Tạm Biệt Versailles

Chương 42



Hôm nay trời đẹp, Lavoisier vui vẻ ngồi trong xe ngựa. Xe ngựa chạy dọc sông Seine, hướng tới viện hàn lâm cung điện Louvre.

Trong xe có một chiếc rổ, bên trong đựng pho mát, chân giò hun khói, một chiếc baguette tối qua anh ấy mang từ cung điện Versailles về. Anh ta thường có thói quen mang đồ ăn tới viện hàn lâm dùng bữa, như vậy sẽ tiết kiệm thời gian hơn.

Bởi vì vũ hội kết thúc muộn, hôm nay Lavoisier dậy muộn. Anh ta bỏ qua bữa sáng, ngay cả bữa trưa cũng không ăn, giữa trưa mới tới cung điện Louvre.

“A?” Lúc ngang qua cây Kraków thuộc hoa viên Hoàng gia, Lavoisier tò mò ló đầu.

Tuy bình thường học giả quốc gia thường xuyên qua lại hoa viên Hoàng gia, nhưng con phố chưa bao giờ náo nhiệt.

Chà, Lavoisier nhớ ra rồi, con phố này khá quen mắt. Đây chẳng phải trụ sở tòa soạn “Rheinische Zeitung” sao?”

Mấy năm trước anh ta dẫn nữ đại công tước Áo tới đây, bởi vậy vẫn có chút ấn tượng.

Hiện tại xe ngựa vây quanh con phố, chật kín như nêm cối.

“Thưa ngài!” Lavoisier cởi mũ, hỏi thăm xe ngựa gần nhất, “Mọi người đang làm gì vậy? Sao đông thế?”

“A, ngài không tin được đâu, chúng tôi tới đây mua báo. Đáng tiếc con phố này hẹp quá, hơi chen chúc đã chật kín, muốn ra cũng không ra được, vậy nên đi bộ nhanh hơn.”

“Mua báo?” Lavoisier ngạc nhiên.

Tối qua anh ta và Laplace cũng đọc báo, tuy hiếu kỳ chuyên mục tiểu thuyết còn tiếp, nhưng không ngờ tin tức lan truyền nhanh như vậy.

Con người là một quần thể xã hội, ban đầu Lavoisier không nghĩ gì, nhưng thấy dòng người, đột nhiên anh ta nghĩ “mình cũng muốn xem bên trong viết gì”.

Lavoisier tự hỏi một lát, nói với nam hầu: “Mua giúp tôi một tờ… lát nữa mang tới viện hàn lâm.”

Anh ta tới viện hàn lâm, tập trung nghiên cứu hóa học, tạm thời vứt mọi chuyện ra sau đầu.

Nam hầu đưa tờ báo cho Lavoisier, anh ta khoát tay, “Đặt ở kia đi.”

Mấy tiếng sau, bụng Lavoisier réo gọi.

Đột nhiên anh ta nhớ ra: A, quên dùng bữa.

Cung điện Louvre có phòng hâm nóng thức ăn, các học giả có thể nhờ phòng hâm nóng hỗ trợ làm nóng thức ăn. Phần lớn các học giả đều không cần, bọn họ thường xuyên xuống nhà ăn hoặc ăn đồ lạnh, không nhất thiết phải đun nóng.

Lavoisier cũng không định đun nóng.

Cho tới khi anh ta cầm dao cắt chiếc baguette – Cộc!

Baguette chỉ dính vệt trắng, tuyệt không sứt mẻ.

Lavoisier: “???”

Đây là bánh mì hay tảng đá?

Không đúng. Rõ ràng tối qua ở vũ hội anh ta dùng dao cắt baguette rất dễ, bên trong mềm mại mịn màng. Mới chỉ qua một đêm, nó đã cứng như đá?!

Lavoisier không tin, nhưng chiến đấu với bánh mì nửa ngày, anh ta chịu thua.

Đúng là chiếc bánh mì ma quỷ! Nếu lần sau về muộn, chắc chắn anh ta sẽ dùng baguette chiến đấu với kẻ bắt cóc!

Thôi, không ăn bánh mì nữa, dùng chút pho mát và chân giò hun khói cũng được, chẳng qua hơi mặn.

Lavoisier không lãng phí thời gian với bánh mì, quay sang cắt mấy miếng pho mát. Nhìn “Rheinische Zeitung” bên cạnh, anh ta thuận tay cầm lên.

“Vợ chồng Thái Tử treo giải thưởng máy hơi nước ở salon, Nikola Tesla đoạt giải.”

Nhớ lại chuyện tối qua, Lavoisier kích động.

“Mùa hè kết thúc, các khu điền sản lớn nước Pháp bắt đầu vào mùa thu hoạch lúa mì.”

Chà, không tệ. Giá bánh mì giảm hơn chút.

“Ngân hàng Mainton tuyên bố phá sản, ngân hàng Paris lao đao.”

