Thanh Cung Mười Ba Triều

Chương 36: Khoan ôn nhân thánh hoàng đế



Thấy Đa Nhĩ Cổn có công, Thái Tông hoàng đế tỏ ra hết sức thân thiết với em.

Ngài thường truyền cho hai vợ chồng Cổn vào cung tiệc tùng.

Văn hoàng hậu thấy Cổn đã trở thành một chàng trai đương sức, càng tỏ vẻ thân mật hơn.

Bà thuộc nòi đa tình, thân thể ngọc ngà xinh đẹp, dù là ai khi nhìn thấy cũng khó thể không động lòng mê mẩn.

Bởi vậy khi bà đưa trái cây cho Cổn, thì Cổn cũng vội đưa tay ra đón lấy và cố áp chạm vào da trắng muốt của bà.

Làn da vừa trắng vừa mịn kia đã gieo một cảm giác kỳ lạ vào lòng chàng, tim chàng như ngừng đập.

Cổn tự nhủ: da thịt của Tiểu Ngọc Nhi vợ chàng cũng trắng mịn và quyến rũ chẳng khác gì da thịt của chị nàng - còn gì mê ly hơn nếu ta được dịp du hành trên cả hai làn da tấm ngực ấy.

Cổn chưa chịu để trí tưởng tượng chấm dứt nơi đây.

Chàng còn tâm niệm một điều là quyết làm sao cho kiếp sống này phải có được những phút say sưa cuồng dại bên tấm thân ngà ngọc của bà chị vợ, thì dù có nát thịt tan xương chàng cũng cam lòng.

Nghĩ tới nghĩ lui, Cổn mất cả tự chủ, đôi mắt chàng cứ chầm chập nhìn Văn hậu.

Văn hậu thấy đôi mắt Cổn nhìn bà đến ngây dại thì biết rằng lòng chàng đã có ý tưởng tội lỗi.

Bà cũng nhìn thẳng vào mặt Cổn, thấy hàng mi chàng xanh, mắt chàng đẹp, môi chàng đỏ, răng chàng trắng vẫn giống in như ngày bà đã vì quá động tình đặt một cái hôn nồng cháy lên môi chàng dưới bóng cây hòe trong hoa viên.

Bất giác lòng bà xao động mạnh, bứt rứt xốn xang.

Bà vội quay mặt đi nhưng làm sao có thể che giấu được đôi má lúc đó đã ửng hông vì yêu đương, vì thèm muốn, vì xấu hổ! May thay, lúc đó Thái Tông hoàng đế đang mải nói chuyện với Tiểu Ngọc Nhi nên không lưu ý tới cuộc ngoại tình thầm kín đó của hai người! Tuy vậy cái tình cảm đó một khi đã gieo thì làm sao mà diệt, để rồi về sau một đoạn phong tình đã được thêu dệt tân kỳ, không ai thể ngờ trước được.

Phải chăng đó là duyên phận từ tiền kiếp của hai người, khó thể cưỡng lại định mệnh? Nhưng đó là chuyện về sau.

Qua ngày thứ hai, Thái Tông hoàng đế toạ trào, Võ Anh quận vương là A Tế Cách xuất ban tâu rằng:

- Tâu bệ hạ! Nay có Minh tướng là đê đốc binh đại nguyên soái Khổng Hữu Đức và Tổng binh quan Cảnh Trọng Minh đốc vận lương thảo, đem một vạn ba ngàn tám trăm bảy mươi tư tên quân sĩ tới hàng ta.

Quân binh của hai tướng đang đồn trú tại An Đông.

Hiện nay có hàng thư tại đây.

Kính xin bệ hạ cho ý chỉ!

Nói đoạn, Cách hai tay dâng bức hàng thư lên ngự điện.

Thái Tông bóc thư xem.

Thư đại lược nói:

"Trước đây, bản soái vâng lệnh điều quân Tây viện, nhưng tiền lương thiếu thốn, dọc đường lại bị nhân dân đóng cửa bãi chợ, cho nên ngày chẳng được ăn đêm chẳng được ngủ đành phải nhịn tức nuốt hờn.

Bản soái hành quân tới Ngô kiều lại bị bọn ác quan ngăn chặn, đến nỗi quân binh nổi giận, phá tan Tân Thành, đánh chiếm Đăng Châu, sau đó thu phục thêm nhiều châu quận.

Nhưng chẳng bao lâu viện quân khắp nơi kéo tới vây khốn quân của bản soái suốt nửa năm.

Vì lương ít quân của bản soái đành phải bỏ Đăng Châu, vượt tới Quảng Hải đảo.

