Tạm Biệt Versailles

Chương 4



*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Xe ngựa khảm hai chiếc đầu đại bàng màu đen băng qua gió tuyết đang gào thét.

Phía chân trời trắng xóa đằng xa, cây tùng thấp thoáng kéo dài vô tận.

Antonia im lặng ôm lò sưởi cầm tay – đây là một món đồ giữ ấm xuất thân từ phương Đông. Tuyết vùi kín vách tường đá cẩm thạch màu vàng hoặc xanh biếc, đó là giáo đường dị giáo cô chưa bao giờ thấy.

Điều này có nghĩa Antonia đã dần rời xa Hoàng thất Habsburg phía tây nam rộng lớn bao la, rời xa vận mệnh đẫm máu, hướng tới xứ tuyết dị giáo nằm ở phương bắc.

Đôi mắt cô tối dần.

Antonia nhớ lại ký ức kiếp trước.

Vốn dĩ đầu năm 1762, Nữ Hoàng Maria Theresa chỉ định Amalia mười sáu tuổi tới Nga.

Tuy chuyến công du tới Nga không có gì nguy hiểm, nhưng sau khi quay trở về Áo, quan hệ giữa Amalia và mẫu thân gần như đóng băng.

Bảy năm sau, Amalia gả cho Công tước xứ Parma. Kết hôn chưa được bao lâu, tin tức cô ấy hoang dâm vô độ, hành xử vô lý đã lan truyền khắp Châu Âu. Khi đó cô đã là Thái Tử Phi nước Pháp, chỉ cảm thấy vô cùng xấu hổ.

Hiện tại Amalia có thể hưởng thụ một mùa đông bình yên.

“Điện hạ, tối nay chúng ta sẽ tới cung điện mùa đông.” Đoàn xe dừng lại ở trạm nghỉ ngơi, bá tước Mercy [1] đứng trước cửa xe của cô, nói.

“Ừ.” Antonia mỉm cười gật đầu, “Chặng đường này phiền ngài quá, bá tước Mercy.”

“Thưa điện hạ, phục vụ người là vinh hạnh của thần.”

Bá tước Mercy hơn ba mươi tuổi xõa tung mái tóc bạc, ánh mắt ôn hòa dịu dàng. Anh ấy tao nhã hành lễ, vươn tay đỡ cô xuống xe ngựa.

Lò sưởi lách tách, trên chiếc bàn trắng đã chuẩn bị sẵn coffe nóng và hồng trà.

Nhờ cung đình Áo và Nga bảo hộ, đoàn xe bố trí vô cùng thích hợp. Kỵ binh Tolvia đi trước, lục quân Livonia theo sau bảo vệ đoàn xe.

Đương nhiên để giữ thể diện, lễ tiết và vấn đề an toàn, tất cả người thuộc đoàn xe đều xuất thân từ Áo. Trong đó có một tổng quản chăn ngựa, một tổng quản quản lý hàng hóa, một tổng quản quản lý đồ uống, một tổng quản quản lý hoa quả, một thợ làm bánh, bốn đầu bếp, một bồi bàn phục vụ coffe, một bồi bàn pha trà, sáu người hầu và hai cận vệ.

“Ngài Mercy cũng ngồi đi.” Antonia ngẩng đầu, nở nụ cười ngây thơ, “Chúng ta công du, Nữ Hoàng không quản được ta. Ngài không cần giữ lễ tiết quá mức.”

Mercy có chút mất tự nhiên.

Rốt cuộc cũng tới. Anh ấy đã sớm nghe nói nữ đại công tước bé nhỏ rất tùy hứng, nghịch ngợm, luôn coi rẻ quy củ Hoàng gia. Có lẽ chỉ Nữ Hoàng mới quản được cô… Nhưng hiển nhiên cô đã thoát khỏi phạm vi quản thúc của Nữ Hoàng.