Lavoisier nhíu mày đọc báo. Do tình hình chiến sự giữa Nga, Áo và Phổ ở Ba Lan – Litva, ngành tài chính tiền tệ dao động. Ngân hàng Mainton là ngân hàng đầu tiên không trụ được.

Nhớ lại mấy năm trước, ngân hàng Mainton là ngân hàng giàu nhất trong số các ngân hàng ở Paris. Đứng trước chiến tranh, nó vẫn phải chịu thua. Lavoisier không khỏi thổn thức.

Bên dưới còn có “‘Rheinische Zeitung’ chỉ bạn điệu nhảy mới – Ba bước học Waltz”.

Thật thú vị, bên dưới còn chú thích hình vẽ minh họa. Báo chí thường không in ảnh, bởi vì kỹ thuật in ấn có phần khó khăn.

Nhưng hình vẽ tí hon chú thích vô cùng dễ thương. Đường cong chính là tứ chi, hình tròn là đầu. Tuy nó khá giống thể loại tranh trừu tượng, nhưng người xem vừa nhìn đã hiểu, rất có tính sáng tạo. Chẳng lẽ “Rheinische Zeitung” mới thay nhà thiết kế? Phong cách này không giống trước kia.

Lavoisier học xong điệu Waltz, tiếp tục nhìn xuống phía dưới.

Đây là… Lavoisier thẳng lưng.

Công thức làm bánh sừng bò và baguette?

Bên dưới còn có dòng chữ nhỏ đóng khung, viết: “Lưu ý khi ăn baguette: Bạn sẽ nhanh chóng phát hiện loại bánh mì này rất thích hợp bảo tồn giữa gió biển vùng Liberia. Nếu để qua đêm, nó sẽ cứng hơn dao của bạn (chúng tôi chân thành đề nghị bạn không dùng răng nanh thử sức).

Bạn nên trực tiếp ăn luôn ngay khi bánh vừa ra lò. Nếu để qua ngày, bạn hãy dùng dao răng cưa cắt thành lát, nướng lại một lúc, ăn kèm với canh nóng hoặc hoa quả đều rất ngon.”

Lavoisier ngẩn ra, chăm chú nhìn chiếc bánh mì dính vệt trắng.

Cảm ơn “Rheinische Zeitung”! Bữa trưa của anh ta được cứu rồi.

...

Tối qua “Rheinische Zeitung” ở cung điện Versailles cháy hàng. Sáng nay bên tiêu thụ gửi ghi chép của Versailles tới, Henriette mừng húm.

“Điện hạ! Thần vui quá! A, người đúng là thiên sứ Thượng Đế phái tới cho ‘Rheinische Zeitung’! Giấc mơ làm phóng viên và tác giả của thần có thể tiếp tục rồi!”

“Lili, ta cũng mừng thay cô.” Antonia mỉm cười, ngẩng đầu.

“Điện hạ? Người đang vẽ gì vậy ạ?” Cô ấy thò lại gần.

Antonia chuyên tâm vẽ tranh, thậm chí còn tìm bá tước Noailles mượn thước đo, thoạt nhìn khá chuyên nghiệp.

“Woa, đây là cung điện Versailles ạ?” Henriette than, “Điện hạ vẽ chuyên nghiệp chẳng khác nào kiến trúc sư.”

Antonia không đỏ mặt, bởi vì cô vốn giỏi hội họa. Hiện tại làm cái này… miễn cưỡng coi như nghiên cứu kiến trúc.

Hai người chỉ quan tâm bức tranh, không để ý thị nữ trẻ tuổi nghe Henriette nói xong, sắc mặt hơi thay đổi.

“Nhưng dạo gần đây người thường xuyên ngồi lâu, không tốt cho thắt lưng!” Henriette vỗ vai Thái Tử phi, “Người nhìn đi, hôm nay trời đẹp, chẳng bằng ra ngoài dạo chơi!”

Antonia bị cô ấy năn nỉ ỉ ôi, không còn cách nào khác, “Được rồi, vậy chúng ta ra ngoài rừng cây ăn dã ngoại?”

“Ăn dã ngoại?” Henriette chớp mắt, “Đó là gì?”

À, lại nữa.

Những con người Versailles đáng thương chưa bao giờ tận hưởng niềm vui ăn dã ngoại.

Antonia kiên nhẫn giải thích cho Henriette không phải lúc nào cũng sẽ dùng bữa trên bàn ăn, còn có thể trải thảm lên cỏ xanh, đặt thức ăn lên trên. Bên trong rổ sẽ chuẩn bị sẵn thức ăn, như vậy vừa có thể ăn vừa ngắm cảnh!

Henriette sáng mắt, “Thần lập tức chuẩn bị ngay!”

Antonia đứng lên, vừa quay đầu, bỗng thấy thị nữ cúi đầu lắp bắp, “Điện hạ… thần không thoải mái… thần không đi được ạ.”