Bản soái thừa cơ thu phục các đảo Quang Lộc, Trướng Sơn Thạch Thành.

Từ lâu, bản soái đã có lòng ngưỡng mộ Minh Hãn coi như một tay anh hùng hảo hán trong thiên hạ, có cái chí cái tâm của Nghiêu, Thuấn, Thang, Võ.

Bởi vậy bản soái nguyên đem quân đầu hàng, đặc sai phó tướng Lưu Thừa Tô, Tào Thiệu Trung làm quang dung, mong Minh Hãn thừa cơ hội tốt này để hoàn thành đại sự.

Đó chính là trời ban phúc cho Mãn mà cũng là cái may lớn cho bản soái vậy!".

Thái Tông xem xong bức thư, bất giác cả mừng, lập tức truyền cho Lưu Thừa Tổ, Tào Thiệu Trung hai người vào bệ kiến.

Ngài ngợi khen bọn Lưu, Tào mấy câu, rồi hạ lệnh cho Nhị bối lặc, Tam bối lặc, bối tử Bắc Lạc Nội, đại thần Đỗ Nhĩ Cách đem đại đội người ngựa tới An Đông đón tiếp nguyên soái Khổng Hữu Đức.

Minh triều cùng Triều Tiên được tin Khổng Hữu Đức, Cảnh Trọng Minh đóng quân trên bờ sông An Đông bèn điều động binh mã kéo tới chặn đánh.

Quân Mãn xuất lực cự địch quyết liệt.

Hơn nữa quân của hai tướng Khổng, Cảnh lâm vào tuyệt địa nên liều chết kháng cự, rốt cuộc được an toàn mà qua sông.

Thái Tông liền truyền dụ cấp nhà cửa ruộng đất cho cánh quân này ở miền Liêu Dương.

Khổng, Cảnh trong lòng mười phần cảm kích, có ý muốn vào Hưng Kinh triều kiến Thái Tông để bày tỏ lòng ân.

Họ thảo một tờ biểu tạ ơn như sau:

"Hoàng thượng vạn phúc vạn an.

Bọn Đức tới nơi thì quan binh đều đã chuẩn bị.

Nhờ được cấp dưỡng, ơn lớn như trời bể.

Bọn Đức có ý muốn tới đô môn để tạ ơn, nghe lời chỉ dụ của hoàng thượng, được khấu đầu ở cửa khuyết.

Biệt bao nỗi run sợ lo âu".

Nghe tin Khổng, Cảnh hai tướng muốn tiến kinh.

Thái Tông hoàng đế bèn đích thân đem theo các bối lặc, đại thần ra khỏi thành đón rước.

Khổng Hữu Đức và Cảnh Trọng Minh khi đi tới hữu ngạn sông Hỗn Hà, đã được bệ kiến nhà vua.

Ngài ngự trong một cái lều lớn toàn bằng vải đoạn vàng.

Khổng và Cánh vào trướng, nằm bò xuống mặt đất, dập đầu, miệng nói:

- Đa tạ ơn trời của hoàng thượng.

Thái Tông vội bước xuống, đích thân nâng hai người dậy.

Ngài còn giơ tay ra ôm choàng ngang lưng họ.

Bọn đại thần đứng hai bên thấy vậy ngạc nhiên, mặt biến sắc.

Cái ôm đó chính là một hình thức lễ nghi của người Mãn, tỏ lòng vô cùng kính trọng.

Nay Thái Tông dùng đến lễ nghi đó khiến cho bọn đại thần ngạc nhiên vì không hiểu tại sao ngài xem trọng bọn hàng tướng này đến thế.

Cuộc kiến lễ đã xong.

Thái Tông hoàng đế ban yến ngay trong trướng.

Ngài hạ thánh chỉ phong Khổng Hữu Đức làm Đồ nguyên soái và Cảnh Trọng Minh làm Tổng binh quan.

Hai người lãnh chỉ tạ ơn.

Ngày hôm sau, Thái Tông hoàng đế trở về kinh.

Khổng, Cảnh hai người cũng được đi theo.

Suốt mấy ngày, các bối lặc, đại thần luân phiên nhau thế ngài để tiếp đãi hai người.

Cứ môi ngày bãi trào trở về quán khách, Khổng Hữu Đức lại cùng với Cảnh Trọng Minh đàm luận đến ơn đức của Thái Tông mà chưa có cách gì đền đáp.

Ít hôm sau, Khổng nghĩ ra được một cách mà y cho là đắc sách lắm.

Tức thì Khổng cho mời một số lớn bối lặc, đại thần khắp Mãn Châu, Mông Cổ lại quán khách, thương nghị về việc tôn hiệu cho hoàng đế.