“Ta thật lòng mời ngài.” Nữ đại công tước gật đầu, “Ta vẫn đang suy nghĩ tin tức tình báo ngài mới nhận được.”

Mercy lại mất tự nhiên. Anh ấy tưởng tin tức tình báo được đưa tới đã đủ bí mật, không ngờ không giấu giếm nổi một cô bé. Điều này khiến anh ấy cảm giác ngập tràn nguy cơ.

Dù sao Mercy sắp bước vào vùng đất chưa rõ an nguy, xảy một ly đi một dặm.

Anh ấy cẩn thận suy nghĩ vài giây, ngồi đối diện công chúa, không cầm cốc coffe.

“Thứ lỗi cho thần hỏi một câu… Vì sao điện hạ muốn tới Nga?”

Mercy cẩn thận hỏi, vội vàng nói thêm: “Thứ lỗi cho sự vô lễ của thần, nhưng nơi này rất nguy hiểm, không thích hợp với công chúa nhỏ như người… Thần nghe nói người chủ động yêu cầu.”

Chẳng lẽ… cô chán ngán Hoàng cung, muốn tới Nga chơi?

Thề có Chúa, anh ấy không tưởng tượng được nữ đại công tước đã nói gì với Nữ Hoàng.

“Nếu Nga có nguy hiểm, vậy nguy cơ ngài gặp nguy hiểm cao hơn ta.” Antonia cúi đầu nhấp hớp hồng trà, hỏi: “Vì sao ngài muốn tới đây?”

Cô chỉ là công chúa út Hoàng thất Áo, cơ bản không có quyền thừa kế. Với Hoàng thất, giá trị duy nhất của cô là liên hôn.

Bá tước Mercy gánh vác sứ mệnh đặc biệt. Antonia biết, tuy anh ấy lấy danh nghĩa Nữ Hoàng tới thăm, nhưng thực chất anh ấy có nhiệm vụ khác.

Mercy nghiêm túc đứng dậy, thẳng lưng, “Điện hạ, thần là quan ngoại giao nước Áo. Đây là chức trách của thần.”

“Chức trách.” Antonia lặp lại.

Cô ngẩng đầu, nhìn vị quan ngoại giao mình vô cùng quen thuộc. Anh ấy là một trong số những người Áo cô hiểu rõ nhất.

Hai mươi bốn năm trước, khi được gả sang Pháp, Pháp yêu cầu Antonia không được mang thị nữ người Áo hoặc váy vóc nước Áo sang Pháp.

Từ đó cô không bao giờ trở về quê hương.

Suốt những năm tháng lẻ loi ở cung điện Versailles, Nữ Hoàng phái bá tước Mercy bà tín nhiệm nhất tới Pháp, làm đại sứ nước Áo tại Pháp.

Nhiều năm trôi qua, đại sứ Mercy vẫn luôn lo lắng dõi theo cô, ghi lại nhất cử nhất động của cô gửi cho Nữ Hoàng. Mỗi khi cô làm việc gì khác người, anh ấy đều tận tình khuyên bảo, đáng tiếc cô chưa bao giờ nghe.

Cách Mạng Pháp diễn ra, cô bị kéo vào nhà lao. Cũng là vị quan ngoại giao già nua, mái tóc hoa râm chạy vạy khắp nơi, hô hào thân nhân của cô tìm cách cứu cô, hô hào phe đối thủ tỏ lòng thành tín phóng thích cô.

Cái chết của cô là đả kích lớn với anh ấy.

“Ngài Mercy, chức trách của ta là giúp ngài thuận lợi hoàn thành chức trách của ngài.”

Antonia mỉm cười nghiêng đầu, “Vậy nên… cung điện mùa đông có tin tức gì không?”

Mercy ngẩn ngơ.

Cô công chúa này không giống lời như lời đồn.

“Có phải Tân Sa Hoàng đã thề nguyện trung thành với Friedrich II không?” Antonia bông đùa.