Antonia lại gần, lo lắng nhìn cô ta, “Cô sao thế? Cần ta mời bác sĩ không? Có phải dạo gần đây nhiệt độ chênh lệch, cô bị cảm, hoặc ăn cái gì không tốt?”

“Thần không sao…” Thị nữ cúi đầu, “Thần chỉ hơi… không thoải mái. Điện hạ không cần quan tâm thần, người cứ ra ngoài đi.”

Antonia lo lắng hỏi mấy câu, thấy thị nữ thực sự không sao, bất đắc dĩ nói: “Vậy được rồi. Nghỉ ngơi cho tốt, nếu có chuyện gì nhớ tìm người gọi ta.”

Nói thật, sống ở Versailles mấy trăm năm, sau khi quay trở về, Antonia nghĩ sao cũng thấy cung điện Versailles không sạch sẽ, rất dễ sinh bệnh.

Đồ ăn dã ngoại đã chuẩn bị xong, Antonia và Henriette xuất phát.

Chờ các cô lên xe ngựa băng qua cung điện Versailles, dạo quanh đường lớn Apollo, đi vào trong rừng, đồ ăn dã ngoại cũng được mang đến.

Thấy Antonia và các thị nữ, nữ hầu líu ríu rời đi, thị nữ không thoải mái trộm nhìn cánh cửa.

Cô ta cẩn thận liếc bốn phía, xác nhận trong phòng không còn ai, lúc này mới đẩy cửa ra, rón rén đi vào phòng ngủ trong cùng của Thái Tử phi.

...

Cung điện Versailles là cung điện rộng lớn được xây dựng trên một vùng đất phẳng, xung quanh còn có công viên hoàng gia mênh mông vô bờ.

Cung điện này tiêu tốn hai mươi năm của Louis XIV.

Sau khi cung điện hoàn thành, ông ta như ý nguyện rời khỏi Paris, tới cung điện “vầng Thái Dương” của ông ta. Versailles là một cung điện lớn với hơn hai nghìn phòng, xung quanh là hồ nước phun, kênh đào, hoa viên và rừng rậm.

Đây là nơi Quốc Vương Pháp thể hiện quyền uy tối cao.

Cung điện Versailles nước Pháp đã tồn tại gần trăm năm.

Suốt một trăm năm qua, xung quanh mọc lên vô số cung điện, hoa viên. Từ một vùng đất hoang vu cằn cỗi, nó trở thành Versailles như bây giờ. Quý tộc và người dân đuổi theo bước chân Quốc Vương. Quốc Vương ở đâu, trái tim quốc gia ở đó.

Đáng tiếc không phải Quốc Vương nước Pháp nào cũng có dã tâm, quyền lực… và may mắn như Louis XIV.

Antonia ngồi trong xe ngựa ngắm mặt cỏ xanh tươi, ao hồ, bồn hoa và rừng cây, nhớ lại đống tri thức lịch sử. Bởi vì nghe quá nhiều về Versailles, cô tự nhận bản thân có thể làm hướng dẫn viên du lịch cho Henriette.

Đúng lúc này, xe ngựa từ từ dừng lại.

Xe ngựa đối diện cũng dừng lại, Thái Tử ló đầu ra, “Thái Tử phi đi đâu vậy?”

“Em tới rừng cây nhỏ ăn dã ngoại.” Antonia đáp.

“Ồ!” Tuy Louis không biết ăn dã ngoại là gì, nhưng anh ấy xấu hổ không dám thừa nhận trước mặt mọi người.

Louis cảm giác đó là chuyện đáng giá để thử, “Ta đi cùng được không?”

“Đương nhiên không thành vấn đề, điện hạ.”

Antonia nhớ lại kiếp trước bản thân từng thử lấy lòng Thái Tử. Ngày sinh nhật Louis, cô tổ chức bữa tiệc nhỏ riêng tư cho anh.

Hình thức dã ngoại giống hệt cung Schönbrunn, địa điểm ở rừng cây nhỏ trong cung điện Versailles. Đó là món quà bất ngờ tặng Louis, khi đó anh ấy vô cùng ngạc nhiên.

Antonia mỉm cười đứng lên, “Em tin tưởng chàng sẽ thích.”

_______

Một số bình luận của cư dân mạng Trung:

– Cô nàng thị nữ định làm gì?

– Baguette thật đúng là… Lúc trước tôi làm baguette truyền thống, có cả mỡ và muối. Mẻ vừa ra lò ăn rất ngon, nhưng khi để qua đêm, nó thiếu điều bẻ gãy răng tôi. Lúc đập xuống bàn nó còn kêu cộc cộc!

– Chẳng lẽ thị nữ định ăn trộm bức tranh?

– Báo chí nên khai thác thêm về “văn học baguette”. Chờ Sa Hoàng Nga tới đây, mọi người có thể làm một trận “baguette VS bánh mì đen”.