Thế là cả bọn nghe theo, rồi giao cho Phạm Văn Trình thảo biểu văn.

Tờ biểu còn được viết ra ba thứ chữ Mãn, Mông, Hán.

Sáng sớm tinh sương Thái Tông thiết triều.

Lại bộ kiêm Thạc mặc cẩn Căn Đại Thanh, bối lặc Đa Nhĩ Cổn bưng tờ biểu viết chữ Mãn, Khoa Nhĩ Bí quốc, Thổ Thạc Đồ Tế Nông bưng tờ biểu viết chữ Mông.

Còn Khổng Hữu Đức bưng tờ biểu viết chữ Hán.

Cả ba vị đại thần nhất tề quỳ xuống trước điện, đợi thị vệ quan bưng biểu văn lên đặt trên long án.

Thái Tông cầm tờ biểu lên đọc.

Biểu rằng:

"Chư bối lặc, đại thần, văn võ các quan, cùng các bối lặc nơi phiên ngoại, cung duy Thánh thượng, nhờ trời phò trợ, ứng vận mà hưng nghiệp.

Giữa lúc thiên hạ hỗn loạn, ngài hữu đức, theo trời; kẻ nào nghịch lại thì dùng binh mà ra oai, kẻ nào thuận theo thì lấy đức mà vỗ về.

Lòng khoan hậu, tính ôn nhu của ngài phổ độ tới muôn phương.

Ngài chinh phục Minh triều, ngài thống nhất Mông Cổ - Ngài còn thâu được ngọc tỷ, khiến Nội Ngoại (Mông) hợp một tên.

Trên thì hợp ý trời, dưới thì thoả lòng dân.

Bởi vậy thần dân ngưỡng vọng lòng tôn kính dâng tôn hiệu.

Nghi lễ mọi thức đều đã hoàn bị.

Rất mong thánh thượng doãn tứ, để thần dân khỏi thất vọng".

Thái Tông hoàng đế xem biểu bèn nói:

- Hiện nay thời cuộc chưa yên.

Lúc này chinh là lúc dùng binh, làm gì rảnh rỗi mà nghĩ tới điều đó.

Các bối lặc, đại thần nhất tề khuyến giá.

Mọi người đồng thanh nói:

- Xưa nay thường nói: danh có chính thì ngôn mới thuận.

Hoàng thượng công trùm hoàn vũ.

Nay hoàng thượng dùng binh đánh Minh quốc thì trước hết phải có tôn hiệu, rồi sau hạ chiếu thư chiến đấu với Minh triều mới phải.

Thái Tông hoàng đế nghe bọn triều thần nói có lý, bèn gật đầu ưng chịu.

Thế là ngài cho chọn ngày tốt, tế cáo trời đất, vâng chịu tôn hiệu "Khoan ôn nhân thánh hoàng đế", đổi quốc hiệu ra Đại Thanh, cải nguyên Sùng Đức năm thứ nhất.

Ngày hôm sau, Thái Tông đem theo bọn bối lặc tới tế cáo nơi Thái Miếu, tôn ông Thuỷ tổ làm Trạch Vương, ông Cao tổ làm Khánh Vương, ông Tằng tổ làm Xương Vương, tôn ông nội làm Phúc Vương, tôn vua Thái tổ Nỗ Nhĩ Cáp Tề làm Võ hoàng đế.

Và từ đó miếu thì gọi Thái miếu, lăng thì gọi Phúc lăng.

Nhà vua lại phong Khổng Hữu Đức làm Cung Thuận Vương.

Cảnh Trọng Minh làm Hoài Thuận Vương, các bối lặc, đại thần ai cũng được gia phong quan tước.

Mặt khác ngài còn phong Duệ Thân Vương Đa Nhĩ Cổn làm Thống soái tiến quân tới sông Đại Lăng kịch chiến ba ngày ba đêm phá tan thành này, bắt được tướng Minh là Tổ Đại Thọ.

Thọ bị bắt nhưng lại được thả ra cho trở về nước để giúp Thanh triều làm nội ứng.

Cổn lại tiến quân vây chặt Cẩm Châu.

Tin thất thủ liên tiếp báo về Minh triều, Hy Tông hoàng đế bèn phong Hồng Thừa Trù làm kinh lược sứ, đem bọn Vương Phác, Tào Loan Giao, Mã Khoa, Ngô Tam Quế, Lý Phụ Minh, Đường Thông, Bạch Quảng Án, Vương Đình Thân, tám viên quan tổng binh cùng với hơn hai trăm viên tham tướng thu bị và mười ba vạn người ngựa tới Cẩm Châu.