“Không.” Mercy hồi thần, nhỏ giọng đáp: “Nhưng chỉ sợ ngày đó không xa, chẳng qua gã ta chưa có cơ hội.”

Anh ấy có phần lo lắng.

“Tân Sa Hoàng hành xử rất vớ vẩn.” Anh ấy đè thấp giọng, “Gã từ chối gác đêm bên lăng mộ Nữ Hoàng. Trước mặt linh cữu Nữ Hoàng, gã làm đủ trò bất nhã, giễu cợt người bố đã mất, còn công khai tổ chức yến hội ngay giữa quốc tang, không cho phép quý tộc mặc tang phục màu đen, phải mặc lễ phục.”

Đối với quan ngoại giao, không gì đau đầu hơn một kẻ thống trị không nói đạo lý.

Chẳng trách gã rơi xuống bước đường cùng. Antonia thầm nghĩ.

Cô dừng tay, đột nhiên ngẩng đầu, “Nghe nói Sa Hậu hiện tại cũng là người Đức.”

“Đúng vậy… nhưng người hỏi làm gì?” Mercy ngẩn ra, “Chà… chỉ sợ cô ta không làm được Sa Hậu bao lâu.”

Anh ấy do dự, không biết có nên nói kết cục bi thảm của Hoàng Hậu cho công chúa nhỏ hay không. Sa Hoàng có tình nhân, Hoàng Hậu không được lòng gã, thậm chí gã không thừa nhận thân phận Hoàng Hậu của cô ta. Chỉ e cô ta sắp bị phế, áp giải tới tu viện cằn cỗi nào đó sống nốt phần đời còn lại.

Câu chuyện này quá đỗi bi thảm, không thích hợp nói cho công chúa nhỏ vô ưu vô lo nghe.

Antonia không đáp, kiên trì hỏi: “Ngài biết bối cảnh của cô ta không?”

Mercy gật đầu, “Cô ta là con gái một vị quan thấp kém ở cung điện mùa đông nước Đức, từ khi còn nhỏ đã ở bên bầu bạn với Pyotr III. Mẹ gã là em gái Nữ Hoàng vừa qua đời, quan hệ giữa hai nhà rất thân, vậy nên thúc đẩy mối hôn nhân này.”

Mercy kể lại những gì mình nghe ngóng được.

Antonia gật đầu, bình tĩnh quấy thìa bạc.

Tân Sa Hoàng Pyotr III sinh ra ở Đức, cơ thể chảy nửa dòng máu Đức, tự nhận mình là người Đức, thậm chí ngay cả tiếng Nga cũng không sõi.

Sở dĩ gã có thể trở thành Sa Hoàng bởi vì gã là cháu ngoại Đại Đế Pyotr. Con gái của Đại Đế, cũng là Nữ Hoàng Nga vừa qua đời lại không có con cái.

Thật châm chọc. Antonia thầm nghĩ.

Nhà Habsburg có mười sáu người con, chỉ khi tổ chức yến hội mới có thể cùng ngồi xuống. Nhà Romanov ở phương bắc lại không có hậu duệ, phải tìm một gã người Đức lên kế thừa Hoàng vị.

“Ta biết rồi.”

Cô nhìn bá tước Mercy, “Nếu ngài Mercy cần hỗ trợ cứ nói với ta. Có lẽ ta không giúp được chuyện gì hệ trọng, nhưng người lớn không cảnh giác nhiều với trẻ con.”

“Cảm ơn điện hạ.” Bá tước Mercy đáp.

Nếu để nữ đại công tước nhỏ tuổi can thiệp nhiệm vụ nguy hiểm này, anh ấy đừng mong sống tiếp.

...

Ở xứ tuyết, buổi tối thường đến sớm.

Thời điểm đoàn xe tới cung điện mùa đông St. Petersburg, tuyết lớn bay ào ào dưới ngọn đèn dầu, trông vô cùng chói mắt.

