chức vụ Surintendante de la Maison de la Reine, đứng đầu các nữ quan và thị nữ.

Trong cuộc cách mạng Pháp, cả gia đình Madame de Noailles hầu hết đều bị chém đầu bởi cỗ máy chém Guillotine.



Hình ảnh Madame de Noailles được khắc họa trong truyện: 

1

2

3

Credit: Công Chúa Xứ Hoa – Tình Yêu, Máu và Nước Mắt

Bá tước phu nhân trên phim (người phụ nữ mặc váy vàng)



[2] Zweig: Stefan Zweig là một nhà văn, nhà báo, nhà viết kịch và nhà viết tiểu sử người Áo nổi tiếng trên thế giới. Zweig sinh ra ở Viên. Cha ông là Moritz Zweig, nhà sản xuất dệt may giàu có người Do Thái; mẹ là Ida Brettauer, con gái một chủ ngân hàng người Do Thái.



[3] Goethe: Johann Wolfgang von Goethe là một nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia, nhà văn, nhà khoa học, họa sĩ lỗi lạc người Đức. Ông được coi là một trong những vĩ nhân trong nền văn chương thế giới.



_________

Đại sảnh tiến hành nghi thức trao đổi:

1

2