Minh quân đóng doanh tại phía bắc thành Tùng Sơn trên ngọn núi Nhú Phong.

Đa Nhĩ Cổn được tin quân Minh binh thế lớn mạnh, sợ một mình địch không nổi bèn cho kỳ bài quan về Hưng Kinh cầu viện.

Thái Tông hoàng đế được tin đó lập tức điều động binh mã, thân hành chỉ huy kéo rốc tới Cẩm Châu, giao mọi việc quốc chính ở Hưng Kinh cho Trịnh Thân Vương Tế Nhĩ Cáp Lãng trông nom.

Chẳng bao lâu, đại binh của Thái Tông đã kéo tới phía tây bờ sông Liêu Hà.

Đa Nhĩ Cổn đi tiếp giá và thuật lại cho Thanh đế biết quân của Hồng Thừa Trù đã tấn công doanh trại của hữu dực quân do Thổ Tạ Đồ Thân Vương trấn đông nhưng đã bị đẩy lui.

Thái Tông nghe xong, im lặng chẳng đáp, cưỡi ngựa đem theo một số đông thân vương, đại thần tới chân núi Tùng Sơn để xem tình hình quân Minh.

Khi về đến doanh ngài bèn hạ lệnh cho đại quân tản khai bao vây suốt một đoạn đường từ Tùng Sơn đến Hạnh Sơn, mặt khác đóng doanh trại từ Ô Cần Hà thẳng ra mai bờ bể, chặn con đường lớn.

Binh tướng Minh triều thấy bị quân Thanh bao vây kín khắp, kẻ nào kẻ ấy hoang hốt lo âu, đều có ý trốn chạy.

Qua ngày thứ hai, vào giữa lúc còn mờ sương, tám viên quan Tổng binh của Minh triều đều mang quân bản hộ đánh trống thổi tù và xông thẳng xuống tấn công mặt trận do Cát Bố Thập Hiền chỉ huy.

Cát Bố Thập Hiền đã được mật kế của Thái Tông hoàng đế từ trước, chỉ im lặng đợi chờ, không trương cờ, không nổi trống.

Hiền chờ quân Minh tiến sát đến cửa doanh, lúc đó mới phất ngọn cờ hồng, tức thì tứ phía trong doanh trại, vạn cây cung đều dương, vạn chiếc tên cùng bắn.

Chỉ trong nháy mắt tiền đội tiên phong của Minh quân đã gục chết, ít nhất là bốn, năm trăm.

Quân Minh hoảng sợ vội quay mình chạy trốn.

Người ngựa phía sau không hay biết gì, vẫn tiến lên, phút chốc trở thành đại loạn.

Quân Minh cứ thế tự đạp lên nhau, chết không biết bao nhiêu mà kể.

Quân Thanh thừa thế đuổi theo Võ Anh quận vương, A Tế Cách, bối tử Bác Lạc Nội, đại thần Đỗ Nhĩ Cách bốn mặt giáp công quân Minh, đuổi đánh tới mãi Tháp Sơn, mười hai kho quân lương của Minh binh cất ở núi Bút Giá đều bị quân Thanh cướp mất.

Bọn quan tướng nhà Minh bị thua một trận liểng xiểng hoảng sợ quá định chuồn về nước, vội triệt thoái bảy doanh bộ binh đóng ở Tùng Sơn.

Nhượng hồng kỳ binh của quân Thanh liền bố trí chặn đường.

Hôm sau, Hồng Thừa Trù truyền lệnh dốc toàn lực đánh phá đoàn quân này.

Hai bên tử chiến.

Giữa lúc kịch đấu một mất một còn, Minh quân bỗng thấy một chi quân mã, dương cao chiếc tán vàng phía dưới có một người oai phong lẫm liệt, với trên một con ngựa cao lớn.

Quân Minh giật mình kinh sợ, vội trốn chạy về bản doanh.

Thái Tông hoàng đế truyền lệnh đánh chiêng thu quân, một mặt triệu tập chư tướng vào lều nghị sự.

Nhà vua nói:

- Trẫm xét thấy quân Minh cờ quạt trong trại không được chỉnh tề.

Đêm nay thế nào chúng cũng bỏ trốn!

Nói đoạn, Ngài liền truyền cho Tả dực Tứ kỳ Bãi Nha Thích hợp với quân Mông Cổ của A Lễ Cáp, quân của Bố Cát Thập Hiền, bày thành trận tràng xà, dài suốt tới bờ bể, chặn đường rút lui của quân Minh..