Xe ngựa men theo con đường băng, xuyên qua ba vòm cửa sắt lớn, đi dọc theo các bức tượng thần Atlas. Sau khi đi hết hàng cột xếp đá cẩm thạch và đá khổng tước uy nghi đồ sộ, cuối cùng bọn họ dừng trước cổng vòm cung điện mùa đông đang nổ pháo hoa chào đón.

Antonia đã sớm quen nghi thức long trọng phô trương nước Pháp, nhưng nước Nga chỉ hơn chứ không kém. Cô im lặng ngồi trong xe ngựa, chờ chủ nhà sắp xếp bước tiếp theo.

Đúng lúc này một lễ quan cung đình vội chạy tới chỗ xe ngựa của bá tước Mercy, thì thầm nói gì đó.

Antonia xuyên qua cửa kính xe, chỉ thấy nét mặt bá tước thay đổi.

“Có ý gì?”

Mercy không chút khách khí, thái độ lạnh căm, “Người ngồi trong xe ngựa là nữ đại công tước nước Áo – Maria Antonia. Chúng ta đại diện cho nước Áo, Hoàng Hậu của Đế Quốc La Ma Thần Thánh, Nữ Hoàng Hungary và Bohemia – bệ hạ Maria Theresa tới đây, đáng lý nên được hưởng đãi ngộ viếng thăm chính thức.”

Antonia nhìn bá tước Mercy trang nghiêm và lễ quan xấu hổ vò đầu bứt tai, đại khái đoán được chuyện gì đang xảy ra.

Xem ra buổi chào mừng long trọng này không dành cho bọn họ.

Theo suy đoán của cô, nơi gần Nga nhất… hơn nữa trong khoảng thời gian ngắn đặc phái viên các nước chưa thể tới đông đủ… vậy không cần nói cũng hiểu.

Lễ quan nước Nga vội giải thích, khói trắng phả ra từ miệng anh ta, nhưng đầu anh ta mướt mải mồ hôi.

Công chúa một nước và đặc phái viên đang ở đây, nhưng anh ta lại cầu xin bọn họ mau rời đi, sợ chậm trễ một vị đặc phái viên khác. Hành vi này thực sự rất vô lễ, nhưng anh ta không thể không tuân lệnh, bởi vì đó là ý chỉ của Hoàng Đế.

Chúa ơi! Có lẽ đây sẽ là ác mộng đáng sợ nhất trong kiếp lễ quan của anh ta.

“Sao thế?” Cửa kính xe mở ra, một cô gái đội mũ đỏ nhô đầu, tò mò hỏi.

Mercy không hy vọng công chúa nhỏ liên lụy, “Điện hạ, bên ngoài rất lạnh, người cứ ngồi trong xe đi…”

Có vẻ vị lễ quan người Nga đã không còn hy vọng thuyết phục Mercy, vậy nên xoay người cầu xin nàng công chúa thoạt nhìn ngây thơ khờ dại.

Anh ta vội vàng chạy lên, hành lễ với Antonia, “Thưa công chúa điện hạ, bởi vì Hoàng Đế bệ hạ có việc bận, vậy nên Hoàng Hậu sẽ tiếp đãi các vị. Thần sẽ dẫn đoàn xe của người qua hai cánh cổng đằng trước, Hoàng Hậu đang chờ ngài đấy ạ.”

Antonia còn chưa kịp lên tiếng, Mercy đã tức giận mắng: “Thỉnh ngài đây chú ý, quy cách ngoại giao yêu cầu…”

“Bá tước Mercy, không sao.” Antonia ngắt lời, miễn cho anh ấy nói lời không thể cứu vãn.

Cô vén lọn tóc vàng ra sau tai, mỉm cười, “Đi thôi, chúng ta không nên để Hoàng Hậu đợi lâu.”

Mercy nắm chặt tay, không thèm nhìn lễ quan, khom mình hành lễ, “Tuân mệnh, thưa điện hạ.”

Chút mâu thuẫn nhỏ kết thúc, lễ quan dẫn đoàn xe đi về phía trước, dừng lại trước cánh cổng thứ ba, mời bọn họ vào cung điện mùa đông.

Antonia nhìn người nọ mặc lễ phục lông thiên nga đen, choàng áo khoác dày mùa đông.

Cô còn chưa lại gần, đột nhiên lễ quan khom lưng với Hoàng Hậu, “Phiền ngài, điện hạ.”

Hoàng Hậu nhướng mày, ánh mắt sắc bén thoáng nhìn lễ quan, im lặng không nói gì.

Antonia làm quen với lễ nghi cung đình Versailles nhiều năm, trong lòng hiểu rõ.

Pyotr III đã là Tân Sa Hoàng, theo lý Hoàng Hậu nước Nga nên được xưng bệ hạ.

Nhưng họ vẫn gọi cô ta là điện hạ, tương đương không thừa nhận thân phận Hoàng Hậu hợp pháp.

Ngay cả lễ quan cung đình cũng khinh thường, làm trò ngay trước mặt sứ thần ngoại quốc, xem ra việc Pyotr III và Hoàng Hậu không mặn nồng, không thừa nhận ngôi vị Hoàng Hậu là thật.

Nháy mắt Antonia đã hiểu, càng đừng nói bá tước Mercy.

Nhưng anh ấy biết Áo không thể tham gia lục đục nước Nga, vậy nên làm bộ không nghe thấy gì.

Bởi vì Hoàng Hậu không lên tiếng, nghi thức chào mừng có phần giằng co.

Tới khi một âm thanh ngọt ngào đánh vỡ.

Công chúa nhỏ nước Áo mặc áo choàng đỏ khắc gia huy đại bàng hai đầu của Thánh chế La Mã, chăm chú nhìn Hoàng Hậu, động tác hành lễ tao nhã tới mức lễ quan không thể bắt bẻ.

“Chào buổi tối, điện hạ Ekaterina [2].”

______

Lời tác giả:

Antonia: Bệ hạ, ta tới đây học hỏi kinh nghiệm (nghiêm túc).

Nhiều bạn đoán đúng quá! Tác giả cùi bắp giả vờ lạnh gáy orz.

______

Một số bình luận của cư dân mạng Trung:

– Chẳng lẽ sắp trở thành bạn tâm giao của bệ hạ Ekaterina (đột nhiên hưng phấn)?

– A A A A nữ thần!

– A A A A thật sự là Ekaterina II!

______

[1] Comte Florimond de Mercy-Argenteau: Nhà ngoại giao nước Áo



[2] Ekaterina II: Nữ hoàng Nga Ekaterina II hay Catherine Đại Đế là người phụ nữ lắm tài nhiều tật, hiện thân của chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng nhưng lại có công đưa nước Nga trở thành một trong những cường quốc hùng mạnh bậc nhất ở châu Âu thế kỷ XVIII. Dù đã trải qua hơn hai thế kỷ nhưng cái chết kỳ lạ của bà vẫn khiến nhiều người đặt câu hỏi.

Nữ hoàng Ekaterina II (2/5/1729 – 6/11/1796) tên thật là Sophie Friederike Auguste von Anhalt – Zerbst Dornburg, xuất thân trong một gia đình quý tộc Phổ. Năm 14 tuổi, bà đã được sắp đặt cưới thái tử nước Nga, rồi chuyển hẳn sang đạo Chính thống giáo Nga nên mới có tên là Ekaterina. Năm 1761, Nữ hoàng Elizaveta qua đời, con trai Pyotr III kế vị và Ekaterina II đã trở thành Hoàng hậu nước Nga. Pyotr III nguyên là hoàng tử Karl Peter Ulrich, một người đàn ông xấu xí, kém tài và bất lực nên tình duyên của Ekaterina II với ông không được trọn vẹn, hạnh phúc.

Theo sử sách còn lưu, Ekaterina II là người phụ nữ thông minh, quyết đoán nhưng cũng rất mưu mô và độc ác, chỉ chăm lo vun vén quyền lợi cho giới quý tộc. Sự việc bắt đầu từ ngày 28/6/1796, Ekaterina II đã trực tiếp mang trang phục sĩ quan, cưỡi ngựa đến doanh trại trung đoàn cận vệ, đọc cáo trạng về âm mưu chống nước Nga của chồng. Lập tức sau đó, Nga hoàng Pyotr III đã bị bắt giam và một tuần sau bị giết trong cuộc ẩu đả vì say rượu.

Ngay sau khi lên ngôi, Ekaterina II đã rút quân Nga giúp Phổ về nước, không tham gia cuộc chiến tranh 7 năm và từ đây Nga nổi lên như một cường quốc mạnh ở Đông Âu. Về phía các sĩ quan tham gia “đảo chính” đã được Ekaterina II ban phát hơn 80 vạn nông dân, miễn thuế, nghĩa vụ quân dịch và nhiều bổng lộc khác, còn về phía nông dân, bà lại ra tay đàn áp, bắt lính và đưa họ đi đày ở Siberia.

Với chính sách này, Ekaterina II đã tạo điều kiện cho giới quý tộc, địa chủ gian ác lộng hành, ức hiếp nông dân. Đơn cử như một địa chủ mới nổi tên là Saltukova ở Matxcơva đã cướp đi sinh mạng của 75 nông dân hoặc chính Ekaterina II nhiều lần đã đánh đập nông dân, đổ cả nước sôi lên người họ, tra tấn dã man, cho địa chủ dùng nông dân làm món hàng để buôn bán, đổi lấy chó săn hoặc dùng trao đổi trong các trò chơi đỏ đen, cờ bạc.

Sự tàn ác của Ekaterina II đã dấy lên lòng căm phẫn của nông dân, xuất hiện nhiều phong trào nổi dậy như của Y.Ivanovich Dugachyov ở vùng sông Đông năm 1774 và nhiều vụ bạo loạn khác. Lo sợ trước phong trào nổi dậy của nông dân, Ekaterina II đã ngừng giao chiến với đế quốc Ottman để quay về trấn an trong nước, đưa ra nhiều biện pháp nhằm củng cố chế độ chuyên chế, nông nô mà bà đang điều hành.

Nước Nga dưới thời Ekaterina II được chia ra 50 tỉnh, tỉnh nào cũng có quân đội, cảnh sát để ngăn chặn các cuộc nổi loạn của nông dân. Về chính sách đối nội, Ekaterina II đã được tôn vinh là Nữ hoàng khai sáng, lấy chính sách ngu dân để trị nhưng bề ngoài lại muốn nâng cao dân trí, công khai thi hành chính sách củng cố trật tự nhà nước phong kiến.

Về đối ngoại, Ekaterina II cũng gặt hái được khá nhiều thành công nhờ tập hợp được nhiều cận thần xuất sắc, vì vậy, đế chế Nga dưới thời Ekaterina II đã thực hiện được nhiều cuộc chinh phạt, thôn tính, làm chủ nhiều vùng đất rộng ở khu vực phía Bắc, biển Đen, vùng phía Tây Ukraina… với diện tích lên tới trên 500.000km2.

Tham chiến với Thổ Nhĩ Kỳ (1768-1774), hòa giải được một số mâu thuẫn và xung đột của các nước châu Âu, tuy nhiên công của Ekaterina II mới chỉ mang tính khai sáng. Với hơn 30 năm trị vì, Ekaterina II đã đưa nước Nga trở thành cường quốc sánh vai cùng các nước châu Âu cuối thế kỷ 19, chính vì vậy mà bà đã được ví là một trong những vị vương quân vĩ đại và thành công nhất của châu Âu vào thế kỷ 18, nhưng mặt khác bà cũng bị phê phán kịch liệt bởi lợi dụng trí tuệ và nền văn minh của thế kỷ Khai sáng ở châu Âu cho mục đích trấn áp nông dân, kìm hãm sự phát triển trí thức, chính điều này mà chế độ quân chủ chuyên chính của bà tồn tại không bền vững.

Nữ hoàng Ekaterina II bị chỉ trích là người phóng đãng trong cuộc sống riêng tư, thậm chí còn bị đặt cho biệt danh “Hoàng hậu Messalina phương Bắc” hay “Hoàng đế Claudius”. Quả thực, từ khi lấy chồng năm 15 tuổi cho đến lúc qua đời ở tuổi 67, Ekaterina II có rất nhiều người tình, từ những đại quý tộc tài năng quyền cao chức trọng như Công tước Saltykov cho đến những kẻ bất tài và có cuộc sống riêng tư rất đáng ngờ. Người tình đầu tiên của Ekaterina II là một viên thượng quan trong triều, Bá tước Sergei Vasilievich Saltykov.

Chính Ekaterina II đã loan tin đồn Pavel Petrovitch (tức Nga hoàng Pavel I) là kết quả của cuộc tình vụng trộm nói trên dù Pavel giống hệt với vua cha Pyotr III về ngoại hình xấu xí và về trí lực thấp kém. Người tình thứ hai của bà, người đã đưa bà đến ngôi Nữ hoàng nước Nga chính là một vị quan cao cấp trong triều tên là Grigori Orlov.

Nữ hoàng Nga cũng có quan hệ tình ái với Stanisław August Poniatowski, người được bà đưa lên làm vua Ba Lan sau này. Ekaterina II cũng là người rất phung phí, làm hao tổn công quỹ không ít vì bà luôn tỏ ra rất hậu hĩnh với những người tình, ngay cả khi mối quan hệ kết thúc.

Một trong những điểm phát tán nguồn tin Nữ hoàng Nga chết khi cố gắng làm chuyện “không đứng đắn” là từ Pháp, đặc biệt là trong giới quý tộc, cụ thể hơn là từ Nữ hoàng Pháp, Marie Antoinette – “người đàn bà độc ác” khiến cả Châu Âu ghét cay ghét đắng. Nghe đồn, chính Antoinette đã cho phát tán nguồn tin để bêu xấu Ekaterina II mặc dù Ekaterina II là người đứng đầu quốc gia, thừa tiền và thừa quyền. Về giả thiết Ekaterina II chết trong nhà vệ sinh mới xuất hiện trong những năm gần đây.

Theo giả thiết này thì bà đã bị kẻ xấu giết hại trong khi đi vệ sinh, tuy nhiên vẫn chưa thuyết phục bởi xung quanh bà lúc nào cũng có các cận thần hộ tống. Ngoài giả thiết trên, trong cuốn sách của tác giả, nhà sử học người Nga – Alexander thì vào cuối đời, Nữ hoàng Ekaterina II mắc bệnh thần kinh, bị ngã nhiều lần nhưng được bác sĩ chăm sóc rất tận tình và được các linh mục làm lễ cầu may trong suốt 12 giờ liền trước khi qua đời vào lúc 9 giờ 45 phút tối ngày 6/11/1796.

Đặc biệt, trong khoảng thời gian 45 phút trước khi qua đời, bà còn được bác sĩ người Scotland tên là John Rogerson chăm sóc rất chu đáo nhưng do chứng đột quỵ quá nặng nên bà đã ra đi. Thể theo nguyện vọng, Nữ hoàng Ekaterina II được mai táng theo đúng di chúc viết năm 1792 nhưng không ghi ngày tháng cụ thể.